Blog FOSS by Lê Trung Nghĩa

https://letrungnghia.mangvn.org


Hạ tầng Khoa học Mở và gợi ý cho Việt Nam

Hạ tầng Khoa học Mở và gợi ý cho Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Tia Sáng, số 17 năm 2022, xuất bản ngày 05/09/2022, các trang 19-21. Phiên bản điện tử có tại địa chỉ: https://drive.google.com/file/d/1IteaRSegdgqmSZGwUcnfQZD_7JRcubsO/view?usp=sharinghttps://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/ha-tang-khoa-hoc-mo-va-goi-y-cho-viet-nam/

Lưu ý: Phiên bản trên blog có chút khác biệt với phiên bản được biên tập trên tạp chí!)


Khoa học Mở được phát triển dựa vào 4 trụ cột: (1) Kiến thức khoa học mở; (2) Hạ tầng khoa học mở; (3) Sự tham gia mở của các tác nhân trong xã hội; và (4) Đối thoại mở với các hệ thống kiến thức khác.

Hình 1. Hạ tầng, một trong bốn trụ cột của khoa học mở

Hạ tầng khoa học mở được định nghĩa là các cơ sở vật chất, để trao đổi học thuật và các dịch vụ tạo điều kiện cho cộng đồng khoa học thu thập, lưu trữ, sắp xếp, truy cập, chia sẻ và đánh giá nghiên cứu. Theo Khuyến nghị khoa học mở của UNESCO – một trong những tài liệu về khoa học mở quan trọng nhất hiện nay, Các hạ tầng khoa học mở thường là kết quả các nỗ lực xây dựng của cộng đồng. Và đóng góp của cộng đồng mang ý nghĩa sống còn đối với tính bền vững dài hạn của các hạ tầng khoa học mở. Vì thế, chúng phải hoạt động không vì lợi nhuận, được đảm bảo truy cập được thường xuyên và không có hạn chế cho tất cả công chúng ở mức độ lớn nhất có thể[1].

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Khuyến nghị, UNESCO đã thành lập năm nhóm làm việc về khoa học mở mà trong đó một nhóm có nhiệm vụ phụ trách về Hạ tầng khoa học mở. Cuộc họp đầu tiên của nhóm này đã diễn ra vào 7/7 vừa qua[2], khơi mở những thảo luận đầu tiên về việc làm thế nào để các hạ tầng này có thể được duy trì và phát triển một cách bền vững và công bằng với tất cả mọi người trên toàn cầu.

Dù phong trào khoa học mở đang dâng cao, ngày càng nhiều hạ tầng khoa học mở xuất hiện. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó ra đời dựa vào các dự án ngắn hạn và không thể hoạt động một cách bền vững. Hơn nữa, nhiều tổ chức cấp vốn mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ việc xây dựng hạ tầng mà quên đi chi phí vận hành. Một khảo sát các tổ chức ở Châu Âu cho thấy, nếu không được tài trợ, thì khoảng hơn một nửa hạ tầng khoa học mở không thể trụ nổi trong quá một năm. Sự đóng cửa của các hạ tầng khoa học mở, dẫn đến điều đáng tiếc nhất là sự tan rã của các nhóm nghiên cứu và cộng đồng khoa học mở.

Trước thực tế đó, đã có những nỗ lực vận động duy trì, đánh giá và liên kết các nền tảng khoa học mở lại với nhau. Chúng tạo điều điện để các kiến thức khoa học mở đến được với công chúng một cách rộng rãi. Trong buổi họp đầu tiên của nhóm làm việc của UNESCO về hạ tầng khoa học mở, người nghe được chứng kiến ba sáng kiến nổi bật nhất thế giới hiện nay.[3]

Liên minh Bền vững Toàn cầu về các Dịch vụ Khoa học Mở – SCOSS (Global Sustainability Coalition for Open Science Services)[4] là một mạng lưới các tổ chức có ảnh hưởng bao gồm các hiệp hội trường đại học trên khắp thế giới, các thư viện, cơ quan nhà nước về nghiên cứu và giáo dục, cùng cam kết hỗ trợ cho các dự án hạ tầng khoa học mở. Để các dự án hạ tầng khoa học mở có thể tồn tại dài hạn, bên cạnh cấp vốn, điều quan trọng hơn mà SCOSS làm đó là “ươm tạo” và phát triển cơ sở hạ tầng khoa học mở. Trong đó, họ đánh giá nhu cầu tài chính, đồng thời kêu gọi tài trợ từ cộng đồng để dự án có thể phát triển bền vững. Họ cũng nâng cao năng lực quản trị đối với các hạ tầng khoa học mở và định hướng các hạ tầng này phải minh bạch về chi phí hoạt động để tạo dựng niềm tin đối với cộng đồng. Hiện nay đã có 300 tổ chức từ 24 quốc gia cam kết đóng góp tài chính cho SCOSS với 4.8 triệu euros và họ đã lựa chọn được 10 cơ sở hạ tầng để hỗ trợ, trong số đó có arXiv, một kho truy cập mở với hơn hai triệu công bố khoa học ở cả dạng tiền xuất bản và hậu xuất bản (preprint & postprint) trong hầu hết các ngành khoa học tự nhiên và kinh tế.

Hình 2. Tham gia và đầu tư vào hạ tầng khoa học mở hiện hành

Liên đoàn các kho truy cập mở - COAR (Confederation of Open Access Repositories)[5] là một tổ chức có sứ mệnh kết nối các kho tư liệu truy cập mở trên thế giới, sao cho chúng có thể tương hợp được với nhau. Tức là về cơ bản, các kho tham gia COAR sẽ có cách sắp xếp, trình bày, đảm bảo chất lượng dữ liệu theo một khung tiêu chuẩn nhất định, cho phép ai cũng có thể truy cập, tìm kiếm, thu thập dữ liệu dễ dàng. Kho truy cập mở (Open repository) là một trong những loại hạ tầng truy cập mở quan trọng nhất. Sự bền vững của các kho truy cập mở phụ thuộc vào các đặc tính cơ bản của chúng: phân tán, tương hợp, mở, bao hàm toàn diện, và tin cậy. Tính đến 7/2022, COAR thống kê được gần 6.000 kho truy cập mở trên khắp thế giới.

Hình 3. Có ít nhất gần 6.000 kho truy cập mở trên thế giới tới tháng 7/2022

Tổ chức Đầu tư vào Hạ tầng Mở - IOI (Invest in Open Infrastructure)[6]: Khác với SCOSS được đề cập ở trên, IOI không cấp vốn cho các hạ tầng khoa học mở. Họ chỉ nghiên cứu các tiêu chí đánh giá thế nào là một hạ tầng khoa học mở tốt, đáng được đầu tư và các mô hình đầu tư cũng như thời gian đầu tư như thế nào là phù hợp. IOI tập trung vào ba khía cạnh để đánh giá một hạ tầng nguồn mở bao gồm: công nghệ đáng tin cậy, ưu tiên là công nghệ mở, không bị phụ thuộc vào một doanh nghiệp, tổ chức; người vận hành các hạ tầng này đáng tin cậy với lợi ích rõ ràng là vì cộng đồng, lấy lợi ích của cộng đồng làm trung tâm; hạ tầng này cung cấp dịch vụ một cách công bằng, bình đẳng cho mọi người. IOI cũng nỗ lực tăng cường sự hiểu biết của công chúng đối với hạ tầng khoa học mở bởi xét cho cùng, các hạ tầng này không mạng lại lợi nhuận tài chính cho các nhà đầu tư mà mang lại giá trị xã hội thông qua việc cung cấp tri thức cho cộng đồng. Trong bài trình bày của mình, họ có đưa ra năm mô hình đầu tư rất đáng tham khảo: Thứ nhất, là nhà cấp vốn sẽ tiếp tục đầu tư cho một hạ tầng khoa học mở nếu hạ tầng này duy trì được những giá trị hai bên đặt ra ban đầu (chẳng hạn như dự án phải thuộc sở hữu của cộng đồng, mã nguồn mở, phi lợi nhuận…). Thứ hai là phương thức đầu tư linh hoạt, tức là có thể không cấp tiền mà hỗ trợ về khía cạnh vận hành, phát triển sản phẩm, kết nối với cộng đồng…Thứ ba là phương thức đầu tư trong một thời gian giới hạn, chẳng hạn như chỉ đầu tư trong 3-5 năm, sau đó, hạ tầng này phải “tự bơi”, hoặc để bán cho các thực thể thương mại nếu không có khả tồn tại bền vững lâu dài nữa. Thứ tư là phương thức đầu tư hỗn hợp, dự án được phát triển sao cho phù hợp với mục đích của nhiều nhà cấp vốn, từ các quỹ từ thiện cho đến các quỹ tư nhân, quỹ của doanh nghiệp, chính phủ, viện – trường, dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Cuối cùng là các hình thức duy trì nguồn lực bằng cách kết hợp, chia sẻ với các tổ chức, chương trình khác có cùng mục tiêu, sứ mệnh tương tự.

Bên cạnh đó, từ các bài trình bày và các cuộc thảo luận, có thể rút ra một số nguyên tắc để vận hành các hạ tầng khoa học mở. Theo đó, các hạ tầng khoa học mở nhất thiết phải do cộng đồng quản lý và dẫn dắt (đây cũng là điều được nhất mạnh trong Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO). Tính tương hợp là yếu tố cơ bản để các hạ tầng khoa học mở có thể hoạt động bền vững và phù hợp với mục tiêu phục vụ cộng đồng. Bất kì nơi nào cũng có thể tổ chức các hạ tầng khoa học mở, bao gồm cả hạ tầng ảo lẫn vật lý phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình, kể cả khi nguồn lực hạn chế. Như vậy, đưa ra tiêu chuẩn đánh giá các hạ tầng nguồn mở cũng cần tính đến bối cảnh địa phương và nhu cầu của các cộng đồng khác nhau. Cần thiết phải cấp vốn và hỗ trợ các hạ tầng khoa học mở dài hạn mặc dù hiện nay các trợ cấp ngắn hạn đang rất phổ biến. Các dịch vụ và thông tin mà hạ tầng khoa học mở cung cấp là “hàng hóa công cộng toàn cầu”, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ai cũng đóng góp tài chính như nhau cho các hạ tầng đó. Có thể các nước phát triển sẽ đóng góp nhiều hơn các nước đang phát triển. .

Sau thảo luận, đại diện của UNESCO đã nêu các bước tiếp theo của nhóm làm việc về hạ tầng khoa học mở từ nay tới hết năm 2022 sẽ tập trung hoàn thành 2 sản phẩm bao gồm: Danh sách chọn/hướng dẫn về các hạ tầng khoa học mở phù hợp với Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO; Mục lục các hạ tầng khoa học mở hỗ trợ cho việc chia sẻ kiến thức và thông tin trong các lĩnh vực ưu tiên của UNESCO, như đa dạng sinh học, nước, giảm thiểu nguy cơ thảm họa, khoa học gen, khoa học đại dương, biến đổi khí hậu, .v.v. Dự kiến 2 sản phẩm nêu trên sẽ được nhóm hoàn thành vào tháng 12/2022.

Kết luận và một vài gợi ý

UNESCO hiện đang dẫn dắt triển khai các nội dung của Khuyến nghị Khoa học Mở vào thực tế cuộc sống ở phạm vi toàn cầu thông qua các Nhóm làm việc về khoa học mở, trong đó có Nhóm Làm việc về Hạ tầng khoa học mở.

Nhận thấy việc xây dựng các hạ tầng khoa học mở do cộng đồng dẫn dắt và quản lý là quan trọng sống còn cho tính bền vững dài hạn, nhưng sẽ là một công việc vô cùng khó thực hiện và triển khai trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, rất cần chú ý tăng cường nâng cao nhận thức về khoa học mở và lợi ích to lớn của khoa học mở nói chung và của hạ tầng khoa học mở nói riêng, cho cộng đồng khoa học truyền thống, cho toàn xã hội và các bên liên quan khác, bao gồm cả cho những người làm chính sách và các nhà cấp vốn cho việc nghiên cứu, phát triển và triển khai khoa học nước nhà.

Các bài trình bày của các chuyên gia khách mời được lựa chọn được nêu ở trên, đặc biệt của IOI, là những bài học kinh nghiệm vô giá để cộng đồng khoa học và các bên liên quan của Việt Nam nghiên cứu và tham khảo trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và duy trì bền vững các hạ tầng và dịch vụ cho khoa học mở trong tương lai ở Việt Nam, biết rằng các hạ tầng khoa học mở ở Việt Nam hiện nay hầu như chưa tồn tại, trong khi khoa học mở đã trở thành một xu thể không thể đảo ngược của thế giới.

Để có thể xây dựng được các hạ tầng khoa học mở do cộng đồng dẫn dắt và quản lý, gợi ý từ năm 2023 trở đi, Việt Nam nên có các đề tài nghiên cứu về hạ tầng khoa học mở ở các mức quốc gia/cơ sở trước khi có bất kỳ ý định nào trong việc đầu tư nguồn lực để xây dựng hạ tầng khoa học mở ở Việt Nam. Cùng lúc, gợi ý Việt Nam cũng nên có các đề tài nghiên cứu khai thác các hạ tầng khoa học mở sẵn có của thế giới, đặc biệt là các dịch vụ khoa học mở cùng các nội dung, thông tin và dữ liệu có trên các hạ tầng đó.

Dự kiến Nhóm Làm việc về hạ tầng khoa học mở của UNESCO sẽ hoàn thành: (1) Danh sách chọn/hướng dẫn về hạ tầng khoa học mở phù hợp với Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO; và (2) Chỉ số hạ tầng khoa học mở hỗ trợ cho việc chia sẻ kiến thức và thông tin trong các lĩnh vực ưu tiên của UNESCO vào tháng 12/2022. Hy vọng Bộ KH&CN và các bộ – ngành cùng các viện nghiên cứu, trường đại học có liên quan tận dụng khai thác hiệu quả hai sản phẩm này để có thể giúp cho việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và duy trì bền vững hạ tầng khoa học mở vừa phù hợp cho Việt Nam trong tương lai cả ở mức quốc gia và tổ chức/cơ sở, vừa tuân thủ các chuẩn mực được thế giới thừa nhận.

Đây chắc chắn là cách tốt nhất để khoa học và giáo dục Việt Nam có khả năng bắt kịp với nhịp độ phát triển khoa học mở của thế giới.


Các chú giải

[1] UNESCO, 2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0, xem mục 9, các trang 13-14.

[2] UNESCO, 07/07/2022: First meeting of the UNESCO Working Group on Open Science Infrastructures: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/07/Objectives_of_the_WG_on_OS_infrastructure.pdf

[3] UNESCO, 07/07/2022: Presentations at the First meeting of the Working Group on Open Science Infrastructures: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/07/Presentations_on_the_Current_Landscape_of_OS_Infrastructures.pdf

[4] SCOSS: https://scoss.org/

[5] COAR: COAR Community Framework for Good Practices in Repositories: https://www.coar-repositories.org/coar-community-framework-for-good-practices-in-repositories/

[6] Invest in Open Infrastructure (IOI):https://investinopen.org/


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

Tác giả: Nghĩa Lê Trung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây