Bộ GDĐT và Microsoft ký thỏa thuận hợp tác - Điều bất ổn không chỉ cho giáo dục Việt Nam

Thứ sáu - 17/01/2014 05:55
Đúng vào ngày Quốc tế các nhà giáo 20/11/2013, trên trang tin Báo điện tử của Chính phủ đưa tin Bộ GDĐT và Microsoft ký thỏa thuận hợp tác, với trích dẫn cụ thể “Bộ GDĐT và Microsoft vừa ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2013-2018. Thỏa thuận này khi triển khai sẽ giúp cán bộ trong ngành GDĐT, giáo viên, sinh viên và học sinh ứng dụng được CNTT từ mức cơ bản đến nâng cao vào quá trình quản lý, giảng dạy và học tập, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển thành công một nền giáo dục toàn diện và hiện đại”.
Cũng trong bảng tin trên, có lẽ để cho thêm phần chắc chắn về căn cứ của sự hợp tác này, bài báo nêu: “Được biết, bản ghi nhớ đầu tiên đã được ký ngày 20/6/2005 tại Mỹ nhân chuyến thăm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Qua đó, Microsoft đã hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Bộ GDĐT Việt Nam để cung cấp các công cụ CNTT cho giáo viên và học sinh nhằm nâng cao khả năng dạy và học trong nhà trường”.
8 năm sau, có những biến đổi trên thế giới buộc tất cả mọi quốc gia phải suy nghĩ lại, trong đó Việt Nam chúng ta cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt khi mà vào tháng 06/2013, những tin tức về vụ giám sát ồ ạt của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - NSA (National Security Agency) với sự cộng tác của nhiều công ty hàng đầu của Mỹ, đắc lực nhất và chủ động tích cực nhất chính là Microsoft, hãng tham gia vào chương trình PRISM của NSA kể từ ngày 11/09/2007, nghĩa là hơn 2 năm sau chuyến thăm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ vừa được nhắc tới ở trên.
Bản dịch tiếng Việt
Bản gốc tiếng Anh
Tài liệu gốc tiếng Anh: http://s3.documentcloud.org/documents/813847/prism.pdf, slide số 6
Một số tài liệu do cựu nhà thầu của NSA Edward Snowden đã tiết lộ cho tới nay, cùng với một số bình luận của báo giới và các nhà chuyên môn có liên quan tới sự tham gia chủ động tích cực của Microsoft trong vụ PRISM này, đã từng được nêu rõ trong bài “ Việc phá mã hóa Internet của NSA - Phản ứng từ phần còn lại của thế giới ” đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 11/2013, trang 44-47, nay có thể được nhắc lại và bổ sung thêm như sau:
  1. Ngày 14/06/2013, trên trang tin của Bloomberg: “Microsoft, công ty phần mềm lớn nhất thế giới, cung cấp cho các cơ quan tình báo các thông tin về các lỗi trong các phần mềm phổ biến của hãng trước khi hãng phát hành công khai một bản vá”. “Microsoft, công ty có trụ sở ở Redmond, Washington và các công ty phần mềm hoặc an ninh Internet khác đã nhận thức được rằng dạng cảnh báo sớm này đã cho phép Mỹ khai thác các chỗ bị tổn thương trong các phần mềm được bán cho các chính phủ nước ngoài”.
  2. Một bài khác đăng trên tờ Guardian ngày 12/07/2013 dưới đầu đề “Microsoft đã chuyển cho NSA truy cập tới các thông điệp được mã hóa như thế nào”, Glenn Greenwald, cựu nhà báo của tờ Guardian, người đã nhận các tài liệu rò rỉ từ Edward Snowden và là người đầu tiên đã đưa thông tin về vụ giám sát ồ ạt này của NSA, cùng các đồng nghiệp đã nêu:
    1. Microsoft đã giúp NSA phá mật mã của hãng để giải quyết các lo ngại rằng NSA có thể không có khả năng can thiệp vào các web chat trên cổng mới của Outlook.com;
    2. NSA đã có sự truy cập ở giai đoạn trước khi mã hóa tới thư điện tử (email) trên Outlook.com, bao gồm cả Hotmail;
    3. Microsoft đã làm việc với FBI trong năm nay để cho phép NSA dễ dàng truy cập hơn thông qua PRISM tới dịch vụ lưu trữ đám mây SkyDrive của hãng, mà bây giờ có hơn 250 triệu người sử dụng trên toàn thế giới.
    4. Microsoft cũng đã làm việc với Đơn vị Can thiệp Dữ liệu (Data Intercept Unit) của FBI để “hiểu” các vấn đề tiềm tàng với một tính năng trong Outlook.com mà cho phép những người sử dụng tạo các tên hiệu (aliases) cho thư điện tử;
    5. Vào tháng 07/2012, 9 tháng sau khi Microsoft đã mua Skype, NSA đã khoác lác rằng một khả năng mới đã làm tăng 3 lần số lượng các cuộc gọi video của Skype đang được thu thập thông qua PRISM;
    6. Tư liệu thu thập được thông qua PRISM thường xuyên được chia sẻ với FBI và CIA, với một tài liệu của NSA mô tả chương trình đó như là một “đội thể thao”.
  3. Ric-hard Stallman, Chủ tịch Quỹ Phần mềm Tự do – FSF (Free Software Foundation), trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/07/2013 đã nói: “Công nghệ độc hại là không thể tha thứ dù nó có một số hiệu ứng tốt. Bây giờ chúng ta đã nhận thức được trước hết rằng tất cả các phần mềm của Microsoft và Apple là sở hữu độc quyền. Điều đó có nghĩa là những người sử dụng không kiểm soát chương trình mà chương trình kiểm soát những người sử dụng. Điều đó là sự bất công và sự tồn tại của một phần mềm sở hữu độc quyền dù là của Microsoft hay là của Apple giải thích vì sao tôi đã bắt đầu phong trào phần mềm tự do. Hơn nữa, việc họ [các công ty] kiểm soát chương trình rồi sau đó chương trình lại kiểm soát người sử dụng, rồi sau đó họ đã bắt đầu đưa vào các chức năng độc hại làm gián điệp một cách cố tình đối với những người sử dụng, hạn chế những người sử dụng và thậm chí cả những cửa hậu trong phần mềm đó. Vì thế nói theo nghĩa đen, các phần mềm của Apple và Microsoft là các phần mềm độc hại và Windows 8.1 có thể gọi là Windows phiên bản PRISM vì nó được thiết kế để yêu cầu mọi người gửi các dữ liệu tới các máy chủ của Microsoft và tất nhiên Microsoft sẽ chuyển bất kỳ thứ gì từ những dữ liệu đó cho chính phủ Mỹ theo yêu cầu. Vì thế nó đặt những người sử dụng vào trong PRISM. Đây là điều bẩn thỉu và là kết quả tự nhiên của việc dẫn dắt một công ty có được sự kiểm soát đối với phần mềm mà những người sử dụng đang chạy thay vì bản thân những người sử dụng kiểm soát chúng [các phần mềm]”.
  4. Glenn Greenwald, trong một cuộc phỏng vấn ngày 06/09/2013 đã nói: “Microsoft đang làm việc riêng tư với NSA để đảm bảo sự truy cập của NSA qua tất cả các nền tảng của họ, không chỉ thư điện tử Outlook, mà cả Skype và toàn bộ vô số các dịch vụ khác mà Microsoft chào cho những người sử dụng của họ để đảm bảo một cách cơ bản rằng tất cả chúng hoàn toàn bị tổn thương đối với việc rình mò của NSA. Một lần nữa, một trong những vấn đề lớn nhất với nó là khi bạn cho phép - khi bạn làm cho các chương trình đó bị tổn thương đối với NSA, thì bạn cũng làm cho chúng bị tổn thương đối với các cơ quan tình báo khác trên khắp thế giới hoặc đối với các tin tặc hoặc đối với các vụ gián điệp của các tập đoàn hoặc đối với những người mà họ chỉ muốn bạn sẽ ốm yếu vì bất kỳ lý do gì. Nó đang làm cho toàn bộ Internet không an ninh”.
  1. NSA phá hoại an ninh Internet, đã được nêu trong bài “Việc phá mã hóa Internet của NSA - Phản ứng từ phần còn lại của thế giới” đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống số tháng 11/2013, trang 44-47, có nhắc tới danh sách kiểm tra tính hợp lệ của bộ sinh bit ngẫu nhiên tất định - DRBG (Deterministic Random Bit Generator) mà Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ – NIST (National Institute of Standards and Technology) đưa ra vào ngày 25/10/2013 cho thấy lỗi của các tiêu chuẩn nêu trên đã ảnh hưởng tới rất nhiều sản phẩm phần cứng, phần mềm của nhiều hãng khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng tới Windows tất cả các phiên bản: “Các phiên bản khác nhau của Microsoft Windows, bao gồm cả các phiên bản được sử dụng trong các máy tính bảng và các điện thoại thông minh, có những triển khai tiêu chuẩn đó”. Bạn có thể đếm được 210 lần từ “Windows” trong danh sách kiểm tra DRBG nêu trên với 427 sản phẩm. Cũng danh sách này được cập nhật vào ngày 13/12/2013, đã có tới 454 sản phẩm an ninh cần phải được kiểm tra lại, trong đó có thể tìm thấy 215 lần từ Windows; còn cho tới ngày 20/12/2013, số sản phẩm cần kiểm tra lại đã là 462 với số từ Windows là 230 lần.
  2. Ngay tại Việt Nam, chỉ sau vài ngày Bộ GDĐT và Microsoft ký kết thỏa thuận hợp tác được nêu ở trên, trong cuộc họp tại Bộ Thông tin & Truyền thông sáng ngày 22/11/2013, như bài báo với tiêu đề “Microsoft phải tuân theo luận của nước Mỹ” đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống số tháng 12/2013, trang 46, bản thân các chuyên gia an ninh hàng đầu của Microsoft cũng thừa nhận rằng Microsoft trước hết phải tuân thủ Luật của nước Mỹ, như Luật yêu nước (Patriot Act) và Luật Giám sát Tình báo Nước ngoài - FISA (Foreign Intelligence Surveillance Act), cho dù ngay câu trả lời trước đó, họ khẳng định rằng “Làm việc tại quốc gia nào thì chúng tôi sẽ tuân thủ pháp luật của quốc gia đó đối với các dữ liệu riêng tư của người sử dụng”. Chính 2 luật này đã cho phép Microsoft và các công ty Mỹ khác thu thập ồ ạt các các thông tin của người sử dụng ở khắp nơi trên thế giới cho các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ mà không cần có sự cho phép của bất kỳ luật pháp nước nào. Thậm chí việc thu thập dữ liệu đó được cho là đã từng diễn ra ngay tại Hà Nội.
  3. Sau nửa năm, kể từ những ngày đầu tháng 06/2013 khi các thông tin về vụ giám sát ồ ạt của NSA cộng tác với các công ty hàng đầu như Microsoft đã được tung ra, tại Luân Đôn, Alan Rusbridger, Tổng biên tập tờ Guardian, tờ báo lần đầu tiên xuất bản “Hồ sơ Snowden”, ngày 03/12/2013, đã nói rằng chỉ 1% trong số 58.000 tệp của Snowden đã được công khai cho tới nay. Điều này có nghĩa là 99% các tài liệu còn chưa được tiết lộ cho công chúng. Trong khi đó, sự phẫn nộ của cả thế giới về vụ giám sát ồ ạt này là tràn ngập trong những ngày tháng vừa qua tại hàng loạt các chính phủ ở khắp các châu lục từ Âu, Á, Phi, Mỹ Latin, và ngay cả ở chính nước Mỹ và ngày một gia tăng. Trong khi tại Brazil cơ quan xử lý dữ liệu Brazil Serpro có trách nhiệm về việc loại bỏ nền tảng hiện hành Microsoft Outlook và dẫn dắt sự phát triển nền tảng mới thì tại Việt Nam, việc Bộ GDĐT và Microsoft ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2013-2018 hiển nhiên là đi theo 2 hướng hoàn toàn ngược chiều nhau.
Thay cho lời kết
Với ít thông tin được nêu ở trên trong vô số các thông tin có liên quan tới vụ giám sát ồ ạt của NSA trong sự hợp tác với các công ty hàng đầu của Mỹ như Microsoft, việc Bộ GDĐT và Microsoft ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2013-2018 chỉ dựa vào tấm “bùa hộ mệnh” là bản ghi nhớ đầu tiên đã được ký ngày 20/6/2005 tại Mỹ nhân chuyến thăm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về việc hợp tác giữa 2 bên, thời điểm mà bản thân nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không có cách gì để biết rằng, hơn 2 năm sau đó, vào ngày 11/09/2007, Microsoft đã chủ động tích cực tham gia vào một chiến dịch giám sát ồ ạt do NSA khởi xướng và bị cả thế giới hiện nay đang lên án, kể cả chính phủ Việt Nam, là một lý do hoàn toàn không thuyết phục; đặc biệt trong bối cảnh mà toàn thế giới đang lên án vụ giám sát ồ ạt của NSA với sự tham gia chủ động tích cực nhất và ngay từ đầu của chính Microsoft.
Bằng chứng dễ thấy về sự lợi - hại, hiệu quả - không hiệu quả khi đi theo Microsoft là việc chính Microsoft nêu Việt Nam có hơn 5.530.319 máy tính chạy Windows XP, chiếm gần 44% trong tổng số 12.077.570 máy tính toàn Việt Nam sẽ hết bảo hành toàn cầu vào ngày 08/04/2013 và các chuyên gia an ninh cấp cao của hãng nói Microsoft sẽ không hỗ trợ Windows XP sau ngày đó nữa nên không có lời khuyên - tư vấn nào cho người sử dụng nữa. Xin được nhắc lại rằng, nếu sau ngày 08/04/2014 mà bạn vẫn sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows XP, thì máy tính của bạn sẽ không là máy tính thông thường, mà là một trung tâm để lây nhiễm các phần mềm độc hại cho bất kỳ mạng máy tính nào ở Việt Nam, với muôn vàn các lỗi ngày số 0 (zero day flaw) mà sẽ không bao giờ được bất kỳ ai sửa và vá nữa.
Ảnh: Thông báo trên Website của Microsoft Vietnam
Đã có nhiều bài viết trên tạp chí Tin học & Đời sống (các số tháng 09/2013; tháng 05/2013; tháng 04/2013; tháng 06/2009) đã đưa ra khuyến cáo rằng: Trong cuộc chiến tranh không gian mạng hiện đang diễn ra hiện nay, như những gì cả thế giới và Việt Nam đang thấy với vụ giám sát ồ ạt của NSA với sự cộng tác của các công ty như Microsoft, để có được các binh lính giỏi cho cuộc chiến đó, thì giáo dục của Việt Nam về công nghệ thông tin bắt buộc phải đi với phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM). Trong ngắn hạn, Việt Nam cần đưa PMTDNM vào tất cả các trường đại học, còn về dài hạn, thì cần đưa PMTDNM vào tất cả các trường phổ thông, ít nhất là trong hệ thống các trường công lập. Việc Bộ GDĐT và Microsoft ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2013-2018 có lẽ không chỉ chặn con đường sống đó của Việt Nam trong 5 năm tới, mà còn là mối họa lâu dài cho Việt Nam nhiều năm về sau, khi sẽ chỉ tạo ra lớp lớp người chỉ biết sử dụng phần mềm chứ không hề biết từng dòng lệnh của các phần mềm đó làm cái gì, đặc biệt là với hệ điều hành Windows.
Con đường duy nhất đó tránh - thoát mối họa đó chỉ có thể là PMTDNM chứ nhất quyết không phải là Microsoft Windows. Nếu không, ngày mà đất nước bạn có tên trên bản đồ sẽ do chính phủ khác định đoạt.
Cần phải có ai đó chặn đứng được hiểm họa này đối với Việt Nam!!!
Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 1-2/2014, trang 31-33.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập172
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm164
  • Hôm nay42,190
  • Tháng hiện tại444,694
  • Tổng lượt truy cập36,503,287
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây