2021 năm của khoa học mở!

Thứ năm - 25/02/2021 06:24
2021 năm của khoa học mở!

(Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng số 4, xuất bản ngày 20/02/2021, các trang 25-27)

Thế giới đang hướng tới Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO, theo dự kiến, sẽ được 193 quốc gia thành viên phê chuẩn vào tháng 11/2021, nhân Hội nghị Toàn thể UNESCO lần thứ 41. Ngày 30/09/2020, UNESCO đã gửi bản Khuyến cáo phác thảo[1] Khoa học Mở tới 193 quốc gia thành viên[2] để thu thập các ý kiến phản hồi, một bước chính trong việc tạo thuận lợi cho sự hợp tác quốc tế và truy cập vạn năng tới tri thức khoa học, sau cuộc tư vấn toàn cầu mở rộng.

Theo tài liệu phác thảo đầu này, ‘Khoa học Mở’ ngụ ý tổ hợp của ít nhất các yếu tố chính sau đây: (1) Truy cập Mở; (2) Dữ liệu Mở; (3) Phần mềm nguồn mở/phần cứng mở; (4) Các hạ tầng Khoa học Mở; (5) Đánh giá Mở; (6) Tài nguyên Giáo dục Mở; (7) Cam kết Mở của các tác nhân xã hội; (8) Tính mở tới sự đa dạng của tri thức, bao gồm cả hệ thống tri thức bản địa.

Hình 1. Các thành phần của Khoa học Mở[3]

Ngay từ ngày đầu năm mới 01/01/2021, tin vui về Khoa học Mở đã tới với toàn thế giới, khi mà Kế hoạch S[4], một sáng kiến về Truy cập Mở đầy đủ và tức thì, được Liên minh S, một nhóm quốc tế gồm 26 tổ chức[5] cấp vốn nghiên cứu quốc gia, châu Âu và một số nhà từ thiện cấp vốn nghiên cứu khác trên thế giới, đã khởi xướng vào tháng 9/2018, bắt đầu có hiệu lực, theo đó, tất cả các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ các trợ cấp của các tổ chức thuộc Liên minh S sẽ phải được xuất bản trên các tạp chí hoặc nền tảng tuân thủ Truy cập Mở đầy đủ và tức thì, không có bất kỳ thời hạn cấm vận nào. Cũng ngay trong đầu tháng 01/2021, Liên minh S đã thông báo về việc 160 tạp chí của nhà xuất bản Elsevier, một trong những nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới, đã trở thành các tạp chí chuyển đổi quá độ tuân thủ Kế hoạch S[6].

Tại Việt Nam, có thể nói Quý IV/2020 là rất khác thường so với bất kỳ năm nào trước đó, nguyên nhân chủ yếu là bản thân năm 2020 là một năm khác thường, với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 cùng 2 đợt bùng phát mạnh vào tháng và tháng chín, dẫn tới việc hầu như mọi hoạt động hội nghị hội thảo được đẩy gần như hoàn toàn vào các tháng cuối năm, rất nhiều trong số đó là xoay quanh chủ đề nóng bỏng về chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ mà tất cả các bộ ngành sẽ triển khai vào thực tế bắt đầu từ năm nay, 2021. Tin vui là Chính phủ đã chọn công nghệ mở để triển khai chương trình Chuyển đổi Số, như được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói trong bài diễn văn chỉ đạo khi khai mạc Hội nghị Diễn đàn Công nghệ Mở Việt Nam 2020 được tổ chức tại Hà Nội[7] với các từ khóa như công nghệ mở, nguồn mở (phần mềm nguồn mở và phần cứng mở), kiến trúc mở, chuẩn mở, dữ liệu mở, văn hóa mở và phát triển cộng đồng mở. Bộ trưởng nhấn mạnh:

Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta.

Cũng theo chỉ đạo trong bài phát biểu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra Bản tuyên bố hành động cho năm 2021 theo định hướng chọn công nghệ mở để chuyển đổi số, gồm 10 điểm sau đây[8]:

  1. Xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Công nghệ Mở;

  2. Đánh giá, công bố và khuyến nghị việc sử dụng phần mềm, nền tảng công nghệ mở;

  3. Phát triển Nền tảng điện toán đám mây trên nền công nghệ mở;

  4. Thúc đẩy phát triển phần cứng mở;

  5. Phát triển 5G dựa vào công nghệ mở OpenRan;

  6. Phát triển nền tảng mở cho AI Việt Nam;

  7. Xây dựng nền tảng công nghệ mở trong lĩnh vực giáo dục đào tạo;

  8. Xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ mở;

  9. Xây dựng Cổng công nghệ mở GOVTECH cho Việt Nam;

  10. Nâng cấp, mở rộng Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở;

Cùng với việc xây dựng nền tảng công nghệ mở trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trong năm 2021 như được nêu ở trên, theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 08/04/2020[9] của Thủ tướng Chính phủ, “Đề án xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của mọi người” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan trình Thủ tưởng Chính phủ vào Quý IV/2021. Đây là tín hiệu rất vui khi Chính phủ Việt Nam đang hướng tới việc hòa nhập với xu thế của thế giới về ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở như theo tinh thần của Khuyến cáo Tài nguyên Giáo dục Mở[10] đã được 193 quốc gia thành viên UNESCO phê chuẩn ngày 25/11/2019 nhân Hội nghị toàn thể UNESCO lần thứ 40.

Một trong những cơ sở để có thể kỳ vọng vào sự thành công của đề án xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở là hàng loạt các hoạt động hội thảo, tọa đàm với nhiều bên tham gia, và nhất là việc triển khai hơn 50 khóa huấn luyện huấn luyện viên về thực hành khai thác tài nguyên giáo dục mở trong 4 năm qua cho hơn 1.000 cán bộ và giảng viên của hàng trăm trường đại học và cao đẳng trong cả nước[11] của Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục Mở thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Trong năm 2021, một sự kiện quan trọng nữa của Khoa học Mở sẽ diễn ra là Hội nghị của Đối tác Dữ liệu Mở châu Á[12] (AODP) do Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức - với đại diện là Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, một trong những thành viên chính thức của AODP - dự kiến vào các ngày 14-16/10/2021 tại trường Đại học Thăng Long, Hà Nội. Đây sẽ là sự kiện quan trọng, nơi các tổ chức, doanh nghiệp, viện trường và các cá nhân gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau về dữ liệu mở, tài nguyên giáo dục mở, thành phố thông minh, và nhiều vấn đề khác có liên quan với các bạn bè quốc tế từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á là thành viên của AODP, bao gồm Đài Loàn, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cùng nhiều quốc gia ASEAN như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, và Thái Lan. Đây là sự kiện được các quốc gia thành viên AODP luân phiên tổ chức thường niên, và sự kiện 2021 AODP Việt Nam là lần thứ 7 được liên tục. Bằng cách này, hy vọng sự phát triển của dữ liệu mở ở Việt Nam, như theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 của Thủ tướng Chí phủ về “Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước“, sẽ luôn được cập nhật theo xu hướng phát triển của châu Á và thế giới, đúng với kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam, như được nêu trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông tại Hội nghị Diễn đàn Công nghệ Mở Việt Nam 2020: “Dữ liệu là dầu mỏ. Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu đó trong nhiều trường hợp không phải là một. Bởi vậy việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước.

Để chuyển đổi số thành công, có rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian dài. Một trong những việc tiên quyết phải làm, càng sớm càng tốt, là xây dựng và triển khai bộ các kỹ năng số cho các đối tượng khác nhau trong xã hội, như các công dân, các công ty khởi nghiệp, các giảng viên, các cơ sở giáo dục, .v.v., gồm nhiều năng lực và kỹ năng liên quan tới các khía cạnh MỞ như truy cập mở, dữ liệu mở, tài nguyên giáo dục mở .v.v. để trang bị các năng lực và kỹ năng số cần thiết cho tất cả mọi người trong xã hội số và nền kinh tế số có cơ hội được tuyển dụng làm việc, có công ăn việc làm tươm tất và/hoặc khởi nghiệp thành công.

Một yếu tố quan trọng khác, tất cả các tài nguyên, dù là phần mềm nguồn mở, phần cứng mở, truy cập mở, dữ liệu mở hay tài nguyên giáo dục mở đều có một điểm chung, chúng đều PHẢI ĐƯỢC CẤP PHÉP MỞ để trở thành các tài nguyên mở, không có bất kỳ ngoại lệ nào. Không được cấp phép mở, sẽ KHÔNG có ai có quyền hợp pháp để tự do sử dụng lại, sửa đổi và/hoặc tùy biến thích nghi các tài nguyên đó, vì theo luật sở hữu trí tuệ, một khi tài nguyên được tạo ra, nó sẽ được luật bảo hộ, bất kể tác giả/người nắm giữ bản quyền của nó có đăng ký hay không. Vì vậy, cần thiết phải có chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia và/hoặc cơ sở càng sớm càng tốt để chuyển đổi số bằng công nghệ mở có thể nhanh chóng được xúc tác để có khả năng trở thành hiện thực.

Chắc chắn sẽ còn nhiều sự kiện nữa có liên quan tới Khoa học Mở mà không thể nêu hết được trong bài viết này. Dù vậy có những tín hiệu khả quan sẽ có một năm mới 2021, năm của Khoa học Mở, thành công ở Việt Nam.

 

Chú giải

[1] UNESCO, 2020: First draft on the UNESCO RECOMMENDATION ON OPEN SCIENCE. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/d7juqw5oq5hurul/en-unesco_osr_first_draft_Vi-19102020.pdf?dl=0

[2] UNESCO, 2020: Milestone in UNESCO’s development of a global recommendation on Open Science. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/cot-moc-trong-phat-trien-khuyen-cao-toan-cau-ve-khoa-hoc-mo-cua-unesco-347.html

[3] UNESCO, 2020: Towards a UNESCO Recommendation on Open Science. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/yyv5vhd54m2mp0i/open_science_brochure_en_Vi-15082020.pdf?dl=0

[4] https://www.coalition-s.org/

[5] cOAlition S: Portugal’s national funding agency for science, research and technology joins cOAlition S. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://giaoducmo.avnuc.vn/truy-cap-mo/co-quan-cap-von-quoc-gia-bo-dao-nha-cho-khoa-hoc-nghien-cuu-va-cong-nghe-ra-nhap-lien-minh-s-383.html

[6] cOAlition S: 160 Elsevier journals become Plan S aligned Transformative Journals. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://giaoducmo.avnuc.vn/truy-cap-mo/160-tap-chi-cua-elsevier-tro-thanh-cac-tap-chi-chuyen-doi-qua-do-tuan-thu-ke-hoach-s-374.html

[7] Vietnamnet, 2020: Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn công nghệ mở Việt Nam: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/toan-van-phat-bieu-cua-bo-truong-nguyen-manh-hung-tai-dien-dan-cong-nghe-mo-viet-nam-689681.html

[8] Vietnamnet: Việt Nam sẽ trở thành quốc gia công nghệ bằng nền tảng mở: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/viet-nam-se-tro-thanh-quoc-gia-cong-nghe-bang-nen-tang-mo-689696.html

[9] Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. http://datafile.chinhphu.vn/file-remote-v2/DownloadServlet?filePath=vbpq/2020/04/489.signed.pdf

[10] UNESCO, 2019: UNESCO RECOMMENDATION ON OPEN EDUCATIONAL RESOURCES. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0

[11] Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Các lớp tập huấn thực hành ‘Khai thác tài nguyên giáo dục mở’ tới hết năm 2020: https://giaoducmo.avnuc.vn/tap-huan/cac-lop-tap-huan-thuc-hanh-khai-thac-tai-nguyen-giao-duc-mo-toi-het-nam-2020-370.html

[12] Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Đối thoại của Đối tác Dữ liệu Mở châu Á 2020 qua hình ảnh: https://giaoducmo.avnuc.vn/hop-tac/doi-thoai-cua-doi-tac-du-lieu-mo-chau-a-2020-qua-hinh-anh-320.html

 

Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập649
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm646
  • Hôm nay23,138
  • Tháng hiện tại472,579
  • Tổng lượt truy cập37,999,403
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây