Sáng kiến: Tạo video truy cập mở - bước khởi đầu thực tế cho các thư viện, các cơ sở đại học và cao đẳng ứng dụng và phát triển các tài nguyên truy cập mở và được cấp phép mở

Thứ sáu - 08/12/2017 06:41
Sáng kiến: Tạo video truy cập mở - bước khởi đầu thực tế cho các thư viện, các cơ sở đại học và cao đẳng ứng dụng và phát triển các tài nguyên truy cập mở và được cấp phép mở
 
Lê Trung Nghĩa, letrungnghia.foss@gmail.com
Bài viết cho hội thảo khoa học TT-TV với chủ đề: "Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động thông tin - thư viện"
Tại Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, ngày 07/12/2017

 
Tóm tắt: Để tiếp cận được với cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0), Việt Nam rất cần ứng dụng và phát triển khoa học mở với truy cập mở, dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở. Sáng kiến “Tạo video truy cập mở” có thể giúp các thủ thư, các thư viện, các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam triển khai thực tế bước khởi đầu các công việc đó, chứ không chỉ dừng ở mức nói mãi lý thuyết để nâng cao nhận thức về chúng nhưng chưa biết thực hành bắt đầu phải làm từ đâu.
A. Rất cần khoa học mở cho CMCN4.0
Đây chính là đầu đề một bài viết cách đây không lâu trên tạp chí Tia Sáng[1]. Bài viết khẳng định, để tiếp cận được với cách mạng công nghiêp 4.0 (CMCN4.0), Việt Nam rất cần ứng dụng và phát triển khoa học mở với truy cập mở, dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở.
Trong số các gợi ý ở phần kết luận của bài viết đó, tác giả bài viết đã nêu:
  • Việt Nam cần các hệ thống thư viện số, mở, kết nối được với nhau theo các tiêu chuẩn mở quốc tế với lực lượng các thủ thư thế hệ mới với đủ các kỹ năng và khả năng để quản lý toàn bộ vòng đời dữ liệu nghiên cứu.
  • Việt Nam thời gian tới cần tập trung vào xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho CMCN4.0 theo cách thức của khoa học mở, từng bước một để với tới được đầy đủ các đặc tính FAIR+TLC, bao gồm: (1) Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và khác; (2) Các hệ thống mã nhận diện duy nhất, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Nếu như gợi ý trước chỉ ra rất rõ có sự liên quan hoàn toàn, thì gợi ý sau chỉ ra sự liên quan có lẽ một phần rất quan trọng tới hoạt động thông tin - thư viện, ví dụ như trong vai trò của các thủ thư, các thư viện và/hoặc những người chuyên nghiệp về thông tin để quản lý toàn bộ vòng đời dữ liệu nghiên cứu hay xây dựng các bộ từ vựng nhằm tạo ra bộ mã nhận diện tài nguyên thống nhất - URI (Uniform Resource Identifier) của quốc gia - điều tối cần thiết để giúp các dữ liệu có khả năng đạt được đầy đủ các sao theo lược đồ tiêu chuẩn 5 sao dành cho dữ liệu mở liên kết - LOD (Linked Open Data) để không chỉ con người hiểu được, mà cả máy cũng hiểu được các dữ liệu đó - nét đặc trưng chỉ có trong CMCN4.0, như được nêu trong một bài khác[2] được viết cho Hội thảo khoa học: “Dịch vụ thông tin - thư viện trong xã hội hiện đại” do Thư viện Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 07/11/2017 vừa qua.
B. Hiện trạng: tài nguyên không thể truy cập mở vì rào cản sở hữu trí tuệ?
Các khái niệm tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) và khóa học mở - OCW (OpenCourseware) đã tới Việt Nam khá sớm, từ những năm 2005-2008. Tuy nhiên, phải từ năm 2015, phong trào này mới thực sự được nhiều người biết tới hơn ở Việt Nam, đặc biệt là trong cộng đồng thư viện và cộng đồng nguồn mở ở Việt Nam, chủ yếu được như vậy là nhờ vào các hoạt động có liên quan tới OER đã được tiến hành liên tục từ năm 2015 cho tới nay, như hội thảo quốc tế thường niên về OER trong các năm 2015, 2016 và 2017, hay các hoạt động nâng cao nhận thức về OER qua chương trình OER@University RoadShow và nhiều hội thảo, khóa huấn luyện khác nhau có liên quan tới OER.
Các khái niệm dữ liệu mở, khoa học mở và truy cập mở có lẽ tới Việt Nam còn muộn hơn nhiều, mới chỉ vài năm trở lại đây. Mặc dù vậy, trong thời gian vài tháng trở lại đây, đã có hàng loạt các cuộc tọa đàm, hội thảo, khóa huấn luyện trong cả nước đã và đang đề cập nhiều hơn tới những khái niệm mới này, đặc biệt là trong khoảng trước và sau sự kiện Tuần lễ Truy cập Mở Thế giới 2017 (International Open Access Week 2017) vừa diễn ra trong tuần từ 23-29/10/2017 vừa qua. Măc dù vậy, nhận thức chung của toàn xã hội về các khái niệm này còn ở mức khiêm tốn và sơ khai.
Có lẽ cũng vì vậy mà ở Việt Nam hiện nay, thực tế là một vài nơi cũng đã và đang tiến hành số hóa nhiều tài nguyên giáo dục nhưng lại không thể và/hoặc không dám chia sẻ để mọi người có thể truy cập mở được tự do tới các tài nguyên đã được số hóa đó vì lo sợ vi phạm bản quyền và mang tiếng ‘đạo văn’, bên cạnh các lý do có thể khác. Mặt khác, ở chiều ngược lại, có nơi lại bán ‘thoải mái’ các tài nguyên đã được số hóa mà không cần quan tâm tới việc các tài nguyên đó có vi phạm bản quyền của bất kỳ ai hay không.
Thực tế này đặt ra nhu cầu cho các thư viện, các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng ở Việt Nam phải tìm ra cách thức làm sao vừa tôn trọng được bản quyền và vừa có khả năng đổi mới sáng tạo để phát triển khi làm việc với các tài nguyên số.
Nhân Hội thảo Quốc tế lần thứ 3 về tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 19/10/2017 với chủ đề Triển khai tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học: bản quyền và giấy phép mở - Implementation of Open Educational Resources in Higher Education: Copyright and Open Licence”, một trong số các bài viết cho hội thảo[3] [4] đã nêu lên thực tế trên thế giới, phong trào khoa học mở với truy cập mở, dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở như ở châu Âu và nước Mỹ đã vận dụng rất tốt các luật sở hữu trí tuệ theo hướng đưa toàn quyền quyết định các quyền bản quyền về với (các) tác giả, thay vì các bên trung gian như các nhà xuất bản, với sự trợ giúp của các chính sách khoa học mở và/hoặc truy cập mở từ nhà nước và/hoặc từ bản thân các cơ sở giáo dục và nghiên cứu. Bằng cách này, các cơ sở giáo dục và nghiên cứu vừa tôn trọng được luật bản quyền, vừa tôn trọng được chính sách khoa học mở của nhà nước và vừa tôn trọng được các yêu cầu của các nhà xuất bản trong các thỏa thuận với các tác giả là các nhà nghiên cứu, đặc biệt với các nghiên cứu có sử dụng tiền của những người đóng thuế để tiến hành nghiên cứu.
Chính kinh nghiệm trên của châu Âu và nước Mỹ và các nước khác trên thế giới đã gợi ý cho chúng ta cách để thoát khỏi hiện trạng bế tắc và/hoặc bất cần như được nêu ở bên trên, để hướng theo khoa học mở với truy cập mở, dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở nhằm phát huy sức sáng tạo của các thủ thư, các thư viện, các giảng viên và sinh viên, các trường đại học và cao đẳng, các viện nghiên cứu và cả các nhà khoa học công dân.
Không là ngẫu nhiên, khi trong năm 2015, UNESCO đã cho xuất bản 2 bộ tài liệu với 9 cuốn tất cả đều về truy cập mở, trong đó có 4 cuốn cho các trường thư viện[5] và 5 cuốn cho các nhà nghiên cứu[6]. Đây là 2 bộ sách đã ghi lại một cách có hệ thống các kinh nghiệm của thế giới trong ứng dụng và phát triển khoa học mở với truy cập mở, bước tiên quyết đầu tiên hướng tới việc ứng dụng và phát triển dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở, vì bản chất tự nhiên của dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở trước hết đều phải là các tài nguyên truy cập được tự do - truy cập mở được tới tất cả mọi người, đặc biệt đối với các tài nguyên được sinh ra từ tiền của những người đóng thuế.
C. Truy cập mở: định nghĩa và các điểm đáng lưu ý qua các trích dẫn
“Truy cập mở[7] tới tư liệu ngụ ý tính sẵn sàng tự do trên Internet công khai, cho phép bất kỳ người sử dụng nào để đọc, tải về, sao chép, phân phối, in, tìm kiếm, hoặc liên kết tới toàn văn các bài báo đó, đi sâu vào chúng để đánh chỉ mục, truyền chúng như là dữ liệu tới phần mềm, hoặc sử dụng chúng vì bất kỳ mục đích hợp pháp nào khác, mà không có các rào cản về tài chính, pháp lý hoặc kỹ thuật ngoại trừ những rào cản gắn liền với sự truy cập tới bản thân Internet”.
“Truy cập mở[7] - OA (Open Access) ngụ ý truy cập tự do tới thông tin sử dụng không có giới hạn các tài nguyên điện tử đối với bất kỳ ai. Bất kỳ dạng nội dung điện tử nào cũng có thể là OA, từ các văn bản và dữ liệu cho tới các phần mềm, audio, video, và đa phương tiện. Trong khi hầu hết chúng có liên quan chỉ tới các văn bản, thì số lượng ngày một gia tăng đang tích hợp văn bản với hình ảnh, dữ liệu, và mã thực thi được. OA cũng có thể áp dụng cho các nội dung phi hàn lâm, như âm nhạc, phim ảnh, và các tiểu thuyết.
Một xuất bản phẩm được coi là OA nếu:
  • nội dung của nó truy cập được vạn năng và tự do, độc giả không mất chi phí, qua Internet hoặc khác;
  • tác giả hoặc chủ sở hữu bản quyền trao cho tất cả những người sử dụng một cách không thể hủy bỏ, qua một giai đoạn thời gian không có giới hạn, quyền để sử dụng, sao chép, hoặc phân phối bài báo, với điều kiện thừa nhận ghi công thích hợp được đưa ra;
  • nó được ký gửi, tức thì, đầy đủ và ở dạng điện tử phù hợp, ít nhất vào một kho truy cập mở được thừa nhận quốc tế và rộng rãi, cam kết truy cập mở”.
“Vào đầu thế kỷ 21 đã nổi lên phong trào Truy cập Mở - OA (Open Access) với Sáng kiến Truy cập Mở Budapest - BOAI (Budapest Open Access Initiative). Triết lý của truy cập mở là để cung cấp sự truy cập miễn phí và không có rào cản tới nghiên cứu và các xuất bản phẩm của nó mà không có các hạn chế về bản quyền. Phong trào đó có sự hỗ trợ từ các nhà khoa học lớn nhất, các nhà giáo dục, các nhà xuất bản, các cơ sở nghiên cứu, các hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức thư viện. Các tuyên bố OA khác ở Berlin và Bethesda đặt nó vào vị thế mạnh mẽ. Triết lý của nó là: nghiên cứu được những người đóng thuế cấp tiền sẽ là sẵn sàng không mất tiền cho những người đóng thuế [8]”.
Truy cập Mở từng là kết quả của sự không thỏa mãn của các nhà nghiên cứu với các mô hình giá thành của các nhà xuất bản khoa học, và các nhà xuất bản khoa học kiếm lợi nhuận khổng lồ từ nghiên cứu được tài chính nhà nước cấp vốn để hưởng lợi tất cả. Internet đã mở ra toàn bộ một thế giới mới và đã làm cho Truy cập Mở trở thành có thể. Khả năng không chỉ tải về thông tin, mà còn tải lên thông tin đã dẫn tới - cùng với các lý do khác - sự phát triển phần mềm để cung cấp và quản lý các dịch vụ truy cập mở[9].”
Khi triển khai dịch vụ truy cập mở ở cơ sở, phần mềm nguồn mở được khuyến cáo vì nó là đồng nghĩa với truy cập mở - vì nguyên tắc được chia sẻ của ‘tính mở’[10].”
“Trong thế giới truy cập mở (OA), điều rất quan trọng là sử dụng các công cụ nguồn mở, các tài nguyên truy cập mở và các giải pháp mở để thu hút các tác giả và các nhà nghiên cứu vào nghiên cứu có tính cộng tác, chia sẻ ngang hàng thông tin hàn lâm và đánh giá có tính cộng tác các tác phẩm hàn lâm[11].
D. Sáng kiến ‘Tạo video truy cập mở’ - khởi đầu ứng dụng và phát triển các tài nguyên truy cập mở?
Để khắc phục được hiện trạng như được nêu ở trên, vừa tuân thủ các nguyên tắc và tận dụng được các kho tài nguyên truy cập mở khổng lồ trên thế giới, đồng thời tham gia phát triển các tài nguyên truy cập mở nhằm từng bước xây dựng kho tài nguyên tri thức mở, được cấp phép mở theo đúng các chuẩn mực quốc tế, bài viết này đề xuất sáng kiến ‘Tạo video truy cập mở’.
D1. Lược đồ tạo video truy cập mở
Tuân thủ với nguyên tắc của truy cập mở là “không có các rào cản về tài chính, pháp lý và kỹ thuật” đối với các tài nguyên truy cập mở, tất cả các phần mềm được sử dụng để tạo ra video truy cập mở cũng là các tài nguyên truy cập mở, được cấp phép mở, và vì vậy, chúng phải là các phần mềm nguồn mở, bao gồm cả hệ điều hành, các phần mềm ứng dụng được dùng để tạo ra các video đó, các phần mềm dùng để cấp phép mở và các phần mềm kho dùng để chia sẻ các video truy mở đó trên Internet. Điều này được thể hiện như các ô ở hàng giữa trong lược đồ tạo video truy cập mở ở Hình 1. 
 
 Hình 1. Lược đồ tạo và chia sẻ video truy cập mở
Một mặt, sử dụng các phần mềm nguồn mở, mặt khác (các) video truy cập mở và được cấp phép mở hoàn toàn có khả năng được tạo ra từ các tài nguyên truy cập mở, được cấp phép mở từ các kho sẵn có trên Internet với mọi dạng nội dung như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và dữ liệu nghiên cứu - hàng trên của Hình 1.
Tương tự, (các) video truy cập mở và được cấp phép mở có thể được tạo ra từ các tài nguyên truy cập mở, được cấp phép mở do (các) tác giả tạo ra - hàng dưới của Hình 1.
(Các) video truy cập mở và được cấp phép mở có thể được tạo ra với sự kết hợp của 2 nguồn tài nguyên có sẵn trên Internet và của (các) tác giả như được nêu ở trên.
Sau khi (các) video truy cập mở và được cấp phép mở được tạo ra, chúng sẽ được tải lên các kho truy cập mở và được cấp phép mở sẵn có trên Internet để bất kỳ ai cũng có thể truy cập tới được mà không có các rào cản nào về tài chính, pháp lý và kỹ thuật. 
 
Rà soát lại ngang hàng. Việc rà soát lại ngang hàng là rất quan trọng để nâng cao liên tục chất lượng của các video truy cập mở, được cấp phép mở. Rà soát lại ngang hàng có thể được thực hiện trước và/hoặc sau thời điểm cấp phép mở cho video được tạo ra, nó phần lớn tương ứng với việc triển khai rà soát lại ngang hàng tại cơ sở/thư viện của (các) tác giả và của cộng đồng mạng những người sử dụng các video đó trên toàn cầu.
D2. Mục tiêu và dự kiến các bước tiến hành của sáng kiến
Như ở bên trên đã nên, mục tiêu tổng quát của sáng kiến là để khắc phục được hiện trạng, tuân thủ các nguyên tắc và tận dụng được các kho tài nguyên truy cập mở khổng lồ trên thế giới, đồng thời tham gia phát triển các tài nguyên truy cập mở nhằm từng bước xây dựng kho tài nguyên tri thức mở, được cấp phép mở theo đúng các chuẩn mực quốc tế.
Sáng kiến dự kiến được chia thành các giai đoạn với các mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn được nêu ở bên dưới:
Giai đoạn 1: Mục tiêu kép: Các thủ thư, sau khi đi qua (các) lớp huấn luyện, có khả năng tạo ra các video truy cập mở, được cấp phép mở để quảng bá, giới thiệu và chỉ dẫn khai thác vô số các kho tài nguyên truy cập mở, được cấp phép mở đang có sẵn trên thế giới cho các độc giả là các sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu ở từng cơ sở và viện nghiên cứu – việc này phù hợp với chức năng nhiệm vụ của bất kỳ thủ thư hay thư viện nào; Tuân thủ các nguyên tắc của truy cập mở, được cấp phép mở và thừa nhận ghi công (các) tác giả đúng thích đáng, như được thể hiện trong Hình 1, các video được tạo ra hoàn toàn có khả năng chia sẻ tự do trên Internet, đảm bảo không vi phạm bản quyền của bất kỳ ai ở phạm vi toàn cầu.
Giai đoạn 2: Mục tiêu là để mở rộng việc tạo video truy cập mở tới một số giảng viên ở tất cả các khoa, những người có thiện chí chia sẻ các tài nguyên giảng dạy của họ trên trực tuyến.
Trên cơ sở thành công của giai đoạn 1, các thủ thư giới thiệu các video truy cập mở đã làm được ở giai đoạn 1 cho các giảng viên tất cả các khoa, những người có thiện chí chia sẻ các tài nguyên giảng dạy của họ trên trực tuyến và tổ chức các lớp huấn luyện ít người cho các giảng viên đó để thực hành xây dựng video truy cập mở theo lược đồ như Hình 1;
Đề xuất xây dựng trong thư viện vài không gian (phòng) làm nơi để xây dựng video truy cập mở với các thiết bị được cài đặt sẵn hệ điều hành nguồn mở và (các) phần mềm nguồn mở để sẵn sàng tạo video truy cập mở và chia sẻ chúng trên trực tuyến.
Kết quả của giai đoạn này sẽ là các video truy cập mở chuyên ngành của các giảng viên đã tham gia hoạt động tạo video truy cập mở và chia sẻ chúng trên trực tuyến theo lược đồ như Hình 1.
Giai đoạn 3: Mục tiêu là để xây dựng khoa điển hình về tạo video truy cập mở. Cách thức tiến hành các hoạt động như được nêu ở giai đoạn 2 nhưng với mức độ mở rộng hơn, trước hết tới (các) khoa có các giảng viên đã tham gia trong giai đoạn 2, rồi tới các giảng viên ở các khoa khác trong một cơ sở giáo dục và nghiên cứu.
Giai đoạn 4: Mục tiêu là để xây dựng cơ sở điển hình về tạo video truy cập mở và có chính sách về truy cập mở, mở rộng phạm vi sáng kiến tới các cơ sở trong toàn quốc. Cách thức tiến hành các hoạt động như được nêu ở giai đoạn 3 nhưng với mức độ mở rộng hơn, trước hết tới (các) cơ sở có các khoa đã có đa số các giảng viên tham gia tạo (các) video truy cập mở và chia sẻ chúng trên trực tuyến trong giai đoạn 3.
Các giai đoạn các các mục tiêu tương ứng được nêu ở trên chỉ có tính tương đối. Phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng cơ sở, các giai đoạn và mục tiêu có thể được tùy biến sửa đổi cho phù hợp.
D3. Dự kiến các hoạt động triển khai khác trong quá trình triển khai sáng kiến
Trong quá trình triển khai các lớp huấn luyện tạo video truy cập mở và chia sẻ chúng trên trực tuyến, ở những nơi cần thiết, sẽ liên tục tiến hành đan xen các hoạt động bổ trợ sau:
  • Huấn luyện bổ sung về bản quyền và cấp phép mở cho các cơ sở có nhu cầu.
  • Huấn luyện nâng cao nhận thức về các vấn đề có liên quan tới khoa học mở, truy cập mở, dữ liệu mở, tài nguyên giáo dục mở, … cho các cơ sở có nhu cầu.
  • Huấn luyện để sử dụng các ứng dụng phần mềm nguồn mở trợ giúp làm video truy cập mở như các phần mềm soạn sửa hình ảnh, âm thanh, …
  • Tổ chức thường xuyên các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của các thư viện, cơ sở.
D4. Hạ tầng kỹ thuật và tính khả thi của sáng kiến
Theo lược đồ ở Hình 1, để tạo ra video truy cập mở tuân theo đầy đủ các nguyên tắc truy cập mở, cần có các phần mềm và công cụ sau:
  • Phần mềm hệ điều hành máy trạm: Sử dụng các phần mềm nguồn mở như GNU/Linux Ubuntu và/hoặc Fedora, … là các hệ điều hành nguồn mở phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay.
  • Phần mềm ứng dụng tạo video: OpenShot, Kazam,… chúng đều là các phần mềm nguồn mở và có sẵn, ví dụ như, trong Ubuntu Software Center.
  • Công cụ cấp phép và giúp các độc giả thừa nhận ghi công cho tác giả: các công cụ có sẵn của Creative Commons (bao gồm cả bộ chọn giấy phépbộ sinh giấy phép khi kết hợp 2 tài nguyên) và/hoặc trình giúp cấp phép và ghi công mở của dự án Open Washington. Các công cụ này đều có sẵn và truy cập mở, tự do trên Internet.
  • Các kho chia sẻ mở cho các video được tạo ra có thể tải lên đó: Vimeo (với đầy đủ 6 giấy phép tiêu chuẩn của Creative Commons và cả giấy phép CC0), YouTube (chỉ có 1 giấy phép CC BY, còn lại là giấy phép YouTube tiêu chuẩn). Các kho này đều có sẵn, đăng ký tài khoản tự do và dễ dàng trên Internet.
Lưu ý: Để mức độ khả thi của sáng kiến là cao nhất có thể, ngay cả trong trường hợp bạn đang sử dụng hệ điều hành không phải là GNU/Linux trong công việc hàng ngày, thì bạn vẫn có khả năng tạo video truy cập mở khi sử dụng các máy riêng do cơ sở của bạn thiết lập, có cài đặt hệ điều hành GNU/Linux và các phần mềm ứng dụng cần thiết để tạo video truy cập mở. Nói một cách khác, trong khi bạn vẫn sử dụng các hệ điều hành không phải GNU/Linux trong công việc hàng ngày, thì bạn sẽ tạo video truy cập mở trên các máy riêng rẽ khác được cài đặt sẵn hệ điều hành GNU/Linux và các phần mềm nguồn mở cần thiết để tạo video truy cập mở. Thư viện của cơ sở của bạn sẽ là nơi cung cấp không gian (phòng) và các thiết bị được cài đăt sẵn các phần mềm như vậy.
Trong khi từng cơ sở giáo dục chưa có khả năng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tất cả các phần mềm được nêu ở trên đều là các phần mềm nguồn mở - các phần mềm truy cập mở được - đặc biệt là các phần mềm kho chứa các sản phẩm video được tạo ra, các cơ sở hoàn toàn có khả năng để sử dụng các phần mềm nguồn mở và các kho có sẵn trên Internet được liệt kê ở trên. Điều này đồng nghĩa là sáng kiến tạo video truy cập mở được nêu ở đây là hoàn toàn khả thi với chi phí cho hạ tầng bằng không (0), ít nhất trong thời gian thí điểm, ngoại trừ, có thể, các chi phí tối thiểu phát sinh từ sự cần thiết có các máy tính riêng rẽ được cài đặt sẵn hệ điều hành GNU/Linux và các phần mềm ứng dụng cần thiết để tạo video truy cập mở.
Sau này, khi triển khai nhân rộng, các cơ sở cần tính tới việc nâng cấp không gian lưu trữ theo nhu cầu [01] [02] [03] trên các kho đó với khoản chi phí định kỳ chấp nhận được. Một tiếp cận khác có thể là xây dựng hạ tầng dùng chung để chia sẻ các video như vậy.
E. Dự kiến hiệu quả của sáng kiến - Thay cho lời kết
Việc triển khai thành công sáng kiến có thể mang lại các hiệu quả cụ thể sau:
  • Việc tạo ra các video truy cập mở, được cấp phép mở chính là tạo ra các tài nguyên giáo dục mở, dù nhỏ bé, nhưng sạch về bản quyền, vì thế chia sẻ tự do và mở được.
  • Việc phát triển và ứng dụng các kho OER được hiện thực hóa, có khả năng cao được đưa vào cuộc sống hàng ngày trong các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu, chứ không chỉ dừng ở mức lý thuyết.
  • Nâng cao vai trò của các thủ thư và cộng đồng các thủ thư trong kỷ nguyên số, một trong số các nguồn nhân lực cần thiết và không thể thiếu để tiếp cận CMCN4.0.
  • Các thủ thư và các giảng viên có khả năng sử dụng một loạt các phần mềm truy cập mở để xây dựng các video truy cập mở, điều thực sự giúp nâng cao năng lực của họ trong kỷ nguyên số và khả năng tiếp cận CMCN4.0.
  • Việc tạo ra các video truy cập mở cũng mở ra cho các giảng viên cách thức dạy học hiện đại hơn trong kỷ nguyên số.
  • Nâng cao năng lực cho thủ thư và các giảng viên về việc tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên số, trong khi vẫn phát triển được sức sáng tạo của mỗi người.
  • Là thực tế tốt để đề xuất xây dựng các chính sách truy cập mở và các chính sách cho các vấn đề đương thời khác được quan tâm như khoa học mở, truy cập mở, dữ liệu mở, dữ liệu mở liên kết… ở tất cả các cấp, bao gồm cả cấp quốc gia.
F. Phụ lục
F1. Triển khai thực tế theo hướng tạo video truy cập mở
Đã có vài lớp huấn luyện tạo video truy cập mở theo tinh thần của sáng kiến này, cụ thể:
  • Lớp tập huấn ‘Các tài nguyên giáo dục được cấp phép mở’ ở Đại học Thăng Long, Hà Nội trong 2 ngày 21-22/09/2017[12] [13].
  • Lớp thực hành tạo video truy cập mở & được cấp phép mở tại đại học Hoa Sen, thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/11/2017 (1 lớp sáng và 1 lớp chiều)[14].
  • Lớp thực hành tạo video truy cập mở và được cấp phép mở tại đại học Văn Lang, thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/11/2017[15].
F2. Yêu cầu tối thiểu đối với một lớp thực hành tạo video truy cập mở
Từ kinh nghiệm triển khai các lớp thực hành ở trên, để đảm bảo chất lượng thực hành, yêu cầu tối thiểu cho một lớp thực hành tạo video truy cập mở cần được chuẩn bị sẵn trước gồm:
  • Mỗi lớp 10 máy tính được cài đặt sẵn hệ điều hành GNU/Linux Ubuntu 16.04 LTS phiên bản 64 bit. Nên lựa chọn cài đặt sẵn bộ gõ tiếng Việt trong Ubuntu.
  • Cấu hình máy tính: máy tính thông thường hiện nay, với RAM nên từ 4GB trở lên.
  • Sau khi cài đặt xong hệ điều hành, từ Ubuntu Software Center, tìm và cài đặt sẵn trước các phần mềm tạo video truy cập mở OpenShot và ghi màn hình Kazam.
  • Phòng cho các lớp thực hành có kết nối Internet, băng thông càng rộng càng tốt.
  • Phòng cho các lớp thực hành có máy chiếu – Projector, hệ thống loa, micro.
G. Tài liệu và thông tin tham khảo
[1] ‘Rất cần khoa học mở cho CMCN 4.0’, bài đăng trên tạp chí Tia sáng ngày 26/08/2017 tại: http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Rat-can-khoa-hoc-mo-cho-CMCN-40--10878 hoặc tại địa chỉ: https://vnfoss.blogspot.com/2017/08/khoa-hoc-mo-rat-can-cho-cmcn40-o-viet.html
[2] ‘Xã hội hiện đại hướng dữ liệu và tác động của nó tới các thư viện’, bài đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Dịch vụ thông tin - thư viện trong xã hội hiện đại” do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 07/11/2017, tại: https://vnfoss.blogspot.com/2017/11/xa-hoi-hien-ai-huong-du-lieu-va-tac-ong.html
[3] Bài trình bày ngày 19/10/2017 tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 3 về Tài nguyên Giáo dục Mở (OER), phiên bản toàn văn, https://vnfoss.blogspot.com/2017/10/xu-ly-van-e-ban-quyen-tac-gia-e-tuan.html.
[4] Bài trình bày tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 3 về Tài nguyên Giáo dục Mở (OER), 19/10/2017, phiên bản slide, https://www.dropbox.com/s/9b03j6r9ycec8hn/OA-And-Copyright-Law-LeTrungNghia.pdf?dl=0.
[5] Bộ 4 tài liệu do UNESCO xuất bản năm 2015 cho các trường thư viện, gồm: (1) Giới thiệu truy cập mở, https://www.dropbox.com/s/u1wc3yp0i9vib9h/232204E-Vi-16082017.pdf?dl=0; (2) Hạ tầng truy cập mở, https://www.dropbox.com/s/u1wc3yp0i9vib9h/232204E-Vi-16082017.pdf?dl=0; (3) Tối ưu hóa tài nguyên, https://www.dropbox.com/s/d7oh3271m0z622h/232201E-Vi-22082017.pdf?dl=0; (4) Tính tương hợp và truy xuất, https://www.dropbox.com/s/1xkxe2y8oy0ln2m/232199E-Vi-06082017.pdf?dl=0
[6] Bộ 5 tài liệu do UNESCO xuất bản năm 2015 cho các nhà nghiên cứu. (1) Truyền thông hàn lâm, https://www.dropbox.com/s/6irainzgx3qa65h/231938e-Vi-20092017.pdf?dl=0; (2) Các khái niệm về tính mở và truy cập mở, https://www.dropbox.com/s/bnpg9kn6phkqnii/232207E-Vi-27092017.pdf?dl=0; (3) Các quyền sở hữu trí tuệ, https://www.dropbox.com/s/dboxp5uju3kjy0u/232208E-Vi-09092017.pdf?dl=0; (4) Đo đếm đánh giá nghiên cứu, https://www.dropbox.com/s/n1xohy7tgjdnt4o/232210E-Vi-12102017.pdf?dl=0; (5) Chia sẻ tác phẩm của bạn theo truy cập mở, https://www.dropbox.com/s/bff7xp7ppmm6yun/232211E-Vi-14092017.pdf?dl=0
[8] UNESCO xuất bản năm 2015, Giới thiệu Truy cập Mở, trang 5-6.
[9] UNESCO xuất bản năm 2015, Hạ tầng truy cập mở, trang 7-8.
[10] UNESCO xuất bản năm 2015, Hạ tầng truy cập mở, trang 126.
[11] UNESCO xuất bản năm 2015, Giới thiệu truy cập mở, trang 89.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập101
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay19,600
  • Tháng hiện tại683,911
  • Tổng lượt truy cập36,742,504
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây