Đầu tư cho khoa học mở: Thay đổi các tiêu chí đánh giá khoa học

Thứ sáu - 08/07/2022 06:23
Đầu tư cho khoa học mở: Thay đổi các tiêu chí đánh giá khoa học

(Bài đăng trên Tạp chí Tia Sáng, số 13 năm 2022, xuất bản ngày 05/07/2022, các trang 24-26. Phiên bản điện tử có tại địa chỉ: https://drive.google.com/file/d/1avNYm3kjFxPdyaM-WkUe3LCyaTAlFv3m/view?usp=sharinghttps://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/dau-tu-cho-khoa-hoc-mo-thay-doi-cac-tieu-chi-danh-gia-khoa-hoc/)

Khoa học mở sẽ thay đổi cách đánh giá nghiên cứu, đánh giá nhà khoa học từ trước tới nay.

Vào cuối năm 2021 vừa qua, tại phiên toàn thể Hội nghị UNESCO, 193 quốc gia thành viên của nó đã nhất trí thông qua Khuyến nghị Khoa học Mở[1]. Có thể nói rằng, đây là một công cụ đầu tiên đưa ra định nghĩa khoa học mở được cộng đồng quốc tế chấp nhận, đồng thời định rõ các hành động cần thiết và các bên tham gia để thúc đẩy phong trào này.

Để thực hiện được khuyến nghị này, các quốc gia thành viên của UNESCO được khuyến khích thực hiện bảy lĩnh vực hoạt động, trong đó nổi bật là tạo điều kiện chính sách thuận lợi cho khoa học mở; đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ khoa học mở; thúc đẩy hợp tác quốc tế và nhiều bên liên quan trong bối cảnh khoa học mở với quan điểm giảm khoảng cách số, công nghệ và kiến thức giữa các cá nhân trong xã hội.

Việc thực hiện các khuyến nghị này hiệu quả đến đâu, một phần dựa vào sự dẫn dắt của các nhóm làm việc cho khoa học mở của UNESCO. Trong đó, nhiều nội dung thuộc ba lĩnh vực hoạt động kể trên là do nhóm “Cấp vốn và ưu đãi” phụ trách. Nhóm này không chỉ đề xuất các cơ chế cấp vốn cho khoa học mở theo chủ đề và khu vực mà còn cả việc cải cách sửa đổi các tiêu chí đánh giá và thẩm định nghiên cứu hiện hành cho phù hợp với các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của khoa học mở.

Ngày 9/6 vừa qua là diễn ra cuộc họp đầu tiên của Nhóm làm việc về cấp vốn và ưu đãi cho Khoa học mở. Theo thông báo từ UNESCO, đã có 116 người tình nguyện đăng ký tham gia nhóm này, tới từ 39 quốc gia, đại diện cho nhiều cơ sở và tổ chức có liên quan đến khoa học và quản lý khoa học.

Các diễn giả khách mời trong cuộc họp đã đưa ra gợi ý về đánh giá và tài trợ cho nghiên cứu trong bối cảnh khoa học mở - rất khác so với cách thức truyền thống trước đây. Dưới đây là một vài điểm nhấn.

CẤP VỐN VÀ ƯU ĐÃI CHO KHOA HỌC MỞ SẼ DIỄN RA THẾ NÀO?

Đánh giá nghiên cứu nên dựa trên nhận xét định tính. Đại diện cơ quan Khoa học mở trực thuộc Ban Tổng Giám đốc về Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo của Ủy ban châu Âu cho biết, Châu Âu đang thay đổi cách đánh giá nghiên cứu để phù hợp với bối cảnh khoa học mở. Cơ quan này từ cuối năm 2021 đã khởi xướng một liên minh với một thỏa thuận đổi mới cách thức đánh giá nghiên cứu, thể hiện trong báo cáo ‘Hướng tới cải cách hệ thống đánh giá nghiên cứu[2]. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh rằng việc đánh giá nghiên cứu trước hết phải dựa trên các nhận định định tính, trong đó trọng tâm là hình thức bình duyệt và sau cùng mới dùng sự hỗ trợ của các chỉ số định lượng một cách có trách nhiệm. Cho tới thời điểm cuộc họp ngày 09/06/2022, đã có 334 tổ chức từ 38 quốc gia đã ủng hộ các nguyên tắc được đưa ra trong báo cáo đó, và đã tham gia trong việc cùng tạo lập một thỏa thuận để tập hợp liên minh. Các bên đã ký kết đồng ý: (1) Hành động dựa vào các nguyên tắc được nêu trong báo cáo; (2) Triển khai các cam kết thay đổi, bao gồm khung thời gian triển khai; và (3) Tổ chức và vận hành liên minh xung quanh các nguyên tắc chung đó. Dự kiến, ngày 08/07/2022 thỏa thuận cải cách cuối cùng sẽ được trình bày và việc thu thập các chữ ký sẽ kéo dài vào mùa thu năm nay.

Ít coi trọng chỉ số ảnh hưởng tạp chí. Hai tổ chức[3], Diễn đàn Châu Mỹ Latinh về Đánh giá Khoa học - FOLEC và Hội đồng Khoa học Xã hội Mỹ Latinh – CLACSO đã đề xuất điều chỉnh các ưu tiên trong đánh giá nghiên cứu nhằm thúc đẩy khoa học mở. Trong đó, các quốc gia Mỹ Latin và vùng Caribe sẽ ít coi trọng chỉ số ảnh hưởng của tạp chí khoa học JIF. Họ tiến tới loại bỏ việc sử dụng các tham chiếu tới chỉ số này và chỉ số H-index để đánh giá dự án nghiên cứu và năng lực của nhà khoa học. Thay vào đó, họ sẽ đánh giá các nhà nghiên cứu và giảng viên, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu dựa trên sự tham gia thúc đẩy khoa học mở và sự đa dạng trong các sản phẩm khoa học.

Cam kết với DORA là chia sẻ tinh thần khoa học mở. Tuyên bố San Francisco về Đánh giá Nghiên cứu - DORA (San Francisco Declaration on Research Assessement) kêu gọi các tổ chức quản lý và tài trợ nghiên cứu đánh giá các công trình và dự án khoa học để cấp kinh phí dựa trên chất lượng của chính nó thông qua hình thức bình duyệt chứ không phải là tầm ảnh hưởng hay tên của tạp chí. Hiện nay có 19 nghìn cá nhân và hơn 2,5 nghìn tổ chức đã tham gia ký tuyên bố DORA và họ dự định sẽ kêu gọi nhiều người cam kết hơn nữa. Điểm chung của DORA và Khoa học mở là tăng sự đa dạng, hòa nhập trong khoa học, và đều coi trọng nhiều loại đầu ra của nghiên cứu, từ dữ liệu, các dòng code, đào tạo kĩ năng mới…chứ không chỉ riêng bài báo đăng tạp chí.

Điểm chung giữa DORA, Khoa học Mở và sự công bằng, hòa nhập

Sáng kiến Lãnh đạo Giáo dục Đại học vì Khoa học mở – HELIOS[4] (The Higher Education Leadership Initiative for Open Scholarship) xuất phát từ cuộc tọa đàm của viện Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật, Y sinh quốc gia Hoa kỳ. Hiện nay họ đã có 78 trường đại học tham gia, bao trùm nửa triệu giảng viên trên toàn nước Mỹ. Các trường sẽ cam kết điều chỉnh chính sách đầu tư cho nghiên cứu, thưởng, thăng chức, bổ nhiệm, cấp biên chế cho giảng viên…để thúc đẩy nhân viên thực hành khoa học mở. Mặc dù mỗi trường, với điều kiện khác nhau, sẽ có cách làm riêng nhưng đều minh bạch và tuân thủ trách nhiệm giải trình lộ trình của mình theo khung tiêu chí của HELIOS.

Các bên tham gia vì khoa học mở theo HELIOS

Từ năm 2023 trở đi, Việt Nam nên có các đề tài nghiên cứu về cấp vốn và ưu đãi cho Khoa học mở ở các mức quốc gia/cơ sở, tham khảo cách thức cấp vốn và ưu đãi và/hoặc đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu theo khoa học mở của các quốc gia trên thế giới được nêu trong bài viết này để từ đó từng bước xây dựng chính sách cấp vốn và ưu đãi cho khoa học mở cho phù hợp với điều kiện phát triển KHM theo từng giai đoạn ở Việt Nam.

Thay đổi thiết kế nghiên cứu khoa học mở. Hannah Hope, người dẫn đầu bộ phận nghiên cứu mở của quỹ Wellcome Trust – quỹ từ thiện tài trợ cho các dự án liên quan đến sức khỏe lâu đời của Anh, cho biết cần phải thay đổi cách thiết kế kêu gọi tài trợ. Thực tế, bản thân quỹ Wellcome đã từng đưa vào các yếu tố của khoa học mở để đánh giá cấp vốn cho các đề tài dự án, nhưng thực sự chưa tạo được tác động lớn. Bà cho rằng, việc thay đổi cách đánh giá nghiên cứu là chưa đủ, bản thân các nghiên cứu khoa học mở phải được thiết kế theo một cách khác. Đó phải là các nghiên cứu liên ngành, đòi hỏi sự tham gia của nhiều người và kết quả nghiên cứu của nó sẽ được sử dụng lại với lợi ích tối đa. Và không chỉ thay đổi thiết kế nghiên cứu mà còn phải thay đổi cả cách tài trợ cho các thiết bị, phần mềm và dịch vụ phục vụ nghiên cứu sao cho nhiều cá nhân, đơn vị, bất kể điều kiện nguồn lực đều có thể tiếp cận và dùng chung.

Cần đầu tư nghiêm túc vào các tạp chí mở. Theo giám đốc điều hành của Hiệp hội Xuất bản Học thuật Truy cập Mở – OASPA[5], Claire RedHead hiện nay có rất nhiều mô hình cấp vốn duy trì cho các tạp chí mở. Mô hình có lẽ phổ biến nhất đối với các nhà khoa học Việt Nam là mô hình trả phí xử lý bài báo để được đăng trên tạp chí mở (với nhà xuất bản MDPI và Frontier). Ngoài ra còn có mô hình trả phí thuê bao, theo đó, chỉ cần số lượng người dùng nhất định sẵn sàng trả phí đăng ký đọc tạp chí, thì tạp chí sẽ trở thành tạp chí mở cho tất cả mọi người. Mô hình khác nữa là mô hình phí thành viên, mỗi tác giả mới cần chi trả một khoản tiền nhỏ, một lần duy nhất, để tạp chí có thể duy trì hoạt động. Mô hình lí tưởng nhất chính là mô hình mở kim cương – Diamond (hay cũng có khi gọi là bạch kim) khi người đăng bài không phải chi trả bất kì một khoản phí nào. Theo Claire Redhead thì mô hình công bằng nhất là mô hình trả phí thuê bao, nhưng dựa vào lòng tốt của người khác thì không bền vững. Các tạp chí kiểu này chứng kiến những người đăng ký lâu năm đang dần “rời bỏ” mình vì ai cũng nghĩ rằng nếu thiếu đăng ký của họ thì vẫn đủ người để tạp chí mở. Mô hình vận hành dựa trên lòng tốt, sự ủng hộ của người đọc khá bấp bênh. Còn với mô hình mở kim cương lý tưởng, thì nguồn vốn của tạp chí chủ yếu đến từ tài trợ của các viện nghiên cứu, trường đại học. Các nước Mỹ Latin đã rất thành công với mô hình này; mô hình này cũng có những điển hình thành công ở Vương quốc Anh như của UCLPress (https://www.uclpress.co.uk/), hay trong khuôn khổ LYRASIS của Chương trình đầu tư cộng đồng truy cập mở - OACIP LYRASIS (LYRASIS Open Access Community Investment Program) (https://www.lyrasis.org/content/Pages/Open-Access-Programs.aspx). Xuất bản sách mở cũng theo những mô hình tương tự, nhưng đòi hỏi nhiều tiền hơn. Mặc dù có nhiều thách thức nhưng nhiều tổ chức và nhà xuất bản đang thử nghiệm những hình thức tìm nguồn vốn mới mẻ và đầy sáng tạo. Chẳng hạn một số nơi đang áp dụng mô hình chưa từng có là mô hình “giá tầng bậc”, theo đó người nào đọc trước thì sẽ trả giá đắt nhất để đọc bài báo/sách và đến một số người đọc nhất định nào đó thì bài báo/sách sẽ mở, miễn phí cho mọi người. Với thâm niên 10 năm trong lĩnh vực xuất bản mở, Clair cho rằng kinh phí hỗ trợ cho mô hình tạp chí mở vẫn rất hạn chế. Các cơ quan cấp vốn nghiên cứu và quản lý nghiên cứu cần thực sự đầu tư và hỗ trợ hơn cho hình thức xuất bản mở.

Lịch trình của Nhóm Làm việc về cấp vốn và ưu đãi cho KHM của UNESCO

Từ nay tới cuối năm 2022, nhóm sẽ xây dựng tài liệu với 2 mục tiêu chính: (1) đưa ra các đề xuất về các cơ chế cấp vốn cho KHM theo khu vực và theo chủ đề; và (2) đưa ra các khuyến nghị về làm lại các tiêu chí đánh giá và thẩm định sự nghiệp nghiên cứu hiện hành. Để hoàn thành, nhóm sẽ tập hợp các đầu vào (trong tháng 6 và 7) để xây dựng bản thảo đầu tiên đưa ra thảo luận công khai và rộng rãi và sẽ hoàn thành nó vào tháng 12/2022.

Dự kiến cuộc họp tiếp sau của Nhóm này sẽ diễn ra trên trực tuyến ngày 20/09/2022.

MỘT VÀI GỢI Ý CHO VIỆT NAM

UNESCO hiện đang dẫn dắt triển khai các nội dung của Khuyến nghị Khoa học mở vào thực tế cuộc sống ở phạm vi toàn cầu với một trong những cách thức triển khai là đi qua các Nhóm làm việc về KHM, trong đó có Nhóm Làm việc về cấp vốn và ưu đãi cho Khoa học mở.

Qua các bài được chọn trình bày tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm Làm việc về cấp vốn và ưu đãi cho Khoa học mở, có thể thấy nhiều nguồn thông tin về cấp vốn và ưu đãi cho Khoa học mở hiện có đều là những nguồn tham chiếu rất tốt cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, biết rằng việc cấp vốn và ưu đãi cho KHM ở Việt Nam còn chưa tồn tại, trong khi KHM đã trở thành một xu thể không thể đảo ngược của thế giới.

Một vấn đề rất quan trọng nổi lên là việc đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu theo Khoa học Mở là hoàn toàn khác với theo truyền thống. Trong khi việc đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu theo truyền thống, có lẽ như trong hầu như tất cả các trường đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam hiện nay, thường dựa vào các Yếu tố Tác động của Tạp chí - JIF (Journal Impact Factor) và uy tín của các tạp chí mà các bài báo nghiên cứu được xuất bản trên đó; còn việc đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu theo Khoa học Mở lại mang tính định tính nhiều hơn, dựa vào chất lượng và tác động của bản thân các bài báo nghiên cứu đó đối với cả khoa học và xã hội, rời bỏ khỏi JIF, như những gì được nêu trong nguyên tắc chung của Tuyên bố San Francisco về Đánh giá Nghiên cứu (DORA)[6]: ”Không sử dụng các thước đo dựa vào tạp chí, như các Yếu tố Tác động của Tạp chí - JIF (Journal Impact Factors), như là một biện pháp thay thế chất lượng các bài báo nghiên cứu riêng lẻ, để đánh giá những đóng góp của cá nhân nhà khoa học, hoặc trong các quyết định thuê làm, thăng tiến, hay cấp vốn”.

Dự kiến Nhóm Làm việc về cấp vốn và ưu đãi cho KHM của UNESCO sẽ hoàn thành tài liệu đề xuất các cơ chế cấp vốn cho khoa học mở theo khu vực và theo chủ đề, cũng như đưa ra các khuyến nghị về làm lại các tiêu chí đánh giá và thẩm định sự nghiệp nghiên cứu hiện hành. Hy vọng Bộ KHCN và các bộ – ngành cùng các viện/đại học/trường đại học nghiên cứu có liên quan tận dụng được tài liệu đề xuất và các khuyến nghị này để có thể lập kế hoạch xây dựng chính sách cấp vốn và ưu đãi cho khoa học mở phù hợp cho Việt Nam cả ở mức quốc gia và tổ chức/cơ sở, trong khi tuân thủ các chuẩn mực được thế giới thừa nhận.

Gợi ý Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ – ngành - địa phương và/hoặc các Hội/Hiệp hội nghề nghiệp và các bên liên quan để thực hiện các công việc nêu trên càng sớm càng tốt. Đây chắc chắn là cách tốt nhất để khoa học và giáo dục Việt Nam có khả năng bắt kịp với nhịp độ phát triển KHM của thế giới.


Các chú giải

[1] UNESCO, 2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

[2] European Commission, Directorate-General for Research and Innovation: Towards a reform of the research assessment system : scoping report, Publications Office, 2021, https://data.europa.eu/doi/10.2777/707440. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/au0fdqqdscwi8sp/KI0921484ENN.en_Vi-26062022.pdf?dl=0

[3] FOLEC-CLACSO: https://www.clacso.org/en/folec/

[4] HELIOS: About: https://www.heliosopen.org/about

[5] Open Access Scholarly Publishing Association (OASPA): https://oaspa.org/

[6] San Francisco Declaration on Research Assessement, 16/12/2012: https://www.ascb.org/files/SFDeclarationFINAL.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/t4nok8hxd0w4jnk/SFDeclarationFINAL-Vi-15042019.pdf?dl=0


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

Tác giả: Nghĩa Lê Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay2,689
  • Tháng hiện tại174,728
  • Tổng lượt truy cập37,701,552
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây