Triển vọng hợp tác CNTT giữa Việt Nam - Ủy ban châu Âu - Úc & New Zealand

Thứ sáu - 22/11/2013 06:12
Theo lời mời của Ban Tổng giám đốc về Công nghệ thông tin - DIGIT (Directorate-General for Informatics) của Ủy ban châu Âu - EC (European Commission), đoàn công tác do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đã tới Bỉ cuối tháng 10/2013 để tham dự cuộc họp có kế hoạch kéo dài trong 2 ngày giữa DIGIT-EC, Văn phòng Công nghệ thông tin - Bộ Khoa học Công nghệ (ITO-MoST) Việt Nam, và Trung tâm Công nghệ Mở – OTF (Open Technology Foundation) của Úc và New Zealand (A&NZ) bàn về sự hợp tác trong các vấn đề các bên cùng quan tâm. Vấn đề gồm:
  1. Sáng kiến Chia sẻ Toàn cầu (Global Sharing Initiative) giữa các nền tảng thông tin Joinup của EC, Openray của OTF và OpenRoad của Việt Nam với cùng một nền tảng gốc chung là Joinup, một phần của Chương trình các Giải pháp Tương hợp cho các nền Hành chính châu Âu – ISA (Interoperability Solutions for European Public Administration) của EC.
  2. Chương trình nghị sự Số (Digital Agenda) của EC, trong đó các bên quan tâm tới 2 trụ cột của chương trình là (a) Chuẩn mở và tính tương hợp và (b) An ninh.
Ảnh: Các đại biểu tham dự cuộc họp 3 bên tại DIGIT-EC, Brussels, 21-22/10/2013
Trong buổi sáng và nửa đầu giờ chiều ngày 21/10, các diễn giả phía DIGIT-EC đã giới thiệu một số bài trình bày về:
  1. Tổng quan về chương trình ISA, khung tương hợp của Liên minh châu Âu - EIF (European Interoperability Framework) phiên bản 2, đề cập tới chính sách của ISA với các mức tương hợp về (a) pháp lý; (b) tổ chức; (c) công nghệ và (d) ngữ nghĩa.
  2. Tổng quan về Khung Định vị của Liên minh châu Âu EULF (European Uni-on Location Framework) và việc chia sẻ và sử dụng lại các dữ liệu không gian.
  3. Kho tương hợp Liên đoàn châu Âu (European Federated interoperability repository) và kế hoạch hành động vì tính tương hợp theo ngữ nghĩa với các đặc tả sơ đồ siêu dữ liệu mô tả tài sản ADMS (Asset Description Metadata Schema). Bản chất của ADMS là từ vựng để mô tả các tài sản tương hợp để giúp các lập trình viên trong CNTT tìm kiếm, khai thác và sử dụng các tài sản tương hợp về ngữ nghĩa. ADMS cho phép các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp, các cơ quan tiêu chuẩn và các viện nghiên cứu để mô tả các tài sản ngữ nghĩa theo một cách thức chung sao cho chúng có thể được các lập trình viên CNTT tìm ra và yêu cầu chéo một cách trơn tru từ một điểm truy cập duy nhất, như Joinup. Nội dung này cũng đề cập tới Kiến trúc Tương hợp châu Âu - EIA (European Interoperability Architecture), một khung chỉ dẫn về tính tương hợp khi xây dựng các ứng dụng - dịch vụ chính phủ điện tử cho các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu - EU (European Uni-on).
  4. Chia sẻ và sử dụng lại các giải pháp tương hợp – các mô hình nghiệp vụ thông qua khung cấp phép EUPL (European Public License). Bài trình bày nhấn mạnh tới các đặc tính của giấy phép phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM) EUPL, được sử dụng rộng rãi cho các PMTDNM được phát triển tại các quốc gia thành viên của EU. Giấy phép EUPL tương thích một chiều với GPL.
  5. Đánh giá chung về các tiêu chuẩn và đặc tả - CAMSS (Common assessment of Standards and Specifications), mô tả qui trình, các chỉ tiêu và thư viện của CAMSS.
  6. Giới thiệu tổng quan về một số công cụ có khả năng sử dụng lại mà hỗ trợ cho mua sắm điện tử (eProcurement) và trao đổi có an ninh các tài liệu trong các cơ quan hành chính của Chính phủ – ePrior và eTrustEx. Cả ePrior và eTrustEx đều là các dự án PMTDNM.
  7. Mô hình nghiệp vụ cho việc chia sẻ và sử dụng lại, được tùy biến cho các nhu cầu hành chính nhà nước. Nội dung này nhấn mạnh tới các điểm mạnh và yếu khi tiến hành việc chia sẻ và sử dụng lại.
Kết thúc từng bài trình bày đều có phần hỏi đáp để các diễn giả và những người tham dự trao đổi nhằm hiểu biết tốt hơn các vấn đề vừa được giới thiệu. Cũng theo cách thức này, sau khi kết thúc các bài trình bày của phía EC như được nêu ở trên, tới lượt các bài trình bày của phía Việt Nam, chúng bao gồm:
  1. Dự án OpenRoad - các bước phát triển tiếp theo và triển vọng hợp tác với OpenRay và Joinup. Nếu như Joinup và Openray là nền tảng chia sẻ thông tin, thì OpenRoad ngoài việc là nền tảng chia sẻ thông tin còn là nền tảng chính phủ điện tử với các thành phần hạ tầng và cơ bản, là chất xúc tác để tập hợp và xây dựng các cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM) và là thành phần của sáng kiến chia sẻ toàn cầu. Việc tham gia vào sáng kiến chia sẻ toàn cầu với Joinup và Openray và/hoặc rộng lớn hơn khi các nước khác tham gia vào đòi hỏi những cải tiến và đổi mới ở một số khía cạnh trong tương lai đối với tất cả các cộng đồng Joinup - Openray – OpenRoad.
  2. Tổng quan về ứng dụng và phát triển FOSS tại Việt Nam. Bài trình bày nêu tổng quan về chính sách và ứng dụng PMTDNM trong các cơ quan nhà nước Việt Nam, sự phát triển về PMTDNM tại Việt Nam trước và sau khi Câu lạc bộ PMTDNM Việt Nam (VFOSSA) được thành lập vào đầu năm 2012 và các hoạt động chính của VFOSSA các năm 2012-2013.
  3. Nghiên cứu về PMTDNM trong các trường đại học của Việt Nam. Bài trình bày nêu các thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai các cộng đồng PMTDNM trong các trường đại học ở Việt Nam và một số ví dụ điển hình.
  4. Thị trường PMTDNM ở Việt Nam, xu thế và cơ hội. Bài trình bày nêu các con số thống kê có liên quan tới ứng dụng PMTDNM của các thành phần khác nhau trong xã hội từ chỉ số sẵn sàng về CNTT-TT năm 2012 cũng như những tín hiệu lạc quan trong việc ứng dụng PMTDNM tại một số tỉnh thành lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh trong các chương trình chính phủ điện tử.
  5. Kế hoạch dự kiến hợp tác về các tiêu chuẩn mở và an ninh với EC. Các tiêu chuẩn mở và an ninh là 2 trong 7 trụ cột chính trong chương trình nghị sự số với các kế hoạch hành động cụ thể được vạch sẵn của EC mà phía Việt Nam đề xuất được hợp tác với EC trong tương lai với một kế hoạch dự kiến được đưa ra để các bên cùng thảo luận để có thể triển khai vào thực tế tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trong phần thảo luận sau mỗi bài trình bày, nhiều câu hỏi thú vị đã được đưa ra từ phía EC, cho thấy có sự quan tâm và mong muốn hợp tác của phía bạn trong tương lai trong một số lĩnh vực có liên quan tới ứng dụng và phát triển PMTDNM tại Việt Nam và xa hơn.
Trước khi kết thúc ngày đầu tiên làm việc dài và sôi nổi, bà Margarida Abecasis đã tóm lược lại các vấn đề mà các bên đã trình bày trong ngày, nêu lên triển vọng của việc trao đổi hợp tác giữa các bên và các lưu ý cho công việc của ngày họp tiếp theo, 22/0/2013.
Sáng 22/10/2013, ông Angelo Tosetti, người chủ trì ngày làm việc thứ hai của các bên, đã giới thiệu chương trình làm việc trong ngày, đặc biệt nhấn mạnh vào các vấn đề mà phía Việt Nam quan tâm đề xuất cho cuộc họp lần này, với các bài trình bày, gồm:
  1. Chương trình nghị sự số của châu Âu - việc đưa ra sự tăng trưởng số và công ăn việc làm. Bài trình bày đưa ra các mục tiêu được kỳ vọng đạt được của châu Âu tới năm 2020 thông qua chương trình nghị sự số với 7 trụ cột nhằm xây dựng một nền kinh tế không biên giới và vững mạnh cho EU. Hiện nay tại EU, tiếp cận chiến lược của chương trình nghị sự số của EU đang được triển khai ở cả các mức quốc gia, vùng và địa phương tại một số nước, trong khi một số nước khác của EU tiến hành xây dựng chương trình nghị sự số của riêng mình với sự kết hợp và/hoặc truyền cảm hứng từ chương trình nghị sự số của EU. Điều này mở ra nhiều sự lựa chọn khác nhau cho các quốc gia khác như Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm triển khai. Dự kiến vào tháng 03/2014 sẽ có cuộc hội thảo về chương trình nghị sự số cho các vùng với Ủy ban các Vùng để các vùng khắp châu Âu gặp gỡ, chia sẻ những thực tiễn tốt nhất và trao đổi những ý tưởng có tính đổi mới sáng tạo.
  2. An ninh thông tin, trụ cột số 3 trong chương trình nghị sự số của EC với bài trình bày có tựa đề “Mạng và An ninh thông tin” - NIS (Network and Information Security). Bài trình bày nêu bật vấn đề nóng hiện nay về an ninh không gian mạng (ANKGM), đề cập tới chiến lược ANKGM của châu Âu và nhấn mạnh ANKGM của Liên minh châu Âu - EU là việc chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên trong cả 3 trụ cột chính của NIS là: (a) Tính sẵn sàng; (b) Hợp tác mức EU; (c) Văn hóa các khu vực của NIS. Bài trình bày cũng đưa ra các đề xuất cho một chỉ thị mức châu Âu về NIS, chiến lược ANKGM của EU, nền tảng công - tư của NIS. Tất cả các công việc trên đều nhằm mục tiêu để đạt được tính đàn hồi về ANKGM trong chiến lược ANKGM của EU.
  3. Chuẩn mở, trụ cột số 2 trong chương trình nghị sự số của EC với bài trình bày giới thiệu một số hành động cụ thể của trụ cột này như hành động số 21) Đề xuất pháp lý về tính tương hợp cho CNTT-TT; hành động số 23) Đưa ra chỉ dẫn về tiêu chuẩn hóa và mua sắm công CNTT-TT; hành động số 25) Các biện pháp nhận diện và đánh giá yêu cầu của các tay chơi chính trong thị trường cấp phép cho thông tin đối với các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Trong phần hỏi đáp các vấn đề liên quan tới các tiêu chuẩn mở, một vài chi tiết quan trọng được khẳng định như: (a) hiện nay tại châu Âu, bằng sáng chế về phần mềm còn chưa được chính thức thừa nhận và (b) chính sách mua sắm hiện nay của chính phủ Anh dựa vào các tiêu chuẩn mở, có hiệu lực từ 01/11/2012, có định nghĩa về chuẩn mở với tiếp cận tự do về phí bản quyền – RF (Royalty Free) chứ không phải theo tiếp cận công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử - FRAND (Fair, Reasonable, And Non-Discriminatory) hoặc tiếp cận hợp lý và không phân biệt đối xử - RAND (Reasonable, And Non-Discriminatory). Điều này là rất quan trọng để đảm bảo cho các dữ liệu áp dụng các tiêu chuẩn mở được trường tồn vĩnh viễn.
  4. Bài trình bày về “Triển khai Khung Cấp phép Mở của Chính phủ Úc” - AusGOAL (Implementating the Australian Government' Open Access and Licensing Framework) với mục tiêu hướng vào các dữ liệu mở (Open Data) được cấp phép theo hệ thống các giấy phép tư liệu mở Creative Commons (CC). Hiện chính phủ Liên bang Úc đã luật hóa AusGOAL để có khả năng triển khai rộng khắp. Được biết, hiện không chỉ các cơ quan hành chính Úc triển khai AusGOAL, mà trong các trường đại học của Úc, cũng sẽ triển khai khung này cùng với các tài nguyên giáo dục mở – OER (Open Education Resource). Phía Việt Nam cũng chia sẻ rằng trong các bản ghi nhớ giữa các bên tham gia trong dự án OpenRoad của Việt Nam từ năm 2012 thì các tư liệu được sử dụng cho OpenRoad, dù là tài liệu văn bản, hình ảnh, âm thanh hay đa phương tiện, đều được cấp phép CC BY và/hoặc CC BY-SA để đảm bảo các quyền tự do cho những người sử dụng các tư liệu đó.
Tiếp đến là phần kỹ thuật với các bài trình bày và thảo luận hỏi - đáp có liên quan trực tiếp tới việc triển khai, chia sẻ và sử dụng lại giữa các nền tảng Joinup – Openray – OpenRoad với sự điều hành của ông Szabolcs Szekacs, phụ trách kỹ thuật của Joinup trong chương trình ISA của DIGIT-EC.
  1. Các bài trình bày trong phần kỹ thuật của phía Úc và Việt Nam đều dựa trên 3 điểm chính, được các bên đã đồng thuận từ trước, gồm: (a) Những khác biệt với Joinup; (b) Những thách thức đang gặp phải; (c) Những mong đợi trong sự hợp tác với Joinup.
  2. Bài trình bày của EC về cách thức để tìm kiếm và tải về để sử dụng các siêu dữ liệu ở dạng XML và các tài sản ngữ nghĩa theo chuẩn ADMS (như được nêu ở phần trên) sẵn có trên Joinup, rất hữu dụng cho tính tương hợp về ngữ nghĩa khi làm việc chung giữa các nền tảng Joinup – Openray – OpenRoad và xa hơn là với các nền tảng khác trong các ứng dụng - dịch vụ chính phủ điện tử.
  3. Bài trình bày của EC về những thay đổi trong tương lai của Joinup và các tác động của chúng lên Openray và OpenRoad. Bài trình bày đưa ra phương pháp và các công cụ trợ giúp để phía Việt Nam và Úc có thể: (a) tham gia vào ở mức độ sâu hơn trong sự phát triển của dự án nguồn mở Joinup không chỉ ở khía cạnh kỹ thuật công nghệ, mà còn ở các khía cạnh khác như quản lý và điều hành; (b) để những thay đổi của Joinup có khả năng tự động xuôi xuống dòng dưới về Openray và OpenRoad, cũng như để những thay đổi của Openray và OpenRoad có khả năng tự động ngược lên dòng trên về với Joinup; (c) để đồng bộ các nền tảng Joinup - Openray - OpenRoad và các vấn đề kỹ thuật liên quan khác.
Sau phần thảo luận sôi nổi và thẳng thắn, các bên đã đi tới nhất trí một số vấn đề nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho sự hợp tác 3 bên trong tương lai.
Trước khi kết thúc ngày làm việc thứ 2 và cũng là ngày làm việc cuối cùng, ông Angelo Tosetti đã tóm tắt lại các vấn đề được trình bày trong 2 ngày hội thảo và khẳng định việc các bên tham gia đều đồng ý sẽ đưa những vấn đề được các bên thảo luận vào trong các nội dung dự thảo biên bản ghi nhớ hợp tác, sẽ được các bên ký kết để có khả năng triển khai trong thời gian tới, bao gồm các lĩnh vực cụ thể sau:
    1. Hợp tác giữa các nền tảng Joinup – Openray – OpenRoad một cách toàn diện, theo Chương trình Chia sẻ Toàn cầu (Global Sharing Initiative).
    2. Hợp tác về Chuẩn mở và tính tương hợp, dựa theo các nội dung được nêu trong trụ cột số 2, chương trình nghị sự số của EC.
    3. Hợp tác về An ninh thông tin, dựa theo các nội dung được nêu trong trụ cột số 3, chương trình nghị sự số của EC.
Đối với đoàn Việt Nam tham dự 2 ngày hội thảo dài, căng thẳng và đầy ắp thông tin này, những kết luận nêu trên cũng chính là mong muốn trước khi đi của đoàn.
Cả đoàn Việt Nam cùng mấy bạn châu Âu vừa tham gia hội thảo, rủ nhau ra một quán bia nằm bên rìa của quảng trường Nghị viện châu Âu để thưởng thức các loại bia nổi tiếng của nước Bỉ dưới nắng chiều tà và tiết trời se lạnh, với tâm trạng vui vẻ và tràn đầy hy vọng về những hợp tác có hiệu quả trong tương lai.
Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 11/2013, trang 41-43.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập85
  • Hôm nay9,897
  • Tháng hiện tại582,759
  • Tổng lượt truy cập37,384,333
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây