KHAI THÁC CÁC BẢN THẢO NGHIÊN CỨU CHƯA ĐƯỢC RÀ SOÁT LẠI NGANG HÀNG BẰNG TRÌNH BỔ SUNG UNPAYWALL

Chủ nhật - 11/10/2020 06:11
KHAI THÁC CÁC BẢN THẢO NGHIÊN CỨU CHƯA ĐƯỢC RÀ SOÁT LẠI NGANG HÀNG BẰNG TRÌNH BỔ SUNG UNPAYWALL
Lê Trung Nghĩa
Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục Mở, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
letrungnghia.foss@gmail.com
Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế (https://creativecommons.org/licenses/by/4.0/) (Bài viết cho Hội nghị FAIR 2020, tổ chức ở Đại học Nha Trang trong các ngày 08-09/10/2020)

TÓM TẮT— Bài báo này trình bày khái niệm và những lợi ích của các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng (Priprint) thường thấy ở dạng các tài liệu truy cập mở đối với các tác giả nghiên cứu khoa học và cách thức sử dụng công cụ - trình bổ sung Unpaywall để khai thác các trang máy chủ chứa các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng đó (Priprint Server), bất kể bạn là nhà nghiên cứu khoa học hay người sử dụng. Bài báo cũng đưa ra một vài đường liên kết tới các trang máy chủ như vậy mà các nhà nghiên cứu/độc giả có thể khai thác.
Từ khóa— Bản thảo (nghiên cứu) chưa được rà soát lại ngang hàng, truy cập mở, mã nhận diện đối tượng số (DOI), giấy phép mở Creative Commons, trình bổ sung Unpaywall.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vừa là nhà nghiên cứu khoa học, vừa là người sử dụng các nghiên cứu khoa học, làm thế nào để có thể khai thác được các bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng (Preprints) có xu hướng ngày một gia tăng của các bài báo và/hoặc dữ liệu nghiên cứu ở dạng các tài liệu Truy cập Mở, cho phép bạn tự do không mất tiền và hợp pháp để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại chúng? Công cụ nào có thể giúp bạn thực hiện được điều đó dễ dàng và nhanh nhất có thể?

II. CÁC BẢN THẢO CHƯA ĐƯỢC RÀ SOÁT LẠI NGANG HÀNG (PREPRINTS) LÀ GÌ, VÀ CHÚNG CÓ LỢI NHƯ THẾ NÀO CHO CÁC TÁC GIẢ?
Bài viết cùng tên của TS. Ben Mudrak [1] đã nêu mấy điểm quan trọng sau:
A. Định nghĩa
Bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng là tài liệu nghiên cứu phác thảo đầy đủ được chia sẻ công khai trước khi nó được rà soát lại ngang hàng.
B. Lợi ích của các bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng đối với tác giả
Ngắn gọn, có 3 lợi ích chính đối với tác giả của bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng, gồm:
Hình 1. Các lợi ích của bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng đối với tác giả[2]
 
Sự thừa nhận. Khi bạn đăng một bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng với các kết quả nghiên cứu của bạn, bạn có thể khẳng định chắc chắn tác phẩm bạn đã làm, ghi công đầu cho bạn một cách thuyết phục, bất luận các thảo luận nào có sau đó liên quan tới nó, vì ngày nay nó thường được gắn với một mã nhận diện đối tượng số - DOI (Digital Object Identifier), phân biệt nó với bất kỳ bản thảo hay bài báo nào khác có liên quan tới nó.
Phản hồi. Trong hệ thống truyền thống, bản thảo được đệ trình nhận được phản hồi từ 2 hoặc 3 người rà soát lại ngang hàng trước khi xuất bản. Với bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng, các nhà nghiên cứu khác có thể phát hiện ra tác phẩm của bạn sớm hơn, tiềm tàng chỉ ra các lỗi hoặc các khiếm khuyết quan trọng, gợi ý các nghiên cứu hoặc dữ liệu mới để tăng cường cho luận điểm của bạn hoặc thậm chí khuyến cáo cộng tác có thể dẫn tới xuất bản trên tạp chí có uy tín hơn. Phản hồi đó có thể được đưa ra công khai qua bình luận, hoặc riêng tư qua thư điện tử.
Tính trực quan (và các trích dẫn). Các bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng thường chưa phải là dạng tài liệu nghiên cứu cuối cùng đối với hầu hết các tác giả. Đã có nghiên cứu cho thấy: “Việc đăng bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng đã dẫn tới sự gia tăng đáng kể các điểm số chú ý Altmetric và các trích dẫn đối với tài liệu cuối cùng được xuất bản”.
Cả 3 lợi ích được nêu ở trên, đều đứng từ góc độ của tác giả nghiên cứu của (các) bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng.
Trên thực tế, bạn có thể là tác giả các bài báo nghiên cứu về một (vài) vấn đề nhất định nào đó, nhưng đồng thời bạn cũng là các độc giả đối với các bài báo nghiên cứu về một (vài) vấn đề nào đó khác có liên quan, hoặc bạn đang có ý định triển khai các kết quả nghiên cứu của những người khác. Dù ở góc độ nào, nhà nghiên cứu hay người triển khai kết quả nghiên cứu, bạn đều sẽ có nhu cầu tìm kiếm để đọc và khai thác được các bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng càng sớm có thể càng tốt.
Câu hỏi là: làm cách nào để có thể có được công cụ giúp cho tôi tìm kiếm để đọc và khai thác được các bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng càng sớm, càng tiện lợi và càng có thể kham được về mặt tài chính, càng tốt?

III. TRÌNH BỔ SUNG UNPAYWALL
Một trong các công cụ có thể trả lời cho câu hỏi trên là trình bổ sung Unpaywall[3] (Bức tường không phải trả tiền) dù nó không chỉ dành riêng cho các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng. Với Unpaywall, bạn hoàn toàn có thể tự do không mất tiền để có được văn bản các tài liệu nghiên cứu khi duyệt web bằng việc sử dụng dịch vụ đánh chỉ mục của nó đối với hàng chục triệu bài báo nghiên cứu hợp pháp, truy cập mở, với giả thiết bạn đang sử dụng trình duyệt web Mozilla Firefox hoặc Google Chrome. Cách thức cài đặt và sử dụng nó được trình bày bên dưới.

A. Cài đặt Unpaywall trên trình duyệt Mozilla Firefox
Các bước cài đặt như theo Hình 2 với các bước sau:
  • Bước 1. Trên trình duyệt Firefox, chọn Tools/Add-ons hoặc nhấn tổ hợp phím Ctrl+Shift+A để mở của sổ trình quản lý các trình bổ sung (Add-ons Manager).
  • Bước 2. Gõ vào trường tìm kiếm các trình bổ sung (Find more Add-ons) từ Unpaywall rồi nhấn phím Enter để tìm kiếm.
  • Bước 3. Khi bảng các kết quả tìm kiếm hiện ra trên màn hình ADD-ONS, hãy nhấn vào đường liên kết “Unpaywall” để bắt đầu việc cài đặt.
  • Bước 4. Trên màn hình ADD-ONS, hãy nhấn vào núm “Add to Firefox” (Thêm vào Firefox).
  • Bước 5. Trên màn hình ADD-ONS, hãy nhấn tiếp núm “Add” để cho phép Unpaywall truy cập dữ liệu của bạn đối với tất cả các website.
  • Bước 6. Unpaywall đã được thêm vào trình duyệt Firefox của bạn, hãy nhấn “Okay, Got it” (OK, có nó rồi) để hoàn tất cài đặt.
  • Bước 7. Bạn sẽ nhìn thấy biểu tượng của trình bổ sung Unpaywall trên màn hình trình duyệt Firefox của bạn.
Hình 2. Cài đặt Unpaywall trên trình duyệt Mozilla Firefox

Nếu vì bất kỳ lý do gì mà sau khi cài, bạn muốn loại bỏ trình bổ sung Unpaywall, bạn có thể thực hiện các bước từ 1 – 3, rồi sau đó nhấn vào núm “Remove” (Loại bỏ) như trên Hình 3.
Hình 3. Bỏ cài đặt trình bổ sung Unpaywall

Việc cài đặt và bỏ cài đặt Unpaywall trên trình duyệt Google Chrome là tương tự.
B. Sử dụng Unpaywall
Khi duyệt web, bạn có thể bắt gặp các trang máy chủ của các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng, được gọi là các Priprint Server (Máy chủ Priprint), nơi chuyên đặt chỗ cho các bản thảo dạng đó. Một khi bạn nhấn vào đường liên kết của một bản thảo nào đó bạn thích, thì bạn sẽ thấy trên màn hình xuất hiện biểu tượng chiếc khóa màu trắng ở trạng thái mở nằm trong một hình nền màu xanh lá cây nằm ở phần trên phía bên phải màn hình như trên Hình 4 (số 1). Hãy nhấn vào biểu tượng đó, và Unpaywall sẽ tải về văn bản toàn văn của bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng đó về máy của bạn. Trường hợp cụ thể ở đây là bản thảo trên trang PeerJ[4]. Trường hợp khác, bạn có thể thấy biểu tượng chiếc khóa màu trắng ở trạng thái đóng nằm trong một hình nền màu xám như trên Hình 4 (số 2). Đây là trường hợp dịch vụ đánh chỉ mục của Unpaywall không hoặc chưa làm việc với tài liệu, dù tài liệu đó vẫn có thể là tài liệu Truy cập Mở và/hoặc bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng. Khi này, bạn chỉ có thể tải về tài liệu với chỉ dẫn tải về có sẵn trên trang đó.
Hình 4. Unpaywall giúp phát hiện và tải về văn bản tài liệu nghiên cứu

Nhiều bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng hiện không chỉ đi với một mã nhận diện đối tượng số, mà, theo các chính sách về Truy cập Mở và Khoa học Mở, chúng thường được đi cùng với một giấy phép mở Creative Commons, nhiều trong số đó là với giấy phép Creative Commons Attribution[5], giấy phép dễ dãi nhất trong hệ thống các giấy phép mở Creative Commons, cho phép người sử dụng làm bất kỳ điều gì với tài liệu được tải về với giấy phép đó như chia sẻ, tùy biến thích nghi, sửa đổi, pha trộn với các nội dung khác, thậm chí sử dụng cho các mục đích thương mại.

IV. KẾT LUẬN
Việc các nhà nghiên cứu sớm phát hành các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng có 3 điểm lợi cơ bản: sự thừa nhận từ cộng đồng, nhận được phản hồi nhanh chóng từ cộng đồng và có khả năng nhận được nhiều trích dẫn hơn, cả cho bản thảo đó cũng như cho bài báo đăng chính thức sau này trên tạp chí. Việc sử dụng các công cụ như Unpaywall giúp cho cả nhà nghiên cứu cũng như các độc giả khả năng nhanh chóng có được các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng khi duyệt web một cách thuận tiện, dễ dàng và không mất chi phí.
Ở thời điểm hiện tại, đặc biệt sau bùng phát đại dịch COVID-19, rất nhiều bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng đã xuất hiện cùng với nhiều trang máy chủ đặt chỗ của chúng (các Priprint Servers), nhiều nhất là trong các lĩnh vực có liên quan tới COVID, y học và sinh học, bên cạnh các lĩnh vực khác, ví dụ một vài trang như MedrXiv[6], Biorxiv[7], ResearchGate[8], Peerj[9] .v.v. và cả một danh sách dài bạn có thể khám phá với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác nhau như Research Preprints Server List[10].
Đây cũng là cơ hội cho các nhà nghiên cứu khoa học của Việt Nam để có khả năng tìm kiếm, đọc và khai thác các kết quả nghiên cứu với các dạng tài liệu khác nhau như các bài báo trên tạp chí, tập hợp dữ liệu, phần mềm, và cả các bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng .v.v. trong nhiều lĩnh vực khoa học, đặc biệt các nghiên cứu nào được cấp vốn nghiên cứu từ các nhà cấp vốn nghiên cứu có chính sách Khoa học Mở và Truy cập Mở đầy đủ và tức thì, như các nhà cấp vốn trong Liên minh S với Kế hoạch S mà theo đó: “Kế hoạch S yêu cầu rằng, từ 2021, các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ nghiên cứu được các trợ cấp nhà nước cấp vốn phải được xuất bản tuân thủ với các tạp chí hoặc các nền tảng Truy cập Mở”[11]. Điều này cũng cho thấy, sẽ còn có nhiều hơn nữa các máy chủ đặt chỗ cho các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng trong tương lai rất gần bạn có khả năng khai thác, cả với vai trò của nhà nghiên cứu và người sử dụng.

V. TÀI LIỆU VÀ THÔNG TIN THAM KHẢO
[1] Ben Mudrak, “What are Preprints, and How Do They Benefit Authors?”, https://www.aje.com/arc/benefits-of-preprints-for-researchers/, updated February 2020.
[2] Hình ảnh từ tài liệu của Ben Mudrak, “What are Preprints, and How Do They Benefit Authors?”, https://www.aje.com/arc/benefits-of-preprints-for-researchers/, updated February 2020.
[3] https://addons.mozilla.org/en-US/firefox/addon/unpaywall/
[4] https://peerj.com/preprints/28002/
[5] https://creativecommons.org/licenses/by/4.0/
[6] https://www.medrxiv.org/
[7] https://www.biorxiv.org/
[8] https://www.researchgate.net/
[9] https://peerj.com/preprints/
[10] https://docs.google.com/spreadsheets/d/17RgfuQcGJHKSsSJwZZn0oiXAnimZu2sZsWp8Z6ZaYYo/edit#gid=0
[11] https://www.coalition-s.org/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập184
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm173
  • Hôm nay12,275
  • Tháng hiện tại461,054
  • Tổng lượt truy cập36,519,647
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây