Các tài liệu hội thảo |
Tóm tắt:
Một trong những vấn đề quan trọng để một tài nguyên trở thành mở là cấp phép mở cho tài nguyên đó. Cách phổ biến nhất hiện nay là sử dụng hệ thống cấp phép mở Creative Commons để cấp phép cho các tài nguyên bạn muốn chia sẻ mở chúng. Tuy nhiên, có sự khác biệt về phổ các giấy phép Creative Commons được cấp cho các tài nguyên truy cập mở, tài nguyên giáo dục mở và dữ liệu mở.
--------------------------------------------------------------
Cấp phép mở là công việc không thể thiếu của (các) tác giả, (các) đồng tác giả cho các tác phẩm của họ để được chia sẻ mở và để cho phép những người khác sử dụng lại các tác phẩm đó một cách tự do, đặc biệt là trong môi trường làm việc trên trực tuyến, trong khi vẫn tuân thủ các điều khoản và điều kiện đi theo với (các) giấy phép đó.
Có vài hệ thống cấp phép mở hiện đang được (các) tác giả, (các) đồng tác giả sử dụng để cấp phép cho (các) tác phẩm của họ, nhưng phổ biến nhất là hệ thống cấp phép mở Creative Commons.
Tài nguyên bất kỳ được cấp phép mở Creative Commons sẽ trở thành tài nguyên truy cập mở. Trong số các tài nguyên truy cập mở có những tài nguyên với các mức độ tự do truy cập khác nhau, với các hạn chế khác nhau đối với những người sử dụng và sử dụng lại các tài nguyên đó, như tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) hay dữ liệu mở (Open Data). Nói cách khác, phổ các giấy phép Creative Commons được cấp cho các tài nguyên truy cập mở, tài nguyên giáo dục mở và dữ liệu mở là khác nhau.
Trước khi đề cập tới phổ các giấy phép được cấp cho các dạng tài nguyên khác nhau được nêu ở trên, dưới đây đưa ra tóm tắt các giấy phép khác nhau của hệ thống cấp phép mở Creative Commons.
A. Các giấy phép của hệ thống cấp phép mở Creative Commons
Như được liệt kê trên trang về các giấy phép Creative Commons (gọi tắt là CC), hệ thống cấp phép này gồm 1 giấy phép đặc biệt và 6 giấy phép tiêu chuẩn, xếp theo mức độ tự do giảm dần, gồm các giấy phép như trong Bảng 1:
Bảng 1. Các giấy phép của hệ thống cấp phép mở Creative Commons
Một khía cạnh quan trọng khác cần được nêu ở đây là (các) tác giả là những người nắm giữ các quyền bản quyền đối với các tài nguyên - các tác phẩm họ sáng tạo ra và vì vậy họ cũng luôn là người chủ động cấp phép cho các tài nguyên - tác phẩm đó.
B. Phổ các giấy phép Creative Commons cấp cho các tài nguyên khác nhau
Dưới đây là trình bày phổ các giấy phép Creative Commons cho các tài nguyên khác nhau dựa vào định nghĩa và vài tài liệu liên quan tới các tài nguyên đó.
B1. Phổ các giấy phép Creative Commons cấp cho tài nguyên truy cập mở
Trên trang của UNESCO, truy cập mở được định nghĩa như sau:
“Truy cập mở tới tư liệu ngụ ý tính sẵn sàng tự do trên Internet công khai, cho phép bất kỳ người sử dụng nào để đọc, tải về, sao chép, phân phối, in, tìm kiếm, hoặc liên kết tới toàn văn các bài báo đó, đi sâu vào chúng để đánh chỉ mục, truyền chúng như là dữ liệu tới phần mềm, hoặc sử dụng chúng vì bất kỳ mục đích hợp pháp nào khác, mà không có các rào cản về tài chính, pháp lý hoặc kỹ thuật ngoại trừ những rào cản gắn liền với sự truy cập tới bản thân Internet”.
“Truy cập mở - OA (Open Access) ngụ ý truy cập tự do tới thông tin và sử dụng không có giới hạn các tài nguyên điện tử đối với bất kỳ ai. Bất kỳ dạng nội dung điện tử nào cũng có thể là truy cập mở, từ các văn bản và dữ liệu cho tới các phần mềm, audio, video, và đa phương tiện. Trong khi hầu hết chúng có liên quan chỉ tới các văn bản, thì số lượng ngày một gia tăng đang tích hợp văn bản với hình ảnh, dữ liệu, và mã thực thi được. Truy cập mở cũng có thể áp dụng cho các nội dung phi hàn lâm, như âm nhạc, phim ảnh, và các tiểu thuyết.
Một xuất bản phẩm được coi là truy cập mở nếu:
-
nội dung của nó truy cập được vạn năng và tự do, độc giả không mất chi phí, qua Internet hoặc khác;
-
tác giả hoặc chủ sở hữu bản quyền trao cho tất cả những người sử dụng một cách không thể hủy bỏ, qua một giai đoạn thời gian không có giới hạn, quyền để sử dụng, sao chép, hoặc phân phối bài báo, với điều kiện thừa nhận ghi công thích hợp được đưa ra;
-
nó được ký gửi, tức thì, đầy đủ và ở dạng điện tử phù hợp, ít nhất vào một kho truy cập mở được thừa nhận quốc tế và rộng rãi, cam kết truy cập mở”.
Từ định nghĩa và các giải thích ở đây có thể thấy, tất cả các giấy phép trong hệ thống cấp phép mở Creative Commons đều phù hợp để cấp phép cho tài nguyên truy cập mở, bao gồm cả CC0.
Trên thực tế, một vài chính sách truy cập mở của các tổ chức lớn trên thế giới cũng nêu rõ việc sử dụng các giấy phép của hệ thống cấp phép mở Creative Commons cho các xuất bản phẩm của họ, điển hình như của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - WIPO (World Intellectual Property Organization) hay Ngân hàng Thế giới - WB (World Bank).
B2. Phổ các giấy phép Creative Commons cấp cho tài nguyên giáo dục mở – OER (Open Educational Resources)
Trên trang của UNESCO, tài nguyên giáo dục mở được định nghĩa như sau:
“Tài nguyên giáo dục mở là bất kỳ dạng tư liệu giáo dục nào nằm trong phạm vi công cộng hoặc được giới thiệu với một giấy phép mở. Bản chất tự nhiên của các tư liệu mở đó ngụ ý bất kỳ ai cũng có thể hợp pháp và tự do để sao chép, sử dụng, tùy biến thích nghi và chia sẻ lại chúng. Các tài nguyên giáo dục mở trải từ các sách giáo khoa tới chương trình giảng dạy, đề cương bài giảng, ghi chép bài giảng, các bài tập, bài kiểm tra, các dự án, âm thanh, video, và hoạt hình”.
Từ định nghĩa và các giải thích ở đây có thể thấy, không phải tất cả các giấy phép trong hệ thống cấp phép mở Creative Commons đều phù hợp để cấp phép cho tài nguyên giáo dục mở. Cụ thể, để bất kỳ ai cũng có thể hợp pháp và tự do tùy biến thích nghi tài nguyên giáo dục mở thì không thể gắn các giấy phép CC BY-ND hoặc CC BY-NC-ND cho các tài nguyên đó được, vì các giấy phép này không cho phép tùy biến thích nghi các tài nguyên gốc ban đầu.
Trong thực tế, một số tác giả có thể cấp phép cho các tài nguyên họ sáng tạo ra với các giấy phép CC BY-ND và/hoặc CC BY-NC-ND, và các tài nguyên đó sẽ được gọi là các tài nguyên truy cập mở, không phải các tài nguyên giáo dục mở.
Cable Green, Giám đốc Giáo dục Mở, người đề xướng hàng đầu các chính sách cấp phép mở trong giáo dục ở tổ chức Creative Commons, trong bài trình bày của mình vào năm 2014 (slide số 26) đã đưa ra hình minh họa các giấy phép Creative Commons thích hợp để cấp phép cho tài nguyên để trở thành tài nguyên giáo dục mở như trong Hình 1 dưới đây:
Hình 1. Phổ các giấy phép Creative Commons cho tài nguyên giáo dục mở
Hình 1 cho thấy rõ các giấy phép CC BY-ND và CC BY-NC-ND là không phù hợp để cấp phép mở cho tài nguyên để trở thành tài nguyên giáo dục mở.
B3. Phổ các giấy phép Creative Commons cấp cho dữ liệu mở
Trên trang của tổ chức Tri thức Mở Quốc tế (Open Knowledge International), dữ liệu mở được định nghĩa như sau:
“Dữ liệu mở là dữ liệu bất kỳ ai cũng có thể tự do sử dụng, sử dụng lại và phân phối lại - chỉ phải tuân thủ, nhiều nhất, yêu cầu thừa nhận ghi công và chia sẻ tương tự”.
Định nghĩa này cho thấy, chỉ 3 giấy phép Creative Commons là đáp ứng được các yêu cầu của định nghĩa này và chiểu theo nội dung các giấy phép tương ứng ở Bảng 1 bên trên, chúng gồm: CC0, CC BY và CC BY-SA.
Điều này cũng là tương tự với các nội dung được trình bày trong các bài có nguồn gốc từ Viện Dữ liệu Mở - ODI (Open Data Institute):
Trong cả 2 bài được nêu ở đây, nếu bạn sử dụng hệ thống cấp phép mở Creative Commons, dù bạn là người cấp phép cho dữ liệu mở hay là người sử dụng lại dữ liệu mở, bạn chỉ có 3 lựa chọn cấp phép và cấp phép lại cho các tài nguyên sẽ trở thành và/hoặc tiếp tục vẫn sẽ là dữ liệu mở, đó là CC0, CC BY và CC BY-SA.
KẾT LUẬN
Từ những phân tích ở trên, có thể đưa ra các kết luận sau:
-
Có thể sử dụng các giấy phép trong hệ thống cấp phép mở Creative Commons để cấp phép cho các tài nguyên truy cập mở, tài nguyên giáo dục mở và dữ liệu mở.
-
Phổ các giấy phép Creative Commons được sử dụng cho các tài nguyên truy cập mở, tài nguyên giáo dục mở và dữ liệu mở là khác nhau. Trong khi các tài nguyên truy cập mở có thể được trao bất kỳ giấy phép nào, thì các giấy phép CC BY-ND và CC BY-NC-ND không thể được trao cho tài nguyên giáo dục mở và chỉ các giấy phép CC0, CC BY và CC BY-SA mới có thể trao cho dữ liệu mở được. Từ đây ta sẽ có được hình minh họa về phổ các giấy phép Creative Commons cho các tài nguyên khác nhau như trong Hình 2 dưới đây:
Hình 2. Phổ các giấy phép Creative Commons cho các tài nguyên khác nhau
Lê Trung Nghĩa