Triển khai các nội dung Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO năm 2019 vào thực tế cuộc sống - một cách thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai - 18/04/2022 09:32
Triển khai các nội dung Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO năm 2019 vào thực tế cuộc sống - một cách thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong giai đoạn hiện nay.

(Bài viết cho Hội thảo:‘Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong giai đoạn hiện nay’ do trường Đại học Đồng Tháp tổ chức ngày 18/04/2022. Bài đăng trong Kỷ yếu Hội thảo các trang 48-61)

----------------------------------------------

Tóm tắt: Để trả lời cho câu hỏi ‘Làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong giai đoạn hiện nay’, bài viết này nêu bối cảnh các xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay về Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM) và Khoa học Mở (KHM) và tương lai của giáo dục thời kỳ hậu COVID-19, cùng với nhiệm vụ triển khai các nội dung của Chương trình Chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam. Qua đó khẳng định việc các thư viện triển khai các nội dung Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019 vào thực tế cuộc sống chính là một trong những cách thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trong giai đoạn hiện nay.


A. Đặt vấn đề

Để các hoạt động của thư viện có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ, một mặt, các hoạt động đó cần phải góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 đã được Liên hiệp quốc thiết lập năm 2015, trong đó có SDG 4 về “Đảm bảo chất lượng giáo dục hòa nhập và bình đẳng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”. Mặt khác, các hoạt động đó cũng cần phải góp phần tạo ra nguồn nhân lực được giáo dục và đào tạo đủ các năng lực và các kỹ năng cần thiết để hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19. Triển khai các nội dung Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019 trong các hoạt động của thư viện có thể giúp đạt được các mục tiêu đó.


B. Bối cảnh thế giới

Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc và vì vậy, tương tự như các quốc gia thành viên khác, nó có trách nhiệm thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững – SDG (Sustainable Development Goals) đến năm 2030 của Liên hiệp quốc.

Ngày 25/11/2019, 193 quốc gia thành viên của UNESCO, mà Việt Nam cũng là một quốc gia thành viên của nó, đã thông qua Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO, khẳng định TNGDM là một xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay[1]. Định nghĩa TNGDM được 193 quốc gia thành viên của UNESCO đồng thuận thông qua bằng 2 đoạn như sau:

  • Tài nguyên Giáo dục Mở là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại.

  • Giấy phép mở tham chiếu tới giấy phép tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của người nắm giữ bản quyền và đưa ra sự cho phép trao cho công chúng các quyền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại các tư liệu giáo dục.

Để đi tới được sự đồng thuận này của thế giới, phong trào TNGDM đã trải qua một quãng đường dài gần 20 năm, ít nhất là kể từ năm 2002, khi lần đầu tiên UNESCO đưa ra khái niệm TNGDM tại Diễn đàn TNGDM toàn cầu lần thứ nhất[2]. Một trong những căn cứ để thông qua tài liệu Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019 là việc tài liệu đó khẳng định TNGDM sẽ giúp cho các quốc gia đạt được vài trong số 17 SDG của Liên hiệp quốc đến năm 2030, bao gồm SDG 4 về giáo dục chất lượng:

Lồng ghép TNGDM vào để giúp cho tất cả các quốc gia thành viên tạo ra các xã hội tri thức bao hàm toàn diện và đạt được Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững 2030, đó là SDG 4 (Giáo dục chất lượng), SDG 5 (Bình đẳng giới), SDG 9 (Công nghiệp, đổi mới sáng tạo và hạ tầng), SDG 10 (Giảm bất bình đẳng bên trong và xuyên khắp các quốc gia), SDG 16 (Hòa bình, các thể chế công bằng và mạnh mẽ) và SDG 17 (Quan hệ đối tác vì các mục tiêu)”

Một sự kiện khác diễn ra gần đây hơn, Hội nghị Giáo dục Mở toàn cầu[3] năm 2021 trên trực tuyến đã diễn ra trong 5 ngày từ 27/09/2021 tới 01/10/2021, với mỗi ngày tập trung vào 1 trong 5 lĩnh vực hành động được nêu trong Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019: (1) xây dựng năng lực TNGDM; (2) phát triển chính sách hỗ trợ cho TNGDM; (3) khuyến khích TNGDM chất lượng hòa nhập toàn diện và công bằng; (4) nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM; và (5) thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế về TNGDM; với nhiều webinar và nhiều bài trình bày tham luận tới từ khắp nơi trên thế giới, để chuẩn bị cho Hội nghị Giáo dục Mở toàn cầu bằng hình thức trực tiếp dự kiến sẽ diễn ra trong các ngày 23-25/05/2022 tại Nantes, nước Pháp, nơi sẽ là một diễn đàn lớn cho cộng đồng giáo dục mở toàn cầu để trực tiếp tham gia cộng tác quốc tế để tiếp tục tiến hành triển khai Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019. Điều này khẳng định thêm tính liên tục của xu thế không thể đảo ngược này của thế giới về ứng dụng và phát triển TNGDM.

Một sự kiện quan trọng khác, đó là sau gần 2 năm tham vấn toàn cầu[4] liên tục với các quốc gia thành viên của UNESCO theo vùng địa lý và theo chủ đề có liên quan tới Khoa học Mở, ngày 23/11/2021, 193 quốc gia thành viên UNESCO đã nhất trí thông qua[5] Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO[6], khẳng định Khoa học Mở cũng là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, với TNGDM là 1 trong 5 thành phần không thể thiếu của kiến thức Khoa học Mở, và khuyến nghị các quốc gia tiếp tục ứng dụng và phát triển TNGDM để giành được nhiều lợi ích tiềm tàng từ việc đó:

Thúc đẩy sử dụng TNGDM như được định nghĩa trong Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO năm 2019, như là công cụ cho việc xây dựng khả năng của khoa học mở. Tài nguyên Giáo dục Mở vì thế nên được sử dụng để gia tăng sự truy cập tới các tài nguyên nghiên cứu và giáo dục khoa học mở, cải thiện các kết quả đầu ra học tập, tối đa hóa tác động của việc cấp vốn nhà nước và trao quyền cho các nhà giáo dục và những người học để trở thành các nhà đồng sáng tạo kiến thức.”

Hình 1. TNGDM là 1 trong 5 thành phần cơ bản của Kiến thức Khoa học Mở

 

Tóm tắt: Nói một cách khác, việc đặt các hoạt động của thư viện vào bối cảnh của cả 2 xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, TNGDM và Khoa học Mở, và điều chỉnh các hoạt động đó cho phù hợp với nội dung của 2 tài liệu khuyến nghị đó, là tiếp cận hợp lý trong giai đoạn hiện nay, nó sẽ giúp cho ngành giáo dục nói riêng, Việt Nam nói chung có thể đạt được các SDG, bao gồm SDG 4 (Giáo dục chất lượng) và nhiều lợi ích tiềm tàng khác.

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020 đã làm thay đổi nhiều điều trong đời sống kinh tế và xã hội của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, và giáo dục là một trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho tới tận bây giờ và có thể còn tiếp tục trong những năm tới. Đại dịch cũng làm bộc lộ ra những điểm yếu và dễ bị tổn thương trong các xã hội, đặc biệt là với các hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục, làm trầm trọng thêm các bất bình đẳng giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội, ví dụ như, trong việc tiếp cận tới Internet và các thiết bị và/hoặc công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như các tài nguyên giáo dục, nhất là các tài nguyên giáo dục ở dạng kỹ thuật số, cản trở lớn hoặc có thể làm thất bại kỳ vọng ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’ của Liên hiệp quốc khi đặt ra các SDG vào năm 2015. Và một lần nữa, TNGDM (nhất là ở dạng kỹ thuật số), và kiến thức Khoa học Mở cùng với tiếp cận hướng tới học tập suốt đời như là định hướng tương lai của giáo dục đến năm 2050, có thể giúp giảm nhẹ các bất bình đẳng đó:

  • Tài liệu ‘Giáo dục trong thế giới hậu COVID: Chín ý tưởng cho hành động công’ do Ủy ban Quốc tế về Tương lai của Giáo dục, một đơn vị trực thuộc UNESCO, xuất bản năm 2020, đã gợi ý cho thế giới 9 ý tưởng cho hành động công, một trong số đó được nêu như sau[7]:

Làm cho các công nghệ tự do không mất tiền và nguồn mở sẵn sàng cho các giảng viên và học sinh. Các TNGDM và các công cụ số truy cập mở phải được hỗ trợ. Giáo dục không thể thịnh vượng với nội dung được làm sẵn rồi được xây dựng bên ngoài không gian sư phạm và bên ngoài các mối quan hệ của con người giữa các giảng viên và học sinh. Giáo dục không thể phụ thuộc vào các nền tảng kỹ thuật số do các công ty tư nhân kiểm soát.

  • Tài liệu ‘Ôm lấy văn hóa học tập suốt đời - Đóng góp cho sáng kiến Tương lai của Giáo dục’ do Viện Học tập Suốt đời của UNESCO xuất bản năm 2020 nhấn mạnh rằng học tập suốt đời cần phải là một quyền cơ bản của con người, và đưa ra 10 thông điệp chính hướng tới điều đó, một trong số đó là:

Làm cho việc học tập suốt đời trở thành hàng hóa công cộng. Quan điểm này bắt nguồn từ ý tưởng các hàng hóa chung (Common Goods), được định nghĩa như là các hàng hóa làm lợi cho xã hội như một tổng thể và là nền tảng cho cuộc sống của mọi người. Xây dựng những điều chung của giáo dục (Education Commons) - tính sẵn sàng tự do không mất tiền của các tài nguyên dạy và học - các bài học học được từ kinh nghiệm của các sáng kiến của chính phủ và xã hội dân sự xung quanh khái niệm những điều chung (như truy cập mở, nguồn mở, TNGDM, và các nền tảng tập thể trên trực tuyến) cần được áp dụng cho các sáng kiến học tập suốt đời.

Việc tóm tắt vừa nêu ở trên cũng phù hợp với định hướng tương lai giáo dục đến 2050 với học tập suốt đời trở thành một quyền cơ bản mới của con người; và cũng phù hợp để giúp khắc phục hậu quả cũng như sự bất bình đẳng do đại dịch COVID-19 và các thảm họa tương tự có thể xảy ra trong tương lai, khi mà TNGDM sẽ trở thành hàng hóa chung hay những điều chung của giáo dục nhằm giúp lấp đi các bất bình đẳng đó, và tạo cơ hội cho bất kỳ ai cũng có khả năng học tập suốt đời và làm thỏa mãn quyền được giáo dục của mình.


C. Bối cảnh trong nước

Ngày 03/06/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu cơ bản xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Tiếp theo Quyết định này, chính phủ đã ban hành một số quyết định khác có liên quan tới ngành thư viện nói chung, thư viện đại học nói riêng, như:

  • Ngày 24/08/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1296/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư";

  • Ngày 11/02/2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Lý tưởng là thông qua việc xây dựng các khung năng lực số cùng với việc giáo dục và đào tạo chúng để mọi công dân, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần trong xã hội đều có đủ các năng lực số cần thiết để thực hành thành công việc xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, điều chúng ta có thể học hỏi được từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, ví dụ như các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu[8], khi họ, liên tục từ 2005 cho tới nay, đã có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển và triển khai vào thực tế một loạt các khung năng lực số cho nhiều thành phần trong xã hội, như các khung năng lực số cho công dân, tổ chức giáo dục, nhà giáo dục, khởi nghiệp, người tiêu dùng, bên cạnh các khung năng lực số khác cho trẻ em hay cho việc học tập suốt đời.

Một lưu ý quan trọng là, tính mở luôn được tích hợp vào trong tất cả các khung năng lực số được nêu ở trên[9], tối thiểu là dưới dạng các năng lực và/hoặc kỹ năng TNGDM và cấp phép mở (thường với các giấy phép Creative Commons) một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, bên cạnh những điều mở khác có thể có. Bổ sung thêm cho điều này, trong tài liệu ‘Khung năng lực CNTT-TT của UNESCO cho các giảng viên, phiên bản 3’ được UNESCO xuất bản năm 2018[10] đã cho thấy TNGDM xếp hạng 1 trong số 9 hạng mục về công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) mà bất kỳ giảng viên nào ngày nay cũng cần phải có để có thể biến các giảng viên thành các nhà đổi mới sáng tạo[11], bên cạnh năng lực về các công nghệ quan trọng khác như: mạng xã hội, các công nghệ di động, Internet của Vạn vật - IoT (Internet of Things), Trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence), Thực tế ảo – VR (Virtual Reality) và Thực tế tăng cường - AR (Augmented Reality), dữ liệu lớn, lập trình, và đạo đức và bảo vệ tính riêng tư. Điều này cho thấy, để chuyển đổi số thành công, bên cạnh những điều khác, năng lực và/hoặc các kỹ năng về TNGDM và cấp phép mở là không thể thiếu đối với bất kỳ các tổ chức hay cá nhân nào, đặc biệt đối với các nhà giáo dục/các giảng viên.

Hình 2. Tích hợp TNGDM trong Khung năng lực số cho các tổ chức giáo dục[12]

Hiện trạng ứng dụng và phát triển TNGDM ở Việt Nam cho tới nay đã được nêu khá chi tiết trong bài viết vào cuối tháng 11/2021 ‘Thực trạng tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam và gợi ý giải pháp cho học tập suốt đời’[13], khi nó cho thấy mức độ ứng dụng và phát triển TNGDM ở Việt Nam hiện nay là rất sơ khai khi so với 5 lĩnh vực hành động được nêu trong Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019 dù vẫn có những tiến bộ nhất định. Bổ sung thêm vào hiện trạng đó của bài viết đó, dưới đây chỉ nêu lên vài ý chính và bổ sung thêm vài sự kiện mới nhất diễn ra rất gần đây, ví dụ:

  • Hầu hết tất cả các tài nguyên giáo dục của Việt Nam có sẵn trên trực tuyến ở thời điểm hiện tại đều không phải là TNGDM[14] khi đối chiếu với định nghĩa TNGDM được nêu trong tài liệu Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019 (như được nêu ở phần đầu bài viết này), ngoại trừ một số lượng vô cùng nhỏ tuân thủ với định nghĩa đó. Rất ít hoặc chưa có hoạt động gì được triển khai theo 5 lĩnh vực hành động như được nêu trong Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019. Điều tích cực là hiện một số Đề án có liên quan tới ứng dụng và phát triển TNGDM đang ở trong giai đoạn hoàn chỉnh để trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt, dự kiến trong năm 2022 này.

  • Từ cuối năm 2017 cho tới hết năm 2021, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam đã tổ chức gần 60 khóa thực hành khai thác TNGDM cho hơn 1.200 học viên là các cán bộ, giảng viên của một số trường đại học, cao đẳng khắp cả nước, một con số rất khiêm tốn nếu so với số lượng toàn bộ các giảng viên trong ngành giáo dục ở Việt Nam cần phải có các năng lực và kỹ năng về TNGDM là khoảng 1,5 triệu người, chưa nói gì tới các bên liên quan chính khác với TNGDM. Tháng 2/2022, đã có thêm một khóa như vậy được tiến hành do Hội Điều dưỡng Việt Nam lần đầu tiên tổ chức cho một số cán bộ và giảng viên của các cơ sở thành viên của Hội[15].

  • Gần đây nhất, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành quyết định số 558/QĐ-ĐHNN ngày 02/03/2022 về việc thành lập cộng đồng chuyên môn phát triển học liệu mở hỗ trợ học sinh lớp 12 trên toàn quốc[16], một dấu hiệu tích cực nữa cho ứng dụng và phát triển TNGDM ở Việt Nam.

  • Ngày 1/10/2021, Trung tâm Tri thức Số - Digital Knowledge Hub đã làm lễ ra mắt trực tuyến[17]. Đây là lần đầu tiên có một hệ thống giúp các thư viện số của các trường đại học ở Việt Nam kết nối và chia sẻ dữ liệu. Ở thời điểm ra mắt Trung tâm, đã có 6 đơn vị thành viên của Liên chi hội các Thư viện Đại học khu vực phía Bắc (NALA) đã kết nối với nhau. Được biết, vào thời điểm bài báo này được viết, đã có thêm 5 thư viện đại học tham gia kết nối với Trung tâm, nâng tổng số đơn vị tham gia kết nối lên con số 11. Đây là con số rất khiêm tốn, nếu đem ra so sánh với con số hàng chục ngàn nhà cung cấp nội dung, nhiều trong số họ là các thư viện số tại các trường đại học và các viện nghiên cứu khắp châu Âu, kết nối với nhau trong nền tảng truy cập mở OpenAIRE[18] của châu Âu. Sẽ còn rất nhiều công việc phải làm để biến Trung tâm Tri thức Số này thành một nền tảng truy cập mở như OpenAIRE, hay một nền tảng kỹ thuật số theo tiếp cận OpenGLAM (GLAM và chữ cái đầu trong tiếng Anh của: Phòng trưng bày – Galleries; Thư viện – Libraries; Kho lưu trữ – Archives; Viện bảo tàng – Museums) của Europeana, một hệ thống đã tập hợp được hơn 57 triệu đối tượng số từ các bộ sưu tập trên trực tuyến của hơn 3.500 phòng trưng bày, thư viện, viện bảo tàng, các bộ sưu tập nghe nhìn và các kho lưu trữ từ hầu hết các quốc gia Châu Âu[19], đa phần trong số đó được cấp phép mở bằng các giấy phép Creative Commons.

Tóm tắt: Việc xây dựng các khung năng lực số là rất cần thiết và sau đó đưa chúng vào giáo dục và đào tạo cho các tổ chức và cá nhân liên quan để đánh giá tổ chức và cá nhân nào thực sự có năng lực số cũng như giúp họ giành được và không ngừng nâng cao các năng lực số/kỹ năng số để có khả năng hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ấy là xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Việc các năng lực và kỹ năng TNGDM và cấp phép mở luôn được tích hợp vào trong tất cả các khung năng lực số khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu của TNGDM nhằm giúp cho các tổ chức và cá nhân có liên quan hoàn thành được các mục tiêu đó.


D. Kinh nghiệm từ các hoạt động hiện nay trong các thư viện đại học và mạng các thủ thư giáo dục mở châu Âu

Tháng 11/2021, Liên minh Xuất bản Học thuật và Tài nguyên Hàn lâm châu Âu (SPARC Europe) đã xuất bản tài liệu ‘Báo cáo: Giáo dục Mở trong các thư viện giáo dục đại học của châu Âu’[20]. Bám sát 5 lĩnh vực hành động được nêu trong tài liệu Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019, báo cáo trình bày các kết quả khảo sát hàng loạt các thư viện ở các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, sau đó đã đưa các khuyến nghị như được liệt kê bên dưới đây cho các thư viện hàn lâm với lưu ý là sự thích hợp của các khuyến nghị đó phụ thuộc vào bối cảnh thực tế của thư viện và cơ sở giáo dục của bạn:

  1. Nâng cao nhận thức về Giáo dục Mở và Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO trong các thư viện hàn lâm và các cơ sở của chúng.

  2. Giúp thay đổi nhẹ nhàng tư duy của cơ sở về Giáo dục Mở bằng việc khai phá, chia sẻ, áp dụng và tùy chỉnh các thực hành Giáo dục Mở để thể hiện giá trị của mở, và thay đổi văn hóa xung quanh mở.

  3. Giúp khởi xướng và phát triển các chính sách Giáo dục Mở đứng một mình hoặc tổng thể dựa vào các ví dụ chính sách tốt và kinh nghiệm làm chính sách thực tế từ các bạn đồng nghiệp.

  4. Cung cấp các hướng dẫn và đào tạo về các kỹ năng mở, sử dụng lại, tùy chỉnh, pha trộn, tạo lập TNGDM và thiết kế chỉ dẫn để phát triển các thực hành Giáo dục Mở cho các cán bộ thư viện sao cho họ có thể cộng tác hiệu quả hơn với các nhân viên giảng dạy.

  5. Tham gia trong việc sử dụng lại, áp dụng, tùy chỉnh, pha trộn và đồng tạo lập TNGDM cùng với các giảng viên như các sách giáo khoa mở, các sách hướng dẫn, các video, .v.v.

  6. Tạo lập các chương trình phát triển nghề nghiệp về Giáo dục Mở cho các nhân viên thư viện, bao gồm các module về sự đa dạng, công bằng và hòa nhập – DEI (Diversity, Equity, Inclusion) để giúp họ đề cập DEI trong TNGDM và các dịch vụ thư viện.

  7. Tạo lập các cộng đồng thực hành của các nhà thực hành khác nhau (các thư viện, các đơn vị hỗ trợ giảng dạy, các hiệp hội sinh viên và các dịch vụ CNTT-TT) để phát triển các giải pháp Giáo dục Mở làm việc cho nhiều bên liên quan và cho các quan hệ đối tác dài lâu.

  8. Khai phá các mô hình bền vững để sử dụng lại, tùy chỉnh và tạo lập TNGDM từ việc thiết lập chương trình trợ cấp tới việc cộng tác với các cộng đồng và các hiệp hội thành viên.

  9. Làm việc trong xây dựng và cấp vốn cho một hệ sinh thái Giáo dục Mở kỹ thuật tương hợp được hơn giữa các kho của cơ sở và các nền tảng giáo dục khác vì tính bền vững dài hạn.

  10. Khuyến khích các thủ thư tham gia vào các mạng và các dự án Giáo dục Mở quốc tế để giành được kiến thức mới và làm việc cùng nhau về các mục tiêu chung. Cộng tác về Giáo dục Mở sẽ đạt được nhiều hơn.

Tương tự, bám sát 5 lĩnh vực hành động được nêu trong Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019, Liên minh Xuất bản Học thuật và Tài nguyên Hàn lâm châu Âu (SPARC Europe) và Mạng các Thủ thư Giáo dục Mở châu Âu (ENOEL) đã xuất bản trong năm 2021 tài liệu‘Các thủ thư trong Hành động về Giáo dục Mở: Triển khai Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO’[21] khuyến nghị các thủ thư triển khai kế hoạch chiến lược trong các năm 2021-2023 với các hành động cụ thể:

Lĩnh vực 1 – xây dựng năng lực:

  • Nâng cao nhận thức về những lợi ích của Giáo dục Mở (với nền tảng cơ bản của nó là TNGDM), và Cấp phép Mở để gia tăng sử dụng lại, sao cho truy cập tới giáo dục công bằng xã hội thành hiện thực.

  • Liên hệ với các thư viện và các tổ chức Giáo dục Mở khác để hình thành các quan hệ đối tác nhằm xây dựng năng lực ở châu Âu, và xây dựng dựa vào các bài học học được về Khoa học Mở.

  • Giám sát sự tiến bộ về Giáo dục Mở bằng việc tiến hành khảo sát bức tranh thường niên chào hỗ trợ Giáo dục Mở trong các thư viện giáo dục đại học.

  • Hỗ trợ các thủ thư trong các hoạt động ngang hàng về nâng cao kỹ năng Giáo dục Mở để cải thiện phát triển tài năng trong cộng đồng ENOEL để duy trì và cải thiện Giáo dục Mở qua việc xây dựng quan hệ đối tác, trao đổi kiến thức và hướng dẫn.

  • Tham gia tích cực với những người học như là các bên liên quan chính để xây dựng các cách thức học tập của riêng họ.

Lĩnh vực 2 - Phát triển chính sách hỗ trợ cho TNGDM:

  • Khuyến khích phát triển chính sách Giáo dục Mở và TNGDM ở mức quốc tế, châu Âu dựa vào bằng chứng giành được từ khảo sát thường niên về Giáo dục Mở.

  • Thiết kế các hướng dẫn chính sách và các chiến lược triển khai hiệu quả ở các mức địa phương, quốc gia, quốc tế để hỗ trợ cho các nỗ lực của cơ sở.

Lĩnh vực 3 - khuyến khích TNGDM chất lượng hòa nhập toàn diện và công bằng:

  • Hỗ trợ cho sự tiến hóa các định nghĩa “chất lượng” sao cho các tài nguyên học tập là truy cập được, tùy chỉnh được và kham được và các tiếp cận có thể dễ dàng kết nối được tới, thích nghi được và truy cập được, cả với nhiều ngôn ngữ.

  • Khai phá với các bên liên quan khác cách để làm cho TNGDM hòa nhập toàn diện và công bằng hơn.

Lĩnh vực 4 - Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM:

  • Nâng cao nhận thức về nhu cầu đảm bảo hạ tầng Giáo dục Mở, và hành động để tìm cách đảm bảo cho nó, như thông qua các nền tảng đặt chỗ cộng tác, bền vững, các dịch vụ siêu dữ liệu và các định dạng phân phối.

Lĩnh vực 5 - Thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế về TNGDM:

  • Tiếp tục làm việc với mạng quốc tế các cơ sở châu Âu và các tổ chức khác với các chương trình nghị sự Mở có liên kết ở châu Âu và ở nước ngoài.


E. Kết luận và vài gợi ý một số việc thư viện nên làm để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của mình trong giai đoạn hiện nay

Từ quan điểm chung là giáo dục nước nhà nên có chiến lược phát triển phù hợp với các xu thế không thể đảo ngược của thế giới và Khoa học Mở và TNGDM, cũng như phù hợp với nhiệm vụ triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia của chính phủ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bao gồm cả Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là trong bối cảnh trong và sau đại dịch COVID-19, gợi ý rằng các hoạt động của thư viện nói chung, thư viện đại học nói riêng, cũng nên được đặt trong bối cảnh chung đó. Biết rằng, TNGDM là một trong năm thành phần cơ bản của Kiến thức Khoa học Mở như được rõ ràng chỉ ra trong tài liệu Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO năm 2021, gợi ý các hoạt động của thư viện trước mắt nên tập trung vào việc triển khai vào thực tế cuộc sống theo 5 lĩnh vực hành động cùng với những gợi ý chi tiết của chúng trong Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019 và tùy chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh cụ thể của ngành thư viện nói chung, của từng thư viện và cơ sở giáo dục của nó nói riêng.

TNGDM bản thân nó là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, thường được tích hợp trong các khung năng lực số, ví dụ như của Liên minh châu Âu hay trong ‘Khung năng lực CNTT-TT của UNESCO cho các giảng viên, phiên bản 3’ được UNESCO xuất bản năm 2018, gợi ý rằng TNGDM là một trong những năng lực và kỹ năng số cần thiết và không thể thiếu cho các thư viện, các cán bộ thư viện và các thủ thư, bên cạnh các năng lực và các kỹ năng khác. Các năng lực và kỹ năng về TNGDM, vì thế, chắc chắn góp phần thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với nhiệm vụ triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành thư viện nói riêng.

Đã có những gợi ý sâu sát hơn, cụ thể hơn bằng chiến lược cho các thư viện để triển khai các nội dung của Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019 vào thực tế cuộc sống, như của Mạng các Thủ thư Giáo dục Mở châu Âu (ENOEL) hay của Liên minh Xuất bản Học thuật và Tài nguyên Hàn lâm châu Âu (SPARC Europe) như được nêu ở trên. Đây là những gợi ý cụ thể rất tốt để từng thư viện có thể cân nhắc, tùy chỉnh và/hoặc lựa chọn các hoạt động cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình.

Gợi ý các thư viện đại học tạo các điều kiện thuận lợi để tham gia kết nối với Trung tâm Tri thức Số để chia sẻ các tài nguyên giáo dục giữa các hệ thống thư viện điện tử của các cơ sở giáo dục đại học với nhau. Ở thời điểm hiện tại, Trung tâm Tri thức Số giải quyết được vấn đề liên thông giữa các thư viện số dựa vào tiêu chuẩn mở của Giao thức Sáng kiến Lưu trữ Mở cho việc Thu thập Siêu dữ liệu – OAI-PMH (Open Archives Initiative Protocol for Metadata Harvesting). Đây là cơ sở công nghệ cần thiết để hy vọng các bước tiếp sau hệ thống sẽ hướng tới việc chia sẻ các TNGDM và kiến thức Khoa học Mở gắn với việc cấp phép mở (như với các giấy phép Creative Commons) cho các tài nguyên được các cơ sở thành viên tham gia cùng đóng góp.

Cuối cùng, như một cách thức để nâng cao năng lực TNGDM một cách cụ thể và thực tế, gợi ý các thư viện tổ chức và/hoặc tham gia các khóa huấn luyện huấn luyện viên thực hành khai thác TNGDM hiện đang được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức để có được một số kỹ năng và năng lực TNGDM không thể thiếu như việc cấp phép mở, tìm kiếm, tải về để sử dụng, tùy chỉnh, pha trộn, tạo lập, phân phối và phân phối lại TNGDM, cũng như tạo lập các video truy cập mở sạch bản quyền và các kỹ năng thực hành và/hoặc các thông tin cần thiết liên quan khác[22].


F. Các chú giải

[1] UNESCO, 2019: Recommendation on Open Educational Resources (OER): https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373755/PDF/373755eng.pdf.multi.page=3. Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0

[2] Lê Trung Nghĩa, 29/12/2015: Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) và một kịch bản giả tưởng về tương lai của giáo dục Việt Nam: http://vnfoss.blogspot.com/2015/12/tong-quan-ve-tai-nguyen-giao-duc-mo-oer_26.html

[3] OE Global, 2021: OE Global Conference: https://conference.oeglobal.org/2021/. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/giao-duc/hoi-nghi-giao-duc-mo-toan-cau-2021-503.html

[4] UNESCO: Towards a UNESCO Recommendationon Open ScienceBuilding a Global Consensus on Open Science: https://en.unesco.org/sites/default/files/open_science_brochure_en.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/yyv5vhd54m2mp0i/open_science_brochure_en_Vi-15082020.pdf?dl=0

[5] UNESCO, 26/11/2021: UNESCO sets ambitious international standards for open science: https://www.unesco.org/en/articles/unesco-sets-ambitious-international-standards-open-science. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/unesco-thiet-lap-cac-tieu-chuan-quoc-te-day-tham-vong-cho-khoa-hoc-mo-555.html

[6] UNESCO, 23/11/2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

[7] Ủy ban Quốc tế về Tương lai Giáo dục, UNESCO, 2020: Education in a post-COVID world: Nine ideas for public action: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373717/PDF/373717eng.pdf.multi. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/3mko7h0x20g7q3w/373717eng_Vi-08032022.pdf?dl=0

[8] Lê Trung Nghĩa, 2021: Các khung năng lực số của Liên minh châu Âu và vài gợi ý cho Việt Nam để chuyển đổi số thành công: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/cac-khung-nang-luc-so-cua-lien-minh-chau-au-va-vai-goi-y-cho-viet-nam-de-chuyen-doi-so-thanh-cong-534.html

[9] Lê Trung Nghĩa, 2021: Tính mở trong các khung năng lực số của châu Âu và vài gợi ý triển khai chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/tinh-mo-trong-cac-khung-nang-luc-so-cua-chau-au-va-vai-goi-y-trien-khai-chuong-trinh-chuyen-doi-so-nganh-thu-vien-den-nam-2025-dinh-huong-den-nam-2030-532.html

[10] UNESCO, 2018: UNESCO ICT Competency Framework for Teachers, version 3: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000265721. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/xgnx8ji27w48fuc/265721e_Vi-27112018.pdf?dl=0

[11] Lê Trung Nghĩa, 2019: Xây dựng Khung năng lực CNTT-TT và năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho các giảng viên đáp ứng các yêu cầu của CMCN4 ở Việt Nam: https://vnfoss.blogspot.com/2019/08/xay-dung-khung-nang-luc-cntt-tt-va-nang.html

[12] Ảnh được tùy chỉnh từ tài liệu của Panagiotis Kampylis, Yves Punie, Jim Devine, EC, 2015: Promoting Effective Digital-Age Learning - A European Framework for Digitally-Competent Educational Organisations: https://publications.jrc.ec.europa.eu/repository/bitstream/JRC98209/jrc98209_r_digcomporg_final.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/6o09lzdmcqomo4q/jrc98209_r_digcomporg_final_Vi-18032021.pdf?dl=0

[13] Lê Trung Nghĩa, 2021: Thực trạng tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam và gợi ý giải pháp cho học tập suốt đời: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/thuc-trang-tai-nguyen-giao-duc-mo-o-viet-nam-va-goi-y-giai-phap-cho-hoc-tap-suot-doi-554.html

[14] Lê Trung Nghĩa, 2021: Giải pháp chính sách nào để phát triển tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học ở Việt Nam: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/giai-phap-chinh-sach-nao-de-phat-trien-tai-nguyen-giao-duc-mo-trong-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam-562.html

[15] Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở, AVU&C: Tập huấn trực tuyến ‘Khai thác Tài nguyên Giáo dục Mở’ với Hội Điều dưỡng Việt Nam: https://giaoducmo.avnuc.vn/tap-huan/tap-huan-truc-tuyen-khai-thac-tai-nguyen-giao-duc-mo-voi-hoi-dieu-duong-viet-nam-588.html

[16] https://www.facebook.com/vnu.ulis/posts/4925055520914871

[17] Tạp chí Khoa học và Phát triển: Thư viện số của các đại học đã được kết nối: https://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/thu-vien-so-cua-cac-dai-hoc-da-duoc-ket-noi/20211001034434549p1c882.htm

[18] https://explore.openaire.eu/

[19] Lê Trung Nghĩa, 2021: Công nghệ mở trong các cơ sở văn hóa và giáo dục: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/cong-nghe-mo-trong-cac-co-so-van-hoa-va-giao-duc-513.html

[20] SPARC Europe, November 2021: Report - Open Education in European Libraries of Higher Education: https://zenodo.org/record/5734980#.YirDwjwxVsB. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/tx22dcpb0x7s5jw/Open%20Education%20in%20European%20Libraries%20of%20Higher%20Education_2021_Vi-08022022.pdf?dl=0

[21] SPARC Europe and ENOEL, 2021: Librarians in Action for Open Education - Implementing the UNESCO OER Recommendation: https://sparceurope.org/download/9718/. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/rjogzpb166yyo68/ENOEL-Strategic-Plan-2021-2023_Vi-12022022.pdf?dl=0

[22] Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Nội dung Chương trình đào tạo huấn luyện huấn luyện viên về Tài nguyên Giáo dục Mở - OER (Open Educational Resources) hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia: https://giaoducmo.avnuc.vn/tap-huan/noi-dung-chuong-trinh-dao-tao-huan-luyen-huan-luyen-vien-ve-tai-nguyen-giao-duc-mo-oer-open-educational-resources-ho-tro-chuyen-doi-so-quoc-gia-387.html


 


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa


PS: Tự do tải về bài trình chiếu tại địa chỉ:

https://www.dropbox.com/s/g4unjigkntu7snn/Implement_OER_Recommend.pdf?dl=0

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập398
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm394
  • Hôm nay22,026
  • Tháng hiện tại471,467
  • Tổng lượt truy cập37,998,291
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây