Phát triển giáo dục thường xuyên theo hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) từ khía cạnh của việc ứng dụng và phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM)

Thứ sáu - 16/10/2020 14:15
Phát triển giáo dục thường xuyên theo hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) từ khía cạnh của việc ứng dụng và phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM)

Lê Trung Nghĩa
Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục Mở, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam
(Bài viết cho phiên họp thứ 3 của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Tiểu ban Giáo dục Thường xuyên và học tập suốt đời với nội dung chủ đề "Phát triển giáo dục thường xuyên theo hướng tiếp cận với Cách mạng công nghiệp 4.0", được tổ chức tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 16/10/2020)
Giấy phép nội dung: CC BY-SA 4.0: https://creativecommons.org/licenses/by-sa/4.0/

Tóm tắt: Bài viết này trình bày chi tiết hơn các khía cạnh đề xuất tư vấn cho Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Tiểu ban Giáo dục Thường xuyên và học tập suốt đời (GDTX & HTSĐ), đã được nêu tại phiên họp thứ 2 năm 2020, ngày 16/07/2020[1], có liên quan tới việc ứng dụng và phát triển TNGDM như một cách thức chính để phát triển GDTX & HTSĐ theo hướng tiếp cận với CMCN4 và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững 4 – SDG4 (Sustainable Development Goal 4) về giáo dục của Liên hiệp quốc tới năm 2030.
Từ khóa: giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, GDTX & HTSĐ, Tài nguyên Giáo dục Mở, TNGDM, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, CMCN4, mục tiêu phát triển bền vững 4, SDG4, chuyển đổi số, dữ liệu mở.



A. Đặt vấn đề
Việt Nam, với vai trò là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc giai đoạn 2020-2021[2], một thành viên tích cực của Liên hiệp quốc, chắc chắn cũng có trách nhiệm hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 do Liên hiệp quốc phê chuẩn năm 2015[3], trong đó có SDG4 nhằm “Đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.
CMCN4 đang tạo ra một nền công nghiệp mới, nơi mà sự tự động hóa các quy trình chế tạo được nâng lên tới mức độ mới bằng việc đưa ra các công nghệ sản xuất hàng loạt được tối ưu hóa và mềm dẻo, nơi mà máy móc sẽ hoạt động độc lập, hoặc hợp tác với con người để tạo ra một lĩnh vực sản xuất hướng đến khách hàng và liên tục tự duy trì hoạt động. Máy móc trở thành một thực thể độc lập có khả năng thu thập dữ liệu, phân tích nó, và tư vấn dựa vào nó[4].
Các công nghệ sản xuất hàng loạt được nêu ở đây hầu hết nằm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), và dữ liệu chính là nguyên liệu thô quan trọng không thể thiếu cho các công nghệ đó, bao gồm cả dữ liệu mở, với dữ liệu mở của ngành giáo dục là một phần trong đó. Cũng cần nhấn mạnh rằng, từ góc độ của cấp phép mở, dữ liệu mở (của ngành giáo dục) là một tập con của tài nguyên giáo dục mở.
Hình 1. Từ góc độ của cấp phép mở, dữ liệu mở là tập con của tài nguyên giáo dục mở

Một nền công nghiệp mới sẽ đòi hỏi tập hợp mới các kỹ năng. Do đó, giáo dục và đào tạo sẽ có hình hài mới cung cấp cho một nền công nghiệp mới đó lao động với các kỹ năng cần thiết. Khi việc sản xuất hàng loạt chủ yếu dựa vào các công nghệ trong lĩnh vực CNTT-TT, dễ thấy lao động có kỹ năng CNTT-TT là quan trọng và không thể thiếu, dù chúng không là duy nhất.

B. Khung năng lực CNTT-TT cho các giảng viên của UNESCO năm 2018
Các giảng viên chính là những người trước hết cần được trang bị các kỹ năng về các CNTT-TT cần thiết cho CMCN4 để truyền đạt và/hoặc hướng dẫn cho các sinh viên của họ, từ đó tạo ra lực lượng lao động đông đảo để tiếp cận, xúc tác và phục vụ cho CMCN4 phát triển.
Không là ngẫu nhiên khi vào năm 2018, UNESCO đã xuất bản tài liệu ‘Khung năng lực CNTT-TT cho các giảng viên’ phiên bản 3 (ICT CFT V3) với mục tiêu cao nhất nhằm biến các giảng viên thành những người sáng tạo với cấu trúc Khung gồm 3 mức độ sử dụng sư phạm CNTT-TT, 6 khía cạnh thực hành nghề giảng viên, 18 kỹ năng về năng lực CNTT-TT của các giảng viên, như được minh họa trên Hình 2.
Các CNTT-TT cần thiết cho các giảng viên được nêu trong ICT CFT V3 đều là các công nghệ cần thiết để Việt Nam tiếp cận được CMCN4, với TNGDM được xếp số 1, cụ thể như sau:
  1. Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM)
  2. Các mạng xã hội
  3. Các công nghệ di động
  4. Internet của Vạn vật - IoT (Internet of Things)
  5. Trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence)
  6. Thực tế ảo – VR (Virtual Reality) và Thực tế tăng cường - AR (Augmented Reality)
  7. Dữ liệu lớn (Big Data)
  8. Lập trình
  9. Đạo đức và bảo vệ tính riêng tư
Hình 2. Khung năng lực CNTT-TT cho các giảng viên của UNESCO, phiên bản 3, năm 2018

Trong ICT CFT V3, năng lực TNGDM được tích hợp ở cả 3 mức độ sử dụng sư phạm CNTT-TT và ở 4 trong số 18 kỹ năng CNTT-TT của khung đó[5].
Tới nay, khoảng 20 quốc gia, tổ chức/cơ sở giáo dục trên thế giới đã và đang phát triển khung năng lực này. Điều quan trọng là tất cả các tài nguyên được sử dụng để xây dựng các khung năng lực của các quốc gia và/hoặc cơ sở giáo dục đó đều được cấp phép mở và đều là các TNGDM, cho phép bất kỳ ai tự do không mất tiền để tùy biến thích nghi/sửa đổi chúng cho phù hợp với ngữ cảnh của bất kỳ quốc gia và/hoặc cơ sở nào khác muốn phát triển khung năng lực tương tự cho mình[6].
Điều này có nghĩa là nếu chính phủ hay bất kỳ tổ chức/cơ sở giáo dục nào của Việt Nam muốn xây dựng cho mình khung năng lực CNTT-TT đều không phải làm từ đầu, từ không có gì cả, mà sẽ xây dựng trên cơ sở ‘đứng trên vai những người khổng lồ’.
Với ICT CFT V3, TNGDM có khả năng giúp cho các giảng viên trước hết có thể chiếm lĩnh được tri thức dễ dàng nhất mà không phải đối mặt với các rào cản cả về tài chính, pháp lý và kỹ thuật, để rồi từ đó đào sâu tri thức và sau đó sáng tạo tri thức. Bằng cách này các giảng viên còn có khả năng để trở thành các nhà đổi mới sáng tạo, điều quan trọng bậc nhất để tiếp cận CMCN4.

C. Khuyến cáo TNGDM của UNESCO năm 2019
C1. Nội dung chính trong Khuyến cáo TNGDM của UNESCO
Để ứng dụng và phát triển tốt TNGDM, không có gì bằng việc bám theo và tùy chỉnh cho phù hợp với ngữ cảnh của Việt Nam 5 khía cạnh mục tiêu được nêu trong tài liệu ‘Khuyến cáo TNGDM của UNESCO’[7] đã được 193 quốc gia thành viên phê chuẩn vào ngày 25/11/2019 nhân kỳ họp toàn thể thứ 40 của UNESCO, chúng gồm:
  1. Xây dựng năng lực: phát triển năng lực của tất cả các bên tham gia đóng góp chính cho giáo dục để tạo lập, truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi, và phân phối lại TNGDM, cũng như để sử dụng và áp dụng các giấy phép mở theo cách thức ổn định với pháp luật bản quyền quốc gia và các bổn phận quốc tế;
  2. Phát triển chính sách hỗ trợ: khuyến khích các chính phủ, các nhà chức trách và các cơ sở giáo dục áp dụng thường xuyên khung công việc hỗ trợ cho việc cấp phép mở cho các tư liệu giáo dục và nghiên cứu được nhà nước cấp vốn, phát triển các chiến lược để xúc tác cho sử dụng và tùy biến thích nghi TNGDM để hỗ trợ cho giáo dục chất lượng cao, bao hàm toàn diện và học tập suốt đời cho tất cả mọi người, được nghiên cứu thích hợp trong lĩnh vực này hỗ trợ;
  3. Truy cập hiệu quả, bao hàm toàn diện và công bằng tới TNGDM chất lượng: hỗ trợ áp dụng các chiến lược và chương trình, bao gồm qua các giải pháp công nghệ thích hợp để đảm bảo TNGDM trong bất kỳ phương tiện nào cũng được chia sẻ ở các định dạng và các tiêu chuẩn mở để tối đa hóa truy cập công bằng, đồng sáng tạo, giám tuyển, và khả năng tìm thấy được, bao gồm cho những người từ các nhóm bị tổn thương và những người khuyết tật;
  4. Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM: hỗ trợ và khuyến khích sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM ở các mức quốc gia, khu vực và cơ sở, và lên kế hoạch và kiểm thử thí điểm các dạng thức bền vững mới của giáo dục và học tập;
  5. Khai thác và tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế: hỗ trợ hợp tác quốc tế giữa các bên tham gia đóng góp để tối thiểu hóa đúp bản không cần thiết trong các đầu tư phát triển TNGDM và để phát triển kho toàn cầu các tư liệu giáo dục đa dạng, phù hợp với địa phương, nhạy cảm với giới tính, truy cập được trong nhiều ngôn ngữ và định dạng.

C2. Diễn giải về 5 khía cạnh mục tiêu trong Khuyến cáo TNGDM của UNESCO
Để có thể triển khai được các khía cạnh mục tiêu được nêu ở trên, Việt Nam nên nắm lấy tiếp cận ‘Đứng trên vai những người khổng lồ’ qua các diễn giải bên dưới đây:

1. Xây dựng năng lực các bên tham gia đóng góp để tạo lập, truy cập, sử dụng lại, tùy biến thích nghi và phân phối lại TNGDM
  • Có nhiều bên tham gia đóng góp cho TNGDM, ví dụ như: Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có liên quan của Chính phủ; những người làm chính sách về giáo dục - khoa học - văn hóa; các cơ sở giáo dục mọi cấp học; hệ thống các cơ sở GDTX & HTSĐ; các nhà nghiên cứu; các nhà quản lý nghiên cứu; các nhà cấp vốn nghiên cứu; các cơ sở đảm bảo, công nhận và kiểm định chất lượng; các thư viện và các nhân viên thư viện; các nhà xuất bản; các nhà sách, đặc biệt là các nhà sách trong các khu trường; các giảng viên và sinh viên, học sinh và phụ huynh, các tổ chức của sinh viên; giới công nghiệp, bao gồm các doanh nhân, các doanh nghiệp mọi kích cỡ, các công ty khởi nghiệp; các thành phần khác có quan tâm tới TNGDM.
  • Việc xây dựng năng lực TNGDM cho các đối tượng khác nhau là khác nhau, trong đó có lẽ quan trọng nhất là xây dựng năng lực TNGDM cho các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống sư phạm và hệ thống GDTX & HTSĐ, vì đây là các hệ thống có sức lan tỏa lớn nhất trong xã hội. Được biết hiện có khoảng 1,5 triệu giảng viên trong cả nước[8]. Vì vậy, việc xây dựng Khung năng lực CNTT-TT cho các giảng viên Việt Nam bằng việc tùy chỉnh khung mẫu của UNESCO và/hoặc của các quốc gia đã xây dựng dựa vào khung mẫu đó là rất cần thiết.
2. Phát triển chính sách hỗ trợ cho TNGDM
  • Năm 2019, UNESCO cùng với Khối thịnh vượng chung về học tập - COL (Commonwealth of Learning) đã xuất bản tài liệu “Các hướng dẫn phát triển chính sách Tài nguyên Giáo dục Mở” nhằm mục đích, trong số những điều khác, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc tới 2030. Tài liệu là cơ sở rất tốt để tùy chỉnh và xây dựng chính sách TNGDM cho Việt Nam.
  • Phát triển chính sách TNGDM là một quy trình với tầm nhìn dài hạn gồm 7 pha được triển khai tuần tự như trên Hình 3, gồm: (1) Hiểu tiềm năng của TNGDM; (2) Xác định tầm nhìn chính sách TNGDM; (3) Lên khung chính sách TNGDM; (4) Tiến hành phân tích khoảng cách; (5) Thiết kế kế hoạch tổng thể; (6) Lập kế hoạch điều hành và triển khai; và (7) Khởi xướng chính sách TNGDM. Từng trong số 7 pha đó đều được chi tiết hóa để bất kỳ ai cũng có thể dựa vào và tùy biến thích nghi chúng theo ngữ cảnh cụ thể của quốc gia/cơ sở giáo dục khi phát triển chính sách TNGDM cho mình. Ví dụ, pha thứ 5 trong tổng số 7 pha là thiết kế kế hoạch tổng thể với 8 bước: (1) Áp dụng khung cấp phép mở; (2) Tích hợp TNGDM vào chương trình giảng dạy; (3) Đảm bảo phát triển, lưu trữ và khả năng truy cập TNGDM; (4) Điều chỉnh phù hợp các thủ tục đảm bảo chất lượng; (5) Hỗ trợ xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức về TNGDM; (6) Khuyến khích các mô hình kinh doanh bền vững và khởi xướng các chiến lược cấp vốn; (7) Thúc đẩy nghiên cứu dựa vào bằng chứng về tác động của TNGDM; và (8) Có cơ chế điều hành cho chính sách TNGDM. Mỗi bước thành phần đều được chi tiết hóa theo các nội dung cụ thể bằng các câu hỏi cụ thể và có thể tùy chỉnh cho phù hợp ngữ cảnh[9] cụ thể của Việt Nam.
Hình 3: Quy trình xây dựng chính sách TNGDM với 7 pha[10]

3. Truy cập hiệu quả, bao hàm toàn diện và công bằng tới TNGDM chất lượng
  • Việc triển khai khía cạnh mục tiêu này phụ thuộc nhiều vào 2 khía cạnh mục tiêu được nêu ở trên. Ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có chiến lược và chương trình với các giải pháp công nghệ thích hợp với ứng dụng và phát triển TNGDM.
  • Một trong các giải pháp cụ thể cho khía cạnh mục tiêu này là đánh dấu khóa học mở và kham được, tiền thân của việc đánh dấu các khóa học mở và TNGDM, hiện đang được thực hiện ở nhiều cơ sở giáo dục đủ mọi kích cỡ ở nhiều bang của nước Mỹ và Canada[11], nó không chỉ giúp giảm chi phí các tư liệu khóa học và tiết kiệm tiền cho sinh viên, mà còn giúp cho các sinh viên hướng tới việc truy cập được hiệu quả, bao hàm toàn diện và công bằng tới TNGDM chất lượng. Đây là các kinh nghiệm thực tế rất quý mà các cơ sở giáo dục Việt Nam nên học tập.
4. Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM
  • Các mô hình kinh doanh của thế giới mở với các vật vô hình như TNGDM, hay các mô hình doanh thu của nó, thường không giống như các mô hình kinh doanh truyền thống với các vật hữu hình dựa vào việc bán sản phẩm sở hữu độc quyền theo kiểu ‘ăn bánh trả tiền’ theo triết lý ‘tiền nào của nấy’ thường thấy ở Việt Nam cho tới nay. Chương trình ‘Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030[12]’ sẽ tạo ra hàng loạt và trên diện rộng khắp cả nước các dữ liệu kỹ thuật số - các tài nguyên vô hình. Chương trình này có lẽ chỉ có thể thành công nếu chúng ta dịch chuyển từ văn hóa “tiền nào của nấy” thường chỉ đúng với những tài nguyên hữu hình theo truyền thống hàng ngàn năm nay, sang văn hóa “chia sẻ ý tưởng” với nguyên tắc cộng lực dựa trên cơ sở triết lý MỞ để phát triển với các tài nguyên của thế giới MỞ và VÔ HÌNH - thế giới số từ nay trở đi[13].
  • Hàng loạt các mô hình doanh thu dựa vào TNGDM, được cấp phép mở Creative Commons được nêu trong tài liệu “Làm bằng Creative Commons”[14], trong đó có cả các mô hình doanh thu dành cho các công ty vì lợi nhuận nhưng với toàn bộ các tư liệu khóa học là các TNGDM và được cấp phép mở CC BY 4.0[15], loại giấy phép mở cho phép người sử dụng được tự do không mất tiền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi, và phân phối lại các TNGDM đó, kể cả vì các mục đích thương mại, điển hình như công ty Lumen Learning. Các mô hình kinh doanh của thế giới MỞ rất cần được đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mọi cấp học, đặc biệt trong hệ thống các cơ sở giáo dục sư phạm và GDTX & HTSĐ ở Việt Nam.
5. Khai thác và tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế
  • Khía cạnh mục tiêu này nêu rõ là nhằm để hỗ trợ hợp tác quốc tế giữa các bên tham gia đóng góp để tối thiểu hóa đúp bản không cần thiết trong các đầu tư phát triển TNGDM và để phát trriển kho toàn cầu các tư liệu giáo dục đa dạng, phù hợp với địa phương, nhạy cảm với giới tính, truy cập được trong nhiều ngôn ngữ và định dạng. Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng khai thác các TNGDM bằng tiếng nước ngoài thông qua việc tìm kiếm, sử dụng, sử dụng lại, tùy biến thích nghi, sửa đổi, dịch và bản địa hóa sang tiếng Việt, .v.v. mà không nhất thiết phải xây dựng từ đầu các kho cho các TNGDM có sẵn đó. Việt Nam hiện còn chưa có/rất thiếu các hợp tác quốc tế dạng này.
  • Ngày càng xuất hiện nhiều hơn các trang đa ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Việt, ví dụ như:
    • Merlot[16]: chương trình của Hệ thống Đại học Bang California, đối tác với các cơ sở giáo dục, xã hội nghề nghiệp, và giới công nghiệp, nhằm vào các đối tượng là các sinh viên đại học và cao đẳng.
    • CK-12[17]: của Quỹ CK-12, dành cho các học sinh phổ thông.
    • PHET[18]: Các mô phỏng tương tác cho khoa học và toán học của Đại học Colorado. Trang này có khả năng giúp xóa bỏ việc dạy chay và học chay thường được nói tới trong giáo dục phổ thông và/hoặc dạy nghề ở Việt Nam. Ngoài ra, tất cả các nội dung của trang này đều mang giấy phép CC BY 4.0[19] và mã nguồn HTML5 đều có sẵn trên kho Github[20] mà bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm để tải về để tùy chỉnh cho phù hợp với các ngữ cảnh của quốc gia và/hoặc cơ sở của mình.
  • Trong 3 năm qua, Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục Mở của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam cũng đã triển khai khoảng 50 khóa huấn luyện huấn luyện viên về thực hành khai thác TNGDM, cả theo phương thức truyền thống mặt đối mặt cũng như trên trực tuyến, cho gần 1.000 cán bộ và giảng viên của hơn 100 trường đại học và cao đẳng trong cả nước[21], một con số rất khiêm tốn nếu so với khoảng 1,5 triệu giảng viên và khoảng 25 triệu học sinh sinh viên trên toàn quốc, bao gồm các học viên trong toàn bộ hệ thống GDTX & HTSĐ, những người thực sự cần biết và khai thác TNGDM, dù còn chưa rõ và chưa có bất kỳ khảo sát thống kê nào để biết chính xác các học viên đó khai thác TNGDM như thế nào trong công việc giảng dạy, nghiên cứu thường ngày của họ sau các khóa huấn luyện đó.

D. Tận dụng các video dạy nghề tiếng nước ngoài là TNGDM
Nghiên cứu chỉ ra rằng, ở các quốc gia có thu nhập chưa cao, số người chưa học đại học là khoảng 90,2% dân số[22], họ là những người cần học nghề để sống và làm việc, trong khi phạm vi giáo dục và đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp (TVET) trải từ giáo dục trung học phổ thông với độ tuổi từ 15 tuổi trở lên cho tới hết đời, như trên Hình 4. Nói một cách khác, khoảng 90 triệu người trong tổng dân số khoảng 100 triệu người Việt Nam độ tuổi từ 15 cho tới hết đời là những người cần học nghề để sống và làm việc; còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2019 thì gần 80% số người trong tổng số 55,16 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo[23].
Hình 4: Phạm vi giáo dục và đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp (TVET) - đường chấm vạch

Trong khi đó, hiện sẵn có khoảng 60 triệu video trong các kho trên Internet như YouTube hoặc Vimeo[24], chủ yếu bằng tiếng Anh và các tiếng nước ngoài khác có nội dung dạy để làm một việc gì đó. Chúng là các TNGDM, được cấp phép mở, rất nhiều trong số đó mang giấy phép CC BY, cho phép người sử dụng làm bất kỳ điều gì với chúng, kể cả sử dụng cho các mục đích thương mại, miễn là thừa nhận ghi công đúng cho (các) tác giả của các video đó. Nếu tận dụng được các video đó, biến chúng thành các video lồng tiếng Việt, cấp phép mở rồi đăng tải chúng lên Internet, thì có khả năng giúp cho nhiều người học được cách làm một việc gì đó, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho họ để có được một nghề nào đó để sống và làm việc.
Các khóa huấn luyện huấn luyện viên về thực hành khai thác TNGDM được nêu ở phần trên giúp hướng dẫn cho các học viên cách để tải về, cài đặt và sử dụng bộ các công cụ CNTT-TT là các phần mềm tự do nguồn mở, hoàn toàn miễn phí, được cấp phép mở, vì thế không vi phạm bản quyền của bất kỳ ai, không vi phạm luật bản quyền của bất kỳ quốc gia nào, tuân thủ nguyên tắc không có các rào cản về tài chính, pháp lý và kỹ thuật của giáo dục mở, và bản thân các công cụ đó cũng là các TNGDM. Quan trọng hơn, bộ công cụ đó giúp cho các học viên không chỉ có khả năng tìm kiếm, sử dụng, sửa đổi, pha trộn, tạo mới, cấp phép mở cho TNGDM với mọi kiểu nội dung như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, mà còn có khả năng để biến các video tiếng nước ngoài thành các video lồng tiếng Việt dễ dàng hơn. Bằng cách đó có thể vừa giúp phát triển thị trường học nghề, vừa làm giàu cho kho các TNGDM tiếng Việt trên Internet, điều rất hiếm thấy hiện nay.

E. Vài gợi ý cho giáo dục Việt Nam nói chung, GDTX & HTSĐ nói riêng
Bên dưới đây nêu những gợi ý cho giáo dục Việt Nam nói chung, GDTX & HTSĐ nói riêng trên cơ sở tính tới tính khả thi về thời gian để xây dựng và triển khai các gợi ý đó.
E1. Gợi ý các công việc có thể thực hiện được ngay trong ngắn hạn
1. Đưa môn học ‘Cơ bản về TNGDM’ với nội dung cấp phép mở như là một môn học bắt buộc và có tín chỉ
Sự phê chuẩn Khuyến cáo TNGDM của UNESCO của đại diện 193 quốc gia năm 2019 vừa qua đã khẳng định TNGDM là xu thế không thể đảo ngược của thế giới. Mặt khác, sự xuất hiện ngày một nhiều các trang đa ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt như Merlot, CK-12 hoặc PHET cho phép các học sinh, sinh viên Việt Nam bây giờ có thể ngồi ở Việt Nam, học các khóa học và/hoặc TNGDM của nước ngoài bằng tiếng Việt. Điều này vừa là cơ hội vừa là thách thức cho giáo dục Việt Nam.
Bên cạnh hàng loạt các lợi ích mà TNGDM có thể đem lại cả cho các giảng viên, sinh viên và cơ sở giáo dục[25], Việt Nam có thể gặp những thách thức không nhỏ, khi mà các vấn đề của MỞ hầu như chưa/không hiện diện trong hầu hết các cơ sở giáo dục ở mọi cấp học, bao gồm cả vấn đề cơ bản nhất và nằm trong bản thân định nghĩa TNGDM là cấp phép mở cho các tài nguyên để chúng có khả năng trở thành các TNGDM, để bất kỳ ai cũng có thể tự do không mất tiền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại chúng; trong khi, theo luật sở hữu trí tuệ, bất kỳ tài nguyên hay tác phẩm mới nào được sáng tạo ra cũng đều được luật đó bảo hộ, bất kể (các) tác giả có đăng ký nó hay không.
Nói cách khác, tài nguyên không được cấp phép mở sẽ không là TNGDM, và vì vậy, cấp phép mở cần phải là nội dung không thể thiếu trong bất kỳ cơ sở giáo dục ở bất kỳ cấp học nào, đặc biệt là trong hệ thống các cơ sở giáo dục sư phạm và GDTX & HTSĐ. Tốt nhất có thể là đưa môn học ‘Cơ bản về TNGDM’ với nội dung cấp phép mở như là một môn học bắt buộc và có tín chỉ vào trong tất cả các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam, đặc biệt là vào trong các trường đại học và cao đẳng trong hệ thống các trường sư phạm, cũng như trong toàn bộ hệ thống các cơ sở GDTX & HTSĐ - đặc biệt ở các cấp trung ương và tỉnh thành, để từ đó tiếp tục lan ra tới các cấp quận – huyện và xã – phường.
2. Xây dựng chương trình ‘Lồng tiếng Việt cho các video tiếng nước ngoài’ là các TNGDM, được cấp phép mở, sẵn có trên Internet
Như được phân tích ở trên, một thị trường rộng lớn với khoảng 90% dân số Việt Nam từ độ tuổi 15 tuổi trở lên tới hết đời là những người không học đại học và họ cần có một nghề để sống và làm việc. Chương trình ‘Lồng tiếng Việt cho các video tiếng nước ngoài’ là các TNGDM, được cấp phép mở, sẵn có trên Internet sẽ giúp cho nhiều người có khả năng có được một nghề nào đó một cách nhanh chóng nhất có thể, tiết kiệm nhất có thể, và ở phạm vi rộng nhất có thể. Nếu được xây dựng, nó nên làm theo thứ tự ưu tiên từ các ngành nghề có nhu cầu cao nhất trong xã hội trở xuống.
3. Triển khai các khóa huấn luyện huấn luyện viên về khai thác TNGDM cho hệ thống các cơ sở giáo dục sư phạm và GDTX & HTSĐ cấp trung ương và tỉnh thành
Hiện nay, Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục Mở (OEDAB) của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã và đang cung cấp các khóa thực hành khai thác TNGDM nhằm giải quyết bài toán này theo phương thức huấn luyện huấn luyện viên, cả trực tuyến và phi trực tuyến, cả lý thuyết và thực hành bằng việc sử dụng bộ các công cụ CNTT-TT là các phần mềm tự do nguồn mở, được cấp phép mở, đảm bảo không có các rào cản về tài chính, pháp lý và kỹ thuật với chi phí mua giấy phép sử dụng bộ các phần mềm đó bằng 0 VNĐ mà không vi phạm bản quyền của bất kỳ ai, không vi phạm luật bản quyền của bất kỳ quốc gia nào. OEDAB sẵn sàng triển khai và/hoặc hợp tác với các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai các khóa huấn luyện như vậy cho hệ thống các trường sư phạm, cũng như trong toàn bộ mạng lưới cơ sở GDTX & HTSĐ cấp trung ương và tỉnh – thành. Hiện tại, các khóa thực hành này có nội dung ở 2 mức: cơ bản[26] và nâng cao[27] - mức này tập trung vào giải pháp sử dụng phần mềm nguồn mở hướng tới việc lồng tiếng Việt cho các video tiếng Anh.
4. Tận dụng mô hình đào tạo trực tuyến để triển khai nhanh hơn các khóa huấn luyện thực hành khai thác TNGDM
Thực tế triển khai các khóa huấn luyện huấn luyện viên về thực hành khai thác TNGDM thời gian qua ở các trường đại học và cao đẳng khắp cả nước cho thấy không phải cơ sở giáo dục nào cũng có được các phòng máy, hệ thống âm thanh và kết nối Internet đáp ứng được nhu cầu của khóa huấn luyện. Trong khi đó, cũng có các cơ sở có đủ các điều kiện để cùng một lúc triển khai khóa huấn luyện trên trực tuyến, thường qua một phòng học ảo với một phần mềm hội nghị trực tuyến qua video (video conferencing), tới 2 – 3 phòng học vật lý ở các địa điểm khác nhau, như đã được triển khai trong thực tế thời gian qua, như theo mô hình trên Hình 5.
Điều này gợi ý việc có khả năng triển khai nhanh hơn và rộng hơn các khóa huấn luyện khai thác TNGDM được nêu ở trên nếu có sự chuẩn bị thích hợp. Bên cạnh đó cũng có lựa chọn triển khai phổ cập các khóa huấn luyện đó thông qua việc ghi lại toàn bộ khóa huấn luyện thành video và/hoặc video phát trực tiếp (live streaming video).
Lưu ý: việc dạy và học trên trực tuyến và từ xa là một phần của chuyển đổi số trong giáo dục.
Hình 5: Mô hình đào tạo qua một phòng học ảo tới vài phòng học vật lý đã triển khai trong thực tế

E2. Gợi ý các công việc cần nhiều thời gian hơn để chuẩn bị
1. Phát triển chính sách hỗ trợ cho TNGDM
Bám chặt theo 5 khía cạnh mục tiêu trong Khuyến cáo TNGDM của UNESCO, trong đó khía cạnh mục tiêu số 2 là phát triển chính sách hỗ trợ cho TNGDM là hết sức cần thiết.
Từ góc độ của việc cấp phép mở (như trên Hình 1), TNGDM chỉ là một tập con của tài nguyên truy cập mở. Vì vậy, để việc triển khai các hoạt động về TNGDM được thuận lợi và không có hoặc ít có xung đột về lợi ích giữa các bên liên quan, nên phát triển chính sách truy cập mở trước hoặc đồng thời với chính sách TNGDM[28]. Điểm khởi đầu tốt có thể là chính sách truy cập mở tới các xuất bản phẩm và dữ liệu là kết quả nghiên cứu của các giảng viên và/hoặc cấp phép mở cho các tài liệu nội sinh trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng được chọn làm thí điểm để mở rộng sau đó.
2. Cân nhắc lại quy định về kiểm định giáo dục đối với các tư liệu trong thư viện
Thực tế triển khai các khóa huấn luyện huấn luyện viên về thực hành khai thác TNGDM ở các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng thời gian vừa qua đã nhận được một vài phản hồi từ các cán bộ, giảng viên và nhân viên thư viện xung quanh việc các quy định về kiểm định giáo dục hiện hành không/chưa công nhận các tư liệu giáo dục trong các thư viện nếu chúng là các TNGDM, kể cả khi chúng là các TNGDM chất lượng, được rà soát lại ngang hàng và nằm trong các kho nổi tiếng trên thế giới với hàng ngàn trường đại học và cao đẳng khắp trên thế giới sử dụng chúng, ví dụ như các kho OpenStax, Libretexts, Open Textbook Library, BCcampus, và nhiều kho TNGDM nổi tiếng khác[29]. Điều này có lẽ là chưa phù hợp với công văn số 2516/BGDĐT – GDĐH ngày 18/06/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài[30]. Mục 7 của công văn này nêu:
Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, tài liệu học tập dùng chung cũng như sử dụng các nguồn tài nguyên mở (OER - Open Education Resources; OCW - Open Course Ware) của các trường đại học uy tín trên thế giới nhằm giúp sinh viên, giảng viên được tiếp cận, cập nhật thông tin, tri thức toàn cầu;
Bổ sung thêm rằng, chất lượng của các tài nguyên mở, bao gồm cả TNGDM phụ thuộc chủ yếu vào việc rà soát lại ngang hàng của các đồng nghiệp trên khắp thế giới, thường diễn ra trên các diễn đàn trên trực tuyến, đối với các tài nguyên đó. Ngoài ra, đã có các tài liệu chỉ ra các mô hình đánh giá chất lượng TNGDM, như mô hình TIPS với các phiên bản V1[31] và V2[32]. Quan trọng và thực tế hơn, đã có nghiên cứu ở nước Mỹ chỉ ra rằng: “ngày một gia tăng các nghiên cứu chỉ ra rằng các sinh viên học tốt bằng hoặc tốt hơn trong các khóa học sử dụng OER so với các tư liệu khóa học thương mại truyền thống (Nhóm Giáo dục Mở 2019)”[33].
3. Triển khai thí điểm việc đánh dấu khóa học mở và kham được
Đánh dấu khóa học mở và kham được là công việc đã và đang được triển khai trong thực tế từ năm 2015 cho tới nay tại nhiều trường đại học và cao đẳng, bao gồm các trường cao đẳng cộng đồng và kỹ thuật ở Mỹ và Canada[34].
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí mua sách giáo khoa và các vật tư được yêu cầu cho các khóa học của các sinh viên, công việc này bản thân nó được coi như là giai đoạn đầu của việc đánh dấu khóa học mở và TNGDM, bởi cụm từ “kham được” ở đây thường đi với các chi phí thấp và/hoặc không mất chi phí đối với các tư liệu khóa học, bao gồm cả các tư liệu sở hữu độc quyền (không mở) và các tư liệu thư viện cung cấp qua một hệ thống sinh viên phải có mã nhận diện (ID) mới truy cập được với một mức giá thuê bao thấp khi các sinh viên còn đang học trong các cơ sở giáo dục đó. Vì vậy, các sinh viên thường sẽ mất truy cập tới chúng sau một khoảng thời gian, như sau một học kỳ hoặc sau khi tốt nghiệp, dù họ có thể rất cần truy cập tới chúng kể cả sau khi tốt nghiệp và đi làm. Trong khi với TNGDM, theo định nghĩa của nó, là các tài nguyên hoặc nằm trong phạm vi công cộng, hoặc được cấp phép mở tuân thủ các quyền sở hữu trí tuệ của người nắm giữ bản quyền và tuân thủ nguyên tắc 5R[35], sẽ trao quyền hợp pháp cho các sinh viên để lưu giữ các bản sao tư liệu khóa học, các TNGDM, vĩnh viễn.
Ở giai đoạn sau, một khi việc chỉ định các chi phí tư liệu khóa học trở thành thông thường hơn, các cơ sở nên cân nhắc việc đánh dấu mở hoặc OER hơn là việc đánh dấu thông thường nặng về chi phí. Làm như vậy có thể bắt đầu các thảo luận với những người hướng dẫn và các sinh viên về mở khác biệt như thế nào với (hoặc thường vượt trội) các giải pháp tư liệu khóa học kham được khác.
4. Hướng tới phát triển chính sách hỗ trợ cho Khoa học Mở và các thành phần
Ngày 27/11/2019, tức là chỉ 2 ngày sau khi 193 quốc gia thành viên UNESCO phê chuẩn Khuyến cáo TNGDM, họ đã giao nhiệm vụ cho UNESCO chuẩn bị xây dựng Khuyến cáo Giáo dục Mở dự kiến sẽ được phê chuẩn vào tháng 11/2021 nhân Hội nghị toàn thể lần thứ 41 của UNESCO[36]. Ở thời điểm hiện tại, bản phác thảo của Khuyến cáo đang được xây dựng và sẽ được gửi cho các quốc gia thành viên UNESCO để lấy ý kiến phản hồi.
Ý tưởng đằng sau Khoa học Mở là để cho phép thông tin, dữ liệu và các kết quả đầu ra của khoa học truy cập được rộng rãi hơn (Truy cập Mở) và khai thác được tin cậy hơn (Dữ liệu Mở) với sự tham gia tích cực của tất cả các bên tham gia đóng góp (Mở cho Xã hội - Open to Society).
Khuyến cáo Khoa học Mở sẽ là phần tiếp theo của Khuyến cáo về Khoa học và các Nhà nghiên cứu Khoa học năm 2017 của UNESCO. Nó cũng sẽ được xây dựng dựa vào Chiến lược Truy cập Mở tới Thông tin và Nghiên cứu Khoa học của UNESCO Khuyến cáo Tài nguyên Giáo dục Mở mới của UNESCO (được 193 quốc gia thành viên UNESCO phê chuẩn ngày 25/11/2019, như được nêu ở phần trên).
Hình 6. Các thành phần của Khoa học Mở
Nguồn: UNESCO: Towards a UNESCO Recommendation on Open Science: https://en.unesco.org/sites/default/files/open_science_brochure_en.pdf với giấy phép CC BY-SA 3.0 IGO

Rõ ràng, TNGDM và nhiều khái niệm MỞ khác, đều nằm dưới cái ô Khoa học Mở, như trên Hình 6, và Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO sắp tới chắc chắn sẽ có liên quan tới Khuyến cáo TNGDM như được nêu ở trên. Điều này càng khẳng định tính cấp bách cho giáo dục Việt Nam dịch chuyển sang Giáo dục Mở với nền tảng cơ bản TNGDM của nó để tiếp cận nhanh tới Khoa học Mở.
Tại châu Âu từ vài năm trở lại đây, đã có các cơ sở đào tạo chuyên cung cấp các khóa đào tạo các kỹ năng cho Khoa học Mở, bao gồm các kỹ năng của nhiều thành phần của Khoa học Mở như TNGDM, truy cập mở, dữ liệu mở hay cấp phép mở .v.v. cho nhiều đối tượng là các bên tham gia đóng góp cho TNGDM như trên Hình 7. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra ma trận đánh giá sự nghiệp của các nhà nghiên cứu theo Khoa học Mở - OSCAM (Open Science Career Assessment Matrix) với 23 tiêu chí chia thành 6 nhóm khác nhau[37], tất cả đều liên quan tới các kỹ năng MỞ của các thành phần của Khoa học Mở, điều có lẽ chưa từng có trong bất kỳ cơ sở giáo dục nào ở Việt Nam.
Hình 7: Các nhà cung cấp, các đối tượng cần đào tạo và các kỹ năng của Khoa học Mở[38]

Là thách thức lớn cho đội ngũ các giảng viên của Việt Nam, khi họ luôn được khuyến khích để trở thành các thạc sỹ và tiến sỹ, các học vị chỉ có thể đạt được khi trước hết họ là các nhà nghiên cứu khoa học, trong khi các tiêu chí để đánh giá sự nghiệp Khoa học Mở theo OSCAM là không/chưa hiện diện ở Việt Nam.

F. Kết luận
Chuyển đổi số sẽ tạo ra dữ liệu dạng số và dữ liệu mở chính là dữ liệu dạng số mở. Dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu mở là nguyên liệu cho các công nghệ đương thời như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet của Vạn vật (IoT) hay dữ liệu lớn (Big Data), .v.v., đều là các công nghệ chủ đạo trong CMCN4.
Có thể nói, ứng dụng và phát triển TNGDM là phần công việc quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục, trong đó có chuyển đổi số trong GDTX & HTSĐ vì từ góc độ của cấp phép mở như trên Hình 1, với dữ liệu mở trong giáo dục là tập con của TNGDM. Mặt khác, tương tự như giải thích ở đoạn trên, dữ liệu mở trong giáo dục cũng còn là tập con của dữ liệu giáo dục - là kết quả của việc chuyển đổi số trong giáo dục.
Nói một cách khác, ứng dụng và phát triển TNGDM là con đường hướng tới phát triển GDTX & HTSĐ theo hướng tiếp cận với CMCN4, cụ thể phù hợp với:
  • xu thế phát triển TNGDM và Giáo dục Mở của thế giới được UNESCO dẫn dắt,
  • sự phát triển các công nghệ cốt lõi của CMCN4 như AI, IoT hoặc Dữ liệu Lớn cũng như các công nghệ được vạch ra trong Khung năng lực CNTT-TT cho các giảng viên phiên bản 3 của UNESCO,
  • định hướng Giáo dục Mở trong Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hay Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 với khẳng định hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam là hệ thống giáo dục mở và “Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời”,
  • công văn số 4301/BGDĐT-GDTX ngày 20/09/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở
  • Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”[39], trong đó chuyển đổi số trong giáo dục là lĩnh vực đứng hàng thứ hai trong tám lĩnh vực ưu tiên, với nội dung cụ thể như: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa”,
  • Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ về “quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước”[40], trong đó có mục dành riêng và nhiều mục có nội dung liên quan tới dữ liệu mở của cơ quan nhà nước.
Dù phát triển TNGDM là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đường lối phát triển của nhà nước Việt Nam, bao gồm sự phát triển GDTX & HTSĐ theo hướng tiếp cận với CMCN4, rất nhiều các công việc cần phải làm còn đang ở phía trước và chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thậm chí có rủi ro xung đột với các luật, quy định hiện hành ở mọi cấp có liên quan tới giáo dục cũng như có liên quan tới các bộ ngành khác trong Chính phủ cần phải được điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là không làm gì cả!

G. Các chú giải
[1] Lê Trung Nghĩa, 2020: Phiếu đề xuất tư vấn cho Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Tiểu ban Giáo dục Thường xuyên và học tập suốt đời, tại phiên họp thứ 2 năm 2020, ngày 16/07/2020: https://www.dropbox.com/s/ebgymzvxsy2wzth/4-Phi%E1%BA%BFu%2
[2] Thế giới & Việt Nam: Việt Nam đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2020: https://baoquocte.vn/viet-nam-dam-nhan-thanh-cong-cuong-vi-chu-tich-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-thang-12020-108682.html
[3] Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA): Mục tiêu phát triển bền vững số 4: https://vaefa.edu.vn/cac-hoat-dong/tin-hoat-dong/44-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-so-4.html
[4] Cleverism: Industry 4.0: Definition, Design Principles, Challenges, and the Future of Employment: https://www.cleverism.com/industry-4-0/
[5] Lê Trung Nghĩa, 2019: Xây dựng Khung năng lực CNTT-TT và năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho các giảng viên đáp ứng các yêu cầu của CMCN4 ở Việt Nam: Bài viết cho hội thảo: “Phát triển Giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số” do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24/08/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh: https://letrungnghia.mangvn.org/Author/xay-dung-khung-nang-luc-cntt-tt-va-nang-luc-tai-nguyen-giao-duc-mo-cho-cac-giang-vien-dap-ung-cac-yeu-cau-cua-cmcn4-o-viet-nam-6251.html
[6] OER Commons: UNESCO ICT Competency Framework for Teachers: https://www.oercommons.org/hubs/UNESCO#ict-cft-aligned-resource
[7] UNESCO: Certified Copy of the Recommendation on Open Educational Resources (OER): https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373755/PDF/373755eng.pdf.multi.page=3. Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa có tại: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0
[8] Báo Nhân dân, 2020: Thực hiện nghiêm khai báo y tế trong học sinh, sinh viên: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/thuc-hien-nghiem-khai-bao-y-te-trong-hoc-sinh-sinh-vien-455339/
[9] Lê Trung Nghĩa, 2020: Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở: https://www.tiasang.com.vn/-giao-duc/Phat-trien-tai-nguyen-giao-duc-mo-23020
[10] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Các hướng dẫn phát triển các chính sách Tài nguyên Giáo dục Mở: https://www.dropbox.com/s/458ak3vspexdzhj/371129eng_Vi-08122019.pdf?dl=0, CC BY-SA, tr. 22
[11] Sarah Hare, Jessica Kirschner, và Michelle Reed biên tập: Marking Open and Affordable Courses: Best Practices and Case Studies. Nhà xuất bản Mavs xuất bản năm 2020, giấy phép mở CC BY 4.0: https://uta.pressbooks.pub/markingopenandaffordablecourses/. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/de1x7trq7vl070v/Marking-Open-and-Affordable-Courses-Best-Practices-and-Case-Studies-1596578301_Vi_24092020.pdf?dl=0
[12] Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030": http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=200163
[13] Lê Trung Nghĩa: Ý kiến đóng góp cho Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội về việc thẩm tra một số nội dung cụ thể về lĩnh vực CNTT-TT trong các nghị quyết của Quốc hội, cuộc họp ngày 04/08/2020 tại trụ sở các cơ quan Quốc hội, 22 Hùng Vương - Hà Nội: https://www.dropbox.com/s/fgyzot00yyfvska/GopY_UBKHCNMT_04082020.pdf?dl=0
[14] Paul Stacey và Sarah Hinchliff Pearson: Made with Creative Commons. Creative Commons 2017. Giấy phép CC BY-SA 4.0. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/a6n50my7owufi6w/Made%20with%20Creative%20Commons_Vi-10022020.pdf?dl=0
[15] Creative Commons: Creative Commons Attribution 4.0 International License (CC BY 4.0): https://creativecommons.org/licenses/by/4.0/
[16] Website Merlot: https://www.merlot.org/merlot/index.htm
[17] Website CK-12: https://www.ck12.org/student/
[18] Colorado University: PHET Interactive Simulations: https://phet.colorado.edu/
[19] Colorado: PHET Interactive Simulations – Licensing: https://phet.colorado.edu/en/licensing
[20] Colorado University: PHET Interactive Simulations – Source Code: https://phet.colorado.edu/en/about/source-code
[21] Lê Trung Nghĩa: Ý kiến đóng góp cho Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội …: https://www.dropbox.com/s/fgyzot00yyfvska/GopY_UBKHCNMT_04082020.pdf?dl=0, phần phụ lục.
[22] Robert Schuwer và Ben Janssen, 2018: OER and Inclusiveness: Are Expectations Fulfilled?: https://www.robertschuwer.nl/?p=1683. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://letrungnghia.mangvn.org/Education/oer-va-tinh-toan-dien-cac-ky-vong-da-hoan-thanh-6038.html
[23] Đình Nam, 24/07/2020: Phó Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về giáo dục thường xuyên: http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Pho-Thu-tuong-Phai-thay-doi-quan-niem-ve-giao-duc-thuong-xuyen/401805.vgp
[24] Creative Commons: State of the Commons: https://stateof.creativecommons.org/
[25] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2020: LỢI ÍCH CỦA TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ, trích nguồn: Nguồn: Sarah Hare, Jessica Kirschner, và Michelle Reed biên tập: Đánh dấu khóa học mở và kham được: Các thực hành tốt nhất và các trường hợp điển hình; Nhà in Mavs xuất bản năm 2020, giấy phép mở CC BY 4.0, trích đoạn tại: https://giaoducmo.avnuc.vn/giao-duc/loi-ich-cua-tai-nguyen-giao-duc-mo-290.html
[26] OEDAB: Chương trình đào tạo cơ bản huấn luyện huấn luyện viên về Tài nguyên Giáo dục Mở - OER (Open Educational Resources): https://giaoducmo.avnuc.vn/tap-huan/chuong-trinh-dao-tao-co-ban-huan-luyen-huan-luyen-vien-ve-tai-nguyen-giao-duc-mo-oer-open-educational-resources-179.html
[27] OEDAB: Chương trình đào tạo nâng cao huấn luyện huấn luyện viên về Tài nguyên Giáo dục Mở - OER (Open Educational Resources): https://giaoducmo.avnuc.vn/tap-huan/chuong-trinh-dao-tao-nang-cao-huan-luyen-huan-luyen-vien-ve-tai-nguyen-giao-duc-mo-oer-open-educational-resources-183.html
[28] Lê Trung Nghĩa, 2019: Hành trình đi tới Truy cập Mở đầy đủ và tức thì ở Liên minh châu Âu tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu và vài gợi ý cho Việt Nam: https://letrungnghia.mangvn.org/Author/hanh-trinh-di-toi-truy-cap-mo-day-du-va-tuc-thi-o-lien-minh-chau-au-toi-cac-xuat-ban-pham-va-du-lieu-nghien-cuu-vai-goi-y-cho-viet-nam-6232.html, mục 5. Vài gợi ý cho Việt Nam.
[29] Lê Trung Nghĩa, 2020: Tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở (OER): https://www.dropbox.com/s/19ryzp1hrf1itt8/OER_Exploit_Training_for_Trainers_2020.pdf?dl=0, slide số 14, các đường liên kết mục 4: Văn bản: sách, sách giáo khoa, tạp chí, khóa học.
[30] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Công văn số 2516/BGDĐT – GDĐH ngày 18/06/2018: https://www.dropbox.com/s/cmdyae45eg3nj2l/CV-2516-Phat-trien-chuong-trinh-dao-tao-chat-luong-cao.pdf?dl=0
[31] Paul Kawachi: Quality Assurance Guidelines for Open Educational Resources: TIP Framework Version 1.0: https://www.cemca.org/ckfinder/userfiles/files/OERQ_TIPS_978-81-88770-07-6.pdf. CEMCA, 2013, CC BY-SA 3.0. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa có tại: https://www.dropbox.com/s/2fgrrgxpsk59iyk/OERQ_TIPS_978-81-88770-07-6_Vi-09012020.pdf?dl=0
[32] Paul Kawachi: Quality Assurance Guidelines for Open Educational Resources: TIP Framework Version 2.0: https://www.cemca.org/ckfinder/userfiles/files/TIPS%20Framework_Version%202_0_Low.pdf. CEMCA, 2014, CC BY-SA 4.0. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa có tại: https://www.cemca.org/ckfinder/userfiles/files/TIPS%20Framework_Version%202_0_Low.pdf
[33] Sarah Hare, Jessica Kirschner, và Michelle Reed biên tập: Marking Open and Affordable Courses: Best Practices and Case Studies. Nhà xuất bản Mavs xuất bản năm 2020, giấy phép mở CC BY 4.0: https://uta.pressbooks.pub/markingopenandaffordablecourses/. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/de1x7trq7vl070v/Marking-Open-and-Affordable-Courses-Best-Practices-and-Case-Studies-1596578301_Vi_24092020.pdf?dl=0, trang 16 hoặc trích đoạn đó tại: https://giaoducmo.avnuc.vn/giao-duc/tai-nguyen-giao-duc-mo-295.html
[34] Sarah Hare, Jessica Kirschner, và Michelle Reed biên tập: Marking Open and Affordable Courses: Best Practices and Case Studies. Nhà xuất bản Mavs xuất bản năm 2020, giấy phép mở CC BY 4.0: https://uta.pressbooks.pub/markingopenandaffordablecourses/. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/de1x7trq7vl070v/Marking-Open-and-Affordable-Courses-Best-Practices-and-Case-Studies-1596578301_Vi_24092020.pdf?dl=0
[35] Lê Trung Nghĩa, 2020: Tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở (OER): https://www.dropbox.com/s/19ryzp1hrf1itt8/OER_Exploit_Training_for_Trainers_2020.pdf?dl=0, slide số 3, bản dịch từ ảnh gốc của David Wiley.
[36] Lê Trung Nghĩa, 2020: Khuyến cáo khoa học mở của UNESCO sẽ được phê chuẩn vào tháng 11/2021: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/khuyen-cao-khoa-hoc-mo-cua-unesco-se-duoc-phe-chuan-vao-thang-11-2021-301.html
[37] Working Group on Rewards under Open Science, EC, 2017: Evaluation of Research Careers fully acknowledging Open Science Practices. EC, 2017: http://ec.europa.eu/research/openscience/pdf/os_rewards_wgreport_final.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa có tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/dqbqnia7dih0u6w/os_rewards_wgreport_final_Vi_10032018.pdf?dl=01
[38] Working Group on Education and Skills under Open Science, EC, 2017: Providing researchers with the skills and competencies they need to practice Open Science, EC, 2017: http://ec.europa.eu/research/openscience/pdf/os_skills_wgreport_final.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa có tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/qc0cfjd80ipmvnx/os_skills_wgreport_final_Vi_01032018.pdf?dl=0, trang 42
[39] Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030": http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=200163
[40] Thư viện pháp luật: Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ “Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước”: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-47-2020-ND-CP-quan-ly-ket-noi-va-chia-se-du-lieu-so-cua-co-quan-nha-nuoc-439384.aspx

PS: Slide bài trình bày có tại địa chỉ:
https://www.dropbox.com/s/0m7s2nrovx29xxd/GDTX_HTS%C4%90_CMCN4.pdf?dl=0

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập121
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm119
  • Hôm nay28,062
  • Tháng hiện tại284,030
  • Tổng lượt truy cập37,810,854
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây