CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA NGÀNH VĂN HÓA TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ VÀ KHÍA CẠNH CHUYỂN THỂ CÁC TÁC PHẨM VÀ DI SẢN VĂN HÓA ĐANG NẰM TRONG PHẠM VI CÔNG CỘNG SANG DẠNG KỸ THUẬT SỐ

Thứ năm - 22/10/2020 06:30
CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA NGÀNH VĂN HÓA TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ VÀ KHÍA CẠNH CHUYỂN THỂ CÁC TÁC PHẨM VÀ DI SẢN VĂN HÓA ĐANG NẰM TRONG PHẠM VI CÔNG CỘNG SANG DẠNG KỸ THUẬT SỐ
Bài viết cho Hội thảo: “Văn hóa đọc với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người”, do Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức ngày 21/10/2020 tại Hà Nội. Bài đăng trong kỷ yếu hội thảo, các trang 79-88.
------------------------------------------------------------

Tóm tắt: Quyết định 1269/QĐ-TTg ngày 24/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư” chính thức mở ra cơ hội chuyển đối số cho các tác phẩm và di sản văn hóa Việt Nam. Cùng với nó là thách thức sao cho một phần của việc số hóa đó - phần chuyển thể các tác phẩm và di sản văn hóa đang nằm trong phạm vi công cộng từ không phải ở dạng kỹ thuật số sang dạng kỹ thuật số - được tiến hành triển khai phù hợp với xu thế phát triển theo sáng kiến mở đối với các cơ sở văn hóa như các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ, viện bảo tàng (OpenGLAM) của thế giới cũng như phù hợp với đặc tính của CMCN4.
Từ khóa: chuyển đổi số, số hóa, chuyển thể, tác phẩm, di sản văn hóa, luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, phạm vi công cộng, thời hạn bảo hộ, văn hóa đọc, OpenGLAM, cấp phép mở, Creative Commons, mã nhận diện duy nhất, máy hiểu được.

Ngày 24/08/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg, phê duyệt chương trình “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[1]. Đây là quyết định được nhiều người mong đợi, đặc biệt những người làm việc trong ngành văn hóa và những người có quan tâm tới chuyển đổi số của quốc gia nói chung và trong lĩnh vực văn hóa nói riêng theo một quyết định khác trước đó cũng của Thủ tướng chính phủ, Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”[2].

A. SỐ HÓA NỘI DUNG CỦA NGÀNH VĂN HÓA THEO QUYẾT ĐỊNH 1269/QĐ-TTG
Các hạng mục kết quả công việc được nêu rõ trong các mục tiêu cụ thể của Quyết định 1269/QĐ-TTg như sau:
  • Công bố 500 công trình, đầu sách truyền thống (sách in) tuyển chọn từ kho tài liệu các công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật trong giai đoạn từ thế kỷ X đến năm 1945.
  • Công bố 100 tác phẩm sách 3D giới thiệu các công trình, tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu.
  • Công bố 2.000 đầu mục dữ liệu số về các công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật dưới dạng văn bản, hiện vật đơn chiếc, các tác phẩm phi văn bản và tác phẩm dạng khối.
  • Xây dựng 50 phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật cộng đồng đặc sắc trong đời sống xã hội.
  • Tạo lập Hệ thống phần mềm để lưu trữ, quản lý các sản phẩm của Chương trình (sách 3D, dữ liệu số, phim tài liệu), phục vụ tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu về văn học nghệ thuật Việt Nam.
Có thể thấy, ngoài hạng mục đầu tiên có liên quan tới sách in ra, các hạng mục còn lại đều có liên quan tới việc chuyển đổi số các tác phẩm và di sản văn hóa của Việt Nam. Trong số các hoạt động số hóa đó sẽ có các hoạt động mang tính sáng tạo, ví dụ như làm phim tài liệu, phim chuyên đề, .v.v. nhưng chắc chắn cũng sẽ có nhiều hoạt động số hóa chỉ là việc chuyển thể các tác phẩm và di sản văn hóa từ không phải ở dạng kỹ thuật số sang dạng kỹ thuật số - các hoạt động bài viết này đề cập tới dưới đây.

B. ĐẶC TÍNH SỐ HÓA CÁC TÁC PHẨM VÀ DI SẢN VĂN HÓA NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ 2019
Việt Nam với vài ngàn năm lịch sử, chắc chắn có rất nhiều tác phẩm văn hóa đủ mọi thể loại ở dạng truyền thống đang được trưng bày trong các cơ sở văn hóa thường được viết tắt theo tiếng Anh là GLAM, trong tiếng Việt có nghĩa là các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ, và viện bảo tàng (Galleries, Libraries, Archives, Museums) hầu hết trong số đó là các cơ sở văn hóa của khu vực nhà nước khắp trong cả nước.
Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2019[3] của Việt Nam, Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả (xem Phụ lục) đưa ra thời hạn bảo hộ quyền tác giả, cả quyền nhân thân và quyền tài sản, đối với các tác phẩm, thông thường là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm (50) tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Giả thiết (các) tác giả của các tác phẩm nằm trong các cơ sở GLAM của Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 70 tuổi, chúng ta có thể thấy điều như sau:
Vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 năm 2020 sẽ chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả, bao gồm quyền tài sản của tất cả các tác phẩm đã được công bố từ thế kỷ 19 trở về trước, kể cả các tác phẩm khuyết danh, và tất cả chúng sẽ đi vào phạm vi công cộng, nơi các kiến thức hay sự sáng tạo mà không một cá nhân hay một chủ thể luật pháp nào có thể thiết lập hay giữ quyền sở hữu. Các thông tin hay sự sáng tạo này được coi như là một phần của văn hóa và di sản tri thức chung của nhân loại, mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng và thu lợi[4].
Một câu hỏi mấu chốt được đặt ra như sau: Nếu các tác phẩm đã được công bố từ thế kỷ 19 trở về trước được số hóa theo Quyết định 1269/QĐ-TTg, thì phiên bản được số hóa của chúng có tiếp tục nằm trong phạm vi công cộng hay không?
Nếu câu trả lời là không, thì các phiên bản số hóa của các tác phẩm nằm trong phạm vi công cộng đó sẽ thuộc sở hữu của ai và/hoặc chủ thể nào? của cá nhân hay của cơ sở tiến hành việc số hóa, hay của ai khác? và quan trọng hơn, họ đã làm gì để được hưởng các quyền sở hữu trí tuệ cho các “sáng tạo” của họ theo Luật SHTT 2019, Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, khoản 1 (xem Phụ lục).
Cũng có thể, toàn bộ sự “sáng tạo” của (các) cá nhân và/hoặc cơ sở tiến hành việc số hóa các tác phẩm nằm sẵn rồi trong phạm vi công cộng đó, là không có sáng tạo gì cả, chỉ đơn thuần là sự “chuyển thể” tác phẩm gốc đó từ không phải ở dạng kỹ thuật số sang dạng kỹ thuật số. Khi này, theo Luật SHTT 2019, Điều 4. Giải thích từ ngữ, khoản 8 (xem Phụ lục), phiên bản kỹ thuật số chỉ đơn giản là tác phẩm phái sinh của một tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ của luật và đang nằm trong phạm vi công cộng, và vì thế, nó không nên là sở hữu của bất kỳ cá nhân hay thực thể nào, mà vẫn nên tiếp tục nằm trong phạm vi công cộng.
Việc số hóa một tác phẩm văn hóa đang nằm trong phạm vi công cộng sẽ tạo ra phiên bản số của nó cũng nên nằm trong phạm vi công cộng!
Bằng cách này, có thể tránh được các tranh giành, xung đột và/hoặc vi phạm không đáng có đối với bản quyền và các quyền tác giả, cũng như tránh được việc loại bỏ các quyền truy cập không có hạn chế hay rào cản nào của mọi công dân Việt Nam cũng như của bất kỳ ai trên thế giới có quan tâm tới (các) tác phẩm và di sản văn hóa vài ngàn năm lịch sử của Việt Nam.
Bằng cách này, chúng ta có thể đóng góp thiết thực để bảo vệ sứ mệnh vô giá của các cơ sở GLAM của Việt Nam, trong đó có các viện bảo tàng, là chia sẻ các bộ sưu tập được số hóa của họ với công chúng cả trong và ngoài nước, cũng như tạo thuận lợi để công chúng trong nước cũng như khắp trên thế giới, cả thế hệ đương thời và trong tương lai, truy cập mở không có rào cản tới các bộ sưu tập đó, giống như những gì một bài báo đã viết nhân dịp Ngày Viện bảo tàng Quốc tế năm 2020[5] với tiêu đề: “Luật bản quyền phải xúc tác cho các viện bảo tàng hoàn thành sứ mệnh của họ” đã nêu:
Các viện bảo tàng thu thập, bảo tồn, nghiên cứu, giải thích, triển lãm, giáo dục, và chào các không gian cho các khách viếng thăm (cả ở hiện trường và trên trực tuyến) để tương tác và tham gia vào sự đa dạng không thể tin nổi các lịch sử, chế tác, và trải nghiệm. Họ được tin cậy với sứ mệnh vì lợi ích công cộng của việc cung cấp truy cập tới tri thức và văn hóa, vì thế đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, và văn hóa. Cùng với các phòng trưng bày, thư viện, và kho lưu trữ (còn được biết như là “GLAM”), nhiều viện bảo tàng đang vật lộn để tận dụng các công nghệ số để bảo tồn và cung cấp truy cập tới các bộ sưu tập của họ vì lợi ích của các thế hệ hiện nay và trong tương lai”.[6]
Đức Phật Shakyamuni (chi tiết), triều đại Qing, 1600–1799, đồng mạ vàng, thuốc màu. Viện bảo tàng Nghệ thuật Indianapolis ở Newfields, Quà tặng của James W. Alsdorf, 55.183A-B. Phạm vi công cộng.

C. VĂN HÓA ĐỌC VỚI SỐ HÓA CÁC TÁC PHẨM VÀ DI SẢN VĂN HÓA
Sẽ là có thiếu sót nếu không nêu về tác động của việc số hóa các tác phẩm và di sản văn hóa tới văn hóa đọc của người dân Việt Nam, khi mà bản thân bài này được viết cho Hội thảo: “Văn hóa đọc với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người”. Tuy nhiên, vì bài viết này không có ý định đề cập tới các chủ đề chuyên về văn hóa đọc, như “Văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam”[7] hay “Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển”[8] hoặc tương tự, mà chỉ có ý định đề cập tới khía cạnh số hóa các tác phẩm và di sản văn hóa đã được công bố từ thế kỷ 19 trở về trước hiện đang nằm trong phạm vi công cộng, nên được ứng xử ra sao cho phù hợp và thúc đẩy được văn hóa đọc của người dân.
Ngay hạng mục đầu tiên trong Quyết định 1269/QĐ-TTg: “Công bố 500 công trình, đầu sách truyền thống (sách in) tuyển chọn từ kho tài liệu các công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật trong giai đoạn từ thế kỷ X đến năm 1945”, chắc chắn đã bao gồm không ít các đầu sách được phát hành từ thế kỷ 19 trở về trước đang nằm trong các cơ sở GLAM ở khắp cả nước. Liệu các phiên bản số hóa của các đầu sách đó có được gắn kèm dấu phạm vi công cộng hay không? Nếu có cá nhân hay tổ chức nào đó sử dụng phiên bản đã được số hóa đó để in ra giấy thì phiên bản được in ra đó có được tiếp tục gắn kèm dấu phạm vi công cộng hoặc được ứng xử như thể nó đang nằm trong phạm vi công cộng hay không? Hy vọng câu trả lời là có, chúng vẫn sẽ nằm trong phạm vi công cộng vì bằng cách này, thế hệ đương thời và các thế hệ trong tương lai của Việt Nam sẽ luôn có cơ hội dễ dàng và không có rào cản để tìm kiếm và đọc các đầu sách được tuyển chọn đó từ kho tài liệu các công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật của các thế hệ người Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử vài ngàn năm, bất kể chúng ở dạng truyền thống (sách in) hay dạng kỹ thuật số, và chắc chắn điều đó sẽ là món quà vô giá dành cho văn hóa đọc để hướng tới việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người Việt Nam không chỉ ngày nay, mà cả mai sau.
Điều này không là mới, ví dụ như Dự án Gutenberg của nước Mỹ[9], là dự án sách điện tử (eBook) đầu tiên, lâu đời nhất trên Internet, được hình thành từ năm 1971. Nó là một trong những nhà cung cấp nội dung trên trực tuyến lâu đời nhất trên thế giới hiện vẫn đang còn hoạt động với hơn 60.000 sách điện tử tự do không mất tiền cho bất kỳ ai trên thế giới muốn đọc và/hoặc dịch chúng. Trên trang chủ của dự án, bạn có thể đọc được dòng sau đây:
“… Bạn sẽ tìm thấy văn học tuyệt vời của thế giới tại đây, tập trung vào các tác phẩm cũ hơn mà bản quyền của nước Mỹ đã hết hạn đối với chúng.”
 
Trang chủ Dự án Gutenberg với hơn 60.000 sách điện tử nằm trong phạm vi công cộng
 
D. XU HƯỚNG SỐ HÓA CÁC TÁC PHẨM VĂN HÓA CỦA THẾ GIỚI
Các phòng trưng bày, Thư viện, Kho lưu trữ và Viện bảo tàng Mở - OpenGLAM (Galleries, Libraries, Archives and Museums) là sáng kiến do Quỹ Tri thức Mở - OKF (Open Knowledge Foundation) điều hành, nó quảng bá truy cập mở và tự do tới di sản văn hóa số có trong các cơ sở GLAM.
Việc tiến hành số hóa các tác phẩm hoặc di sản văn hóa tạo ra các dữ liệu kỹ thuật số của các tác phẩm đó. Để phiên bản số hóa của một tác phẩm hoặc di sản văn hóa đang nằm trong phạm vi công cộng vẫn nằm lại trong phạm vi công cộng, phiên bản số hóa đó cần phải được gắn với dấu phạm vi công cộng (Public Domain Mark[10]) để nó được giải phóng khỏi các giới hạn theo luật bản quyền, bao gồm tất cả các quyền liên quan. Bằng cách này, bất kỳ ai cũng có thể sao chép, sửa đổi, phân phối và trưng bày tác phẩm kỹ thuật số đó, thậm chí vì các mục đích thương mại mà không cần có sự cho phép trước, vì khi phiên bản kỹ thuật số này nằm trong phạm vi công cộng, nó không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ai. Việc không gắn dấu phạm vi công cộng cho phiên bản kỹ thuật số của các tác phẩm văn hóa đang nằm trong phạm vi công cộng sẽ gây khó khăn cho người sử dụng để xác định chúng có chủ sở hữu hay không, có còn nằm trong phạm vi công cộng hay không.
Thậm chí, thực tế triển khai sáng kiến OpenGLAM trên thế giới đã chỉ ra, nhiều phiên bản số của các tác phẩm đương đại và chưa hết thời hạn bảo hộ của luật sở hữu trí tuệ - chưa nằm trong phạm vi công cộng, cũng được cấp phép mở bằng các giấy phép Creative Commons khác nhau[11] ngoài dấu phạm vi công cộng, cho phép người sử dụng truy cập được tới chúng rộng rãi, rõ ràng và minh bạch hơn.
Thông tin về bức tranhgiấy phép CC0 (phạm vi công cộng) trên trực tuyến của viện bảo tàng Paris

Truy cập mở tới các tác phẩm và di sản văn hóa được số hóa thông qua việc cấp phép mở cho chúng, như các giấy phép mở Creative Commons, nằm trong cốt lõi của sáng kiến OpenGLAM. Nhiều cơ sở GLAM trên thế giới hưởng ứng tích cực sáng kiến OpenGLAM đã và đang số hóa và cấp phép mở thành công cho các tác phẩm văn hóa của họ, bao gồm cả với nhiều tác phẩm nằm trong phạm vi công cộng, có thể nêu tên vài cơ sở điển hình[12] như Europeana, viện bảo tàng Quốc gia Thụy Điển, viện bảo tàng Rijksmuseum của Hà Lan, các viện bảo tàng Paris của Pháp, .v.v.
Việc quản lý các tác phẩm văn hóa kỹ thuật số, đặc biệt nếu đi với kỹ thuật số mở như OpenGLAM, là rất khác với cách quản lý truyền thống, đòi hỏi các cơ sở GLAM cần có sự chuẩn bị mọi mặt về nhân lực, vật lực, công nghệ (đặc biệt là công nghệ số mở) và thời gian, và quan trọng hơn cả là sự thay đổi tư duy và văn hóa theo hướng MỞ. Ví dụ, để quản lý các bức tranh nghệ thuật ở dạng số mở, ngoài việc cấp phép mở ra, từng bức tranh kỹ thuật số đó thường được gắn với một mã nhận diện duy nhất để phân biệt nó với các bức tranh kỹ thuật số khác, thậm chí với chính bức tranh đó nhưng với các phiên bản kỹ thuật số khác nhau trên phạm vi toàn cầu, nhất là khi nó được cấp phép mở cho phép bất kỳ ai cũng có khả năng để sửa đổi.
Một ví dụ điển hình là Europeana, một cơ sở GLAM khổng lồ với hàng ngàn phòng trưng bày, kho lưu trữ, thư viện và viện bảo tàng chia sẻ di sản văn hóa vì các mục đích hưởng thụ, giáo dục và nghiên cứu; cung cấp truy cập mở tới hàng triệu cuốn sách, âm nhạc, tác phẩm nghệ thuật .v.v. với các công cụ tìm kiếm và lọc phức tạp để giúp người sử dụng tìm ra những gì họ cần[13]. Để chuyển đổi số các tác phẩm văn hóa thành công, Europeana đã đưa ra hàng loạt chính sách[14] cụ thể cho việc quản lý các tác phẩm kỹ thuật số và liên kết với các cơ sở GLAM khác của châu Âu như: (1) Hiến chương phạm vi công cộng; (2) Chiến lược nội dung; (3) Chính sách phương tiện; (4) Các mã nhận diện tài nguyên thống nhất (URI) trong ngữ cảnh mô hình dữ liệu của Europeana; (5) Khung cấp phép; (6) Khung xuất bản; (7) Hướng dẫn xuất bản; (8) Hướng dẫn chia sẻ nội dung của Europeana cho những người chuyên nghiệp; .v.v.
Có thể tóm tắt cách thức số hóa của Europeana là để phù hợp với chính sách Truy cập Mở theo OpenGLAM thông qua việc cấp phép mở cho các tác phẩm/di sản văn hóa được số hóa và cũng phù hợp với chuyển đổi số của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) khi mà dữ liệu được sinh ra từ quá trình chuyển đổi số không chỉ là để người hiểu được, mà còn để máy hiểu được - điều được Europeana đặc biệt nhấn mạnh trong tài liệu “Các mã nhận diện tài nguyên thống nhất (URI) trong ngữ cảnh mô hình dữ liệu của Europeana”, phù hợp với khuyến cáo về Web Dữ liệu mà nhà phát minh ra Web, Tim Berners - Lee đã đề xuất vào đầu thế kỷ 21[15].
Cần nhấn mạnh rằng, việc chuyển đổi số các tác phẩm và di sản văn hóa của Europeana là một điển hình tích cực và thành công, mang lại nhiều lợi ích cho chính bản thân các cơ sở GLAM đó, bao gồm cả các lợi ích về kinh tế, cho dù các mô hình kinh doanh truyền thống của các cơ sở đó thường bị/được thay đổi bằng và/hoặc chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh khác cho phù hợp với việc cấp phép mở cho các tác phẩm và di sản văn hóa được số hóa nằm trong phạm vi công cộng, và các khó khăn ban đầu nảy sinh trong giai đoạn chuyển đổi quá độ ảnh hưởng tới doanh thu theo các mô hình kinh doanh truyền thống là không thể tránh khỏi. Vì vậy, các cơ sở GLAM tham gia các hoạt động số hóa các tác phẩm và di sản văn hóa của Việt Nam theo Quyết định 1269/QĐ-TTg với nguồn ngân sách từ nhà nước, thường ở dạng phân bổ một lần rồi hết, cần nhận thức rõ những thách thức đó cũng như tận dụng cơ hội được cấp vốn hiếm có này để tiến hành chuyển đổi sang các mô hình doanh thu bền vững hơn và phù hợp hơn với OpenGLAM và CMCN4 trong kỷ nguyên số với một khán thính phòng rộng mở khắp toàn cầu trên Internet, thay vì lượng khách ít ỏi thường ngày tới hiện trường các cơ sở GLAM của mình theo mô hình truyền thống.

E. VÀI GỢI Ý KHI TRIỂN KHAI CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA NGÀNH VĂN HÓA
Quyết định số 1269/QĐ-TTg là đáp ứng được sự mong đợi và rất có ý nghĩa đối với rất nhiều người, chứ không chỉ đối với những người làm công tác văn hóa trên con đường chuyển đổi số các tác phẩm và di sản văn hóa của Việt Nam với vài ngàn năm lịch sử.
Hy vọng các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có liên quan tới việc triển khai quyết định đó sẽ tận dụng được nó như một cơ hội tốt để có thể chuyển thể thành công được nhiều tác phẩm và di sản văn hóa của Việt Nam vừa phù hợp với các yêu cầu của quyết định đó, vừa tuân thủ với Luật SHTT năm 2019 của Việt Nam trong đối xử với các tác phẩm sáng tạo đã hết thời hạn bảo hộ của Luật vì lợi ích của gần 100 triệu người dân Việt Nam và bất kỳ ai trên thế giới có quan tâm tới việc có khả năng truy cập tới các phiên bản được số hóa của chúng như thể chúng cũng đang nằm trong phạm vi công cộng như các phiên bản gốc của chúng, phù hợp với xu thế phát triển OpenGLAM của thế giới, để việc chuyển đổi số các tác phẩm và di sản văn hóa của Việt Nam thực sự hội nhập quốc tế được tốt.
Mặt khác, để thực sự có thể tiếp cận được CMCN4, hy vọng việc chuyển đổi số cho nhiều tác phẩm và di sản văn hóa của Việt Nam cũng sẽ tạo ra được các dữ liệu được xử lý theo các cách thức sao cho phù hợp với các yêu cầu do CMCN4 đặt ra, như làm sao để cũng có thể máy hiểu được các dữ liệu số đó, ví dụ như, bằng việc cấp phép mở Creative Commons và gắn mã nhận diện duy nhất cho chúng, hay phấn đấu để chúng từng bước đáp ứng được các yêu cầu cao nhất của Web dữ liệu.
Chắc chắn, để làm được những điều như vậy là rất không dễ, nhưng cũng không có nghĩa là không thể làm được, nếu chúng ta có thể học hỏi được từ những kinh nghiệm chuyển đổi số cho các tác phẩm và di sản văn hóa của các quốc gia đi trước như được nêu trong bài này, và tận dụng được tối đa cơ hội mà Quyết định 1269/QĐ-TTg đã trao để hòa nhập với xu thế OpenGLAM của thế giới và tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của CMCN4 trong kỷ nguyên số.

F. PHỤ LỤC
Luật sở hữu trí tuệ 2019: https://luatvietnam.vn/so-huu-tri-tue/van-ban-hop-nhat-07-vbhn-vpqh-van-phong-quoc-hoi-176790-d5.html
Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.
2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:
a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
………………………
7. Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
9. Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý.

G. CÁC CHÚ GIẢI
[1] Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 1296/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư": http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=200827
[2] Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030": http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=200163
[3] Trang Luật Việt Nam: Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ: https://luatvietnam.vn/so-huu-tri-tue/van-ban-hop-nhat-07-vbhn-vpqh-van-phong-quoc-hoi-176790-d5.html
[4] Wikipedia: Phạm vi công cộng: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_vi_c%C3%B4ng_c%E1%BB%99ng
[5] Website: International Museum Day 2020: http://imd.icom.museum/
[6] Brigitte Vézina, May 18, 2020: Copyright Law Must Enable Museums to Fulfill Their Mission: https://creativecommons.org/2020/05/18/copyright-law-must-enable-museums-to-fulfill-their-mission/; Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa có tại địa chỉ: https://giaoducmo.avnuc.vn/cap-giay-phep-mo/luat-ban-quyen-phai-xuc-tac-cho-cac-vien-bao-tang-hoan-thanh-su-menh-cua-ho-219.html
[7] Thư viện Quốc gia Việt Nam: Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam: https://nlv.gov.vn/van-hoa-doc/van-hoa-doc-va-phat-trien-van-hoa-doc-o-viet-nam.html
[8] Thư viện Quốc gia Việt Nam: Văn hoá đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển: https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/van-hoa-doc-o-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-va-phat-trien.html
[9] Website dự án Gutenberg: https://www.gutenberg.org/
[10] Creative Commons: Public Domain Mark: https://creativecommons.org/publicdomain/mark/1.0/
[11] Creative Commons: Creative Commons Licenses: https://creativecommons.org/about/cclicenses/
[12] Karin Glasemann, 2020: Inside the Museum is Outside the Museum — Thoughts on Open Access and Organisational Culture: https://medium.com/open-glam/inside-the-museum-is-outside-the-museum-thoughts-on-open-access-and-organisational-culture-1e9780d6385b, bản dịch tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa có tại: https://giaoducmo.avnuc.vn/openglam/ben-trong-vien-bao-tang-la-ben-ngoai-vien-bao-tang-suy-nghi-ve-truy-cap-mo-va-van-hoa-cua-to-chuc-190.html
[13] Europeana: About us: https://www.europeana.eu/en/about-us
[14] Lê Trung Nghĩa, 2019: Các tài liệu dịch sang tiếng Việt hết năm 2019: https://giaoducmo.avnuc.vn/giao-duc/cac-tai-lieu-dich-sang-tieng-viet-het-nam-2019-102.html, các tài liệu có số thứ tự từ 9-16.
[15] Lê Trung Nghĩa, 2019: Hai điều kiện tiên quyết cho dữ liệu mở: https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Hai-dieu-kien-tien-quyet-cho-du-lieu-mo-20624


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế (https://creativecommons.org/licenses/by/4.0/)
Lê Trung Nghĩa

PS: Tải về bài trình chiếu tại hội thảo tại địa chỉ:
https://www.dropbox.com/s/3rcbsju7ourp55f/OpenGLAM_in_IR4.pdf?dl=0

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay23,804
  • Tháng hiện tại596,666
  • Tổng lượt truy cập37,398,240
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây