Gợi ý về chữ MỞ trong giáo dục nước nhà

Thứ sáu - 25/02/2022 06:13
Gợi ý về chữ MỞ trong giáo dục nước nhà

(Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng, số 4 năm 2022, xuất bản ngày 20/02/2022, các trang 42-45. Phiên bản điện tử có tại địa chỉ: https://drive.google.com/file/d/1IB-TlowZf-auk5oPBDRD8vidEd5hwCVo/view?usp=sharing và tại địa chỉ: https://tiasang.com.vn/-giao-duc/Goi-y-ve-chu-MO-trong-giao-duc-nuoc-nha-29838)

Trong bối cảnh của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia thời kỳ hậu COVID-19, phù hợp với các xu thế của thế giới về Tài nguyên Giáo dục Mở và Khoa học Mở thì đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng mở, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhu cầu cấp thiết.

Bối cảnh thế giới

Tài nguyên giáo dục mở đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới. Kể từ năm 2019, UNESCO và 193 thành viên của nó (trong đó có Việt Nam) đã nhất trí với Khuyến nghị Tài nguyên giáo dục mở [1]. Điều này đồng nghĩa với việc đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ và sẽ cam kết phát triển chính sách và hỗ trợ để các mô hình tài nguyên giáo dục mở phát triển bền vững.

Khoa học Mở và TNGDM - các xu thế không thể đảo ngược của thế giới!

Tới hết năm 2021, từ 70% các xuất bản phẩm bị khóa sau bức tường thanh toán giảm xuống chỉ còn 30% trong và sau đại dịch COVID-19. Tốc độ nhiều nghiên cứu trên thế giới đáng lẽ có thể đi nhanh hơn, nhiều người được hưởng lợi hơn. Đó là một phần lí do mà các quốc gia nói trên đã tiến thêm một bước là thông qua Khuyến nghị khoa học mở [2] vào cuối năm 2021. Với khuyến nghị này, theo như thông cáo báo chí của UNESCO[3], các quốc gia đã “nhất trí tuân theo các tiêu chuẩn chung cho khoa học mở” và hơn nữa là thống nhất một lộ trình để không chỉ các công trình khoa học mà tất cả các dữ liệu và cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu sẽ đều mở và miễn phí cho bất kì ai cũng có thể tiếp cận. Một trong những yêu cầu của lộ trình này là các quốc gia cần ưu tiên đầu tư vào nhân lực, giáo dục đào tạo kĩ năng số (digital skills) cùng với tính mở.

Tài nguyên giáo dục mở, Khoa học mở và Truy cập mở tới các Kiến thức khoa học mở là một trong những nền tảng quan trọng để học tập suốt đời trở thành hiện thực với đại đa số người dân. Báo cáo “Tiếp nhận văn hóa học tập suốt đời: Đóng góp cho sáng kiến Tương lai của giáo dục” [4] của Viện Học tập Suốt đời của UNESCO – UIL cho rằng quyền được học tập của người dân cần phải được làm mới, nó không chỉ nên dừng lại ở quyền được đến trường, mà phải mở rộng ra thành quyền được học suốt đời. Nói cách khác, học tập suốt đời sẽ phải trở thành quyền cơ bản của con người, là tiêu chí đánh giá công bằng xã hội.

Từ trước tới nay, việc học tập suốt đời luôn nằm trong khuôn khổ của các lĩnh vực chính sách giáo dục và thị trường lao động. Nhưng từ bây giờ trở đi, nó có thể sẽ rất khác, biên giới của học tập suốt đời sẽ bao phủ hầu hết tất cả các lĩnh vực: “tiềm năng của học tập suốt đời không chỉ để biến đổi lĩnh vực giáo dục, mà còn tạo ra tương lai bền vững, lành mạnh và hòa nhập hơn” cho tất cả mọi người và tương lai của giáo dục.

Khái niệm học tập suốt đời đầy đủ giờ đây ngụ ý việc học tập từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi (bất kỳ lúc nào), tồn tại bên trong và bên ngoài hệ thống giáo dục (bất kỳ ở đâu), được mọi người ở mọi lứa tuổi triển khai (bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào), thông qua một dải rộng lớn các phương thức, bao gồm mặt đối mặt, từ xa, trực tuyến (bất kỳ cách gì), và liên quan tới tất cả các lĩnh vực kiến thức (bất kỳ điều gì). Việc học tập suốt đời như vậy sẽ kéo theo việc phát triển năng lực của người học, cá nhân hóa việc học tập, việc thừa nhận các kết quả học tập giành được trong các bối cảnh khác nhau và thúc đẩy lộ trình học tập mở rất linh hoạt. Điều này, tới lượt nó, sẽ dẫn tới việc xây dựng chính sách học tập suốt đời dịch chuyển từ cung sang cầu.

Hãy tưởng tượng về tương lai của giáo dục đến năm 2050, khi mà, từ phía cầu, người học có thể yêu cầu tham gia một khóa học với đầy đủ đặc tính ‘bất kỳ’ mà người học mong muốn, liệu từ phía cung, các cơ sở giáo dục và các nhà cung cấp giáo dục khác sẽ phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu đó như thế nào?

Hãy nghĩ về một trường đại học ảo tồn tại trên Internet trực tuyến, không có một mét vuông đất nào, được vận hành hoàn toàn bằng phần mềm máy tính, chắc chắn sẽ làm được việc này, chỉ là vấn đề của thời gian!

Bối cảnh trong nước

Việt Nam thực ra cũng ý thức được xu hướng mở trong giáo dục từ đầu những năm 2010. Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã yêu cầu cần: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở”. Luật Giáo dục năm 2019 cũng nhắc lại ý này “Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời”.

Tương tự như với thế giới, đại dịch COVID-19 đã tác động tới tất cả mọi người, tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, và tác động sâu sắc nhất tới giáo dục. Đã có rất nhiều thay đổi, kể cả trong nhận thức của xã hội và của mọi người trong việc việc dạy và học, nhất là việc thừa nhận/công nhận/chấp nhận sự cần thiết của việc dạy và học kết hợp: vừa trực tiếp theo cách truyền thống mặt đối mặt và vừa trực tuyến qua Internet với sự trợ giúp của các công cụ công cụ công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Sau này, việc học theo hướng trực tuyến sẽ ngày càng được tăng cường, trong khi học trực tiếp sẽ được chỉ triển khai khi cần thiết như trong các giờ học thực hành khi các công cụ CNTT-TT như các video, mô phỏng tương tác hoặc thực tế ảo/thực tế tăng cường còn chưa có điều kiện để thay thế được. Có lẽ đúng khi nói, chính đại dịch COVID-19 đã xúc tác cho phát triển việc học tập mở và từ xa - ODL (Open and Distance Learning)[5], một cách học được cho là ngày càng phù hợp với học tập suốt đời.

Thử bàn về chữ mở trong giáo dục ở Việt Nam những năm qua

Đã và đang có các hoạt động nhất định của các bên liên quan tới giáo dục (và cả khoa học nữa) ở Việt Nam hướng tới TNGDM và Khoa học Mở (KHM) từ những năm đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu tập trung vào việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở và cũng không ổn định theo thời gian. Điều tích cực là trong vài năm trở lại đây, các hoạt động liên quan tới MỞ đã mở rộng hơn để vươn tới những khái niệm mới, phong trào mới hơn của thế giới mở.

Về Tài nguyên Giáo dục mở: Từ năm 2015 trở lại đây, các hiệp hội ngành giáo dục và truyền thông đã tham gia và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và tập huấn về vấn đề này. Sắp tới, Đề án ứng dụng và phát triển Tài nguyên Giáo dục mở trong giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học sẽ được hoàn thiện để chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt. Đây là minh chứng rõ ràng cho bước triển khai ban đầu rất cụ thể cho ứng dụng và phát triển Tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam.

Về Khoa học Mở: Đáng chú ý Bộ Khoa học và Công nghệ năm ngoái đã tham gia các cuộc thảo luận đóng góp ý kiến cho bản Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO và tổ chức một vài hoạt động hội nghị, hội thảo có liên quan.

Về công nghệ mở: Nhân sự kiện Ngày Công nghệ Mở Việt Nam lần thứ nhất 18/11/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định [6]

Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Không còn như trước đây, chúng ta mua một ‘Hộp đen’ từ một quốc gia khác và phó mặc số phận của quốc gia mình cho một quốc gia khác. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia”, và ông cũng nói thêm:

Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta.”

Công nghệ Mở không là khái niệm mới. Nó đã từng được quân đội Mỹ phát triển từ những năm đầu thế kỷ 21, gồm những thành phần[7]: (1) Tiêu chuẩn mở và giao diện mở; (2) Phần mềm nguồn mở và thiết kế mở; (3) Văn hóa cộng tác/phân phối và các công cụ hỗ trợ trên trực tuyến; (4) Sự lanh lẹ của công nghệ. Họ cũng đã nêu lên những bài học cần thiết cho sự thành công của phát triển công nghệ mở, quan trọng nhất phải ghi nhớ là: (1) Cộng đồng trước, công nghệ sau; (2) Mở là mặc định, đóng chỉ khi cần[8].

Về nền tảng mở: Để hướng dẫn cho các tổ chức khắp cả nước có được những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xuất bản website ‘Cẩm nang chuyển đổi số’, khẳng định rằng [9]: “Sử dụng nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng được tạo ra bởi những doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngay dưới dạng dịch vụ thay vì phải tự đầu tư, tự vận hành”.

Tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” ngày 09/12/2020 với sự có mặt của cả hai bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có nói [10]: “Ngành Giáo dục hiện còn ‘thiếu một công cụ thực thi hiệu quả’, đó chính là các nền tảng số. Đây phải là nền tảng mở, để liên tục được cập nhật và tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách học, cách thi kiểm tra, hay nói cách khác là các quy trình. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giúp ngành giáo dục xây dựng được những nền tảng như thế.

Không phải phần mềm nào cũng có thể được gắn nhãn ‘Nền tảng’; cũng không phải nền tảng nào cũng có thể được gắn nhãn ‘Nền tảng Mở’; vì một ‘Nền tảng Mở’ thường có những đặc tính riêng của nó, ví dụ như[11]: (1) Được chuẩn hóa dựa vào các tiêu chuẩn mở; hoặc (2) Trung lập về công nghệ. Hai trong số tám đặc tính nêu trên của một ‘Nền tảng Mở’ là đủ để đảm bảo rằng nền tảng đó sẽ là sân chơi của tất cả các doanh nghiệp/công ty bất kỳ nào và không bị phụ thuộc, không bị khóa trói vào một (vài) nhà cung cấp độc quyền duy nhất nào, để các Kiến thức khoa học mở và Tài nguyên giáo dục mở không bị bắt làm con tin của bất kỳ doanh nghiệp/tập đoàn độc quyền nào, vì nó sẽ hủy hoại tính mở của chính các Kiến thức Khoa học mở và/hoặc Tài nguyên giáo dục mở đó.

Về các khung năng lực số: Khung năng lực số là khung nhằm xác định khả năng kỹ thuật số của một cá nhân hoặc nhóm người nhất định cả về kiến thức, các kỹ năng và thái độ về một lĩnh vực nhất định, và được đặt trong bối cảnh cụ thể của một quốc gia hoặc một tổ chức nhất định. Các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số cần các công dân, tổ chức và doanh nghiệp có các năng lực số/kỹ năng số thông qua Giáo dục Số với các Khung năng lực số. Cho tới thời điểm hết năm 2020, đã chưa có nghiên cứu nào xây dựng các khung năng lực số tại Việt Nam. Trong khi đó, ví dụ, tại châu Âu, từ năm 2005 cho tới nay đã có hàng chục nghiên cứu và hàng trăm tài liệu là kết quả của các nghiên cứu đó[12] về khung năng lực số ở khu vực này. Điều tích cực là trong các tài liệu dự thảo các Đề án ứng dụng và phát triển Tài nguyên giáo dục mở trong những năm tới đều có đề cập tới việc xây dựng các khung năng lực số.

Để hiện thực hóa những điều MỞ được nêu ở trên là rất không dễ, dù chúng có thể giúp cho Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc tới năm 2030, nhất là SDG 4 về giáo dục như được nêu ở đầu bài viết này, thì giáo dục Việt Nam chắc sẽ còn cần phải MỞ hơn nữa, để có thể bắt kịp với các xu thế mới, ví dụ như những gì đang được UNESCO dẫn dắt để thảo luận về học tập suốt đời với sáng kiến ‘Tương lai của giáo dục’ đến năm 2050, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học bằng việc cung cấp giáo dục đổi mới sáng tạo hơn nữa.

Vài gợi ý để thảo luận tiếp về chữ MỞ trong giáo dục ở Việt Nam thời gian tới

Mở, đó là hướng theo những gì được nêu trong Khuyến nghị Tài nguyên giáo dục mở và Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO, đã được 193 quốc gia thành viên của nó thông qua lần lượt vào các năm 2019 và 2021, mà Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên của nó, sẽ tuân thủ với các tùy chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của mình, và sẽ có các báo cáo về sự tiến bộ về ứng dụng và phát triển Tài nguyên giáo dục mở và Khoa học m cho UNESCO mỗi bốn năm một lần như được nêu trong các Khuyến nghị đó.

Mở, đó là ưu tiên hàng đầu phải có chính sách cấp phép mở quốc gia. Cấp phép mở là cách để các tác giả/người nắm giữ bản quyền cho phép trước bất kỳ ai sử dụng các tài nguyên/tác phẩm của mình một cách rõ ràng để tránh cho người sử dụng khỏi việc vi phạm bản quyền/các quyền tác giả. Không có cấp phép mở, sẽ không có Tài nguyên giáo dục mở hay Kiến thức Khoa học mở!

Mở, đó là việc sử dụng tiền của người đóng thuế thông qua việc nhà nước cấp vốn cho nghiên cứu khoa học để tạo ra các Kiến thức khoa học mở, Tài nguyên giáo dục mở phục vụ trở lại cho người đóng thuế, phục vụ cho công chúng và xã hội. Có lẽ câu hỏi: Lấy tiền từ ai để tiến hành nghiên cứu và tạo ra các Kiến thức Khoa học mở và Tài nguyên Giáo dục mở? nên được đặt ra trước khi có bàn luận bất kỳ nào về Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới sở hữu trí tuệ, bản quyền, quyền tác giả và các quyền liên quan.

Mở, đó là hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số ở Việt Nam bằng công nghệ mởnền tảng mở với sự hỗ trợ tích cực của các Khung Năng lực Số được tích hợp trong Giáo dục Số nhằm giúp hình thành, nâng cao và đánh giá được năng lực số của các tổ chức, các cá nhân và các doanh nghiệp để có được các năng lực số cần thiết, bao gồm các năng lực số mở như Tài nguyên Giáo dục mở, Khoa học mở, Cấp phép mở, để xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số - các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số - cho Việt Nam.

Mở, đó là sẵn sàng trong tư thế hướng tới xu thế mới của thế giới, như hướng tới việc học tập suốt đời có thể trở thành một quyền mới cơ bản của con người, nơi mà các Kiến thức Khoa học mở, Tài nguyên Giáo dục mở có thể trở thành hàng hóa chung của xã hội và/hoặc những điều chung của giáo dục. Hãy nghĩ về việc phát triển Kiến thức Khoa học mở, Tài nguyên Giáo dục mở trong tương lai của Việt Nam cũng giống như việc phát triển hệ thống đường giao thông, các thư viện, viện bảo tàng, vườn hoa, công viên,… để phục vụ cho mọi công dân, bất kể họ là ai, chứ không phải là tài sản riêng của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, vì cái đích xa hơn là ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’, đặc biệt khi Kiến thức Khoa học mở, Tài nguyên Giáo dục mở được tạo ra từ tiền của người đóng thuế.

Ngược lại, nếu không là MỞ, có nghĩa là giáo dục và khoa học Việt Nam đang giậm chân tại chỗ, đi giật lùi hoặc đi lạc hướng với xu thế không thể đảo ngược của thế giới về Tài nguyên Giáo dục mở và Khoa học mở, gây hại cho sự hòa nhập với thế giới và sự phát triển của Việt Nam.

Hai từ khóa trong những năm tới ở Việt Nam sẽ là MỞ và SỐ để phù hợp được với kỷ nguyên số/Chương trình Chuyển đổi số của Việt Nam và định hướng MỞ của thế giới ngày nay. Sự kết hợp giữa MỞ và SỐ có thể sẽ tạo ra nhiều đổi mới sáng tạo và nhiều điều chưa từng thấy, đáp ứng nhu cầu học tập của bất kỳ ai, cũng như đáp ứng kỳ vọng ‘đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa’. MỞ và SỐ sẽ song hành với nhau! Không thể nào khác!

Các chú giải

[1] UNESCO, 2019: Certified Copy of the Recommendation on Open Educational Resources (OER): https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373755/PDF/373755eng.pdf.multi.page=3. Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0

[2] UNESCO, 2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

[3] UNESCO, Press Release, 26/11/2021: UNESCO sets ambitious international standards for open science: https://www.unesco.org/en/articles/unesco-sets-ambitious-international-standards-open-science. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/unesco-thiet-lap-cac-tieu-chuan-quoc-te-day-tham-vong-cho-khoa-hoc-mo-555.html

[4] UNESCO, UIL, 2020: Embracing a Culture of Lifelong Learning: Contribution to the Futures of Education initiative. https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000374112. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/tai-lieu-dich/om-lay-van-hoa-hoc-tap-suot-doi-dong-gop-cho-sang-kien-tuong-lai-cua-giao-duc-ban-dich-sang-tieng-viet-509.html

[5] UNESCO, UIL, 2021: Guidelines on Open and Distance Learning for Youth and Adult Literacy: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379397. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/xr5bxxr5mew88dh/379397eng_Vi-26122021.pdf?dl=0, xem phần ‘Phát triển các tư liệu dạy và học - Các nguyên tắc phát triển tư liệu, trang 72.

[6] Vietnamnet: Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn công nghệ mở Việt Nam: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/toan-van-phat-bieu-cua-bo-truong-nguyen-manh-hung-tai-dien-dan-cong-nghe-mo-viet-nam-689681.html

[7] Bộ Quốc phòng Mỹ, tháng 4/2006: Open Technology Development - Roadmap Plan: https://www.acqnotes.com/Attachments/Open%20Open%20Technology%20Development%20Roadmap%20-%20April%202006.pdf, Open Technology Development, p. 7. Bản dịch sang tiếng Việt có tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/ildow3b0qx39f59/OTD-Roadmap-Final-Vi-29122011.pdf?dl=0, trang 6.

[8] Bộ Quốc phòng Mỹ, 2011: Open Technology Development - Lessons Learned and Best Practices for Military Software: https://dodcio.defense.gov/Portals/0/Documents/FOSS/OTD-lessons-learned-military-signed.pdf, OTD Success Checklist, p. 33. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/7dr3l68df0n8qkd/OTD-Lessons-Learned-And-Best-Practices-For-Military-Software-Vi.pdf, trang 42-43.

[9] Trang tin của Bộ Thông tin và Truyền thông: Cẩm nang chuyển đổi số: https://dx.mic.gov.vn/. Xem phần câu hỏi: ‘Chuyển đổi số như thế nào?’, mục ‘Sử dụng nền tảng để chuyển đổi số như thế nào?’

[10] Trang tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2020: Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”: https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/tang-cuong-ung-dung-cntt/Pages/Default.aspx?ItemID=7123

[11] Lê Trung Nghĩa, 2021: Cần một nền tảng mở cho chuyển đổi số trong giáo dục: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/can-mot-nen-tang-mo-cho-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-504.html

[12] Lê Trung Nghĩa, 2021: Các khung năng lực số của Liên minh châu Âu và vài gợi ý cho Việt Nam để chuyển đổi số thành công: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/cac-khung-nang-luc-so-cua-lien-minh-chau-au-va-vai-goi-y-cho-viet-nam-de-chuyen-doi-so-thanh-cong-534.html


Giấy phép nội dung: CC BY-SA 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

Xem thêm: Các bài toàn văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay12,167
  • Tháng hiện tại677,513
  • Tổng lượt truy cập37,479,087
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây