Nâng cao năng lực của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học bằng việc đánh giá nghiên cứu và nhà nghiên cứu theo Khoa học Mở.

Thứ ba - 11/10/2022 06:00
Nâng cao năng lực của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học bằng việc đánh giá nghiên cứu và nhà nghiên cứu theo Khoa học Mở.

(Bài viết cho Hội thảo: Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới, diễn ra tại trường Đại học Huế ngày 07/10/2022, có trong Kỷ yếu Hội thảo, các trang 128-135)

---------------------------------------------------

Tóm tắt: Các thực hành đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu thường dựa thái quá vào các chỉ số định lượng như Chỉ số Tác động của Tạp chí (JIF) và/hoặc h-index, cần phải được cải cách bằng việc thay thế bằng các bộ chỉ số mới, cả định tính và định lượng, hướng tới nghiên cứu mở và có trách nhiệm, và đặc biệt, tuân thủ các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của Khoa học Mở. Một vài gợi ý về khía cạnh này cho Việt Nam.

Các từ khóa: Chỉ số Tác động của Tạp chí (JIF); định tính và định lượng; nghiên cứu mở và có trách nhiệm; khoa học mở.

Abstract: Research and researchers evaluation practices often over-relying on quantitative indicators such as the Journal Impact Factor (JIF) and/or h-index, which need to be reformed by replacing them with new sets of indicators, both qualitative and quantitative, geared towards open and responsible research and, in particular, aligning with the principles and core values of Open Science. A few suggestions for this aspect for Vietnam.

Keywords: Journal Impact Factor (JIF); qualitative and quantitative; open and responsible research; open science.


 

A. Đặt vấn đề

Ngày 23/11/2021, tại Hội nghị phiên toàn thể lần thứ 41 của UNESCO, 193 quốc gia thành viên đã thông qua Khuyến nghị Khoa học Mở, biến khoa học mở trở thành xu thế không thể đảo ngược của thế giới.

Để triển khai các khuyến nghị khoa học mở, UNESCO đã thành lập các Nhóm Làm việc về Khoa học Mở, trong đó có Nhóm Làm việc về Cấp vốn và Ưu đãi cho Khoa học Mở với một trong hai nhiệm vụ chính của nhóm này là đưa ra các khuyến nghị về làm lại các tiêu chí đánh giá và thẩm định sự nghiệp nghiên cứu hiện hành[1].

Vấn đề đặt ra là: Vì sao thế giới cần có khuyến nghị về làm lại các tiêu chí đánh giá và thẩm định sự nghiệp nghiên cứu hiện hành cho phù hợp với Khoa học Mở? Và các trường đại học và các viện nghiên cứu ở Việt Nam sẽ đánh giá nghiên cứu theo cách nào, truyền thống theo JIF và/hoặc chỉ số h (h-index) hay cải cách theo đánh giá mở và có trách nhiệm?

B. Bối cảnh chung

Khắp trên thế giới, việc đánh giá chất lượng và tác động của nghiên cứu, và hiệu năng của các nhà nghiên cứu, là cơ bản cho việc lựa chọn các đề xuất nghiên cứu để cấp vốn, quyết định các nhà nghiên cứu nào để tuyển dụng, thăng tiến hoặc khen thưởng, và xác định các đơn vị và các cơ sở nghiên cứu nào để hỗ trợ. Quy trình nghiên cứu đang trải qua quá trình chuyển đổi số, và đang trở nên có tính cộng tác và mở hơn, và đa ngành hơn với sự đa dạng hơn các kết quả đầu ra.

Nhu cầu cải cách các quy trình đánh giá nghiên cứu có liên quan tới tiến bộ sự nghiệp ở các cơ sở nghiên cứu đã ngày càng được thừa nhận trong những năm gần đây, đặc biệt để thúc đẩy tốt hơn các thực hành nghiên cứu mở và có trách nhiệm. Đặc biệt, được thừa nhận rằng các thực hành hiện nay tập trung quá nhiều vào các đo đếm định lượng hơn các đo đếm định tính, với sự sử dụng sai các thước đo nghiên cứu định lượng, bao gồm Yếu tố Tác động Tạp chí - JIF (Journal Impact Factor), trong số các vấn đề cấp bách nhất về đánh giá nghiên cứu công bằng nói chung, và để thúc đẩy nghiên cứu mở và có trách niệm nói riêng. Vì thế, những năm gần đây đã thấy trọng tâm nhằm vào các nỗ lực để hiểu các nguyên tắc và thực hành nghiên cứu mở và trách nhiệm đang được coi trọng như thế nào trong các hệ thống khen thưởng và ưu đãi của các tổ chức thực hiện nghiên cứu, đặc biệt bằng việc xem xét các chính sách rà soát lại, thăng tiến và nhiệm kỳ – RPT (Review, Promotion, Tenure) trong các quy trình đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu.

Đối với các nhà nghiên cứu, xuất bản các kết quả nghiên cứu là hoạt động không thể thiếu, nó đánh giá những đóng góp nghiên cứu của họ. Cho dù được thừa nhận rộng rãi rằng các ngành khác nhau thì các dạng xuất bản thường khác nhau, như việc xuất bản các bài báo thường áp đảo trong các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), các kỷ yếu hay các bộ sưu tập được biên tập trong khoa học xã hội và nhân văn, ví dụ thế. Và dù bất kể dạng xuất bản phẩm nào được ưa thích, thì các cơ sở nghiên cứu luôn có xu hướng đặt năng suất, thường được định lượng qua các thước đo, như một tính năng xác định trong chính sách RPT của mình. Khi số lượng các xuất bản phẩm cùng với việc chuyên môn hóa nghiên cứu gia tăng dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể số lượng các chuyên gia có đủ trình độ chuyên môn cần thiết để phán xét chất lượng các kết quả nghiên cứu, dẫn tới việc các cơ sở nghiên cứu thường tìm tới các chỉ số đại diện cho chất lượng, và thế là 2 yếu tố trở nên rất phổ biến cho điều này ở khắp nơi trên thế giới, là nơi xuất bảnviệc đếm số lượng các trích dẫn, và đây chính là nơi JIF phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, JIF nhận về nhiều chỉ trích vì một số lý do, như việc nó dễ bị đánh lừa vì các thực hành biên tập đáng ngờ và thiếu minh bạch, dù việc sử dụng nó như là đại diện cho chất lượng nghiên cứu trong đánh giá nghiên cứu đã trở nên phổ biến. Nhiều tổ chức nghiên cứu và nhà nghiên cứu thường liệt kê JIF như là yếu tố chính khi họ tính đến quyết định nơi xuất bản các bài báo kết quả nghiên cứu của họ.

Việc đếm số lượng các trích dẫn ở mức bài báo cũng thường được sử dụng như là đại diện cho chất lượng nghiên cứu trong các quy trình RPT. Đại đa số các tổ chức nghiên cứu đều nhắc tới chỉ số này. Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ số đếm số lượng các trích dẫn bị chỉ trích nhiều như là một thước đo quá hẹp cho chất lượng nghiên cứu, và đặc biệt gây bất lợi cho các nhà nghiên cứu mới vào nghề, những người chưa có đủ thâm niên để có thể xây dựng hồ sơ nghiên cứu của họ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng[2] việc sử dụng chỉ số h (h-index)[3] để đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu có nguy cơ cụ thể hóa độc quyền các nguồn lực (uy tín, sự công nhận, tiền bạc) trong tay của tầng lớp tinh hoa có chọn lọc. Chỉ số h được thiết kế như là công cụ đo lường để thể hiện tính nhất quán của các nhà nghiên cứu được trích dẫn, nhưng gây bất lợi cho các nhà nghiên cứu mới vào nghề và bỏ qua sự đa dạng của tỷ lệ trích dẫn giữa các ngành khoa học và ngành phụ.

Vì các lý do nêu trên, cộng đồng học thuật đã đứng lên chống lại các thực hành tồi tệ đó và đã phát triển các hướng dẫn và khuyến nghị để cải thiện tình hình, bắt đầu bằng Tuyên bố San Francisco về Đánh giá Nghiên cứu - DORA (San Francisco Declaration of Research Assessement) ngày 16/12/2012[4] với khuyến nghị chung của nó là:

1. Không sử dụng các thước đo dựa vào tạp chí, như JIF, như là một biện pháp thay thế chất lượng các bài báo nghiên cứu riêng rẽ, để đánh giá những đóng góp của cá nhân nhà khoa học, hoặc trong các quyết định thuê làm, thăng tiến, hay cấp vốn.”

DORA nhấn mạnh rằng các cơ sở cần cân nhắc giá trị và tác động của tất cả các kết quả và các đầu ra của tác phẩm học thuật và cần minh bạch về các tiêu chí được sử dụng trong đánh giá.

Điều này đã được tiếp nối vào năm 2015 bằng các hướng dẫn toàn diện về đánh giá sự nghiệp nghiên cứu có trách nhiệm được công bố trong tài liệu Tuyên ngôn Leiden về các Thước đo Nghiên cứu[5]. Tài liệu này, ở phần đầu của nó, đã liệt kê ra hàng loạt các chỉ số thường đang được sử dụng để đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu, cảnh báo việc sử dụng tùy tiện các chỉ số đó trong đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu:

Như các nhà đo đếm khoa học, các nhà khoa học xã hội và các nhà quản trị nghiên cứu, chúng tôi đã theo dõi với cảnh báo ngày một gia tăng sự áp dụng sai tràn lan các chỉ số đánh giá hiệu năng khoa học.”

Tuyên ngôn Leiden đưa ra nguyên tắc 10 điểm để đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu, bên cạnh việc nhấn mạnh tới hoạt động rà soát lại ngang hàng, lưu ý rằng:

Thông tin có tính định lượng phải không được phép biến hình từ công cụ thành mục tiêu. Các quyết định tốt nhất được đưa ra bằng việc kết hợp các số liệu thống kê lành mạnh với độ nhạy cảm hướng vào mục tiêu và bản chất tự nhiên của nghiên cứu được đánh giá. Cả bằng chứng có tính định lượng và định tính đều là cần thiết; từng bằng chứng là khách quan theo cách của riêng nó.”

Số lượng ngày một gia tăng các bên liên quan, đặc biệt các hiệp hội các trường đại học và các nhà cấp vốn, đang nghiên cứu cách để cải thiện các thủ tục đánh giá nghiên cứu. Vài tổ chức nghiên cứu đã cải cách rồi hoặc đang bắt đầu cải cách các hệ thống đánh giá của riêng họ, và vài tổ chức hứa hẹn các thực hành mới đang nổi lên, như được minh họa bằng các trường hợp điển hình được DORA xác định cùng với Hiệp hội Đại học châu Âu và Liên minh các Nhà xuất bản Học thuật và Tài nguyên Hàn lâm - SPARC (Scholarly Publishing and Academic Resources Coalition) châu Âu. Dự án khởi động gần đây về các Công cụ Cải tiến Đánh giá Nghiên cứu - TARA (Tools to Advance Research Assessment) cũng sẽ tạo ra các tài nguyên và hướng dẫn thực hành về cải cách đánh giá nghiên cứu cho các cơ sở hàn lâm và học thuật. Cùng lúc, nhiều nhà cấp vốn nghiên cứu ngày nay đang thí điểm với các hệ thống đánh giá lựa chọn thay thế mà thúc đẩy dịch chuyển hướng tới đánh giá toàn diện và định tính hơn, và thừa nhận dải rộng lớn hơn các kết quả đầu ra và các nhiệm vụ nghiên cứu. Các nhà cấp vốn nghiên cứu, như Ủy ban châu Âu và Hội đồng Nghiên cứu châu Âu, đã từ bỏ khỏi việc sử dụng Yếu tố Tác động của Tạp chí (JIF) trong các quyết định cấp vốn của họ. Các nhà cấp vốn của Liên minh S (cOAlition S) cũng đã cam kết coi trọng thước đo nội tại của tác phẩm và không xem xét kênh xuất bản và yếu tố tác động của nó khi đánh giá các kết quả đầu ra nghiên cứu trong quá trình ra quyết định cấp vốn[6]. Trong khi Science Europe, một mặt khẳng định: (1) Chất lượng và tính mở của nghiên cứu là những hòn đá tảng của văn hóa nghiên cứu tích cực; và (2) Việc thay đổi văn hóa nghiên cứu đòi hỏi tiếp cận cải cách toàn diện và hòa nhập; mặt khác tổ chức này (đại diện cho các tổ chức chính khu vực nhà nước cấp vốn hoặc thực thi nghiên cứu xuất sắc và có tính đột phá ở châu Âu) cũng đưa ra Thỏa thuận 10 điểm về cải cách đánh giá nghiên cứu[7] cho bất kỳ bên ký kết nào, một trong số đó là: “Từ bỏ việc sử dụng không phù hợp trong đánh giá nghiên cứu các thước đo dựa vào tạp chí và xuất bản phẩm, đặc biệt việc sử dụng không phù hợp Yếu tố Tác động của Tạp chí - JIF (Journal Impact Factor) và chỉ số h (h-index)”.

Một tài liệu nghiên cứu khảo sát vừa được xuất bản trong năm 2022 với mục đích hướng tới việc cải cách các thước đo nghiên cứu và các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tới nghiên cứu mở và có trách nhiệm đã được thực hiện ở 7 quốc gia (Áo, Brazil, Đức, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh và Mỹ) qua việc phân tích 143 tài liệu chính sách RPT từ 107 tổ chức nghiên cứu dựa vào một loạt các tiêu chí đánh giá, cả định tính và định lượng, như trong bảng dưới đây[8]:

Không chỉ dừng lại ở việc đưa ra các tiêu chí đánh giá, tài liệu nhiều lần tham chiếu tới khung SCOPE nhằm giúp đơn giản hóa công việc đánh giá thông qua 5 giai đoạn ứng với 5 ký tự đầu trong tiến Anh của khung SCOPE[9]: (1) Bắt đầu (START); (2) Ngữ cảnh (Context); (3) Các lựa chọn (Options); (4) Thăm dò (Probe); và (5) Đánh giá (Evaluation).

Ma trận Đánh giá Sự nghiệp nghiên cứu theo Khoa học Mở - OS-CAM (Open Science Career Assessement Matrix)[10] đã được nêu trong một tài liệu của Ủy ban châu Âu xuất bản năm 2017. OS-CAM với 6 nhóm tiêu chí hoạt động khoa học mở và các tiêu chí của nó cụ thể như sau:

NHÓM 1: KẾT QUẢ ĐẦU RA NGHIÊN CỨU

  • Hoạt động nghiên cứu: Đẩy tới các ranh giới của khoa học mở như là chủ đề nghiên cứu

  • Các xuất bản phẩm:

    • Xuất bản trên các tạp chí truy cập mở

    • Tự lưu trữ trong các kho truy cập mở

  • Các tập hợp dữ liệu và các kết quả nghiên cứu:

    • Sử dụng các nguyên tắc dữ liệu Tìm thấy được, Truy cập được, Tương hợp được và Sử dụng lại được – FAIR (Findable, Accessible, Interoperable, and Reusable)

    • Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong quản lý dữ liệu mở và các tập hợp dữ liệu mở

    • Sử dụng dữ liệu mở từ các nhà nghiên cứu khác

  • Nguồn mở:

    • Sử dụng phần mềm nguồn mở và các công cụ mở khác

    • Phát triển phần mềm và các công cụ mới là mở cho những người sử dụng khác

  • Cấp vốn: Đảm bảo việc cấp vốn cho các hoạt động khoa học mở

NHÓM 2: QUY TRÌNH NGHIÊN CỨU

  • Sự tham gia của các bên liên quan/khoa học công dân:

    • Tích cực lôi kéo xã hội và người sử dụng nghiên cứu vào quy trình nghiên cứu

    • Chia sẻ các kết quả nghiên cứu tạm thời với các bên tham gia đóng góp qua các nền tảng mở (như Arxiv, Figshare, …)

    • Lôi kéo các bên tham gia đóng góp vào các quy trình rà soát lại ngang hàng

  • Cộng tác và liên ngành:

    • Mở rộng sự tham gia trong nghiên cứu qua các dự án có tính cộng tác mở

    • Tham gia khoa học nhóm qua các nhóm liên ngành đa dạng

  • Liêm chính nghiên cứu:

    • Nhận thức được các vấn đề đạo đức và pháp lý có liên quan tới chia sẻ dữ liệu, tính bí mật, thừa nhận ghi công và tác động môi trường của các hoạt động khoa học mở

    • Thừa nhận đầy đủ sự đóng góp của những người khác trong các dự án nghiên cứu, bao gồm những người cộng tác, các đồng tác giả, các công dân, các nhà cung cấp dữ liệu mở

  • Quản lý rủi ro: Tính tới các rủi ro có liên quan tới khoa học mở

NHÓM 3: PHỤC VỤ VÀ LÃNH ĐẠO

  • Lãnh đạo:

    • Phát triển tầm nhìn và chiến lược về cách để tích hợp các thực hành khoa học mở vào thực hành thông thường trong tiến hành nghiên cứu

    • Dẫn lái chính sách và thực hành trong khoa học mở

    • Là mẫu về vai trò trong thực hành khoa học mở

  • Học vấn:

    • Phát triển hồ sơ quốc tế hoặc quốc gia về các hoạt động khoa học mở

    • Đóng góp như là biên tập viên hoặc cố vấn cho các tạp chí hoặc các cơ sở khoa học mở

  • Rà soát lại ngang hàng:

    • Đóng góp cho các quy trình rà soát lại ngang hàng

    • Kiểm tra hoặc đánh giá nghiên cứu mở

  • Kết nối mạng: Tham gia trong các mạng quốc gia và quốc tế có liên quan tới khoa học mở

NHÓM 4: TÁC ĐỘNG CỦA NGHIÊN CỨU

  • Truyền thông và phổ biến:

    • Tham gia vào các hoạt động có sự tham gia của công chúng

    • Chia sẻ các kết quả nghiên cứu qua các kênh phổ biến phi hàn lâm

    • Dịch nghiên cứu sang ngôn ngữ phù hợp với sự hiểu biết của công chúng

  • Sở hữu trí tuệ - IP (các bằng sáng chế, các giấy phép):

    • Có hiểu biết về các vấn đề đạo đức và pháp lý có liên quan tới các quyền sở hữu trí tuệ (IPR)

    • Truyền sở hữu trí tuệ tới nền kinh tế rộng lớn hơn

  • Tác động xã hội:

    • Có bằng chứng các nhóm xã hội sử dụng nghiên cứu

    • Có sự thừa nhận từ các nhóm xã hội hoặc vì các hoạt động xã hội

  • Trao đổi tri thức: Tham gia vào cách tân mở với các đối tác ngoài giới hàn lâm

NHÓM 5: GIẢNG DẠY VÀ GIÁM SÁT

  • Giảng dạy:

    • Giảng dạy các nhà nghiên cứu khác về các nguyên tắc và các phương pháp của khoa học mở

    • Phát triển chương trình giảng dạy và các chương trình theo các phương pháp của khoa học mở, bao gồm quản lý dữ liệu khoa học mở

    • Nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về khoa học mở trong các chương trình thạc sỹ và chưa tốt nghiệp đại học

  • Tư vấn: Tư vấn và khuyến khích những người khác phát triển các năng lực khoa học mở của họ

  • Giám sát: Hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong các giai đoạn sớm áp dụng tiếp cận khoa học mở

NHÓM 6: KINH NGHIỆM NGHỀ NGHIỆP

  • Phát triển nghề nghiệp liên tục: Đầu tư vào phát triển nghề nghiệp của mình để xây dựng các năng lực khoa học mở

  • Quản lý dự án: Phân phối thành công các dự án khoa học mở có liên quan tới các đội nghiên cứu đa dạng

  • Phẩm chất cá nhân:

    • Thể hiện các phẩm chất cá nhân để lôi kéo sự tham gia của xã hội và những người sử dụng nghiên cứu với khoa học mở

    • Chỉ ra sự mềm dẻo và kiên trì để đáp lại các thách thức của việc tiến hành khoa học mở

Từ góc độ của các nhà cấp vốn nghiên cứu, ví dụ như, 27 nhà nhà cấp vốn nghiên cứu trong Liên minh S (cOAlition S) của châu Âu, bao gồm cả Ủy ban châu Âu, và Nhóm 25 Nhà cấp vốn Nghiên cứu Mở – ORFG (Open Research Funder Group) của nước Mỹ, họ đều có các yêu cầu rằng nghiên cứu được các tổ chức thành viên của họ cấp tiền, thì kết quả của nó, tối thiểu là cả các xuất bản phẩm lẫn dữ liệu, đều phải là sẵn sàng truy cập mở đầy đủ và tức thì ở thời điểm xuất bản. Và gần đây nhất, vào ngày 25/08/2022, Văn phòng Chính sách Khoa học & Công nghệ (OSTP) của nước Mỹ cũng đã ban hành hướng dẫn để làm cho nghiên cứu được Liên bang cấp tiền sẵn sàng tự do không mất tiền và tức thì đối với công chúng Mỹ. Điều này chắc chắn kéo theo việc cải cách các hệ thống đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu theo hướng mở và có trách nhiệm.

Như ở phần đầu bài viết đã nêu, để triển khai Khuyến nghị Khoa học Mở, nhóm làm việc về cấp vốn và ưu đãi cho khoa học mở dự kiến sẽ hoàn thành tài liệu khuyến nghị về làm lại các tiêu chí đánh giá và thẩm định sự nghiệp nghiên cứu hiện hành vào tháng 12/2022[11].

C. Vài gợi ý thay cho lời kết

Việc đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu là cần thiết để lựa chọn các đề xuất nghiên cứu để cấp vốn, quyết định các nhà nghiên cứu nào để tuyển dụng, thăng tiến hoặc khen thưởng, và xác định các đơn vị và các cơ sở nghiên cứu nào để hỗ trợ. Tuy nhiên, việc đánh giá cần phải là chính xác, minh bạch và đầy đủ, cả định tính và định lượng. Nên sử dụng các thước đo định tính để đánh giá những điều định tính, cũng như sử dụng các thước đo định lượng để đánh giá những điều định lượng; và rất thận trọng khi sử dụng các thước đo định lượng để đánh giá những điều định tính. Tốt nhất, các thước đo định lượng chỉ nên được sử dụng để bổ sung cho việc đánh giá những điều định tính và không bằng bất kỳ cách gì có thể thay thế cho các thước đo định tính và/hoặc đại diện cho chất lượng của nghiên cứu.

Khi khoa học mở trở thành xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, việc phải thay đổi cách tiếp cận đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu theo hướng tuân thủ các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của khoa học mở (như được nêu rõ trong Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO 2021) là điều tất yếu, không thể nào khác. Gợi ý các trường đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam cân nhắc cải cách hệ thống đánh giá nghiên cứu và nhà nghiên cứu theo hướng này, ví dụ, bằng việc tham khảo các tiêu chí và nhóm tiêu chí đánh giá của Ma trận Đánh giá Sự nghiệp Khoa học Mở (OS-CAM) để từng bước chuyển đổi sang hệ thống đánh giá mở và có trách nhiệm cho phù hợp với năng lực của mình qua từng giai đoạn thời gian trên lộ trình dài của sự chuyển đổi.

Theo dự kiến, nhóm làm việc về cấp vốn và ưu đãi cho khoa học mở của UNESCO sẽ ban hành tài liệu khuyến nghị về làm lại các tiêu chí đánh giá và thẩm định sự nghiệp nghiên cứu hiện hành vào tháng 12/2022. Đây chắc chắn là tài liệu được cả thế giới nghiên cứu khoa học đang mong đợi. Gợi ý các trường đại học và các viện nghiên cứu cùng các bên liên quan tới Khoa học Mở ở Việt Nam đón đợi và tham khảo sớm để có thể áp dụng chúng vào thực tế, để khoa học và giáo dục của Việt Nam có khả năng bám theo và đuổi kịp xu thế không thể đảo ngược của Khoa học Mở trên thế giới.


 

D. Chú giải:

[1] UNESCO, update July 11, 2022: Implementation of the UNESCO Recommendation on Open Science: https://www.unesco.org/en/natural-sciences/open-science/implementation#open-science-working-groups. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/trien-khai-khuyen-nghi-khoa-hoc-mo-cua-unesco-cap-nhat-11-07-2022-700.html

[2] Pontika, N., Klebel, T., Correia, A., Metzler, H., Knoth, P., & Ross-Hellauer, T. (2022, March 3). Indicators of research quality, quantity, openness and responsibility in institutional promotion, review and tenure policies across seven countries. https://doi.org/10.31222/osf.io/b9qaw, CC BY 4.0 International.

[3] Nguyễn Văn Tuấn, 2008: Đánh giá ảnh hưởng trong nghiên cứu khoa học qua chỉ số H: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/danh-gia-anh-huong-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-qua-chi-so-h-884/

[4] DORA (2012). San Francisco Declaration on Research Assessment. https://sfdora.org/read/ hoặc https://www.ascb.org/files/SFDeclarationFINAL.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/t4nok8hxd0w4jnk/SFDeclarationFINAL-Vi-15042019.pdf?dl=0

[5] ResearchGate: The Leiden Manifesto for research metrics: https://www.researchgate.net/publication/275335177_The_Leiden_Manifesto_for_research_metrics hoặc http://www.leidenmanifesto.org/. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/eulqv8b06b3p0um/TheLeidenManifesto_NatureComment_23042015-Vi-16042019.pdf?dl=0

[6] EC, 2021: Hướng tới cải cách hệ thống đánh giá nghiên cứu: Báo cáo xác định phạm vi https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/huong-toi-cai-cach-he-thong-danh-gia-nghien-cuu-bao-cao-xac-dinh-pham-vi-ban-dich-sang-tieng-viet-690.html

[7] Science Europe, 20 July 2022: Agreement on Reforming Research Assessement: https://scienceeurope.org/media/y41ks1wh/20220720-rra-agreement.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/zzf9xt39z7dsko9/20220720-rra-agreement_Vi-04082022.pdf?dl=0

[8] Pontika, N., Klebel, T., Correia, A., Metzler, H., Knoth, P., & Ross-Hellauer, T. (2022, March 3). Indicators of research quality, quantity, openness and responsibility in institutional promotion, review and tenure policies across seven countries. https://doi.org/10.31222/osf.io/b9qaw, CC BY 4.0 International.

[9] inorms research evaluation group, 2021: The SCOPE Framework: A five-stage process for evaluating research responsibly: https://inorms.net/wp-content/uploads/2022/03/21655-scope-guide-v10.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/go8i7fmkn6l6r2i/21655-scope-guide-v10_Vi-09082022.pdf?dl=0

[10] European Commission, Directorate-General for Research and Innovation, Evaluation of research careers fully acknowledging Open Science practices : rewards, incentives and/or recognition for researchers practicing Open Science, Cabello Valdes, C.(editor), Rentier, B.(editor), Kaunismaa, E.(editor), Metcalfe, J.(editor), Esposito, F.(editor), McAllister, D.(editor), Maas, K.(editor), Vandevelde, K.(editor), O'Carroll, C.(editor), Publications Office, 2017, https://data.europa.eu/doi/10.2777/75255. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/dqbqnia7dih0u6w/os_rewards_wgreport_final_Vi_10032018.pdf?dl=0

[11] Lê Trung Nghĩa, 2022: Đầu tư cho khoa học mở: Thay đổi các tiêu chí đánh giá khoa học: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/dau-tu-cho-khoa-hoc-mo-thay-doi-cac-tieu-chi-danh-gia-khoa-hoc-696.html




Giấy phép nội dung
: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

Tác giả: Nghĩa Lê Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập207
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay12,055
  • Tháng hiện tại461,496
  • Tổng lượt truy cập37,988,320
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây