Nhận diện các đề tài - dự án “MỞ” từ kinh phí của nhà nước

Thứ bảy - 27/01/2018 09:16
Nhận diện các đề tài - dự án “MỞ” từ kinh phí của nhà nước
 
Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng điện tử ngày 22/01/2018 tại địa chỉ: http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Nhan-dien-cac-de-tai--du-an-%E2%80%9CMO%E2%80%9D--tu-kinh-phi-cua-nha-nuoc-11161

 
Khi mà MỞ trở thành xu thế tất yếu trên thế giới ngày nay, thì việc có nhiều đề tài - dự án có liên quan tới nghiên cứu, phát triển và triển khai theo hướng mở được xây dựng ở nhiều nơi là điều có thể nhìn thấy trước được, nhất là trong khu vực nhà nước, từ nguồn kinh phí của nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những đề tài - dự án tuân thủ triết lý và các nguyên tắc của MỞ, chắc chắn cũng sẽ có nhiều đề tài - dự án ăn theo chữ MỞ hợp thời trang đó, dù chúng chẳng MỞ chút nào.
Thế nào là dự án MỞ thật?
Bên dưới đây sẽ nêu ra các đặc tính của MỞ mà bạn rất dễ để nhận diện các đề tài - dự án có là MỞ hay không thông qua việc đọc nội dung các tài liệu của đề tài - dự án có sử dụng ngân sách của nhà nước, về bản chất là sử dụng tiền của những người dân đóng thuế.
Khái niệm về tính mở
Hình 1. Các khía cạnh của tính mở1
  1. Tính mở được thể hiện trong các lĩnh vực xã hội khi mà mọi người đều được: (1) tự do sử dụng; (2) tự do đóng góp; (3) tự do chia sẻ (các) sản phẩm của đề tài - dự án.
  2. Tính mở được thể hiện trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ khi các chức năng của sản phẩm dựa vào các tiêu chuẩn mở và phần mềm nguồn mở (PMNM). Để có thể hiểu về tiêu chuẩn mở và phần mềm tự do nguồn mở một cách đơn giản, chúng có thể được trình bày như sau:
    1. Tiêu chuẩn (hoặc định dạng) mở là tiêu chuẩn (hoặc định dạng) mà nếu một tệp điện tử nào đó áp dụng nó, thì việc thao tác trên tệp điện tử đó sẽ không phụ thuộc vào phần mềm tạo ra chính tệp điện tử đó. Ví dụ: Nếu bạn sử dụng một tệp điện tử có phần mở rộng là .xls thì bạn phụ thuộc vào phần mềm ứng dụng Microsoft Excel để mở nó, và như vậy thì định dạng .xls không phải lả định dạng mở.
    2. PMNM là phần mềm mà:
      • Nếu bạn sử dụng nó, thì bạn có các quyền tự do để: (1) sử dụng vì bất kỳ mục đích gì; (2) phân phối cho bất kỳ ai bạn muốn;
      • Nếu bạn phát triển nó, thì bạn có các quyền tự do để: (3) tùy biến - sửa đổi để đáp ứng được nhu cầu của bạn, và để có thể tùy biến - sửa đổi được, bạn cần có mã nguồn, dù phần mềm đó do bất kỳ ai trên thế giới này tạo ra; (4) tự do phân phối lại phần mềm phái sinh bạn đã sửa đổi từ phần mềm gốc ban đầu.
  3. Tính mở như là đặc tính nguồn tài nguyên, ví dụ như tài nguyên truy cập mở và/hoặc tài nguyên giáo dục mở, thì chúng được đối xử như là:
    1. Hàng hóa công cộng, nghĩa là ai cũng có thể tự do truy cập và sử dụng chúng.
    2. Nguồn của các hàng hóa mở, nghĩa là ai cũng có khả năng để tùy biến - sửa đổi chúng để tạo ra các hàng hóa mở mới.
 
Mô hình phát triển của nguồn mở
Nếu bạn tạo ra một tài nguyên được gọi là tài nguyên mở, thì tài nguyên đó chỉ là sự khởi đầu vòng đời sử dụng của nó, vì bắt đầu từ đây, bất kỳ ai cũng có khả năng để phát hiện,sử dụng, tùy biến sửa đổi và tái mục đích nó để tạo ra các sản phẩm mở mới. Điều này là đúng không chỉ cho các tài nguyên mở, như tài nguyên truy cập mở và/hoặc tài nguyên giáo dục mở, mà cũng đúng cho các PMNM, như được nêu ở trên. Điều này là hoàn toàn khác với tài nguyên và/hoặc sản phẩm đóng, khi mà không ai khác ngoài một nhóm nhỏ những người đã tạo ra nó (thường là các lập trình viên và/hoặc một vài thành viên của một công ty duy nhất) được phép tùy biến sửa đổi và tái mục đích sản phẩm (nếu có) để tạo ra các sản phẩm mới, điều hạn chế đi rất nhiều khả năng để đổi mới sáng tạo.

 
Mô hình phát triển của PMNM
 
Hình 2. Mô hình điển hình của dự án phát triển PMNM2
Hình 2 là mô hình điển hình của dự án phát triển PMNM được giới thiệu chi tiết trong bài ‘Mô hình phát triển và ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở bền vững6‘. Mô hình này nhấn mạnh bước ‘Đóng góp các thay đổi cho dự án ngược lên dòng trên’ là bước đặc biệt của mô hình phát triển PMNM, khi mà các mã nguồn được phát triển ở địa phương (ví dụ như từ các lập trình viên trong các công ty phần mềm của Việt Nam) được chuyển ngược về với dự án gốc của thế giới để có được sự hỗ trợ của các lập trình viên trong cộng đồng thế giới cho phần mềm được các lập trình viên địa phương tùy biến và được tích hợp vào phần mềm gốc của thế giới cho các phiên bản sau. Điều này cũng sẽ dẫn tới việc mã nguồn PHẢI luôn được đặt trên Internet (chứ không chỉ duy nhất được đặt trong các máy chủ của công ty phát triển phần mềm Việt Nam) để bất kỳ ai cũng có thể tải chúng về được. Để dễ hiểu, ta nói: Mã nguồn của một dự án PMNM do các lập trình viên Việt Nam phát triển, các lập trình viên, ví dụ, ở châu Phi PHẢI có khả năng truy cập tới nó và tải nó về được!!!
Nếu bạn tự nhận mình đang phát triển PMNM, từ đầu hoặc dựa vào (các) PMNM đã có sẵn, thì không có chuyện mã nguồn phát triển và/hoặc tùy biến đó chỉ có trong (các) máy chủ của công ty bạn, mà chỉ các thành viên trong công ty của bạn mới có thể truy cập được tới chúng. Việc phát triển KHÔNG TUÂN THỦ với mô hình này, từ chuyên môn gọi là rẽ nhánh (Forking), đồng nghĩa với việc các lập trình viên Việt Nam chỉ tải mã nguồn của phần mềm gốc về, đóng nó lại rồi tự phát triển với nhau, trong hầu hết các trường hợp là hành động tự sát vì mất phương hướng sau một khoảng thời gian đủ dài để phần mềm rẽ nhánh đó khác xa với phần mềm gốc ban đầu, gây hại cho công ty phát triển và cho những người sử dụng phần mềm tự phát triển đó, vì không còn được các lập trình viên của cộng đồng phần mềm đó trên thế giới hỗ trợ nữa, trong khi kiến trúc và thiết kế của phần mềm đó là do các lập trình viên của thế giới sáng tạo ra, duy trì, cập nhật, nâng cấp và phát triển tiếp.
Lưu ý là, bạn cần phân biệt rõ giữa sử dụng PMNM và phát triển PMNM. Trong khi sử dụng PMNM không đòi hỏi người sử dụng có bất kỳ bổn phận nào thì phát triển PMNM đòi hỏi các lập trình viên có bổn phận phải tuân thủ giấy phép được gắn với PMNM đó và trong hầu hết các trường hợp, các lập trình viên đều phải mở mã nguồn trên Internet khi phân phối PMNM hoặc phần mềm phái sinh từ PMNM gốc ban đầu.

 
Mô hình phát triển các tài nguyên mở
Các tài nguyên mở trong phần này ngụ ý:
  1. Tài nguyên truy cập mở;
  2. Tài nguyên giáo dục mở (OER); và
  3. Dữ liệu mở.
Hình 3. Vòng đời của tài nguyên giáo dục không mở (trái) và của OER (phải)3
Nếu bạn sử dụng OER, bạn thường có nhu cầu sửa đổi nó cho các mục đích công việc khác nhau của bạn, ví dụ như thêm, bớt, sửa đổi các nội dung của OER gốc ban đầu và/hoặc kết hợp với các OER khác để tạo ra một OER mới, hay còn được gọi là OER phái sinh, và vì thế OER gốc ban đầu cần được cấp phép mở, như vài giấy phép trong hệ thống Creative Commons, sao cho người sử dụng có được các quyền tự do để thực hiện các hành động đó, như những hành động được nêu trong Hình 3 ở trên.
Hình 4. Ví dụ về mô hình phát triển OER - Sách giáo khoa mở4
Hình 4 là ví dụ về mô hình phát triển OER điển hình, hướng tới việc tạo ra các sách giáo khoa mở sao cho các học sinh - sinh viên không mất chi phí để có được chúng. Dù đi theo con đường nào, thì OER được sử dụng cũng luôn phải có khả năng sửa đổi được và/hoặc kết hợp được với các OER khác để tạo ra các OER phái sinh cũng có các khả năng tương tự.

 
Mô hình cấp phép
Cách dễ nhất để phân biệt giữa các phần mềm và/hoặc tài nguyên mở và không mở là thông qua việc nhận diện giấy phép được cấp cho phần mềm và/hoặc tài nguyên đó.
Đối với PMNM
Có hơn 70 loại giấy phép PMNM khác nhau, các giấy phép phổ biến có thể thấy trên trang của Sáng kiến Nguồn Mở - OSI (Open Source Initiative7). Vì vậy:
  • Khi sử dụng PMNM, bạn nên tìm hiểu giấy phép của PMNM bạn sử dụng để không bị người khác gây thiệt thòi cho bạn đối với các quyền tự do bạn được hưởng từ PMNM đó.
  • Đặc biệt là khi phát triển phần mềm dựa vào (các) PMNM khác, bạn có bổn phận PHẢI biết giấy phép của PMNM gốc để biết và tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của bạn khi tùy biến thích nghi PMNM gốc đó.
  • Nếu bạn tùy biến thích nghi các PMNM gốc mang các giấy phép “copyleft” như GPL, LGPL, AGPL… thì bạn có bổn phận PHẢI công bố mã nguồn khi phân phối phần mềm, kể cả là bạn phát triển từ đầu hay tùy biến thích nghi PMNM có sẵn.
Nếu bạn nói hệ thống của bạn là PMNM, thì hệ thống đó PHẢI được cấp giấy phép mở tương ứng, không có ngoại lệ.
Đối với tài nguyên truy cập mở, tài nguyên giáo dục mở và dữ liệu mở
Các tài nguyên này, gọi chung là tài nguyên mở, tất cả đều được cấp phép mở.
Thậm chí, trang của Bộ Giáo dục Mỹ còn gọi rõ tài nguyên giáo dục mở là tài nguyên giáo dục được cấp phép mở (Openly Licensed Educational Resources8). Có nghĩa là, các tài nguyên, để được gọi là OER, PHẢI được cấp phép mở.
Có nhiều hệ thống cấp phép mở cho các tài nguyên này, nhưng phổ biến nhất là các giấy phép của hệ thống Creative Commons9, gọi tắt là CC.
Nếu bạn sử dụng hệ thống CC để cấp phép mở cho các tài nguyên, thì:
  • Chỉ các giấy phép CC BY, CC BY-SA và CC0 là phù hợp để cấp phép cho dữ liệu để trở thành dữ liệu mở. Nói cách khác, dữ liệu sẽ KHÔNG LÀ MỞ nếu không được cấp các giấy phép nêu trên hoặc các giấy phép tương đương từ các hệ thống giấy phép khác CC.
  • Ngày nay, các giấy phép như CC BY-ND và CC BY-NC-ND được coi là không phù hợp để cấp phép cho tài nguyên giáo dục mở (OER).
Hình 5. OER và các giấy phép Creative Commons thích hợp5
  • Kể cả trường hợp truy cập mở đơn giản nhất, khi người sử dụng chỉ có mỗi quyền truy cập tới tài nguyên để xem và tải nó về từ Internet, thì tài nguyên đó vẫn cần phải có giấy phép mở, như CC BY-NC-ND, để trở thành tài nguyên truy cập mở rõ ràng.
Nếu bạn nói tài nguyên trong hệ thống của bạn là tài nguyên mở, thì nó cần phải tuân thủ các nguyên tắc cấp phép ở trên.

 
Mô hình kinh doanh
Cách khác để phân biệt giữa MỞĐÓNG, là nhìn vào mô hình kinh doanh của chúng.
Bạn sẽ dễ nhận thấy, mô hình kinh doanh của thế giới nguồn đóng toàn bộ đều theo kiểu ăn bánh trả tiền. Có nghĩa là, các công ty nguồn đóng thường bán trực tiếp sản phẩm họ làm ra để kiếm tiền.
Trong khi đó, các mô hình kinh doanh của nguồn mở đều là kiếm tiền dựa vào việc cung cấp các DỊCH VỤ xung quanh sản phẩm của chung cộng đồng, không bán trực tiếp các sản phẩm của chung cộng đồng. Ví dụ: Bạn không bán bộ phần mềm văn phòng nguồn mở Libre Office vì bộ phần mềm này là của chung cộng đồng Libre Office toàn thế giới và bất kỳ lúc nào, bất kỳ ai cũng có thể tải về toàn bộ mã nguồn của Libre Office từ Internet. Các công ty muốn kiếm tiền với Libre Office sẽ kiếm tiền bằng cách cung cấp các dịch vụ xung quanh sản phẩm Libre Office, như các dịch vụ đào tạo, huấn luyện, tích hợp hệ thống phần mềm Libre Office vào các hệ thống phần mềm sẵn có của các khách hàng..., ví dụ thế. Ngược lại, bạn sẽ phải bỏ tiền để mua bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office để sử dụng một cách hợp pháp.
Giấy phép của bài viết: CC BY 4.0 Quốc tế10.
----------
2. Quỹ Linux xuất bản tháng 01/2012 , ‘Ngược lên dòng trên: Tăng cường cho sự phát triển nguồn mở’,https://www.dropbox.com/s/ao6fprcmn3uzexx/lf_upstreaming_os_dev-Vi-31012012.pdf?dl=0
3. ‘Rà soát lại mới nhất các vấn đề chất lượng có liên quan tới tài nguyên giáo dục mở’, trang 2

 
Blogger: Lê Trung Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập252
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm244
  • Hôm nay20,074
  • Tháng hiện tại114,004
  • Tổng lượt truy cập36,172,597
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây