(Bài đăng trên Tạp chí Tia Sáng, số 22 năm 2022, xuất bản ngày 20/11/2022, các trang 18-20. Phiên bản điện tử có tại địa chỉ: https://drive.google.com/file/d/1hfrYLUAsuxQY0A8pSUePhysO2m03Mm83/view?usp=sharing và https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/xay-dung-nang-luc-khoa-hoc-mo/)
Điều kiện tiên quyết chính để triển khai khoa học mở và Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO[1] thành công khắp trên thế giới là đầu tư vào việc xây dựng năng lực và nguồn nhân lực.
Như các bài viết trước, chúng ta biết rằng, để thực hiện Khuyến nghị Khoa học mở, UNESCO đã tiến hành năm nhóm làm việc chuyên môn bao gồm: Nhóm làm việc về chính sách và công cụ chính sách về khoa học mở, Nhóm làm việc về Tài trợ và Cơ chế khuyến khích Khoa học mở, Nhóm làm việc về Hạ tầng Khoa học mở và Nhóm làm việc về Xây dựng năng lực Khoa học mở. Năm nhóm làm việc tượng trưng cho năm thách thức cơ bản trong việc triển khai khoa học mở trên thế giới. Trong đó, có thể nói, Nhóm làm việc về Xây dựng năng lực hóa giải những khó khăn đầu tiên, từ đó mở đường để giải quyết những thách thức khác, đó là thay đổi văn hóa làm khoa học truyền thống để giới học thuật có thể đón nhận những ý tưởng mới từ khoa học mở.
Hoạt động cụ thể của nhóm là xác lập danh mục các khóa học và tài liệu đào tạo sẵn có và xây dựng các khóa học và tài liệu mới, cho các đối tượng khác nhau về Khoa học mở. Mục tiêu cụ thể của nhóm là đảm bảo tất cả các cá nhân, tổ chức làm khoa học có đủ năng lực hiểu, thiết kế, triển khai, giám sát và theo dõi thực hành khoa học mở sao cho phù hợp với khuyến nghị của UNESCO. Nhóm làm việc Xây dựng Năng lực vừa mới tổ chức hai cuộc họp nhóm vào tháng Năm và tháng Chín vừa qua với những bước đi đầu tiên.
Bức tranh khoa học mở trên thế giới
Cuộc họp đầu tiên vào tháng Năm có sự tham gia của gần 100 người hoạt động trong lĩnh vực khoa học mở từ khắp nơi trên thế giới. Qua sự chia sẻ của các diễn giả[2], những người tham dự có thể hình dung một bức tranh tương đối tổng quan về hoạt động phát triển năng lực khoa học mở đang diễn ra sôi nổi trên toàn thế giới tại Châu Âu, Mỹ La tinh, Châu Á- Thái Bình Dương.
Ở Châu Âu, trước khi Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO ra đời, Viện Nghiên cứu và Giáo dục Mở Phân tán Toàn cầu (IGDORE) đã đứng ra tổ chức các khóa học về các kĩ năng và công cụ khoa học mở và vận động các nhà khoa học tham gia. Các khóa học này đều được tổ chức dưới dạng MOOC (khóa học trực tuyến mở đại chúng). Liên minh Châu Âu cũng tài trợ cho một tổ chức là FOSTER, kết nối 11 trường đại học, trải rộng trên sáu quốc gia để tổ chức sự kiện, thiết kế học liệu, mở các khóa học, xây dựng mạng lưới giảng viên nhằm đào tạo về khoa học mở. FOSTER hỗ trợ một loạt các đối tượng, từ cá nhân tới tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu nhưng chủ yếu vẫn là các nhà nghiên cứu trẻ trong việc tiếp nhận và thực thi các quy tắc của khoa học mở. Khác với IGDORE, các sự kiện đào tạo của FOSTER bao gồm cả học trực tuyến, học kết hợp cả trực tuyến và phi trực tuyến, huấn luyện cá nhân, tư vấn, hội thảo – tọa đàm (seminar). Nhưng đáng ngạc nhiên nhất phải kể đến những nỗ lực thúc đẩy năng lực khoa học mở đến từ Châu Mỹ La tinh và Châu Phi. Mặc dù ở thời điểm diễn ra cuộc họp, các tổ chức đến từ hai châu lục này chưa tổ chức các chương trình xây dựng năng lực khoa học mở một cách đại trà, nhưng họ đã đưa ra kế hoạch hết sức bài bản để thực hiện được mục tiêu đó. Theo như đại diện của La Referencia – Mạng các kho Khoa học mở Mỹ Latin, họ đã khảo sát nhu cầu về kĩ năng khoa học mở của giới học thuật ở khu vực này và tiến tới việc xây dựng một kho học liệu trực tuyến về vấn đề này. Còn ở Châu Phi, phong trào khoa học mở đang diễn ra sôi động trên khắp các khía cạnh: từ tri thức mở, tri thức bản địa mở, hạ tầng nguồn mở cho đến truy cập mở. Trong đó, truy cập mở của họ không chỉ bao gồm truy cập mở hướng tới các bài báo và dữ liệu công bố mà còn có cả bình duyệt mở. Từ trước đến nay, bình duyệt thường được thực hiện đóng, từ danh tính của người bình duyệt đến nhận xét của họ đều không công khai, nhưng với bình duyệt mở, những thông tin này sẽ được công bố tới công chúng. Tuy nhiên, những tổ chức về khoa học mở ở Châu Phi đang tản mát và riêng lẻ, Tổ chức Truy cập tới Triển vọng & Kho lưu trữ châu Phi đang muốn kết nối, thống nhất các nguồn lực để tổ chức các khóa học và tài liệu đào tạo về khoa học mở. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương không có nhiều thông tin, tuy nhiên, ta cũng biết rằng khoảng gần 20% viện nghiên cứu, trường đại học đã và đang tổ chức các hoạt động đào tạo về khoa học mở. Tuy nhiên, chủ yếu là đào tạo về dữ liệu mở, truy cập mở chứ chưa chú ý nhiều đến đánh giá khoa học mở và các dự án mở (cho phép nhiều bên tham gia cùng thực hiện).
Không khó để nhìn thấy rằng, các hoạt động này hiện hướng đến các nhà nghiên cứu là chủ yếu. Lí do là, “gánh nặng” thực hành khoa học mở dường như đang đặt trên vai các thư viện và lãnh đạo trường đại học là chủ yếu. Sẽ là vô nghĩa nếu bản thân các nhà khoa học không tham gia, ít hứng thú hoặc coi nhẹ với phong trào này. Một diễn giả trong buổi báo cáo cho rằng, nhiều khi, các nhà khoa học cảm thấy, “khoa học mở” chỉ là một nhiệm vụ được giao thay vì là phận sự của họ. Thay đổi tư duy và cam kết của nhà khoa học là một trong những điểm thiết yếu để xoay chuyển văn hóa khoa học truyền thống.
Công cụ để nâng cao năng lực khoa học mở
Trong cuộc họp thứ hai, Nhóm làm việc xây dựng năng lực khoa học mở đã đưa ra hai tài liệu quan trọng gồm: Bộ công cụ khoa học mở của UNESCO[3] và Bảng chỉ mục các nguồn tài nguyên xây dựng năng lực khoa học mở[4].
Hướng dẫn - Bộ công cụ khoa học mở của UNESCO
Xây dựng năng lực khoa học mở gồm hai nội dung chính: (1) nhận thức và hiểu biết về khoa học mở; và (2) bộ kĩ năng, hiểu biết về nguyên lý và nguồn lực cần thiết cho khoa học mở.
Việc thực hiện các nội dung trên phải dựa trên chín nguyên tắc: (1) nhận biết các tư liệu hiện có; (2) khả năng tùy chỉnh và sử dụng lại; (3) tính linh hoạt; (4) sự tham gia của các đối tượng đích; (5) tính bền vững; (6) tính toàn diện; (7) đa ngôn ngữ và bản địa hóa; (8) khả năng truy cập; (9) giám sát và đánh giá.
Trong số chín nguyên tắc nêu trên, khả năng truy cập, một mặt không chỉ gắn liền với các tài liệu đào tạo về khoa học mở, mà còn với định nghĩa kiến thức khoa học mở và các thành phần của nó [5]; mặt khác, hầu như toàn bộ nội dung của nguyên tắc này là chưa tồn tại trong cộng đồng khoa học ở Việt Nam; và nó được mô tả và giải nghĩa chi tiết hơn so với các nguyên tắc còn lại. Khả năng truy cập này bao gồm:
Truy cập mở: Các tư liệu đào tạo về khoa học mở đương nhiên phải là các tư liệu mở. Các tư liệu này tuân thủ khuyến nghị về Tài nguyên giáo dục mở của UNESCO [6], tức là phải thuộc về phạm vi công cộng (public domain) hoặc được phát hành dưới giấy phép mở, cho phép ai cũng được truy cập miễn phí, tái sử dụng, thay đổi mục đích, điều chỉnh và phát hành.
Các tài liệu được truy cập mở chỉ là bước đầu tiên, để chúng thực sự hữu ích và có ý nghĩa, chúng phải đáp ứng được nguyên tắc FAIR: Tìm thấy được, Truy cập được, Tương hợp được, Sử dụng lại được (Findable, Accessible, Interoperable, Reusable). Theo đó, tài liệu cần đi kèm mô tả, mã nhận diện cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm trên máy tính. Tài liệu cũng phải dễ truy cập. Điều đó không chỉ thu hẹp trong việc cấp loại giấy phép mở nào mà còn hiểu rộng ra là làm sao để tài liệu đó tiện dụng nhất với đa dạng đối tượng nhất có thể. Định dạng của tài liệu cũng phải đảm bảo tính tương hợp, có nghĩa là có thể đọc được ở bất kì phần mềm nào. Tài liệu cũng cần có hướng dẫn rõ ràng để người học, người đào tạo có thể sử dụng lại, có quy trình và khung thời gian minh bạch về việc đóng góp và cập nhật nội dung tài liệu.
Cấp phép mở: Nghĩa là giấy phép vừa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người nắm bản quyền của tài liệu nhưng vẫn cho phép cộng đồng truy cập, sử dụng lại, tái sử dụng, điều chỉnh, phân phối tài liệu đó.
Lưu trữ. Cần phải cân nhắc làm sao để các tài liệu đào tạo năng lực khoa học mở được lưu trữ và truy cập lâu dài và tính toán chi phí dành cho kho lưu trữ.
Sự đa dạng các phương pháp và cách tiếp cận học tập. Lý tưởng là người phát triển các tư liệu và hoạt động đào tạo phải cân nhắc khả năng tiếp cận của chúng tới đa dạng người sử dụng trong đa dạng ngữ cảnh. Bởi vậy, nên tổ chức nhiều phương pháp và công cụ đào tạo, bao gồm cả vật lý và số, cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
Bảng chỉ mục các nguồn tài nguyên để xây dựng năng lực khoa học mở
Hiện nay đang có khoảng hơn 100 tài nguyên đào tạo về khoa học mở. Hơn 40% tài nguyên này được trình bày dưới dạng các khóa học online, giáo trình chuyên sâu, các module học về khoa học mở và hơn 30% dưới dạng các sổ tay hướng dẫn và sách giáo khoa. Nội dung chủ yếu của các tài liệu này là về truy cập mở tới các tri thức khoa học. Các tài nguyên này chủ yếu bằng Tiếng Anh, dành cho các nhà nghiên cứu và các sinh viên thuộc ngành STEM. Không có gì ngạc nhiên khi hơn 90% các tài liệu này do các tổ chức ở khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ xây dựng và phát triển.
Bảng chỉ mục phác thảo các nguồn tài nguyên để xây dựng năng lực khoa học mở
Nhóm làm việc của UNESCO cũng nhận thấy rằng cần phải đa dạng hóa nguồn tài liệu. Nói cách khác, các nước đến từ Châu Á, Mỹ La tinh, Châu Phi cũng cần đóng góp những tài liệu về khoa học mở để phù hợp với bối cảnh của mình. Hơn nữa, các tài liệu hiện nay cũng đang “bỏ rơi” một số đối tượng như các nhà hoạch định chính sách, các nhà cấp vốn nghiên cứu, các nhà xuất bản,…Và, cũng còn nhiều nội dung về khoa học mở khác mà các tài liệu chưa chạm tới, ví dụ như nâng cao năng lực trong việc theo dõi giám sát thực hành khoa học mở, phần cứng khoa học mở, hạ tầng khoa học mở, tài trợ cho khoa học mở…
Trong cuộc thảo luận về bảng chỉ mục này, có một số ý kiến rất đáng chú ý và giới khoa học Việt Nam có thể học hỏi và thực hành ngay. Chẳng hạn, nếu một tổ chức muốn nâng cao năng lực về khoa học mở, họ có thể bắt đầu từ đâu giữa “biển” hàng trăm nguồn tài liệu như vậy? Hiệp hội Thư viện Châu Âu đã xây dựng một biểu đồ rất dễ hiểu về các kĩ năng khoa học mở. Những tổ chức, cá nhân muốn nâng cao năng lực của mình về lĩnh vực này có thể nhìn vào biểu đồ này và xác định mình cần bắt đầu tập trung, ưu tiên vào kĩ năng nào. Hay một ý kiến khác nói rằng, tuy đã có nhiều học liệu về truy cập mở, nhưng còn tài liệu liên quan đến tạp chí săn mồi – một vấn đề nhức nhối trong giới truy cập mở? Tuy chưa có học liệu chính thức nhưng đã có nguồn tham khảo để các tổ chức có thể tự xây dựng tài liệu đánh giá cho mình. Đó là báo cáo của tổ chức IAP (InterAcademy Partnership – Liên hiệp của 140 tổ chức học thuật toàn cầu) về việc đấu tranh với các tạp chí săn mồi. Trong đó, họ đưa ra các tiêu chí “mềm” để đánh giá các tạp chí khoa học liệu có “đáng ngờ” hay không. Gọi là các tiêu chí “mềm” bởi nếu là tiêu chí “cứng” sẽ không tránh khỏi những thiên kiến và nhận định cực đoan (chẳng hạn như mặc định tạp chí nào xuất phát từ Ấn Độ sẽ đều là tạp chí săn mồi).
***
Lịch trình của nhóm làm việc xây dựng năng lực khoa học mở của UNESCO[7]
Mặc dù tài liệu và những ý kiến trong hai buổi họp của Nhóm làm việc về Xây dựng năng lực khoa học mở chưa được UNESCO phát hành chính thức, chúng là tài nguyên rất hữu ích cho bất kỳ bên liên quan nào ở Việt Nam có quan tâm tới việc xây dựng năng lực khoa học mở ngay từ bây giờ, giúp chúng ta có thể có khả năng bám theo với hy vọng bắt kịp với xu thế Khoa học Mở không thể đảo ngược của thế giới ngày nay.
Các chú giải
[1] UNESCO, 2019: Recommendation on Open Educational Resources (OER): https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373755/PDF/373755eng.pdf.multi.page=3. Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0, tr. 6.
[2] UNESCO, 12/05/2022: Existing initiatives, opportunities and gaps for Open Science capacity building: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/05/Existing%20initiatives%2C%20opportunities%20and%20gaps%20for%20Open%20Science%20capacity%20building.pdf
[3] UNESCO, 2022: UNESCO Open Science Toolkit - Guidance: https://www.dropbox.com/s/h2k76mc6snkwed1/Draft-Open%20Science%20CB%20guide.pdf?dl=0. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/qflcm81mixefxjb/UNESCO%20OPEN%20SCIENCE%20TOOLKIT%20GUIDANCE_Draft_Vi-17102022.pdf?dl=0
[4] UNESCO, 26/09/2022: Index of open science capacity building and training modules: https://www.dropbox.com/s/r5hkpvmlekdvaek/OS%20Capacity%20Building%20resource%20index_19Sept.pdf?dl=0
[5] Trang Giáo dục Mở - Tài nguyên Giáo dục Mở: Định nghĩa Kiến thức Khoa học Mở: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/dinh-nghia-kien-thuc-khoa-hoc-mo-640.html
[6] UNESCO, 2019: Recommendation on Open Educational Resources (OER): https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373755/PDF/373755eng.pdf.multi.page=3. Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0, tr. 6.
[7] UNESCO, 12/05/2022: First meeting of the UNESCO Working Group on Open Science Capacity Building: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/05/Objectives%20of%20the%20Working%20Group%20on%20Open%20Science%20Capacity%20Building.pdf, p. 17
Giấy phép nội dung: CC BY-SA 4.0 Quốc tế
Lê Trung Nghĩa
Tác giả: Nghĩa Lê Trung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...