Tính mở trong các khung năng lực số của châu Âu và vài gợi ý triển khai chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Thứ năm - 21/10/2021 06:26
Tính mở trong các khung năng lực số của châu Âu và vài gợi ý triển khai chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Tóm tắt: Để giúp chuyển đổi số thành công, từ 2005 châu Âu đã có hàng chục nghiên cứu, hàng trăm xuất bản phẩm và kết quả đã ban hành một số khung năng lực số cho các công dân và các nhóm người khác nhau trong xã hội. Tính mở là một trong những điều kiện không thể thiếu trong các khung năng lực số đó. Đây là điều Việt Nam có thể học tập để chuyển đổi số thành công trong mọi lĩnh vực nói chung, lĩnh vực thư viện nói riêng theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Các từ khóa: khung năng lực số; cấp phép mở; tài nguyên giáo dục mở; dữ liệu mở;

***

A. Đặt vấn đề

Ngày 03/06/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó giáo dục là một trong tám lĩnh vực ưu tiên.

Tiếp đến, ngày 11/02/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tính mở đã được nhấn mạnh với các từ khóa tài nguyên giáo dục mởdữ liệu mở được nhắc tới vài lần.

Bài viết này đề xuất một cách tiếp cận cùng vài gợi ý để triển khai theo định hướng từ 2 quyết định nêu trên với mục đích để chuyển đổi số thành công trong ngành thư viện.


B. Cách tiếp cận

Để chuyển đổi số thành công, dù ở bất kỳ quốc gia hay lĩnh vực nào, cần tới các công dân hoặc con người có đầy đủ các năng lực số ở những nơi đó. Tới lượt nó, để đánh giá và thẩm định ai đó hay tổ chức nào đó có đầy đủ các năng lực số, cách tốt nhất là dựa vào các khung năng lực số. Nói một cách khác, để chuyển đổi số thành công, việc xây dựng các khung năng lực số cho một vài đối tượng khác nhau, cả tập thể và cá nhân, cho tất cả mọi người trong xã hội là điều kiện tiên quyết, để có thể định hướng cho việc dạy, học và đánh giá thế nào là có đủ năng lực số và xây dựng chính sách phù hợp dựa vào bằng chứng và theo các chuẩn mực thống nhất, và trên cơ sở đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số. Cùng với chúng, việc xây dựng các kế hoạch hành động giáo dục số cũng là cần thiết để đưa các khung đó vào thực tế cuộc sống.

Bạn làm việc trong ngành thư viện ư? Dù bạn có thể là bất kỳ ai, trước hết bạn là một công dân, là một người tiêu dùng, bạn cũng có thể là một nhà giáo dục (bất kỳ người nào có liên quan trong quá trình giảng dạy hoặc truyền đạt kiến thức), làm việc trong một cơ sở giáo dục (như: các trường tiểu học, trung học, dạy nghề cũng như các cơ sở giáo dục đại học như các trường đại học, các trường cao đẳng và các trường bách khoa), hay bạn muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực thư viện, ví dụ, xây dựng một thư viện kỹ thuật số do tư nhân quản lý. Và dù bạn là bất kỳ ai được nêu ở đây, bạn sẽ cần có đủ các năng lực số, thường chúng được trình bày trong các khung năng lực số, để bạn có thể có các cơ hội được tuyển dụng làm việc, có công văn việc làm tương tất, hoặc khởi nghiệp thành công trong kỷ nguyên số.

Đây là cách làm của Liên minh châu Âu, một trong những trung tâm phát triển nhất của thế giới trong chuyển đổi số với tính mở đi cùng với các khung năng lực số đó.

Là quốc gia đi sau cả về chuyển đổi số cũng như tính mở (được thể hiện qua hàng loạt các khái niệm như cấp phép mở, tài nguyên giáo dục mở, dữ liệu mở, .v.v.), một trong các cách thức tiếp cận để giải quyết vấn đề của cả SỐ và MỞ, là đứng trên vai những người khổng lồ, ví dụ như, dựa vào các khung năng lực số với tính mở của Liên minh châu Âu, chúng là kết quả của hàng chục nghiên cứu từ năm 2005 với hàng trăm xuất bản phẩm cho tới nay, điều chưa từng có ở Việt Nam, tính tới thời điểm Quyết định số 749/QĐ-TTg được ban hành vào tháng 6/2020.

Việc xây dựng các khung năng lực số và kế hoạch hành động giáo dục số cho Việt Nam, ví dụ như, trên cơ sở tùy biến thích nghi các khung năng lực số của Liên minh châu Âu, là rất cần thiết ở thời điểm hiện tại, nhưng vì nội dung này cùng với một vài gợi ý về chúng đã được trình bày trong một bài viết khác[1], nên bài viết này sẽ tập trung vào các khía cạnh của tính mở trong các khung năng lực số đó, để từ đó có thể rút ra các bài học và gợi ý cho việc chuyển đổi số thành công của ngành thư viện theo các quyết định gần đây của Thủ tướng Chính phủ như được nêu ở phần trên.


C. Tính mở trong các khung năng lực số của Liên minh châu Âu

Trước hết, cần khẳng định rõ rằng tính mở - một phần rất quan trọng không thể bỏ qua trong các khung năng lực số của châu Âu - là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay trên thế giới, như Khuyến cáo Tài nguyên Giáo dục Mở [2] năm 2019 của Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) (193 quốc gia thành viên đã phê chuẩn ngày 25/11/2019) hay Khuyến cáo Khoa học Mở[3] năm 2021 (dự kiến sẽ được các quốc gia thành viên phê chuẩn vào tháng 11/2021 nhân kỳ họp toàn thể lần thứ 41 của UNESCO).

Tính mở trong các khung năng lực số của Liên minh châu Âu sẽ được trình bày lần lượt bên dưới đây.

C1. Khung năng lực số cho các tổ chức giáo dục (DigCompOrg)[4]

Hình 1: Khung năng lực số cho các tổ chức giáo dục (DigCompOrg)[4]

DigCompOrg có 74 trình mô tả được xây dựng theo 7 yếu tố chủ đề, 15 yếu tố phụ. Dưới đây là danh sách 7 yếu tố chủ đề với các yếu tố phụ của DigCompOrg:

  1. Các thực hành lãnh đạo và điều hành: (1) Tích hợp việc học tập của kỷ nguyên số như một phần của toàn bộ sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược; (2) Chiến lược học tập số được kế hoạch triển khai hỗ trợ; (3) Có tại chỗ mô hình quản lý và điều hành;

  2. Các thực hành dạy và học: (4) Năng lực số được thúc đẩy, được đánh giá và có định chuẩn; (5) Suy nghĩ lại các vai trò và các tiếp cận sư phạm;

  3. Phát triển nghề nghiệp. Không có yếu tố phụ cho yếu tố chủ đề này.

  4. Các thực hành đánh giá: (6) Các định dạng đánh giá là hấp dẫn và tạo động lực; (7) Học tập phi chính quy và không chính quy được thừa nhận; (8) Thiết kế học tập được phân tích học tập hỗ trợ;

  5. Nội dung và chương trình giảng dạy: (9) Nội dung số và tài nguyên giáo dục mở (OER) được thúc đẩy và sử dụng rộng rãi; (10) Chương trình giảng dạy được thiết kế lại hoặc giải thích lại để phản ánh các khả năng sư phạm kham được bởi các công nghệ số;

  6. Cộng tác và kết nối mạng: (11) Kết nối mạng, chia sẻ và cộng tác được thúc đẩy; (12) Có tiếp cận chiến lược về truyền thông; (13) Các quan hệ đối tác được phát triển;

  7. Hạ tầng: (14) Các không gian học tập vật lý và ảo được thiết kể để học tập trong kỷ nguyên số; (15) Hạ tầng số được lên kế hoạch và được quản lý.

Hình 1 cho thấy, Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM) là một thành phần không thể thiếu trong nội dung và chương trình giảng dạy của các tổ chức giáo dục. Đi sâu vào phân tích các yếu tố chủ đề, các yếu tố phụ và các trình mô tả của DigCompOrg sẽ thấy nhiều hơn các yếu tố của tính mở, như được trình bày dưới đây.

Bảng 1. Yếu tố tính mở trong khung DigCompOrg

Yếu tố chủ đề

Yếu tố phụ

Trình mô tả (TrMT)

Từ khóa

Các thực hành lãnh đạo và điều hành

Tích hợp việc học tập của kỷ nguyên số như một phần của toàn bộ sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược

TrMT 4. Giáo dục mở là khía cạnh tham gia của công chúng

Giáo dục Mở (GDM)

Nội dung và chương trình giảng dạy

Nội dung số và TNGDM được thúc đẩy và sử dụng rộng rãi

Các TrMT 43-47 của yếu tố phụ ‘Nội dung số và TNGDM được thúc đẩy và sử dụng rộng rãi’

Tài nguyên giáo dục mở (TNGDM)


Diễn giải yếu tố tính mở có trong các trình mô tả (TrMT):

  • TrMT 4. Giáo dục mở là khía cạnh tham gia của công chúng. Khía cạnh tham gia của công chúng trong chiến lược của tổ chức bao gồm các cam kết mở các thực hành giáo dục như các khóa học mở, các bài giảng mở và truy cập mở tới các tài nguyên và các xuất bản phẩm số.

  • TrMT 43. Các nhân viên và sinh viên là những người tạo lập nội dung. Tổ chức khuyến khích và hỗ trợ các nhân viên và sinh viên trở thành các nhà sáng tạo cũng như những người tiêu dùng nội dung số đặc thù chủ đề và xuyên suốt chương trình giảng dạy, để sử dụng cả trong các lĩnh vực chương trình giảng dạy chính quy và phi chính quy.

  • TrMT 44. Các kho nội dung được sử dụng rộng rãi và hiệu quả. Các nhân viên và sinh viên phát triển sự thông thạo trong việc xác định và sử dụng các kho nội dung phù hợp với các chương trình học tập của họ và trong việc bổ sung thêm giá trị của cộng đồng cho các kho thông qua sự tham gia chú giải và bình luận.

  • TrMT 45. Sở hữu trí tuệ và bản quyền được tôn trọng. Tổ chức có các chính sách và thủ tục để đảm bảo các bên tham gia đóng góp có đầy đủ thông tin về các quy định sở hữu trí tuệ và bản quyền khi tìm kiếm các nguồn, sử dụng, pha trộn hoặc tạo lập nội dung số.

  • TrMT 46. Các công cụ và nội dung số được cấp phép theo yêu cầu. Tổ chức có các chính sách và thủ tục về khía cạnh cấp phép cho nội dung (như, các sách điện tử, các tạp chí), các phần mềm, ứng dụng, nền tảng và các tài nguyên giáo dục khác có nguồn gốc từ các nhà xuất bản /nhà cung cấp thương mại.

  • TrMT 47. Tài nguyên Giáo dục Mở được thúc đẩy và sử dụng. Tổ chức tích cực thúc đẩy sử dụng/pha trộn/tạo lập TNGDMcấp phép Creative Commons để hỗ trợ chương trình giảng dạy được hiện đại hóa và cung cấp cho các sinh viên các cơ hội phát triển kiến thức và các kỹ năng của họ và đạt được các kết quả đầu ra học tập toàn diện.

Ngoài các yếu tố tính mở nằm trực tiếp trong DigCompOrg như được nêu ở trên, còn có yếu tố tính mở gián tiếp nằm trong diễn giải của vài trình mô tả khác, ví dụ như từ khóa TNGDM có trong yếu tố chủ đề số 2: Các thực hành dạy và học; yếu tố phụ: Suy nghĩ lại các vai trò và các tiếp cận sư phạm; TrMT 23: Các vai trò mới được hình dung cho các sinh viên.

C2. Khung năng lực số cho các nhà giáo dục (DigCompEdu)[5]

DigCompEdu đưa ra 22 năng lực cơ bản được tổ chức thành 6 lĩnh vực năng lực dành cho các nhà giáo dục, như được minh họa trên Hình 2.

Hình 2: Khung năng lực số cho các nhà giáo dục (DigCompEdu)[5]

Dưới đây là danh sách 6 lĩnh vực với 22 năng lực của DigCompEdu:

  1. Tham gia chuyên nghiệp: (1) Truyền thông của tổ chức; (2) Cộng tác chuyên nghiệp; (3) Thực hành phản xạ; (4) Phát triển liên tục sự chuyên nghiệp số – CPD (Continuous Professional Development).

  2. Các tài nguyên số: (5) Lựa chọn tài nguyên số; (6) Tạo lập và sửa đổi tài nguyên số; (7) Quản lý, bảo vệ và chia sẻ tài nguyên số;

  3. Dạy và học: (8) Giảng dạy; (9) Hướng dẫn; (10) Học cộng tác; (11) Học tập tự điều chỉnh;

  4. Đánh giá: (12) Chiến lược đánh giá; (13) Phân tích bằng chứng; (14) Phản hồi và lên kế hoạch;

  5. Trao quyền cho người học: (15) Khả năng tiếp cận và hòa nhập; (16) Khác biệt hóa và cá nhân hóa; (17) Người học tham gia tích cực;

  6. Tạo thuận lợi cho năng lực số của người học: (18) Sáng thông tin và phương tiện; (19) Truyền thông và cộng tác số; (20) Tạo lập nội dung số; (21) Sử dụng có trách nhiệm; (22) Giải quyết vấn đề số.

Trong 6 lĩnh vực ở trên, 5 lĩnh vực đầu là đặc trưng cho các năng lực của các nhà giáo dục, trong khi lĩnh vực số 6 (Tạo thuận lợi cho năng lực số của người học) là dành cho những người học, được tùy chỉnh từ Khung năng lực số cho các công dân (DigComp).

Bảng 2. Yếu tố tính mở trong khung DigCompEdu

Lĩnh vực

Năng lực số

Mô tả có yếu tố tính mở

2. Các tài nguyên số

6. Tạo lập và sửa đổi tài nguyên số

Sửa đổi và xây dựng dựa vào các tài nguyên được cấp phép mở sẵn có và các tài nguyên khác ở những nơi điều này được phép. Tạo lập hoặc cùng tạo lập các tài nguyên giáo dục số mới...

7. Quản lý, bảo vệ và chia sẻ tài nguyên số

Tổ chức nội dung số và làm cho nó sẵn sàng cho những người học, phụ huynh và các nhà giáo dục khác. Bảo vệ hiệu quả nội dung số nhạy cảm. Tôn trọng và áp dụng đúng các quy định về tính riêng tư và bản quyền. Hiểu việc sử dụng và tạo lập các giấy phép mở và tài nguyên giáo dục mở, bao gồm thừa nhận ghi công đúng của chúng.

6. Tạo thuận lợi cho năng lực số của người học

20. Tạo lập nội dung số

Kết hợp các hoạt động học tập, bài tập và đánh giá, điều đòi hỏi những người học bày tỏ bản thân qua các phương tiện số, và sửa đổi và tạo lập nội dung số ở các định dạng khác nhau. Dạy những người học cách áp dụng bản quyền và các giấy phép cho nội dung số, cách tham chiếu tới các nguồn và ghi công các giấy phép.


C3. Khung năng lực số cho các công dân (DigComp)[6]

DigComp phiên bản hiện hành v2.1 có 21 năng lực được tổ chức theo 5 lĩnh vực, cùng với 8 mức thông thạo dành cho từng trong số 21 năng lực như được liệt kê dưới đây:

  1. Sáng thông tin và dữ liệu: (1) Duyệt, tìm kiếm và lọc dữ liệu, thông tin và nội dung số; (2) Đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số; (3) Quản lý dữ liệu, thông tin và nội dung số;

  2. Truyền thông và cộng tác: (4) Tương tác thông qua các công nghệ số; (5) Chia sẻ thông qua các công nghệ số; (6) Tham gia quyền công dân thông qua các công nghệ số; (7) Cộng tác thông qua các công nghệ số; (8) Quy tắc ứng xử trên mạng; (9) Quản lý danh tính số;

  3. Tạo lập nội dung số: (10) Phát triển nội dung số; (11) Tích hợp và tái chi tiết hóa nội dung số; (12) Bản quyền và các giấy phép; (13) Lập trình;

  4. An toàn: (14) Bảo vệ các thiết bị; (15) Bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của cá nhân; (16) Bảo vệ sức khỏe và phúc lợi; (17) Bảo vệ môi trường

  5. Giải quyết vấn đề: (18) Giải quyết các vấn đề kỹ thuật; (19) Xác định các nhu cầu và các công nghệ đáp ứng; (20) Sử dụng sáng tạo các công nghệ số; (21) Xác định các khoảng cách về năng lực số.


Bảng 3. Yếu tố tính mở trong khung DigComp

Lĩnh vực

Năng lực số

Mô tả yếu tố tính mở

3. Tạo lập nội dung số

10. Phát triển nội dung số;

11. Tích hợp và tái chi tiết hóa nội dung số;

12. Bản quyền và giấy phép

Hiểu cách bản quyền và các giấy phép áp dụng cho dữ liệu, thông tin và nội dung số

Ví dụ sử dụng trong kịch bản việc làm: phát triển khóa học ngắn đào tạo nhân viên về thủ tục sẽ áp dụng trong tổ chức:

- có thể nói cho đồng nghiệp các kho hình ảnh nào tôi thường sử dụng để tìm kiếm các hình ảnh tôi có thể tải về tự do không mất tiền cho một video ngắn hướng dẫn một thủ tục mới cho các nhân viên của tổ chức của tôi,

- có thể làm việc với các vấn đề như xác định biểu tượng chỉ ra liệu một hình ảnh được cấp phép bằng một dạng giấy phép Creative Commons nhất định và vì thế có thể được sử dụng lại mà không cần sự cho phép của tác giả hay không.


C4. Khung năng lực số cho người tiêu dùng (DigCompConsumer)[7]

DigCompConsumer được xây dựng với mục đích cung cấp các năng lực số cần thiết cho người tiêu dùng để hoạt động tích cực, an toàn và quả quyết trong thị trường số. DigCompConsumer được xây dựng dựa vào DigComp và vì vậy có bảng so sánh các năng lực của 2 khung đó như Bảng 4 bên dưới, và cũng từ đây có thể thấy năng lực ‘Bản quyền và giấy phép’ của DigComp là y hệt với năng lực Hiểu về các bản quyền, giấy phép, và hợp đồng các hàng hóa và dịch vụ sốcủa DigCompConsumer, và vì vậy có thể nhận diện được yếu tố tính mở của DigCompConsumer chính ở năng lực này.

Bảng 4. So sánh giữa DigComp và DigCompConsumer

DigComp

DigCompConsumer

1.1 Duyệt, tìm kiếm và lọc dữ liệu, thông tin và nội dung số

Duyệt, tìm kiếm và lọc thông tin về các hàng hóa và dịch vụ

1.2 Đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số

Đánh giá và so sánh thông tin về các hàng hóa và dịch vụ

2.1 Tương tác thông qua các công nghệ số

Tương tác trong thị trường số để mua và bán

2.2 Chia sẻ thông qua các công nghệ số

Chia sẻ thông tin với những người tiêu dùng khác trong thị trường số

2.3 Tham gia quyền công dân thông qua các công nghệ số

Đánh giá các quyền của người tiêu dùng trong thị trường số

2.6 Quản lý danh tính số

Quản lý danh tính và hồ sơ số trong thị trường số

3.3 Bản quyền và các giấy phép

Hiểu về các bản quyền, giấy phép, và hợp đồng các hàng hóa và dịch vụ số

4.2 Bảo vệ dữ liệu và tính riêng tư của cá nhân

Bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân

4.3 Bảo vệ sức khỏe và phúc lợi

Bảo vệ sức khỏe và an toàn

5.4 Xác định các khoảng cách về năng lực số

Xác định các khoảng cách và hạn chế về năng lực số của người tiêu dùng


Lưu ý: Bảng này đã loại bỏ các năng lực của DigComp mà không có các năng lực tương ứng của DigCompConsumer, ngược lại.


C5. Khung năng lực khởi nghiệp (EntreComp)[8]

Dù không phải là khung năng lực số như các khung được nêu ở trên, nhưng là quan trọng và cần thiết khi nó có thể được kết hợp với các khung năng lực số khác, như DigComp[9], DigCompOrg và/hoặc DigCompEdu để giúp những người có nhu cầu khởi nghiệp thành công trong mọi lĩnh vực trong kỷ nguyên số, đặc biệt trong hai lĩnh vực đặc thù là công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) và giáo dục, bao gồm cả việc khởi nghiệp trong lĩnh vực thư viện. Lưu ý là: một trong các lý do để xây dựng các khung năng lực số là để mọi người có các năng lực số cần thiết để có cơ hội khởi nghiệp thành công trong kỷ nguyên số.


E. Tính mở và nhu cầu về năng lực số trong Quyết định 206/QĐ-TTg

Để có thể đưa ra vài gợi ý đáp ứng các nhu cầu về tính mở có trong Quyết định 206/QĐ-TTg, bảng dưới đây liệt kê tất cả các phần nội dung có liên quan tới tính mở trong Quyết định đó.

Bảng 5. Quyết định 206/QĐ-TTg, tính mở và nhu cầu năng lực cho chuyển đổi số

Phần

Tiểu phần

Mục và nội dung mục/đoạn

I. Mục tiêu

2. Mục tiêu chủ yếu và định hướng

a) Mục tiêu chủ yếu tới năm 2025

Đoạn 2: 100% thư viện có vai trò quan trọng, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở trung ương có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa; .v.v.

II. Nhiệm vụ và giải pháp

4. Phát triển dữ liệu số ngành thư viện

a) Tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở, .v.v.

5. Xây dựng và phát triển nền tảng số

đ) Xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia, góp phần xây dựng thành phố thông minh và xây dựng xã hội học tập.

7. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

a) Đổi mới chương trình, hình thức và đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác thư viện; biên soạn đầy đủ sách, tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng với nội dung, hình thức phong phú, dễ nắm bắt, cập nhật.

IV. Tổ chức thực hiện

5. Bộ GDĐT, Bộ LĐ-TB-XH

c) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở dùng chung.


F. Vài gợi ý để chuyển đổi số ngành thư viện thành công

  1. Có chính sách cấp phép mở Creative Commons. Tài nguyên không được cấp phép mở, thì không là tài nguyên mở, không là dữ liệu mở, cũng không là tài nguyên giáo dục mở!

  2. Có các khung năng lực số. Nên dựa vào và tùy chỉnh các khung năng lực số của châu Âu cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam cũng như của ngành thư viện trong từng giai đoạn, với mức độ ưu tiên các khung cho: (1) công dân (như DigComp); (2) cơ sở giáo dục (như DigCompOrrg): (3) nhà giáo dục (như DigCompEdu); (4) khởi nghiệp (như EntreComp); (5) người tiêu dùng (như DigCompConsumer).

  3. Có chính sách truy cập mở tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Việc không có chính sách truy cập mở chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở, vì chúng là tập con của truy cập mở, nhìn từ góc độ cấp phép mở (Hình 3).

Hình 3: Dữ liệu Mở và Tài nguyên Giáo dục Mở là tập con của tài nguyên truy cập mở

  1. Có chính sách về Tài nguyên Giáo dục Mở. Chính sách này nên được xây dựng dựa vào Khuyến cáo Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO năm 2019, được tùy biến thích nghi và liên tục cập nhật cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trong từng giai đoạn. Lưu ý tới nguyên tắc của OpenGLAM - tiếp tục đặt (các) phiên bản số hóa của (các) di sản văn hóa đã hết thời hạn bảo hộ của luật vào phạm vi công cộng, hệt như trước khi chúng được số hóa[10]. GLAM là viết tắt từ tiếng Anh của Galleries - Phòng trưng bày; Libraries - Thư viện; Archives - Kho lưu trữ; và Museums - Viện bảo tàng.

  2. Triển khai các khóa thực hành khai thác Tài nguyên Giáo dục Mở kết hợp với nội dung các Khung năng lực Số trong toàn ngành thư viện. Chúng nhằm nâng cao nhận thức và các năng lực số cần thiết cho chuyển đổi số với tính mở, như về cấp phép mở Creative Commons, Tài nguyên Giáo dục Mở, Dữ liệu Mở, cả lý thuyết lẫn thực hành.


G. Tài liệu và thông tin tham chiếu

[1] Lê Trung Nghĩa, 2021: Các khung năng lực số của Liên minh châu Âu và vài gợi ý cho Việt Nam để chuyển đổi số thành công: https://letrungnghia.mangvn.org/Author/cac-khung-nang-luc-so-cua-lien-minh-chau-au-va-vai-goi-y-cho-viet-nam-de-chuyen-doi-so-thanh-cong-6750.html

[2] UNESCO, 25/11/2019: Recommendation on Open Educational Resources. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0

[3] UNESCO, 30/03/2021: Ref.: CL/4349. Subject: Final Report on the draft text of the UNESCO Recommendation on Open Science. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/2pemsbjscajjeej/376130eng_Vi-03042021.pdf?dl=0

[4] Panagiotis Kampylis, Yves Punie, Jim Devine: Promoting Effective Digital-Age Learning - A European Framework for Digitally-Competent Educational Organisations. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/6o09lzdmcqomo4q/jrc98209_r_digcomporg_final_Vi-18032021.pdf?dl=0

[5] Christine Redecker, Yves Punie, 2017: European Framework for the Digital Competence of Educators - DigCompEdu. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/j4pfuddw9vpaj9e/pdf_digcomedu_a4_final_Vi-26122020.pdf?dl=0

[6] Stephanie Carretero, Riina Vuorikari and Yves Punie, 2017: DigComp 2.1: The Digital Competence Framework for Citizens With eight proficiency levels and examples of use. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/hql0bps72g491f3/web-digcomp2.1pdf_%28online%29_Vi-24012021.pdf?dl=0

[7] Brečko, B., Ferrari, A., 2016: The Digital Competence Framework for Consumers. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/kjb2r3gy47oxzlv/lfna28133enn_Vi-29012021.pdf?dl=0

[8] EC, 2018: EntreComp: The Entrepreneurship Competence Framework. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/1h4qizb9q4ttc5q/KE0417328ENN.en_Vi-25012021.pdf?dl=0

[9] EC, 2020: Digital Education Action Plan 2021-2027 - Resetting Education and Training for the Digital Age. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://ec.europa.eu/education/sites/default/files/document-library-docs/deap-swd-sept2020_en.pdf, tr. 160

[10] Lê Trung Nghĩa, 2020: Chuyển đổi số của ngành văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khía cạnh chuyển thể các tác phẩm và di sản văn hóa đang nằm trong phạm vi công cộng sang dạng kỹ thuật số: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/chuyen-doi-so-cua-nganh-van-hoa-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-va-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-va-khia-canh-chuyen-the-cac-tac-pham-va-di-san-van-hoa-dang-nam-trong-pham-vi-cong-cong-sang-dang-ky-thuat-so-312.html



Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập312
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm309
  • Hôm nay28,316
  • Tháng hiện tại477,757
  • Tổng lượt truy cập38,004,581
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây