Yêu cầu cấp bách xây dựng chính sách cấp phép mở quốc gia để giúp đối phó với đại dịch COVID-19 và tạo thuận lợi để triển khai Khoa học Mở và chương trình chuyển đổi số quốc gia

Thứ sáu - 15/10/2021 09:54
Yêu cầu cấp bách xây dựng chính sách cấp phép mở quốc gia để giúp đối phó với đại dịch COVID-19 và tạo thuận lợi để triển khai Khoa học Mở và chương trình chuyển đổi số quốc gia

(Bài viết cho Hội thảo chuyên đề: Cơ hội và thách thức đối với các cơ sở đào tạo Luật hiện nay ở Việt Nam, do Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức theo chương trình Diễn đàn Luật học mùa thu – VALF (VNU-LS Autumn Law Forum) lần thứ nhất, ngày 15/10/2021. Bài được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo, trang 6-14)

Tóm tắt: Thực tế đối phó đại dịch COVID-19 cũng như xu thế phát triển Khoa học Mở không thể đảo ngược trên thế giới cùng với nhiệm vụ triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia bằng công nghệ mở đòi hỏi cấp bách ngành luật Việt Nam xây dựng chính sách cấp phép mở quốc gia.

Các từ khóa: xây dựng chính sách cấp phép mở quốc gia, đại dịch COVID-19, Khoa học Mở, chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Abstract: The reality of dealing with the COVID-19 pandemic as well as the irreversible trend of Open Science development in the world along with the task of implementing a National Digital Transformation programme by open technologies urgently requires Vietnam’s Law sector to develop a National Open Licensing Policy.

Keywords: to develop a National Open Licensing Policy, COVID-19 pandemic, Open Science, National Digital Transformation Programme.

---

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra khắp trên thế giới. Cho tới nay đã có hơn 4 triệu người người chết và hàng trăm triệu người bị lây nhiễm đang phải điều trị và/hoặc cách ly, riêng nước Mỹ cho tới nay đã có hơn 635.000 người chết chỉ trong vòng chưa tới 2 năm kể từ khi phát hiện ra đại dịch vào tháng 1/2020 và là nước có số người chết nhiều nhất trên thế giới vì COVID-19, gấp hơn 10 lần số lính Mỹ chết trong 20 năm chiến tranh Việt Nam là 58.000 người, một cuộc chiến tranh mà cả thế giới thừa nhận là khốc liệt nhất thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới II, và con số đó hiện vẫn tiếp tục gia tăng hàng ngày. Tại Việt Nam, con số người chết vì COVID-19 tính tới ngày 12/08/2021 là gần 4.500 người và hơn 236.000 người bị lây nhiễm, nhiều nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, với hơn 3.500 người chết và hơn 132.000 người bị lây nhiễm - hầu hết các con số này - mới xuất hiện từ 27/04/2021 cho tới 12/08/2021. Con số thiệt hại cho xã hội và các nền kinh tế chắc chắn còn khủng khiếp hơn nhiều cùng vô vàn khó khăn của hàng tỷ người trên thế giới để thích ứng được với trạng thái bình thường mới, thậm chí với khả năng phải sống chung với COVID-19.

Hình 1. Số liệu COVID-19 trên https://ncov.moh.gov.vn/, truy cập ngày 12/08/2021

Hình 2. Số liệu COVID-19, https://baomoi.com/events/coronavirus.epi, 12/08/2021


Ngay bây giờ, ngay trong những ngày này, hầu như ở từng quốc gia trên thế giới, một cuộc chiến khác đang diễn ra, cuộc chiến chạy đua với thời gian theo từng ngày, từng giờ, trong việc giành được và tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân của mình, với hy vọng của mọi quốc gia nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Câu hỏi đặt ra là: đại dịch COVID-19 với những con số thiệt hại cao khủng khiếp và chưa từng có về người và của chỉ trong một thời gian rất ngắn đó thì có liên quan gì tới yêu cầu cấp bách về xây dựng chính sách cấp phép mở quốc gia của Việt Nam? và tới lượt nó, yêu cầu cấp bách về xây dựng chính sách cấp phép mở quốc gia thì có liên quan gì tới Khoa học Mở Chương trình chuyển đổi số quốc gia?

Chắc chắn, việc xây dựng chính sách cấp phép mở quốc gia có liên quan tới việc nghiên cứu, xem xét, và rà soát lại khía cạnh các quyền sở hữu trí tuệ - IPR (Intellectual Property Rights), bản quyền, bằng sáng chế và/hoặc phạm vi công cộng, cùng với các khía cạnh liên quan có thể khác, trong các Luật và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ví dụ như, Luật sở hữu trí tuệ, Luật xuất bản, Luật thư viện... và ngành luật là nơi có các chuyên gia am hiểu luật tốt nhất để có thể thực hiện công việc này thành công.

Ngày 5/5/2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ các bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19[1]. Đại diện Thương mại Mỹ cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và các trường hợp bất thường của đại dịch Covid-19 kêu gọi các biện pháp bất thường”, và “Chính quyền rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine Covid-19”.

Nước Mỹ thường được nhắc tới như một quốc gia luôn đặt các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lên hàng đầu, cũng là nước đang hứng chịu tổn thất lớn nhất về số người chết vì COVID-19, đã có hành động bất thường kể trên, là lời cảnh tỉnh cho toàn thế giới và cho Việt Nam, về sự cần thiết điều chỉnh Luật sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế cùng các Luật liên quan khác để cứu người, không để cho hệ thống Luật sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế khắt khe hiện hành trở thành một dạng vũ khí giết người hàng loạt!

Đúng một tuần sau tuyên bố trên, trong bản thảo Khuyến cáo Khoa học Mở mới nhất được UNESCO xuất bản ngày 12/05/2021 nêu[2]: “Khủng hoảng y tế COVID-19 trên toàn cầu đã chứng minh cho cả thế giới sự cấp bách của việc khai thác truy cập tới thông tin khoa học một cách công bằng, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức, dữ liệu và thông tin khoa học, cải thiện việc ra quyết định dựa vào sự cộng tác, khoa học và kiến thức để đáp lại sự cấp bách toàn cầu và gia tăng khả năng phục hồi của xã hội”. Đây là một trong những căn cứ để xây dựng Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO, sẽ được 193 quốc gia thành viên của nó phê chuẩn vào tháng 11/2021 tới.

Trước đó một chút, vào ngày 23/04/2021, UNESCO đã tổ chức cuộc họp trên trực tuyến với các chuyên gia để thảo luận về các mối quan hệ giữa các quyền sở hữu trí tuệ – IPR (Intellectual Property Rights) và Khoa học Mở với các mục tiêu được nêu như sau[3]:

Việc thiết lập sự cân bằng giữa bảo vệ IPR và tính mở là một thách thức chính sách hiện hành quan trọng sống còn để vận hành Khoa học Mở khắp trên thế giới. Khung IPR, nếu được định nghĩa đúng ngay từ đầu, có thể là công cụ quan trọng cho Khoa học Mở để đảm bảo, trong số những điều khác, tất cả những người đóng góp chia sẻ dữ liệu, thông tin và kiến thức khoa học của họ được thừa nhận và công nhận đúng.

Trong ngữ cảnh này, cuộc họp của các chuyên gia sẽ cung cấp cơ hội để thảo luận về các mối quan hệ giữa IPR và Khoa học Mở; để trình bày các công cụ và cơ chế khác nhau đang tồn tại nhằm hòa giải quyền sở hữu và việc chia sẻ/tính mở, và để trao đổi về các tiếp cận cân bằng giữa IPR và Khoa học Mở.

Điều này cho thấy 2 khía cạnh của vấn đề cần được lưu ý:

  1. Luật sở hữu trí tuệ và các Luật liên quan tới sở hữu trí tuệ, ở mức quốc tế, còn chưa được định nghĩa đúng và cần phải thay đổi bằng việc thiết lập sự cân bằng giữa bảo vệ IPR và tính mở để thúc đẩy Khoa học Mở phát triển để giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay, đặc biệt đại dịch COVID-19.

  2. Luật sở hữu trí tuệ và các Luật liên quan tới sở hữu trí tuệ là thay đổi được để giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới bây giờ và trong tương lai.

Một vài ví dụ thực tế nổi bật trong phòng chống COVID-19 có liên quan tới chính sách về sở hữu trí tuệ đã được nêu trong bài báo gần đây trên tạp chí Tia Sáng[4]:

  • Cam kết COVID-19 Mở (Open COVID-19 Pledge). Cam kết này được thành lập tháng 4/2020, đã kêu gọi các tổ chức khắp trên thế giới làm cho các bằng sáng chế và bản quyền của họ sẵn sàng tự do không mất tiền để đấu tranh với đại dịch COVID-19 bằng việc cấp phép mở với 3 loại giấy phép COVID mở. Cho tới nay, ước tính có khoảng 500.000 bằng sáng chế và nhiều bản quyền đã cam kết mở công khai để đối phó với COVID-19.

  • Hệ thống truyền thông học thuật tất yếu phải thay đổi theo hướng mở, phù hợp với sự phát triển của Khoa học Mở và Truy cập Mở. Sự lỗi thời của mô hình xuất bản truyền thống dựa vào thuê bao của người sử dụng và sự nổi lên của các máy chủ preprints - chứa các bài báo nghiên cứu và học thuật chưa được rà soát lại ngang hàng, hướng tới Truy cập Mở Kim cương[5], nơi mà cả những người sử dụng và các tác giả đều không phải trả tiền để truy cập được tới các xuất bản phẩm nghiên cứu trên các tạp chí; nơi các nhà cấp vốn nghiên cứu (bất kể từ tổ chức nhà nước, tư nhân, từ thiện hoặc khác nào) chi trả các khoản phí xử lý bài báo được đăng trên các tạp chí và/hoặc duy trì hoạt động của hệ thống xuất bản truy cập mở kim cương đó. Liên minh S (cOAlition S)[6] với 27 nhà cấp vốn nghiên cứu đã và đang triển khai Kế hoạch S (Plan S) theo hướng Truy cập Mở Kim cương với yêu cầu rằng, từ 2021, các xuất bản phẩm khoa học là kết qủa từ nghiên cứu được các trợ cấp nhà nước cấp vốn phải được xuất bản trên các tạp chí hoặc các nền tảng tuân thủ Truy cập Mở.

Ví dụ nổi bật nhất trong đại dịch COVID-19 có lẽ là sự hình thành cộng đồng phần cứng nguồn mở (PCNM) cung ứng các thiết bị bảo vệ cá nhân - PPE (Personal Protective Equipment) và các vật tư y tế bị thiếu hụt nghiêm trọng vì sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự thất bại của cả các chính phủ và các doanh nghiệp lớn để đáp ứng sự thiếu hụt và đứt gãy đó, đặc biệt trong những ngày đầu của đại dịch, vào Quý I/2020. Khởi nguồn từ nước Mỹ, cộng đồng PCNM đó đã nhanh chóng lan ra toàn cầu với các hoạt động của nó được mô tả ngắn gọn như sau:

Một chuỗi cung ứng mới được phân phối, được sản xuất ở địa phương rộng khắp quốc gia và khắp trên thế giới đã xuất hiện từ con số không chỉ trong vài tuần.

Cộng đồng PCNM này với hơn 42.000 người, gồm 1.878 cá nhân và nhóm người ở 86 quốc gia trên thế giới đã sản xuất và phân phối được hơn 48,3 triệu đơn vị vật tư y tế có trị giá hơn 271 triệu USD, như trên Hình 3.

Hình 3. Tác động toàn cầu của cộng đồng Vật tư Y tế Nguồn Mở (OSMS)[7]

Quan trọng hơn, nó đã cho thấy một thực tế là:

Trích dẫn[8]:

Các quy trình thiết kế kỹ thuật truyền thống là “nguồn đóng” - các kết quả đầu ra của chúng được coi là sở hữu trí tuệ của các công ty trả tiền cho các nhóm những người thiết kế và các kỹ sư. Trong khi có hiệu quả và lợi nhuận qua thời gian dài, dạng phát triển này có thể là chậm và có hạn chế, khi từng nhóm làm việc trong một giải pháp phải tiến hành nghiên cứu người sử dụng của riêng nó, phát triển các yêu cầu dự án của riêng nó, lặp đi lặp lại trong thiết kế và nguyên mẫu, và phát triển các thiết kế của riêng nó cho các quy trình chế tạo cụ thể.

Ngược lại, các quy trình thiết kế và kỹ thuật nguồn mở có thể diễn ra cực kỳ nhanh chóng, khi toàn bộ các cộng đồng của hàng trăm ngàn người có thể đóng góp cho sự hiểu biết được chia sẻ của nghiên cứu, các yêu cầu của dự án, các thiết kế, và các quy trình chế tạo. Do tất cả thông tin và thiết kế nguồn mở đều được công khai, bất kỳ ai trên thế giới (chứ không chỉ là bất kỳ ai ở Việt Nam) đều có thể bổ sung vào khối kiến thức này, phát triển các thiết kế phái sinh, hoặc sản xuất các vật tư từ các kế hoạch hiện có mà không cần phải thiết kế cho riêng họ.

Hết trích dẫn

Thực tế các hoạt động của cộng đồng PCNM này cho thấy cần điều chỉnh vài khía cạnh trong các hoạt động của chính phủ Mỹ, và một trong số đó là khuyến cáo điều chỉnh các tiêu chuẩn và quy định hiện hành trong pháp luật của nước Mỹ nói riêng, và cũng là gợi ý cho các quốc gia khác nói chung:

Hệ thống (pháp luật) hiện hành cho việc điều chỉnh trang thiết bị y tế đã không được thiết kế để dàn xếp dạng thiết kế và sáng tạo PCNM cộng tác, phân tán, độc lập đã chứng minh rất sống còn để đáp trả COVID-19. [...] sự đáp trả COVID-19 minh họa cho vai trò quan trọng mà các cộng đồng PCNM có thể đóng trong khủng hoảng.”

Thực tế này là không khác gì ở Việt Nam hiện nay, và vì thế hệ thống pháp luật cũng cần phải thay đổithay đổi được càng nhanh càng tốt để đối phó với đại dịch COVID-19 và các khủng hoảng tương tự trong tương lai, cũng là để tạo điều kiện để PCNM - một trong các thành phần chính của Khoa học Mở - phát triển.

Từ góc nhìn khác, chính phủ Việt Nam khẳng định lựa chọn công nghệ mở để thực hiện chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia[9] trong những năm tới, với mục đích để xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong Ngày Công nghệ Mở Việt Nam 2020[10] (Vietnam Open Summit lần thứ nhất), như sau:

Công nghệ thông tin, công nghệ số đã trở thành nền tảng của KT-XH. Cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an ninh mạng. Niềm tin sẽ trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Không còn như trước đây, chúng ta mua một ‘Black Box’ từ một quốc gia khác và phó mặc số phận của quốc gia mình cho một quốc gia khác. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia.”

Bộ trưởng tiếp tục:

Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta.”

Việc lựa chọn công nghệ mở như vậy sẽ cần có sự vào cuộc tích cực của ngành Luật Việt Nam, để có khả năng, nhanh nhất có thể, điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan tới các khía cạnh như IPR và/hoặc khác để xây dựng chính sách cấp phép mở rõ ràng ở cấp chính phủ, biết rằng:

Trích dẫn[11]

“Theo Luật sở hữu trí tuệ, ngay khi một tài nguyên - một tác phẩm trí tuệ - được tạo ra, nó sẽ tự động được Luật sở hữu trí tuệ (hoặc Luật bằng sáng chế) bảo vệ, bất kể tác giả của nó có đăng ký tác phẩm đó hay không. Vì thế, chỉ khi được chính (các) tác giả cấp phép mở, tài nguyên mới thực sự là tài nguyên mở, vì người sử dụng rõ ràng có được sự cho phép từ (các) tác giả đối với tài nguyên đó để họ sử dụng mà không vi phạm bất kỳ bản quyền/các quyền sở hữu trí tuệ nào của (các) tác giả được Luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Điều này giải thích vì sao:

  • Một chương trình phần mềm không được cấp phép mở thì 100% không phải là phần mềm tự do nguồn mở. Cộng đồng phần mềm nguồn mở thế giới coi các phần mềm được gọi là ‘MỞ’ dạng này là Open Washing, tạm dịch sang tiếng Việt là “tráng qua hàng mở” hay “phần mềm nguồn mở RỞM”.

  • Tương tự, một tài nguyên không được cấp phép mở thì tài nguyên đó 100% không là tài nguyên mở, không là tài nguyên truy cập mở, không là dữ liệu mở, không là tài nguyên giáo dục mở, và nhiều nhất, chúng chỉ có thể được gọi là “tài nguyên mở RỞM”.

Đáng tiếc là tình trạng “phần mềm nguồn mở RỞM” và/hoặc “tài nguyên mở RỞM” là rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam, mà nguyên nhân sâu xa của nó có lẽ là do không một cơ sở giáo dục nào ở mọi cấp học của Việt Nam dạy về cấp phép mở, trong khi nhà nước cũng không có chính sách nào về cấp phép mở cho tới nay.”

Hết trích dẫn

Ngoài ra, phần lớn các tài nguyên mở hiện hành trên thế giới như tài nguyên truy cập mở, dữ liệu mở, tài nguyên giáo dục mở, thường được cấp các giấy phép mở Creative Commons có khả năng để máy đọc được[12], một tính năng rất quan trọng cho các công nghệ dựa vào tài nguyên số, như trí tuệ nhân tạo, trong khi, sẽ không có bất kỳ diễn giải nào trong các văn bản quy phạm pháp luật có thể thay thế được cho tính năng đó.

Để kết thúc bài viết này, một lần nữa xin được nêu lại đoạn kết bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Vietnam Open Summit lần thứ nhất, ngày 18/11/2020:

Vietnam Open Summit lần thứ nhất là cam kết của Việt Nam về phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở. Không chỉ là cam kết mà đây còn là chiến lược của chúng ta: Mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Vietnam. Không chỉ là chiến lược mà đây còn là chương trình hành động của chúng ta. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp hãy nhận lấy cho mình một công việc và cam kết hành động. Cơ quan nhà nước hãy hành động để xây dựng chính sách, chiến lược. Doanh nghiệp hãy hành động để phát triển các nền tảng. Các cơ sở đào tạo hãy hành động để nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng mở.”

Có kỳ vọng vô cùng lớn là ngành Luật Việt Nam với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và “Mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Vietnam”, sẽ XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH CẤP PHÉP MỞ QUỐC GIA trong thời gian sớm nhất có thể và theo cách thức nhanh nhất có thể, nhằm tạo bước đột phá đầu tiên và không thể thiếu, để giúp Việt Nam có thêm nhiều công cụ hữu hiệu đối phó với đại dịch COVID-19 và tạo thuận lợi để triển khai thành công Khoa học Mở và Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong những năm tới.


Các chú giải

[1] Katie Jennings, Forbes Staff, 05/05/2021: Biden Decision To Back Waiving Patents For Covid Vaccines Sparks Industry Backlash: https://www.forbes.com/sites/katiejennings/2021/05/05/biden-decision-to-back-waiving-patents-for-covid-vaccines-sparks-industry-backlash/?sh=36965cf6410b

[2] UNESCO, 12/05/2021: Draft text of the Unesco Recommendation on Open Science. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://www.dropbox.com/s/hh9havem2m15dka/376893eng_Vi-13052021.pdf?dl=0

[3] UNESCO, 23/04/2021: Towards a global consensus on Open Science - online expert meeting “Open Science and Intellectual Property Rights”. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/f5clwfg1qk61vn6/concept_note_expert_meeting_open_science_and_intellectual_property_rights_23_april_Vi-13072021.pdf?dl=0

[4] Lê Trung Nghĩa, 13/06/2021: Khoa học Mở, Truy cập Mở và tác động của đại dịch COVID-19: https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Khoa-hoc-Mo-Truy-cap-Mo-va-tac-dong-cua-dai-dich-COVID19-28215

[5] Lê Trung Nghĩa, 26/05/2021: Truy cập mở kim cương và cái đích của chuyển đổi số ngành xuất bản: https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Truy-cap-mo-kim-cuong-va-cai-dich-cua-chuyen-doi-so-nganh-xuat-ban-28170

[6] cOAlition S: https://www.coalition-s.org/

[7] OSMS: Collective Global Impact: https://opensourcemedicalsupplies.org/impact/

[8] Open Source Medical Suppliers (OSMS) and Nation of Makers, 2021: DESIGN | MAKE | PROTECT: https://opensourcemedicalsupplies.org/wp-content/uploads/2021/01/Design-Make-Protect_21.01.27.pdf, CC BY-SA 4.0, p. 25-26.

[9] Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020. Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”: http://datafilesbk.chinhphu.vn/file-remote-v2/DownloadServlet?filePath=vbpq/2020/06/749.signed.pdf

[10] Vietnamnet, 18/11/2020: Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn công nghệ mở Việt Nam: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/toan-van-phat-bieu-cua-bo-truong-nguyen-manh-hung-tai-dien-dan-cong-nghe-mo-viet-nam-689681.html

[11] Lê Trung Nghĩa: Những điều cơ bản về nguồn mở (Phần 1). Tạp chí Tia Sáng, 28/06/2021: https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Nhung-dieu-co-ban-ve-nguon-mo-Phan-1-28248

[12] wiki.creativecommons.org: Marking your work with a CC license. Machine-readability: https://wiki.creativecommons.org/wiki/Marking_your_work_with_a_CC_license#Author.2C_License.2C_Machine-readability.


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa


PS: Bài trình chiếu tại Hội thảo có tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/6rvye9oeymxrz6h/Open_License_Needed.pdf?dl=0

Tải về Kỷ yếu Hội thảo tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/g55xbx1wkid5n56/KyYeu?dl=0

Tweet: https://twitter.com/nghiafoss/status/1449413207215382535

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập195
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm193
  • Hôm nay4,892
  • Tháng hiện tại218,989
  • Tổng lượt truy cập31,374,461
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây