Cần một nền tảng mở cho chuyển đổi số trong giáo dục

Chủ nhật - 19/09/2021 06:05
Cần một nền tảng mở cho chuyển đổi số trong giáo dục

(Bài đăng trên tạp chí Giáo dục Việt Nam phiên bản điện tử, xuất bản ngày 18/09/2021 tại địa chỉ: https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/can-mot-nen-tang-mo-cho-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-post221104.gd)

Sự cần thiết của một nền tảng mở trong chuyển đổi số

Trong tài liệu “Cẩm nang chuyển đổi số”[1], ở phần “Chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước như thế nào?”, có câu hỏi “Sử dụng các nền tảng như thế nào?” các tác giả tài liệu đã nêu:

Phát triển chính phủ điện tử dựa trên hệ thống thông tin là chính. Phát triển chính phủ số dựa trên nền tảng là chính. Một cơ quan nhà nước khi đầu tư hệ thống thông tin thường mất từ 1 năm đến vài năm, cần có đội ngũ chuyên môn vận hành, quản lý. Một cơ quan nhà nước khi sử dụng các nền tảng thường chỉ mất vài tuần, để thiết lập cấu hình và hướng dẫn sử dụng, không cần có đội ngũ chuyên môn vận hành, quản lý, vì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng thực hiện việc này. Việc sử dụng các nền tảng cũng giải quyết bài toán chia sẻ dữ liệu một cách dễ dàng.

Điều này cho thấy, trước hết, để không chỉ chuyển đổi số thành công, mà còn hiệu quả nhất, ngành giáo dục cần tới một nền tảng (kỹ thuật) số.

Tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”[2] ngày 09/12/2020 với sự có mặt của cả 2 bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng:

Ngành Giáo dục hiện còn ‘thiếu một công cụ thực thi hiệu quả’, đó chính là các nền tảng số. Đây phải là nền tảng mở, để liên tục được cập nhật và tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách học, cách thi kiểm tra, hay nói cách khác là các quy trình. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giúp ngành giáo dục xây dựng được những nền tảng như thế.

Chuyển đổi số bằng công nghệ mở

Quay lại thời điểm trước cuộc hội thảo ở trên khoảng 3 tuần, vào ngày 18/11/2020, Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức “Diễn đàn Công nghệ Mở Việt Nam”[3] lần đầu tiên. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu định hướng việc triển khai chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam bằng công nghệ mở; ông nói:

Công nghệ thông tin, công nghệ số đã trở thành nền tảng của kinh tế - xã hội. Cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an ninh mạng. Niềm tin sẽ trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này.

Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Không còn như trước đây, chúng ta mua một ‘Black Box’ (hộp đen) từ một quốc gia khác và phó mặc số phận của quốc gia mình cho một quốc gia khác. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia.

Bộ trưởng đã khẳng định, chúng ta cần sử dụng công nghệ mở để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia, và vì vậy, hạ tầng nền tảng cho giáo dục và đào tạo, lĩnh vực được xếp hạng quan trọng số 2 trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, chắc chắn phải là một nền tảng mở!

Nền tảng mở là gì?

Khái niệm nền tảng mở từ lâu đã được đề cập tới trong một vài chương trình giảng dạy về công nghệ thông tin của giới nguồn mở, điển hình là trong chương trình đào tạo thạc sỹ quốc tế về phần mềm nguồn mở của Viện Công nghệ Tự do - FTA (Free Technology Academy), do một nhóm 3 trường đại học ở châu Âu tiến hành. Trong một tài liệu FTA xuất bản năm 2010 đã nêu rằng nền tảng thường là phần được tiêu chuẩn hóa của một hệ thống[4] sao cho nhiều người có thể sử dụng được.

Kiến trúc ở mức khái niệm của nền tảng mở theo Quỹ Appreta

Có thể có vài định nghĩa nền tảng mở hiện đang tồn tại, một trong số đó gần đây được Quỹ Appreta đã đưa ra[5] gắn với các nguyên tắc sau đây để đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên liên quan:

  1. Dựa vào các tiêu chuẩn mở. Triển khai cần dựa vào các tiêu chuẩn mở. Bất kỳ bên có thiện chí nào cũng cần có khả năng sử dụng các tiêu chuẩn đó tự do không mất tiền để xây dựng sự cài đặt độc lập, tuân thủ nền tảng hoàn chỉnh đó;

  2. Các mô hình thông tin chung được chia sẻ. Cần có một tập hợp các mô hình thông tin chung được tất cả các cài đặt của nền tảng mở đó sử dụng, độc lập với bất kỳ triển khai kỹ thuật nào.

  3. Hỗ trợ tính khả chuyển ứng dụng. Các ứng dụng được viết để chạy trên một triển khai nền tảng cần có khả năng chạy bình thường hoặc không thay đổi trên một nền tảng khác đã được phát triển một cách độc lập.

  4. Thành liên đoàn được. Nó cần có khả năng để kết nối bất kỳ triển khai nào của nền tảng mở đó tới tất cả các triển khai khác đã được phát triển độc lập, theo một cấu trúc liên đoàn, cho phép chia sẻ thông tin và các tiến trình đúng thích hợp giữa chúng;

  5. Trung lập với nhà cung cấp và công nghệ. Các tiêu chuẩn cần không bị phụ thuộc vào các công nghệ đặc thù nào hoặc không đòi hỏi các thành phần từ các nhà cung cấp cụ thể nào. Bất kỳ ai xây dựng một triển khai nền tảng mở cũng có thể chọn sử dụng bất kỳ công nghệ sẵn sàng nào và có thể chọn bổ sung hoặc loại bỏ các thành phần sở hữu độc quyền.

  6. Hỗ trợ dữ liệu mở. Dữ liệu cần được phơi mở như cần thiết (tuân thủ thực hành quản lý thông tin tốt) trong một định dạng mở, chia sẻ được, tính toán được gần với thời gian thực. Những người triển khai có thể chọn sử dụng định dạng bẩm sinh này ở lớp thường trực (lưu trữ) của chúng của bản thân nền tảng mở đó hoặc đáp ứng yêu cầu bằng việc sử dụng ánh xạ và chuyển đổi từ vài định dạng khác, dù chúng là mở hay sở hữu độc quyền.

  7. Cung cấp các giao diện lập trình ứng dụng – API (Application Programming Interface) mở. Đặc tả kỹ thuật đầy đủ của các API (phương tiện theo đó các ứng dụng được kết nối tới nền tảng đó) cần là tự do và sẵn sàng.

  8. Tính tương hợp. Nền tảng cần hỗ trợ các nguyên tắc tương hợp. Nền tảng và các thành phần của nó có khả năng trao đổi thông tin với (các) nền tảng/thành phần của (các) nền tảng khác và sử dụng thông tin đã được trao đổi đó một cách suôn sẻ, hiệu quả.

Do đó, để chuyển đổi số thành công trong ngành giáo dục như theo tinh thần của Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, với giáo dục xếp thứ 2 trong số 8 lĩnh vực được ưu tiên, có nhiều điều cần phải làm, và một trong số đó là xây dựng một nền tảng mở, trung lập về công nghệ, không phụ thuộc cũng như không bị khóa trói vào bất kỳ nhà cung cấp độc quyền nào, bất kể nhà cung cấp đó mạnh tới cỡ nào. Bằng cách này, nền tảng mở đó sẽ tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và ép các nhà cung cấp phải cạnh tranh về chất lượng, giá trị, và dịch vụ.

Các chú giải

[1] Bộ Thông tin và Truyền thông, 2020: Cẩm nang chuyển đổi số. https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-cua-co-quan-nha-nuoc-nhu-the-nao/

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2020: Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”: https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/tang-cuong-ung-dung-cntt/Pages/Default.aspx?ItemID=7123

[3] Vietnamnet.vn: Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn công nghệ mở Việt Nam: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/toan-van-phat-bieu-cua-bo-truong-nguyen-manh-hung-tai-dien-dan-cong-nghe-mo-viet-nam-689681.html

[4] A. Albos Raya et al., 2010: Economic aspects and business models of free software. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/0vs8e8zhvhpgx95/fta-m5-economic_models-Vi—26012015.pdf?dl=0. Xem Mục 2.7: Tính không tương thích và các chính sách tiêu chuẩn hóa trong và giữa các nền tảng; trang 37.

[5] Appreta Foundation: Defining an Open Platform. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/tai-lieu-dich/xac-dinh-nen-tang-mo-ban-dich-sang-tieng-viet-474.html


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế.

Lê Trung Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay10,815
  • Tháng hiện tại727,842
  • Tổng lượt truy cập36,786,435
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây