Thực hành khai thác tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở hiệu quả

Thứ tư - 16/01/2019 06:19
Thực hành khai thác tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở hiệu quả
 
 
Bài viết cho Hội thảo: ‘Phát triển đào tạo theo hướng mở, linh hoạt tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp’, được tổ chức tại Trường Cao đẳng Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, 15/01/2019
(Bài được đăng trong kỷ yếu hội thảo, các trang 36-42)
------------------------------------------------------------------
Tóm tắt: Bài viết này là sự mở rộng một chút bài viết trước đó ‘Khai thác tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở[1]’ đã được trình bày tại Hội thảo: ‘Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt trong dịch vụ việc làm - Thực hiện mục tiêu việc làm trong chương trình nghị sự về phát triển bền vững’ do Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH và Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác Xã hội Việt Nam (VVTA) tổ chức tại tỉnh Bến Tre, ngày 23/11/2018. Mặc dù vậy, phần mở rộng này: ‘Mạng học tập cá nhân - nơi chia sẻ mở TNGDM bạn tạo lập’ là phần quan trọng mỗi giảng viên và/hoặc sinh viên nên biết và thực hành thường xuyên khi tham gia khai thác nói chung, tạo lập, tùy biến thích nghi, sửa đổi và pha trộn nói riêng, TNGDM.
------------------------------------------------------------------
Để thực hành khai thác hiệu quả Tài nguyên Giáo dục Mở - OER (Open Educational Resources), viết tắt tiếng Việt là TNGDM, một số điểm cần lưu ý được đề cập tới dưới đây.

 
A. Nhắc lại những điều cần thiết
A1. Định nghĩa TNGDM và các quyền 5R của người sử dụng TNGDM[2] [3]
Định nghĩa TNGDM và các quyền 5R của người sử dụng TNGDM là những điều bạn nhất thiết phải biết rõ vì nó là những kiến thức cơ bản để bạn có thể phân biệt được đâu là TNGDM với tài nguyên giáo dục không là mở.
Lưu ý quan trọng: Với một TNGDM đúng nghĩa, bạn, với vai trò là người sử dụng, sẽ không chỉ không mất tiền để có nó, mà bạn còn PHẢI có các quyền để tùy biến thích nghi, sửa đổi, pha trộn nó với các tài nguyên mở khác mà không cần xin phép tác giả trước, như các quyền 5R trong Hình 1 bên dưới, miễn là bạn tuân thủ các điều khoản và điều kiện của giấy phép được gắn vào với TNGDM đó như được nêu trong Hình 2.
Hình 1. Các quyền 5R của người sử dụng TNGDM

 
A2. Hệ thống giấy phép mở
Xem toàn bộ phần A của [1]. Để dễ nhớ, có thể thay thế Bảng 2. Ý nghĩa của các giấy phép Creative Commons của [1] bằng bảng sau đây:

 
Hình 2. Các quyền của người sử dụng TNGDM với từng giấy phép tương ứng

 
B. Mạng học tập cá nhân - nơi chia sẻ mở TNGDM bạn tạo lập
Trên thực tế, TNGDM có thể được chia thành 2 loại: (1) nhỏ, thường là các tác phẩm với các dạng nội dung khác nhau do cá nhân tạo ra; (2) lớn, ví dụ, toàn bộ khóa học, thường do nhiều người trong một chương trình hay dự án lớn tạo ra. Thực hành khai thác TNGDM được nêu trong bài này, chủ yếu, nhằm vào loại nhỏ, do cá nhân tạo ra.
TNGDM được tạo ra là để được chia sẻ mở, thường là trên Internet, để những người khác có thể sử dụng và sử dụng lại được. Tuy nhiên, trên thực tế, khi bạn tạo ra TNGDM nhỏ, bạn có lẽ còn chưa biết chia sẻ mở tài nguyên đó ở đâu, như thế nào. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, bạn có thể còn chưa biết nên quản lý ra sao các thành phần nội dung tạo thành TNGDM nhỏ đó của bạn, như các hình ảnh, tệp video, âm thanh, hay tệp trình chiếu. Khi này, bạn có lẽ cần tới ‘Bộ công cụ mạng học tập cá nhân’ của bạn.
Hình 3. Bộ công cụ mạng học tập cá nhân
Có một vài gợi ý cho bạn khi sử dụng các ứng dụng web để tạo lập bộ công cụ mạng học tập cá nhân cho bản thân bạn, như sau:
  • Trên Internet có hàng trăm ứng dụng web bạn có thể chọn một vài trong số đó để tạo lập bộ công cụ mạng học tập cá nhân của bạn, miễn là bạn thích và cảm thấy dễ sử dụng các ứng dụng web đó. Hình 3 là ví dụ về một bộ công cụ mạng học tập cá nhân như vậy.
  • Nên tạo lập blog cho bản thân và sử dụng nó như là công cụ trung tâm của bộ công cụ mạng học tập cá nhân của bạn. Khi này, để chia sẻ một TNGDM ở dạng một bài viết được đăng trên bog cá nhân với nhiều ứng dụng web khác cùng một lúc sẽ rất dễ dàng bằng việc sao chép địa chỉ web của bài viết đó trên blog rồi dán vào các ứng dụng khác đó là được. Thậm chí, trong một vài trường hợp, chỉ cần dán địa chỉ web vào một ứng dụng rồi sử dụng tính năng chia sẻ của ứng dụng đó để chia sẻ bài viết với các nhóm khác của cùng ứng dụng đó và/hoặc với các ứng dụng khác cũng rất dễ dàng.
  • Nên sử dụng đúng tính năng của ứng dụng web được tạo ra cho các dạng nội dung cấu thành bài viết của bạn. Ví dụ: (1) Ảnh nên đưa vào Google Photo hay Flickr; (2) Video hay âm thanh nên đưa lên YouTube hay Vimeo; (3) Các bài trình chiếu nên đưa lên SlideShare hay Dropbox; (4) Các tệp tài liệu văn phòng nên đưa lên Google Docs. Khi cần sử dụng các thành phần nội dung đó, bạn chèn thành phần nội dụng và/hoặc đường liên kết của thành phần nội dung đó vào bài viết của bạn trong trình soạn thảo trên blog như được nêu ở trên.
  • Luôn nghĩ tới việc đồng bộ hóa các nội dung có trong một ứng dụng web trên máy tính để bàn/xách tay với thiết bị di động/cầm tay/điện thoại thông minh của bạn. Ví dụ: Nếu bạn sử dụng Dropbox trên máy tính để bàn/xách tay để lưu trữ, ví dụ, các tệp tài liệu dạng PDF, thì bạn rất nên cài ứng dụng Dropbox đó lên thiết bị di động/cầm tay/điện thoại thông minh của bạn rồi sử dụng tính năng đồng bộ của Dropbox để đồng bộ các dữ liệu của bạn trên máy tính để bàn/xách tay với thiết bị di động/cầm tay/điện thoại thông minh của bạn. Hãy làm tương tự như vậy với các ứng dụng web khác với Dropbox. Đây là cách tốt nhất để có được nội dung các tài liệu bạn tạo ra mà không phụ thuộc vào thiết bị nào bạn đang sử dụng.
  • Hãy sử dụng các ứng dụng web trong mạng học tập cá nhân của bạn theo phương châm: ‘Biến đồ chơi thành đồ dùng’, điều ngụ ý, bạn nên biến các ứng dụng web bạn thường dùng để giải trí thành các ứng dụng web phục vụ cho việc học tập của bạn.
  • Cách sử dụng cơ bản một vài ứng dụng web như trong Hình 3 có thể tham khảo ở [4].
Ví dụ cụ thể sử dụng mạng học tập cá nhân để viết bài và chia sẻ mở trên Internet. Giả sử bạn cần chia sẻ một bản tin như là TNGDM về sự kiện hội thảo đang diễn ra bao gồm cả đường liên kết tới bài trình chiếu bạn trình bày cho những người tham dự trong phòng hội thảo đó. Cũng giả thiết bạn đang sử dụng bộ công cụ mạng học tập cá nhân như trong Hình 3. Bạn có thể có các bước thực hành theo trật tự sau đây:
  1. Soạn thảo bài trình chiếu cho khóa học trong Impress (tương tự PowerPoint)
  2. Gắn giấy phép CC cho bài trình chiếu
  3. Chuyển sang dạng PDF (không thật tốt!)
  4. Đưa bài trình chiếu lên Dropbox/SlideShare
  5. Soạn thảo tin về sự kiện trong Writer (tương tự Word)
  6. Chừa chỗ cho ảnh trong tin
  7. Đưa đường liên kết của bài trình chiếu vào tin
  8. Gắn giấy phép CC cho tin
  9. Chụp ảnh sự kiện bằng điện thoại di động
  10. Chia sẻ ảnh với Dropbox từ điện thoại (khi này Dropbox là ứng dụng đám mây)
  11. Vào máy tính xách tay, tải ảnh về từ (đám mây) Dropbox
  12. Sửa ảnh trong GIMP (tương tự PhotoShop) trên máy tính xách tay
  13. Tải lên và quản lý ảnh vừa sửa trong Google Photo
  14. Chép tin từ Writer vào trình soạn thảo văn bản trên Google Blog
  15. Chèn ảnh từ Google Photo vào tin trong trình soạn thảo văn bản Google Blog
  16. Đăng và quản lý tin trên Google Blog
  17. Chia sẻ tin trong Gmail, Facebook, Minds, Twitter và/hoặc các ứng dụng web khác.
Bạn sẽ trải nghiệm được nhiều điều sau khi thực hành xong ví dụ cơ bản này.

 
C. Khai thác TNGDM
Có thể chia việc khai thác TNGDM thành các mức sau:
  • Tìm kiếm và sử dụng TNGDM - Đọc phần B và C của [1].
  • Tạo lập, tùy biến thích nghi, sửa đổi và pha trộn TNGDM - Đọc phần D và E của [1].
  • Bản địa hóa TNGDM - Đọc phần F của [1].
Việc phân chia này có thể sẽ giúp xây dựng kế hoạch nhân sự phù hợp với thực tế của từng cơ sở để tiến hành huấn luyện khai thác TNGDM có hiệu quả nhất với các mức tương ứng vì:
  • Mức tìm kiếm và sử dụng TNGDM phù hợp với tất cả những ai muốn sử dụng TNGDM
  • Mức tạo lập, tùy biến thích nghi, sửa đổi và pha trộn TNGDM trong tương lai gần chỉ phù hợp với số lượng nhỏ những người có khả năng tiếp thu công nghệ thông tin (CNTT) tốt, có khả năng làm việc với hệ thống các phần mềm tự do nguồn mở vì, như được nêu ở các phần D và E của [1], tất cả các phần mềm được sử dụng ở mức này đều là các phần mềm tự do nguồn mở, kể cả ở phía các máy trạm, để đảm bảo tính truy cập mở của toàn bộ hệ thống.
  • Mức bản địa hóa TNGDM. Giả thiết việc bản địa hóa được thực hiện bằng việc sử dụng hệ thống các trang wikiHow, người tiến hành việc bản địa hóa, ngoài việc phải có chuyên môn, còn cần có năng lực ngoại ngữ tốt, và cả khả năng tiếp thu CNTT tốt, vì cú pháp bài viết trên wikiHow là theo ngôn ngữ siêu văn bản HTML được tùy biến riêng cho các trang wikiHow, dù rất gần giống với cách viết thông thường, người viết bài trên wikiHow cần phải được huấn luyện một chút về các quy tắc và cách để viết bài và/hoặc tải hình ảnh lên trang wikiHow.

 
D. Gợi ý khai thác TNGDM liên quan tới chuyên ngành kinh tế
Ngoài những gợi ý chung khai thác các kho TNGDM như được nêu ở Phần G của [1], có thể có vài gợi ý về các sách chuyên ngành kinh tế bằng tiếng Anh ở các địa chỉ sau:

 
Tài liệu và thông tin tham khảo
[1] Lê Trung Nghĩa, 2018: Khai thác tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở vào đào tạo nghề và hoạt động dịch vụ việc làm: https://www.dropbox.com/s/1ur9n2pm8eazks2/Exploit_OER_in_TVET_Final.pdf?dl=0
[2] Lê Trung Nghĩa, 2018: Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) và một kịch bản giả tưởng về tương lai của giáo dục Việt Nam: https://www.dropbox.com/s/bfjjs0c64b8lq9d/OER-Overview_For_AVNUC_Conference_16052018.pdf?dl=0
[3] Lê Trung Nghĩa, 2018: Tài nguyên Giáo dục Mở trong Giáo dục và Huấn luyện Kỹ thuật và Nghề nghiệp (OER trong TVET): https://www.dropbox.com/s/byq4domjr503upg/OER-in-TVET_Conference_LeTrungNghia.pdf?dl=0
[4] wikihow.vn, Cách để Liên kết các nội dung được cấp phép mở, truy cập mở trên wikiHow.vn: https://www.wikihow.vn/Li%C3%Aan-k%E1%BA%Bft-c%C3%A1c-n%E1%BB%99i-dung-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-c%E1%BA%A5p-ph%C3%A9p-m%E1%BB%9F,-truy-c%E1%BA%Adp-m%E1%BB%9F-tr%C3%Aan-wikiHow.vn, xem Phần ‘Bộ công cụ mạng học tập cá nhân - Môi trường chia sẻ và học tập của bạn’.

 
Trung Nghĩa
PS: Tự do tải về phiên bản định dạng PDF tại:

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay23,278
  • Tháng hiện tại713,263
  • Tổng lượt truy cập36,771,856
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây