Nghiên cứu tác chiến mạng máy tính do nhà nước bảo trợ trong giới hàn lâm Trung Quốc

Thứ sáu - 21/06/2013 05:51
Lời dẫn
Ngày 09/10/2009, bộ phận các hệ thống thông tin của tập đoàn Northrop Grumman đã xuất bản báo cáo: “Khả năng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành chiến tranh không gian mạng và khai thác mạng máy tính”. Đây là báo cáo được chuẩn bị cho Ủy ban Kinh tế và Giám sát An ninh Mỹ – Trung của tác giả Bryan Krekel và các chuyên gia theo các chủ đề George Bakos và Christopher Barnett, được dịch xong sang tiếng Việt vào tháng 12/2010 và bất kỳ ai có nhu cầu đọc cũng có thể tải về được từ Internet theo địa chỉ: http://ubuntuone.com/p/Zpe/.
Ngày 07/03/2012, cũng vẫn tập đoàn Northrop Grumman đã xuất bản một báo cáo khác, là tiếp tục mạch các chủ đề đã được đề cập tới trong báo cáo ở trên, với đầu đề: “Chiếm lĩnh nền cao thông tin - Khả năng của Trung Quốc về tác chiến mạng máy tính và gián điệp không gian mạng”. Đây cũng là báo cáo được chuẩn bị cho Ủy ban nêu trên của các tác giả Bryan Krekel, Patton Adams và George Bakos, được dịch xong sang tiếng Việt vào ngày 29/04/2013 và có thể tải về bản dịch đó theo địa chỉ: http://ubuntuone.com/0fWXMK4CmmSWL3aGv5XPZx.
Bài viết này tập trung liệt kê và mô tả ngắn gọn các viện trường, các chương trình và các đề tài hoặc lĩnh vực đề tài nghiên cứu có liên quan tới chiến tranh thông tin và tác chiến mạng máy tính do nhà nước hoặc quân đội Trung Quốc bảo trợ, được nêu trong tài liệu được tập đoàn Northrop Grumman xuất bản ngày 07/03/2012 ở trên với mong muốn giới lãnh đạo, đặc biệt là giới hàn lâm nghiên cứu và CNTT của Việt Nam để tham khảo, so sánh và rút ra những bài học bổ ích cho mình. Bài viết cũng có mong muốn để độc giả mọi thành phần thấy được một mối đe dọa mà dường như không ai nhìn thấy, dường như nó không tồn tại, nhưng lại là điều xảy ra hàng ngày hiện nay về an ninh thông tin, an ninh các hệ thống thông tin và an ninh không gian mạng ở Việt Nam.
Những khái niệm cơ bản
Để giúp cho hiểu đúng các khái niệm được nêu ra trong loạt bài viết này, chúng ta làm quen với một số khái niệm cơ bản sau:
Chiến tranh thông tin - IW (Information Warfare): Các hành động được thực hiện để đạt được ưu thế thông tin bằng việc gây tác động tới các tài sản của kẻ địch như thông tin, các qui trình dựa vào thông tin, các hệ thống thông tin và các mạng dựa vào máy tính, trong khi phòng thủ các tài sản của riêng mình như thông tin, các qui trình dựa vào thông tin, các hệ thống thông tin và các mạng dựa vào máy tính.
Chiến tranh điện tử - EW (Electronic Warfare): Bất kỳ hành động quân sự nào có liên quan tới sử dụng năng lượng điện từ và được định hướng để kiểm soát phổ điện từ hoặc để tấn công kẻ địch. 3 bộ phận con chính trong chiến tranh điện tử là: tấn công điện tử, bảo vệ điện tử và hỗ trợ chiến tranh điện tử.
Tác chiến mạng máy tính - CNO (Computer Network Operation): Gồm các tác chiến xúc tác cho tấn công mạng máy tính, phòng thủ mạng máy tính và khai thác mạng máy tính có liên quan.
Tấn công mạng máy tính - CNA (Computer Network Attack): Các hành động được thực hiện thông qua sử dụng các mạng máy tính để làm đứt đoạn, từ chối, vô hiệu hóa hoặc phá hủy thông tin nằm trong các máy tính và các mạng máy tính, hoặc bản thân các máy tính và các mạng đó.
Phòng thủ mạng máy tính - CND (Computer network defense): Các hành động được thực hiện thông qua sử dụng các mạng máy tính để bảo vệ, giám sát, phân tích, dò tìm và đáp trả hoạt động không được phép trong các hệ thống thông tin và các mạng máy tính.
Khai thác mạng máy tính - CNE (Computer network exploitation): Xúc tác cho các khả năng tác chiến và thu thập tình báo được tiến hành thông qua sử dụng các mạng máy tính để thu thập các dữ liệu từ các hệ thống hoặc các mạng thông tin được tự động hóa hoặc các đích ngắm của kẻ địch.
Nghiên cứu và phát triển chiến tranh thông tin trong các trường đại học Trung Quốc
Việc nghiên cứu và phát triển (R&D) chiến tranh thông tin (IW) trong các trường đại học của Trung Quốc được tiến hành trong cả các trường đại học quân sự và dân sự. Tổng số các trường đại học của Trung Quốc có nghiên cứu về IW lên tới 46 đại học.
A. Nghiên cứu và phát triển chiến tranh thông tin trong các đại học quân sự
Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự (AMS): nằm ở Bắc Kinh và báo cáo trực tiếp cho Ủy ban Quân sự Trung ương, là cơ quan quân sự chính của Trung Quốc về nghiên cứu khoa học và phát triển chiến lược và học thuyết quân sự. AMS triển khai một số nghiên cứu sớm nhất về các tác chiến mạng máy tính nhưng vẫn duy trì một vai trò hàn lâm hơn là huấn luyện tác chiến hoặc chiến thuật. Các nghiên cứu của AMS gần đây phù hợp với trọng tâm chiến tranh thông tin trong sử dụng tác chiến khai thác mạng máy tính, các mô hình chiến tranh lấy mạng làm trọng tâm và các cấu trúc quản lý thông tin quân sự nước ngoài.
Đại học Quốc Phòng (NDU): nằm ở Bắc Kinh, huấn luyện các lãnh đạo chỉ huy quân sự quốc gia và nghiên cứu về ứng dụng và huấn luyện các khái niệm mới trong khoa học quân sự cho lực lượng quân đội hiện hành. Nó phục vụ như một vai trò chỉ huy nhiều hơn là hàn lâm, nhưng các nhà nghiên cứu của NDU cộng tác với các học giả từ nhiều tổ chức khác, bao gồm cả các nhân viên của AMS và các Phòng Trinh sát Kỹ thuật. Các nghiên cứu gần đây của NDU phù hợp với trọng tâm IW trong tin học hóa và các tiếp cận IW của quân đội nước ngoài.
Viện Hàn lâm Chỉ huy Truyền thông Wuhan (CCA): nằm ở Wuhan, tỉnh Hubei, là viện chỉ huy truyền thông mức trung duy nhất của PLA. Sự uyên thâm gần đây ở CCA phù hợp với chiến tranh thông tin, bao gồm các nghiên cứu về khả năng mở rộng phạm vi định tuyến Internet, các cuộc tấn công từ chối dịch vụ và lên kế hoạch chiến tranh lấy mạng làm trọng tâm của Mỹ. Những hợp tác gần đây của các nhà nghiên cứu ở CCA về các tác chiến thông tin có liên quan tới các chủ đề, bao gồm cả các chủ đề với các học giả từ Đại học Tsinghua, Đại học Kỹ thuật Thông tin PLA, Đơn vị 61081 của PLA, Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong, Đại học Công nghệ Wuhan và Đại học Khoa học PLA, Viện Hàn lâm Truyền thông Xi'an, Viện Kỹ thuật Hệ thống Điện tử Trung Quốc, và Trường Sỹ quan Truyền thông Dalian của Không quân PLA.
Đại học Công nghệ Quốc phòng (NUDT): nằm ở Changsha, tỉnh Hunan, là một đại học hướng công nghệ, có liên quan chặt chẽ tới nghiên cứu & phát triển quân đội, có sự quản lý chung của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục. NUDT, trung tâm phát triển siêu máy tính Tianhe-IA của Trung Quốc, liệt kê trong số các lĩnh vực nghiên cứu chủ chốt của nó gồm nhận thức các cái đích của chiến tranh điện tử và thông tin, bổ sung thêm cả sinh học, công nghệ nano, điện toán lượng tử và toán học phi tuyến. Tại NUDT có giáo sư Fang Binxing, thường được gọi là “Cha đẻ của Vạn lý Tường lửa” (Great Firewall). Những cộng tác gần đây của các nhà nghiên cứu của NUDT về tác chiến thông tin có liên quan tới các chủ đề như của các học giả từ Đại học Công nghệ Bắc Kinh, Đại học Wuhan, Đại học Giao thông Shanghai, Đại học Kỹ thuật Thông tin PLA và Đơn vị 63880 của PLA.
Quan hệ đối tác thành công nhất của NUDT là với Công ty Công nghệ Longson, nhà thiết kế chip hoàn toàn nội địa Longson, còn được biết tới như là chip Godson (Con trời), được kết hợp vào trong Tianhe-1A, được đánh giá vào cuối năm 2010 như là siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Sự phát triển của hệ thống này trong cộng đồng R&D quân sự Trung Quốc là chỉ số mạnh về các ứng dụng lưỡng dụng có chủ ý của mình.
Đại học Kỹ thuật Thông tin PLA (PLAIEU): nằm ở Zhengzhou, tỉnh Henan, có lẽ là đại học quân sự với hầu hết sự tham gia toàn diện trong các hoạt động tác chiến mạng máy tính và chiến tranh thông tin như huấn luyện, lên kế hoạch và cũng có khả năng thực thi. Theo mô tả của PLA Daily năm 2008, trường này có 800 giáo sư và các kỹ sư cao cấp và 100 giáo sư bán thời gian, phục vụ cho 55 chương trình đào tạo cấp bằng đại học. Nghiên cứu do PLAIEU tài trợ được xuất bản bao gồm các nghiên cứu về truyền giống sâu, đánh giá tấn công mạng, các rootkit chế độ nhân (kernel), ẩn dấu dữ liệu, dò tìm hành vi của phần mềm độc hại, và kiểm soát ý kiến công chúng khẩn cấp.
PLAIEU đã đạt được sự nổi danh toàn thế giới khi người sử dụng ‘chinesecivilization2’ vào tháng 08/2011 đã đăng lên YouTube một đoạn phim tài liệu trên TV với chủ đề quân sự, “Cơn bão mạng đang tới”, do CCTV-7 phát ngày 16/07/2011. Đoạn đó đã chỉ ra sự sử dụng sống động một công cụ rõ ràng cho từ chối dịch vụ, có đầu đề “Đại học Kỹ thuật Thông tin PLA” tại Trung Quốc, và đưa ra cho người sử dụng một danh sách các “địa chỉ đích tấn công”, bao gồm cả website Falun Gong được đặt chỗ tại Đại học Alabama tại Birmingham (UAB).
Các nhà nghiên cứu của PLAIEU là những người xuất bản nhiều tư liệu có liên quan tới an ninh thông tin, đã xuất bản hơn 300 bài báo trong 2 năm qua. Những cộng tác của họ gần đây bao gồm với các học giả tại Đại học Công nghiệp Nhẹ Zhengzhou, Đơn vị 61365 của PLA, Cao đẳng Y tế Luohe, Viện Hàn lâm Cảnh sát Biển Công An, Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Xi'an, Đại học Khoa học và Công nghệ Hebei, Đại học Sichuan, Trung tâm Kỹ thuật Chuyển mạch Số Quốc gia, Cao đẳng Thông thường Nanyang và nhiều cơ sở khác.
B. Nghiên cứu và phát triển chiến tranh thông tin trong các đại học dân sự
Một rà soát lại các trường đại học của Trung Quốc về các chương trình kỹ thuật, chương trình giảng dạy, trọng tâm nghiên cứu và việc cấp vốn cho nghiên cứu & phát triển trong các lĩnh vực đóng góp cho các khả năng của IW minh họa độ rộng và tính phức tạp của các mối quan hệ giữa các trường đại học, các cơ quan chính phủ và quân đội, và các công ty thương mại công nghệ cao ở khắp đất nước. Mạng các viện trường và các học giả được cấp vốn để tiến hành nghiên cứu trong các kỹ thuật và công nghệ của IW mở rộng vượt ra khỏi hầu hết các trường ưu tú (dù chúng là trong cốt lõi) tới tận các trường nhỏ hơn, chuyên dụng, gợi ý một sự mở rộng liên tục các cộng đồng kỹ năng công nghệ cao trong các lĩnh vực phù hợp của nền kinh tế quốc gia, như tài chính, giáo dục và luật.
Việc cấp vốn của Chính phủ cho R&D của các đại học trong các lĩnh vực có liên quan tới tác chiến mạng máy tính là một phần của một chiến lược quốc gia lớn hơn để kết hợp các yếu tố nhà nước, quân đội và xã hội dân sự để hiện đại hóa hạ tầng các hệ thống thông tin và các khả năng IW của Trung Quốc. Giới lãnh đạo Quốc gia đang tận dụng các tài nguyên khoa học và công nghệ (S&T) từ khu vực CNTT dân sự, các đại học quân sự, các viện nghiên cứu & phát triển quân sự, giới hàn lâm dân sự và các đơn vị PLA hoạt động tích cực để hỗ trợ cho các sáng kiến nghiên cứu khác nhau có liên quan tới IW.
Trong môi trường hàn lâm dân sự, chính phủ Trung Quốc - phối hợp với PLA trong một số trường hợp - sử dụng ít nhất 5 chương trình tài trợ quốc gia được thiết lập để cấp vốn nghiên cứu có liên quan tới IW và các chương trình tin học hóa của PLA.
  • Sự thành lập các Viện Hàn lâm Bí mật Nhà nước tại Đại học Nanjing, Viện Công nghệ Harbin, Đại học Sun Yat-Sen và Viện Bách khoa Tây Bắc được dựa vào khả năng của Phòng Bí mật Nhà nước/Bộ Công nghiệp và CNTT, đã đỡ đầu cho các học viện để lôi kéo các tài nguyên của các trường đại học đó về CNTT, thiết kế thông tin và an ninh mạng để hỗ trợ cho các nỗ lực an ninh quốc gia, và chăm chút các tài năng đáng tin cậy trong lĩnh vực đó.
  • Viện Công nghệ Harbin, hưởng lợi từ dải rộng lớn các chương trình tài trợ về an ninh thông tin quốc gia, bổ sung thêm vào việc đặt chỗ một Viện Hàn lâm Bí mật Nhà nước, cũng đỡ đầu cho chỉ một số ít các Phòng thí nghiệm Xung đột Thông tin được thấy trên khắp đất nước, với các sức mạnh trong công nghệ xử lý thông tin và mật mã.
  • Đại học Đông Nam, tại Nanjing, tỉnh Jiangsu, là một trường khác hỗ trợ nghiên cứu về an ninh thông tin với một dải rộng lớn các tài trợ về an ninh thông tin mức quốc gia, nói lên mục tiêu chính của việc cấp vốn tài trợ mức quốc gia để phát triển tài năng công nghệ cao cho các trường được chính phủ cấp vốn, các viện nghiên cứu của nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt, các cơ quan chính phủ, các viện của nhà nước do chính phủ cấp vốn và các đơn vị của PLA.
Ít nhất 46 đại học dân sự được thấy tiến hành nghiên cứu về an ninh thông tin hưởng lợi khắp đất nước từ một hoặc nhiều chương trình tài trợ chính về công nghệ cao mức quốc gia, phản ánh những gì dường như sẽ là một hướng phát triển công nghệ nền tảng rộng lớn, nhất quán với các ưu tiên có kế hoạch quốc gia được công bố. Trong số đó, khoảng 10 trường nhận được sự cấp vốn từ tất cả 5 chương trình được rà soát lại đó. Sự tập trung vào việc cấp vốn cho an ninh thông tin trong một nhúm các trường gợi ý rằng các tài trợ trao cho các viện tường như Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia, Bộ Giáo dục, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin và Bộ An ninh Nhà nước đã chọn các trung tâm nghiên cứu và năng lực chính thông qua đó để đỡ đầu cho những nghiên cứu & phát triển nhạy cảm với các ứng dụng chiến tranh thông tin và an ninh thông tin.
  • Chương trình Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Cao Quốc gia 863 đã được thành lập vào tháng 03/1986 để thúc đẩy sự độc lập về công nghệ quốc gia thông qua sự tiến bộ của khoa học tiên tiến và nghiên cứu công nghệ trong các lĩnh vực bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông và nhiều dự án lưỡng dụng có liên quan tới quốc phòng. Việc cấp vốn của Chương trình 863, phổ biến nhất và rộng rãi nhất trong số các chương trình chính hỗ trợ cho nghiên cứu an ninh thông tin.
  • Chương trình Nghiên cứu Cơ bản Chính của Quốc gia 973, hoặc “Chương trình 973” là chương trình tài trợ mức quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ (MoST) PRC quản lý, được hình thành năm 1997 “để tổ chức và triển khai nghiên cứu cơ bản để đáp ứng các nhu cầu chiến lược chính” trong các lĩnh vực ứng dụng khoa học khác nhau, bao gồm cả khoa học về thông tin. Các dự án 973 bao gồm nghiên cứu xuyên các lĩnh vực khoa học được các bộ chính phủ giám sát và giao nhiệm vụ, thường là Bộ Giáo dục hoặc một trong các nhánh cấp tỉnh của nó, với các đội nghiên cứu thường trải rộng khắp nhiều đại học.
  • Các lĩnh vực của dự án 973 hiện hành bao gồm truyền thông không dây băng thông rộng, điện toán đám mây tin cậy, Internet của Mọi thứ, các mạng tích hợp và ảo hóa mạng. Chúng được dẫn dắt từ các học giả từ Đại học Kỹ thuật Thông tin PLA, Đại học Tsinghua, Đại học Công nghệ Harbin, Đại học Giao thông Shanghai và các đại học dân sự khác, lôi kéo đa số việc cấp vốn tập trung vào nghiên cứu về an ninh thông tin mức quốc gia.
  • Chương trình An ninh Thông tin Quốc gia 242, do Bộ Công nghiệp và CNTT điều hành, dường như được tập trung vào các dự án an ninh thông tin nhạy cảm của chính phủ. Tại một số đại học được khảo sát cho nghiên cứu này, các ứng dụng và thông tin về Chương trình 242 đã được cung cấp cho các sinh viên thông qua các văn phòng quân sự của đại học, gợi ý sự giám sát quân sự địa phương của những ứng viên và các dự án của Chương trình 242.
  • Thông tin về Chương trình 115 của Bộ An ninh Nhà nước, cũng được biết tới như là Chương trình 115 của Bộ An ninh Nhà nước Quốc gia. Chương trình này dường như được tập trung vào nghiên cứu về an ninh thông tin nhạy cảm cao, như được chứng tỏ bằng sự biên tập thường xuyên không chỉ các đầu đề dự án, mà còn cả bản thân số lượng tài trợ của dự án. Những tóm tắt kết luận đôi khi lưu ý đơn giản là cá nhân đã làm việc trong một dự án của Chương trình An ninh Nhà nước 115 đã tuân theo những chủ đề được liệt kê như là “bảo mật” hoặc “bí mật”.
  • Sự đỡ đầu và điều hành của Dự án Trình bày Ứng dụng An ninh Thông tin Quốc gia s129, tài trợ cho không ít hơn 10 trong số 46 Đại học Trung Quốc được xác định có tiến hành nghiên cứu về an ninh thông tin. Các dự án được s219 cấp vốn bao gồm nghiên cứu về công nghệ dò tìm thâm nhập trái phép được Đại học Bắc Kinh tiến hành; nghiên cứu về “các Nền tảng An ninh điện tử” do Đại học Giao thông Shanghai tiến hành; và nghiên cứu về các mạng riêng ảo (VPN) do Đại học Đông Nam tiến hành.
  • Bổ sung thêm vào các chương trình tài trợ mức quốc gia được nêu trên, nhiều hỗ trợ của các học giả cho nghiên cứu an ninh thông tin của họ với các tài trợ cấp tỉnh, địa phương và của tư nhân. Điều đó được minh họa bằng các chương trình như Chương trình Điều hành Tỉnh Jiangsu về Bảo vệ Bí mật Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công nghệ Tỉnh Shanghai, và Chương trình Quỹ Hoa Vĩ (Huawei Foundation).
Các mục tiêu của chương trình tài trợ thường phù hợp với các ưu tiên chiến lược của các Kế hoạch 5 Năm lần thứ 11 và 12 (2007-2010 và 2011-2016 một cách tương ứng), phản ánh tầm quan trọng mà giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc đã đặt ra về việc cải thiện các khả năng công nghệ cao, bao gồm cả tin học hóa bên trong PLA, và đặc biệt về việc cải thiện các khả năng chiến tranh thông tin về mặt kỹ thuật của quốc gia.
  • Các ưu tiên của Chương trình 973 nhằm giải quyết an ninh thông tin cho phù hợp với các kế hoạch 5 năm của quốc gia theo những khái niệm rộng lớn của các yêu cầu an ninh quốc gia và đổi mới công nghệ nội địa.
  • Chương trình 863 hỗ trợ cho nghiên cứu trong điện toán hiệu năng cao phản ánh sự triển khai của “Kế hoạch Phát triển Khoa học và Công nghệ Dài lâu“, một số nhiệm vụ chính của nó được nhấn mạnh trong các lĩnh vực của Kế hoạch 5 Năm lần thứ 12 (2011-2016).
Hầu hết các trường đại học tiến hành nghiên cứu áp dụng cho việc tiến bộ các khả năng IW đang nhận được vốn cấp từ chỉ một hoặc 2 chương trình trợ cấp. Tuy nhiên, ít nhất 10 viện trường đang nhận được tài chính từ 3 hoặc nhiều hơn mức trợ cấp quốc gia cho nghiên cứu các chủ đề về IW, gợi ý rằng các viện trường đó là những trung tâm đầu tiên của không chỉ nghiên cứu & phát triển cho các khả năng CNO, mà còn có khả năng là đang chăm chút thế hệ tiếp sau của đất nước đối với tài năng lớp đỉnh cao trong các lĩnh vực đó.
  • Viện Công nghệ Harbin (HIT), được thành lập vào năm 1920, thụ hưởng sự đối xử ưu tiên từ chính phủ trung ương. Đại học vận hành ít nhất 9 trung tâm nghiên cứu được tập trung vào các lĩnh vực công nghệ có liên quan tới phát triển các khả năng chiến tranh thông tin. HIT là chủ một trong chỉ 4 Viện Hàn lâm Bí mật Nhà nước của quốc gia, và dường như được kết nối tốt tới các cộng đồng quân sự và an ninh, bao gồm cả PLA. Nó cho biết có các mối quan hệ chặt chẽ với viên Tướng đại học là Huang Yongqin, Giám đốc Viện Nghiên cứu số 56 của Cục 3 GSD, Luo Wei, Giám đốc Cục Công nghệ GSD PLA, và Ding Mingfeng, Tổng Giám đốc của ZTE. Viện Công nghệ Harbin là một nơi thường xuyên nhận các tài trợ quốc gia, hỗ trợ cho nghiên cứu về “các dự án chính về an ninh quốc gia”, nhấn mạnh tầm quan trọng của viện này đối với sự hiện đại hóa liên tục của PLA về các công cụ và thực tiễn CNO của nó và gợi ý rằng nghiên cứu đang được thực hiện ở đây xứng đáng với sự chú ý cẩn trọng của những người tuân theo những phát triển trong lĩnh vực này của Trung Quốc.
  • Đại học Đông Nam hoặc SEU, nằm ở Nanjing, tỉnh Jiangsu, là một Đại học chính của quốc gia được Bộ Giáo dục điều hành trực tiếp. Đại học Đông Nam vận hành một Phòng Khoa học và Kỹ thuật Máy tính với đội ngũ giáo viên gồm 18 trợ lý có bằng đại học, 24 giáo sư đầy đủ chức danh và 35 giáo sư thỉnh giảng; một Trường Khoa học và Kỹ thuật Thông tin với đội ngũ giáo viên gồm 23 trợ lý có bằng đại học, 41 giáo sư, 36 giáo sư thỉnh giảng; và một Cao đẳng Kỹ thuật Phần mềm với đội ngũ giáo viên gồm 18 trợ lý có bằng đại học, 27 giáo sư, 37 giáo sư thỉnh giảng và 28 giảng viên, một sự phân bổ lớn các tài nguyên tập trung đặc biệt vào các lĩnh vực hỗ trợ sự phát triển liên tục của các khả năng IW.
  • Đại học Bưu điện và Truyền thông Bắc Kinh hoặc BUPT, được thành lập năm 1955 như một trung tâm nghiên cứu viễn thông chính có liên quan với Tổng Cục Quân lực PLA. BUPT có các mối quan hệ mạnh với chính phủ, nhờ một phần ở vị thế và uy tín của hiệu trưởng của đại học, Fang Binxing, một chuyên gia an ninh thông tin nổi tiếng, người đã khởi xướng và phát triển hệ thống giám sát Internet quốc gia “Vạn lý Tường lửa” (Great Firewall). BUPT vận hành một trường Kỹ thuật Thông tin và Truyền thông, một trường Khoa học Máy tính, một trường Kỹ thuật Phần mềm và một trường về Tự động hóa, tất cả đã tham gia trong nghiên cứu & phát triển, đóng góp cho sự phát triển các khả năng chiến tranh thông tin của Trung Quốc.
  • Đại học Giao thông Shanghai hoặc SJTU, được thành lập năm 1896, tập trung các tài năng đáng kể vào “Nhóm Mật mã” (Crypto Group) của Phòng Khoa học và Kỹ thuật Máy tính của nó, tiến hành nghiên cứu cao cấp trong mật mã và an ninh thông tin. Nhóm này duy trì một Phòng thí nghiệm An ninh Thông tin và Mật mã, đứng đầu là Chen Kefei, liệt kê một hồ sơ bao gồm nghiên cứu trong các giao thức xác thực và an ninh mạng cảm biến. Phòng cũng quản lý một Phòng thí nghiệm Mật mã và An ninh Máy tính, do Gu Dawu đứng đầu, nó đỡ đầu cho nghiên cứu trong các lĩnh vực kỹ thuật, bao gồm triển khai tấn công kênh biên, kỹ thuật nghịch đảo, phân tích mật mã và thiết kế cơ bản. Bổ sung thêm, nó vận hành một Phòng thí nghiệm Công nghệ Ngôn ngữ, do Yao Tianfang đứng đầu, chuyên trong trích tách thông tin và khai thác dữ liệu dựa trên Internet.
Được cho rằng một số nghiên cứu có khả năng ứng dụng chiến tranh thông tin được tập trung cao độ cũng đang được tiến hành trong các Viện Hàn lâm Bí mật Nhà nước, do Phòng Bí mật Nhà nước và Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin thành lập ở 4 đại học trên khắp Trung Quốc (Đại học Công nghệ Harbin, Đại học Nanjing, Đại học Sun Yat-Sen và Đại học Bách khoa Tây Bắc). 4 trường đó tất cả có các lĩnh vực chuyên môn hóa trong thông tin và an ninh mạng, mật mã và khoa học máy tính, được đánh giá có khả năng dẫn dắt sự phê chuẩn của chính phủ cho việc đặt các Viện Hàn lâm Bí mật Nhà nước ở các viện trường đó.
Thay cho lời kết
Những liệt kê dù rất sơ khai ở trên có liên quan tới việc nghiên của và phát triển IW của Trung Quốc chắc chắn là một tham khảo tốt cho các cấp lãnh đạo và giới hàn lâm của Việt Nam, ít nhất cũng để “biết mình, biết người”, để đưa ra câu trả lời cho ít nhất 2 câu hỏi tổng quát là: (1) Hiện có bao nhiêu trường đại học ở Việt Nam, cả quân sự và dân sự, có đề tài nghiên cứu có liên quan tới IW? (2) Hiện có bao nhiêu chương trình cấp quốc gia đầu tư cho việc nghiên cứu IW tại Việt Nam?
Hy vọng Việt Nam sẽ có những quyết sách đúng và quyết liệt trong thời gian tới, trong lĩnh vực đang nóng rẫy này, đặc biệt trong bối cảnh:
Chừng nào còn xung đột ở biển Đông, chừng đó còn chiến tranh mạng máy tính ở Việt Nam!”.
Kỳ sau: Nghiên cứu và phát triển Viễn thông Trung Quốc - Hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 06/2013, trang 42-47.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập336
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm330
  • Hôm nay21,372
  • Tháng hiện tại470,813
  • Tổng lượt truy cập37,997,637
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây