Hiểu cho đúng quy định giấy phép Creative Commons trong Quyết định số 1878/QĐ-BGDĐT ngày 02/06/2016 về việc ban hành thể lệ cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ sáu - 29/07/2016 05:42
Ngày 02/06/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 1878/QĐ-BGDĐT về việc ban hành thể lệ cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ tư, lần đầu tiên đưa vào yêu cầu giấy phép các bài dự thi phải là Creative Commons Ghi công - CC BY (Creative Commons Attribution) hoặc Creative Commons Ghi công - Chia sẻ tương tự - CC BY-SA (Creative Commons Attribution - ShareAlike) phiên bản 4.0 với một trong các mục đích của cuộc thi, như được nêu trong Điều 1 khoản c, là để xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) phục vụ dạy, học trong và ngoài nhà trường, phục vụ mục đích học tập suốt đời, học qua mạng, đào tạo từ xa qua mạng.
Trước hết, phải khẳng định rằng, đây là một bước đi rất mới, rất tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đúng theo xu thế của thế giới hướng tới giáo dục mở - tài nguyên giáo dục mở vì sự phát triển và bình đẳng xã hội và nhiều lợi ích khác mà giáo dục mở - tài nguyên giáo dục mở có khả năng đem lại cho giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, việc chỉ nêu chung chung yêu cầu giấy phép các bài dự thi phải là CC BY hoặc CC BY-SA có lẽ là điều kiện rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Nội dung bên dưới sẽ giải thích cho điều này và đưa ra các cách thức để khắc phục.

 

A. Nguyên tắc 5R của tài nguyên giáo dục mở (OER)

Tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) tuân thủ nguyên tắc 5R, bao gồm:
  1. Reuse - Sử dụng lại: mức cơ bản nhất về tính mở. Mọi người được phép sử dụng tất cả hoặc một phần tác phẩm cho các mục đích của riêng họ (ví dụ, tải về video giáo dục để xem vào thời gian rỗi);
  2. Redistribute - Phân phối lại: mọi người có thể chia sẻ tác phẩm với những người khác (ví dụ, gửi một bài báo số bằng thư điện tử cho đồng nghiệp);
  3. Rivise - Làm lại: mọi người có thể tùy biến thích nghi, sửa đổi, dịch, hoặc thay đổi tác phẩm (ví dụ, lấy một cuốn sách tiếng Anh và dịch nó sang tiếng Việt);
  4. Remix - Pha trộn: lấy 2 hoặc nhiều tài nguyên đang tồn tại và kết hợp chúng để tạo ra 1 tài nguyên mới (ví dụ, lấy các bài giảng tiếng nói từ khóa học này và kết hợp chúng với các slide từ khóa học khác để tạo ra tác phẩm phái sinh mới);
  5. Retain - Giữ lại: Không có các hạn chế quản lý các quyền số - DRM (Digital Rights Management); nội dung là của bạn để giữ, bất kể bạn là tác giả, giáo viên hay sinh viên đang sử dụng tư liệu.
Từ nguyên tắc 5R trên, có thể thấy rằng, OER sẽ là hợp lệ, nếu:
  1. Thí sinh tự tạo ra tất cả các thành phần của OER; và/hoặc
  2. Thí sinh làm lại và/hoặc pha trộn - kết hợp các OER và/hoặc các tài nguyên hợp pháp khác do các tác giả khác tạo ra để tạo thành một sản phẩm OER phái sinh mà thí sinh là người tổng hợp, sưu tập và/hoặc biên tập các OER đã có sẵn trước đó. Để ngắn gọn, ta gọi trường hợp này là: kết hợp các OER

B. Các dạng thí sinh của cuộc thi

B.1. Thí sinh tự tạo ra tất cả các thành phần của OER

Trong trường hợp này, thí sinh có khả năng chọn bất kỳ giấy phép Creative Commons nào cho sản phẩm OER của mình. Để tuân thủ với thể lệ của cuộc thi như được nêu trong Quyết định số 1878/QĐ-BGDĐT, các thí sinh sẽ phải chọn hoặc giấy phép CC BY hoặc CC BY-SA và tác phẩm của thí sinh sẽ trở thành OER hợp lệ, không vi phạm bản quyền của bất kỳ ai.

B.2. Thí sinh kết hợp các OER của các tác giả khác

Không giống như trong trường hợp thí sinh tự tạo ra tất cả các thành phần của OER, trường hợp này là phức tạp hơn, đòi hỏi không chỉ các thí sinh, mà các giám khảo và ban tổ chức cuộc thi phải phải nắm rõ được khi nào thì một tác phẩm OER phái sinh là hợp lệ, và khi nào thì không, dựa vào thể lệ của cuộc thi mà trong trường hợp này, OER phái sinh của thí sinh được tạo ra là kết quả của sự kết hợp từ 2 OER trở lên của (các) tác giả khác, phải được cấp phép theo CC BY hoặc CC BY-SA.
Để có thể thực hiện được điều này, tất cả các bên tham gia trong cuộc thi cần nắm được và hiểu được bản chất của tất cả các loại giấy phép Creative Commons và sự kết hợp giữa các giấy phép đó với nhau, tránh trường hợp các thành phần tạo nên tác phẩm phái sinh đó mang các giấy phép Creative Commons không tương thích với nhau, điều sẽ làm cho tác phẩm phái sinh của thí sinh trở nên không hợp lệ, vì nó chắc chắn vi phạm (các) quyền của tác giả của (các) tác phẩm OER tạo nên sản phẩm phái sinh đó.

 

C. Các loại giấy phép Creative Commons và công cụ trợ giúp

C.1. Giới thiệu ngắn gọn các loại giấy phép Creative Commons

Hệ thống giấy phép Creative Commons (CC) có 4 yếu tố tùy chọn, gồm:
  1. Ghi công - Attribution (BY): đây là yếu tố bắt buộc cho tất cả các giấy phép CC
  2. Phi thương mại - NonCommercial (NC): không sử dụng tác phẩm vào mục đích thương mại
  3. Không có phái sinh - NoDerivative (ND): không cho phép sửa đổi tác phẩm gốc
  4. Chia sẻ tương tự - ShareAlike (SA): tác phẩm phái sinh phải mang giấy phép như tác phẩm gốc ban đầu
Dựa vào 4 yếu tố tùy chọn, hệ thống Creative Commons có 6 giấy phép tiêu chuẩn, bao gồm:
  1. Ghi công - Creative Commons Attribution (CC BY)
  2. Ghi công - Chia sẻ tương tự - Creative Commons Attribution ShareAlike (CC BY-SA)
  3. Ghi công - Phi thương mại - Creative Commons Attribution NonCommercial (CC BY-NC)
  4. Ghi công - Phi thương mại - Chia sẻ tương tự - Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike (CC BY-NC-SA)
  5. Ghi công - Không có phái sinh - Creative Commons Attribution NoDerivative (CC BY-ND)
  6. Ghi công - Phi thương mại - Không có phái sinh - Creative Commons Attribution NonCommercial NoDerivative (CC BY-NC-ND)
Dễ thấy là tất cả các giấy phép Creative Commons được nêu ở trên đều có yêu cầu bắt buộc 'Ghi công'. Việc ghi công cho tác giả tác phẩm OER là quan trọng, thường được (các) tác giả thực hiện khi phát hành tác phẩm của mình với mục đích để các độc giả tôn trọng BẢN QUYỀN tác giả.
Câu hỏi đặt ra là: Ghi công cho tác giả của tác phẩm OER như thế nào là đúng, đặc biệt khi thí sinh kết hợp (các) OER của (các) tác giả khác?

C.2. Công cụ hỗ trợ cấp phép và ghi công cho tác giả

Ở đây sẽ lần lượt đề cập tới vài công cụ hỗ trợ cấp phép và ghi công cho tác giả các tác phẩm được cấp giấy phép Creative Commons.
C.2.1. Công cụ hỗ trợ cấp phép của Creative Commons
Hãy tới địa chỉ: https://creativecommons.org/choose/ để thấy công cụ hỗ trợ cấp phép CC với 4 phần dạng như trong hình sau:
Hình 1. Công cụ hỗ trợ cấp phép và ghi công tác giả tác phẩm được cấp phép CC

 
Để có được ví dụ minh họa cụ thể, giả thiết có thí sinh đã dịch một tác phẩm từ tiếng Anh mang giấy phép CC BY-SA sang tiếng Việt với các đặc tính sau đây:
  1. Tên tác phẩm phái sinh tiếng Việt: 'Tài nguyên giáo dục mở: chính sách, các chi phí và sự biến đổi'
  2. Tên thí sinh đã dịch tác phẩm đó sang tiếng Việt: Lê Trung Nghĩa
  3. Đường dẫn tới tác phẩm phái sinh tiếng Việt:
  1. Đường dẫn tới tác phẩm gốc tiếng Anh:
  1. Giấy phép của tác phẩm phái sinh: do giấy phép của tác phẩm gốc là CC BY-SA, nên giấy phép của tác phẩm phái sinh cũng phải là CC BY-SA vì mệnh đề 'chia sẻ tương tự' SA.
Quay lại với công cụ như trên Hình 1 với 4 phần như sau:
  1. 'License Features' (Các đặc tính của giấy phép): Hãy chọn các đặc tính giấy phép trong phần này để chọn giấy phép bạn muốn và bạn sẽ thấy các giấy phép tương ứng được tự động thay đổi theo và được hiển thị trong phần 'Selected License' (Giấy phép được chọn).
Ví dụ: Chọn các lựa chọn trong phần 'License Features' như trong Hình 1 để có được giấy phép CC BY-SA
  1. 'Selected License' (Giấy phép được chọn). Nội dung phần này sẽ được tự động biến đổi theo các lựa chọn ở phần 'License Features' được nêu ở trên. Trong trường hợp cụ thể này, ta sẽ thấy giấy phép CC BY-SA được chọn.
  2. 'Help others attribute you!' (Hãy giúp những người khác ghi công cho bạn!): Phần này là để giúp những người sử dụng tác phẩm của bạn ghi công cho chính bạn - tác giả tác phẩm. Phần này là tùy chọn, nghĩa là bạn có thể điền hay không điền các thông tin để giúp những người sử dụng ghi công cho bạn như là tác giả của tác phẩm OER.
  • Trong trường hợp bạn quyết định điền các thông tin vào phần này, hãy xem mục 'Giúp những người khác ghi công cho bạn!' ở bên dưới.
  • Trong trường hợp bạn không điền gì vào phần này, hãy đi tiếp xuống phần 'Have a webpage?' (Có trang web chứ?).
  1. 'Have a webpage?' (Có trang web chứ?): Phần này có các thông tin được sinh ra tự động từ các thông tin ở các phần trên. Trong trường hợp bạn không điền gì ở phần 'Help others attribute you!', hãy sao chép tất cả các thông tin được tự động sinh ra bên trên dòng 'Copy this code to let your visitors know!' (Hãy sao chép mã để cho phép các khách viếng thăm biết!) rồi dán vào bài viết trên trang web của bạn và/hoặc (các) trang web có liên quan tới tác phẩm OER được cấp phép CC của bạn. Bạn sẽ thấy các nội dung ở phần này như sau:

work này được chia sẻ với các điều khoản của giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 4.0 Quốc tế .
Hãy sửa nội dung này cho phù hợp. Ví dụ bạn có thể sửa cụm từ ở trên thành:
Tác phẩm này được chia sẻ với các điều khoản của giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 4.0 Quốc tế .
Nếu bạn thành thạo ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản HTML, thì bạn có thể sử dụng phần nội dung trong hộp liệt kê bên dưới dòng 'Copy this code to let your visitors know!' (Hãy sao chép mã để cho phép các khách viếng thăm biết!) bằng cách sao chép toàn bộ các mã HTML trong hộp liệt để bên dưới rồi dán vào trang web của bạn và/hoặc (các) trang web có liên quan tới tác phẩm OER được cấp phép CC của bạn và có hỗ trợ HTML trong trình soạn thảo của chúng. Cũng nên sửa nội dung cho phù hợp với ngữ cảnh tiếng Việt.
Có 2 núm radio ở đáy của phần 'Have a webpage?' này giúp bạn chọn theo ý của bạn dạng biểu tượng của giấy phép CC, hoặc dạng 'Normal icon' (Biểu tượng thông thường) hoặc 'Compact icon' (Biểu tượng rút gọn).
C.2.2. Công cụ giúp những người khác ghi công cho bạn
Theo các từ tiếng Anh, nguyên tắc ghi công cho tác phẩm OER được cấp phép CC, tối thiểu gồm cụm từ viết tắt với 4 chữ cái đầu từ là TASL, có nghĩa là:
  1. Title: Tên tác phẩm
  2. Author: Tên (các) tác giả
  3. Source: Nguồn của tác phẩm (thường là đường liên kết tới tác phẩm)
  4. License: Giấy phép của tác phẩm
TASL là yêu cầu ghi công tối thiểu cho tác phẩm OER được cấp phép CC, điều ngụ ý là có thể đưa thêm các yếu tố khác vào khi ghi công, ngoài các thông tin tối thiểu đó.
Thực tế cho thấy, việc ghi công thường gây lúng túng khi bạn tạo ra và/hoặc kết hợp để tạo ra (các) tác phẩm, vì thế, có các công cụ để giúp cho việc ghi công được dễ dàng cho bất kỳ (các) tác giả/ đồng tác giả của bất kỳ phẩm OER nào, bao gồm cả các thí sinh trong cuộc thi được đề cập tới trong bài viết này.
Trong trường hợp bạn muốn bổ sung các thông tin để giúp những người sử dụng tác phẩm ghi công cho bạn được dễ dàng, đặc biệt khi những người sử dụng đó tạo các tham chiếu tới tác phẩm của bạn, hãy nháy vào đường link trong phần 'Help others attribute you!' như được nêu ở Hình 1 ở trên, để mở ra hộp thoại ghi công đầy đủ, như được chỉ ra trong Hình 2.
Vì giả thiết bạn là thí sinh cuộc thi và là tác giả của tác phẩm OER, vì thế hãy làm các bước sau:
  1. Thí sinh gõ tiêu đề tác phẩm của mình vào trường 'Tiêu đề của tác phẩm'.
Ví dụ: 'Tài nguyên giáo dục mở: chính sách, các chi phí và sự biến đổi'
  1. Thí sinh gõ tên của mình hoặc các đồng tác giả với mình vào trường 'Gắn với tên'
Ví dụ: Lê Trung Nghĩa biên dịch
  1. Thí sinh gõ đường dẫn tới tác phẩm cần được ghi công của mình vào trường 'Gắn với URL'
Ví dụ: https://www.dropbox.com/s/rsweet9lr2j50i5/244365e-Vi-20072016.pdf?dl=0 (là địa chỉ dẫn tới tác phẩm và/hoặc để tải về tác phẩm của thí sinh)
Hình 2. Phần trợ giúp ghi công cho tác phẩm được cấp phép CC của Creative Commons

 
  1. Thí sinh gõ đường dẫn tới tác phẩm OER nguồn của (các) tác giả khác, dựa vào đó thí sinh tạo ra tác phẩm phái sinh của mình vào trường 'Tác phẩm nguồn'
  1. Thí sinh gõ vào đường dẫn tới các quyền khác (nếu có) được gắn tới tác phẩm của mình vào trường 'More Permissions URL' (URL của nhiều sự cho phép hơn)
Ví dụ: trong trường hợp này không có thêm URL nào, vì thế trường này được bỏ trống.
  1. Thí sinh mở hộp combo 'Format of work' (Định dạng tác phẩm) để chọn các dạng tác phẩm của thí sinh, như: (1) Văn bản; (2) Hình ảnh; (3) Âm thanh; (4) Video; (5) Tập hợp dữ liệu; và/hoặc các định dạng khác.
Ví dụ, chọn: Văn bản.
  1. Thí sinh mở hộp combo 'License mark' (Dấu của Giấy phép) để chọn các dạng dấu giấy phép Creative Commons theo sở thích của thí sinh.
Ví dụ: để nguyên giá trị mặc định.
Sau khi hoàn thành việc ghi công cho tác phẩm, thí sinh hãy di chuyển tới phần 'Have a webpage?' (Có trang web chứ?) rồi thực hiện các hành động sau:
Hãy sao chép toàn bộ nội dung phần trên của cụm từ 'Copy this code to let your visitors know!' (Hãy sao chép mã này để cho phép những người viếng thăm của bạn biết!) rồi dán nội dung được sao chép đó vào bài viết (ví dụ bài giới thiệu về tác phẩm của bạn) trên trang web của bạn và/hoặc (các) trang web có liên quan tới tác phẩm OER được cấp phép CC của bạn. Bạn sẽ thấy các nội dung ở phần này như sau:

'Tài nguyên giáo dục mở: chính sách, các chi phí và sự biến đổi' của Lê Trung Nghĩa biên dịch được chia sẻ với các điều khoản có trong giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 4.0 Quốc tế .
Based on a work at http://unesdoc.unesco.org/images/0024/002443/244365e.pdf.
Hãy sửa nội dung này cho phù hợp. Ví dụ bạn có thể sửa cụm từ ở trên thành:
'Tài nguyên giáo dục mở: chính sách, các chi phí và sự biến đổi' của Lê Trung Nghĩa biên dịch được chia sẻ với các điều khoản có trong giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 4.0 Quốc tế .
Dựa vào tác phẩm tại http://unesdoc.unesco.org/images/0024/002443/244365e.pdf.
C.2.3. Công cụ hỗ trợ cấp phép và ghi công tác giả của dự án Washington Mở
Giống như với công cụ hỗ trợ cấp phép và ghi công tác giả của Creative Commons, bạn có thể sử dụng công cụ hỗ trợ tương tự của dự án Washington Mở (Open Washington) bằng việc đi tới địa chỉ: http://www.openwa.org/attrib-builder/ để thấy công cụ hỗ trợ cấp phép CC và ghi công tác giả của Open Washington như trong Hình 3.

 
Hình 3. Công cụ hỗ trợ cấp phép CC và ghi công tác giả của Open Washington

 
Điền các thông tin sau đây vào các trường tương ứng như sau:
  1. Gõ tiêu đề tác phẩm vào trường 'Title' (Tiêu đề).
Ví dụ: Tài nguyên giáo dục mở: chính sách, các chi phí và sự biến đổi
  1. Gõ vào URL của tác phẩm hoặc nơi tải về tác phẩm
  1. Gõ tên tác giả của tác phẩm vào trường 'Author' (Tác giả)
Ví dụ: Lê Trung Nghĩa biên dịch
  1. Gõ vào URL trang web của tác giả
  1. Gõ tên tổ chức của tác giả vào trường 'Organization'
Ví dụ: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở, Bộ KHCN
  1. Gõ vào URL trang web của tổ chức của tác giả
  1. Gõ tên dự án (nếu có) vào trường 'Project'
Ví dụ: Bản dịch tài liệu không nằm trong dự án nào, vì thế trường này được bỏ trống
  1. Chọn giấy phép của tác phẩm trong hộp liệt kê 'License' (Giấy phép)
Ví dụ: chọn giấy phép Attribution-ShareAlike (CC BY-SA)
  1. Chọn phiên bản giấy phép Creative Commons
Ví dụ: chọn phiên bản - version 4.0
  1. Chọn ô 'This work is derivative' (Tác phẩm này là phái sinh)
Ví dụ: Vì đây là bản dịch nên chắc chắn là tác phẩm phái sinh, nên phải chọn ô này
  1. Gõ vào URL của tác phẩm gốc - bản gốc tiếng Anh của tài liệu
Sau khi hoàn thành việc ghi công cho tác phẩm, thí sinh hãy di chuyển tới phần 'Attribution' (Ghi công) rồi thực hiện các hành động sau: Hãy sao chép toàn bộ nội dung ở trường bên trên rồi dán nội dung được sao chép đó vào bài viết (ví dụ bài giới thiệu về tác phẩm của bạn) trên trang web của bạn và/hoặc (các) trang web có liên quan tới tác phẩm OER được cấp phép CC của bạn. Bạn sẽ thấy các nội dung ở phần này như sau:
Hãy sửa nội dung này cho phù hợp. Ví dụ bạn có thể sửa cụm từ ở trên thành:
Đây là trường hợp ghi công theo nguyên tắc TASL có cộng thêm các thông tin bổ sung khác.
C.2.4. Công cụ để kết hợp từ 2 tác phẩm OER được cấp phép Creative Commons trở lên và tính tương thích giữa các giấy phép Creative Commons khi kết hợp với nhau
Trường hợp thí sinh kết hợp các OER được cấp phép Creative Commons để tạo thành tác phẩm phái sinh, điều quan trọng là thí sinh nên sử dụng công cụ để kết hợp các OER đó, chứ không 'tưởng tượng' hoặc làm bằng tay, vì khả năng sẽ mắc lỗi vi phạm các quyền tác giả của các tác phẩm gốc OER đó là không nhỏ.
Hãy tới địa chỉ: http://www.openaccesstextbooks.org/cc_tool/license_generator.html để thấy công cụ hỗ trợ cấp phép CC và ghi công cho tác phẩm OER phái sinh của thí sinh được tạo ra từ sự kết hợp từ 2 (hoặc lớn hơn) tài nguyên được cấp phép mở CC khác nhau, như trên Hình 4a.
Trên Hình 4a có 4 phần:
  1. Phần 1: 'Select License #1' (Chọn giấy phép #1 - cho OER đầu tiên sẽ được kết hợp).
  2. Phần 2: 'Select License #2' (Chọn giấy phép #2 - cho OER thứ 2 sẽ được kết hợp).
  3. Phần 3: 'Select A License For Your Derivative Work' (Chọn giấy phép cho tác phẩm phái sinh của bạn). Tại đây, bất kỳ khi nào chọn lại các cặp giấy phép, bạn phải bấm vào 'Reset' (Thiết lập lại) để bắt đầu việc lựa chọn lại từ đầu. Sau khi bạn đã chọn các giấy phép tương ứng cho các OER ở 2 phần trên để kết hợp với nhau, hãy nhấn vào 'See available combined license' (Xem giấy phép có sẵn sau khi [các OER] được kết hợp) và bạn sẽ thấy kết quả của việc kết hợp 2 OER với các giấy phép được lựa chọn ở 2 bước trên cho tác phẩm phái sinh của bạn, có thể với các kết quả rất khác nhau như sau:
    1. Tác phẩm phái sinh có vài khả năng lựa chọn giấy phép khi kết hợp 2 OER với các giấy phép được chọn, như trên Hình 4b. Hãy tùy chọn 1 trong các giấy phép đó.
    2. Tác phẩm phái sinh chỉ có 1 khả năng duy nhất chọn giấy phép khi kết hợp 2 OER với các giấy phép được chọn, như trên Hình 4c. Hãy chọn giấy phép đó.
    3. Tác phẩm phái sinh không có giấy phép hợp lệ khi kết hợp 2 OER với các giấy phép được chọn, như trên Hình 4c. Thay vì (các) giấy phép kết quả có thể lựa chọn như trên các Hình 4b và Hình 4c, bạn sẽ thấy trên Hình 4d có dòng chữ: 'The licenses can not be combined. Click “Reset” and try again' (Các giấy phép không thể kết hợp được. Hãy nháy “Thiết lập lại” và thử lại một lần nữa). Khi này ta nói 2 giấy phép được chọn cho các OER ở các bước 1 và 2 là không tương thích với nhau.
  4. Phần 4: 'Incorporate into your document or webpage' (Hãy kết hợp vào tài liệu hoặc trang web của bạn). Khi bạn thực hiện xong 3 bước ở trên, thì văn bản giấy phép được chọn cho tác phẩm phái sinh của bạn từ việc kết hợp 2 OER ở các bước trên sẽ tự động xuất hiện trong Phần 4 này (đối với các trường hợp 2 OER với các giấy phép được chọn tương thích nhau), và bạn sẽ sao chép và dán văn vào tài liệu hoặc trang web của bạn như bạn mong muốn, hoặc ở dạng văn bản thường, hoặc ở dạng HTML, hệt như những ví dụ đã được nêu.
Trong trường hợp 2 giấy phép là không tương thích nhau, đồng nghĩa với việc 2 OER với các giấy phép được chọn không thể tạo ra một tác phẩm phái sinh với giấy phép hợp lệ được. Khi này, cách duy nhất bạn có thể làm, là lên Internet để chọn lại các OER với các giấy phép CC sao cho các giấy phép của các OER đó là tương thích với nhau, và vì thế mới có thể cho kết quả tác phẩm OER phái sinh của bạn giấy phép hợp lệ được. May thay, cho tới đầu năm 2015, đã có hơn 1 tỷ tài nguyên được cấp phép CC trên Internet và vì thế khả năng bạn chọn được các OER như ý để kết hợp là không hề nhỏ.
Hình 4a. Công cụ trợ giúp cấp phép CC cho tác phẩm phái sinh khi kết hợp từ 2 OER trở lên
Hình 4b. Trường hợp tác phẩm phái sinh có vài khả năng chọn giấy phép khi kết hợp các OER
Hình 4c. Trường hợp tác phẩm phái sinh chỉ có 1 khả năng chọn giấy phép khi kết hợp các OER
Hình 4d. Trường hợp tác phẩm phái sinh không thể có giấy phép hợp lệ khi kết hợp các OER
 
Bằng cách thử chọn tất cả các khả năng kết hợp giữa 2 giấy phép cho 2 OER ở các bước 1 và 2 ở trên, có thể cho chúng ta bảng về tính tương thích của các giấy phép Creative Commons tiêu chuẩn khi được kết hợp với nhau như trên Hình 5.
Hình 5. Tính tương thích của các giấy phép CC tiêu chuẩn
 
 

D. Những điều các thí sinh phải lưu ý khi kết hợp các tài nguyên được cấp phép Creative Commons

Bằng cách thử kết hợp tất cả các cặp giấy phép CC có tương thích với nhau như trên Hình 5, ta có thể đi tới kết luận rằng, các giấy phép CC BY và CC BY-SA là phù hợp với thể lệ của cuộc thi như theo Quyết định số 1878/QĐ-BGDĐT khi và chỉ khi có những kết hợp từ 2 OER trở lên với các giấy phép CC được chọn để có giấy phép CC hợp lệ cho tác phẩm phái sinh là như sau:
  1. CC BY với CC BY cho kết quả tác phẩm phái sinh là CC BY, nhưng nếu thí sinh gán giấy phép CC BY-SA cho tác phẩm phái sinh thì cũng không sai, dù trong thực tế ít ai làm thế vì mức độ tự do của CC BY là lớn hơn của CC BY-SA.
  2. CC BY với CC BY-SA hoặc ngược lại cho kết quả tác phẩm phái sinh là CC BY-SA.
  3. CC BY-SA với CC BY-SA cho kết quả tác phẩm phái sinh là CC BY-SA.
  4. Tất cả các trường hợp còn lại đều không thỏa mãn yêu cầu thể lệ cuộc thi.

 

E. Kết luận

Để tuân thủ với thể lệ của cuộc thi với các bài thi phải có giấy phép CC BY hoặc CC BY-SA, và phù hợp với nguyên tắc 5R của OER, các bài thi của các thí sinh sẽ là hợp lệ nếu:
  1. Tự tạo ra các tài nguyên với tất cả các nội dung thành phần đều do thí sinh đó là tác giả gốc ban đầu và thí sinh có thể tùy ý gán giấy phép CC BY hoặc CC BY-SA cho tài nguyên đó.
  2. Kết hợp và/hoặc tùy biến thích nghi từ 2 OER trở lên (bao gồm cả trường hợp thí sinh có một phần nội dung do mình tự tạo ra được cấp giấy phép CC BY hoặc CC BY-SA rồi kết hợp với 1 OER khác trở lên) được cấp phép CC BY và/hoặc CC BY-SA của các tác giả khác để tạo thành tác phẩm OER phái sinh với các điều kiện như sau:
    1. CC BY kết hợp với CC BY cho kết quả tác phẩm phái sinh có giấy phép là CC BY
    2. CC BY kết hợp với CC BY-SA hoặc CC BY-SA kết hợp với CC BY-SA đều cho kết quả tác phẩm phải sinh có giấy phép là CC BY-SA.
    3. Tất cả các trường hợp kết hợp còn lại là không hợp lệ.
Để cuộc thi có thể thành công tốt đẹp, mọi thí sinh và ban giám khảo rất cần được tập huấn trước để hiểu rõ tất cả những vấn đề liên quan tới cấp phép Creative Commons được nêu ở trên.

 

 
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/07/2016
Lê Trung Nghĩa
PS: Bạn có thể tải về tài liệu này ở định dạng PDF tại địa chỉ:

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay25,088
  • Tháng hiện tại438,810
  • Tổng lượt truy cập37,965,634
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây