Các mô hình bền vững Tài nguyên Giáo dục Mở

Thứ hai - 13/05/2024 17:56
Các mô hình bền vững Tài nguyên Giáo dục Mở

Open Educational Resources Sustainability Models

Lê Trung Nghĩa, ORCID iD: https://orcid.org/0009-0007-7683-7703

Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở - InOER (Institute for Research, Training and Development of Open Educational Resources)

Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (AVU&C)

Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

***

Tóm tắt: Quyết định 1117/QĐ-TTg ngày 25/09/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học. Bài viết này đưa ra một số mô hình bền vững Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM) đã và đang được triển khai hoặc gợi ý triển khai trên thế giới, cả ở khía cạnh kinh tế - tài chính và khác, cũng như ở mức độ triển khai chúng cho một cơ sở giáo dục, quốc gia và thế giới, cùng với một vài gợi ý để có thể triển khai chúng hiệu quả ở Việt Nam.

Từ khóa: các mô hình bền vững tài nguyên giáo dục mở.

Abstract: Decision 1117/QD-TTg dated September 25, 2023 of the Prime Minister: Approving the Program to build a model of open educational resources in higher education. This article presents a number of Open Educational Resources sustainability models that have been implemented or suggested to be implemented in the world, both in economic - financial and other aspects, as well as at the level of implementation for an educational institution, the country and the world, along with a few suggestions for how to implement them effectively in Vietnam.

Keywords: open educational resources sustainability models.

1. Đặt vấn đề

TNGDM được định nghĩa là các tài nguyên giáo dục đáp ứng các điều kiện: bất kỳ ai cũng có khả năng miễn phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại các tài nguyên đó, bất kể chúng thuộc về phạm vi công cộng hay có bản quyền đã được cấp phép mở, thường là một trong các giấy phép Creative Commons đáp ứng các điều kiện nêu trên. Các mô hình TNGDM bền vững nào có thể đáp ứng được các điều kiện như vậy?

2. Cơ sở lý luận

Để đáp ứng các điều kiện được nêu trong định nghĩa TNGDM, cần có cách tiếp cận đổi mới sáng tạo đối với các mô hình bền vững TNGDM, chẳng hạn như các mô hình sinh doanh thu và/hoặc thu hồi các chi phí từ việc ứng dụng và phát triển TNGDM trong dài hạn, cùng lúc phải tính đến giá trị TNGDM tạo ra để làm cho nó có thể hoàn thành các tầm nhìn, mục tiêu và mục đích đa dạng của giáo dục.

Nếu chỉ nhìn từ góc độ giá trị về kinh tế - tài chính, có thể thấy có nghịch lý là TNGDM không có ý định sinh doanh thu nhưng việc bỏ qua doanh thu từ TNGDM có thể làm cho nó không bền vững, đặc biệt khi cần phải tính tới các hoạt động tốn chi phí/nguồn lực nhằm tạo lập, duy trì tính sẵn sàng, đảm bảo chất lượng, khả năng tiếp cận và sự tham gia của người học với TNGDM trong dài hạn.

3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Không có nhiều tài liệu nghiên cứu về các mô hình bền vững TNGDM dù điều này ngày càng được cải thiện trong những năm gần đây, đặc biệt với sự thúc đẩy của một trong năm lĩnh vực hành động được nêu trong Khuyến nghị TNGDM của UNESCO[1] năm 2019, cụ thể: “(iv) Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM: hỗ trợ và khuyến khích sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM ở các mức quốc gia, khu vực và cơ sở, và lên kế hoạch và kiểm thử thí điểm các dạng thức bền vững mới của giáo dục và học tập.”

Thông qua công việc phân tích/tổng hợp và dịch (nếu cần) các thông tin/tài liệu thu thập được, bài viết trình bày các kết quả ban đầu như bên dưới đây.

4. Các mô hình bền vững cho TNGDM

4.1 Các mô hình bền vững về kinh tế - tài chính

Một số tài liệu gần đây đã liệt kê hàng loạt, dù không là vét cạn, các mô hình bền vững cho TNGDM về mặt kinh tế - tài chính và hầu như đều thống nhất rằng để thành công, một cơ sở giáo dục nên triển khai không chỉ một mô hình duy nhất, mà nên kết hợp triển khai cùng một lúc vài mô hình mà cơ sở cho là phù hợp nhất với mình ở từng thời điểm, và các mô hình đó có thể được chia thành 3 chủng loại chính[2] như sau:

4.1.1 Các mô hình dựa vào cộng đồng (Community-based models)

  • Mô hình dựa vào cộng đồng. Trong mô hình này, các thành viên của một cộng đồng hoặc mạng lưới TNGDM cộng tác tạo ra và sử dụng TNGDM. Doanh thu có thể được sinh ra bằng việc đặt chỗ lưu trữ cho hạ tầng cần thiết hoặc tính phí cho hoạt động có liên quan. Một ưu điểm ở đây là các cộng đồng có nguồn lực (đặc biệt nguồn nhân lực) có thể được rút ra để sử dụng và phát triển chuyên môn ngang hàng.

  • Mô hình Chương trình Trực tuyến (Online Programme model). Mô hình này được hiện thực hóa bằng cách mở rộng giáo dục mặt đối mặt sang các khóa học trên trực tuyến hoặc kết hợp. Điều này hơi có vấn đề vì nội dung thường chỉ được truy cập bởi các sinh viên đã đăng ký chứ không phải là nội dung “mở” cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có lẽ đã trở nên phổ biến hơn với việc chuyển sang giáo dục trên trực tuyến do đại dịch Covid-19.

4.1.2 Các mô hình dựa vào từ thiện (Philanthropy-based models)

  • Mô hình chính phủ (Governmental model). Trong mô hình này, các cơ quan chính phủ quốc gia và quốc tế cung cấp vốn cho việc tạo lập TNGDM. Điều này (cùng với hoạt động từ thiện) là cách mà nhiều sáng kiến TNGDM theo truyền thống đã được cấp vốn nhưng phụ thuộc khá nhiều vào các ưu tiên chính trị và chiến lược của những người bên ngoài bản thân một cơ sở giáo dục. Cũng có sự cạnh tranh khốc liệt đối với một số dòng vốn cấp này, có thể khiến việc lập kế hoạch dài hạn trở nên phức tạp.

  • Mô hình cơ sở (Institutional model). Đây là mô hình với các hoạt động theo cách tương tự với mô hình chính phủ nhưng ở quy mô nhỏ hơn, nơi các nhà cung cấp giáo dục đại học dành một phần ngân sách của họ cho các chương trình TNGDM. Điều này thường được thực hiện theo những cách thức nhất quán với triết lý mở, nhưng lại liên quan đến sự cạnh tranh vì các nguồn lực khan hiếm mà không ảnh hưởng nhiều đến việc xây dựng năng lực dài hạn. Ngoài ra còn có nguy cơ là các ưu tiên chiến lược có thể thay đổi nhanh chóng.

  • Mô hình quyên góp (Donations model). Mô hình này bao gồm các khoản quyên góp từ các cơ quan, hiệp hội, ngành, chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ. Hình thức tài trợ này phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực bên ngoài và có thể được coi là phiên bản thu nhỏ của mô hình từ thiện với những rủi ro rõ ràng - nhưng vẫn có thể hoạt động khi có nguồn tài trợ đáng kể, ví dụ thế.

  • Mô hình Thay thế (Substitution model). Mô hình này nhằm tiết kiệm chi phí từ việc chuyển đổi các dịch vụ dư thừa (ví dụ: các hệ thống lỗi thời) sang các chương trình TNGDM.

4.1.3 Các Mô hình dựa vào doanh thu (Revenue-based models)

  • Mô hình bán kinh nghiệm khóa học (Selling course experience model) hoặc mô hình “Freemium”. Đây là mô hình theo đó tư liệu giáo dục (ví dụ: slide trình chiếu, văn bản, dữ liệu) được cung cấp miễn phí. Tính bền vững ở đây bắt nguồn từ các nguồn thu nhập được cung cấp cùng với điều này, chẳng hạn như việc trả lời các câu hỏi, đưa ra phản hồi về bài nộp, giám sát nghiên cứu và kiểm tra, cũng như chứng nhận. Vấn đề của mô hình này nằm ở chỗ: làm thế nào để chuyển đổi người sử dụng thành các khách hàng trả tiền.

  • Mô hình Tài trợ/Quảng cáo (Sponsorship/Advertising model). Mô hình này dựa vào việc tạo ra doanh thu bằng cách cho sinh viên tiếp xúc với các thông điệp thương mại. Bị nhiều người cho là phi đạo đức và xung đột với các mục tiêu của giáo dục, mô hình này cũng đặt ra câu hỏi về những gì liên quan đến giao dịch giữa nhà giáo dục, người học và nhà tài trợ cũng như các thước đo đánh giá thành công.

  • Mô hình bán dữ liệu (Selling data model). Theo mô hình này, doanh thu được tạo ra bằng cách bán dữ liệu về hoạt động của những người sử dụng một môi trường học tập (có thể được sử dụng để kiểm thử và cải thiện việc học tập, liên kết các ứng viên với công việc hoặc chỉ để đăng nội dung trên trực tuyến). Đây là một cách tiếp cận khác chứa đầy những lo ngại về đạo đức nhưng có thể được thực hiện theo những cách thức mà mọi người có thể đồng ý với giả định rằng có đủ sự minh bạch về những gì đang diễn ra. Ưu điểm là có rất nhiều tổ chức sẵn sàng trả tiền cho loại dữ liệu này.

  • Mô hình thành viên (Membership model). Có lẽ ở đâu đó giữa mô hình dựa vào cộng đồng và doanh thu, là mô hình thành viên dựa vào các tổ chức đóng góp cho trường đại học bằng tiền, dịch vụ và hàng hóa để đổi lấy các đặc quyền như quyền truy cập sớm tới các quyết định về lộ trình và phát hành các chính sách. Điều này đòi hỏi sự phù hợp tốt giữa các ưu tiên của trường đại học/doanh nghiệp và ưu tiên của nhà tài trợ theo thời gian để có thể bền vững.

  • Mô hình Phân đoạn (Segmentation model). Mô hình này dựa vào việc bán các bản sao cứng TNGDM ở dạng giấy cho sinh viên. Cách tiếp cận này có thể bị giới hạn trong các bối cảnh khá cụ thể, quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn như thay thế sách giáo khoa sở hữu độc quyền.

  • Mô hình Tác giả trả tiền (Author pays model). Theo mô hình này, các nhà xuất bản tạo doanh thu bằng cách tính phí đối với người tạo nội dung (ví dụ như trong trường hợp tính phí xử lý bài viết - APC [Article Processing Charges]). Tuy nhiên, trong trường hợp của TNGDM, thường có nhu cầu tối thiểu đối với nhà xuất bản bên thứ ba. Hơn nữa, vấn đề ai trả tiền vẫn còn nhưng cần cân nhắc thêm về việc cần phải trả tiền cho nhà xuất bản. Những cách tiếp cận như thế này được cho là có lợi cho những người có khả năng tiếp cận nguồn vốn cấp và phân biệt đối xử với những người chuyên nghiệp ít thành danh hơn hoặc những người đến từ các khu vực có ít nguồn vốn cấp hơn.

4.1.4 Đặc tính và tầm quan trọng của các mô hình bền vững về kinh tế - tài chính

Từ gần 10 năm trước, các tác giả Dominic Orr, Michele Rimini và Dirk Van Damme (2015) cũng chia các mô hình bền vững TNGDM theo 3 chủng loại hệt như ở trên, cùng với các đặc tính của từng chủng loại đó, như được minh họa trên Hình 1[3]. Các đặc tính đối với từng chủng loại mô hình được thể hiện ở: (1) Sự khan hiếm về tài nguyên; (2) Thước đo thành công; và (3) Các thách thức đối với TNGDM. Các tác giả cũng đưa ra các thông điệp chính sách chủ chốt như sau:

  1. Các mô hình cấp vốn cho TNGDM là quan trọng. Nếu thực hành TNGDM chuyển sang xu hướng chủ đạo thì những thách thức về tính bền vững kinh tế và việc đối phó với quy mô lớn phải được giải quyết. Do đó, điều quan trọng là phải xem xét các mô hình cấp vốn và thu hồi chi phí đang được các nhà sản xuất TNGDM sử dụng để trang trải chi phí sản xuất ban đầu. Đây là các mô hình sản xuất, quyên góp và trợ cấp cộng đồng (phi thị trường) và các mô hình doanh thu thường kết hợp các sản phẩm hoặc dịch vụ miễn phí và các sản phẩm hoặc dịch vụ tạo doanh thu.

  2. Nguồn vốn cấp ngắn hạn có nhiều thách thức. Nhiều sáng kiến TNGDM bắt nguồn từ sự đóng góp của các quỹ từ thiện hoặc nguồn tài trợ của chính phủ và chắc chắn phải đối mặt với câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với các tài nguyên và hoạt động của chúng khi các dòng vốn cấp đó kết thúc hoặc khi sáng kiến cần mở rộng quy mô.

  3. Các mô hình doanh thu hỗn hợp đang nổi lên. Một số sáng kiến TNGDM đã thực hiện chuyển đổi mô hình cấp vốn của họ sang mô hình kinh doanh, với các dòng doanh thu bổ sung được khai thác để đảm bảo tính bền vững theo thời gian. Ngoài ra, còn có các ví dụ về các tổ chức định hướng doanh thu (đặc biệt là các nhà xuất bản) sản xuất TNGDM để duy trì tính đổi mới và hấp dẫn đối với thị trường chính của họ. Nhìn chung, người ta mong đợi rằng nhiều mô hình hỗn hợp hơn sẽ xuất hiện, trong đó TNGDM sẽ chỉ là một phần của chương trình học tập kỹ thuật số.

Hình 1. Các chủng loại mô hình bền vững cho TNGDM với các đặc tính của chúng

Các tác giả Tlili, A., Nascimbeni, F., Burgos, D., Zhang, X., Huang, R., & Chang, T. W. (2020)[4] trong tài liệu của mình cũng liệt kê 10 mô hình sinh doanh thu của TNGDM, nhiều trong số đó là tương tự như các mô hình được nêu ở trên, và đưa ra bảng xếp hạng theo thứ tự từ mô hình được thiết lập tốt nhất trở xuống, dựa trên giá trị trung bình xếp hạng và độ lệch chuẩn – SD (Standard Deviation) của từng mô hình, cùng với các ví dụ được triển khai trong thực tế ứng với từng mô hình đó. Lưu ý là Bảng 1 đã liệt kê tất cả các ví dụ được các chuyên gia đưa ra, trong giáo dục đại học và trong các bối cảnh giáo dục phi đại học. Bảng 1 cho thấy, 3 xếp hạng cao nhất trong bảng đều là các mô hình dựa vào từ thiện.

Bảng 1. Độ chín của các mô hình TNGDM dựa vào đánh giá của chuyên gia

4.1.5 Vai trò của chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho TNGDM phát triển

Vai trò của chính phủ là rất quan trọng trong việc tạo thuận lợi để ứng dụng và phát triển TNGDM thông qua các can thiệp chính sách và vốn cấp của nó.

Cơ sở lý luận cho sự can thiệp của chính phủ

Các chính phủ có thể tham gia vào việc cung cấp các tài liệu TNGDM để đảm bảo quyền truy cập rộng rãi tới các tài nguyên giáo dục chất lượng cao cho tất cả công dân của mình. Các chính phủ có nhiều khả năng can thiệp vào việc cung cấp hiện hành để giúp các sáng kiến TNGDM trở nên bền vững theo thời gian. Sự can thiệp như vậy sẽ được xác định bằng đánh giá của chính phủ về tính hiệu quả và giá trị đồng tiền của TNGDM, đặc biệt so với các chào bán độc quyền hiện có. Sáu thách thức giáo dục cụ thể mà các chính phủ có thể coi là lý do hỗ trợ TNGDM được nhấn mạnh gồm[5]: (1) Thúc đẩy việc sử dụng các hình thức học tập mới cho thế kỷ 21; (2) Thúc đẩy sự phát triển và gắn kết nghề nghiệp của giáo viên; (3) Bao gồm các chi phí giáo dục công và tư (Mức độ tham gia cao hơn vào các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới dẫn đến thách thức về chia sẻ chi phí giữa ngân sách công và hộ gia đình tư nhân để trang trải chi phí cho tài liệu học tập chất lượng cao); (4) Không ngừng nâng cao chất lượng các tài nguyên giáo dục; (5) Mở rộng phổ biến các tài nguyên giáo dục chất lượng cao; và (6) Giảm thiểu các rào cản đối với các cơ hội học tập.

Trang trải chi phí phát triển và sản xuất ban đầu

Hỗ trợ của chính phủ có thể là trực tiếp (hỗ trợ sản xuất) hoặc gián tiếp (hỗ trợ sử dụng). Điều này có nghĩa là chính phủ có thể cung cấp kinh phí và đào tạo để khởi động các mô hình dựa vào cộng đồng hoặc cấp vốn hạt giống cho các mô hình dựa vào doanh thu. Một cách gián tiếp, ví dụ, chính phủ cũng có thể thay đổi các quy định về thuế để khiến việc quyên góp trở nên hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân.

Trang trải chi phí để tiếp tục bảo trì và tùy chỉnh

Trừ khi trực tiếp điều hành chương trình phát triển TNGDM, chính phủ thường giảm sự tham gia của mình sau khi cung cấp vốn hạt giống cho một sáng kiến. Tuy nhiên, chính phủ có thể can thiệp bằng cách hỗ trợ các tổ chức TNGDM trong các giai đoạn tiếp theo, hoặc bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật sẵn có cho tất cả các sáng kiến TNGDM. Chính phủ có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy việc tạo lập, tùy chỉnh và sử dụng TNGDM, ví dụ, thông qua hỗ trợ đào tạo giáo viên về sử dụng và tùy chỉnh TNGDM (Dominic Orr, Michele Rimini và Dirk Van Damme (2015), Chương 11). Ngoài ra, bất cứ khi nào TNGDM được sử dụng như một sự thay thế cho các dạng tài liệu giáo dục truyền thống (ví dụ như sách giáo khoa) và các cơ chế mua sắm công được áp dụng, chính phủ có thể nhận trách nhiệm đảm bảo việc duy trì và tùy chỉnh các tài liệu theo thời gian.

Thước đo thành công

Với trách nhiệm tổng thể đối với hoạt động hiệu lực và hiệu quả của giáo dục, các chính phủ sẽ tập trung vào tác động của việc thực hành TNGDM, hơn là tính bền vững của các hoạt động riêng lẻ. Tần suất và chất lượng của việc tạo lập và sử dụng TNGDM sẽ là tiêu chí để đo lường sự thành công trong hoạt động của nó. Chính phủ có thể thường xuyên xem xét lại những điều này để đảm bảo tính bền vững của TNGDM theo thời gian.

4.2 Không chỉ là các mô hình bền vững về kinh tế - tài chính

4.2.1 Mô hình bền vững TNGDM phải tính đến giá trị TNGDM tạo ra để làm cho nó có thể hoàn thành các tầm nhìn, mục tiêu và mục đích đa dạng của giáo dục

Trong bài viết “Các mô hình bền vững”[6] đề ngày 29/09/2023 trên blog của mình, tác giả Paul Stacey, sau khi liệt kê hàng loạt các mô hình bền vững TNGDM như được nêu ở trên, đã bình luận về chúng như bên dưới đây:

Trích dẫn:

“TNGDM không chỉ là tài nguyên giáo dục, chúng còn là các tài nguyên giáo dục “MỞ”. Việc duy trì phần mở của TNGDM là cần thiết nhưng còn thiếu trong các mô hình đó. Thực hành mở phải được nhúng vào bất kỳ mô hình bền vững TNGDM nào.

Mô hình bền vững không là y hệt như mô hình tài chính. Hầu hết các mô hình ví dụ tập trung vào các vấn đề tài chính. Trong khi các cân nhắc về tài chính là một phần chắc chắn của mô hình bền vững thì chúng không là tất cả mọi điều. Ngoài ra các mô hình ví dụ tập trung vào doanh thu mà không cân nhắc đến các chi phí. Nhiều mô hình tài chính là phương tiện đơn giản sinh doanh thu từ các mô hình kinh doanh truyền thống và không phù hợp với giáo dục cũng như cách thức nó được cấp vốn. Các mô hình đó hoàn toàn không tính tới kinh tế của mở khác với kinh tế của không mở như thế nào, và cách thức mà mở làm thay đổi không chỉ mô hình tài chính cho giáo dục, mà còn cả thực hành của nó.

Các mô hình đó không đề cập tới vòng đời đầy đủ của TNGDM - từ tạo lập, tới sử dụng, tới lưu trữ và phân phối, tới duy trì và cải tiến. Một mô hình bền vững phải tính đến toàn bộ vòng đời và việc quản lý cần thiết để đảm bảo tính thường trực và lâu dài. TNGDM giống như những sinh vật sống cần được chăm sóc và nuôi dưỡng liên tục. Những mô hình hiện hành nói rất ít về phương tiện để thực hiện điều này. Một mô hình bền vững phải làm rõ cách TNGDM liên quan đến việc cộng tác với những người khác để tạo lập, duy trì và quản lý thứ gì đó có giá trị chung.

Và cuối cùng những mô hình đó bỏ qua bối cảnh giá trị lớn hơn. Truy cập, bao gồm, khả năng tùy chỉnh, và chất lượng chỉ là một vài cách thức mà TNGDM cải thiện đề xuất giá trị của giáo dục. Các mô hình đó không đề cập đến giá trị hoặc giả định có sự ngang bằng về giá trị giữa TNGDM và các tài nguyên giáo dục đóng truyền thống hơn. Mô hình bền vững TNGDM phải tính đến giá trị TNGDM tạo ra để làm cho nó có thể hoàn thành các tầm nhìn, mục tiêu và mục đích đa dạng của giáo dục.

Hết trích dẫn

Paul Stacy cũng là đồng tác giả của cuốn sách “Làm bằng Creative Commons”[7], nó mô tả mở có ý nghĩa như thế nào với tư cách là một mô hình đối với các tổ chức. Nó phân tích các mô hình kinh doanh mở và cung cấp hồ sơ của 24 tổ chức, khắp tất cả các lĩnh vực, những người đã nghĩ ra các mô hình bền vững đó, và tất cả chúng đều là các mô hình độc đáo.

Điểm chung của tất cả các mô sinh doanh thu từ các sản phẩm được các tác giả của chúng cấp phép mở Creative Commons và chia sẻ mở trên Internet nằm ở chỗ: các mô hình sinh doanh thu của họ đều bắt nguồn từ việc bán các dịch vụ xung quanh các sản phẩm, chứ không từ việc bán trực tiếp các sản phẩm đó.

Không có mô hình nào là vừa cho tất cả mọi người. Từ 24 ví dụ đó, tác giả đã đưa ra công thức đơn giản cho tính bền vững của TNGDM, như được minh họa trên Hình 2.

Hình 2. Công thức về tính bền vững cho TNGDM của Paul Stacy

Công thức đơn giản này khẳng định rằng tính bền vững liên quan tới việc kết hợp các nguồn lực để sinh ra lợi ích xã hội với việc kết nối con người. Các tổ chức theo đuổi chiến lược này có mục tiêu nhằm cung cấp giá trị và xây dựng mối quan hệ trước. Một khi những điều đó đã sẵn sàng, có thể tạo ra giá trị tương hỗ có đi có lại giữa tất cả những người tham gia, từ đó hình thành một mô hình bền vững. Nếu không có 1 trong 3 thành phần trên, thì công việc cần phải làm để biến không thành có trước khi một mô hình bền vững có thể được tạo ra.

Khi tham gia Dự án Sách Mở (Open Book) do cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton khởi xướng, Paul Stacy đã trình bày một Khung TNGDM Quốc gia MENA (MENA National OER Framework) vào tháng 10/2014 cho việc lập kế hoạch và triển khai TNGDM, như một ví dụ về mô hình bền vững TNGDM mức quốc gia cho các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi - MENA (Middle East and North Africa), được minh họa trên Hình 3.

Hình 3. Khung TNGDM Quốc gia MENA của Paul Stacy

Hình 3 rõ ràng chỉ ra rằng, một mô hình bền vững TNGDM mức quốc gia hoàn toàn không chỉ là một mô hình bền vững về kinh tế - tài chính, mà như bản thân Paul Stacy đã chỉ ra trước đó: “Mô hình bền vững TNGDM phải tính đến giá trị TNGDM tạo ra để làm cho nó có thể hoàn thành các tầm nhìn, mục tiêu và mục đích đa dạng của giáo dục”. Mô hình bền vững của Khung TNGDM Quốc gia này, trước nhất đi từ mục đích chiến lược (Strategic Purpose) của giáo dục, nhấn mạnh nỗ lực cộng tác trên toàn hệ thống, phát triển các tài nguyên giáo dục có giá trị tập thể và các cách thức độc đáo mà việc thực hành mở có thể cải thiện giáo dục. Nó đáp ứng cả ba yếu tố trong công thức bền vững trên Hình 2.

4.2.2 Mô hình bền vững hệ điều hành mở

Việc áp dụng mô hình hệ điều hành mở cho TNGDM, như được Paul Stacy gợi ý trên Hình 4, đòi hỏi phải kiểm tra tất cả các quy trình vận hành giáo dục qua lăng kính mở. Theo Paul Stacy, làm như vậy sẽ dẫn đến các mô hình bền vững TNGDM mới.

Hiện tại hầu hết các sáng kiến TNGDM được thực hiện dưới dạng dự án với nguồn vốn một lần với ngày bắt đầu và kết thúc cố định. Thực hiện theo cách này TNGDM chỉ là phần bổ sung gia tăng cho các quy trình vận hành hiện có. Một mô hình bền vững TNGDM đòi hỏi việc định vị mở là cốt lõi cho tất cả các hoạt động của tổ chức.

Hình 4. Mô hình bền vững Hệ điều hành Mở của Paul Stacy

Các thực hành mở trong giáo dục mở rộng vượt ra ngoài TNGDM để bao gồm Truy cập Mở, Khoa học Mở, Dữ liệu Mở và nguồn mở (ngụ ý phần mềm nguồn mở). Về mặt chiến lược, việc kết hợp các thành phần mở khác nhau này lại với nhau thừa nhận và củng cố mục đích và thực hành chung của chúng. Tổng thể của tất cả các thành phần mở này lớn hơn tổng các thành phần của chúng. Một cách tiếp cận hệ điều hành mở toàn diện với sự đồng vận của tất cả các thành phần mở này sẽ tạo ra một mô hình bền vững mang tính tổng hợp mạnh mẽ hơn, Mô hình Bền vững Hệ điều hành Mở (Open Operating System Sustainability Model), thay vì chỉ giới hạn với TNGDM.

Việc hợp nhất các thành phần mở khác nhau sẽ làm tăng tất cả các biến số trong công thức bền vững trên Hình 2. Nói chung, có một đề xuất giá trị lớn hơn, lợi ích xã hội được tạo ra lớn hơn và tổng số người sử dụng, người tham gia, các đối tác và cộng tác viên đều tăng lên.

4.2.3 Mô hình bền vững tài sản chung toàn cầu

TNGDM là hàng hóa chung toàn cầu (Global Public Goods). Tuy nhiên, các mô hình bền vững hiện tại không xem xét đến bản chất toàn cầu của chúng. Mô hình bền vững chung toàn cầu hướng tới việc thực hiện giáo dục như một quyền cơ bản của con người và tập hợp tất cả các nhà cung cấp giáo dục trong nỗ lực tập thể chung để cung cấp giáo dục như một tài sản chung toàn cầu (A Global Public Commons).

Hình 5. Mô hình bền vững tài sản chung toàn cầu của UNESCO và UNICEF

UNESCO và UNICEF đang dẫn dắt sáng kiến toàn cầu Cổng Gateways Học tập Kỹ thuật số Công cộng (Gateways to Public Digital Learning[8]) với “Mục đích là để giúp các quốc gia nhận ra và hành động dựa trên các khả năng của quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy giáo dục thông qua hợp tác và đoàn kết kỹ thuật số. Internet mang lại những khả năng chưa từng có để chia sẻ, hợp tác và tổng hợp các nguồn lực có thể mang lại lợi ích cho người học, giáo viên và gia đình ở các quốc gia và xuyên các quốc gia. Sáng kiến này nhằm mục đích tối đa hóa các hành động hợp tác này.”

Các nỗ lực hiện tại tập trung vào hai cam kết quan trọng đã nổi lên trong Hội nghị Thượng đỉnh Chuyển đổi Giáo dục gần đây[9]:

  1. Thiết lập và cải tiến liên tục các nền tảng học tập kỹ thuật số quốc gia với các tài nguyên giáo dục phù hợp với chương trình giảng dạy, chất lượng cao, đảm bảo chúng miễn phí, mở và truy cập được cho tất cả mọi người, phù hợp với Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO, và tôn trọng sự đa dạng của ngôn ngữ và các phương pháp học tập, đồng thời đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng.

  2. Đảm bảo các nền tảng này trao quyền cho các giảng viên, người học và gia đình, hỗ trợ khả năng tiếp cận và chia sẻ nội dung, đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng bao gồm người học khuyết tật, trẻ em gái và phụ nữ cũng như những người đang di chuyển.

Thật tuyệt vời khi thấy sự kết hợp Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO vào trong nỗ lực này.

Hy vọng một ngày không xa, Việt Nam sẽ được ghi nhận như một trong các cổng vào quốc gia trong mô hình bền vững tài sản chung toàn cầu của UNESCO và UNICEF.

5. Kết luận và gợi ý

Hiện đang tồn tại nhiều mô hình bền vững TNGDM và hầu hết chúng thường tập trung vào khía cạnh kinh tế - tài chính, như để sinh doanh thu từ việc ứng dụng và phát triển TNGDM, và chúng thường nằm ở 3 chủng loại: dựa vào (1) cộng đồng; (2) từ thiện; và (3) doanh thu. Trong số các mô hình đó, các mô hình chính phủ cấp vốn và cơ sở giáo dục cấp vốn được cho là bền vững nhất, dù được khuyến cáo rằng tại một thời điểm, các cơ sở giáo dục không nên chỉ áp dụng một mô hình bền vững, mà nên kết hợp vài mô hình phù hợp với mình.

Các mô hình bền vững TNGDM không nên chỉ tập trung vào khía cạnh sinh doanh thu, mà còn cần phải tập trung vào khía cạnh thu hồi các chi phí để tạo lập, tùy chỉnh và duy trì dài hạn TNGDM, bao gồm cả chi phí duy trì, mở rộng quy mô mạng và hạ tầng cho TNGDM.

Mô hình bền vững không là y hệt như mô hình tài chính. Một mô hình bền vững TNGDM phải tính đến toàn bộ vòng đời TNGDM và việc quản lý cần thiết để đảm bảo tính thường trực và lâu dài của nó. Một mô hình bền vững TNGDM đòi hỏi việc định vị mở là cốt lõi cho tất cả các hoạt động của tổ chức, và điều quan trọng tối thượng là một “Mô hình bền vững TNGDM phải tính đến giá trị TNGDM tạo ra để làm cho nó có thể hoàn thành các tầm nhìn, mục tiêu và mục đích đa dạng của giáo dục”, như được nêu trong mục tiêu phát triển bền vững 4 (SDG4) về giáo dục của Liên hiệp quốc đến năm 2030: “Đảm bảo giáo dục có chất lượng, công bằng và toàn diện, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”, chứ không chỉ tính tới duy nhất giá trị về kinh tế - tài chính.

Chính phủ đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc tạo thuận lợi cho tính bền vững của TNGDM về lâu dài thông qua nhiều biện pháp can thiệp khác nhau về chính sách và cấp vốn, ví dụ, để trang trải chi phí phát triển và sản xuất ban đầu cũng như chi phí để tiếp tục bảo trì và tùy chỉnh TNGDM, thiết lập các thước đo thành công thông qua các tác động tới việc thực hành TNGDM nhằm liên tục nâng cao càng nhiều càng tốt tần suất và chất lượng của việc tạo lập và sử dụng TNGDM.

Công thức về tính bền vững cho TNGDM, Khung TNGDM Quốc gia MENA, và Mô hình Bền vững Hệ điều hành Mở mà Paul Stacy gợi ý, cũng như Mô hình Bền vững Tài sản Chung toàn cầu của UNESCO và UNICEF là những điều mà chính phủ và bất kỳ cơ sở giáo dục nào cũng nên quan tâm xem xét khi triển khai các hoạt động liên quan đến TNGDM theo tinh thần của Quyết định 1117/QĐ-TTg ngày 25/09/2023 của Thủ tướng Chính phủ, vì tất cả chúng có thể là các mô hình bền vững TNGDM trong tương lai ở quy mô quốc gia và toàn cầu.


 

Tài liệu tham khảo

[1] UNESCO, 25/11/2019: Recommendation on Open Educational Resources: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373755/PDF/373755eng.pdf.multi.page=3. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0.

[2] Encore Project: OER Sustainability Business Models: https://encoreproject.eu/2022/04/20/business-models-for-open-educational-resources-3/. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/giao-duc/cac-mo-hinh-kinh-doanh-ben-vung-tai-nguyen-giao-duc-mo-oer-1079.html

[3] Dominic Orr, Michele Rimini and Dirk Van Damme (2015), Centre for Educational Research and Innovation, OECD: Open Educational Resources: A Catalyst for Innovation: https://www.researchgate.net/publication/285596483_Open_Educational_Resources_A_Catalyst_for_Innovation, Chapter 10, pp. 109-126.

[4] Tlili, A., Nascimbeni, F., Burgos, D., Zhang, X., Huang, R., & Chang, T. W. (2020): The evolution of sustainability models for Open EducationalResources: insights from the literature and experts: http://sli.bnu.edu.cn/uploads/soft/201124/2_2014185631.pdf, p. 13. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/scl/fi/pe0xtfjl1aiin5uqs8zye/2_2014185631_Vi-23112023.pdf?rlkey=d80ow6volm1feeqnrsqxom680&dl=0, tr. 18.

[5] Dominic Orr, Michele Rimini and Dirk Van Damme (2015), Centre for Educational Research and Innovation, OECD: Open Educational Resources: A Catalyst for Innovation: https://www.researchgate.net/publication/285596483_Open_Educational_Resources_A_Catalyst_for_Innovation, Chapter 1, Aligning OER to key educational challenges, pp. 22-23.

[6] Paul Stacey, 29/09/2023: Sustainability Models: https://paulstacey.global/blog/sustainability-models. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/giao-duc/cac-mo-hinh-ben-vung-1082.html

[7] Paul Stacey và Sarah Hinchliff Pearson, Creative Commons (2017): Made with Creative Commons: https://creativecommons.org/wp-content/uploads/2017/04/made-with-cc.pdf, CC BY-SA 4.0. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/a6n50my7owufi6w/Made%20with%20Creative%20Commons_Vi-10022020.pdf?dl=0.

[8] UNESCO: Gateways to public digital learning: https://www.unesco.org/en/digital-education/learning-platforms-gateway

[9] United Nations: Assuring and improving quality public digital learning for all. Key #3 Connectivity; Content: https://www.un.org/en/transforming-education-summit/digital-learning-all.

---------------------------------------------------

Tự do tải về bài viết định dạng PDF tại địa chỉ DOI: 10.5281/zenodo.11183225

Tự do tải về bài trình chiếu tại hội thảo ở địa chỉ: https://www.dropbox.com/scl/fi/0w3k6qnr3vfvqyxw6qg3g/OER_Sustainable_Models_Slide.pdf?rlkey=ui0lol9jekor4p5wnb1r2wdac&dl=0

Tự do tải về kỷ yếu của hội thảo tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/scl/fi/q0skc30nfl2tfowt1gr19/K-y-u-11-5-2024-Xu-t-b-n.pdf?rlkey=xtwi7cuh5aryenhscfmcxqctw&dl=0

X(Tweet): https://twitter.com/nghiafoss/status/1789933861251538952

(Bài viết đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia: ‘Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập’ do Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức ngày 13/05/2024 tại Hà Nội.)

Xem thêm:


 

Tác giả: Nghĩa Lê Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay89
  • Tháng hiện tại111,636
  • Tổng lượt truy cập37,638,460
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây