Khoa học Mở, Truy cập Mở và tác động của đại dịch COVID-19

Thứ ba - 15/06/2021 06:08
Nguồn ảnh: https://zenodo.org/
Nguồn ảnh: https://zenodo.org/

(Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng, xuất bản tháng 6/2021. Phiên bản điện tử có tại địa chỉ: https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Khoa-hoc-Mo-Truy-cap-Mo-va-tac-dong-cua-dai-dich-COVID19-28215)

 

Đại dịch COVID-19 có thể là một cơ hội để thay đổi sự cộng tác và liên kết khoa học trên toàn thế giới mãi mãi.

Bản thảo Khuyến cáo Khoa học Mở mới nhất, được UNESCO xuất bản ngày 12/05/2021 đã nêu[1]: “khủng hoảng y tế COVID-19 trên toàn cầu đã chứng minh cho cả thế giới sự cấp bách của việc khai thác truy cập công bằng tới thông tin khoa học, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức, dữ liệu và thông tin khoa học, cải thiện việc ra quyết định dựa vào sự cộng tác, khoa học và kiến thức để đáp lại sự cấp bách toàn cầu và gia tăng khả năng phục hồi của xã hội”. Đây chính là một trong những căn cứ để xây dựng Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO, dự kiến sẽ được 193 quốc gia thành viên của nó phê chuẩn vào tháng 11/2021. Bản thảo Khuyến cáo Khoa học Mở cũng nêu:

Truy cập mở tới kiến thức khoa học thường tham chiếu tới truy cập tới các xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu, phần mềm, mã nguồn và phần cứng sẵn sàng trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở cho phép những người khác sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại; được cung cấp cho tất cả các tác nhân đó đúng lúc bất kể vị trí, quốc tịch, chủng tộc, tuổi tác, giới tính, thu nhập, hoàn cảnh kinh tế xã hội, giai đoạn nghề nghiệp, ngành học, ngôn ngữ, tôn giáo, khuyết tật, dân tộc hoặc tình trạng di cư; và tự do không mất tiền ở mức độ rộng nhất có thể.”

 

A. Cam kết COVID-19 Mở (Open COVID-19 Pledge)

Quay lại thời điểm khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam vào tháng 3/2020, một liên minh các nhà khoa học, các luật sư, và các doanh nhân đã tập hợp nhau lại trong một ban chỉ đạo để đưa ra sáng kiến Cam kết COVID-19 Mở (Open COVID Pledge)[2], tìm cách tăng tốc phát triển và triển khai nhanh các chuẩn đoán, vắc xin, phương pháp điều trị, thiết bị y tế và giải pháp phần mềm trong cuộc khủng hoảng y tế công cộng khẩn cấp này[3]. Sau đó, vào ngày 07/04/2020 họ đã thành lập một tổ chức xã hội cùng tên. Cam kết COVID-19 Mở kêu gọi các tổ chức khắp trên thế giới làm cho các bằng sáng chế và bản quyền của họ sẵn sàng tự do không mất tiền để đấu tranh chống lại đại dịch COVID-19. Nội dung cam kết cụ thể như sau:

  • Yêu cầu hành động tức thì để dừng đại dịch COVID-19 và chữa trị cho những người bị lây nhiễm. Đây là mệnh lệnh đạo đức và thực tiễn mà mỗi công cụ chúng tôi có sẵn đều phải được áp dụng để phát triển và triển khai các công nghệ trên quy mô lớn mà không gặp phải trở ngại.

  • Vì thế chúng tôi cam kết để sở hữu trí tuệ của chúng tôi sẵn sàng tự do không mất tiền để sử dụng nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19 và giảm thiểu tác động của bệnh dịch.

  • Chúng tôi sẽ triển khai cam kết này thông qua một giấy phép chi tiết hóa các điều khoản và điều kiện để sở hữu trí tuệ của chúng tôi được làm cho sẵn sàng.

Và cũng giống như bất kỳ phần mềm nguồn mở hay dạng nội dung mở nào, Cam kết COVID-19 Mở cũng bao gồm việc cấp phép mở Open COVID với 3 loại giấy phép[4]:

  1. Giấy phép tiêu chuẩn COVID Mở. Thứ nhất, một tập hợp các giấy phép COVID Mở (giấy phép OCL) có thể được bất kỳ tổ chức/cá nhân nào ký cam kết áp dụng.

  2. Giấy phép tương thích COVID Mở. Thứ hai, chúng là các giấy phép cung cấp một tập hợp tối thiểu các quyền sử dụng và các điều khoản khác hoặc được xác định là tương thích, hoặc được xác định là tương thích với OCL trên cơ sở từng trường hợp một dựa vào các tiêu chí bên dưới (các giấy phép tương thích với OCL).

  3. Giấy phép lựa chọn thay thế COVID Mở. Thứ ba, là các giấy phép không nằm trong 2 nhóm ở trên, nhưng vẫn nhất quán với Cam kết COVID Mở (các giấy phép lựa chọn thay thế OCL).

 

B. Hưởng ứng lời kêu gọi của Cam kết COVID-19 Mở

Hưởng ứng lời kêu gọi của Cam kết COVID Mở, nhiều hãng khổng lồ đã tham gia ký cam kết như[5]: Amazon, Facebook, HP Enterprise, IBM, Intel, Microsoft, .v.v. và tới nay, sau hơn một năm kể từ ngày thành lập, đã có khoảng 500.000 bằng sáng chế và nhiều bản quyền đã được cam kết mở công khai để đối phó với COVID-19[2].

Nhiều hãng khổng lồ phần mềm, dù ký hay không ký Cam kết COVID-19 Mở cũng nới lỏng chế độ bản quyền thông qua việc cho phép người sử dụng trên toàn cầu sử dụng các ứng dụng/dịch vụ phần mềm của họ tự do không mất tiền trong thời gian đại dịch, điển hình như với các ứng dụng dịch vụ họp trực tuyến qua video (video conferencing), dù có thể có hạn chế về thời lượng mỗi lần sử dụng, như Google Meet/Google Hangout, Cisco Webex. .v.v. giúp người sử dụng tiến hành các cuộc họp hoặc dạy và học trên trực tuyến được dễ dàng hơn nhiều trong thời gian đại dịch.

Tương tự, thừa nhận việc hạn chế truy cập tới các phát hiện nghiên cứu vào thời điểm đại dịch toàn cầu là không có lợi cho bất kỳ ai, hơn 50 nhà xuất bản - bao gồm cả các nhà xuất bản lớn nhất thế giới như Elsevier, Springer-Nature Wiley – đã loại bỏ tất cả sự kiểm soát truy cập đối với các nội dung có liên quan tới COVID-19, cả hiện hành và trong kho lưu trữ của họ[6].

Ở mức độ cao hơn về tính mở, các tổ chức có lịch sử lâu đời bảo vệ cho Truy cập Mở, như Creative Commons[7], đã triển khai vô số các lời kêu gọi và hành động để thúc đẩy truy cập mở trong khoa học như là yếu tố chính để đấu tranh chống lại bệnh dịch. Chúng bao gồm lời kêu gọi công khai để có nhiều chính sách truy cập mở hơn, và kêu gọi các nhà khoa học áp dụng việc xuất bản không có giai đoạn cấm vận, triển khai gắn giấy phép CC BY cho các bài báo và CC0 (hiến tặng vào phạm vi công cộng) cho siêu dữ liệu nghiên cứu của họ.

Ví dụ lớn và điển hình nhất hiện nay về việc tất cả các kết quả nghiên cứu phải được làm thành truy cập mở là Kế hoạch S (Plan S), được một nhóm có tên là Liên minh S (cOAlition S) tuyên bố vào tháng 9/2018; Kế hoạch S yêu cầu từ 2021, các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ nghiên cứu được các trợ cấp nhà nước cấp vốn phải được xuất bản trên các tạp chí hoặc các nền tảng tuân thủ Truy cập Mở, điều bây giờ chắc chắn bao gồm cả các kết quả nghiên cứu liên quan tới việc phòng chống COVID-19. Liên minh S hiện có 26 nhà cấp vốn nghiên cứu quốc gia châu Âu, cũng như các tổ chức, các nhà cấp vốn nghiên cứu từ thiện và quốc tế, các bên đồng ý triển khai 10 nguyên tắc của Kế hoạch S theo cách thức có phối hợp, cùng với Ủy ban châu Âu[8].

Một nhóm gồm 10 tổ chức khoa học và giáo dục, gồm: (1) OPERAS; (2) SPARC Europe; (3) Thư viện Đại học Utrecht; (4) Đại học Bắc cực của Nauy UiT; (5) CSI; (6) OASPA; (7) DOAJ; (8) Redalyc/AmeliCA; (9) LIBER; (10) ENRESSH, đã nghiên cứu và xuất bản tài liệu về các tạp chí truy cập mở kim cương vào tháng 3/2021[9] với mục đích để đưa ra các khuyến cáo nhằm hướng tới việc xuất bản truy cập mở đầy đủ và tức thì theo mô hình truy cập mở kim cương cho các bên liên quan như: (1) các nhà cấp vốn nghiên cứu; (2) các cơ sở nghiên cứu; (3) các hội, hiệp hội có liên quan; (4) các tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các tạp chí Truy cập Mở kim cương để thực thi các nhiệm vụ kỹ thuật như biên tập, sắp chữ, đặt chỗ, đánh chỉ mục, phổ biến, lưu trữ hoặc bảo quản. Truy cập mở kim cương là dạng xuất bản truy cập mở mà cả những người sử dụng và các tác giả đều không phải trả tiền để truy cập được tới các xuất bản phẩm nghiên cứu trên các tạp chí; các nhà cấp vốn nghiên cứu (bất kể từ tổ chức nhà nước, tư nhân, từ thiện hoặc khác nào) chi trả các khoản phí xử lý bài báo được đăng trên các tạp chí và/hoặc duy trì hoạt động của hệ thống xuất bản truy cập mở kim cương đó.

Để chuẩn bị cho văn bản Khuyến cáo Khoa học Mở sẽ được đệ trình tới Hội nghị Toàn thể UNESCO để thông qua lần cuối từ tất cả 193 quốc gia thành viên UNESCO vào tháng 11/2021, 230 chuyên gia đại diện cho 106 quốc gia khắp trên thế giới đã trải qua bốn ngày tranh luận trên trực tuyến (trong các ngày 6-7/5/2021 và 10-12/05/2021) để đưa ra “bản thảo Khuyến cáo, được phát triển trong khủng hoảng y tế và thảo luận theo sau nó về các bằng sáng chế vắc xin tự do không mất tiền, vì thế đưa ra định nghĩa chung, các giá trị được chia sẻ, các nguyên tắc và tiêu chuẩn cho Khoa học Mở và đề xuất một tập hợp các hành động để triển khai khoa học mở công bằng và không thiên vị ở tất cả các mức”[10]. Điều này cho thấy COVID-19 ảnh hưởng tới và thúc đẩy mong muốn hướng tới Khoa học Mở lớn và với quy mô rộng như thế nào khắp trên thế giới.

 

C. Truy cập mở tới các máy chủ/các kho Preprint

Đại dịch có lẽ đã cải thiện truyền thông khoa học hoặc đã thiết lập các dạng mới của nó. Ví dụ, nhiều dữ liệu đang được phát hành trên các máy chủ chứa các bài báo chưa được rà soát lại ngang hàng (máy chủ Preprint) và đang được mổ xẻ trên các nền tảng Internet xã hội và đôi khi trên các phương tiện truyền thông trước khi được rà soát lại ngang hàng. Các nhà khoa học đang rà soát lại, biên tập, phân tích và xuất bản các bản thảo và dữ liệu với tốc độ kỷ lục và với số lượng lớn. Truyền thông học thuật dữ dội này có thể đã cho phép mức cộng tác và hiệu quả chưa từng thấy giữa các nhà khoa học.

Preprint là gì?

Preprint là một phiên bản sớm của bài báo học thuật đã được tác giả làm cho sẵn sàng cho những người khác để đọc tự do không mất tiền trên trực tuyến trước khi nó được một tạp chí học thuật rà soát lại ngang hàng hoặc xuất bản[11].

Trên các nền tảng xuất bản mở, ví dụ như Wellcome Open Research[12], đối nghịch với các máy chủ preprint truyền thống, việc rà soát lại ngang hàng được triển khai trực tiếp trên nền tảng đó, điều hướng nhu cầu đối với tác giả để đệ trình tới một tạp chí. Các báo cáo rà soát lại ngang hàng được xuất bản trên trực tuyến (gắn kèm bài báo đó) cùng với danh tính của người rà soát lại - làm cho quá trình đó mở và minh bạch hoàn toàn, còn được gọi là rà soát lại ngang hàng mở.

Những lợi ích của preprint là gì?

Việc xuất bản một bài báo như là bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng (preprint) phục vụ cho vài mục đích quan trọng:

  • Nó cho phép thông tin có trong bài báo được chia sẻ với cộng đồng học thuật nhanh và mở hơn so với xuất bản phẩm truyền thống. Quy trình xuất bản tạp chí chính quy thường lâu, và có thể mất vài tháng cho một bài báo được tạp chí rà soát lại và xuất bản.

  • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xuất bản một bài báo trên tạp chí như bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng có thể làm gia tăng các trích dẫn cho bài báo cuối cùng được rà soát lại ngang hàng.

  • Bằng việc đăng phiên bản truy cập được tự do không mất tiền của một bài báo trên trực tuyến, tác giả có cơ hội nhận được các bình luận và các rà soát lại từ các độc giả để có thể dẫn tới những thay đổi và cải thiện trong bản thảo cuối cùng của bài báo được xuất bản.

  • Nó có thể được các nhà nghiên cứu sử dụng để cung cấp bằng chứng về năng lực khi làm đơn xin việc hoặc đệ trình các đề xuất xin trợ cấp, và nó cũng thường có thể giúp thiết lập ưu tiên khám phá các ý tưởng.

  • Việc đăng một bài báo như là bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng cũng có thể đặc biệt có lợi cho các nhà nghiên cứu sự nghiệp sớm, bằng việc sau đó giúp tìm kiếm những người cộng tác nghiên cứu, và giúp cải thiện mạng lưới nghề nghiệp của họ, điều có thể dẫn tới nhiều cơ hội hơn cho các nhà nghiên cứu đó. Để phục vụ cho mục đích này, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng thêm một trình bổ sung, ví dụ như Unpaywall[13] chạy trên trình duyệt Firefox, để có được các bản toàn văn các tài liệu nghiên cứu khi duyệt web, sử dụng việc đánh chỉ mục của Unpaywall cho hàng chục triệu bài báo truy cập mở, hợp pháp.

Tốc độ và số lượng các bản preprint trong thời gian COVID-19

Bài báo đầu tiên có liên quan tới COVID-19 đã được xuất bản trên máy chủ preprint của bioRxiv vào ngày 19/01/2020 - chỉ 20 ngày sau khi chính phủ Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về ‘các trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân được phát hiện ở Vũ Hán’. Từ tháng 9/2020, kho Europe PMC đã đánh chỉ mục hơn 13.000 bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng có liên quan tới COVID-19. Để so sánh, tổng số các bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng ở tất cả các ngành khoa học - được ký gửi trên bioRxiv trong năm 20019 từng chỉ là 26.535[14]. Tương tự, trong vòng 3 tháng đầu kể từ khi ra đời vào tháng 6/2019, medRxiv từng có hơn 200 bản preprint sẵn sàng trên máy chủ của nó; còn vào đầu tháng 8/2020, con số đó đã là hơn 9.400[15].

Đối nghịch với mô hình xuất bản truyền thống - nơi được ước tính thời gian trung bình trôi qua từ lúc đệ trình tới lúc xuất bản là khoảng 125 ngày - các bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng thường được làm thành truy cập mở công khai trong vòng từ 2 tới 5 ngày kể từ khi đệ trình, tùy thuộc vào mức độ quét của máy chủ preprint[16].

Bất kỳ ai, bất kỳ nhà nghiên cứu khoa học nào cũng có thể xem và sử dụng danh sách liệt kê các máy chủ (các kho) preprint trên Wikipedia[17], trong đó có trang của Trung tâm Khoa học Mở[18] với vài chục máy chủ preprint như vậy. Đáng lưu ý là rất nhiều các bài báo dạng preprint mang giấy phép mở CC BY, cho phép người sử dụng tự do không mất tiền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại chúng, miễn là thừa nhận ghi công đúng cho (các) tác giả.

 

D. Truy cập tới mã nguồn các phần mềm nguồn mở, phần cứng mở liên quan tới việc đấu tranh chống COVID-19

Theo một báo cáo năm 2020 của GitHub[19], nơi thế giới nguồn mở với hơn 65 triệu lập trình viên, hơn 3 triệu tổ chức đã và đang xây dựng hơn 200 triệu kho phần mềm của mình với các mã nguồn mà bất kỳ ai cũng có thể tải về để tùy biến thích nghi và sử dụng lại, đã có nhiều dự án nguồn mở mới và các đóng góp cho các dự án sẵn có trong giai đoạn của đại dịch. Người sử dụng đã tạo ra 5.646 kho dự án liên quan tới COVID-19[20], tính tới thời điểm cuối tháng 2/2021. Đặc biệt, nhiều trong số các dự án đó đã được tạo ra để hiểu các tập hợp dữ liệu đang nổi lên từ đại dịch. Trong năm 2020, đã có thêm được hơn 6% các nhà khoa học và 10% các nhà phân tích dữ liệu đã tạo mới các tài khoản GitHub, theo báo cáo đó.

Không chỉ là phần mềm nguồn mở và dữ liệu mở, mà cả phần cứng mở. Một ví dụ điển hình là chương trình OpenCovid19 của Chỉ Một Phòng thí nghiệm Khổng lồ - JOGL (Just One Giant Lab), phát triển nguồn mở và các công cụ chi phí thấp và các phương pháp luận an toàn và dễ sử dụng để chống lại đại dịch COVID-19. Chương trình OpenCovid19 được một cộng đồng hơn 4.000 người tình nguyện và các chuyên gia tạo ra các giải pháp để dò tìm, xử lý COVID-19, và giúp dự báo sự tiến triển của đại dịch. Hàng chục dự án phần cứng mở[21] từ chương trình này đã ra đời và phục vụ trong thực tế để giúp chống lại đại dịch như khẩu trang và tấm chắn mặt, ống tiêm, ống đặt vào khí quản và máy trợ thở, mặt nạ phòng độc nguồn mở.v.v.

Vai trò của các cộng đồng nguồn mở không chỉ giới hạn trong việc chia sẻ và cộng tác về mã nguồn phần mềm, thay vào đó có vô số các dự án đã và đang giúp theo dõi đại dịch, cung cấp các tập hợp dữ liệu hữu ích, và hơn thế. Có thể nói, các cộng đồng nguồn mở trên thế giới đang cho mượn các phương pháp luận của mình để giúp hiểu rõ hơn và tìm cách chữa trị nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19.


E. Câu hỏi về văn hóa khoa học hiện hành

Một số tổ chức và cá nhận đã đặt câu hỏi về văn hóa khoa học hiện hành, kêu gọi khoa học mở hơn, công khai hơn.

Nếu Truy cập Mở là quan trọng để giúp thắng được COVID-19, vì sao không sử dụng logic y hệt để giải quyết tất cả các thách thức khác chúng ta đối mặt?

Tất nhiên, câu hỏi đó bây giờ yêu cầu rằng nếu Truy cập Mở là quan trọng để giúp thắng được COVID-19, vì sao không sử dụng logic y hệt để giải quyết tất cả các thách thức khác chúng ta đối mặt, dù là biến đổi khí hậu, an ninh lương thực hay các bệnh tật khác? Và tất nhiên, chỉ có câu trả lời đáng tin cậy là tất cả các nghiên cứu phải được làm thành Truy cập Mở, như những gì Liên minh S với Kế hoạch S đã và đang tiến hành, được nêu ở phần trên.


F. Việt Nam hưởng lợi gì từ Khoa học Mở và Truy cập Mở

Trên thực tế, dù hầu như chưa thấy mấy dấu hiệu của Khoa học Mở và Truy cập Mở đang tồn tại ở Việt Nam cho tới thời điểm này, thì người Việt Nam đã và đang hưởng lợi rồi từ các thành quả của Khoa học Mở và Truy cập Mở của thế giới, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đang diễn ra, mà ở đây chỉ nêu vài ví dụ cụ thể:

  • tự do không mất tiền và hoàn toàn hợp pháp đối với bất kỳ ai để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại các nội dung trong các kho tư liệu khổng lồ của thế giới như được nêu ở trên, đặc biệt với các nhà nghiên cứu về bất kỳ ngành khoa học nào chứ không chỉ riêng việc phòng chống COVID-19, với số lượng lớn, tần suất cao, và thời gian gần như đồng thời với các nhà nghiên cứu khắp trên thế giới. Chỉ bằng cách này, khoa học Việt Nam có lẽ mới có hy vọng không bị bỏ lại phía sau so với khoa học của thế giới.

  • vài lợi ích trước mắt mà ai cũng thấy, như các phần mềm hội nghị trực tuyến, cả nguồn mở lẫn thương mại, được sử dụng để hỗ trợ cho học tập từ xa và/hoặc hội họp khi phải tuân thủ giãn cách xã hội, như Jitsi Meet, Google Meet, Cisco Webex, .v.v.; hoặc như các phần mềm giúp lần vết, kiểm tra khoảng cách an toàn và/hoặc khai báo y tế trực tuyến trong đại dịch COVID-19, ví dụ như Bluzone.v.v.

Đối với những người còn hoài nghi và/hoặc cho rằng Khoa học Mở và Truy cập Mở chỉ có lợi cho các quốc gia phát triển, có thể tham khảo đoạn nội dung sau đây được nêu trong bản thảo Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO xuất bản ngày 12/05/2021:

Khoa học Mở không nên chỉ thúc đẩy cải thiện việc chia sẻ kiến thức khoa học giữa các cộng đồng khoa học, mà còn thúc đẩy hòa nhập kiến thức học thuật từ các nhóm thiệt thòi hoặc bị loại trừ theo truyền thống (như phụ nữ, dân tộc thiểu số, các học giả bản địa, các học giả từ các quốc gia kém thuận lợi hơn và các ngôn ngữ ít tài nguyên hơn) và đóng góp để giảm bớt sự bất bình đẳng trong truy cập tới sự phát triển, các hạ tầng và các năng lực khoa học giữa các quốc gia và khu vực khác nhau”

 

G. Kết luận

Đối với Khoa học nói chung, hệ thống truyền thông học thuật nói riêng, đại dịch COVID-19 đã chỉ ra ít nhất 3 bài học sau[22]:

  1. Bài học 1: Các mô hình xuất bản truyền thống - khóa nội dung đằng sau bức tường thanh toán - không còn phù hợp nữa.

  2. Bài học 2: Đã đến thời của các bản thảo chưa được rà soát lại ngang hàng (Preprint) và các nền tảng xuất bản mở.

  3. Bài học 3: Chúng ta không thể dự báo nghiên cứu nào sẽ là hữu ích - nên hãy để tất cả chúng là truy cập mở.

Khoa học Mở và Truy cập Mở đang trở thành xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, và đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy làm tăng tốc cho xu thế này!

Vào ngày 05/05/2021, nghĩa là trước đúng một tuần bản thảo mới nhất của Khuyến cáo Khoa học Mở được UNESCO được phát hành, chính quyền của tổng thống Mỹ Biden đã tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ các bằng sáng chế đối với vắc-xin Covid-19[23]. Đại diện Thương mại Mỹ cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và các trường hợp bất thường của đại dịch Covid-19 kêu gọi các biện pháp bất thường,Chính quyền rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vắc-xin Covid-19”.

Một câu hỏi ngỏ từ việc từ bỏ các bằng sáng chế đối với vắc-xin Covid-19 này đặt ra, đó là chúng ta ngày nay đang sống trong kỷ nguyên số không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ và biến đổi nhanh, đặc biệt với các công nghệ thông tin và truyền thông, liệu hệ thống sở hữu trí tuệ khắt khe và cứng nhắc về bản quyền và các bằng sáng chế trong lĩnh vực y dược học, và mở rộng ra cho tất cả các lĩnh vực khoa học khác, có thực sự còn phù hợp? Làm thế nào để vừa bảo vệ được các bản quyền và bằng sáng chế của những người sáng tạo và/hoặc những người nắm giữ chúng, vừa không biến chúng trở thành vật cản để có thể cứu mạng sống của vô số người, như trong trường hợp của đại dịch COVID-19 hiện nay và/hoặc tương tự trong tương lai?

 

H. Các chú giải

[1] UNESCO, 12/05/2021: Draft text of the Unesco Recommendation on Open Science: Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://www.dropbox.com/s/hh9havem2m15dka/376893eng_Vi-13052021.pdf?dl=0

[2] American University Washington College of Law, April 2021: PIJIP Assumes Stewardship of the Open COVID Pledge: https://www.wcl.american.edu/impact/initiatives-programs/pijip/news/pijip-assumes-stewardship-of-the-open-covid-pledge/

[3] Open Covid Pledge: About us: https://opencovidpledge.org/about/

[4] Open Covid Pledge: Licenses: https://opencovidpledge.org/licenses/

[5] Open Covid Pledge: Partners: https://opencovidpledge.org/partners/

[6] Wellcome, 16 March 2020: Publishers make coronavirus (COVID-19) content freely available and reusable: https://wellcome.org/press-release/publishers-make-coronavirus-covid-19-content-freely-available-and-reusable

[7] https://creativecommons.org/

[8] cOAlition S: Plan S: https://www.coalition-s.org/

[9] Arianna Becerril, Lars Bjørnshauge, Jeroen Bosman, Jan Erik Frantsvåg, Bianca Kramer, Pierre-Carl Langlais, Pierre Mounier, Vanessa Proudman, Claire Redhead, Didier Torny, March 2021: The OA DIAMOND Journals Study: Exploring collaborative community-driven publishing models for Open Access. Part 2: Recommendation. DOI: 10.5281/zenodo.4562790. CC BY 4.0.

[10] UNESCO, 14/05/2021: Draft recommendation on Open Science on its way to final adoption: https://en.unesco.org/news/draft-recommendation-open-science-its-way-final-adoption. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/khuyen-cao-khoa-hoc-mo-ban-phac-thao-tren-con-duong-huong-toi-su-phe-chuan-cuoi-cung-cua-no-423.html

[11] Larissa Gordon: Open Access Publishing: https://jefferson.libguides.com/OpenAccess/preprints

[12] Wellcome Open Research: https://wellcomeopenresearch.org/collections/covid19

[13] Lê Trung Nghĩa, 2020: Khai thác các bản thảo nghiên cứu chưa được rà soát lại ngang hàng bằng trình bổ sung Unpaywall: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/khai-thac-cac-ban-thao-nghien-cuu-chua-duoc-ra-soat-lai-ngang-hang-bang-trinh-bo-sung-unpaywall-300.html

[14] Robert Kiley, October 6th, 2020: Three lessons COVID-19 has taught us about Open Access publishing: https://blogs.lse.ac.uk/impactofsocialsciences/2020/10/06/39677/

[15] American Society of Hematology: The Rise of Preprint Archives: https://www.ashclinicalnews.org/spotlight/feature-articles/rise-preprint-archives/

[16] Robert Kiley, October 6th, 2020: Three lessons COVID-19 has taught us about Open Access publishing: https://blogs.lse.ac.uk/impactofsocialsciences/2020/10/06/39677/

[17] Wikipedia: List of preprint repositories: https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_preprint_repositories

[18] Center for Open Science: OSFPreprint: https://osf.io/preprints/

[19] GitHub: https://github.com/

[20] Klint Finley, February 25, 2021: How the open source community came together to fight COVID-19: https://github.com/readme/octoverse-covid

[21] JOGL, OpenCovid19 Initiative: Projects: https://app.jogl.io/program/opencovid19?tab=projects

[22] Robert Kiley, October 6th, 2020: Three lessons COVID-19 has taught us about Open Access publishing: https://blogs.lse.ac.uk/impactofsocialsciences/2020/10/06/39677/

[23] Katie Jennings, Forbes Staff, 05/05/2021: Biden Decision To Back Waiving Patents For Covid Vaccines Sparks Industry Backlash: https://www.forbes.com/sites/katiejennings/2021/05/05/biden-decision-to-back-waiving-patents-for-covid-vaccines-sparks-industry-backlash/?sh=36965cf6410b


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập195
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm190
  • Hôm nay37,411
  • Tháng hiện tại241,373
  • Tổng lượt truy cập37,768,197
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây