Cấp phép mở

Thứ năm - 06/01/2022 08:29
Cấp phép mở

Cấp phép mở: Điều kiện tiên quyết đkhoa học có thể đến làm lợi cho xã hội.

(Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng, số 1 năm 2022, xuất bản ngày 05/01/2022, các trang 21-25. Phiên bản điện tử có tại địa chỉ: https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Cap-phep-mo-28754https://drive.google.com/file/d/1GHzvKaEGp3QYDsnde-57FXtJc_mbLBCd/view?usp=sharing )


 

A. Kiến thức Khoa học Mở là gì?

Khuyến nghị Khoa học Mở (KNKHM) của UNESCO[1] đã được 193 quốc gia thành viên của nó nhất trí thông qua ngày 23/11/2021 đã khẳng định Khoa học Mở là xu thế phát triển không thể đảo ngược của thế giới. Nó đưa ra định nghĩa, các tiêu chuẩn chung và các khái niệm có liên quan tới Khoa học Mở ở mức toàn cầu, bao gồm định nghĩa Kiến thức Khoa học Mở (KTKHM) được nêu như sau:

Kiến thức Khoa học M (KTKHM) tham chiếu tới việc truy cập mở tới các xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu, siêu dữ liệu, tài nguyên giáo dục mở, phần mềm và mã nguồn và phần cứng mà chúng sẵn sàng trong phạm vi công cộng hoặc bản quyềnđược cấp phép theo một giấy phép mở cho phép truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối theo các điều kiện nhất định, được cung cấp cho tất cả mọi người bất kể xuất thân của họ.

Hình 1: Kiến thức Khoa học Mở với 5 thành phần

 

B. Những KTKHM nào nằm trong phạm vi công cộng

Định nghĩa ở trên cho thấy, KTKHM có thể nằm trong phạm vi công cộng (PVCC). Có 2 dạng kiến thức khoa học (tài nguyên/tác phẩm) nằm trong PVCC, tương ứng với 2 dòng trên cùng của Hình 2, dù ở dạng kỹ thuật số hay không, cụ thể là:

Hình 2: Phổ các giấy phép mở Creative Commons
 

  • Các tài nguyên/tác phẩm đang nằm sẵn rồi trong PVCC: là khi chúng đã hết thời hạn bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ. Khi số hóa một tài nguyên/tác phẩm đang nằm sẵn rồi trong PVCC thì phiên bản được số hóa của nó thường được gắn dấu phạm vi công cộng (Public Domain Mark). Đây là trường hợp duy nhất không có việc cấp phép mở cho tài nguyên/tác phẩm.

  • Các tài nguyên/tác phẩm được (các) tác giả gắn giấy phép CC0. Bằng cách cấp phép mở với giấy phép CC0, (các) tác giả khước từ các quyền bản quyền/các quyền liên quan của mình và hiến tặng tài nguyên/tác phẩm của mình vào PVCC.

Các tác phẩm hết thời hạn bảo hộ của Luật và đang nằm sẵn rồi trong PVCC thường có trong các thư viện, kho lưu trữ hoặc viện bảo tàng. Theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, hầu như tất cả các tác phẩm do các tác giả Việt Nam sáng tạo ra từ năm 1900 trở về trước dọc theo lịch sử vài ngàn năm của Việt Nam, là nằm trong PVCC, vì chúng đã hết thời hạn bảo hộ của Luật. Chúng đều là các tài nguyên rất tốt cho khoa học - giáo dục - văn hóa, đặc biệt cho việc nghiên cứu trên nhiều khía cạnh dựa vào lịch sử vài ngàn năm của Việt Nam. Bất kỳ ai trong số gần 8 tỷ người trên thế giới cũng đều có quyền tự do không mất tiền để truy cập tới chúng một cách hợp pháp. Phiên bản số hóa của các tác phẩm đang nằm sẵn rồi trong PVCC cũng nên tiếp tục nằm trong PVCC, như của Europeana[2], một kho di sản văn hóa nổi tiếng của châu Âu.


C. Lợi ích của cấp phép mở, đặc biệt khi được số hóa/chuyển đổi số

Nếu bạn có một cuốn sách in là kết quả của một nghiên cứu khoa học của bạn, bạn không thể cùng một lúc cho 2 người mượn cùng cuốn sách in đó để họ đọc nó. Nhưng nếu nó được số hóa và được đặt, ví dụ, trong thư viện số của cơ sở nghiên cứu của bạn trên Internet, thì cùng một lúc hàng triệu người có thể tải nó về và đọc nó. Đây chính là sức mạnh của số hóa và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, để hàng triệu người yên tâm tải về và đọc cuốn sách mà bạn là tác giả mà không sợ vi phạm bản quyền và các quyền liên quan của bạn, bạn cần cấp phép mở cho cuốn sách đó, ví dụ, bằng một giấy phép Creative Commons. Bằng cách này, bạn sẽ biến cuốn sách từ dạng ‘Tất cả các quyền được giữ lại’ (All Rights Reserved) thành dạng ‘Một số quyền được giữ lại’ (Some Rights Reserved) và cho phép trước các độc giả của bạn để tải về/sao chép/chia sẻ và đọc nó, mà họ không cần phải xin phép bạn thêm nữa, vì khi họ có được nó, họ biết chính xác bạn giữ lại (các) quyền gì, và cho phép họ trước rồi (các) quyền gì thông qua giấy phép mở được gắn với cuốn sách đó.

Là tác giả của cuốn sách, bạn có quyền chọn bất kỳ giấy phép mở nào bạn muốn để gắn vào cuốn sách đó. Ví dụ, nếu bạn muốn càng nhiều người đọc cuốn sách của bạn càng tốt, bạn có thể gắn giấy phép Creative Commons Attribution (CC BY). Giấy phép này sẽ cho phép các độc giả các quyền tự do không mất tiền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh, phân phối lại cuốn sách của bạn, nhưng họ phải thừa nhận ghi công cho bạn vì bạn chính là tác giả của cuốn sách đó, nếu không thì họ có thể bị cả thế giới coi là ‘ăn cắp’, là vi phạm bản quyền tác giả của bạn.

Có vài điểm lưu ý ở đây, đó là:

  1. Như trên Hình 2, hai giấy phép Creative Commons (CC) nằm dưới cùng không phù hợp để cấp phép mở cho tài nguyên/tác phẩm/dữ liệu hay bất kỳ kiến thức khoa học nào để nó được gọi là KTKHM, vì CC BY-ND và CC BY-NC-ND là 2 giấy phép không cho phép người sử dụng tùy chỉnh và/hoặc sửa đổi tài nguyên/tác phẩm/dữ liệu hay bất kỳ kiến thức khoa học nào (có yếu tố ND - không phái sinh), và điều này là trái với định nghĩa KTKHM được nêu ở trên. Xem Hình 3 để dễ hình dung.

Hình 3: Các giấy phép mở Creative Commons nào là phù hợp với KTKHM

 

  1. Một lưu ý khác nữa, là các giấy phép mở Creative Commons thường không được sử dụng để cấp phép mở cho phần mềm và phần cứng để chúng được gọi là phần mềm nguồn mở và phần cứng nguồn mở/phần cứng mở một cách tương ứng. Để có thêm thông tin về cấp phép mở cho phần mềm và phần cứng, vui lòng xem các bài: Những điều cơ bản về nguồn mở (Phần 2)[3] và Phần cứng nguồn mở: Đổi mới sáng tạo tốc độ cao[4].

  2. Các giấy phép mở Creative Commons phù hợp với KTKHM cũng là các giấy phép y hệt phù hợp với Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM).


D. Khuyến khích các tác giả cấp phép mở cho kiến thức khoa học?

Vậy làm thế nào để khuyến khích các tác giả cấp phép mở cho các kiến thức khoa học là kết quả từ các nghiên cứu khoa học của họ?

Câu hỏi này có thể trả lời bằng một câu hỏi như sau: Bạn lấy tiền ở đâu để tiến hành nghiên cứu khoa học và để tạo ra các kiến thức khoa học đó?

Trong thực tế, một mặt, có không ít các nhà nghiên cứu khoa học có tư duy mở và/hoặc có mong muốn tác phẩm của mình tạo ra được càng nhiều người đọc càng tốt, nhất là các nhà nghiên cứu khoa học trẻ, những người bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, bất kể họ sử dụng nguồn tiền nào để tiến hành các nghiên cứu khoa học đó. Mặt khác, cũng có không ít các nhà nghiên cứu khoa học chưa/không muốn chia sẻ mở các kết quả nghiên cứu khoa học của mình vì nhiều lý do khác nhau, dù các dự án và các kết quả nghiên cứu khoa học đó không có liên quan gì tới các vấn đề cấm kỵ như an ninh quốc gia hay quyền riêng tư của công dân, ngay cả khi tiền để họ tiến hành nghiên cứu khoa học đó là từ tiền của người đóng thuế thông qua cấp vốn nhà nước.

Theo đoạn 12 KNKHM của UNESCO, có rất nhiều bên liên quan tới Khoa học Mở, gồm: các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và học giả, các nhà lãnh đạo ở các cơ sở nghiên cứu, các nhà giáo dục, nhân viên hàn lâm, các thành viên của các hội nghề nghiệp, sinh viên, các tổ chức của các nhà nghiên cứu trẻ, các chuyên gia thông tin, các thủ thư, những người sử dụng và công chúng nói chung, bao gồm các cộng đồng, những người nắm giữ kiến thức bản địa, và các tổ chức xã hội dân sự, các nhà khoa học máy tính, các lập trình viên phần mềm, những người viết mã, các nhà sáng tạo, các nhà đổi mới, các kỹ sư, các nhà khoa học công dân, các học giả pháp lý, các luật sư, các thẩm phán và nhân viên dân sự, các nhà xuất bản, các ban biên tập và các thành viên của các hiệp hội nghề nghiệp, các nhân viên kỹ thuật, các nhà cấp vốn nghiên cứu và các nhà hảo tâm, những người làm chính sách, các hiệp hội học tập, các nhà thực hành từ các lĩnh vực nghề nghiệp, các đại diện của khu vực tư nhân có liên quan tới khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

D1. Hài hòa hóa lợi ích các bên liên quan tới KHM vượt ra khỏi cộng đồng khoa học truyền thống và mở rộng tới Khoa học Công dân

Các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và học giả, dù được thừa nhận có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất ra các kiến thức khoa học từ các nghiên cứu của họ, thì họ chỉ đại diện cho vài trong số rất nhiều bên liên quan của Khoa học Mở như được nêu ở trên. Lợi ích mà họ mang lại cho quốc gia và xã hội Việt Nam, cần phải được cân đo đong đếm và so sánh với lợi ích của các bên liên quan khác, và trong tổng thể nghiên cứu bức tranh chi phí/lợi ích ứng dụng và phát triển Khoa học Mở ở Việt Nam, hài hòa với lợi ích của các bên liên quan khác, đặc biệt khi tiền để họ nghiên cứu khoa học là lấy từ tiền của người dân đóng thuế thông qua việc nhà nước cấp vốn, những người đã trả tiền rồi để họ nghiên cứu, và vì thế cũng trả tiền rồi cho các kết quả nghiên cứu của các dự án nghiên cứu của họ - các xuất bản phẩm nghiên cứu, các dữ liệu nghiên cứu và các thành phần khác của kiến thức khoa học.

Cùng lúc, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và học giả cũng là những người sử dụng các kiến thức khoa học khác, rất nhiều trong số đó là KTKHM tới từ sự hào phóng của cộng đồng các nhà khoa học mở, các nhà thực hành khoa học mở và của toàn thể thế giới nguồn mở với các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu được cấp phép mở, các TNGDM, phần mềm nguồn mở/mã nguồn mở, và phần cứng mở. Vì thế, giả thiết bạn không tán thành với việc cấp phép mở cho các kiến thức khoa học là kết quả nghiên cứu khoa học của riêng bạn, thì điều đó có thể đồng nghĩa với việc bạn tự mình giới hạn khả năng tiếp cận KTKHM của thế giới không chỉ đối với bản thân bạn, mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới việc tiếp cận tới các KTKHM của các bên liên quan khác, nhất là khi tiền để bạn nghiên cứu khoa học được lấy từ tiền của người đóng thuế và các nghiên cứu/kết quả của các nghiên cứu đó không liên quan tới an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân. Giả thiết khác không dám bàn tới ở đây, vì nó rất không công bằng, là khi bạn không tán thành với việc cấp phép mở cho các kiến thức khoa học là kết quả nghiên cứu của riêng bạn, nhưng bạn lại vẫn muốn/thích sử dụng các KTKHM do những người khác tạo ra.

Hài hòa hóa quyền lợi của các bên liên quan tới KHM như được nêu ở trên, là vấn đề quan trọng cần được giải quyết, để không xảy ra trường hợp từng bên liên quan tới KHM chỉ muốn tối đa hóa lợi ích của mình mà không cần quan tâm tới và gây thiệt hại cho lợi ích của các bên liên quan khác, cũng như cho cả xã hội.

Một ví dụ tốt trong việc hài hòa hóa lợi ích của các bên liên quan tới KHM để chúng ta tham khảo là cách xử lý của nhóm nghiên cứu Finch[5] của Vương quốc Anh, khi chính phủ Anh đã tập hợp các bên liên quan chính trong một nghiên cứu khoa học nhằm mục đích tạo sự đồng thuận trong việc hài hòa hóa quyền lợi của các bên liên quan chính đó bằng việc đưa ra 10 điểm khuyến cáo cho việc xây dựng chính sách Truy cập Mở - nền tảng của chính sách Khoa học Mở - cho Vương quốc Anh vào năm 2012.

Ngoài ra, phải kể đến một trong bốn giá trị cốt lõi của Khoa học Mở là sự đa dạng và tính hòa nhập của nó, bao gồm những người bản địa và các cộng đồng địa phương, và các tác nhân xã hội, như các bên liên quan được nêu ở trên, để “phát triển các phương pháp tham gia và các kỹ thuật thẩm định mới để kết hợp và đánh giá các đầu vào từ các tác nhân xã hội vượt ra khỏi cộng đồng khoa học truyền thống, bao gồm thông qua khoa học công dân, các dự án khoa học dựa vào nguồn đám đông, sự tham gia của các công dân vào các cơ sở lưu trữ do cộng đồng sở hữu, và các dạng khoa học có sự tham gia khác.”

D2. Cấp phép mở cho kiến thức khoa học từ nghiên cứu được nhà nước cấp vốn - từ tiền của người đóng thuế với vai trò dẫn dắt của nhà nước

Quay lại với việc cấp phép mở cho kiến thức khoa học là kết quả của nghiên cứu khoa học được nhà nước cấp vốn, KN KHM của UNESCO có đoạn như sau:

Đảm bảo rằng nghiên cứu được nhà nước cấp vốn được triển khai dựa vào các nguyên tắc của khoa học mở phù hợp với các điều khoản của Khuyến nghị này, đặc biệt đoạn 8, và rằng kiến thức khoa học từ nghiên cứu được nhà nước cấp vốn, bao gồm các xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu mở, phần mềm nguồn mở, mã nguồn và phần cứng mở, là được cấp phép mở hoặc được hiến tặng vào phạm vi công cộng.”

Đoạn 8 chính là đoạn nêu các trường hợp ngoại lệ, như các nghiên cứu và kết quả nghiên cứu khoa học thuộc về bí mật quốc gia hay quyền riêng tư của công dân và một số trường hợp đặc biệt khác.

Như vậy là câu hỏi ở trên đã có câu trả lời, đó là: một khi bạn sử dụng tiền do nhà nước cấp, tức là tiền của người dân đóng thuế, để nghiên cứu khoa học, thì có nghĩa là những người dân đóng thuế đã trả tiền rồi cho bạn để bạn được nghiên cứu và họ cũng trả tiền rồi cho bạn để các kết quả nghiên cứu của bạn cần phải được cấp phép mở và phục vụ trở lại cho những người đóng thuế và cho xã hội, một khi các nghiên cứu đó không có liên quan gì tới vấn đề an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân.

Nói một cách khác, khi bạn dùng tiền thuế của người dân qua việc cấp vốn của nhà nước để tiến hành nghiên cứu khoa học, thì, như được chỉ ra trong KN KHM của UNESCO:

kiến thức khoa học từ nghiên cứu được nhà nước cấp vốn, bao gồm các xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu mở, phần mềm nguồn mở, mã nguồn và phần cứng mở, là được cấp phép mở hoặc được hiến tặng vào phạm vi công cộng”.

Việc cấp phép mở cho kiến thức khoa học từ nghiên cứu được nhà nước cấp vốn cũng sẽ giúp loại bỏ việc người đóng thuế có thể phải trả tiền hai lần (Double Dipping) hoặc thậm chí, như đã được chứng minh, tới bốn lần cho sản phẩm nghiên cứu khoa học[6].

Điều này cho thấy vai trò của nhà nước trong việc dẫn dắt ứng dụng và phát triển KHM là quan trọng như thế nào, đặc biệt là trong việc ưu tiên sử dụng tiền đóng thuế của người dân để ứng dụng và phát triển KHM vì lợi ích của người dân và của xã hội.

Không phải chỉ có các chính phủ, nhà nước dẫn dắt và hỗ trợ tích cực cho việc ứng dụng và phát triển KTKHM, mà thực tế của thế giới đã chứng minh, nhiều tổ chức phi lợi nhuận và thiện nguyện cấp tiền cho nghiên cứu khoa học cũng có yêu cầu các nhà nghiên cứu khoa học và các tổ chức nghiên cứu và triển khai nghiên cứu khoa học nhận tiền từ họ để nghiên cứu phải cấp phép mở cho các kết quả nghiên cứu để chúng được bất kỳ ai trên thế giới cũng có quyền tự do không mất tiền để truy cập tức thì tới chúng ở thời điểm xuất bản. Liên minh S (cOAlition S), một nhóm 27 nhà cấp vốn nghiên cứu quốc gia, các tổ chức quốc tế và châu Âu và các quỹ từ thiện đã đưa ra Kế hoạch S (Plan S)[7] vào tháng 9/2018, theo đó, từ năm 2021, tất cả các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ nghiên cứu được nhà nước và các tổ chức thành viên của Liên minh S trợ cấp phải được xuất bản trên các tạp chí hoặc các nền tảng tuân thủ truy cập mở, với ưu tiên cấp phép mở bằng giấy phép CC BY[8].

Một ví dụ khác về ứng dụng và phát triển KTKHM, góp phần cứu sống vô số mạng người trên khắp thế giới, là sáng kiến Cam kết COVID-19 Mở (Open COVID-19 Pledge)[9], một sáng kiến được khởi xướng vào tháng 4/2020, kêu gọi các tổ chức khắp trên thế giới làm cho các bằng sáng chế và bản quyền của họ sẵn sàng tự do không mất tiền để đấu tranh với đại dịch COVID-19 bằng việc cấp phép mở với 3 loại giấy phép COVID mở. Cho tới nay, ước tính có khoảng 500.000 bằng sáng chế và nhiều bản quyền đã cam kết mở công khai để đối phó với COVID-19 từ nhiều tổ chức và/hoặc các tập đoàn/công ty khắp trên thế giới, trong đó có các tập đoàn lớn như Amazon, Facebook, HP Enterprise, IBM, Intel, Microsoft .v.v.


E. Lời kết và vài gợi ý

Để khoa học và giáo dục của Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế không thể đảo ngược của KHM và TNGDM, có rất nhiều việc phải làm, dưới đây gợi ý vài việc cần thiết và cấp bách nhất ở thời điểm hiện tại để có thể bắt đầu đi trên con đường rất dài nhằm hiện thực hóa KHM và TNGDM, trước hết qua việc đưa KTKHM đến được và làm lợi cho xã hội và tất cả mọi người ở Việt Nam, với thứ tự ưu tiên như sau:

  1. Xây dựng chính sách cấp phép mở quốc gia như là ưu tiên số 1 vào lúc này.

  2. Xác định rõ và xây dựng danh sách kiến thức khoa học là kết quả của các nghiên cứu khoa học nào được nhà nước cấp tiền sẽ phải được cấp phép mở để trở thành các KTKHM để chia sẻ mở cho bất kỳ ai muốn sử dụng chúng.

  3. Chính phủ có biện pháp để hài hòa hóa lợi ích của các bên liên quan tới khoa học mở nhằm khuyến khích truy cập mở tới KTKHM là kết quả nghiên cứu được nhà nước cấp tiền.

  4. Xây dựng và ban hành chính sách KHM quốc gia dựa vào việc bám sát và tùy chỉnh 7 khía cạnh mục tiêu và lĩnh vực hành động được nêu chi tiết trong KN KHM của UNESCO, bao gồm việc yêu cầu các nhà nghiên cứu khoa học và các bên nhận tiền từ nhà nước để tiến hành nghiên cứu khoa học phải cấp phép mở cho kiến thức khoa học là kết quả của nghiên cứu khoa học đó, phù hợp với danh sách phân loại được xác định trước rồi ở mục 2 ở trên, cùng với việc thừa nhận, thưởng cùng với các ưu đãi khác có liên quan một cách xứng đáng để khuyến khích và phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học mở của họ.


F. Các chú giải:

[1] UNESCO, 2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

[2] Lê Trung Nghĩa, 2021: Công nghệ mở trong các cơ sở văn hóa và giáo dục: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/cong-nghe-mo-trong-cac-co-so-van-hoa-va-giao-duc-513.html

[3] Lê Trung Nghĩa, 2021: Những điều cơ bản về nguồn mở (Phần 2): https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/nhung-dieu-co-ban-ve-nguon-mo-phan-2-471.html

[4] Lê Trung Nghĩa, 2021: Phần cứng nguồn mở: Đổi mới sáng tạo tốc độ cao: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/phan-cung-nguon-mo-doi-moi-sang-tao-toc-do-cao-487.html

[5] Dame Janet Finch CBE, 2012: Accessibility, sustainability, excellence: how to expand access to research publications - Report of the Working Group on Expanding Access to Published Research Findings. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/a33nqbqxz31s3ck/finch-report-final-Vi-30082016.pdf?dl=0

[6] Lê Trung Nghĩa, 2021: Truy cập mở kim cương và cái đích của chuyển đổi số trong xuất bản học thuật: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/truy-cap-mo-kim-cuong-va-cai-dich-cua-chuyen-doi-so-trong-xuat-ban-hoc-thuat-426.html

[7] cOAlition S: Making full and immediate Open Access a reality: https://www.coalition-s.org/

[8] cOAlition S: cOAlition S develops “Rights Retention Strategy” to safeguard researchers’ intellectual ownership rights and suppress unreasonable embargo periods. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/truy-cap-mo/lien-minh-s-phat-trien-chien-luoc-duy-tri-cac-quyen-de-bao-ve-cac-quyen-so-huu-tri-tue-cua-cac-nha-nghien-cuu-va-bai-bo-cac-giai-doan-cam-van-vo-ly-265.html

[9] Lê Trung Nghĩa, 2021: Khoa học Mở, Truy cập Mở và tác động của đại dịch COVID-19: https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Khoa-hoc-Mo-Truy-cap-Mo-va-tac-dong-cua-dai-dich-COVID19-28215


Giấy phép nội dung: CC BY-SA 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập398
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm392
  • Hôm nay21,828
  • Tháng hiện tại471,269
  • Tổng lượt truy cập37,998,093
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây