Phát triển nguồn tài liệu mở, yêu cầu tất yếu để xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số trong CMCN4 (phiên bản đầy đủ)

Thứ năm - 06/12/2018 05:36
Phát triển nguồn tài liệu mở, yêu cầu tất yếu để xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số trong CMCN4 (phiên bản đầy đủ)
 
Nguồn: http://www.baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/13722/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-dua-thach-thuc-thanh-co-hoi-cho-thu-vien-viet-nam
 
Bài viết cho hội thảo ‘Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện Việt Nam trong thời kỳ mới’ do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức ngày 05/12/2018 tại Hà Nội
--------------------------------------------------------

 
A. Thông tin cơ bản
Định nghĩa tài liệu mở. Để đơn giản và dễ hiểu, có thể định nghĩa tài liệu mở như sau:
Tài liệu mở là tài liệu được cấp phép mở, vì thế cho phép mọi người truy cập và sử dụng tùy theo các điều khoản, điều kiện của giấy phép mở mà tác giả cấp cho tài liệu đó.
Hệ thống các giấy phép mở phổ biến nhất được các tác giả khắp trên thế giới sử dụng để cấp cho các tài liệu mở là Creative Commons[1], gọi tắt là CC.
Ngày nay, các tài liệu mở hay các tài liệu được cấp phép mở được hiểu là các tài liệu với các dạng nội dung đa đạng khác nhau như: (1) văn bản; (2) hình ảnh; (3) âm thanh; (4) video - đa phương tiện; (5) dữ liệu; và cả (6) phần mềm (dù tài liệu văn bản phần mềm thường được cấp phép mở với các giấy phép khác với của CC). Tất cả các dạng nội dung này, đều là các đối tượng quản lý của các thư viện, đặc biệt là các thư viện số, trong kỷ nguyên số ngày nay.
Như một cách phân loại khác, các tài liệu mở, tùy theo giấy phép mở được tác giả cấp, được phân loại thành các dạng khác nhau: (1) tài nguyên truy cập mở; (2) tài nguyên giáo dục mở; và (3) dữ liệu mở, giống như Hình 1 bên dưới và từng trong số 3 loại tài liệu mở đó đều có những định nghĩa riêng của nó.
Hình 1. Phân loại các tài liệu mở theo các giấy phép mở Creative Commons

 
B. Vấn đề phát triển nguồn tài liệu mở trên thế giới
B.1 Châu Âu và các Quốc gia G7 với con đường khoa học mở
Được truyền cảm hứng từ triết lý và tinh thần của phong trào phần mềm tự do (PMTD[2]) từ những năm đầu thập niên 1980 và phong trào phần mềm nguồn mở (PMNM[3]) từ cuối những năm 1990 (tại Việt Nam thường được gọi chung 2 loại phần mềm nêu trên là phần mềm tự do nguồn mở [PMTDNM]), các tuyên bố BBB[4] đã được đưa ra, và chúng là nền tảng cơ bản của phong trào truy cập mở thế giới, ấy là: (1) Budapest năm 2002; (2) Berlin năm 2003; và (3) Bethesda năm 2003. Cùng với các tuyên bố đó còn có sự xuất hiện cùng trong năm 2002[5] của các học liệu mở - OCW (Open Courseware) từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở nước Mỹ và tuyên bố của UNESCO về tài nguyên giáo dục mở – OER (Open Educational Resources) đã khởi đầu cho phong trào OER toàn cầu. Nhưng một loạt các sự kiện đáng nhớ và bao trùm lên tất cả các dạng khác nhau của truy cập mở tới các tài liệu với sự vào cuộc của các chính phủ phải kể tới rất gần đây như sau:
  • Thông cáo của các Bộ trưởng Khoa học các nước G7[6]’ sau cuộc họp tại Turin, nước Ý vào ngày 28/09/2017, nơi các bên tham gia đã ra thông cáo chung thừa nhận, khẳng định và ủng hộ việc ứng dụng và phát triển khoa học mở[7] trong thời gian tới.
  • Ngày 26/10/2017, Ủy ban châu Âu - EC (European Commission) đã ra ‘Tuyên bố Đám mây Khoa học Mở châu Âu[8]’, gọi tắt là Tuyên bố EOSC (European Open Science Cloud), khẳng định tới năm 2020 sẽ làm cho tất cả các dữ liệu nghiên cứu khoa học sử dụng tiền từ khu vực nhà nước sẽ ‘mở mặc định’ theo các nguyên tắc: tìm thấy được, truy cập được, tương hợp được và sử dụng lại được - FAIR (Findable, Accessible, Interoperable, Re-usable), mở ra các cơ hội mới về nghiên cứu và cách tân trong khoa học không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học của châu Âu, mà toàn thế giới.
  • Tháng 05/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã xuất bản tài liệu hướng dẫn ‘Truy cập tới và bảo tồn thông tin khoa học ở châu Âu[9]’, nhấn mạnh các đường hướng ưu tiên chính cho nghiên cứu và cách tân ở châu Âu trong thời gian tới, gồm: (1) Truy cập Mở tới các xuất bản phẩm khoa học; (2) Truy cập Mở tới dữ liệu nghiên cứu; (3) Xây dựng hạ tầng điện tử, phổ biến và sử dụng lại các kết quả đầu ra nghiên cứu; (4) Các hệ thống thưởng cho văn hóa chia sẻ và huấn luyện các kỹ năng Khoa học Mở; và (5) Cộng tác và minh bạch trong nghiên cứu khoa học;
  • Cần được nhấn mạnh là không phải tới cuối năm 2017, đầu năm 2018 các quốc gia G7 và châu Âu mới quan tâm tới khoa học mở và các thành phần của nó, khi biết rằng châu Âu đã theo đuổi các thành phần của khoa học mở qua 2 chương trình rộng khắp châu Âu: (1) Chương trình Khung số 7 (FP7[10]) trong các năm 2007-2013; và (2) Chương trình Horizon 2020 trong các năm 2014-2020. Chỉ riêng trong các năm 2018-2020, theo Horizon 2020[11], EC đầu tư 30 tỷ € (tương đương khoảng 75.000 tỷ VNĐ) vào khoa học mở.
  • Ngày 07/06/2018, EC xuất bản tài liệu[12] với đề xuất ngân sách 100 tỷ € (khoảng 250.000 tỷ VNĐ) cho chương trình Horizon Europe các năm 2021-2027.
Hình 2. Các ưu tiên hiện nay của EC cho Khoa học Mở[13]

 
B.2 Chính sách và các kho truy cập mở trên thế giới
  • Cổng truy cập mở toàn cầu của UNESCO[14] liệt kê tình trạng truy cập mở toàn cầu. Tình trạng truy cập mở của một số quốc gia được dịch sang tiếng Việt[15] như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Phần Lan.
  • Danh sách liệt kê các tổ chức quan trọng tham gia trong truy cập mở[16] ở các khu vực khác nhau trên thế giới như: (1) châu Phi; (2) các quốc gia A rập; (3) châu Á - Thái bình dương; (4) châu Âu và Bắc Mỹ; (5) Mỹ Latin và vùng Caribe. Trong danh sách này có Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Thư viện - IFLA (International Federation of Library Associations and Institutions);
  • Số lượng các kho truy cập mở trên thế giới[17] có đăng ký theo các vùng địa lý: (1) châu Phi – 152 kho; (2) châu Á – 845 kho, chưa có tên Việt Nam; (3) châu Âu - 1576 kho, nhiều nhất là Đức có 235 kho; (4) Bắc Mỹ – 959 kho, riêng nước Mỹ có 793 kho; (5) châu Đại dương – 98 kho; và (6) Nam Mỹ – 407 kho;
  • Các chính sách truy cập mở được áp dụng trên thế giới tính tới tháng 04/2018[18] tại: (1) tổ chức nghiên cứu: 732; (2) nhà cấp vốn nghiên cứu: 85; (3) đơn vị trực thuộc tổ chức nghiên cứu: 75; (4) các tổ chức nghiên cứu lớn: 11. (Xem Hình 3).
Hình 3. Chính sách truy cập mở được áp dụng trên thế giới cho tới tháng 04/2018

 
  • 2 bộ tài liệu do UNESCO xuất bản 2015 về truy cập mở được dịch sang tiếng Việt, nêu hầu như tất cả các khía cạnh của truy cập mở mà các cán bộ thư viện, giảng viên và sinh viên chuyên ngành thông tin - thư viện và các nhà nghiên cứu cần biết để đáp ứng được các nhu cầu công việc trong kỷ nguyên số[19]:
    • Cho các trường thư viện, gồm: (1) Giới thiệu truy cập mở; (2) Hạ tầng truy cập mở; (3) Tối ưu hóa tài nguyên; và (4)Tính tương hợp và truy xuất.
    • Cho các nhà nghiên cứu, gồm: (1) Truyền thông hàn lâm; (2) Các khái niệm về tính mở và truy cập mở; (3) Các quyền sở hữu trí tuệ; (4) Đo đếm đánh giá nghiên cứu; và (5) Chia sẻ tác phẩm của bạn theo truy cập mở.
B.3 Chính sách và các kho tài nguyên giáo dục mở (OER) trên thế giới
Nhiều số liệu thống kê về OER trên thế giới có thể tìm thấy trên trang bản đồ OER thế giới tại địa chỉ: https://oerworldmap.org/aggregation/ mà dưới đây chỉ nêu vài hạng mục:
Hình 4. Bản đồ OER thế giới[20]

 
  • Các hạng mục theo dạng đăng ký với trang bản đồ OER thế giới: (1) Tổ chức - 984, trong đó có nhiều tổ chức nhà nước; (2) Cá nhân – 650; (3) Đơn vị dịch vụ – 450; (4) Dự án – 448; (5) Xuất bản phẩm – 393; (6) Sự kiện – 324; (7) Câu chuyện – 146; (8) Các công cụ – 39. Bạn có thể xem chi tiết thông tin của từng hạng mục trong vố số các hạng mục này nếu nhấn vào đường liên kết tương ứng.
  • 5 quốc gia hàng đầu trên bản đồ OER thế giới: (1) Đức – 920; (2) Mỹ – 730; (3) Vương quốc Anh – 241; (4) Canada – 105; và (5) Brazil – 95. Bổ sung thêm:
    • Ở nước Mỹ: (1) 26/51 bang có chính sách của bang về truy cập mở, OER và/hoặc sách giáo khoa mở[21]; (2) Bộ Giáo dục Mỹ có sáng kiến #GoOpen[22] hỗ trợ các bang và các khu trường chọn chuyển sang sử dụng các tài nguyên được cấp phép mở (OER) để biến đổi việc dạy và học. Hiện có 96 khu trường #GoOpen; 23 khu trường đại sứ #GoOpen (làm mẫu cho các khu trường #GoOpen khác).
    • Châu Âu: Chương trình Khoa học Mở của châu Âu bao gồm luôn cả OER. Tài liệu của Liên minh châu Âu xuất bản năm 2017 ‘Các tiếp cận chính sách giáo dục mở[23]’ đề cập tới hiện trạng các chính sách của hầu hết trong số 28 quốc gia châu Âu như Bảng 1. Hầu hết chúng là các chính sách ở mức quốc gia và đang được triển khai.

 
Bảng 1. Tổng quan các chính sách OER các quốc gia châu Âu
  • Hạng mục theo cấp học đăng ký với trang bản đồ OER thế giới: (1) Giáo dục đại học – 721; (2) Giáo dục liên thông – 342; (3) Các trường học – 205; (4) Giáo dục thường xuyên – 103; (5) Giáo dục nghề nghiệp – 27; (6) Giáo dục mầm non – 2.
  • Hạng mục theo các dự án của các nhà cấp vốn: vài trăm dự án, nhiều nhất là của Quỹ William and Flora Hewlett Foundation với 263 dự án.
  • 5 ngôn ngữ hàng đầu trên bản đồ OER thế giới: (1) tiếng Anh – 186; (2) Đức – 147; (3) Tây Ban Nha – 55; (4) Bồ Đào Nha – 44; (5) Pháp – 35.
  • Các dịch vụ theo giấy phép: (1) CC BY – 177; (2) CC BY-SA – 128; (3) CC BY-NC-SA – 95; (4) CC BY-NC-ND – 38; (5) CC BY-NC – 29; (6) CC BY-ND – 15; (7) CC0 – 21; (8) Phạm vi công cộng – 2; (9) và theo một số dạng giấy phép khác.
Đã có 2 Hội nghị OER thế giới được tổ chức: (1) Lần 1, năm 2012 tại Paris, Pháp đã đưa ra Tuyên bố Paris với 10 điểm[24]; (2) Lần 2, năm 2017 tại Ljubljana, Slovenia với chủ đề ‘OER vì Giáo dục Chất lượng Hội nhập và Bình đẳng: Từ cam kết tới hành động’ đã đưa ra tuyên bố Ljubljana[25] với các khuyến cáo hành động cụ thể cho 8 loại tác nhân liên quan, gồm: (1) các tổ chức liên chính phủ; (2) các chính phủ; (3) các cơ sở giáo dục; (4) các cơ quan đảm bảo chất lượng; (5) khu vực tư nhân; (6) các tổ chức xã hội dân sự; (7) các cơ quan và các nhóm nghiên cứu; (8) các giảng viên và thủ thư.
Vài tài liệu quan trọng của UNESCO về OER. Trong vô số các tài liệu OER[26], một số tài liệu hướng dẫn do UNESCO xuất bản là quan trọng, ví dụ:
  • Chỉ dẫn cơ bản về tài nguyên giáo dục mở (OER)[27]‘ và ‘Các chỉ dẫn về tài nguyên giáo dục mở (OER) trong giáo dục đại học’[28].
  • 'Tài nguyên Giáo dục Mở: Chính sách, các chi phí và sự biến đổi', của các tác giả Fengchun Miao, Sanjaya Mishra và Rory McGreal, do UNESCO và COL cùng xuất bản năm 2016. Cuốn sách có 15 trường hợp điển hình về tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) ở 15 quốc gia, cả phát triển lẫn đang phát triển, xoay quanh các vấn đề về chính sách, chi phí và sự biến đổi của OER.
B.4 Chính sách và các kho dữ liệu mở trên thế giới
Như được nêu ở trên, các quốc gia G7, đặc biệt là Liên minh châu Âu đã tích hợp dữ liệu mở vào chương trình khoa học mở của mình và đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch hành động của mình để hiện thực hóa Đám mây Khoa học Mở châu Âu - EOSC (European Open Science Cloud), trong đó “khẳng định tới năm 2020 sẽ làm cho tất cả các dữ liệu nghiên cứu khoa học sử dụng tiền từ khu vực nhà nước sẽ ‘mở mặc định’ theo các nguyên tắc: tìm thấy được, truy cập được, tương hợp được và sử dụng lại được - FAIR (Findable, Accessible, Interoperable, Re-usable), mở ra các cơ hội mới về nghiên cứu và cách tân trong khoa học không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học của châu Âu, mà toàn thế giới“.
Hình 5. Xếp hạng tính sẵn sàng dữ liệu mở quốc gia, Open Data Barometer v4, 2017.
Dựa vào Hiến chương Quốc tế về dữ liệu mở[29], Open Data Barometer, tổ chức chuyên đánh giá mức độ sẵn sàng của các quốc gia trên toàn cầu về dữ liệu mở, đã xuất bản ‘Báo cáo toàn cầu ấn bản 4‘ năm 2017[30] đã đưa ra 6 nguyên tắc phát hành dữ liệu như sau: (1) Mở mặc định; (2) Đúng lúc & toàn diện; (3) Truy cập được và sử dụng được; (4) So sánh được & tương hợp được; (5) Về sự điều hành được cải thiện & sự tham gia của công dân; và (6) Về sự phát triển & đổi mới toàn diện. Dựa vào 6 nguyên tắc này, Open Data Barometer đã xếp hạng tính sẵn sàng dữ liệu mở của 115 quốc gia được khảo sát theo thang điểm 100 với 26 quốc gia xếp hạng đầu như trong Hình 5. Việt Nam xếp hạng 79/115 trong báo cáo phiên bản 4 năm 2017 so với xếp hạng 57/92 trong phiên bản 3 năm 2016[31] cũng của Open Data Barometer.
Ngoài 2 tài liệu xếp hạng tính sẵn sàng dữ liệu mở của Open Data Barometer, phải kể tới tài liệu chỉ dẫn xây dựng chính sách dữ liệu mở dựa vào phương pháp luận với 8 chiều để đánh giá tính sẵn sàng dữ liệu mở quốc gia, phần A[32] và phần B[33] của Ngân hàng thế giới - WB (World Bank).

 
C. Các thành tựu
Có lẽ một vài con số sau đây, dù không là vét cạn, cũng nói lên được thành tựu to lớn của các phong trào mở nói chung, và tài liệu mở nói riêng trong thời gian qua:
Hình 6. Số lượng PMTDNM trong kho di sản phần mềm tính tới hết tháng 11/2018
  • Theo thống kê của kho di sản phần mềm[34], cho tới hết tháng 11/2018 kho có: (1) hơn 5 tỷ tệp mã nguồn; từ (2) hơn 4,6 tỷ thư mục; với (3) hơn 1,9 triệu lần đề xuất mã nguồn vào kho; từ (4) gần 22.000 lập trình viên; từ (5) hơn 86 triệu dự án.
  • Theo thống kê của tổ chức Creative Commons[35]:
Hình 7. Số lượng các tác phẩm được cấp phép mở CC tới hết năm 2017
    • Tới hết năm 2017, thế giới có hơn 1 tỷ 471 triệu tác phẩm truy cập mở, được cấp phép mở bằng các giấy phép Creative Commons.
    • Các kho điển hình có số lượng lớn các tác phẩm được cấp phép mở gồm: (1) flickr – 415,1 triệu; (2)YouTube – 49 triệu; (3) wikipedia – 46,7 triệu; (4) Deviant Art – 40 triệu; (5) wikimedia commons – 36,9 triệu; (6) europeana – 28,7 triệu; (7) vimeo – 6,6 triệu; (8) Internet Archive – 3,1 triệu; (9) DOAJ – 2,7 triệu; (10) Thingivese – 2,3 triệu; (11) 500px – 1,2 triệu; (12) Medium – 740.896; (13) Jamendo Licencing – 556.126; (14) PLOS – 200.000; (15) FMA – 114.969.
    • 104 tổ chức cấp quốc gia Creative Commons ở 6 khu vực: (1) Bắc Mỹ – 2; (2) Mỹ Latin – 16; (3) Châu Âu – 42; (4) Thế giới A rập – 6; (5) Châu Phi – 7; (6) Châu Á - Thái bình dương – 30.
    • Các quốc gia sử dụng tìm kiếm CC nhiều nhất thế giới trong năm 2017 gồm: Mỹ, Anh, Canada, Tây Ban Nha, Đức và Úc.
    • Các ngôn ngữ phổ biến nhất trong năm 2017 là các tiếng: Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Pháp.
Ngoài các kho truy cập mở và các kho được tổ chức Creative Commons được nêu ở trên, gợi ý khai thác hàng loạt các kho OER cho giáo dục nói chung, giáo dục đại học và cao đẳng nghề nói riêng với các dạng nội dung khác nhau như được nêu trong tài liệu ‘Khai thác tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở vào đào tạo nghề và hoạt động dịch vụ việc làm[36]’.
Hình 8. Vài số liệu thống kê trên OpenAIRE cho tới hết tháng 11/2018
Và các kho dữ liệu mở điển hình của châu Âu, gồm:
  • OpenAIRE (https://www.openaire.eu/): OpenAIRE hiện là một tổ chức của Liên minh châu Âu, chuyên để tạo thuận lợi cho tính mở trong truyền thông hàn lâm. Dưới đây là một vài số liệu thống kể của OpenAIRE[37] cho tới hết tháng 11/2018 (Xem Hình 8):
    • Tổng số các xuất bản phẩm truy cập mở có trên OpenAIRE: hơn 23 triệu
    • Tổng số các tập hợp dữ liệu mở nghiên cứu có trên OpenAIRE: 182.633
    • Tổng số phần mềm nguồn mở có trên OpenAIRE: 39.587
    • Các sản phẩm nghiên cứu khác với truy cập mở có trên OpenAIRE: hơn 3 triệu
  • Zenodo (https://zenodo.org/): có 538.018 tập hợp dữ liệu mở trong tổng số 562.148 các tập hợp dữ liệu có trong kho, chiếm tỷ lệ 95,7%. Các tập hợp dữ liệu này đều sử dụng mã nhận diện đối tượng số – DOI (Digital Object Identifier). Số lượng các tập hợp dữ liệu của Zenodo vẫn tăng không ngừng hàng ngày.
Hình 9. Các tập hợp dữ liệu mở trên Zenodo cho tới hết tháng 11/2018

 
D. Một số đề xuất về phát triển nguồn tài liệu mở để thúc đẩy xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số tại Việt Nam
D.1 Tóm lược
Nhiều trong số các thành tựu nêu trên của thế giới nguồn mở có sự đóng góp không nhỏ của ngành thư viện trên thế giới, được ghi nhận trong nhiều tài liệu khác nhau. Cuộc đấu tranh của hệ thống thư viện và nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên toàn cầu vì sự truy cập mở tới các tài liệu kết quả nghiên cứu được đăng trên hệ thống các nhà xuất bản và các tạp chí trong gần 2 thập kỷ qua[38] cho tới nay (điển hình là cuộc đấu tranh của giới thư viện nước Đức thông qua dự án Projekt Deal[39]) đã minh chứng cho điều này; và việc UNESCO đã xuất bản bộ các tài liệu về truy cập mở dành cho các trường thư viện như được liệt kê ở trên là một minh chứng cho vai trò quan trọng và không thể thiếu của hệ thống thư viện trong kỷ nguyên số, trong biến đổi số, và chắc chắn, trong CMCN4.
Trong kỷ nguyên số ngày nay, hệ thống thư viện sẽ quản lý cả ở dạng số các kết quả trong toàn bộ vòng đời nghiên cứu[40], làm gia tăng nhu cầu các kỹ năng và năng lực khoa học mở[41], cũng như các công cụ đánh giá các kỹ năng và năng lực đó, như ma trận đánh giá sự nghiệp khoa học mở - OS – CAM (Open Science - Career Assessment Matrix[42]), vì vậy sẽ đòi hỏi các cán bộ thư viện và những người chuyên nghiệp ngành thông tin - thư viện nhận thức được vai trò và trách nhiệm mới của mình để thay đổi bản thân nhằm đáp ứng được các nhu cầu mới đó. Đã có rồi các tổ chức thư viện trên thế giới có khả năng để đào tạo và huấn luyện các kỹ năng và năng lực khoa học mở như Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Thư viện - IFLA (International Federation of Library Associations and Institutions), Hiệp hội các Thư viện Nghiên cứu châu Âu – LIBER (Ligue des Bibliothèques Européennes de Recherche – Association of European Research Libraries) hay Thư viện Nhân văn Mở - OLH (Open Library of Humanities).

 
D.2 Kiến nghị và đề xuất
Để phát triển các tài liệu truy cập mở bằng tiếng Việt, cùng với việc xây dựng thư viện số/điện tử và tham gia phong trào truy cập mở của thế giới, vài kiến nghị đề xuất sau:
  1. Đưa các khái niệm truy cập mở, tài nguyên giáo dục mở, dữ liệu mở và khoa học mở vào các luật như Luật Thư viện, Luật Giáo dục, Luật Khoa học, Luật Xuất bản, Luật sở hữu trí tuệ và các luật liên quan khác.
  2. Đưa nội dung cấp phép mở và khai thác các tài liệu truy cập mở vào giảng dạy ở tất cả các cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp trong cả nước, ưu tiên trước hết là vào toàn bộ các cơ sở trong hệ thống các trường sư phạm trong cả nước.
  3. Đầu tư cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành thông tin - thư viện nhằm đào tạo và huấn luyện sinh viên với các kỹ năng và năng lực khoa học mở cả về lý thuyết và thực hành[43], cùng với việc đào tạo lại và huấn luyện lại các giảng viên của chính các cơ sở đào tạo đó và tất cả các cơ sở đào tạo khác trong cả nước với các kỹ năng và năng lực như được UNESCO khuyến cáo trong Khung Năng lực CNTT-TT cho các giảng viên phiên bản 3 năm 2018 (ICT CFT V3[44]), bao gồm khía cạnh năng lực OER.
  4. Có chương trình số hóa các tài liệu truy cập mở. Số hóa các tài liệu truy cập mở, được cấp phép mở, cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài đang có sẵn rồi, đưa vào sử dụng chung cho tất cả các thư viện với các yêu cầu sau:
    1. Yêu cầu tối thiểu: các tài liệu số hóa nhất thiết phải được cấp phép mở.
    2. Không số hóa các tài liệu không rõ về bản quyền, không được cấp phép mở.
  5. Có chương trình bản địa hóa các tài liệu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Có rất nhiều kho tài nguyên tiếng Anh và các tiếng ngoại ngữ khác đã được cấp phép mở rồi, có thể bản địa hóa sang tiếng Việt để sử dụng cho tất các các cấp giáo dục, ở tất cả các dạng nội dung như văn bản, hình ảnh, âm thanh, đa phương tiện (video).
  6. Chương trình xây dựng hạ tầng truy cập mở dùng chung cho các thư viện.
    1. Xây dựng các kho dùng chung cho tất cả các thư viện và/hoặc cho các cụm thư viện theo chuyên ngành.
    2. Phần mềm tạo ra kho PHẢI sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như tiêu chuẩn mở OAI-PMH, sao cho có khả năng kết nối được với các kho tài nguyên khác, cả ở mức giữa tỉnh này với tỉnh khác, thậm chí giữa quốc gia này với quốc gia khác. Không đầu xây dựng kho nếu không có khả năng kết nối với các kho khác!
    3. Bản thân phần mềm xây dựng kho PHẢI là phần mềm truy cập mở được.
    4. Xây dựng kho theo nguyên tắc từ dưới lên, ‘tài liệu truy cập mở có trước, kho có sau’. Trong thời gian đầu, hoàn toàn có khả năng để sử dụng các kho truy cập mở có sẵn trên Internet.

 
Tài liệu tham chiếu
[1] Trang các giấy phép Creative Commons: https://creativecommons.org/licenses/
[2] Trang chủ của tổ chức Free Softwar Foundation: https://www.fsf.org/
[3] Trang chủ của tổ chức Open Source Initiative: https://opensource.org/
[4] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2017: Giới thiệu Truy cập Mở, UNESCO xuất bản 2015: https://www.dropbox.com/s/pieghb3m5r7hm5i/231920E-Vi-06082017.pdf?dl=0, các trang 30-32
[5] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2012: Chỉ dẫn cơ bản về Tài nguyên Giáo dục Mở, UNESCO & COL xuất bản 2011: https://www.dropbox.com/s/8g89vateg5bxphh/Basic-Guide-To-OER-Vi-30062012.pdf?dl=0
[6] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Thông cáo của các Bộ trưởng Khoa học các nước G7, G7 2017, 28/09/2017: https://www.dropbox.com/s/ywum8nfcgw7c6jz/G7%20Science%20Communiqu%C3%A9_Vi_25022018.pdf?dl=0
[7] Lê Trung Nghĩa: Rất cần Khoa học Mở cho CMCN4.0. Tạp chí Tia Sáng, 26/08/2017: http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Rat-can-khoa-hoc-mo-cho-CMCN-40--10878
[8] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Tuyên bố EOSC, EC xuất bản 26/10/2017: https://www.dropbox.com/s/0txrq8row8vdq2l/eosc_declaration_Vi_23022018.pdf?dl=0
[9] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Truy cập tới và bảo tồn thông tin khoa học ở châu Âu, EC xuất bản tháng 05/2018: https://www.dropbox.com/s/4n5r0cj4chkgfrw/KI0417824ENN.en_Vi-04082018.pdf?dl=0
[11] Trang chủ của Horizon 2020: https://ec.europa.eu/programmes/horizon2020/en/
[12] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Ngân sách của Liên minh châu Âu (EU): Ủy ban đề xuất chương trình Nghiên cứu và Cách tân tham vọng nhất từ trước tới nay, EC xuất bản 07/06/2018: https://www.dropbox.com/s/dh8tcr1mhkj02mg/IP-18-4041_EN_Vi-05082018.pdf?dl=0
[13] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Cung cấp cho các nhà nghiên cứu các kỹ năng và năng lực họ cần để thực hành Khoa học Mở, EC xuất bản tháng 07/2017: https://www.dropbox.com/s/qc0cfjd80ipmvnx/os_skills_wgreport_final_Vi_01032018.pdf?dl=0, trang 10
[15] Blog Phần mềm Tự do Nguồn Mở cho Việt Nam của Lê Trung Nghĩa, trang: Khoa học Mở - Open Science: http://vnfoss.blogspot.com/2016/05/khoa-hoc-mo-open-science.html
[17] Registry of Open Access Repositories: http://roar.eprints.org/view/geoname/
[19] Lê Trung Nghĩa, 2018: CMCN4 và gợi ý đào tạo nhân lực ngành TT-TV với các kỹ năng và năng lực khoa học mở: https://vnfoss.blogspot.com/2018/11/cmcn4-va-goi-y-ao-tao-nhan-luc-nganh-tt.html, phần ‘Các tham chiếu’ các mục từ 7 tới 15.
[21] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Chính sách tài nguyên giáo dục mở (OER) các bang của nước Mỹ: https://vnfoss.blogspot.com/2018/05/chinh-sach-tai-nguyen-giao-duc-mo-oer_13.html
[22] Office of Eduction Technology, Open Education: https://tech.ed.gov/open/
[23] Andreia Inamorato dos Santos et al.: Policy Approaches to Open Education, EU JRC 2017: http://publications.jrc.ec.europa.eu/repository/bitstream/JRC107713/jrc107713_jrc107713_policy_approaches_to_open_education.pdf, Bảng 1, trang 13
[25] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2017: Tài nguyên giáo dục mở: Từ cam kết tới hành động, COL xuất bản 2017: https://www.dropbox.com/s/vyoczt07w3r49pf/2017_COL_OER-From-Commitment-to-Action-Vi-15102017.pdf?dl=0
[26] Blog Phần mềm tự do nguồn mở cho Việt Nam, Các tài liệu dịch sang tiếng Việt cho tới hết năm 2015: http://vnfoss.blogspot.com/2015/12/cac-tai-lieu-dich-sang-tieng-viet-cho.html
[27] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2015: Chỉ dẫn cơ bản về tài nguyên giáo dục mở (OER), UNESCO &COL, 2015: https://www.dropbox.com/s/lr35lwf436l4ggj/215804e-Vi-04102015.pdf?dl=0
[28] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2015: Các chỉ dẫn về tài nguyên giáo dục mở (OER) trong giáo dục đại học, UNESCO & COL, 2015: https://www.dropbox.com/s/p1tfmi5swd229e8/213605e-Vi-21092015.pdf?dl=0
[29] International Open Data Charter: https://opendatacharter.net/principles/
[30] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2017: Báo cáo toàn cầu ấn bản 4, Open Data Barometer, 2017: https://www.dropbox.com/s/kr76bcce1jd7pmq/ODB-4thEdition-GlobalReport-Vi-10122017.pdf?dl=0
[31] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2017: Ấn bản lần 3 Báo cáo toàn cầu của ODB, Open Data Barometer, 2016: https://www.dropbox.com/s/dj6wll58vf68s4t/ODB-3rdEdition-GlobalReport-Vi- 04122017.pdf?dl=0
[32] Lê Trung Nghĩa biên dịch: PHẦN A: CHỈ DẪN CHO NGƯỜI SỬ DỤNG ĐÁNH GIÁ TÍNH SẴN SÀNG DỮ LIỆU MỞ, Ngân hàng thế giới (WB) xuất bản 30/04/2015: https://www.dropbox.com/s/1qh2fwy475x923h/odra_v3.1_userguide-Vi-16112017.pdf?dl=0
[33] Lê Trung Nghĩa biên dịch: PHẦN B: PHƯƠNG PHÁP LUẬN ĐÁNH GIÁ TÍNH SẴN SÀNG CỦA DỮ LIỆU MỞ, Ngân hàng thế giới (WB) xuất bản 26/01/2015: https://www.dropbox.com/s/4qsp6zw3sdujs3h/odra_v3_methodology-Vi-20112017.pdf?dl=0
[35] State of the Commons: https://stateof.creativecommons.org/
[36] Lê Trung Nghĩa, 2018: Khai thác tài nguyên giáo dục nghề nghiệp mở vào đào tạo nghề và hoạt động dịch vụ việc làm: https://vnfoss.blogspot.com/2018/11/khai-thac-tai-nguyen-giao-duc-nghe_26.html
[38] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Chấp nhận Giấy phép để Xuất bản của JISC/SURF & các Nguyên tắc đi kèm từ các nhà xuất bản tạp chí truyền thống: https://www.dropbox.com/s/4skfkidq4enj7da/LtP-final-report-dec07_Vi_14112018.pdf?dl=0
[39] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Các con đường dẫn tới truy cập mở, do các thư viện đại học California xuất bản 27/02/2018: https://www.dropbox.com/s/a4poplruxx4r7jr/UC-Libraries-Pathways%20to%20OA-Report_Vi-01102018.pdf?dl=0
[40] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2017: Giới thiệu truy cập mở, UNESCO xuất bản 2015 cho các trường thư viện: https://www.dropbox.com/s/pieghb3m5r7hm5i/231920E-Vi-06082017.pdf?dl=0
[41] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Cung cấp cho các nhà nghiên cứu các kỹ năng và năng lực họ cần để thực hành khoa học mở, EC, tháng 07/2017: https://www.dropbox.com/s/qc0cfjd80ipmvnx/os_skills_wgreport_final_Vi_01032018.pdf?dl=0
[42] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Đánh giá sự nghiệp nghiên cứu bằng việc thừa nhận đầy đủ các thực hành khoa học mở, Nhóm làm việc về thưởng theo khoa học mở của EC, tháng 07/2017: https://www.dropbox.com/s/dqbqnia7dih0u6w/os_rewards_wgreport_final_Vi_10032018.pdf?dl=0
[43] Lê Trung Nghĩa, 2018: CMCN4 và gợi ý đào tạo nhân lực ngành TT-TV với các kỹ năng và năng lực khoa học mở: https://vnfoss.blogspot.com/2018/11/cmcn4-va-goi-y-ao-tao-nhan-luc-nganh-tt.html
[44] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Khung năng lực CNTT-TT cho giảng viên của UNESCO, UNESCO, 2018: https://www.dropbox.com/s/xgnx8ji27w48fuc/265721e_Vi-27112018.pdf?dl=0

 
Lê Trung Nghĩa
PS: Bạn có thể tự do tải về bài viết ở định dạng PDF tại địa chỉ:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay3,689
  • Tháng hiện tại694,747
  • Tổng lượt truy cập37,496,321
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây