Phần mềm nguồn mở (PMNM) với Đề án 112 Chính phủ về Tin học hóa

Thứ bảy - 09/06/2007 08:50
Phần mềm nguồn mở (PMNM) với Đề án 112 Chính phủ về Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước

Bất cứ nhà lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) nào mà không có chiến lược về phần mềm nguồn mở trong năm 2003 thì sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều cho công nghệ thông tin vào năm 2004“.

Tạp chí CIO, ngày 15 tháng 3 năm 2004

http://www.cio.com/archive/031503/opensource.html

A. Định hướng từ rất sớm:

Đường lối về ứng dụng và phát triển PMNM trong các dự án của Đề án 112 Chính phủ được thể hiện rõ trong tài liệu “Đề án 112 trong hành động” do nhà xuất bản chính trị Quốc gia xuất bản tháng 02/2003 (tròn một năm trước khi có Quyết định 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/03/2004 phê duyệt Dự án tổng thể “Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt nam giai đoạn 2004-2008”), trong đó có những đoạn như: “... đơn vị mới bắt đầu xây dựng các hệ thông tin điện tử cần ưu tiên sử dụng các hệ điều hành mở thuộc dòng Linux như Red Hat, Suse, VA Linux, ManDrake..., hoặc thuộc dòng BSD như FreeBSD, NetBSD, OpenBSD...”, “... dùng MySQL hoặc PostgreSQL dưới hệ điều hành Linux sẽ có lợi thế của phần mềm mã nguồn mở, ngoài ra việc chuyển đổi dữ liệu của chúng với các hệ thống khác cũng là thuận tiện...”, “... với tính an toàn và kinh tế cao, các phần mềm mã nguồn mở và phần mềm tự do đang được sử dụng càng ngày càng nhiều trong các hệ thống thông tin điện tử, ,do vậy cần có quan điểm xây dựng về lĩnh vực này”, “... ưu tiên sử dụng phần mềm nguồn mở, bởi nó cho phép người phát triển phần mềm sửa đổi, cải tiến và nâng cấp để sử dụng mà không vi phạm luật bản quyền”.

B. Triển khai thực tế:

1. Với các dịch vụ nền tảng cơ bản:

Có 6/7 công ty tham gia triển khai các dịch vụ nền tảng cơ bản đã triển khai các giải pháp chạy trên hệ điều hành Linux, trong đó nhiều dịch vụ được cung cấp là các PMNM (Xem thêm Tin học Đời sống, số tháng 09/2006, trang 20-23, bài Xây dựng các ứng dụng, dịch vụ cho Chính phủ điện tử bằng các PMNM).

Có 46/64 tỉnh, thành phố và 18/51 bộ, ngành đã triển khai các dịch vụ nền tảng cơ bản theo Đề án 112 Chính phủ được thực hiện với các giải pháp chạy trên hệ điều hành Linux, trong đó nhiều dịch vụ được cung cấp là các PMNM.

2. Với phần mềm cổng điện tử và hệ thống quản trị nội dung đang triển khai thử nghiệm:

Có 8/12 công ty tương ứng với 8/12 tỉnh, bộ tham gia triển khai thử nghiệm cổng điện tử và hệ thống quản trị nội dung chọn giải pháp là các cổng điện tử mã nguồn mở chạy trên hệ điều hành Linux như uPortal, Liferay, Apache Jetspeed hay DotNetNuke.

3. Đối với các phần mềm dùng chung đã triển khai:

Có 34/64 tỉnh, thành phố, sở, huyện và 3/51 bộ, ngành đã triển khai phần mềm dùng chung về quản lý hồ sơ công việc chạy trên hệ điều hành nguồn mở Linux.

4. Về số lượng các máy chủ có cài đặt hệ điều hành Linux:

Tổng số máy chủ được cài đặt hệ điều hành Linux trong các dự án của Đề án 112 Chính phủ là 827/1500 chiếc. Đáng chú ý là hơn 95% số máy chủ tại Trung tâm của Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ được cài đặt hệ điều hành Linux và hàng loạt các PMNM phục vụ cho hoạt động của hệ thống thông tin Chính phủ.

5. Về đào tạo PMNM:

Đề án 112 CP đã xuất bản giáo trình về “Sử dụng, quản trị và lập trình UNIX/Linux” làm cơ sở cho việc đào tạo các cán bộ công chức trong Đề án về các nội dung liên quan tới PMNM.

Có 6500 cán bộ công chức được đào tạo sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tin học hóa quản lý hành chính thì tất cả đều được đào tạo một khóa học cơ bản về phần mềm nguồn mở như hệ điều hành nguồn mở Linux, bộ phần mềm văn phòng Open Office.

Có 5000 người được đào tạo khóa học về quản trị mạng có sử dụng các phần mềm nguồn mở từ hệ điều hành Linux, hệ quản trị cơ sở dữ liệu như MySQL, PostgreSQL, hệ thống máy chủ thư điện tử như Send Mail, Postfix – Cyrus...

Việc đào tạo và tái đào tạo hệ thống Linux đặc biệt là cho các quản trị viên hệ thống là rất cần thiết và nên được thường xuyên tiến hành để nâng cao kỹ năng sử dụng và quản trị.

6. Một số thành quả:

Kể từ giữa năm 2004 tới nay, sau gần 3 năm triển khai, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin của các công ty tham gia triển khai đã có những trưởng thành vượt bậc trong việc tự chủ về công nghệ và đưa ra những giải pháp tích hợp hệ thống dựa trên cơ sở ứng dụng các PMNM, điều mà trước kia không thể nào thực hiện được do không thể hiểu được tường tận những gì bên trong lõi các hệ thống phần mềm thương mại. Điều này sẽ giúp tạo ra những giải pháp tích hợp hệ thống mang nhãn hiệu Việt Nam chứ không phải chỉ ở mức độ tùy biến sử dụng các tính năng sẵn có của các phần mềm hệ thống thương mại như trước kia.

Bên cạnh lợi ích nói trên, việc tiết kiệm chi phí mua bản quyền các phần mềm hệ điều hành máy chủ, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, phần mềm lõi cổng điện tử, hệ thống quản trị nội dung, máy chủ thư điện tử và các loại máy chủ dịch vụ khác là không nhỏ, có thể lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ.

TT

Phần mềm thương mại

Phần mềm nguồn mở

Tên phần mềm

Giá (USD)

Tên phần mềm

Giá (USD)

1

Hệ điều hành máy chủ Windows Server 2003, Standard Edition SP 2

999

Hệ điều hành máy chủ Red Hat 9.0 hoặc Fedora core 2

0

2

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu MS SQL Server 2005 Standard Edition

5999

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu PostgreSQL 7.3 hoặc 8.0

0

3

Phần mềm lõi cổng điện tử Websphere Portal Enable V5.1 (đã bao gồm công cụ quản lý nội dung iCM)

28000

Các phần mềm lõi cổng điện tử: uPortal, Liferay, Apache Jetspeed Portal, ...; Các phần mềm quản trị nội dung: OpenCMS, Lenya, ...

0

4

Phần mềm lõi cổng điện tử MS SharePoint Portal Server 2003 License with 5 CALs

5600

Các phần mềm lõi cổng nêu trên

0

5

Phần mềm quản trị nội dung Content Management Server 2002 Standard Edition

6999

Các phần mềm quản trị nội dung nêu trên

0

6

Phần mềm sử dụng cho việc kết nối LDAP IBM Tivoli Access Manager for eBusiness value units LIC + SW Maint 12 MO (100 user)

1400

Phần mềm sử dụng cho việc kết nối LDAP nguồn mở CAS (Central Authentication Server)

0

Bảng 2: So sánh về chi phí bản quyền một số phần mềm thương mại và nguồn mở

Việc sử dụng các PMNM trong phạm vi Đề án 112 Chính phủ đương nhiên góp phần không nhỏ trong việc làm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm trong các cơ quan nhà nước nói riêng, cho toàn Việt Nam nói chung.

Thành quả lớn nhất nằm ở chỗ các PMNM đã được triển khai đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nên mạng của các dịch vụ cơ bản tại các trung tâm tích hợp dữ liệu các tỉnh, bộ, kết nối và làm việc được với nhau trong một hệ thống mạng IP duy nhất của Chính phủ, điều mà không dự án nào làm được từ trước tới nay.

C. Khó khăn và cách khắc phục:

1. Khó khăn thường gặp

Khó khăn thường gặp phải khi triển khai thực tế là người sử dụng thường đã quá quen thuộc với hệ thống các phần mềm của Microsoft không chỉ ở phía các máy trạm mà còn ở cả phía các máy chủ nên nhiều lúc, nhiều nơi người sử dụng và cả các quản trị viên gặp khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ, sử dụng, quản trị hệ thống Linux. Một số nơi còn bị “Microsoft hóa” trở lại sau khi hệ thống Linux đã được triển khai. Việc thiếu hụt quản trị hệ thống mạng là rất lớn nói chung, đối với hệ thống mạng Linux nói riêng tại tất cả các đơn vị triển khai.

Khó khăn trong việc tích hợp hệ thống khi phải làm việc trong một hệ thống hỗn hợp sử dụng hệ điều hành cả Linux lẫn Microsoft.

Khó khăn trong việc tích hợp hệ thống như việc tích hợp các ứng dụng, dịch vụ dùng chung với thành phần dịch vụ hạ tầng (LDAP) hay các thành phần cơ bản khác trong hệ thống theo kiến trúc được lựa chọn, điều mà từ trước tới nay chưa từng được quan tâm tới trong tất cả các dự án về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam.

Khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu nâng cấp ở mức độ cao từ phía người sử dụng đối với các dịch vụ trong khi khả năng đáp ứng còn chưa theo kịp.

Khó khăn trong việc thiếu kinh phí để duy trì, nâng cấp hệ thống một cách kịp thời và định kỳ theo từng năm.

Khó khăn lớn nhất nằm trong việc nâng cao nhận thức cho toàn xã hội nói chung, nhất là việc nâng cao nhận thức cho nhiều nhà lãnh đạo hoạch định chính sách công nghệ thông tin quốc gia và các chủ dự án đầu tư các dự án về công nghệ thông tin của các bộ-ngành, tỉnh, ở cả cấp trung ương lẫn địa phương về những lợi ích của PMNM đối với sự phát triển của nền công nghệ thông tin quốc gia, coi việc ứng dụng và phát triển PMNM là một cuộc cách mạng dài lâu, một xu thế của hầu hết các chính phủ trên thế giới chứ không phải là một công việc mang tính nhất thời, lại càng không phải là một việc cần lảng tránh thay vì phải nỗ lực vượt qua những khó khăn trước mắt.

2. Biện pháp khắp phục:

Thiếu nhân lực là khó khăn mang tính sống còn trong ứng dụng và phát triển phần mềm nói chung, phần mềm nguồn mở nói riêng. Chính vì vậy, để giải quyết tốt được công việc này, bên cạnh việc tự chủ của bản thân các dự án trong Đề án 112 Chính phủ, mong muốn có được sự chia sẻ gánh nặng về đào tạo nhân lực từ toàn xã hội nói chung, từ các dự án khác nói riêng, đặc biệt là từ các tiểu dự án thành phần theo tinh thần của Quyết định 235/QĐ-TTg như tiểu dự án về xây dựng trung tâm nguồn lực PMNM của bộ Khoa học Công nghệ; tiểu dự án về ứng dụng và đào tạo PMNM trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiểu dự án về đào tạo sử dụng PMNM cho cán bộ, công chức và viên chức nhà nước của Bộ Nội vụ; tiểu dự án về ứng dụng và đào tạo PMNM trong các trường dạy nghề của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ... để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội về ứng dụng và phát triển PMNM, phù hợp với đường lối mà Thủ tướng Chính phủ đã vạch ra.

Bên cạnh đó cần có sự khuyến khích, hỗ trợ và tham gia tích cực của các bộ ngành quan trọng liên quan khác như bộ Tài chính, bộ Kế hoạch Đầu tư ... trong việc đầu tư kinh phí thỏa đáng và đúng thời điểm cho các dự án có liên quan tới PMNM, coi việc đầu tư từng đồng vốn cho ứng dụng và phát triển PMNM chính là đầu tư cho sự phát triển nền công nghệ thông tin nước nhà.

Thay vì mua bản quyền phần mềm thương mại, hãy đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp tích hợp hệ thống, ứng dụng dựa trên PMNM và đào tạo về PMNM.

D. Lời kết:

Mặc dù còn có nhiều khó khăn trên con đường khẳng định mình trong việc tự chủ công nghệ cũng như góp phần giảm chi phí mua bản quyền các phần mềm thương mại, những điều mà Đề án 112 Chính phủ đã và đang làm trong việc đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin là các PMNM hay trong việc ứng dụng và phát triển PMNM là phù hợp với tinh thần của các Quyết định số 235/QĐ-TTg và số 169/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chinh phủ.

Hy vọng trong những năm tới đây, cùng với việc đầu tư, mua sắm sản phầm công nghệ thông tin là các PMNM cũng như việc ứng dụng và phát triển PMNM của Đề án 112 Chính phủ và Đề án 47 của Đảng sẽ là những ví dụ tốt để các dự án lớn mang tầm cỡ Quốc gia khác tham khảo và hưởng ứng, không chỉ nhằm tạo ra một thế hệ các chuyên gia công nghệ thông tin trong nước có khả năng tự chủ được về công nghệ mà còn đáp ứng được đòi hỏi về giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong một sân chơi mới của WTO mà Việt Nam là một thành viên đầy đủ.

Lê Công Sơn

PS: Bài đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 12/2006

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập129
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm125
  • Hôm nay9,158
  • Tháng hiện tại597,468
  • Tổng lượt truy cập36,656,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây