Chuẩn mở và phần mềm nguồn mở

Thứ bảy - 09/06/2007 08:05

Chuẩn mở và phần mềm nguồn mở

Năm 2004, Chính phủ Hà Lan đưa ra chương trình “Chuẩn mở và phần mềm nguồn mở” OSOSS (Open Standards and Open Source Software). Chương trình này nhằm khẳng định một cách rõ ràng sự cần thiết và những giá trị gia tăng có thể đem lại từ một chương trình về phần mềm nguồn mở và các chuẩn mở của Chính phủ Hà Lan. Nội dung dưới đây tóm lược lại những ý chính của tài liệu và có tính tới điều kiện, môi trường ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nguồn mở nói riêng của Việt Nam với hy vọng chúng ta có thể có được cách tiếp cận nhanh và chuẩn xác về các vấn đề liên quan tới chuẩn mở và phần mềm nguồn mở khi đưa ra các quyết định liên quan tới việc xây dựng các hệ thống thông tin trong các cơ quan Chính phủ.

1. Một số khái niệm cơ bản

Khu vực nhà nước có mục tiêu phát triển một chính sách tích cực về phần mềm, đặc biệt là trong vấn đề về các tiêu chuẩn mở và phần mềm nguồn mở.

Khái niệm chuẩn mở.

Trên thực tế, tiêu chuẩn có thể là mở hoặc đóng. Một chuẩn mở là một chuẩn đạt được các yêu cầu sau:

  • Giá thành sử dụng chuẩn thấp và không có bất cứ khó khăn nào khi tiếp cận nó.

  • Chuẩn đã được công bố.

  • Chuẩn được chấp nhận trên cơ sở một qui trình ra quyết định cũng mở (quyết định đồng thuận hoặc của đa số).

  • Quyền sở hữu trí tuệ đối với chuẩn này được trao cho một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với một chính sách truy cập hoàn toàn tự do.

  • Không có bất cứ hạn chế nào về việc tái sử dụng chuẩn.

Các chuẩn khác sẽ là đóng ở một mức độ nhất định nào đó, nói một cách khác chúng không được phát hành hoặc có thể còn là bí mật, không thể sử dụng được một cách tự do hoặc là tài sản của một công ty và có thể bị thay đổi theo ý muốn. Thường thì có sự khác biệt giữa các chuẩn de facto và chuẩn có tính pháp lý (de jure standard). Chuẩn có tính pháp lý là chuẩn được một cơ quan nào đó chấp thuận, như tổ chức Liên minh Truyền thông Quốc tế ITU (International Telecommunication Uni-on) chẳng hạn, trong khi chuẩn de facto là chuẩn được công nhận và không bị cơ quan nào quản lý cả. Chuẩn de facto tồn tại khi số lượng các tổ chức ứng dụng chuẩn này là rất đông.

Chuẩn mở là một khái niệm rộng và nó hiện diện trong nhiều lĩnh vực như đảm bảo chất lượng, qui trình quản lý, an ninh và trao đổi dữ liệu. Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, ta đặc biệt quan tâm tới Các chuẩn mở vì lợi ích của việc tương hợp (interoperability) các hệ thống thông tin” vì tính tương hợp của hệ thống thông tin là cần thiết để tạo điều kiện cho việc hợp tác giữa các tổ chức chính phủ và điều phối các quá trình nghiệp vụ bên trong và giữa các tổ chức này. Việc nâng cao trao đổi dữ liệu giữa các ứng dụng cũng sẽ cải thiện tính tương hợp giữa các qui trình cũng như các bước qui trình hành chính trong các cơ quan Chính phủ.

Khái niệm phần mềm nguồn mở

Phần mềm nguồn mở OSS (Open Source Software) là phần mềm đạt 2 chỉ tiêu sau:

  • Mã nguồn của phần mềm luôn có sẵn và tự do truy cập

  • Tuân thủ giấy phép về luật sở hữu trí tuệ về sử dụng, sử dụng lại phần mềm kèm theo mã nguồn. Người có giấy phép có thể truy cập, sử dụng, cải tiến, hỗ trợ và (trong một vài mẫu giấy phép) phát tán mã nguồn đó.

Một giấy phép mã nguồn mở thường công bố rằng mã nguồn của sản phẩm phải sẵn sàng truy cập được một cách tự do.

Nhiều giấy phép mã nguồn mở cũng công bố rằng phần mềm được sửa đổi từ một phần mềm nguồn mở khác cũng là phần mềm nguồn mở và phải tuân thủ giấy phép mã nguồn như phần mềm gốc của nó. Nếu giấy phép đó qui định rằng mã nguồn phải sẵn sàng truy cập được một cách tự do thì mã nguồn của phần mềm được sửa đổi nêu trên cũng phải truy cập được một cách tự do. Để có thể chỉ rõ khi nào phần mềm này được coi là phần mềm mã nguồn mở, một số điều kiện phải thỏa mãn với giấy phép đã được ban hành theo Sáng kiến Mã nguồn mở (Open Source Initiative). Những phần mềm nào được tung ra theo các giấy phép như vậy có thể sau đó được gọi là phần mềm nguồn mở.

Việc tự do sửa đổi phần mềm có nghĩa là các bên tham gia cùng có nhu cầu làm việc cùng nhau để cải tiến hoặc mở rộng phần mềm mà không có đòi hỏi nào về quyền sở hữu làm cản trở việc hợp tác. Hình thức mới về hợp tác mà theo đó mọi người từ những tổ chức hoặc quốc gia khác nhau làm việc cùng nhau, dù là với tư cách cá nhân và tập thể, tiếp tục phát triển phần mềm được gọi là phương pháp phát triển phần mềm nguồn mở.

2. Nền tảng và chính sách

Khi chính sách của chính phủ về chuẩn mở và phần mềm nguồn mở được hình thành, ta sẽ nhận thấy rằng khu vực nhà nước sẽ đóng những vai trò khác nhau trong vấn đề này. Khu vực nhà nước trước hết là người sử dụng lớn nhất về phần mềm và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Mỗi năm chính phủ bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua bản quyền phần mềm cũng như phát triển hoặc tùy biến thay đổi các phần mềm để có thể duy trì các nhiệm vụ chính trị hàng đầu của mình.

Khu vực nhà nước còn đóng vai trò quan trọng như một động cơ của nền kinh tế và vì thế nó như người lính gác cho năng lực của thị trường tự do. Đứng trên quan điểm này, nó luôn hướng tới việc cải tiến hoạt động về năng lực của thị trường bên trong thị trường phần mềm và khuyến khích đổi mới, cách tân. Năng lực đó có thể được cải thiện bằng việc loại bỏ những rào cản về lạm dụng độc quyền (de facto) hoặc một phần của thị trường sẽ bị biến mất. Ngay khi những người mới tham gia vào thị trường thì cạnh tranh sẽ xảy ra, công việc sẽ có cơ hội đổi mới.

Dưới đây là các tham số có ảnh hưởng tới quyết định về chính sách phần mềm mang tính tích cực từ khu vực nhà nước.

3. Phụ thuộc, tự do lựa chọn và sáng tạo

Hành động để nâng cao tính tự do lựa chọn

Khu vực nhà nước phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp phần mềm và vẫn sẽ như vậy trong tương lai. Bản thân khu vực nhà nước không có khả năng phát triển các phần mềm mà họ cần và không xem điều này như một chức năng chủ chốt của mình. Chính vì vậy việc các nhà cung cấp một khi nâng phí bản quyền sẽ làm nâng chi phí của khu vực nhà nước phải trả cho phần mềm.

Cho tới hiện nay, nhiều cơ quan chính phủ không biết rằng còn có lựa chọn khác không phải trả phí bản quyền. Lựa chọn đó chính là phần mềm nguồn mở, chúng hoàn toàn có khả năng thay thế các phần mềm (nguồn đóng) đóng gói đang tồn tại.

Sáng tạo trong tương lai

Các phần mềm đã mua thường vẫn là tài sản của nhà cung cấp. Khu vực nhà nước trả tiền để có quyền sử dụng phần mềm. Điều này có thể có lợi ích khi nhân rộng phần mềm vì nhà cung cấp có thể mở rộng phát triển sản phẩm của mình cho nhiều khách hàng để giảm giá. Lợi ích này sẽ không áp dụng được khi sử dụng các phần mềm cần được chỉnh sửa, tùy biến hoặc được phát triển đặc biệt chỉ cho một hoặc một vài người sử dụng nào đó. Các phần mềm loại này vì thế thường ở dạng một hộp đen: người sử dụng không có thông tin một cách chi tiết về hoạt động của phần mềm hoặc đặc điểm kỹ thuật về các định dạng tệp của phần mềm chẳng hạn. Việc tự do sửa đổi hoặc bảo trì không thể thực hiện được bởi nhà cung cấp khác và vì thế người sử dụng bị trói chặt vào nhà cung cấp ban đầu.

Nâng cao năng lực cho nền công nghiệp trong nước

Cả phần mềm nguồn đóng và phần mềm nguồn mở đều cung cấp khả năng sáng tạo. Việc không còn bị ảnh hưởng bởi luật bảo vệ sở hữu trí tuệ không có nghĩa là chấm dứt sự sáng tạo. Các nhà lập trình phát triển phần mềm không phải là những người phát triển ban đầu của phần mềm mặc dù sau đó họ có khả năng bổ sung những tính năng mới, sửa lỗi... cho phần mềm. Khả năng tùy biến trên nền tảng những tri thức đang có hoàn toàn có thể là những sáng tạo.

Hà Lan là quốc gia không có nền công nghiệp phần mềm đủ mạnh để phát triển các ứng dụng chuyên dụng hoặc các phần mềm đóng gói tầm cỡ thế giới, thậm chí tầm cỡ khu vực, điều đó giống hệt như Việt Nam vậy. Thị trường thế giới nằm trong tay một số ít công ty lớn. Vì vậy, về điểm này Việt Nam đã, đang và sẽ phụ thuộc vào nước ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là tình huống này sẽ tạo ra sự chảy máu chất xám: những nhà lập trình phát triển phần mềm Việt Nam làm việc cho các công ty đa quốc gia trong nước hoặc ngoài nước. Tuy nhiên, tình hình sẽ khác hoàn toàn đối với thị trường các phần mềm và dịch vụ cần tới sự sửa đổi.

Chính theo hướng này Việt Nam có số lượng lớn các tổ chức từ bé tới lớn cần tới dịch vụ sửa đổi và đây cũng chính là chỗ cho phần mềm nguồn mở bởi “phần mềm nguồn mở chủ yếu tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông”. Khuyến khích sử dụng phần mềm nguồn mở trong khu vực nhà nước vì vậy gắn liền với tăng cường năng lực cho nền công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam và giúp tạo ra những con người chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý và phát triển phần mềm.

Thị trường nhỏ

Một vài thị trường có thể là rất nhỏ về qui mô và vốn đầu tư hoặc các ứng dụng là quá đặc trưng mà khó có nhà cung cấp phần mềm nào muốn đầu tư phát triển để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt này. Đối với những thị trường này thì thường không có đủ cạnh tranh từ phía cung. Việc phát triển phần mềm cho những môi trường như vậy hầu như không có đổi mới gì. Ví dụ về dạng thị trường này như hệ thống thông tin giáo dục và hệ thống thông tin y tế gia đình chẳng hạn. Trong những trường hợp này thì phần mềm nguồn mở có thể cung cấp những giải pháp. Khu vực nhà nước có thể phát triển những module phần mềm cơ bản và để chúng luôn sẵn sàng có thể truy cập được như những phần mềm mã nguồn mở là rất phù hợp. Nó sẽ đảm bảo là trách nhiệm cung cấp thông tin được hoàn thành cùng lúc với việc cải thiện truy cập tới thị trường này vì người sử dụng (dù là hiện hành hoặc mới) đều cần những module cốt lõi và do đó đầu tư ban đầu cho sản phẩm sẽ rất thấp.

Mục tiêu 1:

Giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm nước ngoài.

Mục tiêu 2:

Đấu tranh với tình trạng độc quyền trong thị trường phần mềm để tránh việc lạm dụng tình trạng độc tôn thị trường.

4. Chỉ tiêu chất lượng đặc biệt

Khu vực nhà nước có một vị trí đặc biệt. Trong khi với khu vực tư nhân thì việc ứng dụng các chuẩn mở và phần mềm nguồn mở được xem xét chủ yếu từ khía cạnh kinh tế thì trong khu vực nhà nước lại là các chỉ tiêu khác. Trên cơ sở nghĩa vụ của khu vực nhà nước, các cơ quan chính phủ có những trách nhiệm đặc biệt, ảnh hưởng tới tổ chức các hệ thống thông tin của họ. Chỉ tiêu chất lượng đặc biệt áp dụng trong trường hợp này. Ví dụ:

Tính có thể truy nhập được tới các thông tin: phải công bố các thông tin có liên quan tới luật pháp, cơ cấu tổ chức..., cho mọi người để nầng cao tính dân chủ; mở rộng trao đổi thông tin nhằm nâng cao tính hiệu quả trong công việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước;

Minh bạch hóa các hoạt động: minh bạch không chỉ thông tin mà còn cả các qui trình thủ tục đối với công dân, doanh nghiệp...

Vấn đề an ninh: Chính phủ phải đảm bảo những thông tin cá nhân của từng người dân và nhiều thông tin khác phải được giữ kín theo luật định. Vì vậy hệ thống thông tin phải đảm bảo độ an toàn cao. Một trong những yêu cầu đáp ứng yêu cầu trên là là mã nguồn của hệ thống thông tin phải là mở. Nói một cách khác, vì lý do anh ninh, phần mềm nguồn mở có ưu thế rất lớn vì mã nguồn luôn mở và có sẵn.

Mục tiêu 3:

Nâng cao chất lượng các hệ thống thông tin chính phủ

5. Tiết kiệm chi phí

Hiệu quả kinh tế

Chính phủ có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả nhất thu nhập từ thuế. Tuy nhiên, hiện tại lại không có chính sách về phần mềm của Chính phủ bảo vệ cho vấn đề này.

Những tiêu chí quan trọng cho một chính sách như thế này là không phụ thuộc vào một nhà cung cấp, giá thành hạ và tính hoạt động liên tục. Khi các cơ quan Chính phủ mua phần mềm thì tiêu chí lựa chọn phải có các chỉ tiêu như hiệu quả kinh tế, tính minh bạch cùng với các chức năng của phần mềm. Dựa trên các chỉ tiêu này, các sản phẩm phần mềm nguồn mở có thể được xem xét như một lựa chọn thay thế cho các sản phẩm nguồn đóng.

Luôn có chỗ cho những phát minh được lặp lại từ một vấn đề cụ thể

Hiệu quả được mô tả ở trên có thể đạt được ở một mức độ nào đó bằng việc sử dụng những hiểu biết đã có và các sản phẩm đã được phát triển ở đâu đó bên trong khu vực nhà nước. Bằng cách này có thể rút ngắn được một số phần việc thiết kế trong một dự án phát triển phần mềm. Có thể đạt được hiệu quả về kinh tế thông qua việc nâng cao tính sử dụng lại được của các module và các thành phần phần mềm bên trong khu vực nhà nước. Tuy nhiên, sẽ cần thiết phải đẩy mạnh việc tiêu chuẩn hóa và đảm bảo rằng ta có cơ sở để hỗ trợ qui trình trao đổi này.

Phí bản quyền

Một trong nhiều tranh luận chung có lợi cho việc sử dụng phần mềm nguồn mở là chúng thường là miễn phí và vì vậy giá mua phần mềm là thấp. Tuy nhiên, giá mua chỉ là một phần của toàn bộ chi phí. Những chi phí phải tính tới nữa là chi phí để quản trị, bảo trì và hỗ trợ phần mềm. Phần mềm nguồn mở trở nên thông thường khi các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp thấy có lợi khi cung cấp các dạng dịch vụ này với mức giá phải chăng. Việc so sánh tổng chi phí của phần mềm nguồn mở so với phần mềm nguồn đóng phụ thuộc nhiều vào mức giá đưa ra từ các nhà cung cấp cho các dịch vụ của họ hơn là bản thân phần mềm dù là miễn phí đó.

Mục tiêu 4:

Giảm chi phí phát triển và triển khai phần mềm (trong điều kiện tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ)

6. Trao đổi dữ liệu

Cần sự hợp tác tích cực hơn giữa các cơ quan Chính phủ

Mọi người đều muốn có sự cải thiện chất lượng các dịch vụ công và hoạt động của khu vực nhà nước. Một trong những nhu cầu cấp bách là công dân và doanh nghiệp phải có khả năng giao tiếp dễ dàng với Chính phủ, không phụ thuộc vào bên trong khu vực nhà nước được tổ chức như thế nào. Vì thế kiến trúc Chính phủ điện tử phải hỗ trợ và tạo điều kiện cho các mục tiêu sau:

  • Khái niệm một cửa – cung cấp nhiều kênh giữa Chính phủ và người dùng nhưng mọi dịch vụ có thể sử dụng được chỉ từ một đầu mối.

  • Người dân cung cấp các thông tin và người dân cũng kiểm soát các dữ liệu cá nhân của mình theo một cách duy nhất.

  • Chỉ một đăng ký một lần duy nhất.

  • Chỉ một thông báo và xác nhận duy nhất trong giao tiếp với khu vực nhà nước.

Nếu các mục tiêu này đạt được, cần phải có được sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Chính phủ các cấp từ trung ương tới địa phương và bên trong từng cấp đó. Điều đó là hoàn toàn không đơn giản. Nhiều vấn đề nảy sinh như khác biệt về tổ chức, thiếu sự tích hợp giữa các phần giao tiếp bên trong và bên ngoài các qui trình, khác biệt về dữ liệu và sự đa dạng về công cụ công nghệ thông tin. Cũng còn vô số các vấn đề khác về quản lý, tài chính và kỹ thuật. Việc sử dụng các chuẩn mở sẽ cung cấp một khả năng hiện thực để giải quyết các vấn đề trên một cách có hiệu quả.

Tính tương hợp hạn chế của phần mềm

Một trong các vấn đề tồn tại là việc tiêu chuẩn hóa còn yếu dẫn tới khả năng tương hợp của phần mềm là rất kém, nhất là những phần mềm đã có từ trước mà vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào yêu cầu từ phía cầu – phía người dùng, còn từ phía cung – các nhà cung cấp phần mềm, họ rất ít quan tâm tới việc sử dụng chuẩn và các thành phần chuẩn. Chính những nỗ lực từ phía cầu sẽ làm tăng khả năng sử dụng các chuẩn mở, đồng thời hạn chế trong việc phát triển và sử dụng các chuẩn de facto (dạng chuẩn được tồn tại không từ những thỏa thuận mà do một sản phẩm nào đó hoặc tập hợp sản phẩm nào đó được bán và được sử dụng một cách rất thường xuyên). Những nhà cung cấp chủ yếu các sản phẩm loại này không dứt khoát tập trung vào việc sử dụng chuẩn mở sẽ phải trả giá cho việc này.

Trao đổi với khu vực tư nhân

Khu vực nhà nước, như một khách hàng chủ yếu, phải được xem như có khả năng định đoạt việc sử dụng các chuẩn mở hoặc khuyến khích sử dụng chúng, làm gương trong việc này. Ví dụ, nếu khu vực nhà nước chấp nhận một chuẩn nào đó cho việc trao đổi dữ liệu trong các thủ tục mua bán của Chính phủ thì nó sẽ tạo ra vô số các ứng dụng tuân thủ chuẩn đó từ phía khu vực tư nhân. Hơn nữa, lợi ích của việc này còn ở chỗ việc trao đổi dữ liệu giữa khu vực nhà nước và tư nhân sẽ gia tăng nhanh chóng. Ví dụ, khi Chính phủ ra quyết định về việc sử dụng chuẩn chữ viết theo TCVN 6909:2001 hỗ trợ Unicode thì tới nay, khu vực tư nhân, kể cả là ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin hầu như đều sử dụng tiêu chuẩn này trong các văn bản điện tử của mình để làm việc, để trao đổi với nhau và với các cơ quan Chính phủ..

Mục tiêu 5:

Trao đổi tốt hơn dữ liệu giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp

Tóm lại, chính sách về chuẩn mở và phần mềm nguồn mở của Chính phủ có thể cần có ít nhất 5 mục tiêu, cụ thể là:

  1. Giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm nước ngoài.

  2. Đấu tranh với tình trạng độc quyền trong thị trường phần mềm để tránh việc lạm dụng tình trạng độc tôn thị trường.

  3. Nâng cao chất lượng các hệ thống thông tin chính phủ

  4. Giảm chi phí phát triển và triển khai phần mềm (trong điều kiện tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ)

  5. Trao đổi tốt hơn dữ liệu giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp

Dựa theo: Chương trình về chuẩn mở và phần mềm nguồn mở trong Chính phủ -

PROGRAMME FOR OPEN STANDARDS AND OPEN SOURCE SOFTWARE IN GOVERNMENT (OSOSS) – của Chính phủ Hà Lan

Tài liệu toàn văn của chương trình tại địa chỉ http://www.ososs.nl

Trần Lê

PS: Bài đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 06/2006

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập318
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm307
  • Hôm nay39,670
  • Tháng hiện tại489,111
  • Tổng lượt truy cập38,015,935
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây