Đi tìm câu trả lời

Thứ bảy - 09/06/2007 09:31

Đi tìm câu trả lời

Tôi có mấy ông bạn làm việc tại một Bộ quản lý về công nghệ thông tin và truyền thông.

Bản thân tôi thì vừa là một thành viên cùng lĩnh vực, cụ thể là trong ngành phát triển phần mềm, vừa là một fan hâm mộ của thế giới phần mềm nguồn mở (PMNM) nên thỉnh thoảng gặp họ tôi hay tranh thủ vận dụng những hiểu biết nhỏ mọn của mình về cái “thế giới kỳ ảo” ấy để tranh luận với họ về việc tại sao một đất nước còn nghèo như Việt Nam lại không biết tận dụng triệt để trí tuệ của cái ông khổng lồ “thế giới kỳ ảo” ấy cho đỡ bị chê là cái bọn chuyên sử dụng phần mềm “ăn cắp” mà còn ở trên đỉnh chóp của cái thế giới thực này thì mới buồn làm sao.

Câu trả lời tôi thường được nghe từ mấy ông bạn là cái thứ PMNM ấy nghe thì có vẻ là hay lắm, hoành tráng lắm, nào là không mất tiền mua mà chỉ cần đao lốt (download) xuống để cài đặt là chạy, nào là không phải chạy vạy van xin các ông lớn bán cho một mớ phần mềm với cái giá rẻ hơn người ta để khỏi phải mang tiếng là bọn “vi phạm luật chơi” với cái ông đáp-bờ--liu-ti-ô (WTO), nào là có chỗ để mấy cậu tuổi choai choai mới ra trường có đất dụng võ, những mong một ngày đẹp trời nào đó có thể thành vương thành tướng trong ngành bán lạc rang (vì bọn tôi vẫn cho cái nghề làm phần mềm là cái nghề đi bán lạc rang mà!) khi mà mấy ông mãnh đó có thể chọc ngoáy được đến tận cái gọi là lõi cơn nờn (kernel) của mọi hệ điều hành gì gì đó và như thế là ta sẽ có được một núi các chuyên gia làm chủ được công nghệ trong tương lai khoảng vài ba trăm năm nữa... Nhưng kể cả có là như thế đi nữa thì cũng chẳng là cái quái gì cả, vì cái lý do quan trọng nhất là nếu cứ sử dụng PMNM thì sẽ giết chết cái sự phát triển của cái nền công nghiệp công nghệ thông tin đang phát triển mạnh như vũ bão của chúng ta với đà tăng trưởng vài chục phần trăm một năm, gấp nhiều lần so với đà tăng trưởng của cái GDP quốc gia, mà điển hình là mấy ông công ty hàng đầu của chúng ta - những ông chuyên đi làm bo-đi-seo (body sell, tiếng Việt là "bán thân", từ được biết tới trong giới phần mềm thế giới và Việt Nam để chỉ việc đi làm gia công phần mềm) cho mấy ông Tây, ông Mỹ hay quan trọng và chiến lược nhất là cho cái ông Nhật - đã có công đưa được cái công việc ước tính sẽ thu được nhiều tỷ đô đó vào danh sách các chương trình trong chiến lược phát triển phần mềm của quốc gia giai đoạn 2006-2010.

Không biết có nơi nào người ta coi việc xuất khẩu phần mềm và việc xuất khẩu chất xám kiểu bo-đi-seo là giống nhau không nhỉ? Tôi cứ hoang mang tự hỏi không rõ mấy ông bạn tôi nói đúng hay là mấy cái ông công ty hàng đầu kia làm cho nó phải đúng, điều mà cho tới tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được.

Sau những lần tranh luận như vậy, tôi thường là kẻ thua cuộc và lại trở về với cái nghề mà mình đã chót theo đuổi - nghề bán lạc rang - như về với cái máng lợn trong câu chuyện cổ tích về “ông lão đánh cá” mà tôi thường đọc cho con gái bé bỏng của tôi nghe mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Thật buồn là mình luôn sai khi nghĩ rằng đúng ra thì người ta phải dễ dãi hơn trong việc mở hầu bao cho mình khi mình đi “bán lạc rang” mới phải, chứ đằng này họ lại cứ củ hành củ tỏi, bắt mình phải thế này thế nọ đến phát chán mới mua thí cho mình vài gói lạc rang đủ để nuôi quân trong ba tháng trời sau nửa năm chăn dắt, trong khi họ lại sẵn sàng bỏ ra vài triệu đô để mua cái thứ óp-phít (Office) gì gì đó mà mấy ông Tây sản xuất ra từ năm 2003 không mấy xót xa mà còn tổ chức ký tá linh đình trước bàn dân thiên hạ, mặc dù ai cũng biết là đến năm 2007 thì cái óp-phít ấy sẽ hết hạn sử dụng còn cái bản óp-phít mới 2007 ra đời sẽ có cái giá ít nhất là gấp 2 lần rưỡi cái giá họ mua bây giờ.

Chu du thiên hạ nhiều, mấy ông bạn tôi giải thích rằng ở bên Tây bên Tàu nơi nào chịu khó đầu tư vào phát triển phần mềm thì nơi đó sẽ có nền công nghiệp phần mềm phát triển. Các ông bạn tôi nói chỉ có đúng!. Và vì thế nếu mình mà không chịu chơi, không chịu đầu tư kiểu “bịt mắt” mua óp-phít thì còn lâu mới mong phát triển được nền công nghiệp phần mềm nước nhà.

Không rõ đầu tư vào phát triển phần mềm với đầu tư mua óp-phít có giống nhau không nhỉ? Mới nghĩ thì hình như giông giống, mà càng nghĩ lâu thì hình như nó càng không giống nhau cho lắm thì phải, không biết có đúng thế không? Thật cứ rối như gà mắc tóc ấy chứ!

Mà không rõ ông nào là có lợi trong chuyện mua bán này nhỉ? Ông nhà nước, ông công ty cò mồi hay ông nào nữa... Thật khó đoán trong cái xã hội khi mà phết phảy của cái triệu cái tỷ đủ để dúm người sống thỏa thuê cho tới hết đời mà không cần phải lo nghĩ gì nhiều. Thế mới biết là hội nhập mà đòi giữ nguyên “bản sắc dân tộc” không phải là dễ.

Chắc chỉ có mấy ông phó thường dân như tôi mới thực sự thua vì mình chót đóng thuế mất rồi, lấy lại không được, mà khi mua các ông ấy đâu cần hỏi ý mình, cái thứ phó thường dân “chân không tới đất, cật không tới trời” này.

Cho tới một hôm, lọ mọ thế quái nào trên in-tờ-nét (Internet) mà tôi chui vào phải một “chĩnh gạo” (không biết có phải như mình nghĩ không nhỉ, hay có khi chui vào cái “lò bát quái” lúc nào mà không biết chăng?), nơi có vô số các thông tin về việc chính phủ các nước đầu tư cho các chương trình phát triển PMNM hoặc đưa PMNM vào chương trình phát triển chính phủ điện tử của quốc gia thì cái đầu củ đậu của tôi như muốn vỡ tung ra vì sung sướng, dẫu là chỉ tự sướng với mình, như thể đã tìm ra được câu trả lời cho cái làm tôi luôn thua từ trước tới nay trong các cuộc tranh luận.

Câu trả lời là không lẽ chính phủ các nước này “a dua nhau” theo kiểu “phong trào” cố tạo ra cái gọi là “xu thế không thể đảo ngược” khi đổ tiền của, thời gian và công sức vào việc phát triển PMNM ở nước họ đồng nghĩa với việc các chính phủ đó đang ra tay “hạ sát” nền công nghiệp công nghệ thông tin của nước mình như cái lý do mà mấy ông bạn tôi thường nói với tôi?

Có lẽ lại một lần nữa tôi nhầm chăng, rằng rất có thể đấy không phải là cái mà mấy ông bạn tôi thực sự muốn nói với tôi, mà có khi là mấy ông hưởng lợi trong các vụ “gặt lúa” mua óp-phít kể trên nhờ mấy ông bạn tôi nói với tôi chăng?

Thôi thì đằng nào cũng thua, chẳng nghĩ thêm gì nữa cho mệt. Có điều đã tìm được gì đó thì phải nói cho cả làng cùng biết, không để “ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”, lại càng không nên để cái gì mình muốn “gặt” thì gán luôn cho cái mác “mật” kiểu “đội mũ đen đeo kính mát” như mấy gã mafia nổi đình nổi đám trong cái phim “Bạch tuộc” của người Ý người Mỹ, để các bác nông dân “một nắng hai sương”cùng những loại phó thường dân chuyên đi “bán lạc rang” như tôi, những kẻ phải đóng thuế để phục vụ mấy ông “gặt lúa” mua óp-phít không tiếc tiền ấy, đỡ cảm thấy tối thui khi “tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh”.

Bản báo chỉ cho phép viết đúng 3000 từ, mà thông tin thì nhiều như quân Nguyên, không thể kể hết được, đành lấy vài thứ ở “lục địa già”, nơi có tới 4 đại gia thuộc hàng giàu có nhất thế giới trong nhóm G7, để chia sẻ cùng cả làng, mong các bác thông cảm cho.

(Thông tin được xếp theo thứ tự ABC tên các quốc gia bằng tiếng Anh).

Bungaria, từ tài liệu: eGovernment in Bulgaria, tháng 09/2006:

Tháng 06/2004, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP và Hiệp hội Internet Bungaria đưa ra dự án trợ giúp các cơ quan hành chính cấp tỉnh thuộc chính phủ các nước Đông Nam Âu nhằm nâng cao sáng kiến Chính phủ điện tử thông qua việc sử dụng các ứng dụng PMNM và lấy thành phố Jurdjali để triển khai dự án thí điểm. Dự án này là một phần của chương trình mang tính toàn cầu của UNDP về phát triển năng lực quốc gia thông qua việc thiết lập một loạt các trung tâm vùng sử dụng PMNM.

CHLB Đức, từ tài liệu: eGovernment in Germany, tháng 09/2006:

Tháng 06/2002: Áp dụng Tiêu chuẩn và kiến trúc cho các ứng dụng chính phủ điện tử - SAGA (Standards and Architecture for e-Government Appications), là khung tương hợp của chính phủ CHLB Đức. SAGA đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc triển khai sáng kiến Chính phủ điện tử Bund Online 2005.

Bộ trưởng nội vụ Liên Bang ký thỏa thuận hợp tác với IBM về khuyến khích sử dụng hệ điều hành và PMNM trong hành chính công của Đức. Thỏa thuận này cho phép chính phủ, các bang và các đơn vị hành chính các cấp mua phần mềm chạy trên hệ điều hành Linux với mức giá thấp.

Tháng 05/2003, thành phố Munich bỏ phiếu tán thành việc chuyển đổi 14.000 máy tính trạm sang sử dụng hệ điều hành nguồn mở Linux và bộ phần mềm văn phòng nguồn mở. Đây là dự án chuyển đổi lớn nhất châu Âu từ trước tới nay trong khu vực nhà nước.

Tháng 03/2005 chính phủ liên bang Đức đưa ra bản Báo cáo năm 2005 về BundOnline và kế hoạch triển khai lần thứ 4. Theo báo cáo này, số lượng các dịch vụ trực tuyến tính tới cuối năm 2005 sẽ vượt qua con số 376 như trong kế hoạch ban đầu.

Chính phủ liên bang cho ra đời một Trung tâm năng lực PMNM nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến rộng rãi các kinh nghiệm tốt liên quan tới sử dụng PMNM trong các cơ quan nhà nước của Đức.

Đan Mạch, từ tài liệu: eGovernment in Denmark, tháng 11/2006:

Tháng 10/2002 Bộ Công nghệ Đan Mạch xuất bản một báo cáo về PMNM trong chính phủ điện tử. Báo cáo chỉ ra rằng có khả năng tiết kiệm lớn cho nền hành chính công trong việc sử dụng PMNM.

Pháp, từ tài liệu: eGovernment in France, tháng 09/2006:

Tháng 08/2003, Chính phủ Pháp phát triển xong một hệ thống quản trị nội dung mã nguồn mở có tên gọi là AGORA, cung cấp công cụ nhanh chóng và dễ dàng cho việc quản trị các website Internet, intranet với giá rất thấp.

Tháng 06/2005, chính phủ Pháp cho ra đời AdmiSource, một kho PMNM và một nền tảng cho việc hợp tác cùng phát triển phần mềm.

Croatia, từ tài liệu: eGovernment in Croatia, tháng 09/2006:

Chính phủ có chính sách về PMNM, theo đó ủng hộ và hỗ trợ các chuẩn mở và PMNM và đối xử như nhau giữa PMNM và phần mềm thương mại theo chỉ tiêu “... dựa trên các thuộc tính chức năng và tài chính của từng phần mềm bất kể mối quan hệ và mô hình sử dụng hiện hành như thế nào...” Các biện pháp khác bao gồm việc đào tạo cán bộ công chức về PMNM và yêu cầu đòi hỏi mã nguồn đối với các sản phẩm được sử dụng trong các cơ quan chính quyền.

Tháng 07/2006, Văn phòng Chính phủ Trung ương tổ chức một loạt các cuộc hội thảo cho các cán bộ công chức nhà nước về sử dụng PMNM được triển khai tại thủ đô Zagreb.

Ý, từ tài liệu: eGovernment in Italy, tháng 09/2006:

Tháng 11/2002, chính phủ chỉ định một Ủy ban chuyên gia về sử dụng PMNM trong các cơ quan hành chính nhà nước để đánh giá vai trò tiềm năng của PMNM trong phát triển chính phủ điện tử.

Tháng 06/2003, xuất bản báo cáo của Ủy ban chuyên gia về sử dụng PMNM trong các cơ quan hành chính nhà nước. Báo cáo khuyến cáo tăng cường sử dụng PMNM trong các cơ quan hành chính nhà nước, nhưng việc áp dụng các phần mềm như vậy phải luôn dựa trên cơ sở phân tích về lợi ích/chi phí một cách kỹ lưỡng.

Tháng 10/2003, áp dụng lệnh của chính phủ về việc thiết lập những qui định và tiêu chuẩn cho việc phát triển, mua và sử dụng lại phần mềm trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính thức mời các cơ quan này xem xét PMNM như một giải pháp thay thế phần mềm thương mại. Lệnh này dựa trên kết quả các công việc và khuyến cáo của Ủy ban chuyên gia về sử dụng PMNM được hình thành từ tháng 11/2002 và bản báo cáo mà cơ quan này đưa ra vào tháng 06/2003.

Hà Lan, từ tài liệu: eGovernment in Netherlands, tháng 09/2006:

Tháng 06/2003, chính phủ Hà Lan đưa ra một nền tảng trao đổi PMNM, cho phép các cơ quan hành chính nhà nước truy cập, chia sẻ và trao đổi các chương trình PMNM. Đây là một phần của chương trình chuẩn mở và PMNM trong chính phủ được thiết kế để khuyến khích áp dụng PMNM trong các cơ quan hành chính nhà nước của Hà Lan.

Nauy, từ tài liệu: eGovernment in Norway, tháng 09/2006:

Tháng 06/2005, kế hoạch hành động mới về Nauy điện tử 2009 (eNorway 2009) hướng tới một xã hội điện tử, báo trước một quá trình đổi mới và xác định lại các dịch vụ chính phủ điện tử.

Ý định chuyển sang PMNM đã được bộ trưởng bộ Hiện đại hóa phát biểu tại hội nghị eNorway 2009: “Các định dạng của phần mềm thương mại sẽ không còn được chấp nhận nữa trong giao tiếp giữa công dân và chính phủ“.

Tháng 05/2006, Bộ Cải cách và Hành chính Chính phủ Nauy thông báo sẽ triển khai các biện pháp nhằm gia tăng sử dụng PMNM trong các cơ quan hành chính nhà nước, và ý định của Bộ là giảm sự phụ thuộc vào Microsoft bằng việc sử dụng nhiều hơn các PMNM.

Bồ Đào Nha, từ tài liệu: eGovernment in Norway, tháng 09/2006:

Tháng 07/2005, chương trình hành động mới cho một xã hội thông tin và tri thức mang tên “Connect Portugal”, theo đó xác định một loạt các ưu tiên chính sách, trong đó có việc tăng cường sử dụng PMNM trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Slovenia, từ tài liệu: eGovernment in Slovenia, tháng 09/2006:

Tháng 10/2003, chính phủ Slovenia thông qua “Chính sách phát triển, làm quen và sử dụng các giải pháp và PMNM”. Tài liệu được thiết kế nhằm cung cấp hướng dẫn chiến lược rõ ràng về sử dụng PMNM đối với các viện trường và cơ quan chính phủ, và cả với khu vực nhà nước rộng lớn.

Liên hiệp Anh, từ tài liệu: eGovernment in United Kindom, tháng 09/2006:

Tháng 07/2002, xuất bản tài liệu về sử dụng PMNM trong chính phủ Liên hiệp Anh. Tài liệu chỉ ra rằng chính phủ Liên hiệp Anh sẽ xem các giải pháp PMNM cùng với phần mềm thương mại như nhau trong mua bán chính phủ về công nghệ thông tin. Các hợp đồng sẽ được đánh giá trên cơ sở giá cạnh tranh.

Tháng 10/2003, chính phủ Liên hiệp Anh đưa ra một loạt các bản thử nghiệm PMNM để thử tính hiệu quả của các giải pháp đó trong các cơ quan chính phủ trung ương và toàn bộ khu vực nhà nước để khuyến khích nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường phần mềm của khu vực nhà nước.

Tháng 10/2004, chính phủ Liên hiệp Anh ban hành chính sách mới về sử dụng PMNM trong khu vực nhà nước. Cùng ngày, Phòng thương mại chính phủ xuất bản một báo cáo trình bày các kết quả từ hàng loạt các PMNM thử nghiệm, những thứ đã chỉ ra rằng PMNM cung cấp cho chính phủ khả năng tin cậy và hoàn toàn có thể được trong việc thay thế các gói phần mềm thương mại, kể cả cho máy tính để bàn.

Tây Ban Nha, từ tài liệu: eGovernment in Spain, tháng 11/2006:

Tháng 07/2005, “Đề xuất các khuyến cáo cho nền hành chính trung ương về việc sử dụng PMNM và tự do” được đưa ra. Tài liệu cung cấp các hướng dẫn và khuyến cáo áp dụng PMNM trong các cơ quan nhà nước. Mục tiêu của nó là đóng góp để cải thiện việc mua bán, phát triển, bảo hành và vận hành PMNM trong hành chính nhà nước.

Tháng 12/2005, trong phiên họp toàn thể của quốc hội Tây Ban Nha diễn ra tại thủ đô Madrid, với đa số áp đảo 290/15, Quốc hội đã từ chối đề nghị đưa PMNM vào sử dụng trong các cơ quan chính quyền trung ương của Tây Ban Nha. Ngoài những nguyên nhân khác ra, một trong những nguyên nhân từ chối đề nghị là quốc hội phải hỗ trợ cạnh tranh trong việc sử dụng mọi dạng phần mềm, cả nguồn mở lẫn thương mại, sao cho không hạn chế sự tự do lựa chọn phần mềm. Một điểm nữa làm cho chương trình căng thẳng là tiền tiết kiệm được đối với các cơ quan hành chính trung ương Tây Ban Nha từ việc sử dụng các PMNM có thể lên tới 3 triệu euro (hơn 56 tỷ VNĐ) từng 2 năm một, vượt trên cả những ưu tiên khác đạt được từ việc sử dụng PMNM. Mặt khác, tại phiên họp toàn thể này, các ý kiến cho rằng PMNM không ổn định bằng các phần mềm thương mại được khẳng định chắc chắn là không đúng. Đó chính là một cơ hội vì nếu nhà nước Tây Ban Nha sử dụng PMNM thì sẽ có khả năng sử dụng tiền tiết kiệm được cho việc triển khai những vấn đề ưu tiên khác.

Tổng giám đốc Hội Phát triển Xã hội Thông tin Tây Ban Nha tuyên bố rằng chính phủ sẽ cấp 12 triệu euro (khoảng 225 tỷ VNĐ) để hỗ trợ các dự án nghiên cứu PMNM.

Tán Thủ

PS: Một phần của bài này được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số 02/2007, trang 18-19 với tiêu đề: "Tiết kiệm hay lạc lối".

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập225
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm215
  • Hôm nay45,161
  • Tháng hiện tại139,091
  • Tổng lượt truy cập36,197,684
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây