Chính sách và các công cụ chính sách Khoa học Mở của UNESCO và vài gợi ý cho Việt Nam

Thứ ba - 28/06/2022 09:16
Chính sách và các công cụ chính sách Khoa học Mở của UNESCO và vài gợi ý cho Việt Nam

(Bài trình bày tại hội thảo ‘Khoa học và Công nghệ Mở - Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam’ do Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn Mở Việt Nam (VFOSSA), Ban vận động Hội Dữ liệu Mở Việt Nam tổ chức ngày 28/06/2022 tại Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế.)


 

Tóm tắt: Để hoàn thành một trong các khía cạnh mục tiêu và lĩnh vực hành động của Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO là Phát triển môi trường chính sách tạo thuận lợi cho khoa học mở’, Nhóm Làm việc về Chính sách và Công cụ Chính sách Khoa học Mở (CS&CCCS KHM) của UNESCO đã được thành lập. Tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm vào ngày 23/05/2022, nhiều nội dung quan trọng về CS&CCCS KHM đã được các diễn giả khách mời trình bày cùng với các đường liên kết tới các nội dung đó - chúng là các thông tin tham khảo rất tốt cho Bộ KHCN và các bộ – ngành có liên quan cùng các viện/đại học/trường đại học nghiên cứu để có thể xây dựng CS&CCCS KHM phù hợp cho Việt Nam cả ở mức quốc gia và tổ chức/cơ sở, trong khi tuân thủ các chuẩn mực được thế giới thừa nhận.

Các từ khóa: Chính sách và các công cụ chính sách khoa học mở (CS&CCCS KHM); truy cập mở, dữ liệu mở.


 

Sau một thời gian dài chuẩn bị và tư vấn với các bên liên quan theo tất cả các vùng địa lý trên toàn cầu và theo chủ đề, ngày 23/11/2021, tại phiên toàn thể Hội nghị UNESCO, 193 quốc gia thành viên của nó đã nhất trí thông qua Khuyến nghị Khoa học Mở[1].

A. Các thông tin cơ bản

Tài liệu Khuyến nghị (KN) nêu bật những điểm sau: (1) Đây là công cụ tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Khoa học Mở (KHM); (2) KN đưa ra định nghĩa KHM lần đầu tiên với sự đồng thuận quốc tế; (3) KN đưa ra sự đồng thuận về các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc hướng dẫn của KHM; (4) KN đề cập tới nhiều tác nhân và các bên liên quan của KHM; (5) Khuyến nghị các hành động ở các mức khác nhau để vận hành các nguyên tắc của KHM; (6) KN đề xuất các tiếp cận tới KHM ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời khoa học; (7) KN kêu gọi phát triển khung giám sát KHM toàn diện. Định nghĩa KHM được tóm tắt như sau:

Khoa học Mở:

  • làm cho kiến thức khoa học là sẵn sàng mở, truy cập được và sử dụng lại được đối với bất kỳ ai,

  • làm gia tăng sự cộng tác và chia sẻ thông tin khoa học vì lợi ích của khoa học và xã hội,

  • mở ra các quy trình tạo lập, đánh giá và truyền thông kiến thức khoa học cho các tác nhân xã hội vượt ra khỏi cộng đồng khoa học truyền thống.

Các quốc gia thành viên được khuyến khích ưu tiên 7 lĩnh vực hành động triển khai KN KHM, gồm: (1) Thúc đẩy sự hiểu biết chung về khoa học mở, các lợi ích và thách thức có liên quan, cũng như các con đường đa dạng tới khoa học mở; (2) Phát triển môi trường chính sách tạo thuận lợi cho khoa học mở;(3) Đầu tư vào các hạ tầng và dịch vụ khoa học mở; (4) Đầu tư vào nhân lực, giáo dục, đào tạo, sáng số và xây dựng năng lực cho khoa học mở; (5) Thúc đẩy văn hóa khoa học mở và điều chỉnh các ưu đãi cho khoa học mở; (6) Thúc đẩy các tiếp cận đổi mới sáng tạo cho khoa học mở ở các giai đoạn khác nhau của quá trình khoa học; và (7) Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nhiều bên liên quan trong bối cảnh khoa học mở và với quan điểm nhằm làm giảm các phân cách số, công nghệ và kiến thức.

Tại cuộc họp trên trực tuyến ngày 28/04/2022 bàn về việc triển khai KN KHM, đại diện Ban Chỉ đạo KHM của Tổng Giám đốc UNESCO đã chia sẻ với các quốc gia thành viên của UNESCO và Đối tác Khoa học Mở (Open Science Partnership) về chiến lược triển khai KN KHM. Bên cạnh 2 tổ chức nêu trên, KN KHM còn được triển khai thông qua các nhóm làm việc có liên quan tới các lĩnh vực có ảnh hưởng lớn tới việc triển khai nó như: (1) Xây dựng năng lực; (2) Chính sách và các công cụ chính sách; (3) Cấp vốn và các ưu đãi; (4) Hạ tầng; (5) Khung giám sát; và (6) Liên ngành.

B. Hoạt động của Nhóm Làm việc về Chính sách và các Công cụ Chính sách của UNESCO

Mục đích của việc xây dựng chính sách và các công cụ chính sách (CS&CCCS) cho KHM, là mục đích công việc chính của Nhóm làm việc về CS&CCCS KHM, là để: (1) đưa ra một kho toàn cầu các CCCS KHM; và (2) phát triển một Hướng dẫn CS KHM. Công việc của Nhóm Làm việc về CS&CCCS KHM cũng là nhằm để đáp ứng các nhu cầu của lĩnh vực triển khai KN KHM số 2 được nêu ở trên: phát triển môi trường chính sách tạo thuận lợi cho KHM.

Cuộc họp đầu tiên của Nhóm làm việc về CS&CCCS KHM đã diễn ra vào ngày 23/05/2022. Theo thông báo từ UNESCO, đã có 112 người tình nguyện đăng ký tham gia nhóm này, tới từ hơn 45 quốc gia, đại diện cho nhiều cơ sở và tổ chức có liên quan tới KHM trên thế giới từ hầu như tất cả các khu vực, gồm: (1) Các trường đại học và các viện nghiên cứu, các nghiên cứu sinh tiến sỹ và các giám đốc nghiên cứu; (2) Các Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia; (3) Các Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học; (4) Các Hiệp hội các trường đại học; (5) Các hiệp hội thư viện và thủ thư; (6) Các chuyên gia về khoa học công dân và tri thức bản địa; (7) Các nhà cấp vốn nghiên cứu; (8) Các nhà xuất bản truy cập mở và các hiệp hội các nhà xuất bản; (9) Các phái đoàn thường trực của các quốc gia tại UNESCO và các Ủy ban quốc gia về UNESCO; và (12) Một số tổ chức trực thuộc UNESCO; (13) Các cơ sở khu vực và quốc tế khác.

Trong cuộc họp này, đại diện của UNESCO đã nhắc lại 1 trong 7 lĩnh vực triển khai KN KHM được ưu tiên làPhát triển môi trường chính sách tạo thuận lợi cho khoa học mở’, được nêu chi tiết ở một loạt các mục của khoản 17 của Khuyến nghị KHM, cụ thể gồm:

(ii) Phát triển và xúc tác cho môi trường chính sách cho khoa học mở

17. Các quốc gia thành viên, tùy theo các điều kiện đặc thù, các thể chế điều hành và các điều khoản hiến định của họ, nên phát triển hoặc khuyến khích các môi trường chính sách, bao gồm các môi trường ở các mức cơ sở, quốc gia, khu vực và quốc tế hỗ trợ vận hành khoa học mở và triển khai hiệu quả các thực hành khoa học mở, bao gồm các chính sách ưu đãi cho các thực hành khoa học mở giữa các nhà nghiên cứu. Thông qua sự tham gia minh bạch, quy trình nhiều bên liên quan bao gồm đối thoại với cộng đồng khoa học, đặc biệt với các nhà nghiên cứu sự nghiệp sớm, và các tác nhân khác của khoa học mở, các quốc gia thành viên được khuyến khích cân nhắc các điều sau:

  1. Phát triển các chính sách khoa học mở có hiệu lực ở cơ sở và quốc gia và các khung pháp lý là nhất quán với luật quốc tế và khu vực hiện hành và là phù hợp với định nghĩa, các giá trị và các nguyên tắc cũng như các hành động được nêu trong Khuyến nghị này.

  2. Điều chỉnh các chính sách, chiến lược và hành động phù hợp với khoa học mở từ các cơ sở riêng rẽ cho tới các mức địa phương và quốc tế, trong khi tôn trọng sự đa dạng các tiếp cận khoa học mở.

  3. Lồng ghép các khía cạnh bình đẳng giới vào các chính sách, chiến lược và thực hành khoa học mở.

  4. Khuyến khích các cơ sở thực hiện nghiên cứu, đặc biệt các cơ sở nhận vốn cấp của nhà nước, để triển khai các chính sách và chiến lược cho khoa học mở.

  5. Khuyến khích các cơ sở thực hiện nghiên cứu, các trường đại học, các liên đoàn và các hiệp hội khoa học, và các hiệp hội học tập áp dụng các tuyên bố nguyên tắc phù hợp với Khuyến nghị này để khuyến khích thực hành khoa học mở có sự phối hợp với các viện hàn lâm khoa học quốc gia, các hiệp hội của các nhà nghiên cứu sự nghiệp sớm, như các nhân viên hàn lâm nghiên cứu trẻ và Hội đồng Khoa học Quốc tế - ISC (International Science Council).

Nhằm mục đích thu thập các CS&CCCS KHM tốt đang được triển khai khắp trên thế giới, Nhóm Làm việc về CS&CCCS KHM của UNESCO đã cập nhật Lời kêu gọi của UNESCO về các tài liệu chính sách KHM như là bộ tăng tốc nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững với thời hạn chót để cung cấp các tài liệu đó là ngày 10/07/2022[2].

Nhóm cũng đã trình bày kết quả của khảo sát nhanh thông qua các báo cáo của các quốc gia về CS&CCCS KHM và các chủ đề có liên quan như truy cập mở và dữ liệu mở, cả ở các mức quốc gia/khu vực/quốc tế, cũng như ở mức cơ sở/tổ chức.

Hình 1. Kết quả khảo sát nhanh về CS&CCCS KHM hiện hành khắp trên thế giới[3]

Nhóm cũng giới thiệu các trang web nổi bật của các đài quan sát và các kho với các CS&CCCS KHM và các chủ đề có liên quan như truy cập mở và dữ liệu mở ở các mức quốc gia/khu vực/quốc tế, cũng như cơ sở/tổ chức khắp trên thế giới.

Hình 2. Các trang web nổi bật về CS&CCCS KHM hiện hành khắp trên thế giới[4]

Tất cả các thông tin vừa được nêu ở trên đều là các thông tin tham khảo rất tốt cho bất kỳ quốc gia hay cơ sở/tổ chức nào có mong muốn xây dựng các CS&CCCS KHM/truy cập mở/dữ liệu mở cho mình ngay từ bây giờ.

C. Các bài trình bày về CS&CCCS KHM

Tổng quan về các chính sách khoa học mở của các quốc gia và các cơ sở’[5] là tài liệu tóm tắt các bài trình bày về CS&CCCS KHM hiện nay hoặc đang được chuẩn bị của các khách mời được lựa chọn từ các khu vực khác nhau trên thế giới, lần lượt được nêu ngắn gọn dưới đây, với mong muốn các nội dung đó có thể là các tham chiếu có giá trị cho bất kỳ ai có quan tâm trong việc xây dựng CS&CCCS KHM ở Việt Nam, cả ở mức quốc gia/khu vực/tổ chức:

  1. Các chính sách KHM quốc gia ở châu Phi hiện có hoặc đang chuẩn bị có. Bài trình bày giới thiệu chính sách KHM quốc gia hiện có của Ethiopia (2019) và Nam Phi (2022), cũng như đang được chuẩn bị ở một loạt các nước khác ở các giai đoạn khác nhau như: Bờ biển ngà, Ghana, Lesotho, Mozambique, Nigeria, Somalia, Tanzania và Uganda; Một loạt các hoạt động có liên quan tới KHM được triển khai bởi cộng đồng Hỗ trợ Thư viện đối với các Dịch vự và Hạ tầng Điện tử của các Mạng Nghiên cứu và Giáo dục Quốc gia - LIBSENSE (Library Support for Embedded NREN [National Research and Education Networks] Services and E-infrastructure). Có thể tham khảo các CS&CCCS KHM và các lĩnh vực liên quan qua tài liệu ‘Tổng kết các trường hợp điển hình về Chính sách Truy cập Mở/Khoa học Mở từ các cơ sở giáo dục đại học châu Phi’ của LIBSENSE được cập nhật ngày 18/04/2022[6].

  2. Bức tranh toàn cảnh về chính sách khoa học mở của châu Âu. Bài trình bày của đại diện OpenAIRE, một hạ tầng truyền thông học thuật của các quốc gia Liên minh châu Âu. Đây có lẽ là bài trình bày hoàn chỉnh nhất về CS&CCCS KHM trên thế giới hiện nay, nó liệt kê: (1) Các sáng kiến chính sách chính của châu Âu về KHM như: (a) Horizon Europe cho các năm 2021-2027; (b) Đám mây KHM châu Âu - EOSC (European Open Science Cloud) - xây dựng hạ tầng cho nghiên cứu mở và FAIR (Tìm thấy được, Truy cập được, Tương hợp được; Sử dụng lại được - Findable, Accssible, Interoperable, Reusable); (c) Kỷ nguyên nghiên cứu châu Âu với 20 hành động chính sách được làm mới lại; (d) Cải cách liên minh đánh giá nghiên cứu; (e) Chiến lược dữ liệu của châu Âu; (2) Toàn cảnh chính sách KHM của châu Âu, trong đó nêu có nhiều chiến lược quốc gia về KHM không chỉ ở các mức quốc gia châu Âu, mà còn ở cả mức các cơ sở (706 cơ sở đã có đăng ký chính sách KHM); (3) Hàng loạt các công cụ và dụng cụ hỗ trợ xây dựng chính sách như các hướng dẫn, mẫu template, đài quan sát (đài quan sát KHM[7] và đài quan sát Đám mây KHM châu Âu[8]), các môi trường học tập lẫn nhau, ví dụ như: (a) Trang thông tin ‘Tổng quan về KHM châu Âu[9]’ theo từng quốc gia với các thông tin về chính sách - hạ tầng - đào tạo KHM của đại diện các quốc gia về Truy cập Mở của OpenAIRE được cập nhật định kỳ (b) Bộ công cụ cho những người làm chính sách về KHM và Truy cập Mở[10];

  3. Tổng quan về các chính sách khoa học mở ở Mỹ Latin và vùng Caribe. Bài trình bày chung của 2 tổ chức[11], Diễn đàn Châu Mỹ Latinh về Đánh giá Khoa học - FOLEC (El Foro Latinoamericano sobre Evaluación Científica) và Hội đồng Khoa học Xã hội Mỹ Latinh – CLACSO (Latin American Council of Social Sciences). Bài trình bày đưa ra bức tranh toàn cảnh về Truy cập Mở và KHM ở Mỹ Latin và vùng Caribe với các thông tin được dẫn chiếu từ một tài liệu nghiên cứu được FOLEC-CLACSO xuất bản năm 2020[12]. Bài trình bày cũng nêu ra các thách thức đối với KHM ở Mỹ Latin và vùng Caribe, đặc biệt là về hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng năng lực và hạ tầng KHM.

  4. Phát triển chính sách khoa học mở ở CERN - Tổ chức nghiên cứu hạt nhân của châu Âu. Bài trình bày của TS. Kamran Naim, người đứng đầu về KHM ở CERN. Chính sách Truy cập Mở cho tất cả các bài báo nghiên cứu ở CERN đã có từ năm 2014 đi với giấy phép mở CC BY[13] (người sử dụng có các quyền để chia sẻ, tùy chỉnh, kể cả sử dụng cho các mục đích thương mại, miễn là thừa nhận ghi công đúng cho tác giả). Chính sách Dữ liệu Mở cho các dữ liệu từ các thí nghiệm của các Máy va đập Hadron Lớn - LHD (Large Hadron Collider) có từ năm 2020, sử dụng các tiêu chuẩn dữ liệu FAIR (xem mục 2 ở trên). Về phát triển chính sách KHM ở CERN: Năm 2021, Nhóm Làm việc về Chiến lược KHM ở CERN được thành lập nhằm mục đích phát triển chính sách KHM và tạo lập khuôn khổ cho các hoạt động thường ngày ở CERN phù hợp với KHM. Để đạt được mục đích đó, CERN đã sử dụng Chính sách Mẫu của OpenAIRE về KHM cho các Tổ chức Thực thi Nghiên cứu[14]. Chính sách KHM của CERN năm 2022 đang được phê duyệt bao trùm tất cả các thành phần của Kiến thức KHM và hơn thế, cụ thể: (1) Truy cập Mở; (2) Dữ liệu Mở; (3) Phần mềm nguồn mở; (4) Phần cứng mở; (5) Liêm chính nghiên cứu, sử dụng lại và có khả năng tái tạo lại; (6) Cung cấp hạ tầng cho KHM; (7) Đánh giá và thẩm định nghiên cứu; (8) Giáo dục, đào tạo và tiếp cận ra bên ngoài; (9) Khoa học công dân. Nếu được phê chuẩn, có lẽ đây là chính sách KHM mẫu mực cho bất kỳ tổ chức nghiên cứu khoa học nào để tham khảo.

Hình 3. Khoa học Mở ở CERN

  1. Chính sách khoa học mở của Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử châu Âu - EMBL (European Molecular Biology Laboratory). Đây là một viện nghiên cứu liên quốc gia về Khoa học Đời sống với sự tham gia của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, có 6 cơ sở đặt ở 5 quốc gia châu Âu và với 1.800 nhà nghiên cứu. Chính sách KHM năm 2022 của EMBL[15] gồm các điểm chính sau: (1) Tất cả các xuất bản phẩm đều là Truy cập Mở và các bài báo chưa được rà soát lại ngang hàng (Preprint); (2) Tuân thủ nguyên tắc dữ liệu FAIR (xem mục 2 ở trên); (3) Phần mềm nguồn mở là mặc định trong cả các dịch vụ và nghiên cứu; (4) Đánh giá nghiên cứu; và (5) Thừa nhận và Ghi công tác giả (bằng mã nhận diện kỹ thuật số thường trực duy nhất cho những người đóng góp và các nhà nghiên cứu Mở – ORCID[16] [Open Researcher and Contributor ID]).

D. Lộ trình CS&CCCS KHM thời gian tới

Nhóm làm việc về CS&CCCS KHM cũng đã đưa ra lộ trình các công việc trong thời gian tới của nhóm như trên Hình 4.

Hình 4. Lịch trình của Nhóm Làm việc về CS&CCCS KHM của UNESCO

Nhóm CS&CCCS KHM đã đưa ra một số các câu hỏi, yêu cầu những người tham gia cuộc họp trả lời với thời hạn chót là ngày 10/07/2022 cho openscience@unesco.org:

  • Các nhu cầu chính sách chính cho khoa học mở là gì?

  • Các thách thức chính để tạo lập và triển khai chính sách khoa học mở là gì?

  • Các sáng kiến chính sách khoa học mở nào đang tồn tại/thành công?

  • Các công cụ chính sách đang có là gì? Các điểm mạnh và yếu của chúng?

  • Kho toàn cầu các chính sách khoa học mở nên bao gồm những thông tin gì?

Dự kiến cuộc họp tiếp sau của Nhóm này sẽ diễn ra trên trực tuyến ngày 05/09/2022.

E. Kết luận và một vài gợi ý

UNESCO hiện đang dẫn dắt triển khai các nội dung của KN KHM vào thực tế cuộc sống ở phạm vi toàn cầu với một trong những cách thức triển khai là đi qua các Nhóm làm việc về KHM, trong đó có Nhóm Làm việc về CS&CCCS KHM.

Qua các bài được chọn trình bày tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm Làm việc về CS&CCCS KHM, có thể thấy nhiều nguồn thông tin về CS&CCCS KHM hiện có đều là những nguồn tham chiếu rất tốt cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, biết rằng các CS&CCCS KHM ở Việt Nam hầu như còn chưa tồn tại, trong khi KHM đã trở thành một xu thể không thể đảo ngược của thế giới.

Để các nội dung tham chiếu tới CS&CCCS KHM có thể với tới được nhiều đối tượng khác nhau, gợi ý từ năm 2023 trở đi, Việt Nam nên có các đề tài nghiên cứu các CS&CCCS KHM ở các mức quốc gia/khu vực/quốc tế (như các bài trình bày 1, 2 và 3) và mức tổ chức/cơ sở (như các bài trình bày 4 và 5) và/hoặc các ví dụ tương tự khác để từ đó điều chỉnh chúng nhằm từng bước xây dựng CS&CCCS KHM cho phù hợp với điều kiện phát triển KHM theo từng giai đoạn ở Việt Nam.

Dự kiến Nhóm Làm việc về CS&CCCS KHM của UNESCO sẽ hoàn thành xây dựng Hướng dẫn Chính sách KHM của UNESCO vào tháng 12/2022. Hy vọng Bộ KHCN và các bộ – ngành cùng các viện/đại học/trường đại học nghiên cứu có liên quan tận dụng được Hướng dẫn này để có thể xây dựng CS&CCCS KHM phù hợp cho Việt Nam cả ở mức quốc gia và tổ chức/cơ sở, trong khi tuân thủ các chuẩn mực được thế giới thừa nhận.

Gợi ý Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ – ngành - địa phương và/hoặc các Hội/Hiệp hội nghề nghiệp và các bên liên quan để thực hiện các công việc nêu trên càng sớm càng tốt. Đây chắc chắn là cách tốt nhất để khoa học và giáo dục Việt Nam có khả năng bắt kịp với nhịp độ phát triển KHM của thế giới.


 

F. Các chú giải

[1] UNESCO, 2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

[2] UNESCO, March 8, 2022. Last update: May 16, 2022: Call for papers on open science policies as an accelerator for achieving the Sustainable Development Goals: https://www.unesco.org/en/articles/call-papers-open-science-policies-accelerator-achieving-sustainable-development-goals. Bản dịch sang tiếng Việt có tại: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/loi-keu-goi-cho-cac-tai-lieu-ve-cac-chinh-sach-khoa-hoc-mo-nhu-la-bo-tang-toc-nham-dat-duoc-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-652.html

[3] UNESCO, 23/05/2022: First meeting of the UNESCO Working Group on Open Science Policies and Policy Instruments: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/05/Objectives_of_the_WG_on_OS_Policies_and_Policy_Instruments.pdf, các slide 15-18.

[4] UNESCO, 23/05/2022: First meeting of the UNESCO Working Group on Open Science Policies and Policy Instruments: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/05/Objectives_of_the_WG_on_OS_Policies_and_Policy_Instruments.pdf, slide 19.

[5] Working Group on Open Science Policies and Policy Instruments, UNESCO, 23/05/2022: Overview on national and institutional open science policies: https://www.unesco.org/sites/default/files/medias/fichiers/2022/05/National_and_Institutional_OS_Policies.pdf

[6] Libsense, 18/04/2022: A Compendium of Open Access/Open Science Policy Case Studies from African Higher Education Institutions: https://doi.org/10.5281/zenodo.5637961

[7] Open Science Observatory: https://osobservatory.openaire.eu/home

[8] EOSC Observatory: https://eoscobservatory.eosc-portal.eu/

[9] OpenAIRE: Open Science overview in Europe by country: https://www.openaire.eu/os-eu-countries

[10] OpenAIRE: Toolkit for Policy Makers - Let's shape Open Science and Open Access together: https://www.openaire.eu/toolkit-for-policy-makers-on-open-science-and-open-access

[11] FOLEC-CLACSO: https://www.clacso.org/en/folec/

[12] Babini, D. & Rovelli, L. (2020). Tendencias recientes en las políticas científicas de ciencia abierta y acceso abierto en Iberoamérica. Buenos Aires:CLACSO. http://biblioteca.clacso.edu.ar/clacso/se/20201120010908/Ciencia-Abierta.pdf

[13] CERN: Open Access Policy for CERN Publications: https://cds.cern.ch/record/1955574/files/CERN-OPEN-2021-009.pdf

[14] Angelaki, Marina. (2018). Model Policy on Open Science for Research Performing Organisations (RPOs). Zenodo. https://doi.org/10.5281/zenodo.2579629

[15] EMBL: Internal Policy No.71, First Published: 03 December 2021: Open Science and Open Access: https://www.embl.org/documents/wp-content/uploads/2021/12/ip71-open-science-and-open-access-policy.pdf

[16] ORCID: ORCID - Connecting research and researchers: https://orcid.org/


 

Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Lê Trung Nghĩa

PS: Tự do tải về bài trình chiếu tại hội thảo của bài viết này tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/bjfopjlkvporac8/UNESCO_OS_Policies_And_Policy_Instruments.pdf?dl=0


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay21,647
  • Tháng hiện tại711,632
  • Tổng lượt truy cập36,770,225
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây