Để Khoa học Mở đi đúng đường

Thứ bảy - 18/03/2023 16:46
Để Khoa học Mở đi đúng đường

(Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng, số 5 năm 2023, xuất bản ngày 05/03/2023, các trang 36-38. Phiên bản điện tử có tại địa chỉ: https://drive.google.com/file/d/1Hx0cw4Rsxa26hmkktPxFe1HqGV6rEGx9/view?usp=share_link và: https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem-phai/de-khoa-hoc-mo-di-dung-duong/)

Loạt các tài liệu đầu tiên của Bộ công cụ Khoa học Mở của UNESCO đã được phát hành vào tháng 12/2022 với mục đích chính là để hỗ trợ cho tất cả các bên liên quan của các quốc gia và tổ chức khắp trên thế giới triển khai tất cả các khía cạnh được nêu trong tài liệu Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO[01].

Hình 1: Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO, tất cả các khía cạnh

Bộ công cụ Khoa học Mở hiện nay đã xuất bản được tám tài liệu[02] chia thành ba loại:

Hướng dẫn: Là các tài liệu đưa ra các nguyên tắc thực hiện những khía cạnh quan trọng của khoa học mở. Hiện nay UNESCO đã xuất bản bốn hướng dẫn bao gồm: (1) Xây dựng năng lực Khoa học Mở; (2) Cấp vốn cho Khoa học Mở; (3) Phát triển các chính sách Khoa học Mở; và (4) Tăng cường các hạ tầng Khoa học Mở cho tất cả mọi người.

Danh sách kiểm tra: Hay còn gọi là checklist, tóm tắt những đầu việc cần làm đối với từng đối tượng thực hành khoa học mở. Hiện đã có hai danh sách kiểm tra gồm: (1) Danh sách kiểm tra cho các nhà xuất bản trong triển khai Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO; và (2) Danh sách kiểm tra cho các trường đại học trong triển khai Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO.

Tờ tin: Hiểu nôm na giống như những cuốn “sổ tay” nêu các định nghĩa các khái niệm quan trọng của khoa học mở và tổng quan về các vấn đề nổi cộm trong khoa học mở. Hiện nay có hai tờ tin bao gồm: (1) Hiểu biết khoa học mở; và (2) Xác định các tạp chí và các hội nghị học thuật săn mồi.

TÓM TẮT NỘI DUNG CÁC TÀI LIỆU CỦA BỘ CÔNG CỤ KHOA HỌC MỞ CỦA UNESCO

Xây dựng năng lực Khoa học Mở. Mục đích của tài liệu là nêu bật các yếu tố chính phải cân nhắc trong việc xây dựng năng lực khoa học mở. Tài liệu nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết để vận hành khoa học mở và triển khai Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO khắp thế giới là đầu tư vào xây dựng năng lực và vốn con người. Trong đó, năng lực khoa học mở được thể hiện qua: (1) nhận thức và hiểu biết về khoa học mở; và (2) bộ kĩ năng cụ thể, hiểu biết về lý thuyết lẫn nguồn lực cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến khoa học mở. Tài liệu cũng nêu ra các nguyên tắc thiết kế chương trình đào tạo nâng cao năng lực khoa học mở, trong đó chỉ đối tượng của các chương trình này rất rộng. Thực hành khoa học mở đòi hỏi sự tham gia của tất cả những người liên quan đến quá trình làm khoa học từ nhà nghiên cứu, sinh viên, các hiệp hội, các trường đại học, nhà xuất bản…cho đến các lập trình viên, nhà hoạch định chính sách.

Cấp vốn cho Khoa học Mở. Mục đích của tài liệu là để hướng dẫn tích hợp các nguyên tắc của khoa học mở vào quy trình và các thực hành tài trợ nghiên cứu. Vốn cho khoa học mở bao gồm các kinh phí dành cho xuất bản, lưu trữ, chọn lọc, theo dõi đầu ra của nghiên cứu; cho phát triển và duy trì các hạ tầng; cho việc nâng cao năng lực các bên liên quan; cho những hình thức cộng tác đổi mới sáng tạo chẳng hạn như nền tảng trao đổi và tạo ra tri thức giữa nhà khoa học và công chúng. Tài liệu nhấn mạnh, chi phí cho khoa học mở không đồng nghĩa với việc tăng kinh phí dành cho khoa học nói chung. Thực tế, rất nhiều hoạt động thực hành khoa học mở đều có thể tận dụng và điều chỉnh từ nguồn tài trợ sẵn có từ trước đến nay.

Phát triển các chính sách Khoa học Mở. Mục đích của tài liệu là để hướng dẫn phát triển các chính sách khoa học mở mức quốc gia hoặc cơ sở. Những người ban hành chính sách bao gồm (nhưng không giới hạn) ở chính phủ, các viện nghiên cứu, đơn vị tài trợ nghiên cứu và các nhà xuất bản. Tuy nhiên, quá trình soạn thảo, thực hiện, đánh giá cần kêu gọi sự tham gia của các bên khác liên quan đến khoa học mở. Trong số các nguyên tắc xây dựng chính sách khoa học mở, có hai nguyên tắc cần lưu ý đó là: học hỏi – thích nghi và linh hoạt. Hai nguyên tắc này dựa trên thực tế rằng, không có một giải pháp nào duy nhất đúng và không phải lúc nào ta cũng lường trước được mọi ảnh hưởng và rủi ro khi triển khai chính sách khoa học mở. Bởi vậy, chính sách cần phải nhận thức được trình độ và năng lực tiếp nhận thực hành khoa học mở của các bên tham gia; không ngừng thúc đẩy sự hiểu biết về khoa học mở của những người mới bước chân vào con đường nghiên cứu; đưa khoa học mở thành nội dung giảng dạy/đào tạo chính thức đối với những nhà nghiên cứu trẻ.

Tăng cường các hạ tầng Khoa học Mở cho tất cả mọi người. Mục đích là để xây dựng sự hiểu biết chung và xác định các bước để tăng cường các hạ tầng khoa học mở công bằng và bền vững. Các hạ tầng khoa học mở bao gồm các công cụ nghiên cứu, các tạp chí, nền tảng và kho xuất bản mở, dữ liệu khoa học, hệ thống thông tin, hệ thống trắc lượng khoa học để đánh giá và phân tích các ngành khoa học, hạ tầng tính toán và xử lý dữ liệu…Đầu tư cho các hạ tầng khoa học mở chủ yếu là cho hạ tầng công nghệ thông tin và kinh phí để bảo dưỡng, bảo trì nó, bao gồm cả tiền và nguồn nhân lực. Nói chung, các quốc gia chỉ nên đầu tư cho những hạ tầng phi thương mại và cần đảm bảo đầu tư đúng mức cho chúng để có thể lưu trữ tất cả các loại hình dữ liệu và tất cả mọi người trên thế giới, ở bất kì lĩnh vực nào đều có thể kết nối và sử dụng. Trong các hành động để thúc đẩy hạ tầng khoa học mở, có hai điều quan trọng là: minh bạch và thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung. Trong đó, minh bạch nghĩa là phải chia sẻ thông tin chi phí và hiệu quả sử dụng chi phí đó cho hạ tầng khoa học mở. Hiệu quả sử dụng của hạ tầng này phụ thuộc vào sự hợp tác, kết nối và đóng góp của cộng đồng trên đó vì lợi ích chung.

Danh sách kiểm tra cho các nhà xuất bản Danh sách kiểm tra cho các trường đại học trong triển khai Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO. Đây là gạch đầu dòng một cách ngắn gọn những việc các trường đại học và các nhà xuất bản cần làm để triển khai khoa học mở. Các trường có thể dựa vào đó để đối chiếu và điều chỉnh các hoạt động của mình sao cho phù hợp với giá trị cốt lõi, các nguyên tắc và đặc biệt là các lĩnh vực hành động của khoa học mở như được nêu trong Khuyến nghị Khoa học mở. (xem Hình 1). Hai danh sách này đều khuyến khích các trường đại học và các nhà xuất bản không chỉ nên nghĩ về các bài báo khoa học. Các bài báo truy cập mở dĩ nhiên là cần thiết nhưng nên mở toàn bộ các quá trình nghiên cứu bao gồm từ ý tưởng cho đến thiết kế các dự án nghiên cứu, kế hoạch truyền thông sau khi công bố. Hơn nữa, các bài báo truy cập mở là chưa đủ, chúng còn phải được đặt trên những kho lưu trữ đáp ứng các tiêu chí truy cập mở.

Hiểu biết khoa học mở. Tài liệu cung cấp những định nghĩa cơ bản về khoa học mở và bốn trụ cột của nó như được nêu trong Khuyến nghị, chúng gồm: (1) Kiến thức khoa học mở với năm thành phần: (a) xuất bản phẩm khoa học; (b) dữ liệu nghiên cứu mở; (c) tài nguyên giáo dục mở; (d) phần mềm nguồn mở và mã nguồn mở; (e) phần cứng mở; (2) Hạ tầng khoa học mở: cả vật lý và ảo; (3) Sự tham gia mở của các tác nhân xã hội; và (4) Đối thoại mở với các hệ thống kiến thức khác (xem Hình 1).

Xác định các tạp chí và các hội nghị học thuật săn mồi. Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO cũng cảnh báo rằng khoa học mở có thể tạo ra những hậu quả không mong muốn mà trong đó là sự sinh sôi hàng loạt của các “hành động săn mồi”. Khi các ý tưởng và thực hành khoa học mở vẫn còn đang trưởng thành (bao gồm cả mô hình xuất bản mở, đánh giá và bình duyệt nghiên cứu), giới khoa học đang ngày càng dễ bị tấn công bởi những hành động săn mồi lấy tiền này. Tài liệu ước tính tới tháng 5/2022hơn 16.100 tạp chí săn mồi, áp đảo số lượng các tạp chí uy tín. Các báo cáo trước đây đã cảnh báo rằng hiện tượng này có nguy cơ “hủy hoại nghiêm trọng các tổ chức nghiên cứu”, là “một dạng thức thực hành khoa học mới vô cùng tồi tệ”. Đây là một tài liệu khá toàn diện cung cấp định nghĩa và xác định các đặc tính của các tạp chí và hội nghị săn mồi, các tác động tiêu cực và gây hại của chúng cũng như cách đối phó với chúng để làm trong sạch môi trường nghiên cứu và tạo thuận lợi cho Khoa học Mở phát triển. Riêng về cách đối phó, tài liệu này cho rằng, mọi thành phần trong giới nghiên cứu đều có trách nhiệm tham gia vào các cuộc thảo luận cởi mở toàn cầu về việc làm sao để chuyển sang các mô hình học thuật vừa bền vững nhưng cũng vừa ít dựa vào lợi nhuận. Hệ thống đánh giá khoa học phải được cải cách để trở nên công bằng hơn, có ý nghĩa hơn và phù hợp hơn, dựa trên xu hướng “đánh giá có trách nhiệm” mà nhiều tổ chức tài trợ khoa học và các tổ chức nghiên cứu đang thực hiện.

Hình 2: Các tạp chí và hội nghị săn mồi: nhận diện, tác động của nó và cách khắc phục

CÁC TÀI LIỆU CỦA BỘ CÔNG CỤ KHOA HỌC MỞ DỰ KIẾN SẼ ĐƯỢC XUẤT BẢN NĂM 2023

Năm 2023, Ban Thư ký của UNESCO sẽ tiếp tục xuất bản 11 tài liệu theo ba loại nói trên và Chỉ mục mở các tài nguyên Khoa học Mở (việc đánh số là tiếp tục ở trên cho từng chủng loại):

Hướng dẫn: (5) Thu hút xã hội vào khoa học mở; (6) Nuôi dưỡng phần cứng nguồn mở cho khoa học mở; (7) Trao quyền cho báo chí trong khoa học mở; và (8) Thúc đẩy đối thoại mở với các hệ thống kiến thức khác.

Danh sách kiểm tra: (3) Danh sách kiểm tra cho kế hoạch hành động của cơ sở về khoa học mở.

Tờ tin: (3) Hướng tới việc xuất bản học thuật công bằng; (4) Các quyền sở hữu trí tuệ và khoa học mở; (5) Vượt qua các thách thức trong triển khai khoa học mở;

Chỉ mục mở các tài nguyên Khoa học Mở: (1) Chỉ mục xây dựng năng lực Khoa học Mở; (2) Chỉ mục các nền tảng chia sẻ kiến thức Khoa học Mở; (3) Đài quan sát toàn cầu các công cụ chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin của tất cả các tài liệu của bộ công cụ, bao gồm các tài liệu sẽ được xuất bản trong thời gian tới đều có trên trang Bộ công cụ Khoa học Mở của UNESCO tại địa chỉ: https://www.unesco.org/en/open-science/toolkit.

Bên cạnh các tài liệu của bộ công cụ Khoa học Mở của UNESCO, một sản phẩm rất quan trọng và rất được mong đợi dự kiến sẽ được UNESCO xuất bản trong năm 2023 là Khung Năng lực Khoa học Mở của UNESCO, đề cập tới các năng lực và kỹ năng của tất cả các trụ cột, thành phần và các lĩnh vực quan trọng có liên quan tới Khoa học Mở như: (1) Kiến thức Khoa học Mở với các thành phần của nó: (a) truy cập mở tới các xuất bản phẩm nghiên cứu; (b) dữ liệu nghiên cứu mở; (c) tài nguyên giáo dục mở; (d) phần mềm nguồn mở và mã nguồn mở; (e) phần cứng mở; (2) Hạ tầng Khoa học Mở; (3) Khoa học Mở và sự tham gia của các tác nhân trong xã hội; (4) Khoa học Mở và các hệ thống tri thức bản địa; (5) Các công cụ chính sách Khoa học Mở; (6) Cấp vốn và các ưu đãi cho Khoa học Mở; (7) Khoa học Mở và các quyền sở hữu trí tuệ; và (8) Giám sát Khoa học Mở. Hiện tại, khung này đang trong giai đoạn thảo luận, tham vấn và thu thập các ý kiến phản hồi từ tất cả các bên liên quan.

Các chú giải:

[01] UNESCO, 23/11/2021: Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0

[02] Cả 8 tài liệu của bộ công cụ Khoa học Mở của UNESCO đã được xuất bản đều đã được dịch sang tiếng Việt, được liệt kê tại địa chỉ: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/chao-don-bo-cong-cu-khoa-hoc-mo-cua-unesco-cac-ban-dich-sang-tieng-viet-852.html



Giấy phép nội dung: CC BY-SA 4.0

Lê Trung Nghĩa

Tác giả: Nghĩa Lê Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm104
  • Hôm nay22,260
  • Tháng hiện tại686,571
  • Tổng lượt truy cập36,745,164
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây