Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) và một kịch bản giả tưởng về tương lai của giáo dục Việt Nam - Phần 1

Thứ sáu - 01/01/2016 06:55
 
Lê Trung Nghĩa, letrungnghia.foss@gmail.com
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở,
Bộ Khoa học và Công nghệ,

 
Bài viết cho và có trong kỷ yếu Hội thảo quốc tế 'Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ', đã diễn ra vào ngày 29/12/2015, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội;
 
 
Nhấn vào ảnh để xem kích cỡ lớn hơn
 
 
 
 
Phần 1 - Lời mở đầu và các khái niệm cơ bản về OER
 
Mục lục:

 
Tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) là một vấn đề mới và không dễ để hiện thực hóa trong cuộc sống, nhất là trong điều kiện cụ thể hiện nay trong khu vực giáo dục của Việt Nam. Bài viết này không có ý định đi sâu vào bất kỳ khía cạnh nào trong việc sử dụng và sáng tạo OER, mà có ý định để khêu gợi ra nhiều nhất có thể các khía cạnh chính có liên quan tới hệ sinh thái OER để từ đó các độc giả có quan tâm tới sử dụng và sáng tạo OER có thể có được các tham chiếu ban đầu cho việc nghiên cứu, khảo sát, triển khai vào thực tế OER dần từng bước trong các cơ sở giáo dục của Việt Nam, hòa nhập được xu thế giáo dục mở hiện nay của thế giới.

 
Sự khởi đầu
Tài nguyên giáo dục mở (OER) được cho là đã tồn tại được hơn 10 năm qua trên thế giới, kể từ khi một trường đại học ở Đức đã xuất bản một loạt video bài giảng của trường lên trực tuyến vào tháng 1/1999 hoặc nổi bật hơn khi Viện Công nghệ Massachusette (MIT) ở Mỹ đã đưa lên mạng bộ 32 khóa học của trường vào tháng 9/2002 với cái tên mà sau nay đã trở nên nổi tiếng, OpenCourseware, hay khóa học mở.
Khái niệm 'tài nguyên giáo dục mở' lần đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc - UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) đưa ra tại Diễn đàn 2002 về Khóa học mở (2002 Forum on OpenCourseware).

 
A. Những khái niệm cơ bản
Trước khi đề cập tới định nghĩa thế nào là tài nguyên giáo dục mở, chúng ta sẽ đề cập tới định nghĩa một khái niệm khác, bao trùm hơn, khái niệm về 'Giáo dục mở'.

 
1. Định nghĩa giáo dục mở
Wikipedia định nghĩa giáo dục mở như sau: “Giáo dục mở là một khái niệm tổng hợp mô tả các thực hành và các sáng kiến với các chương trình của các cơ sở giáo dục mà mở rộng sự truy cập tới việc học tập và huấn luyện được chào theo truyền thống qua các hệ thống giáo dục chính quy. Tính “mở” của giáo dục tham chiếu tới sự loại bỏ các rào cản có thể loại trừ các cơ hội và sự công nhận để tham gia vào việc học tập trong các cơ sở giáo dục. Một khía cạnh của tính mở trong giáo dục hoặc “việc mở” giáo dục ra là sự phát triển và áp dụng các tài nguyên giáo dục mở”.
Còn website của Bộ Giáo dục Mỹ nói về giáo dục mở như sau: “Chúng tôi tin tưởng rằng các cơ hội giáo dục nên là sẵn sàng cho tất cả những người học. Việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục mở có liên quan tới việc tạo ra các tư liệu, dữ liệu học tập và các cơ hội giáo dục sẵn sàng mà không có các hạn chế được các luật bản quyền, các rào cản truy cập, hoặc các hệ thống sở hữu độc quyền đặt ra làm cho thiếu tính tương hợp và hạn chế sự trao đổi thông tin một cách tự do”.

 
2. Định nghĩa tài nguyên giáo dục mở
Có vài định nghĩa về OER. Tất cả chúng đều toát lên một đặc tính chung nổi bật, đó là các tài nguyên giáo dục được cấp phép mở, và vì thế tuân thủ các luật bản quyền hiện hành.

 
UNESCO định nghĩa OER là “các tư liệu học, dạy và nghiên cứu trong bất kỳ phương tiện nào, dù là số hay không, mà nằm trong miền công cộng hoặc từng được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác truy cập, sử dụng, tùy biến thích nghi và phân phối lại không mất chi phí, dù có hay không những hạn chế có giới hạn. Việc cấp phép mở được xây dựng trong khuôn khổ các quyền sở hữu trí tuệ đang tồn tại như được các quy ước quốc tế thích hợp xác định và tôn trọng tác giả của tác phẩm”.
Tổ chức về Phát triển và Hợp tác Kinh tế - OECD (Organization for Economic Co-operation and Development) định nghĩa OER như là: “các tư liệu số hóa được chào tự do và mở cho các nhà giáo dục, các học sinh, và những người tự học để sử dụng và sử dụng lại cho việc học, dạy, và nghiên cứu. OER bao gồm nội dung học tập, các công cụ phần mềm để phát triển, sử dụng, và phân phối nội dung, và các tài nguyên triển khai như các giấy phép mở”.
Gần đây nhất, ngày 29/10/2015, Bộ Giáo dục Mỹ đã đưa ra định nghĩa OER trên website của mình khi phát động chiến dịch khuyến khích các trường học 'Đi với Mở' (#GoOpen) bằng các tài nguyên giáo dục như là: Các tài nguyên giáo dục được cấp phép mở là các tư liệu học tập có thể được sử dụng cho việc dạy, học và đánh giá mà không có chi phí. Chúng có thể được sửa đổi và được phân phối lại mà không vi phạm các luật bản quyền”.

 
3. Khái niệm về tính mở
 
 

 
Chúng ta đang nói về tài nguyên giáo dục mở và cấp phép mở hay giấy phép mở. Vậy khái niệm 'MỞ' hay 'tính mở' ở đây có nghĩa gì? Hình 1 trả lời cho chúng ta câu hỏi này.
Tính mở có những khía cạnh khác nhau. Trong các lĩnh vực khác nhau, chúng có những đặc tính khác nhau tương xứng, cụ thể như:
  1. Trong lĩnh vực xã hội, tính mở ngụ ý được:
    1. Tự do sử dụng
    2. Tự do đóng góp, và
    3. Tự do chia sẻ
  2. Trong lĩnh vực kỹ thuật, tính mở đề cập tới:
    1. Các chức năng. Để một chức năng kỹ thuật nào đó sử dụng được trong mọi hệ thống nền tảng kỹ thuật công nghệ khác nhau, cần có tính tương thích và/hoặc tương hợp giữa các hệ thống nền tảng khác nhau đó. Về cả lý thuyết và trong thực tế, tính tương thích và/hoặc tương hợp giữa các hệ thống nền tảng khác nhau có thể đạt được bằng việc sử dụng các tiêu chuẩn mở. Ví dụ, sử dụng tiêu chuẩn mở trong các tài liệu (như Định dạng Tài liệu Mở - ODF [Open Document Format]) sẽ giúp cho tài liệu được tạo ra không bị phụ thuộc vào phần mềm tạo ra chính tài liệu đó.
    2. Phát triển. Để phát triển hay tạo ra, ví dụ, một tài nguyên giáo dục mở dùng trong một bài giảng hay một khóa học mở, sao cho tài nguyên đó không bị phụ thuộc vào bất kỳ hệ thống nền tảng nào, không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào về mặt kỹ thuật công nghệ, bạn hãy sử dụng các phần mềm nguồn mở để tạo ra chúng. Ví dụ, sử dụng bộ phần mềm các công cụ văn phòng nguồn mở LibreOffice và/hoặc OpenOffice để tạo ra các tài liệu văn bản, bảng tính hoặc trình chiếu như là các tài nguyên giáo dục mở để sử dụng trong các khóa học mở.
  3. Đặc tính nguồn tài nguyên. Các tài nguyên mở có thể ở dạng:
    1. Các hàng hóa công cộng. Bất kỳ ai cũng có khả năng sử dụng chúng. Ví dụ, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng các bộ phần mềm các công cụ văn phòng nguồn mở như được nêu ở trên, hoặc vô số các tài nguyên giáo dục mở, các khóa học mở có trên Internet hiện nay.
    2. Nguồn của các hàng hóa mở. Ví dụ, vì các tài nguyên giáo dục mở đều có các giấy phép mở đi kèm, vì thế cho phép những người sử dụng được tùy biến thích nghi nội dung của tài nguyên đó để tạo ra các sản phẩm mới. Các sản phẩm mới này lại có khả năng được những người sử dụng khác tùy biến thích nghi để tiếp tục lại tạo ra những sản phẩm mở mới khác, và cứ tiếp tục lặp đi lặp lại như thế.
Để nắm được rõ hơn những ảnh hưởng của tính mở lên giáo dục đại học, hãy tham khảo tài liệu 'Tóm tắt chính sách - Tính mở ảnh hưởng tới giáo dục đại học như thế nào' của các tác giả Neil Butcher và Sarah Hoosen thuộc Viện UNESCO về Công nghệ Thông tin trong Giáo dục (UNESCO IITE) xuất bản năm 2014. Tài liệu này đề cập tới các khái niệm cơ bản như: (1) Hiểu về tính mở; (2) Hiểu về 'MỞ' trong giáo dục; (3) Tính mở ảnh hưởng như thế nào tới thực hành của việc dạy và học; (4) Ảnh hưởng của tính mở lên nghiên cứu; (5) Ảnh hưởng của tính mở lên chính sách giáo dục đại học; (6) Kết luận (về ảnh hưởng của tính mở lên giáo dục đại học).

 
4. Các nguyên tắc cơ bản của OER
Các nguyên tắc cơ bản của OER cũng là các nguyên tắc của xuất bản mở. Một số người cho rằng có 5 nguyên tắc cơ bản, trong khi một số khác chỉ nêu 4 trong 5 nguyên tắc đó, thường chúng được gọi là 4R hoặc 5R vì chúng đều bắt nguồn từ các ký tự đầu R trong tiếng Anh. Ở đây, chúng ta sẽ nêu 5 nguyên tắc, đó là:
  1. Reuse - Sử dụng lại: mức cơ bản nhất về tính mở. Mọi người được phép sử dụng tất cả hoặc một phần tác phẩm cho các mục đích của riêng họ (ví dụ, tải về video giáo dục để xem vào thời gian rỗi);
  2. Redistribution - Phân phối lại: mọi người có thể chia sẻ tác phẩm với những người khác (ví dụ, gửi một bài báo số bằng thư điện tử cho đồng nghiệp);
  3. Revise - Làm lại: mọi người có thể tùy biến thích nghi, sửa đổi, dịch, hoặc thay đổi tác phẩm (ví dụ, lấy một cuốn sách tiếng Anh và dịch nó sang tiếng Việt);
  4. Remix - Pha trộn: lấy 2 hoặc nhiều tài nguyên đang tồn tại và kết hợp chúng để tạo ra 1 tài nguyên mới (ví dụ, lấy các bài giảng tiếng nói từ khóa học này và kết hợp chúng với các slide từ khóa học khác để tạo ra tác phẩm phái sinh mới);
  5. Retain - Giữ lại: Không có các hạn chế quản lý các quyền số - DRM (Digital Rights Management); nội dung là của bạn để giữ, bất kể bạn là tác giả, giáo viên hay sinh viên đang sử dụng tư liệu đó.
Để có thói quen chia sẻ dùng chung các tài nguyên giáo dục là một việc không dễ, nhưng để nhận biết và sử dụng có chủ ý OER theo đủ các nguyên tắc của nó còn khó hơn nhiều, ngay cả trong khu vực giáo dục.

 
5. Các thách thức sư phạm của OER
Dưới đây liệt kê các thách thức sư phạm mà từng giáo viên, nhà giáo dục, gia sư, nhà nghiên cứu có thể cân nhắc trong thực hành giáo dục của mình với OER:
  1. Nhận thức đúng về OER và có khả năng định vị tìm kiếm OER
  2. Tìm kiếm có chủ đích OER để chia sẻ với những đồng nghiệp khác
  3. Chỉ sử dụng lại OER như nó hiện đang có (sao chép để sử dụng)
  4. Làm lại OER (như tùy biến bằng việc dịch, thêm các ví dụ vào các OER có sẵn)
  5. Pha trộn OER (như việc kết hợp vài OER có sẵn để tạo thành một OER mới)
  6. Duy trì OER (như việc giữ lại các bản sao hợp pháp của tư liệu)
  7. Phân phối lại OER (như việc chia sẻ cởi mở với những người khác)
Chúng ta đang khuyến cáo các tác nhân khác nhau trong khu vực giáo dục làm việc với OER. Một câu hỏi được đặt ra là: vì sao lại là OER hay OER có thể mang lại lợi ích gì?

 
6. Vì sao nên sử dụng OER?
Một lần nữa, Bộ Giáo dục Mỹ khi phát động chiến dịch khuyến khích các trường học 'Đi với Mở' (#GoOpen) bằng OER vào ngày 29/10/2015, đã nêu trên website của mình, rằng OER có lợi cho các trường học, đặc biệt là chúng giúp:
  1. Gia tăng sự bình đẳng: Tất cả các sinh viên có sự truy cập tới các tư liệu học tập chất lượng cao với nội dung thích hợp & cập nhật nhất vì các OER có thể được phân phối tự do cho bất kỳ ai.
  2. Tiết kiệm tiền - Việc chuyển sang các OER cho phép các trường học tái mục đích tiền đầu tư cho các sách giáo khoa tĩnh vào các nhu cầu cấp bách khác, như việc đầu tư để chuyển sang học tập số. Trong một vài khu trường, việc thay thế chỉ một cuốn sách giáo khoa đã tiết kiệm hàng chục ngàn USD sẵn sàng cho các mục đích khác.
  3. Giữ cho nội dung thích hợp và chất lượng cao - các cuốn sách giáo khoa truyền thống bị lỗi thời vĩnh viễn, ép các khu trường tái đầu tư phần đáng kể ngân sách của họ vào việc thay thế chúng. Các điều khoản sử dụng các OER cho phép các nhà giáo dục duy trì chất lượng và sự thích hợp các tư liệu của họ nhờ các cập nhật liên tục.
  4. Trang bị cho các giáo viên - Các OER trang bị cho các giáo viên như những nhà chuyên nghiệp sáng tạo bằng việc trao cho họ khả năng tùy biến thích nghi các tư liệu học tập để đáp ứng được các nhu cầu của các sinh viên của họ mà không vi phạm các luật bản quyền.
Cũng như bất kể một vấn đề nào, đặc biệt với những điều mới mẻ như OER, sẽ không chỉ có những điểm mạnh với những điều lợi lộc, mà còn có cả những điểm yếu, không chỉ có những thách thức như được nêu ở trên với nhiều tác nhân khác nhau trong khu vực giáo dục, mà còn cả những cơ hội cho họ nữa.
Một phân tích các điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức như vậy có thể tham khảo trong tài liệu nói về chiến lược OER của trường đại học Nam Phi trong giai đoạn 2014-2016. Cùng với phân tích đó là các biện pháp để hạn chế các điểm yếu và các thách thức, cũng như để phát huy những điểm mạnh và các cơ hội.

 
7. Các dạng giáo dục mở
Trong phần định nghĩa về giáo dục mở nêu trên, chúng ta đã thấy rằng OER chỉ là một dạng giáo dục mở. Bên dưới là liệt kê ngắn gọn, không có phân tích chi tiết, các dạng giáo dục mở, bao gồm cả OER:
  1. Tài nguyên giáo dục mở - OER, định nghĩa như được nêu ở trên.
  2. Giáo dục cho tất cả: giáo dục phổ thông, cao đẳng và đại học tự do hoặc chi phí rất thấp sẵn sàng cho bất kỳ ai trong một quyền tài phán đặc thù, thường trước hết được cấp tiền từ nhà nước;
  3. Truy cập mở tới các khóa học hoặc chương trình giáo dục: có hoặc không có tín chỉ; các khóa học trực tuyến mở đại chúng - MOOC (Massive Online Open Course) có thể là những ví dụ tốt.
  4. Sách giáo khoa mở: các sách giáo khoa được làm cho sẵn sàng tự do trên trực tuyến để những người học sử dụng.
  5. Nghiên cứu mở: theo đó các tài liệu nghiên cứu được làm cho sẵn sàng trên trực tuyến, có khả năng tải về tự do;
  6. Dữ liệu mở: dữ liệu được mở ra cho bất kỳ ai để sử dụng, sử dụng lại, và phân phối, chỉ tuân theo, nhiều nhất, yêu cầu ghi công cho (các) tác giả và chia sẻ.
Trong số các dạng giáo dục mở nêu ở trên, các dạng như OER, sách giáo khoa mở, các tài liệu nghiên cứu mở và dữ liệu mở đều có chung một đặc tính, là chúng đều mang theo một giấy phép mở hay giấy phép tư liệu mở, điều sẽ được trình bày dưới đây.

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm103
  • Hôm nay8,893
  • Tháng hiện tại581,755
  • Tổng lượt truy cập37,383,329
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây