Hành trình đi tới Truy cập Mở đầy đủ và tức thì ở Liên minh châu Âu tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu - vài gợi ý cho Việt Nam

Thứ hai - 29/07/2019 05:29
Hành trình đi tới Truy cập Mở đầy đủ và tức thì ở Liên minh châu Âu tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu - vài gợi ý cho Việt Nam
 
 
Bài viết cho Hội thảo ‘Tối ưu hóa quản trị tri thức số: chính phủ – doanh nghiệp – thư viện’ do Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU – LIC) kết hợp với Liên Chi hội Thư viện Đại học Khu vực phía Bắc (NALA); Liên Chi hội Thư viện Đại học phía Nam (VILASAL) và Thư viện trường Đại học Nha Trang (NTU) tổ chức ở Nha Trang 25-26/7/2019.
Bài đăng trên kỷ yếu hội thảo các trang 596-609
----------------------------------------------------------------------------------------
Tóm tắt: Truy cập Mở đầy đủ và tức thì tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu ở Liên minh châu Âu (EU) là một con đường dài nhiều năm với vài mô hình thí điểm ở các giai đoạn thời gian khác nhau và với các chính sách tương ứng của EU/Ủy ban châu Âu (EC) cho từng giai đoạn đó. Việt Nam có thể học được gì từ cách tiếp cận của EU/EC về Truy cập Mở vì lợi ích phát triển của mình.
----------------------------------------------------------------------------------------

 
1. Đặt vấn đề
Tháng 9/2018, một nhóm các nhà cấp vốn nghiên cứu quốc gia và châu Âu, gọi là Liên minh S (cOAlition S) đã đưa ra thông báo về: Kế hoạch S - Tăng tốc chuyển đổi quá độ sang Truy cập Mở đầy đủ và tức thì tới các xuất bản phẩm khoa học[1], với nguyên tắc chính là như sau:
Sau ngày 01/01/2020 các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ các trợ cấp nghiên cứu được nhà nước cấp vốn do các hội đồng và các cơ quan cấp vốn nghiên cứu quốc gia và châu Âu cung cấp, phải được xuất bản trên các Tạp chí tuân thủ Truy cập Mở hoặc trên các Nền tảng tuân thủ Truy cập Mở”.
Được biết, sau một giai đoạn lấy ý kiến góp ý công khai trên mạng, thời hạn đã được lùi 1 năm sang sau ngày 01/01/2021[2], trùng với thời điểm bắt đầu chương trình mới về nghiên cứu và cách tân của Ủy ban châu Âu, chương trình Horizon Europe[3], giai đoạn 2021 – 2027.
Trước khi đi vào chi tiết các bước đi của Ủy ban châu Âu trên con đường dài hướng tới Kế hoạch S này, dưới đây sẽ nêu lại khái niệm Truy cập Mở và vài thông tin có liên quan.

 
2. Khái niệm Truy cập Mở
Định nghĩa truy cập mở của UNESCO[4] là như sau:
Với “truy cập mởtới tài liệu, chúng tôi ngụ ý sự sẵn sàng tự do của nó trên Internet công cộng, cho phép bất kỳ ai đọc, tải về, phân phối, in, tìm kiếm, hoặc liên kết tới các văn bản toàn văn của tài liệu đó, khai thác sâu chúng để đánh chỉ mục, truyền chúng như dữ liệu tới các phần mềm, hoặc sử dụng chúng vì bất kỳ mục đích hợp pháp nào khác, không có các rào cản về tài chính, pháp lý, hoặc kỹ thuật khác với các rào cản không thể tách rời khỏi việc giành được sự truy cập tới bản thân Internet.
Điều kiện tiên quyết để một tài liệu trở thành mở là nó phải được cấp phép mở, vì việc cấp phép mở cho tài liệu sẽ làm cho nó trở nên hợp pháp khi được chia sẻ rộng rãi ở dạng số trên Internet. Bằng cách đó, tài liệu được cấp phép mở và ở dạng số đó mới có khả năng để được bất kỳ ai chia sẻ và sử dụng lại một cách hợp pháp qua Internet.
Hệ thống cấp phép mở phổ biến nhất trên thế giới hiện nay là Creative Commons, viết tắt là CC. Việc cấp phép mở bằng CC, như trên Hình 1, chia tài liệu mở thành các dạng khác nhau: (1) tài nguyên truy cập mở; (2) tài nguyên giáo dục mở; và (3) dữ liệu mở; và từng trong số 3 loại tài liệu mở đó đều có những định nghĩa riêng của nó.
Lưu ý: Có định nghĩa tài liệu “MỞ” còn khắt khe hơn rất nhiều so với định nghĩa ở trên, như định nghĩa của Open Definition[5], nó nêu như sau:
Mở ngụ ý bất kỳ ai cũng có thể tự do truy cập, sử dụng, sửa đổi, và chia sẻ vì bất kỳ mục đích gì (tuân thủ, nhiều nhất, các yêu cầu giữ lại nguồn gốc và tính mở”.
Theo định nghĩa này, một tài liệu MỞ là tương ứng với tài liệu dạng dữ liệu mở trên Hình 1.
Ngày nay, các tài liệu mở hay các tài liệu được cấp phép mở có thể là các tài liệu với các dạng nội dung đa đạng khác nhau như: (1) văn bản; (2) hình ảnh; (3) âm thanh; (4) video - đa phương tiện; (5) dữ liệu; và cả (6) phần mềm (dù tài liệu văn bản phần mềm thường được cấp phép mở với các giấy phép khác với của CC). Tất cả các dạng nội dung này, đều là các đối tượng quản lý của các thư viện, đặc biệt là các thư viện số, trong kỷ nguyên số ngày nay.

Hình 1. Phân loại các tài liệu mở theo hệ thống cấp phép mở Creative Commons[6]

 
Còn dưới đây là quan điểm của Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội và Cơ sở Thư viện[7] - IFLA (International Federation of Library Associations and Institutions) về Truy cập Mở:
Truy cập mở bây giờ là cái tên được biết tới như là khái niệm, phong trào và mô hình kinh doanh, mục tiêu của nó là để cung cấp truy cập và sử dụng lại tự do tri thức khoa học ở dạng các bài báo nghiên cứu, các chuyên khảo, dữ liệu và các tài liệu có liên quan. Truy cập mở làm điều này bằng việc dịch chuyển các mô hình kinh doanh thịnh hành hiện nay khi những người thuê bao thanh toán sau xuất bản sang mô hình cấp vốn không lấy tiền của các độc giả hoặc các cơ sở của họ để có được sự truy cập. Vì thế, truy cập mở là vấn đề cơ bản trong chương trình nghị sự thông tin của IFLA.
3. Truy cập Mở - sự tiến hóa qua từng giai đoạn và chính sách tương ứng ở châu Âu
Từ các tài liệu do Ủy ban châu Âu xuất bản, có thể thấy truy cập mở ở châu Âu đã trải qua các bước và giai đoạn như sau:
3.1 Giai đoạn chương trình khung số 7 (Framework Programme 7) các năm 2007-2013
Trong giai đoạn này, Ủy ban châu Âu (EC) đã có thí điểm truy cập mở[8] với tóm tắt như sau:
  • Phạm vi của chương trình thí điểm. Sử dụng 20% ngân sách của chương trình FP7 cho thí điểm truy cập mở trong 7 lĩnh vực được chọn gồm: (1) Năng lượng; (2) Môi trường; (3) Y tế; (4) Công nghệ thông tin và truyền thông - các hệ thống nhận thức, tương tác, người máy; (5) Các hạ tầng nghiên cứu - các hạ tầng điện tử; (6) Khoa học Xã hội; và (7) Các khoa học Kinh tế - Xã hội và Nhân văn.
  • Dạng kết quả nghiên cứu cho truy cập mở. Thí điểm này chỉ nhấn mạnh tới các xuất bản phẩm nghiên cứu, chưa có đề cập tới dữ liệu nghiên cứu nằm bên dưới các xuất bản phẩm đó.
  • Các dạng truy cập mở
    • Xuất bản Truy cập Mở (Open Access Publishing) hay còn được gọi là Truy cập Mở Vàng - Gold OA (Gold Open Access): các khoản phí xử lý bài báo - APC (Article Processing Charges) không do người sử dụng trả, mà do các tác giả trả (thực tế thường do các cơ quan cấp vốn hỗ trợ cho họ) hoặc các nguồn khác (thường là các thư viện đại học). Dạng xuất bản này được các tạp chí truy cập mở và các tạp chí “lai” chào (các tạp chí dựa vào thuê bao chào cho các tác giả lựa chọn trả tiền cho bài báo của họ để sẵn sàng là truy cập mở). Nó đảm bảo rằng các bài báo nghiên cứu là sẵn sàng tức thì theo chế độ truy cập mở ngay khi chúng được xuất bản.
    • Tự lưu trữ (Self-archiving) hay còn được gọi là Truy cập Mở Xanh - Green OA (Green Open Access): các tác giả ký gửi các bản thảo được rà soát lại ngang hàng các bài báo của họ vào các kho (còn được gọi là các lưu trữ mở – Open Archives), sẽ là sẵn sàng ở chế độ truy cập mở, đôi khi sau một giai đoạn cấm vận để cho phép các nhà xuất bản lấy lại các khoản đầu tư của họ.
  • Cơ chế thanh toán từ EC. Thí điểm truy cập mở này của FP7 là dựa vào truy cập mở “xanh” (tự lưu trữ). EC cũng đưa ra cơ hội cho truy cập mở “vàng” trong FP7 bằng việc đền bù toàn bộ các chi phí xuất bản truy cập mở trong quá trình diễn ra các dự án nghiên cứu của FP7.
  • Yêu cầu ký gửi
    • Bài báo cuối cùng được xuất bản: phiên bản cuối cùng của tài liệu của nhà xuất bản, bao gồm tất cả các sửa đổi từ quy trình rà soát lại ngang hàng, sửa bản sao và sửa phong cách, và các thay đổi về định dạng (thường là một tài liệu PDF). Được kỳ vọng rằng xuất bản phẩm trên một tạp chí truy cập mở sẽ dẫn tới một bài báo cuối cùng đang được ký gửi được xuất bản và sẵn sàng khi xuất bản; hoặc
    • Bản thảo cuối cùng được rà soát lại ngang hàng: bản thảo cuối cùng của tài liệu được rà soát lại ngang hàng được chấp nhận để xuất bản trên tạp chí, bao gồm tất cả các sửa đổi từ quy trình rà soát lại ngang hàng, nhưng còn chưa được nhà xuất bản đó định dạng (còn được tham chiếu tới như là phiên bản “sau in” - Post-Print).
  • Bản quyền tác giả. Ở những nơi các bài báo sẽ được xuất bản trên các tạp chí không phải truy cập mở, các bên hưởng lợi (trên thực tế thường là các nhà nghiên cứu) nên khẳng định rằng bản quyền và các điều kiện cấp phép của các tạp chí được lựa chọn cho phép tuân thủ với thí điểm truy cập mở trong FP7.
  • Nơi ký gửi. Kho của cơ sở hoặc kho theo chủ đề, hoặc kho do EC tạo ra.
  • Giai đoạn cấm vận. Xuất bản phẩm sẽ được làm thành truy cập mở trong vòng 6 hoặc 12 tháng, phụ thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu theo FP7.
3.2 Giai đoạn chương trình Horizon 2020 các năm 2014-2020
Nhiều thông tin chi tiết về truy cập mở trong giai đoạn này được nêu trong vài tài liệu được các cơ quan ở châu Âu xuất bản[9] [10] với các chi tiết được tóm tắt như sau:
  • Phạm vi của chương trình. Giai đoạn này đặc trưng bằng việc truy cập mở tới không chỉ vài lĩnh vực được lựa chọn, mà tất cả các lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
  • Dạng kết quả nghiên cứu cho truy cập mở.
    • Truy cập mở tới tất cả các xuất bản phẩm khoa học được rà soát lại ngang hàng cùng với siêu dữ liệu thư mục (bao gồm thông tin cấp vốn của EU), chủ yếu là các bài báo, nhưng cũng khuyến khích áp dụng truy cập mở cho: (1) các chuyên khảo; (2) sách; (3) kỷ yếu hội nghị; (4) các tư liệu xám (tư liệu được viết và được xuất bản không chính thức; không được các nhà xuất bản khoa học kiểm soát, như, các báo cáo).
Điều 29.2 của Thỏa thuận Trợ cấp với những người nhận trợ cấp. “Theo Horizon 2020, từng bên hưởng lợi phải đảm bảo truy cập mở - thông qua một kho - tới tất cả các xuất bản phẩm khoa học được rà soát lại ngang hàng có liên quan tới các kết quả dự án (bao gồm không chỉ các bài báo trên tạp chí, mà còn cả các kỷ yếu hội nghị và các xuất bản phẩm văn bản dài như các chuyên khảo, các chương sách, các tuyển tập có biên tập, .v.v.). Truy cập phải được cung cấp hoặc tới phiên bản được xuất bản hoặc tới bản thảo cuối cùng được rà soát lại ngang hàng được chấp nhận để xuất bản. Để đáp ứng được yêu cầu này, các bên hưởng lợi phải đảm bảo rằng các xuất bản phẩm đó có thể đọc được trên trực tuyến, tải về được và in được (truy cập không mất tiền, trên trực tuyến cho bất kỳ người sử dụng nào). Các bên hưởng lợi cũng được khuyến khích cung cấp các quyền xa hơn có thể làm cho chúng thậm chí hữu dụng hơn (như, quyền sao chép, phân phối, tìm kiếm, liên kết, đào sâu và khai thác).”

Hình 2[11]. Truy cập Mở tới xuất bản phẩm khoa học và dữ liệu nghiên cứu trong ngữ cảnh phổ biến và khai thác rộng lớn hơn

 
    • Thí điểm truy cập mở tới dữ liệu nghiên cứu thông qua Thí điểm Dữ liệu Nghiên cứu Mở - ORD Pilot (Open Research Data Pilot), tuân thủ các nguyên tắc dữ liệu tìm kiếm được, truy cập được, tương hợp được, sử dụng lại được – FAIR (Findable, Accessible, Interoperable, Reusable). Các ví dụ dữ liệu nghiên cứu bao gồm các số liệu thống kê, các kết quả thí nghiệm, các phép đo, các quan sát là kết quả từ làm việc trên hiện trường, các kết quả khảo sát, các bản ghi phỏng vấn và các hình ảnh.
  • Các dạng truy cập mở. Vẫn sử dụng truy cập mở vàng và truy cập mở xanh, nhưng được phân thành bước rõ ràng với mục đích để kết quả nghiên cứu luôn được lưu trữ dài hạn và truy cập mở được.
    • Hướng dẫn của chương trình Horizon 2020 có 2 bước: (1) Bước 1: Ký gửi các xuất bản phẩm vào kho; (2) Bước 2: Cung cấp truy cập mở tới các xuất bản phẩm.
    • Hướng dẫn của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu có 3 bước: (1) Bước 1: Ký gửi các xuất bản phẩm vào các kho (lưu trữ trên trực tuyến); (2) Lựa chọn dạng truy cập mở vàng hoặc xanh; (3) Cung cấp truy cập mở tới các xuất bản phẩm.
  • Cơ chế thanh toán của EC. Duy trì cơ chế thanh toán đền bù toàn bộ các chi phí xuất bản Truy cập Mở Vàng trong quá trình diễn ra các dự án nghiên cứu của Horizon 2020.
  • Bản quyền tác giả. Trong tất cả các trường hợp, EC khuyến khích các tác giả giữ lại bản quyền của họ và trao các giấy phép thích hợp cho các nhà xuất bản. Sử dụng các giấy phép Creative Commons như là công cụ pháp lý tốt để cung cấp truy cập mở theo nghĩa rộng rãi nhất của nó (như CC BY).
  • Sử dụng các mã nhận diện thường trực duy nhất. Để quản lý, lần vết, thừa nhận ghi công tác giả và trích dẫn tài nguyên số được tốt, các mã nhận diện thường trực duy nhất được sử dụng, như mã nhận diện đối tượng số DOI (Digital Object Identifier); mã nhận diện các nhà nghiên cứu / những người đóng góp sáng tạo – ORCID (Open Researcher and Contributor ID); hay DataCite cho các mã nhận diện dữ liệu.
3.3 Kế hoạch S với chương trình Horizon Europe các năm 2021 - 2027
Vì thời hạn hiệu lực của Kế hoạch S sau khi đã có sửa đổi điều chỉnh là sau ngày 01/01/2021 và có thể còn có những sửa đổi tiếp nữa, bên dưới đây nêu những điều được dự kiến triển khai để phục vụ cho mục đích so sánh các giai đoạn khác nhau của bài viết này, dựa vào tài liệu hướng dẫn của nhóm các nhà cấp vốn cOAlition S[12].
  • Phạm vi của chương trình. Truy cập mở tới tất cả các lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
  • Dạng kết quả nghiên cứu cho Truy cập Mở. Truy cập mở tới cả các xuất bản phẩm nghiên cứu, dữ liệu nằm bên dưới và các siêu dữ liệu đầy đủ thông tin đi kèm bài báo.
  • Các dạng truy cập mở. Không ưu tiên cho bất kỳ con đường truy cập mở nào, miễn là đáp ứng các yêu cầu của cOAlition S về truy cập mở đầy đủ và tức thì.
  • Cơ chế thanh toán. Không trang trải APC cho xuất bản truy cập mở lai, trừ phi có thỏa thuận chuyển đổi quá độ. Nói cách khác, ‘mô hình xuất bản lai là không tuân thủ các nguyên tắc’ của Kế hoạch S[13].
  • Bản quyền tác giả. Nhóm cOAlition S yêu cầu các tác giả phải ở vị thế đăng các xuất bản phẩm của họ lên một nền tảng hoặc tạp chí tuân thủ do họ lựa chọn, và có khả năng sử dụng lại nội dung theo bất kỳ cách gì họ thấy phù hợp. Nhóm cOAlition S cũng khuyến cáo các tác giả cấp các giấy phép Creative Commons cho:
    • Các xuất bản phẩm nghiên cứu, bao gồm cả dữ liệu nghiên cứu: khuyến cáo giấy phép CC BY, nhưng cũng chấp nhận cả các giấy phép CC BY-SA và CC0 để tối đa hóa sử dụng lại các bài báo.
    • Siêu dữ liệu mức bài báo: cấp giấy phép CC0 hoặc hiến tặng vào phạm vi công cộng.
  • Sử dụng các mã nhận diện thường trực duy nhất. Các tạp chí và các nền tảng phải sử dụng mã nhận diện đối tượng số DOI cùng với việc đánh số phiên bản trong trường hợp có sửa lại.
4. Vài nhận xét về truy cập mở khi so sánh 3 giai đoạn với nhau
Bảng 1. Độ phủ các đối tượng truy cập mở theo từng giai đoạn

 
Để tiến tới được Kế hoạch S như ngày nay, châu Âu có 3 giai đoạn phát triển với một vài lưu ý sau đây:
  • Đi từ thí điểm tới mở rộng ra toàn bộ. Các đối tượng chính của truy cập mở là các xuất bản phẩm - chủ yếu là các bài báo nghiên cứu, và dữ liệu nghiên cứu đều trải qua giai đoạn thí điểm ban đầu, rồi mới mở rộng ra toàn bộ.
  • Về thanh toán APC. Trong 2 giai đoạn trước Kế hoạch S, các nhà cấp vốn chấp nhận đền bù cho các nhà xuất bản APC phát sinh trong chương trình. Tuy nhiên, tới giai đoạn của Kế hoạch S, điều này đã không còn đúng nữa vì các tạp chí lai sẽ không còn nhận được tiền đền bù cho các APC nữa, ngoại trừ trường hợp có các thỏa thuận chuyển đổi quá độ với sự khẳng định của các nhà xuất bản về lộ trình chuyển đổi quá độ sang truy cập mở đầy đủ và tức thì.
  • Các con đường truy cập mở. Vì mục đích để ưu tiên lưu trữ lâu dài các kết quả nghiên cứu, việc tự lưu trữ - truy cập mở xanh, luôn được ưu tiên trước trong 2 giai đoạn đầu. Với Kế hoạch S, “các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ các trợ cấp nghiên cứu được nhà nước cấp vốn do các hội đồng và các cơ quan cấp vốn nghiên cứu quốc gia và châu Âu cung cấp, phải được xuất bản trên các Tạp chí tuân thủ Truy cập Mở hoặc trên các Nền tảng tuân thủ Truy cập Mở”.
  • Về bản quyền tác giả. Từ gợi ý cho các tác giả nên khẳng định bản quyền với FP7 cho tới khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể để các tác giả giữ lại bản quyền tác giả với Horizon 2020, cho tới khuyến cáo cấp phép Creative Commons với các giấy phép CC BY, CC BY-SA và CC0 - các giấy phép này đảm bảo các quyền tự do cao nhất cho người sử dụng như quyền chia sẻ, pha trộn và sử dụng cho các mục đích thương mại, như được minh họa trên Hình 1.
  • Về sử dụng mã nhận diện thường trực duy nhất. Không được nhắc tới trong giai đoạn của FP7; nhưng đã trở thành bắt buộc cho 2 giai đoạn sau, cả với Horizon 2020 và Horizon Europe. Cùng với các mã nhận diện thường trực duy nhất, các nguyên tắc dữ liệu FAIR cũng trở thành chủ đạo.
5. Vài gợi ý cho Việt Nam
Hình 1 cho thấy, về khía cạnh cấp phép mở, dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở có thể được xem là 2 trường hợp đặc biệt của truy cập mở. Vì vậy, nếu không giải được bài toán truy cập mở, thì tài nguyên giáo dục mở và dữ liệu mở khó có thể phát triển được trơn tru, thuận lợi.
Nhắc lại gợi ý trong bài viết[14] cho Hội thảo ‘Truy cập mở thông tin: động lực phát triển bền vững[15]’ do Khoa Thông tin - Thư viện của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/10/2016, như là điểm gợi ý tiếp theo về Truy cập Mở:
Có lẽ, việc đầu tiên Việt Nam có thể và nên làm, là thành lập một nhóm nghiên cứu có đại diện từ các bên tham gia đóng góp như các trường đại học, các nhà cấp vốn, các nhà xuất bản, và các xã hội học tập để thảo luận về hiện trạng hệ thống truyền thông nghiên cứu ở Việt Nam và cách thức để dịch chuyển hệ thống đó sang tiếp cận truy cập mở sao cho lợi ích của từng bên có thể là hài hòa ở mức tất cả các bên đều có thể chấp nhận được chăng?”
Đây là cách tiếp cận mà nhóm Finch đã làm rất thành công ở Vương quốc Anh năm 2012[16].
Chỉ sau khi có được chính sách về truy cập mở, bước tiếp sau có thể tính tới việc thí điểm truy cập mở tới các xuất bản phẩm nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu. Là quốc gia đi sau, có thể là tốt cho Việt Nam nếu thí điểm cùng lúc truy cập mở tới cả 2 đối tượng đó ở một số lĩnh vực được lựa chọn.
Trong khi chờ đợi, các hoạt động sau đây có thể được lưu ý triển khai càng sớm càng tốt:
  • Chuyển đổi số phải đi với cấp phép mở. Các tài liệu nội sinh hoặc các bài báo là kết quả của các nghiên cứu khoa học từ ngân sách nhà nước có thể là sự khởi đầu tốt. Điều kiện tiên quyết để một tài liệu trở thành mở là nó phải được cấp phép mở, vì việc cấp phép mở cho tài liệu sẽ làm cho nó trở nên hợp pháp khi được chia sẻ rộng rãi ở dạng số trên Internet, nhờ đó tài liệu mới có khả năng được sử dụng lại một cách hợp pháp.
  • Chuyển đổi số phải đi với mã nhận diện thường trực duy nhất. Các bài báo là kết quả của các nghiên cứu khoa học có thể là sự khởi đầu tốt. Các mã nhận diện thường trực duy nhất và đánh số phiên bản sẽ giúp để quản lý tốt các đối tượng số, tránh đúp bản, dễ tìm kiếm và truy cập, dễ lần vết, và quan trọng hơn, giúp cho máy đọc được (ví dụ như với mã nhận diện tài nguyên thống nhất - URI (Uniform Resource Identifier)) - một trong những đặc tính quan trọng bậc nhất trong CMCN4. Ngoài các mã nhận diện thường trực được nêu ở trên như DOI, ORCID hay DataCite, các mã khác cũng rất cần được quan tâm như URI cả ở mức quốc gia[17] và mức lĩnh vực, ngành nghề; mã nhận diện tài nguyên nghiên cứu - RRID (Research Resource Identifiers).
  • Đưa nội dung truy cập mở, cả lý thuyết và thực hành, vào chương trình giảng dạy ở các Khoa Thông tin - Thư viện. Xem gợi ý trong bài viết[18] nhân Hội thảo khoa học ‘Đào tạo ngành thông tin - thư viện trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0’ do Khoa Thông tin - Thư viện của Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 05/12/2018 tại thành phố Hồ Chí Minh.

 
Bảng chú giải
[1] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Kế hoạch S - Tăng tốc chuyển đổi quá độ sang Truy cập Mở đầy đủ và tức thì tới các xuất bản phẩm khoa học: https://www.dropbox.com/s/9758mj1voyjeyel/Plan_S-Vi-06042019.pdf?dl=0
[2] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Các nhà cấp vốn châu Âu hoãn kế hoạch truy cập mở triệt để 1 năm - tới 2021: https://vnfoss.blogspot.com/2019/06/cac-nha-cap-von-chau-au-hoan-ke-hoach.html
[3] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Ủy ban châu Âu - Thông cáo báo chí Về ngân sách dài hạn tiếp theo của EU cho các năm 2021-2027: https://www.dropbox.com/s/dh8tcr1mhkj02mg/IP-18-4041_EN_Vi-05082018.pdf?dl=0
[5] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Định nghĩa Mở: https://vnfoss.blogspot.com/2019/06/inh-nghia-mo.html
[6] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục và huấn luyện kỹ thuật và nghề nghiệp: https://www.dropbox.com/s/bbkt7x57zg60gu8/OER-in-TVET_Vi-19082018.pdf?dl=0 trang 10
[7] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Tuyên bố của IFLA về truy cập mở - làm rõ quan điểm và chiến lược của IFLA: https://www.dropbox.com/s/8twj9vmcd867np5/ifla-statement-on-open-access_Vi-11052019.pdf?dl=0
[8] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Thí điểm Truy cập Mở trong FP7: https://www.dropbox.com/s/qgmsza8bb1w2ydj/open-access-pilot_en_Vi-12052019.pdf?dl=0
[9] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Hướng dẫn của chương trình H2020 cho các Quy định về Truy cập Mở tới các Xuất bản phẩm Khoa học và Truy cập Mở tới Dữ liệu Nghiên cứu trong Horizon 2020: https://www.dropbox.com/s/oqmnpo26y71ndvi/h2020-hi-oa-pilot-guide_en_Vi-13052019.pdf?dl=0
[10] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Hướng dẫn của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu về Triển khai Truy cập Mở tới các Xuất bản phẩm Khoa học và Dữ liệu Nghiên cứu trong các dự án được Hội đồng Nghiên cứu châu Âu hỗ trợ trong Horizon 2020: https://www.dropbox.com/s/lb0i9vr3t6cl1dt/h2020-hi-erc-oa-guide_en_Vi-06052019.pdf?dl=0
[11] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Hướng dẫn của chương trình H2020 cho các Quy định về Truy cập Mở tới các Xuất bản phẩm Khoa học và Truy cập Mở tới Dữ liệu Nghiên cứu trong Horizon 2020: https://www.dropbox.com/s/oqmnpo26y71ndvi/h2020-hi-oa-pilot-guide_en_Vi-13052019.pdf?dl=0, trang 6
[12] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: cOAlition S - Làm cho Truy cập Mở đầy đủ và tức thì thành hiện thực: https://www.dropbox.com/s/qv5adcecb47g65d/271118_cOAlitionS_Guidance-Vi-10042019.pdf?dl=0
[13] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Kế hoạch S - Tăng tốc chuyển đổi quá độ sang Truy cập Mở đầy đủ và tức thì tới các xuất bản phẩm khoa học: https://www.dropbox.com/s/9758mj1voyjeyel/Plan_S-Vi-06042019.pdf?dl=0, trang 2.
[14] Lê Trung Nghĩa, 2016: Học được gì từ các chính sách truy cập mở trên thế giới: https://www.dropbox.com/s/k1hktoyp0zmjj8e/OA-Article-To-HCM-USSH-20092016.pdf?dl=0
[15] Lê Trung Nghĩa, 2016: Hội thảo ‘Truy cập mở thông tin: động lực phát triển bền vững’ tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh: https://vnfoss.blogspot.com/2016/10/hoi-thao-truy-cap-mo-thong-tin-ong-luc.html
[16] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2016: Khả năng truy cập, tính bền vững, sự xuất sắc: làm thế nào để mở rộng truy cập tới các xuất bản phẩm nghiên cứu: https://www.dropbox.com/s/a33nqbqxz31s3ck/finch-report-final-Vi-30082016.pdf?dl=0
[17] Publication Office of the European Union: Release Notes - English Erovoc version 4.5: https://www.dropbox.com/s/4ikrbcm6vrbg9z3/EuroVoc45_ReleaseNote_en.pdf?dl=0
[18] Lê Trung Nghĩa, 2018: CMCN4 và gợi ý đào tạo nhân lực ngành TT-TT với các kỹ năng và năng lực khoa học mở: https://www.dropbox.com/s/5yxddqa1a3awc2n/Library_Edu_IR4_Final.pdf?dl=0, các trang 9-11
Lê Trung Nghĩa

 
PS: Tự do tải về bài viết ở định dạng PDF:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập135
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay7,645
  • Tháng hiện tại724,672
  • Tổng lượt truy cập36,783,265
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây