Việt Nam làm gì với TPP sau những rò rỉ từ WikiLeaks?

Thứ hai - 20/01/2014 05:34
Hầu như công chúng không ai biết gì về các nội dung các vòng đàm phán của Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái bình dương – TPP (Trans-Pacific Partnership) cho tới đầu tháng 11/2013, khi mà WikiLeaks đã rò rỉ ra chương về sở hữu trí tuệ - IP (Intellectual Property) đề ngày 30/08/2013 mà 12 nước trong khu vực Thái bình dương đang tham gia đàm phán, gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, và Nhật. Sở dĩ có chuyện như vậy, là vì TPP được đàm phán trong bí mật, sau những cánh cửa đóng.
Ngay sau khi tài liệu đó bị rò rỉ, làn sóng phản đối cả ở trong và ngoài khu vực Thái bình dương ngày một gia tăng. Dưới đây là một vài bình luận, chỉ trích đối với TPP.
Nhận xét từ người đã từng viết hàng chục bài liên tục về ACTA
Cách đây không lâu, cũng đã có một hiệp định thương mại khác, Hiệp định Thương mại Chống Hàng giả - ACTA (Anti-Counterfeiting Trade Agreement), tương tự như TPP, cũng là một hiệp định đa phương với nhiều bên tham gia, cũng đã được đàm phán bí mật, sau những cánh cửa đóng, chỉ có khác là trong số các nước tham gia ký kết lần đó, rất nhiều nước là thuộc Liên minh châu Âu – EU, mà kết thúc của nó tới bây giờ thì ai cũng đã rõ. Ngày 04/07/2012 Nghị viện châu Âu, với 478 phiếu chống, 39 phiếu thuận, 146 phiếu trắng đã bác bỏ ACTA, đồng nghĩa với việc 22 trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu trước đó từng ký ACTA cũng không phê chuẩn ACTA thành luật của nước họ.
Trong số các nhà báo từng bám sát mỗi sự kiện để viết về ACTA để cung cấp thông tin cập nhật và đưa ra các chỉ dẫn đấu tranh cụ thể cho người dân châu Âu nói chung và Anh nói riêng, có nhà báo người Anh Glyn Moody, mà bạn có thể thấy được vài chục đường liên kết tới các bài viết của ông trong bài “ 'Nghi lễ cuối cùng' cho ACTA? Châu Âu từ chối hiệp định chống ăn cắp”, cũng là người có bài viết gần như ngay lập tức về TPP với đầu đề “Chương về IP của TPP bị rò rỉ, khẳng định nó còn tồi tệ hơn ACTA”, ngay sau khi chương nói về sở hữu trí tuệ - IP (Intellectual Property) của TPP đề ngày 30/08/2013 bị WikiLeaks tiết lộ trên Internet vào đầu tháng 11/2013, khi ông so sánh nội dung của 2 hiệp định đó. Sự tồi tệ hơn đó, được nêu trong bài ở các khía cạnh sau:
Tài liệu khẳng định nỗi sợ hãi rằng các bên đàm phán được chuẩn bị để mở rộng sự với tới được của các quyền sở hữu trí tuệ, và bóp lại các quyền và an toàn của người tiêu dùng.
So với các thỏa thuận đa ngôn ngữ đang tồn tại, chương về IPR của TPP đề xuất việc trao nhiều hơn các bằng sáng chế, tạo ra các quyền sở hữu trí tuệ trong dữ liệu, mở rộng các khái niệm bảo vệ bằng sáng chế và bản quyền, và gia tăng các khoản phạt vì vi phạm. Văn bản TPP bóp lại không gian cho các ngoại lệ trong tất cả các dạng của các quyền sở hữu trí tuệ. Được đàm phán trong bí mật, văn bản được đề xuất là tồi tệ cho sự truy cập tới tri thức, tồi tệ cho sự truy cập tới thuốc y dược và tồi tệ sâu sắc cho đổi mới.
Dù nhiều lĩnh vực được các đề xuất dự thảo động chạm tới - thì sự truy cập tới các thuốc y dược cứu người có thể bị che đi, trong khi phạm vi các bằng sáng chế có thể được mở rộng để bao gồm các phương pháp phẫu thuật, ví dụ - các hiệu ứng về bản quyền là đặc biệt đáng kể và đáng ngại:
Kết hợp lại, các điều khoản về bản quyền [trong TPP] được thiết kế để mở rộng các thời hạn bản quyền vượt khỏi cuộc sống cộng thêm 50 năm được thấy trong Công ước Berne, tạo ra các quyền độc quyền mới, và đưa ra các chỉ thị khá đặc biệt như làm thế nào bản quyền sẽ được quản lý trong môi trường số.
Đây là một số điểm về thời hạn mở rộng đang được đề xuất:
Đối với các thời hạn bản quyền của TPP, mức cơ sở là như sau: Mỹ, Úc, Peru, Singapore và Chile đề xuất thời hạn cuộc sống cộng thêm 70 năm cho những người bình thường. Đối với các công ty là chủ các tác phẩm, Mỹ đề xuất 95 năm các quyền độc quyền, trong khi Úc, Peru, Singapore và Chile đề xuất 70 năm cho các tác phẩm các công ty sở hữu. Mexico muốn cuộc sống cộng thêm 100 năm cho những người bình thường và 75 năm cho các tác phẩm do công ty sở hữu. Đối với các tác phẩm chưa được xuất bản, Mỹ muốn một thời hạn 120 năm.
Một vấn đề kỹ thuật hơn liên quan tới sử dụng “3 bước kiểm thử” để hành động như một ràng buộc xa hơn về những ngoại lệ có khả năng đối với bản quyền:
Ở dạng hiện hành của nó, không gian cho các ngoại lệ của TPP là ít lành mạnh hơn so với không gian được đưa ra trong hiệp định 2012 WIPO Bắc Kinh hoặc hiệp định 2013 WIPO Marrakesh, và tồi tệ hơn nhiều so với Thỏa thuận TRIPS.
Như bạn có thể mong đợi, TPP muốn sự bảo vệ mạnh cho quản lý quyền số - DRM; nhưng thậm chí ở đây, nó muốn làm cho mọi điều tồi tệ hơn chúng đang có:
Phần bản quyền cũng bao gồm ngôn ngữ tăng cường về các biện pháp bảo vệ kỹ thuật, và đặc biệt, sự tạo ra một lý do hành động riêng rẽ vì việc phá vỡ các biện pháp bảo vệ kỹ thuật. Mỹ muốn lý do hành động riêng rẽ này để mở rộng thậm chí tới các trường hợp nơi mà không có các tác phẩm có bản quyền, như trong các trường hợp các tư liệu miền công cộng, hoặc các dữ liệu không được bản quyền bảo vệ.
Điều này có thể làm nó thành bất hợp pháp để phá DRM thậm chí nếu nó từng được áp dụng cho các tư liệu trong miền công cộng - một cách có hiệu lực, đưa chúng vào một lần nữa. Cuối cùng, đáng lưu ý rằng theo phần nằm bên dưới các thiệt hại vì vi phạm bản quyền, chúng tôi đọc điều sau:
Trong việc xác định lượng các thiệt hại theo đoạn 2, các nhà chức trách pháp luật sẽ có quyền cân nhắc, ngoài những điều khác, bất kỳ biện pháp pháp lý nào về giá trị mà người nắm quyền đệ trình, có thể bao gồm mất lợi nhuận, giá trị các hàng hóa và dịch vụ bị vi phạm được đo đếm bằng giá cả thị trường, hoặc giá bán lẻ được gợi ý.
Điều này chính xác là đoạn từng được sử dụng trong ACTA. Ngắn gọn, TPP được xây dựng dựa trên ACTA một cách trực tiếp và những điều được nêu ở trên chỉ ra rằng nó còn tồi tệ hơn ACTA ở nhiều khía cạnh.
Thư ngỏ của Joe Stiglitz với 12 điều gửi các nhà đàm phán TPP
Giáo sư Stiglitz là một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng nhất trên thế giới, đã giành giải Nobel về Khoa học Kinh tế năm 2001, và trước đó đã phục vụ như là giám đốc kinh tế cho Ngân hàng Thế giới và là Chủ tịch của Hội đồng các Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Clinton, đã viết bức thư ngỏ gửi các nhà đàm phán TPP ngày 06/12/2013 với các nội dung như sau:
Về các điều khoản sở hữu trí tuệ, các nhà đàm phán nên phản đối văn bản mà có thể, trong số những điều khác:
  • làm suy yếu Tuyên bố Doha 2001 về TRIPS và Y tế Công
  • bắt buộc các mở rộng thời hạn các bằng sáng chế
  • bắt buộc giảm các tiêu chuẩn cho việc trao các bằng sáng chế về thuốc y dược
  • bắt buộc trao các bằng sáng chế về các thủ tục phẫu thuật
  • bắt buộc các nhà độc quyền 12 năm kiểm thử các dữ liệu đối với thuốc sinh học
  • bó hẹp nền tảng cho việc trao bắt buộc giấy phép về các bằng sáng chế
  • làm gia tăng các thiệt hại đối với các vi phạm các bằng sáng chế và bản quyền
  • làm giảm không gian cho các ngoại lệ như các hạn chế về các lệnh huấn thị, và
  • bó hẹp các ngoại lệ bản quyền
  • đòi hỏi cuộc sống + 70 năm bảo vệ bản quyền,
  • bắt buộc các biện pháp ép tuân thủ quá mức đối với thông tin số, và
  • nếu không sẽ hạn chế sự truy cập tới tri thức.
Tại thời điểm này, chúng ta không cần TRIPS cộng thêm một hiệp định thương mại, mà chúng ta cần một TRIPS trừ đi một hiệp định. TPP đề xuất đóng băng thành một hiệp định thương mại ràng buộc với nhiều tính năng tồi tệ nhất của các luật tồi tệ nhất ở các nước TPP, làm cho các cải cách cần thiết cực kỳ khó nếu không nói là không thể.
Tòa Thánh Vatican lên tiếng
Khi nói về TPP và các hiệp định thương mại khác như TAFTA/TTIP (Trans-Atlantic Free Trade Agreement/Transatlantic Trade and Investment Partnership) tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 vừa diễn ra tại Bali, Indonesia, từ 05-07/12/2013, Đức Tổng Giám mục Silvano M. Tomasi, Apostolic Nuncio, Nhà quan sát Thường trực của Tòa Thánh đối với Liên hiệp quốc và các Tổ chức Quốc tế khác ở Geneva, thay mặt cho Đức Giáo Hoàng Francis đã nói:
“Trong số các nhượng bộ gây thiệt hại nhất cho các nước đang phát triển được thực hiện trong các hiệp định song phương và khu vực là những nước khuyến khích các nhà độc quyền về thuốc y dược cứu người, nó làm giảm sự truy cập và khả năng kham nổi và các nước mà đưa ra các quyền pháp lý quá đáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, hạn chế không gian chính sách cho các dân tộc để thúc đẩy sự phát triển bền vững và hướng nội”.
Việc khuyến khích các nhà độc quyền trong các thuốc y dược cứu người” là một sự ăn cắp rõ ràng trong TPP, nó nhằm để làm chính xác điều đó, với những gì có khả năng sẽ là những hệ lụy khủng khiếp và thậm chí chết người đối với người nghèo trong khu vực Thái bình dương. Và mệnh đề “các quyền pháp lý quá đáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, việc giới hạn không gian chính sách cho các dân tộc để thúc đẩy sự phát triển bền vững và hướng nội” rõ ràng là một tham chiếu tới sự ép buộc của các mệnh đề quyền tối thượng của các tập đoàn trong cả TPP và TAFTA/TTIP.
Không chắc rằng sự can thiệp của Tòa Thánh trong cuộc gặp ở Bali của WTO sẽ có bất kỳ tác động trực tiếp nào lên các cuộc đàm phán hoặc của TPP hoặc của TAFTA/TTIP, nhưng nó báo hiệu về 2 sự kiện quan trọng. Sự kiện đầu, đó là Đức Giáo Hoàng Francis đang nổi lên như một người bảo vệ nhiệt thành đối với người nghèo trên thế giới, và là người không sợ phải nói sự thật thậm chí cho các quốc gia mạnh nhất; và sự kiện thứ 2, rằng sự kháng cự đối với các khía cạnh bất công và vô lý của TPP và TAFTA/TTIP tiếp tục gia tăng.
Thư ngỏ của Liên minh Hiệp định Công bằng (Fair Deal Coalition) của New Zealand gửi cho những người ra quyết định về TPP của Chính phủ New Zealand
Liên minh đại diện cho những lợi ích của những người sử dụng Internet, các trường học, các đại học, các nghệ sĩ, các thư viện và kho lưu trữ, những người mù và khuyết tật, những người tiêu dùng, các hãng công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Internet, và những người tin tưởng vào sức mạnh của phần mềm nguồn mở và Internet mở. Họ bao gồm các nhóm của giới công nghiệp, những người bảo vệ các quyền số, các viện sĩ hàn lâm và các tổ chức quyền con người. Sau khi đưa ra hàng loạt các yêu cầu cụ thể mà họ mong muốn có trong TPP, họ khẳng định: Chúng tôi, các tổ chức ký tên dưới đây, yêu cầu về một hiệp định công bằng về bản quyền trong TPP. Như một liên minh đại diện cho một sự đa dạng các lợi ích, chúng tôi kêu gọi các bên TPP từ chối các đề xuất bản quyền mà có thể hạn chế Internet mở, truy cập tới tri thức, cơ hội kinh tế và các quyền cơ bản. Như một nhóm chúng tôi là đa dạng, nhưng chúng tôi chia sẻ một điều chung: Chúng tôi tìm kiếm các luật sở hữu trí tuệ phù hợp và cân bằng mà xúc tác cho nhiều lĩnh vực xã hội tiến hành việc kinh doanh, truy cập thông tin, giáo dục và đổi mới.
Từ điều hiện nay chỉ có ở New Zealand ...
Có lẽ những gì trình bày ở trên có thể là những gợi ý cho cả những người tham gia đàm phán cũng như các tổ chức, cá nhân có khả năng chịu tác động của TPP ở Việt Nam suy nghĩ và tham khảo để có thể đưa ra những hành động phù hợp vì lợi ích của chính mình và của Việt Nam về lâu dài, cho dù những nội dung ở trên là trải rộng rất nhiều vấn đề.
Bây giờ chúng ta sẽ nhằm vào một trong những nội dung chủ chốt nhất trong chương về IP, trong phần về bằng sáng chế, đặc biệt là về các bằng sáng chế phần mềm.
New Zealand, một trong 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, có một điều đặc biệt mà tất cả các nước còn lại không có mà các nước, đặc biệt là Việt Nam, rất cần tham khảo, đó là đã từ năm 2010, Chính phủ New Zealand có xu hướng ban hành Luật cấm các bằng sáng chế phần mềm, và vào tháng 08/2013, nghĩa là cùng thời điểm của phiên bản dự thảo chương về IP của TPP bị WikiLeaks tiết lộ được đề ngày 30/08/2013, Quốc hội New Zealand đã thông qua luật "Cấm bằng sáng chế phần mềm" với số phiếu ủng hộ áp đảo 117/4 (gần 97%).
Vì điều này, TPP với New Zealand có khả năng đi theo 3 hướng, như một số chuyên gia đồn đoán:
  1. Các đề xuất về IP đi theo con đường mà Mỹ đề xuất và luật cấm bằng sáng chế phần mềm của New Zealand buộc phải hủy bỏ. Điều sẽ thật là khó cho những người New Zealand, biết rằng Luật cấm bằng sáng chế phần mềm từng được thông qua với số phiếu áp đảo gần như tuyệt đối như được nêu trên. Nó có thể làm bùng lên một cơn bão lửa trong nền công nghiệp công nghệ bản địa và trong các nhà hoạt động xã hội trực tuyến ở New Zealand.
  2. Luật cấm bằng sáng chế phần mềm của New Zealand, luật mới nhất trong tất cả 12 quốc gia đang đàm phán, có thể được duy trì như một tiêu chuẩn khắp TPP.
  3. New Zealand và các nước khác có thể đứng dậy phản đối lại Mỹ về chương IP và bế tắc có thể xảy ra sau đó.
Như một ví dụ, người New Zealand còn tính được cụ thể rằng, “Bán lẻ các bài hát của Lorde trên iTunes của Apple cho người dân New Zealand là 2.39 USD. Tại Mỹ bán lẻ bài hát y hệt là 1.47USD, rẻ hơn 0.99 USD. Điều đó có nghĩa là người New Zealand đang trả tiền bảo hiểm 62% cho một sản phẩm được bảo vệ bằng IP”. “Việc phá vỡ các bảo vệ đó sẽ trở thành một hoạt động phạm tội, và việc mở rộng các bảo vệ thành chỉ tiêu, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ trả hơn 62% cho tất cả các hàng hóa có liên quan tới IP”.
Tới điều ít ai nghĩ tới ở Mỹ
Đối với vấn đề bằng sáng chế phần mềm, đã từ lâu nổi tiếng rằng đứng đằng sau nó hầu hết là các quỷ lùn bằng sáng chế (Patent Trolls), như đã được nêu trong nhiều bài viết trên Tin học & Đời sống trước đây (như các số tháng 10/2012, tháng 02/2012, tháng 11/2011, tháng 09/2011, tháng 07/2011, tháng 06/2010). Vì vậy, điều ít ai ngờ tới việc nước Mỹ, quốc gia đang thúc đẩy một đống các điều khoản khắt khe bao trùm bản quyền, các thương hiệu và bằng sáng chế, bao gồm cả việc yêu cầu khả năng cấp bằng sáng chế cho phần mềm và thậm chí cả các phương pháp toán học, thì ngày 05/12/2013, Hạ viện nước này lại vừa thông qua dự luật Goodlatte (do nghị sỹ Robert Goodlatte, thuộc đảng Cộng hòa bang Virginia đề xuất) nhằm kiềm chế các quỷ lùn bằng sáng chế với tỷ lệ phiếu 325/91 (78%). Cho dù cho việc này chưa phải là đã biến dự luật này thành Luật vì còn phải đi qua các bước thủ tục tiếp theo, thì đối với các nước tham gia ký kết TPP, đặc biệt là với New Zealand, cũng là điều đáng ngạc nhiên. Liệu có phải luật cấm bằng sáng chế phần mềm của New Zealand có tác động tích cực tới việc nước Mỹ đã ra tay với quỷ lùn bằng sáng chế chăng?
Còn một điều ít thấy nữa là Đại diện Thương mại Mỹ đang mong muốn Quốc hội nước này trao cho TPP quyền tàu nhanh (fast track authority) để Mỹ sớm ký kết TPP. Tuy nhiên, Don Kusler, giám đốc điều hành của Những người Mỹ vì Hành động Dân chủ (Americans for Democratic Action) ở Washington, D.C. cho rằng việc cho phép quyền tàu nhanh cho các hiệp định thương mại như TPP đang được đề xuất - được đàm phán trong bí mật - là đối lập trực tiếp với các nguyên tắc dân chủ và Hiến pháp của nước Mỹ, rằng quyền tàu nhanh và TPP là đối lập trực tiếp với ý tưởng của chủ quyền và tự quản. Ông kêu gọi các thành viên Quốc hội Mỹ nên đứng dậy vì các quyền của mình như một nhánh ngang hàng đối với chính phủ, và bảo vệ các quyền của những người Mỹ như các công dân của một nền cộng hòa dân chủ, bằng việc từ chối quyền tàu nhanh và bắt đầu qui trình biến đổi thương mại tự do thành thương mại công bằng.
Xem ra để đạt được quyền tàu nhanh là không dễ gì ở ngay nước Mỹ, dù nó vẫn là một mối đe dọa.
Thay cho lời kết
Dù thế nào đi chăng nữa, thì TPP cũng đã không gói lại được rồi trong năm 2013. Có lẽ đó lại là một điều may, nhất là cho Việt Nam, kể từ khi xuất hiện chương về IP bị rò rỉ từ WikiLeaks vào đầu tháng 11, sự phản đối đã cảm nhận được ở nhiều nơi, kể cả ở các nước trong và ngoài khu vực Thái bình dương. Hy vọng là những người đàm phán của chúng ta có thể học được rất nhiều từ những phản đối đó để chọn ra những điều có lợi nhất cho Việt Nam, kể cả khả năng không ký TPP.
Có rất nhiều người có khả năng bị ảnh hưởng vì TPP, như ông chủ của WikiLeaks, Julian Assange đã nói vào tháng 11/2013: “Nếu bạn đọc, viết, xuất bản, nghĩ, nghe, nhảy, hát hoặc sáng tạo; nếu bạn làm nông nghiệp hoặc tiêu dùng thực phẩm; nếu bạn ốm bây giờ hoặc có thể một ngày nào đó sẽ ốm, thì TPP sẽ xóa sổ bạn”.
Riêng về vấn đề bằng sáng chế phần mềm, hy vọng những người đàm phán của Việt Nam có thể học được nhiều điều từ New Zealand, để giải thoát cho bản thân mình và những người khác, nếu có, sự ám ảnh trong đầu rằng: bằng sáng chế phần mềm, một dạng của sở hữu bản thân các ý tưởng, phải là điều đương nhiên. Không, nó không là đương nhiên!!!, và người New Zealand đã chỉ cho cả thế giới một cách rõ ràng không úp mở về điều đó. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có lợi ích gì nếu phải chấp nhận các bằng sáng chế phần mềm, và bản thân Việt Nam cũng vậy.
Điều quan trọng là mọi thứ đều chưa quá muộn, vẫn còn thời gian cho tất cả mọi người bình tâm để hướng tới những điều tốt nhất.
Một năm mới hạnh phúc cho muôn nhà.
Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 1-2/2014, trang 18-21.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay28,302
  • Tháng hiện tại516,107
  • Tổng lượt truy cập36,574,700
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây