Tài liệu mở - sự hình thành tất yếu cho các thư viện và một vài gợi ý cho Việt Nam

Thứ bảy - 27/07/2019 05:37
Tài liệu mở - sự hình thành tất yếu cho các thư viện và một vài gợi ý cho Việt Nam
 
 
Bài viết cho hội thảo: “Tác động của CMCN lần thứ 4 vào lĩnh vực thư viện"
do Bộ Văn hóa - Thể theo - Du lịch tổ chức
tại Hà Nội, ngày 23/07/2019
Bài đăng trong kỷ yếu hội thảo, các trang 137-147
----------------------------------------------------------------------------------------

 
A. Khái niệm tài liệu mở
Định nghĩa tài liệu mở, ở mức độ dễ dãi nhất, là định nghĩa về tài liệu truy cập mở. Nó được UNESCO định nghĩa như sau:
Tài liệu mở là tài liệu “sẵn sàng tự do trên Internet công cộng, cho phép bất kỳ ai đọc, tải về, phân phối, in, tìm kiếm, hoặc liên kết tới các văn bản toàn văn của tài liệu đó, khai thác sâu chúng để đánh chỉ mục, truyền chúng như dữ liệu tới các phần mềm, hoặc sử dụng chúng vì bất kỳ mục đích hợp pháp nào khác, không có các rào cản về tài chính, pháp lý, hoặc kỹ thuật khác với các rào cản không thể tách rời khỏi việc giành được sự truy cập tới bản thân Internet.”[1]
Điều kiện tiên quyết để một tài liệu trở thành mở là nó phải được cấp phép mở, vì việc cấp phép mở cho tài liệu sẽ làm cho nó trở nên hợp pháp khi được chia sẻ rộng rãi ở dạng số trên Internet. Bằng cách đó, tài liệu được cấp phép mở và ở dạng số đó mới có khả năng để được bất kỳ ai chia sẻ và sử dụng lại một cách hợp pháp qua Internet.
Hệ thống cấp phép mở phổ biến nhất trên thế giới hiện nay là hệ thống Creative Commons, viết tắt là CC. Việc cấp phép mở bằng CC, như trên Hình 1, chia tài liệu mở thành các dạng khác nhau: (1) tài nguyên truy cập mở; (2) tài nguyên giáo dục mở; và (3) dữ liệu mở; và từng trong số 3 loại tài liệu mở đó đều có những định nghĩa riêng của nó.

Hình 1. Phân loại các tài liệu mở theo hệ thống cấp phép mở Creative Commons

 
Lưu ý: Có định nghĩa tài liệu “MỞ” còn khắt khe hơn rất nhiều so với định nghĩa ở trên, như định nghĩa của Open Definition[2], nó nêu như sau:
[Tài liệu] “Mở ngụ ý bất kỳ ai cũng có thể tự do truy cập, sử dụng, sửa đổi, và chia sẻ vì bất kỳ mục đích gì (tuân thủ, nhiều nhất, các yêu cầu giữ lại nguồn gốc và tính mở”.
Định nghĩa này tương ứng với định nghĩa về dữ liệu mở trên Hình 1.
Ngày nay, các tài liệu mở hay các tài liệu được cấp phép mở có thể là các tài liệu với các dạng nội dung đa đạng khác nhau như: (1) văn bản; (2) hình ảnh; (3) âm thanh; (4) video - đa phương tiện; (5) dữ liệu; và cả (6) phần mềm (dù tài liệu văn bản phần mềm thường được cấp phép mở với các giấy phép khác với của CC). Tất cả các dạng nội dung này, đều là các đối tượng quản lý của các thư viện, đặc biệt là các thư viện số, trong kỷ nguyên số ngày nay.
B. Thực trạng tài liệu mở trên thế giới
Bài viết cho hội thảo ‘Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện Việt Nam trong thời kỳ mới’ do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức tại Hà Nội ngày 05/12/2018 đã nêu nhiều chi tiết về thực trạng tài liệu mở trên thế giới mà độc giả bài viết này có thể tham khảo[3]. Vì vậy, dưới đây chỉ nêu tóm tắt lại các điểm chính từ bài viết đó và bổ sung thêm các thông tin mới cho tới nay, chủ yếu ở châu Âu và nước Mỹ.
B1. Châu Âu và Mỹ với Khoa học Mở và Truy cập Mở
  • Ngày 28/09/2017, ‘Thông cáo của các Bộ trưởng Khoa học các nước G7’ thừa nhận, khẳng định và ủng hộ ứng dụng và phát triển khoa học mở, bao gồm việc truy cập mở tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu từ vốn cấp nhà nước.
  • Ngày 26/10/2017, Ủy ban châu Âu ra ‘Tuyên bố Đám mây Khoa học Mở châu Âu’ - EOSC (European Open Science Cloud), khẳng định tới năm 2020 sẽ làm cho tất cả các dữ liệu nghiên cứu khoa học sử dụng tiền từ khu vực nhà nước sẽ ‘mở mặc định’ theo các nguyên tắc: tìm thấy được, truy cập được, tương hợp được và sử dụng lại được - FAIR (Findable, Accessible, Interoperable, Re-usable).
  • Truy cập mở tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu ở châu Âu được thí điểm qua các giai đoạn khác nhau, từ chương trình khung số 7 – FP7[4] cho các năm 2007-2013, cho tới chương trình Horizon 2020[5] [6] cho các năm 2014-2020 (ngân sách 3 năm cuối 2018-2020 của Horizon 2020 là 30 tỷ €[7]) và chương trình Horizon Europe cho các năm 2021-2017 (ngân sách dự kiến 100 tỷ €[8]).
  • Tháng 09/2018, một nhóm các nhà cấp vốn quốc gia và châu Âu đã đưa ra ‘Kế hoạch S - Tăng tốc chuyển đổi quá độ sang Truy cập Mở đầy đủ và tức thì tới các xuất bản phẩm khoa học[9]’, theo đó sau ngày 01/01/2021[10] các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ các trợ cấp nghiên cứu được nhà nước cấp vốn do các hội đồng và các cơ quan cấp vốn nghiên cứu quốc gia và châu Âu cung cấp, phải được xuất bản trên các Tạp chí tuân thủ Truy cập Mở hoặc trên các Nền tảng tuân thủ Truy cập Mở (ban đầu dự kiến là sau ngày 01/01/2020).
  • Nước Mỹ với chính sách truy cập mở và tài nguyên giáo dục mở.
    • Thông tin chung về ‘Truy cập Mở trong chính phủ Mỹ’ có thể tham khảo trong phần có cùng tên của tài liệu được xuất bản năm 2016[11], và dưới đây là trích đoạn nhỏ từ nó:
Vào năm 2013, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ - OSTP (Office of Science and Technology Policy) của Nhà Trắng đã ban hành bản ghi nhớ chỉ thị rằng các cơ quan Liên bang với hơn 100 triệu USD chi tiêu trong R&D cần phát triển các kế hoạch để làm cho các kết quả được xuất bản từ nghiên cứu được liên bang cấp vốn là sẵn sàng tự do cho công chúng trong vòng 1 năm xuất bản. Cuối năm 2013, Nhà Trắng đã chỉ thị rằng thông tin của chính phủ phải vừa “mở” và vừa “máy đọc được”. Vào tháng 03/2014, chính quyền đã ban hành bản ghi nhớ về các bộ sưu tập khoa học với chỉ thị sau đây:
d) Khi sẵn sàng và ở những nơi không bị luật hạn chế, làm cho truy cập được tự do và dễ dàng cho công chúng tất cả các tệp số với độ trung thực và độ phân giải sẵn sàng cao nhất, bao gồm, nhưng không bị hạn chế tới, các ảnh chụp, video, và các mô hình 3D số, và các bản ghi và tài liệu có liên quan, mô tả hoặc mô tả đặc điểm các đối tượng trong các bộ sưu tập khoa học do chính phủ quản lý.
Trong khu vực giáo dục, OSTP của Nhà Trắng và Bộ Giáo dục - ED (Department of Education) Mỹ đang làm việc về nhận diện các cơ hội triển khai các chính sách truy cập mở để thông báo các sáng kiến chính phủ mở của Chính quyền, bao gồm Kế hoạch Hành động Quốc gia về Chính phủ Mở, nó sẽ tác động tới các điều khoản có liên quan tới các trợ cấp được Bộ Giáo dục trao.”
    • Hiện tại, 27/51 bang của nước Mỹ có chính sách về giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở, sách giáo khoa mở, hoặc truy cập mở[12].
    • Bộ Giáo dục Mỹ, từ 2015 cho tới nay, có chương trình #GoOpen hỗ trợ các bang và các khu trường chuyển sang sử dụng các tài nguyên được cấp phép mở để biến đổi việc dạy và học. Tới nay đã có: (1) 95 khu trường đi với #GoOpen; (2) 23 khu trường đại sứ #GoOpen (làm mẫu cho các khu trường khác đi với #GoOpen); (3) 20 bang #GoOpen.
B2. Chính sách truy cập mở trên thế giới
  • Tới Quý I/2019 đã có 746 tổ chức nghiên cứu có chính sách truy cập mở, trong khi tới Quý IV/2018 con số đó chỉ là 732, tăng thêm 14 tổ chức, như được minh họa trên Hình 2.
  • Không chỉ có chính sách cho khoa học mở, truy cập mở, giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở, dữ liệu mở, mà còn cả cho OpenGLAM với các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ và viện bảo tàng mở nữa - OpenGLAM (Galleries, Libraries, Archives, & Museums). OpenGLAM có thể làm mất đi một số quyền và doanh thu tái tạo lại, nhưng nó lại mở ra các cơ hội có doanh thu khác từ cấp phép thương hiệu và gây quỹ, trong khi sứ mệnh truyền bá nội dung của GLAM có thể đạt được ở mức toàn cầu, điều các mô hình cũ hầu như khó mà đạt được[13].

Hình 2. Chính sách truy cập mở trên thế giới cho tới Quý I/2019

 
C. Thực trạng tài liệu mở ở Việt Nam và một vài gợi ý
  • Tổng quan và đánh giá về bức tranh tài liệu mở ở Việt Nam. Tham khảo tài liệu Hội thảo quốc tế ‘Đề xuất chính sách thúc đẩy tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học Việt Nam’ diễn ra tại Hà Nội ngày 28/09/2016[14].
  • Văn hóa chia sẻ và định kiến xã hội cần có sự thay đổi, cải thiện
    • Văn hóa chia sẻ. Các cơ sở, bao gồm cả các thư viện các dạng khác nhau, ít có sự chia sẻ tài liệu với nhau, dù ở dạng giấy hay số.
    • Định kiến về ‘Tiền nào của nấy’. Định kiến này có khắp trong xã hội. Một mặt, trong kỷ nguyên số, nó không còn đúng nữa, khi mà việc nhân bản các tài nguyên số trên Internet, thực tế, có chi phí bằng không (0) hoặc tiệm cận tới 0. Định kiến này là khó thay đổi một sớm một chiều. Mặt khác, trên thực tế, đã có các tài liệu chứng minh chi phí xử lý một bài báo số có lúc bị/được các nhà xuất bản nâng lên tới 15 lần (từ 200 USD/bài báo lên thành 3.000 USD/bài báo) và trong một số trường hợp, chính phủ có thể trả tới 4 lần tiền để có được kết quả nghiên cứu từ tiền của những người đóng thuế[15].
  • Hạ tầng pháp lý cần được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số
    • Chuyển đổi số không đi với cấp phép mở. Đây là điều rất cơ bản, nhưng chưa tồn tại ở Việt Nam. Việc không cấp phép mở cho tài liệu sẽ làm cho tài liệu đó không là tài liệu mở và không thể sử dụng, sử dụng lại và chia sẻ hợp pháp trên Internet. Trên thực tế, nhiều thư viện tiến hành số hóa nhưng không thể/không dám chia sẻ vì sợ vi phạm bản quyền tác giả.
    • Cấp phép mở không phù hợp với định nghĩa dạng tài liệu mở được thế giới thừa nhận. Ví dụ: dữ liệu mở cần được cấp phép để có khả năng chia sẻ, pha trộn và thương mại hóa được, nhưng trong thực tế nó lại được cấp phép giấy phép CC BY-NC, một giấy phép cấm sử dụng cho các mục đích thương mại.
    • Không có chính sách về truy cập mở. Việc không có chính sách về truy cập mở cản trở ứng dụng và phát triển các dạng tài liệu mở khác, bao gồm cả dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở. Như được minh họa trên Hình 1, dữ liệu mở và tài nguyên giáo dục mở có thể được xem như các trường hợp đặc biệt của truy cập mở. Chính sách truy cập mở cần tới sự đồng thuận và hài hòa hóa lợi ích của tất cả các bên liên quan như các thư viện, viện - trường nghiên cứu, nhà nghiên cứu, nhà cấp vốn, nhà xuất bản. Tham khảo tài liệu hội thảo ‘Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện Việt Nam trong thời kỳ mới’ do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức ngày 05/12/2018 tại Hà Nội để có thông tin về đề xuất chính sách cho truy cập mở và tài nguyên giáo dục mở[16].
  • Hạ tầng kỹ thuật cần được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số
    • Chuyển đổi số không đi với mã nhận diện thường trực duy nhất ở mức toàn cầu. Đây là điều rất cơ bản, nhưng chưa tồn tại ở Việt Nam. Việc không có các mã nhận diện thường trực duy nhất gắn cho các đối tượng số, sẽ dẫn tới sự đúp bản, không có khả năng quản lý, lần vết khi ứng dụng và phát triển các đối tượng số và vì vậy không có khả năng để giảm ‘đạo văn’; và quan trọng hơn, trong CMCN4, để máy hiểu được mà không cần có sự can thiệp của con người. Ví dụ, các quốc gia tiên tiến sử dụng hàng loạt các mã nhận diện thường trực duy nhất cho các đối tượng số như: (1) mã nhận diện tài nguyên thống nhất - URI (Uniform Resource Identifier) cả ở mức quốc gia[17] và mức lĩnh vực, ngành nghề; (2) mã nhận diện đối tượng số - DOI (Digital Object Identifier), ví dụ, cho các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu; (3) mã nhận diện các nhà nghiên cứu / những người đóng góp sáng tạo – ORCID (Open Researcher and Contributor ID); (4) mã nhận diện tài nguyên nghiên cứu - RRID (Research Resource Identifiers), .v.v. Đây có lẽ là công việc khổng lồ và không thể thiếu sự tham gia của ngành thư viện trong chuyển đổi số và tiếp cận CMCN4, khi nhiều công nghệ quan trọng đương thời dựa vào dữ liệu đều cần tới chúng để phát triển như Internet của vạn vật (IoT), trí tuệ nhận tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data).
    • Các tài liệu số không được cung cấp ở định dạng mở. Điều này gây ra các khó khăn về tính tương hợp liên thông giữa các tài liệu. Định dạng mở là định dạng không đặt ra các hạn chế, tiền bạc hoặc khác, khi sử dụng nó và có thể được xử lý đầy đủ ít nhất bằng một công cụ phần mềm tự do nguồn mở[18].
    • Xây dựng các kho tài nguyên số nhưng không có khả năng kết nối với nhau. Để khắc phục điều này, phần mềm kho nên là phần mềm nguồn mở và sử dụng các tiêu chuẩn mở, không phụ thuộc vào nhà cung cấp và không để các tài nguyên mở bị khóa trói và/hoặc làm con tin cho bất kỳ nhà cung cấp nào. Có thể hiểu đơn giản, tiêu chuẩn mở là tiêu chuẩn mà bất kỳ tệp số nào sử dụng nó thì sẽ không phụ thuộc vào phần mềm tạo ra chính tệp số đó.
  • Giáo dục/huấn luyện các kỹ năng mở hầu như chưa có ở bất kỳ cơ sở giáo dục nào. Cần cấp bách thay đổi thực tế này.
    • Giáo dục/huấn luyện về truy cập mở. Nên đưa các nội dung về truy cập mở vào giảng dạy, tối thiểu, ở các cơ sở giáo dục đại học có các khoa thông tin - thư viện, như các tài liệu về truy cập mở của UNESCO dành cho các thư viện và các nhà nghiên cứu[19], cả các nội dung lý thuyết và thực hành.
    • Giáo dục/huấn luyện về tài nguyên giáo dục mở. Trong năm 2018, UNESCO đã xuất bản tài liệu ‘Khung năng lực CNTT-TT cho giảng viên của UNESCO[20]’, phiên bản 3 (ICT CFT v3), nhằm vào 3 khía cạnh: (1) giành được tri thức; (2) đào sâu tri thức; và (3) tạo lập tri thức; Một trong các năng lực cơ bản các giảng viên cần phải có là tài nguyên giáo dục mở. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đưa nội dung tài nguyên giáo dục mở, cả lý thuyết và thực hành, vào trong chương trình giảng dạy các cấp học.
    • Triển khai giáo dục/huấn luyện về tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở trong thực tế. Từ cuối năm 2014 cho tới nay đã có nhiều hội thảo, tọa đàm, trình bày demo để nâng cao nhận thức về tài nguyên giáo dục mở và/hoặc truy cập mở trong ngành thư viện, chủ yếu với các thư viện đại học. Phần lớn các hoạt động này cho tới nay mang tính tự phát, trong khi chính phủ chưa có chính sách cụ thể nào về truy cập mở và/hoặc tài nguyên giáo dục mở. Bên cạnh các hoạt động nâng cao nhận thức ở trên, cũng đã có các lớp tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở / truy cập mở theo sáng kiến ‘Tạo video truy cập mở’ sạch về bản quyền nhằm thực hành tìm kiếm, sử dụng, sửa đổi, pha trộn, tạo lập, cấp phép mở, chia sẻ mở video được cấp phép mở thông qua các công cụ phần mềm nguồn mở - không có các rào cản về tài chính, pháp lý và kỹ thuật - các yêu cầu cơ bản của truy cập mở. Cho tới nay, số lượng người tham gia các lớp tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở còn chưa nhiều, như được minh họa ở Bảng 1, và số người sau tập huấn thực sự có khả năng tạo lập được các video truy cập mở sạch về bản quyền chắc sẽ còn ít hơn nữa. Hy vọng trong tương lai gần, các lớp tập huấn như vậy sẽ có tổ chức hơn, thường xuyên diễn ra hơn với phạm vi rộng lớn hơn.
Bảng 1. Các lớp tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở cho tới tháng 6/2019[21]

 
D. Kết luận
Tất cả mọi con đường đều dẫn tới giáo dục. CMCN4, một cuộc cách mạng tri thức, chỉ có thể thành công ở Việt Nam khi và chỉ khi nó dựa được vào hơn 20 triệu người đang hàng ngày sống, học tập và làm việc trong khu vực giáo dục, khu vực ‘nguyên khí của quốc gia’, những người có khả năng nhất để giành được tri thức, đào sâu tri thức, và sáng tạo tri thức cần thiết để đáp ứng các nhu cầu của CMCN4. Mặt khác, để CMCN4 có thể thành công, Việt Nam cần đi với MỞ để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, để hàng chục triệu người Việt Nam có thể giành được tri thức với giá thành thấp nhất; để các giảng viên và sinh viên có khả năng trở thành những người sáng tạo ra tri thức mới dựa trên các tri thức sẵn có và được cấp phép mở của nhân loại chứ không chỉ đơn thuần sử dụng thụ động các tri thức đó; và để đứng được trên vai của những người khổng lồ - khi các cộng đồng mở của Việt Nam phát triển cùng và không tách rời khỏi các cộng đồng mở của thế giới.
Và vai trò của ngành thư viện trong việc ứng dụng, phát triển, thúc đẩy và quảng bá tài liệu và tri thức MỞ trong toàn xã hội nói chung, trong giáo dục nói riêng, là quan trọng và không thể thiếu.

 
E. Các chú giải
[2] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Định nghĩa Mở: https://vnfoss.blogspot.com/2019/06/inh-nghia-mo.html
[3] Lê Trung Nghĩa, 2018: Phát triển nguồn tài liệu mở, yêu cầu tất yếu để xây dựng thư viện điện tử / thư viện số trong CMCN4: https://vnfoss.blogspot.com/2018/12/phat-trien-nguon-tai-lieu-mo-yeu-cau.html
[4] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Thí điểm Truy cập Mở trong FP7: https://www.dropbox.com/s/qgmsza8bb1w2ydj/open-access-pilot_en_Vi-12052019.pdf?dl=0
[5] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Hướng dẫn của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu về Triển khai Truy cập Mở tới các Xuất bản phẩm Khoa học và Dữ liệu Nghiên cứu: https://www.dropbox.com/s/lb0i9vr3t6cl1dt/h2020-hi-erc-oa-guide_en_Vi-06052019.pdf?dl=0
[6] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Hướng dẫn của Chương trình H2020 cho các Quy định về Truy cập Mở tới các Xuất bản phẩm Khoa học và Truy cập Mở tới Dữ liệu Nghiên cứu trong Horizon 2020: https://www.dropbox.com/s/oqmnpo26y71ndvi/h2020-hi-oa-pilot-guide_en_Vi-13052019.pdf?dl=0
[8] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Ủy ban châu Âu - Thông cáo báo chí Về ngân sách dài hạn tiếp theo của EU cho các năm 2021-2027: https://www.dropbox.com/s/dh8tcr1mhkj02mg/IP-18-4041_EN_Vi-05082018.pdf?dl=0
[9] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Kế hoạch S - Tăng tốc chuyển đổi quá độ sang Truy cập Mở đầy đủ và tức thì tới các xuất bản phẩm khoa học: https://www.dropbox.com/s/9758mj1voyjeyel/Plan_S-Vi-06042019.pdf?dl=0
[10] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Các nhà cấp vốn châu Âu hoãn kế hoạch truy cập mở triệt để 1 năm - tới 2021: https://vnfoss.blogspot.com/2019/06/cac-nha-cap-von-chau-au-hoan-ke-hoach.html
[11] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Tác động của Truy cập Mở lên các Phòng trưng bày, Thư viện, Viện bảo tàng, và Kho lưu trữ: https://www.dropbox.com/s/mft6tugip0b9792/2016_03_10_OpenCollections_Public-Vi-05062019.pdf?dl=0, xem phần ‘Truy cập Mở trong chính phủ Mỹ’.
[13] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Tác động của Truy cập Mở lên các Phòng trưng bày, Thư viện, Viện bảo tàng, và Kho lưu trữ: https://www.dropbox.com/s/mft6tugip0b9792/2016_03_10_OpenCollections_Public-Vi-05062019.pdf?dl=0
[14] Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Báo cáo khảo sát tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học Việt Nam: https://www.dropbox.com/s/17whfe5tcpeetzx/OER_Survey_VN_2016.pdf?dl=0
[15] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Tạp chí Quốc tế về Phúc lợi: Câu chuyện thành công của Truy cập Mở: https://www.dropbox.com/s/7w5yv3j8j6omcok/the-international-journal-of-wellbeing-an-open-acc_Vi-29012019.pdf?dl=0
[16] Lê Trung Nghĩa, 2018: Phát triển nguồn tài liệu mở, yêu cầu tất yếu để xây dựng thư viện điện tử / thư viện số trong CMCN4: https://vnfoss.blogspot.com/2018/12/phat-trien-nguon-tai-lieu-mo-yeu-cau.html, phần D2. Kiến nghị và đề xuất.
[17] Tài liệu mô tả URI của Vương quốc Anh, phiên bản 4.5 năm 2016: https://www.dropbox.com/s/4ikrbcm6vrbg9z3/EuroVoc45_ReleaseNote_en.pdf?dl=0
[18] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2019: Định nghĩa Mở, phiên bản 2.1: https://vnfoss.blogspot.com/2019/06/inh-nghia-mo-phien-ban-21.html, mục 1.4 Định dạng Mở.
[19] Lê Trung Nghĩa, 2018: CMCN4 và gợi ý đào tạo nhân lực ngành TT-TV với các kỹ năng và năng lực khoa học mở: https://www.dropbox.com/s/5yxddqa1a3awc2n/Library_Edu_IR4_Final.pdf?dl=0, phần D. Gợi ý nội dung đào tạo nhân lực ngành thông tin thư viện với các kỹ năng và năng lực khoa học mở cần thiết, các trang 9-11.
[20] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Khung năng lực CNTT-TT cho giảng viên của UNESCO, phiên bản 3: https://www.dropbox.com/s/xgnx8ji27w48fuc/265721e_Vi-27112018.pdf?dl=0
[21] Thông tin chi tiết về các khóa học có thể tìm trên https://vnfoss.blogspot.com/; các bài có ngày tập huấn tương ứng với cột ‘Thời gian’.

 
Lê Trung Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay5,932
  • Tháng hiện tại107,644
  • Tổng lượt truy cập31,263,116
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây