Bao giờ Microsoft Office mới thực sự hỗ trợ OOXML?

Thứ hai - 16/06/2008 06:50
Kể từ tháng 09/2005, khi Khối cộng đồng Massachusetts đã công bố rằng định dạng tài liệu mở ODF, mà kể từ tháng 02/2005 đã là một tiêu chuẩn của Tổ chức vì sự Tiến bộ của các Tiêu chuẩn có Cấu trúc – OASIS (Organization for the Advancement of Structured Information Standards) phải được sử dụng cho các tài liệu văn phòng như văn bản, bảng tính hay trình chiếu, thì Microsoft đã vội vàng đệ trình đặc tả kỹ thuật định dạng tài liệu của riêng hãng được sử dụng trong bộ phần mềm Office 2007 lên Hiệp hội các nhà sản xuất máy tính châu Âu – ECMA(European Computer Manufacturers Association) đề nghị được tiêu chuẩn hoá. Và nó nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn OOXML ECMA 376 vào tháng 12/2006. Cũng trong tháng này, Microsoft đã vội vã đệ trình bản đặc tả kỹ thuật của OOXML ECMA 376 lên Tổ chức Tiêu chuẩn Quôc tế ISO với mong muốn OOXML ECMA 376 càng nhanh càng tốt trở thành một tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế này.

Đầu tháng 04/2008, sau một năm rưỡi trời chiến đấu với đủ mọi cách chưa từng có trong lịch sử tiêu chuẩn hoá của ISO, OOXML đã thu nhận đủ số phiếu bầu chọn từ các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia trên thế giới tại một cuộc họp quyết định có biểu quyết BRM (Ballot Resolution Meeting) đầy tranh cãi để trở thành một tiêu chuẩn của OOXML ISO/IEC 29500 một cách “chưa chính thức”.

Sở dĩ nói “chưa chính thức” là vì theo luật lệ của ISO/IEC thì nếu trong vòng 60 ngày tiếp theo sau cuộc họp BRM ở trên, nếu không có bất kỳ cơ quan tiêu chuẩn quốc gia nào là thành viên nhóm P (Participating) kháng án lên ISO/IEC thì OOXML mới được công bố chính thức là tiêu chuẩn OOXML ISO/IEC 29500.

Tiếc là đến thời hạn chót vào ngày 30/05/2008 vừa qua, ISO/IEC đã nhận được 4 đơn kháng án, bắt đầu là của Nam Phi, sau tới của Brazil, Ấn Độ và Venezuela, đó là chưa kể tới những scandal như tại Đan Mạch, Thuỵ Điển, Balan, Anh, Malaysia... và nhất là tại Nauy, khi mà người đứng đầu Uỷ ban Kỹ thuật của cơ quan tiêu chuẩn Nauy đã từ chức và tổ chức biểu tình tuần hành để phản đối quyết định bỏ phiếu thuận cho OOXML của ... chính quốc gia mình.

Cũng theo luật lệ của ISO/IEC thì những người đứng đầu các tổ chức này sẽ có 30 ngày để xem xét và thoả hiệp với các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia có kháng án. Nếu thoả hiệp không thành thì các kháng án sẽ được tiếp tục giải quyết tại các cơ quan trên. Như vậy có thể chắc chắn một điều rằng cho tới hết tháng 06/2008, OOXML chưa thể trở thành một tiêu chuẩn chính thức của ISO/IEC được.

Ở một khía cạnh khác, điều ngạc nhiên là ngày 21/05/2008 vừa qua, Microsoft đã tuyên bố (xem http://www.microsoft.com/Presspass/press/2008/may08/05-21ExpandedFormatsPR.mspx) hỗ trợ ODF trong phiên bản Microsoft Office 2007 Service Pack 2 dự kiến sẽ được tung ra vào giữa năm 2009 và phiên bản này sẽ chưa có hỗ trợ định dạng OOXML của chính Microsoft đề xuất và đã được ISO/IEC chấp thuận. Vấn đề là ở chỗ phiên bản hiện hành của Microsoft Office 2007 không hỗ trợ bản đặc tả kỹ thuật của OOXML mà ISO/IEC đã thông qua vào đầu tháng 04/2008 vừa qua và cũng sẽ không có trong phiên bản Microsoft Office 2007 SP2 được hứa hẹn sẽ được tung ra vào giữa năm 2009.

Trong quá trình tranh đấu để OOXML có thể nhận được đủ số phiếu bầu để có thể trở thành một tiêu chuẩn ISO/IEC, nhiều người cho rằng không có hãng nào khác, ngoài Microsoft có thể triển khai được định dạng OOXML này. Còn nay, khi mà ngay cả Microsoft cũng chưa thể xác định được khi nào Microsoft Office mới triển khai hỗ trợ được OOXML nếu nó “chính thức” trở thành một tiêu chuẩn ISO/IEC thì mọi người càng thấy mờ mịt về triển vọng của cái gọi là tiêu chuẩn OOXML ISO/IEC 29500.

Có thể, những người sử dụng Microsoft Office 2007 và các phiên bản tiếp sau không cần quan tâm tới định dạng tiêu chuẩn nào được sử dụng, và có thể đây cũng chính là mục đích của Microsoft chỉ cần có được con dấu của ISO/IEC cho định dạng của riêng họ để bán được hàng cho các chính phủ mà không cần quan tâm tới lợi ích của các chính phủ, của người sử dụng, tới tính tương hợp của các tài liệu văn phòng, một trong những yếu tố sống còn đối với việc lưu trữ dài lâu các tài liệu của các chính phủ và sử dụng để trao đổi một cách thông suốt trong các dịch vụ chính phủ điện tử.

Hãy cảnh giác!

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 06/2008, trang 42.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm101
  • Hôm nay2,414
  • Tháng hiện tại632,131
  • Tổng lượt truy cập32,110,457
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây