Việc hỗ trợ các trình điều khiển thiết bị trong các hệ điều hành GNU/Linux

Thứ năm - 22/01/2009 07:14
Cho tới tận bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng các hệ điều hành GNU/Linux hỗ trợ các trình điều khiển thiết bị ngoại vi là còn kém, rằng rất nhiều các thiết bị như máy scanner, card mạng không dây hay các ổ USB và nhiều thứ khác không chạy được trong các hệ điều này tự do nguồn mở này. Thực tế hiện nay liệu có phải là như vậy hay không? Câu trả lời là “Không, hoàn toàn không”.

Thực tế hiện nay GNU/Linux là hệ điều hành hàng đầu trên các máy tính nhúng và nó chiếm tới 80% trong số 500 siêu máy tính hàng đầu trên toàn cầu, là hệ điều hành duy nhất và không thể thay thế của Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA, là hệ điều hành được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ, trong các thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới như New York và Tokyo, là hệ điều hành bắt buộc sử dụng trong các cơ quan chính quyền và/hoặc các cơ sở giáo dục tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay trên thế giới.

Vào tháng 05/2007, hãng Dell, khi đó là nhà sản xuất và cung cấp máy tính đứng hàng thứ 2 trên thế giới đã quyết định xuất xưởng một số chủng loại máy tính cá nhân xách tay và để bàn của hãng có cài đặt sẵn hệ điều hành GNU/Linux Ubuntu, một hệ điều hành được bảo trợ từ hãng Canonical có trụ sở đóng tại Luân Đôn, nước Anh.

Kể từ đó cho tới tháng 11/2008, tất cả các hãng sản xuất máy tính hàng đầu thế giới xếp hạng từ 1-6 đều đã có bán các chủng loại máy tính cá nhân xách tay và để bàn của mình có cài đặt sẵn các hệ điều hành GNU/Linux. Đó là HP, Dell, Lenovo, Acer, Asus và Toshiba, mà HP là hãng lớn nhất và cũng là hãng gần đây nhất thực hiện điều này. Bên cạnh đó còn là hàng loạt các nhà phân phối máy tính cỡ nhỏ khác trên khắp thế giới tham gia vào thị trường này trên phạm vi toàn thế giới. Việc các hãng sản xuất và phân phối máy tính cá nhân tung ra thị trường các máy tính của họ có cài đặt sẵn các hệ điều hành GNU/Linux chứng tỏ một điều rõ ràng rằng họ đang hỗ trợ các trình điều khiển thiết bị ngoại vi cho tất cả các sản phẩm được tung ra thị trường của họ.

Bên cạnh các nhà sản xuất máy tính, còn phải kể tới các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như Intel, AMD và Via đều sản xuất các loại chip có hỗ trợ cho GNU/Linux, thậm chí những dòng chip chỉ thuận lợi cho GNU/Linux như Atom của Intel.

Trong nửa cuối năm 2008 này, chúng ta còn chứng kiến sự ra đời và thâm nhập một cách ào ạt như thuỷ triều vào thị trường của các thiết bị kết nối Internet, được biết tới như các thiết bị Internet di động MID (Mobile Internet Devices), hay các netbook, nettop đủ loại khác nhau, mà rất nhiều trong số đó là những thiết bị sử dụng hệ điều hành GNU/Linux. Và một lần nữa, tất cả các hãng sở hữu các thiết bị này đều hỗ trợ các trình điều khiển các thiết bị ngoại vi cho tất cả các sản phẩm được tung ra thị trường của họ.

Nếu như một năm trước đây, việc hỗ trợ các trình điều khiển cho webcam và không dây còn chưa được tốt, thì hiện nay, nhiều nhà sản xuất phần cứng đang mở các trình điều khiển không dây của họ (như Atheros) hoặc sẽ hỗ trợ rất tốt (như Intel và Marvell), thậm chí mặc dù các trình điều khiển của một số hãng như Broadcom là đóng, nhưng họ cũng đã chào các trình điều khiển cho Linux.

Kroah-Hartman, một chuyên gia về lập trình phát triển nhân Linux, trong một cuộc phỏng vấn hấp dẫn với O'Reilly Media, nói ông có bằng chứng rằng hiện nay Linux hỗ trợ nhiều thiết bị hơn bất kỳ hệ điều hành nào khác.

Hiện nay còn có một dự án nguồn mở chuyên giải quyết vấn đề về các trình điều khiển thiết bị cho hệ điều hành GNU/Linux tại địa chỉ: http://www.linuxdriverproject.org/twiki/bin/view đang chào đón các công ty phần cứng trên thế giới để viết và duy trì các trình điều khiển hỗ trợ cho GNU/Linux của họ với số lượng ban đầu khoảng 300 lập trình viên.

Đúng vào ngày Noel, 25/12/2008, Linus Torvalds, người sáng lập ra nhân Linux của các hệ điều hành GNU/Linux đã có một món quà đầy ý nghĩa để tặng cho những người sử dụng hệ điều hành GNU/Linux trên toàn thế giới, một phiên bản mới 2.6.28 cho nhân Linux. Ngoài những tính năng khác được mở rộng trong nhân Linux mới này, thì nhiều trình điều khiển các thiết bị ngoại vi đã được cải tiến, đặc biệt cho USB và các thiết bị không dây.

Có thể nói rằng GNU/Linux đang hỗ trợ một đa số khổng lồ các thiết bị ngoại vi. Người sử dụng không phải lo về đa số khổng lồ này, cho dù trong thực tế vẫn có những trường hợp đặc biệt xảy ra khi một thiết bị ngoại vi nào đó không thể chạy được vì không có trình điều khiển nào đó, nhưng những trường hợp đặc biệt này, nếu xảy ra, thì cũng xảy ra cả với các hệ điều hành khác như Windows, Mac OS X và/hoặc Unix, nhất là đối với những phiên bản phần mềm và phần cứng mới ra đời.

Câu chuyện GNU/Linux không hỗ trợ tốt các trình điều khiển thiết bị ngoại vi rõ ràng là câu chuyện của “ngày xưa”.

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 01/2009, trang 64-65

Xem thêm bài: "Linux hỗ trợ nhiều thiết bị hơn bất kỳ hệ điều hành nào khác" theo:http://blog.360.yahoo.com/blog-LU.CUQA9b6gRyol5jVT.?p=2826

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay16,204
  • Tháng hiện tại589,066
  • Tổng lượt truy cập37,390,640
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây