Vấn đề tổng chi phí sở hữu trong các hệ thống công nghệ thông tin mở và đóng

Chủ nhật - 14/12/2008 08:00
Ngày 14/11/2008, tại khách sạn Horizon, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo về phần mềm tự do nguồn mở (FOSS) nằm trong chương trình hợp tác của dự án FOSS-Bridge do Cộng đồng châu Âu và Bộ Hợp tác Phát triển Kinh tế CHLB Đức tài trợ, được thực hiện bởi Viện Công nghệ thông tin (IOIT) – Việt Nam, Tổ chức Nâng cao Năng lực Quốc tế (InWEnt) – Đức và Viện Nghiên cứu Quốc gia về công nghệ thông tin và Tự động hoá (INRIA) – Pháp, có nhiệm vụ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các tổ chức xúc tiến trung gian của Việt Nam những cơ hội và đối tác FOSS của châu Âu, các mô hình kinh doanh cũng như hình mẫu phát triển FOSS phù hợp.

Trong phần hỏi đáp tại hội thảo, một đại biểu tham dự đề nghị các diễn giả so sánh giữa các hệ thống mở sử dụng FOSS với các chuẩn mở và các hệ thống đóng sử dụng phần mềm sở hữu độc quyền và các chuẩn đóng về tổng chi phí sở hữu (TCO), trong đó có nhấn mạnh tới vấn đề rằng cho dù FOSS có lợi thế là chi phí bản quyền phần mềm là bằng không (0) thì chi phí cho các dịch vụ đi kèm như đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi... lại có thể chưa chắc là thấp hơn so với giải pháp của các hệ thống đóng với các phần mềm sở hữu độc quyền và các chuẩn đóng đã được sử dụng một cách quen thuộc từ nhiều năm qua. Đây cũng chính là vấn đề vẫn còn gây tranh cãi nhiều trên thế giới, chứ không riêng gì tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, trong TCO còn chưa tính tới một dạng chi phí rất quan trọng, đó là chi phí để thoát ra khỏi một hệ thống.

Với các hệ thống mở

Giả thiết rằng có một hệ thống nào đó, đã và đang sử dụng FOSS với các chuẩn mở. Do bản chất tự nhiên của FOSS là tự do sử dụng, phân phối, sửa đổi mã nguồn và phân phối lại các mã nguồn sửa đổi của các phần mềm, cùng với việc sử dụng các chuẩn mở với những đặc tả kỹ thuật luôn có sẵn, được quản lý và phát triển của một tổ chức phi lợi nhuận, được xây dựng theo một qui trình mở với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất và cung cấp, của các cộng đồng nguồn mở, được sử dụng trong nhiều triển khai cài đặt từ những nhà sản xuất và cung cấp khác nhau dẫn tới việc chi phí để thoát khỏi hệ thống này để chuyển sang một hệ thống khác, với những nhà cung cấp khác với chi phí là không đáng kể về mặt kỹ thuật và cả về mặt bảo tồn các thông tin, vốn là thứ qúi giá nhất của người sử dụng, thứ mà nhiều khi được tích cóp từ năm này qua năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác, thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Với các hệ thống đóng

Ngược lại, với một hệ thống đóng, sử dụng các tiêu chuẩn sở hữu độc quyền thì sẽ khác. Bạn hãy thử tưởng tượng, lúc ban đầu, khi mọi thông tin còn ở dạng giấy, thì ai cũng còn có thể đọc được, hiểu được và lưu trữ được, dù có phải chống chọi lại với sự tàn phá của thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết như tại Việt Nam chúng ta.

Cho tới một ngày, ai đó tới, giải thích cho bạn về sự tiện ích và hiện đại của công nghệ, bạn chuyển toàn bộ những thông tin ở dạng giấy đó sang dạng điện tử để lưu trữ, trao đổi và sử dụng với mọi mục đích mà bạn muốn. Với thời đại thông tin như hiện nay, ai cũng hiểu, điều này là thuận lợi hơn rất nhiều so với khi mọi thông tin còn nằm trên giấy.

Chỉ có điều, do bản chất đóng của nó, dẫn tới việc bạn không có cách gì để mà chắc chắn, rằng các thông tin của bạn ngày hôm nay ở dạng điện tử còn có thể đọc được, hiểu được sau 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu:

  • Nhà sản xuất thay đổi các định dạng, tiêu chuẩn sở hữu độc quyền của họ vì bất kỳ lý do gì, thậm chí trong 10 năm có thể là 2-3 lần như đã từng xảy ra trong thực tế? Và cứ mỗi lần thay đổi định dạng tiêu chuẩn thì bạn sẽ phải mất bao nhiêu chi phí để chuyển đổi các tài liệu? Và nếu các công cụ chuyển đổi đó sẽ được rao bán với giá gấp X lần so với bản thân các phần mềm tạo ra các thông tin đó (thậm chí cả chính phần mềm tạo ra các thông tin đó được bán với giá gấp X lần so với giá ban đầu), mà giá trị X này bạn không có cách gì để biết trước được?

  • Nhà sản xuất biến mất do bất kỳ lý do gì? Ví dụ như phá sản chẳng hạn? Bạn đừng bao giờ nói chắc rằng hãng A, B, C nào đó không thể bị phá sản được, đặc biệt khi mà cuộc suy thoái kinh tế hiện đang diễn ra trên thế giới đã chỉ ra, thậm chí những ngân hàng hoặc hãng bảo hiểm hàng đầu thế giới, hàng đầu quốc gia với số vốn lên tới hàng trăm hay hàng ngàn tỷ USD đều có thể bị phá sản như thường. Và trong trường hợp điều này xảy ra, liệu các thông tin của bạn có còn đọc được nữa hay không? Bạn lưu ý rằng, để chuyển đổi các dữ liệu được lưu trữ theo một tiêu chuẩn đóng, thì người làm công cụ chuyển đổi phải biết được đặc tả kỹ thuật của cái tiêu chuẩn đóng đó một cách hoàn toàn và đầy đủ mới có thể (chứ chưa phải là chắc chắn) xây dựng được công cụ chuyển đổi hữu hiệu một cách tương/tuyệt đối. Và tới khi đó, cái giá để chuyển đổi một cách bắt buộc, vì không còn cách nào khác, sang một hệ thống khác, thì chi phí sẽ là bao nhiêu? Liệu có còn là tổng chi phí sở hữu TCO như bây giờ bạn đang tưởng tượng và/hoặc người ta nói với bạn hay không?

Còn một điều nữa rất cần đuợc lưu ý, rằng tiền để chi cho các dịch vụ được tạo ra xung quanh hệ thống mở với FOSS và các chuẩn mở sẽ là tiền để chi cho các công ty bản địa là chính, chứ nó không bị chảy ra ngoài biên giới như khi ta mua những giấy phép bản quyền phần mềm sở hữu độc quyền (dù đôi khi là cần thiết trong những tình huống cụ thể), là để trả thuế cho cả các chính phủ của những quốc gia khác, bằng tiền đóng thuế của người dân và các doanh nghiệp bản địa.

Lời kết

Chúng ta có thể và có trách nhiệm đóng góp cho các cộng đồng các hệ thống mở với FOSS và các tiêu chuẩn mở trong tương lai, nếu chúng ta chọn con đường đó vì những lợi ích to lớn, không thể kể xiết mà chúng đem lại cho chúng ta. Còn hiện tại, khi chúng ta còn chưa làm được những việc đó, thì chúng ta vẫn còn có cơ hội để lựa chọn chúng để từ nay trở đi sử dụng và đóng góp cho FOSS và các tiêu chuẩn mở cho các hệ thống thông tin của quốc gia mình, đơn vị mình, công ty mình vì lợi ích lâu dài của chính chúng ta.

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống số tháng 12/2008, trang 64

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập110
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay7,958
  • Tháng hiện tại332,209
  • Tổng lượt truy cập31,810,535
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây