Khởi đầu của thời kỳ này có thể kể đến là sự ra đời chậm và tình hình triển khai không được như ý của Windows Vista, một phiên bản hệ điều hành mà mãi tới tận hơn 6 năm sau ngày phiên bản trước nó là Windows XP mới ra đời được, trong khi những sản phẩm tiền nhiệm của nó thì nhiều nhất là trong vòng 2-3 năm đã phải ra đời để thay thế các phiên bản cũ trước đó rồi.
Theo thống kê của Forrester Research Inc. vừa được công bố nhân sự kiện Hội nghị Nguồn mở – OSCON tại Portland, Oregon, Mỹ từ 21-25/07/2008 vừa qua, mức độ triển khai Windows Vista trong các doanh nghiệp lớn mới chỉ đạt ở mức dưới 10% (cụ thể là 1/11, xem: http://computerworld.com/action/article.do?command=viewArticleBasic&articleId...) sau hơn một năm rưỡi Vista tồn tại. Theo một báo cáo khảo sát khác thì việc bán Windows cho các máy tính cá nhân giảm 24%, một trong những nguyên nhân làm cho cổ phiếu của Microsoft đã giảm 11% trong năm nay (http://blog.360.yahoo.com/blog-LU.CUQA9b6gRyol5jVT.?p=1433).
Sự yếu kém của Vista đã trở thành cơ hội tốt cho các đối thủ Mac OS X và GNU/Linux phát triển nhanh chóng không ngờ. Theo một nghiên cứu mới đây thì hệ điều hành GNU/Linux cài đặt sẵn đã bán được là 2,8% tất cả các máy tính cá nhân được mua tại nước Anh trong tháng 06/2008 so với 0,1% thị phần của GNU/Linux trên máy tính cá nhân vào tháng 01/2007, thời điểm mà Microsoft tung ra Windows Vista, là một bước thăng tiến vượt bậc của GNU/Linux tại nơi vốn được coi là sân chơi của riêng Microsoft. Còn đối với Apple Mac OS X, trong quý vừa qua hãng này đã bán được nhiều máy Mac hơn bất kỳ quý nào trước đó và thị phần bán hàng tại Mỹ của hãng bây giờ là tới 14%. Những con số này chỉ liên quan tới thị trường máy tính cá nhân mà trong vòng 2 thập kỷ qua vốn là nơi Microsoft hoàn toàn áp đảo, có những thời điểm lên tới 98%, nhưng đó là chưa kể tới thị trường của những thiết bị Internet di động và cầm tay đủ loại dự kiến sẽ bùng nổ vào cuối năm nay, đầu năm sau, nơi mà, như lời nhận xét của giám đốc điều hành của Intel: “nhiều hoạt động trong các thiết bị internet di động, dạng của cuộc cách mạng về thiết bị cầm tay này, đang tập trung xung quanh Linux”, chứ không phải là Windows.
Đây không còn là những năm 1990 nữa. Thị phần của Windows trên máy tính cá nhân đang bị thu hẹp lại một cách nhanh chóng chưa từng thấy. Windows bây giờ không còn là một lựa chọn đương nhiên một cách tự động nữa. Vị thế áp đảo của Windows đang bị đe doạ một mất một còn. Kỷ nguyên mà Windows được cài đặt trên mỗi máy tính cá nhân trên bàn mỗi người đã lỗi thời và đang đi tới hồi kết cùng với sự ra đi của người khai sinh ra nó, Bill Gates.
Để cải thiện tình hình, Microsoft đã phải tiến hành hàng loạt những sự thay đổi, nào là hạ giá thành của Windows Vista, nào là gia hạn sử dụng cho Windows XP Home (Xem: Hệ điều hành nguồn mở GNU/Linux đã cứu sống Windows XP như thế nào? trên trang 62, tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 07/2008), nhưng quan trọng hơn cả là việc Microsoft đã và đang triển khai một loạt dự án phát triển hệ điều hành khác cùng một lúc như Windows 7, Singularity và nhất là Midori.
Với Windows 7, dự kiến sẽ ra đời không muộn hơn nửa đầu năm 2010, Microsoft hy vọng có thể thay thế cho Windows Vista và/hoặc XP mà bỏ qua luôn Windows Vista.
Tuy nhiên, nhiều người không tin rằng Windows 7 có thể thay thế tốt được cho Windows XP và Vista vì nguyên nhân chính của sự không thành công gần đây của họ các hệ điều hành Windows có liên quan tới thiết kế ban đầu của chính Windows. Nếu như những hệ điều hành GNU/Linux về bản chất luôn được thiết kế để chạy trong môi trường mạng với nhiều người sử dụng thì Windows từ thiết kế ban đầu là để cho mục đích mà vì nó đã tạo nên sự thống trị của Microsoft trên máy tính để bàn ngày hôm nay: “Mỗi máy tính cá nhân cài đặt sẵn Windows trên bàn làm việc của mỗi người”, một thiết kế dành cho một người sử dụng. Nếu như các hệ điều hành GNU/Linux luôn được thiết kế theo các thành phần module có thể dễ dàng thêm bớt chỉnh sửa được thì Windows lại gắn quyện mã nguồn với các dữ liệu và sau hơn 2 chục năm tồn tại đã trở thành một thứ nguyên khối đồ sộ, cồng kềnh khó có thể tuỳ biến được, làm tăng sự mất an toàn, giảm tốc độ thực thi, tính tương hợp với các hệ thống khác kém và tăng yêu cầu về phần cứng một cách thái quá so với những đối thủ cạnh tranh khác. Đó là chưa kể tới những yếu tố khác, nhất là hệ thống chính sách cấp phép phức tạp và giá thành bản quyền phần mềm quá cao, thứ luôn nằm trong nỗi bận tâm của mọi người sử dụng ở mọi quốc gia trên thế giới.
Với sự phát triển của những công nghệ mới như Web 2.0, máy tính đám mây, phần mềm như một dịch vụ SaaS, mọi công việc đều có thể được thực hiện thông qua việc kết nối, truy cập Internet thì các phần mềm tự do nguồn mở nói chung, hệ điều hành GNU/Linux nói riêng, có ưu thế vượt trội vì chúng vốn tự nhiên là các hệ điều hành mạng và vì tính có thể tuỳ biến nhỏ gọn tới mức tối thiểu của chúng để chạy trên những phần cứng cấu hình cấu hình thấp với bộ vi xử lý sử dụng ít năng lượng như Atom của Intel trong các thiết bị di động và cầm tay đủ loại có kết nối Internet, điều thực sự khó khăn đối với các hệ điều hành Windows.
Singularity là một dự án nghiên cứu hệ điều hành của Microsoft, được khởi đầu từ năm 2003 để tạo nên một hệ điều hành mà trong đó nhân (kernel), các trình điều khiển thiết bị và các ứng dụng được viết trong các mã được quản lý. Khác với các hệ điều hành Windows, Singularity được thiết kế ngay từ đầu cho một môi trường mạng nhiều người sử dụng và theo dạng module thành phần, tách biệt phần mã nguồn với phần dữ liệu. Singulariry tuân thủ theo Thoả thuận giấy phép nghiên cứu của Microsoft – MSR-LA (Microsoft Research License Agreement), một giấy phép phi thương mại thường dành cho các nhà lập trình phát triển. Với giấy phép này, bạn có thể sử dụng, sao chép, tái tạo lại, và phân phối cho các mục đích nghiên cứu phi thương mại. Chính vì vậy người ta còn gọi Singularity là một hệ điều hành nửa “nguồn mở”. Singularity 1.0 đã được hoàn thành vào năm ngoái. Mã nguồn và mọi thông tin liên quan, bạn có thể xem trên: http://www.codeplex.com/singularity. Singularity được trông đợi sẽ làm nên một cuộc cách mạng mới về hệ điều hành của Microsoft cho tương lai.
Còn Midori là một nhánh nghiên cứu của hệ điều hành Singularity, vì thế cũng như Singularity, các công cụ và thư viện của Midori là các mã hoàn toàn quản lý được. Quan trọng là Midori được thiết kế để chạy trực tiếp trên các phần cứng vốn có (x86, x64 và ARM). Kịch bản của việc thay thế Windows được dự kiến tiến hành trong 3 bước: bước đầu là Midori có thể chạy được trong Windows; bước tiếp sau là chế độ mà Midori có thể được vận hành trực tiếp hoặc song song với Windows và bước cuối cùng là biến Midori thành một hệ điều hành không bị phụ thuộc gì vào những thứ đã có trong quá khứ và sử dụng những công nghệ đặc biệt dựng sẵn bên trong Midori để chạy Windows trên một máy ảo. Để hoàn tất được kế hoạch này, các chuyên gia cho rằng Microsoft cần phải mất 5 năm, nghĩa là cho tới năm 2013, và khi đó mọi thứ có thể đã là muộn đối với bản thân Microsoft và các hệ thống công nghệ thông tin dựa trên Windows.
Hệ điều hành nào sẽ chính thức thay thế cho Windows vẫn còn chưa thật rõ, nhưng ý tưởng về lâu dài để thay thế Windows đang được chính Microsoft gấp rút tiến hành, lại là một thông điệp rõ ràng mà mỗi người quản trị hệ thống và người ra quyết định về chính sách công nghệ thông tin cần biết để có những phương án chuẩn bị cho mình trong tương lai, theo cách chủ động và hiệu quả nhất.
Trần Lê
PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 8/2008, trang 78.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...