Sự kiện 'màn hình đen' và bài học nhãn tiền

Thứ bảy - 15/11/2008 07:17
Trong những tuần qua, cư dân mạng xôn xao bàn tán về động thái “màn hình đen”, một chiêu trong chiến dịch chống vi phạm bản quyền đối với các phần mềm như Windows hay Office của Microsoft.

Chiến dịch chống vi phạm bản quyền dạng này là quen thuộc đối với thế giới, nhưng là lần đầu tiên xuất hiện tại một số quốc gia như Việt Nam hay Trung Quốc. Chiến dịch này đi cùng với những công cụ với những cái tên đẹp như: “Windows Genuine Advantage” (WGA), tạm dịch là “Giành thuận lợi cho Windows chính hiệu” và “Office Genuine Advantage” (OGA), tạm dịch là “Giành thuận lợi cho Office chính hiệu”, mà tác dụng chính của nó là để phát hiện trên máy tính cá nhân của người sử dụng có hay không các phần mềm vi phạm bản quyền. Nếu là các phần mềm vi phạm bản quyền, thì màn hình sẽ biến thành màu đen sau mỗi giờ đồng hồ, nhằm nhắc nhở người sử dụng phải tuân thủ bản quyền phần mềm, hướng họ tới việc hoặc phải bỏ tiền mua các phần mềm có bản quyền mà họ đang sử dụng bất hợp pháp của Microsoft, hoặc phải chọn cho mình một giải pháp thay thế khác, ví dụ như chuyển sang sử dụng các hệ điều hành nguồn mở GNU/Linux và/hoặc bộ phần mềm văn phòng nguồn mở như OpenOffice.org chẳng hạn.

Khoan hãy bàn về phương thức này là đúng hay sai, cần khẳng định một điều rằng việc sử dụng các phần mềm không có bản quyền là một điều sai trái, rất cần được khắc phục, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đã ký kết các văn bản có liên quan khi gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO, mà nay Việt Nam đã là một thành viên chính thức.

Phản ứng của các cư dân mạng ở ta rất khác nhau, dưới đủ mọi trạng thái hỷ, nộ, ái, ố. Dưới đây ghi lại một số ý kiến trên một diễn đàn, mà các cư dân mạng đã từng đưa ra: rằng chúng ta thực sự sắp “toi”; rằng chúng ta chắc lại phải bỏ tiền tiếp ra mà mua Windows như đã từng được nhiều người cảnh báo trước từ hơn một năm qua, khi chính phủ ký mua bộ phần mềm văn phòng Office chỉ có thể chạy được trên hệ điều hành Windows của Microsoft; rằng cái tư duy kiểu như “chỉ cần mua Microsoft Office, còn hệ điều hành Windows thì đương nhiên là được cấp có bản quyền khi mua máy tính” sẽ được kiểm chứng là đúng hay là sai; rằng muốn dùng đồ “xịn” thì đương nhiên phải trả tiền; rằng điều này sẽ là một thảm hoạ đối với người sử dụng phần mềm của Việt Nam; rằng trong cái rủi luôn có cái may, rằng hô hào mấy năm sử dụng các phần mềm tự do nguồn mở không bằng một chiêu này của Microsoft; rằng những người nào đã chuyển sang sử dụng các phần mềm tự do nguồn mở như hệ điều hành GNU/Linux Ubuntu, Asianux hay bộ phần mềm văn phòng OpenOffice.org không có cái hân hạnh được hưởng cái chiêu này của Microsoft; thậm chí có cả ý kiến độc đáo cho rằng chúng ta nên mở ra một cuộc thi có trao giải thưởng hẳn hoi để vinh danh cho tập thể hoặc cá nhân nào đó “hack” được chiêu này của Microsoft.

Đó là với cư dân trên mạng, còn các tổ chức nghề nghiệp như Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội phần mềm Việt Nam và cơ quan chính phủ có liên quan, cho tới nay, đều chưa đưa ra những thông tin chính thức nào về việc này.

Black Screen

Cũng như là phản ứng tự nhiên của người đi sau, ta thử nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, xem họ sử sự ra sao trong tình huống này qua các thông tin được đưa lên mạng Internet.

Phó chủ tịch Yan Xiaohong của Cơ quan Bản quyền Quốc gia (NCA) nói cơ quan của ông một mặt ủng hộ động thái bảo vệ bản quyền, bao gồm cả bản quyền các phần mềm của Microsoft, nhưng việc đưa ra các phương thức để thực hiện là phải phù hợp mà liệu pháp 'màn hình đen' chưa chắc đã đáp ứng được điều này tại Trung Quốc.

Những chuyên gia máy tính nổi tiếng của Trung Quốc bao gồm cả Nghê Quang Nam, một quan chức của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã kêu gọi những người sử dụng máy tính Trung Quốc sử dụng các bộ phần mềm văn phòng quốc nội như của Kingsoft, Evermore hay Red Office hoặc sử dụng bộ phần mềm văn phòng OpenOffice 3.0 vừa mới được tung ra (có triển khai tiêu chuẩn quốc tế về định dạng tài liệu mở ODF, có cả bằng phiên bản đã đơn giản hoá và phiên bản truyền thống bằng tiếng Trung, chạy cả trên Windows và Linux, và sẵn sàng để tải về miễn phí), thay vì các bản không có giấy phép các sản phẩm của Microsoft.

Bản thân các doanh nghiệp Trung Quốc có các sản phẩm tương tự thì coi đây là một cơ hội kinh doanh hiếm có. Giám đốc quan hệ công chúng của Kingsoft nói rằng đã có 120,000 lượt tải về hàng ngày từ Internet “WPS Office”, phần mềm giống như “Microsoft Office” được phát triển bởi hãng Kingsoft Ltd. so sánh với 50,000 tới 60,000 bản tải về trước khi có động thái gây tranh cãi này của Microsoft. Nhân cơ hội này, hãng còn đưa ra một quảng cáo “Từ chối màn hình đen, nói 'không' với sự đe doạ”như là bằng chứng cho việc Kingsoft dường như đã dự đoán được cơ hội kinh doanh này.

Nhiều người cho rằng việc vi phạm bản quyền phần mềm ảnh hưởng tới các công ty phần mềm sở hữu độc quyền bao nhiêu, thì nó cũng ảnh hưởng tới các nhà cung cấp phần mềm nguồn mở bấy nhiêu. Đơn giản vì càng thẳng tay trừng trị nạn vi phạm bản quyền bao nhiêu, thì người ta lại càng thường chuyển sang nguồn mở bấy nhiêu. Vì vậy lời khuyên tốt nhất cho các nhà cung cấp phần mềm sở hữu độc quyền là hãy chấm dứt việc bỏ thời gian kêu ca về sự vi phạm bản quyền để lấy thời gian đó mà cạnh tranh về kỹ thuật với các phần mềm nguồn mở.

Người ta nhắc lại rằng vào năm 1998, người đồng sáng lập ra Microsoft là Bill Gates đã nói với các phương tiện thông tin đại chúng: “Dù khoảng 3 triệu máy tính được bán ra mỗi năm tại Trung Quốc, mọi người không trả tiền cho phần mềm. Dù thế, một ngày nào đó họ sẽ phải. Nếu họ định ăn cắp nó, chúng tôi muốn họ ăn cắp của chúng tôi. Họ sẽ trở nên nghiện, và sau đó chúng tôi sẽ tìm cách nào đó chỉ ra cách để thu [tiền] về trong 10 năm sau”.

Một chục năm sau, Nghê Quang Nam, một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ máy tính của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và cũng là một viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc, đã nói: “Màn hình đen dạy chúng ta một bài học tốt hơn là tất cả các bài giảng khác. Bây giờ mọi người hiểu vì sao Trung Quốc cần các phần mềm của riêng mình, đặc biệt là các chương trình cơ bản... Những thứ tồi tệ hơn có thể sẽ xảy ra trong tương lai chăng?”.

Tổ chức Máy tính Trung Quốc (China Computer Federation, có lẽ nó giống như Hiệp hội các doanh nghiệp điện tử hay Hội Tin học Việt Nam chăng?) đã đưa ra một tuyên bố công khai lên án các động thái này của Microsoft, tuyên bố rằng Microsoft đã xâm phạm tới đạo đức cơ bản của các nhà lập trình phát triển bằng sự kiểm soát máy tính từ xa không được yêu cầu, rằng “Không phù hợp để đưa ra các biện pháp phi pháp để làm việc với (sự vi phạm bản quyền), và công chúng sẽ không chấp nhận động thái màn hình đen”. Tổ chức này đã gợi ý cho chính phủ hạ lệnh cho Microsoft phải dừng động thái màn hình đen và thanh tra sự độc quyền của nước ngoài tại thị trường phần mềm Trung Quốc. Tổ chức này đã cảnh báo rằng an ninh quốc gia bị đe doạ nếu quốc gia thiếu các hệ điều hành máy tính và các ứng dụng văn phòng của riêng mình.

Ở một góc độ khác, Dong Zhengwei, một luật sư 35 tuổi ở Bắc Kinh, đã đệ trình lên Cơ quan Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại một đề xuất gợi ý phạt 1 tỷ USD đối với Microsoft.

Trong tương lai, có thể có những chiêu khác với chiêu 'màn hình đen' này. Hy vọng, các cơ quan Chính phủ có liên quan, giới hàn lâm khoa học, các công ty, cộng đồng và người dân chúng ta cũng có thể có được một bài học cho mình qua sự việc này và về cách hành xử trong vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ nói chung, chống vi phạm bản quyền phần mềm nói riêng sao cho phù hợp nhất về quyền lợi trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Và trên hết, chúng ta sẽ khẳng định được một chiến lược đúng đắn để phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin nói chung, phần mềm nói riêng cho Việt Nam trong tương lai.

Tán Thủ

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 11/2008, trang 64-65.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay13,108
  • Tháng hiện tại461,887
  • Tổng lượt truy cập36,520,480
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây