Nước Mỹ sử dụng phần mềm tự do nguồn mở (FOSS) như thế nào?

Thứ sáu - 14/11/2008 06:45
Đã thành thói quen, khi nói về những thứ liên quan tới công nghệ thông tin và truyền thông, mọi người đều nhìn vào nước Mỹ, mà điều này chẳng mấy khi sai vì hầu như mọi thành tựu của ngành này đều gắn liền với những tên tuổi các công ty, các cơ quan, tổ chức trong chính phủ và/hoặc các cá nhân Mỹ.

Từ phần cứng, phần mềm, thiết bị ngoại vi, thiết bị nhúng, tới các công nghệ mạng Internet, Wifi, Wimax, rất nhiều thứ đều có xuất xứ từ Mỹ. Phần mềm tự do nguồn mở (FOSS) cũng không là một ngoại lệ.

Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều ý kiến xung quanh việc sử dụng FOSS, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng FOSS chỉ được sử dụng để làm từ thiện, ở những quốc gia nghèo, đang phát triển, trong những lĩnh vực không quan trọng, không mang tính sống còn, ở những nơi không đòi hỏi số lượng lớn, tần suất cao và vân vân.

Và cũng như một thói quen, người ta lại nhìn vào nước Mỹ để mong tìm ra được câu trả lời đúng cho vô số những lý do nêu trên. Và đây là những gì mà chúng ta có thể thấy được một phần để trả lời cho những câu hỏi đó:

  1. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA sử dụng hệ điều hành GNU/Linux như là chuẩn de facto cho sự lựa chọn đối với các hệ thống máy tính tốc độ thực thi cao HPC (High Performance computing) mà không hệ điều hành nào khác, kể cả là Unix, OS X hay Windows có thể thay thế được. Để phân tích và xử lý hàng terabytes các dữ liệu cơ bản cho dự án nghiên cứu vũ trụ, NASA sử dụng hệ thống của SGI Altix chạy Linux. Hiện nay NASA cũng đang phát triển dự án nguồn mở có tên là CosmosCode để cung cấp một điểm truy cập chung cho các cá nhân, viện sĩ hàn lâm, các công ty và các cơ quan hàng không trên thế giới sử dụng, đóng góp hoặc hỗ trợ việc sử dụng lại, module hoá hoặc mở rộng các tiêu chuẩn hướng vào các phần mềm khai thác trong không gian vũ trụ.

  2. Hệ thống chiến đấu của quân đội trong tương lai FCS (Army's Future Combat Systems) của Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan trực thuộc Bộ như cơ quan hệ thống thông tin quốc phòng DISA và cơ quan an ninh quốc phòng DIA đều sử dụng các công nghệ mở và về lâu dài, tất cả các mạng của quân đội Mỹ sẽ là dựa trên Linux. Bộ này cho rằng các phần mềm nguồn mở có những lợi ích tiềm tàng như giá thành hạ, tính mềm dẻo trong sử dụng và sửa đổi, và không bị khoá trói vào các nhà cung cấp nào. Vào tháng 12/2007, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tổ chức một hội nghị về nguồn mở, trong đó khẳng định rằng phần mềm nguồn mở là một phần của hệ thống mạng được tích hợp, kết nối và cho phép hệ thống điều hành và kiểm soát của quân đội Mỹ làm việc một cách có hiệu quả hơn. Hiện tại, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa nguồn mở vào một đạo luật cho năm tài chính 2009 vì mục đích cắt giảm chi phí và tăng cường an ninh. Một uỷ ban của Quốc hội còn khuyến khích Bộ này dựa vào các phần mềm nguồn mở một cách rộng rãi hơn nữa và thiết lập nó như một tiêu chuẩn cho sự phát triển phần mềm bên trong Bộ.

  3. Trong ngày hội công nghệ thông tin của Hải Quân Mỹ được tổ chức vào tháng 03/2008, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ phụ trách về công nghệ thông tin, khẳng định việc Hải quân Mỹ sẽ chỉ xây dựng các hệ thống dựa trên các công nghệ và tiêu chuẩn mở, và cho rằng những ngày công nghệ sở hữu độc quyền phải được chấm dứt với lý do chỉ với các hệ thống như vậy mới giúp họ bắt kịp các công nghệ tiên tiến nhất, và nếu đi sau trong công nghệ, thì đối thủ trong tương lai sẽ là người áp đặt điều kiện được đối với họ.

  4. Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ cá nhân của 1,2 triệu quân nhân Mỹ trên toàn cầu được xây dựng bằng công nghệ web để có thể truy cập được từ bất cứ đâu, chạy trên hệ điều hành GNU/Linux Red Hat Enterprise AS từ năm 2002 và hệ điều hành này đã trở thành phát tán GNU/Linux đầu tiên được chứng nhận như là môi trường hệ điều hành chung cho hạ tầng thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ – DII COE vào tháng 02/2003.

  5. Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO mà quân đội Mỹ là một thành viên sử dụng định dạng tài liệu mở ODF, là định dạng tệp mặc định của một số bộ phần mềm văn phòng nguồn mở như OpenOffice.org, KOffice, Lotus Symphony..., như một tiêu chuẩn bắt buộc trong khối.

  6. Bộ An ninh Quốc nội Mỹ trong năm 2008 đã đưa ra một báo cáo về những lợi ích của những nỗ lực về an ninh nguồn mở của Bộ và khẳng định rằng các phần mềm nguồn mở đang ngày càng trở thành một phần của hạ tầng mang tính sống còn cả trong chính phủ lẫn trong các doanh nghiệp Mỹ. Bản thân Bộ này đã tài trợ và góp phần làm giảm mật độ lỗi trong 250 dự án nguồn mở với 16% trong vòng 2 năm vừa qua.

  7. Thị trường chứng khoán số 1 thế giới là New York đã và đang đầu tư mạnh mẽ từ năm 2007 vào các hệ thống chạy trên hệ điều hành nguồn mở GNU/Linux trên các máy tính dòng x86 và các máy chủ dẹt trong việc xây dựng hệ thống thương mại cho thị trường hỗn hợp NYSE vì các mục tiêu về tính mềm dẻo, giá thành thấp và quan trọng nhất là kiến trúc máy tính mới không phụ thuộc vào công nghệ.

  8. Nhóm các ngân hàng Metropolitan (Metropolitan Bank Group), có trụ sở chính ở bang Illinois với 10 ngân hàng đã tìm cách hạ giá thành và tăng hiệu quả cho sự tăng trưởng nhanh của nhóm này bằng việc chọn giải pháp chuyển đổi hệ điều hành và hệ thống thông tin của nhóm từ Windows sang GNU/Linux.

  9. 25% máy tính để bàn và một nửa các trung tâm dữ liệu, nơi tập trung các máy chủ dịch vụ, của 500 công ty hàng đầu thế giới đã và đang chuyển sang sử dụng Linux vì an ninh được đảm bảo hơn và giá thành tổng sở hữu là thấp hơn. Theo một báo cáo gần đây của hãng IDC thì khoảng 11% các doanh nghiệp tại nước Mỹ đang sử dụng Ubuntu, một phát tán hệ điều hành GNU/Linux nổi tiếng hiện nay cho các máy tính cá nhân để bàn. Nước Mỹ cũng là nơi tập trung các công ty hàng đầu về công nghệ thông tin chuyên cung cấp các giải pháp, sản phẩm FOSS và/hoặc có liên quan tới FOSS như Sun Microsystems, IBM, HP, Intel, Google, Yahoo, Skype, Novell và rất nhiều các công ty khác.

  10. Thư viện quốc hội Mỹ, nơi hàng ngàn tài liệu nhà nước hiếm có, liên quan tới lịch sử của nước Mỹ được lưu giữ và đang dần bị mục nát, đã bắt đầu một dự án đầy tham vọng nhằm số hoá toàn bộ các tài liệu mong manh này bằng việc sử dụng các hệ thống dựa trên Linux và xuất bản các kết quả trực tuyến ở nhiều định dạng khác nhau. Họ khẳng định rằng các phần mềm nguồn mở sẽ đóng một vai trò “tuyệt đối sống còn” trong việc hoàn thành công việc số hoá này.

  11. Hưởng ứng phong trào mỗi học sinh một máy tính được phát động vào năm 2006, hệ thống trường học lớn thứ 8 ở Mỹ tại San Diego, California, nơi có 130,000 học sinh và 7,000 giáo viên đang triển khai dự án phân phối 100,000 máy tính xách tay Linux do hãng Lenovo cung cấp và tuỳ biên cho phù hợp với điều kiện học tập của các học sinh tại đây nhằm giảm sự phân cách số tại quốc gia này; trong việc chuyển đổi sang nguồn mở, San Diego liên kết với một số các hệ thống trường học để mở rộng các tài nguyên máy tính để nhiều người có thể sử dụng được hơn. Hơn 20.000 học sinh ở bang Indiana hiện đang sử dụng Linux theo một chương trình mà bang này tài trợ để triển khai các máy tính trạm giá thành hạ và dễ dàng quản lý, mà chúng đang chạy một loạt các hệ điều hành nguồn mở như như Novell SuSE, Red Hat và Ubuntu; trong năm 2008, bang này dự kiến việc triển khai máy tính để bàn Linux sẽ tăng từ 24 lên 80 trường học bởi giá thành rẻ, chức năng cao hơn và những thành công tới sớm. Thành phố Birmingham, bang Alabama, Mỹ đang triển khai một dự án với 15,000 máy tính xách tay OLPC chạy hệ điều hành Linux có khả năng truy cập Internet thông qua công nghệ kết nối WiFi cho các học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 trong hệ thống trường học của thành phố; một số máy đã được triển khai sớm vào tháng 03 năm nay, số còn lại sẽ tiếp tục vào đầu năm học 2008-2009. Đó là những ví dụ điển hình, còn tại một số trường khác, ở các bang khác như Missouri, Georgia và nhiều nơi khác cũng diễn ra những chuyển đổi sang Linux nhưng ở trên một phạm vi nhỏ hơn. Tại những nơi này, họ nhận thấy nguồn mở đưa ra hỗ trợ tốt hơn, giá thành cài đặt rẻ hơn, và giá trị đào tạo được nâng cao.

Hiện nay, trong lúc nền kinh tế đang suy thoái trên toàn cầu, và điều ngẫu nhiên, nó lại cũng được bắt đầu từ Mỹ, nhiều người Mỹ muốn thực hiện việc cắt giảm chi tiêu nhưng vẫn muốn duy trì và phát triển các hệ thống thông tin của họ bằng việc tìm tới các giải pháp công nghệ mở và phần mềm nguồn mở như đã từng xảy ra vào thời kỳ suy thoái của công nghệ thông tin vào những năm 2000-2001 khi mà SourceForge.net, một site chuyên về FOSS đã cho thấy một biểu đồ các bản tải về các phần mềm nguồn mở vào cuối năm 2000 và 2001 là tăng nhanh một cách đột ngột. Thậm chí, chủ tịch của tổ chức Linux Foundation là Jim Zemlin còn cho rằng giá thành thấp hơn là trọng tâm của cuộc chơi trong công nghệ thông tin vào thời kỳ khó khăn kinh tế như hiện nay và ông đoán trước điềm tốt lành cho Linux vì nó là “đúng giá”.

Giám đốc điều hành Jim Whitehurst của hãng Red Hat khi viếng thăm Sydney, Úc vào giữa tháng 10 vừa qua thì cho rằng khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ cung cấp một đòn bẩy cho các phần mềm nguồn mở phát triển và làm cho nguồn mở sẽ được định hình tốt hơn nhiều, khi so sánh một cách tương đối với các đối thủ cạnh tranh sở hữu độc quyền.

Điều này không chỉ đúng với những hãng phần mềm nguồn mở lớn như Red Hat hay Novell, mà cả với những hãng phần mềm nhỏ như trường hợp của Marketcetera, một hãng phần mềm nguồn mở chuyên về các vấn đề tích hợp hệ thống. Hãng này cho rằng rất có ý nghĩa trong việc cung cấp một nền tảng ứng dụng cho các hệ thống thương mại bằng nguồn mở vì khách hàng sẽ có được tính mềm dẻo và sự kiểm soát mà họ không có từ các giải pháp sở hữu độc quyền mà giá thành lại không cao và có khả năng tuỳ biến được hệ thống theo nhu cầu khi cần, nhất là trong điều kiện khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

Một ví dụ điển hình khác là tại thành phố New York, để vượt qua được những ngân sách eo hẹp và một viễn cảnh kinh tế khó khăn, chính quyền thành phố này đã xây dựng Phòng thí nghiệm giải pháp nguồn mở đặt tại khu Manhattan ở Đại học Thiết kế và Phát triển Phần mềm CUNY với sự hợp tác của hãng hàng đầu thế giới về nguồn mở Red Hat về cung cấp các phần mềm nguồn mở, Đại học thành phố New York về nhân sự và hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới Intel về cung cấp phần cứng. Phòng thí nghiệm này là nơi mà các cán bộ công nghệ thông tin của chính quyền thành phố có khả năng thử nghiệm mã nguồn các ứng dụng nguồn mở nhằm đáp ứng được các nhu cầu của họ trong khi vừa tiết kiệm được tiền.

Với những thông tin được liệt kê ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng FOSS hoàn toàn sử dụng được ở những nơi mang tính sống còn, cần đảm bảo những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và độ chính xác cao, cần đảm bảo an ninh và độ tin cậy cao, cần có số lượng giao dịch cao trong một đơn vị thời gian, những nơi có mức độ rủi ro về tài chính lớn, để quản lý số lượng dữ liệu cỡ lớn, với số lượng người sử dụng cùng một lúc là không giới hạn. Mặt khác, nó cũng được sử dụng ở những nơi có ngân sách eo hẹp, để xoá đi sự phân cách số, để nhiều học sinh hơn, nhiều người hơn có khả năng tiếp cận được với công nghệ thông tin và kho tri thức khổng lồ trên Internet được dễ dàng và thuận tiện hơn nhằm tạo ra một môi trường học tập phong phú và lành mạnh hơn, và trên hết tất cả, là cho các học sinh, thế hệ tương lai của nước Mỹ sau này.

FOSS không hề thua kém so với những phần mềm sở hữu độc quyền và rất có thể, rất khác với những gì chúng ta tưởng tượng và được nghe về chúng tại Việt Nam.

Trần Lê.

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 11/2008, trên trang 67-69.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập251
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm249
  • Hôm nay45,430
  • Tháng hiện tại494,871
  • Tổng lượt truy cập38,021,695
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây