Phiếu Trắng

Thứ bảy - 08/09/2007 08:16

Ngày 2/9/2007, đại diện Việt Nam đã bỏ phiếu trắng cho việc thông qua để trở thành chuẩn cho cái định dạng tài liệu OOXML do Microsoft đề xuất. Định dạng tài liệu này đã được Microsoft áp dụng cho bộ phần mềm văn phòng MS Office 2007, và đã được Hội Các Nhà Sản xuất Máy tính Châu Âu (ECMA) chấp thuận là chuẩn ECMA 376.

Cuộc bỏ phiếu ngày 2/9 đã chấm dứt một cuộc vận động dài trong giới CNTT Việt Nam về việc Có hay Không cho lá phiếu mà Việt Nam sẽ bầu chọn, dù rằng chúng ta chỉ là quan sát viên tại ISO. Có sự vận động tích cực từ phía “nguyên đơn”, có phản bác từ cộng đồng nguồn mở, có ý kiến trung dung trên quan điểm công nghệ của các chuyên gia, ... Và cuối cùng “phiếu trắng” dường như đã phản ánh đúng tình thế của chúng ta trong câu chuyện này.

Xét về mặt công nghệ, 6000 trang tài liệu đặc tả định dạng OOXML cần phải được đánh giá trong một thời gian ngắn đã làm bối rối không chỉ các nước có nền công nghiệp phần mềm cỡ châu lục mà cả các nước lớn trên thế giới. Lá phiếu dù Có hay Không của Việt Nam, xét trên năng lực đánh giá này, đều là không tự biết mình.

Xét về mặt năng lực khai thác giá trị lưu trữ thì hầu hết tài liệu đang có của chúng ta, bất kể thuộc cá nhân, giới doanh nghiệp, tổ chức xã hội, hay chính phủ, đều ở dạng thô sơ mà một cách thô thiển có thể mô tả “không hơn gì được làm ra bằng máy chữ”. Tài liệu đó không cần những công cụ tuân thủ chuẩn OOXML để có thể tái sử dụng khi mà công cụ làm ra chúng, các MS Office cũ, không còn được hỗ trợ lưu hành. Lá phiếu Có của chúng ta trong trường hợp này là một sự xa xỉ.

Xét về quan hệ của các cơ quan Chính phủ với Microsoft, một cách hình thức, phiếu Có là cần thiết khi mà hàng loạt các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp quốc doanh đã sốt sắng tuân thủ luật bảo vệ bản quyền bằng cách mua riêng cho mình các sản phẩm đáp ứng OOXML bất kể việc tiếp tục sản sinh ra các tài liệu bằng phương thức dùng các sản phẩm đó thay cho máy chữ.

Xét về quan hệ của xã hội bao gồm những cá thể và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh từ càng nhiều nhà cung cấp phần mềm càng tốt để có tỷ suất hiệu năng/chi phí cao trong điều kiện đã có chuẩn ISO ODF về định dạng tài liệu. Định dạng này đã được xây dựng từ nhiều nhà cung cấp phần mềm lớn, với bộ tài liệu đặc tả ngắn gọn rõ ràng, được chấp thuận một cách rộng rãi. Từ mặt đánh giá này thì lá phiếu Không là đúng đắn.

Xét từ bài học mà chính Microsoft dạy cho toàn thế giới rằng với một chiến lược đúng đắn, hợp thời, Microsoft đã biến được “chuẩn độc quyền hãng” thành “chuẩn thông dụng quốc tế”, nhờ thế góp phần đẩy vị thế Microsoft trở thành thống soái trong lĩnh vực này, đưa tăng trưởng và tuyệt đối tài chính Microsoft vượt trên cả các hãng công nghiệp có trăm năm tích luỹ tư bản, làm cho quyền lực của Microsoft có thể khuynh đảo cả những quốc gia. Chỉ dưới áp lực của xu thế mở hoá phần mềm Microsoft mới đưa chuẩn độc quyền hãng thành chuẩn pháp lý quốc tế ISO trong điều kiện còn rất nhiều khiếm khuyết được phát hiện, rất nhiều chi tiết không rõ ràng để có thể áp dụng thành công. Việc đó có thể bị xem là ý đồ tiếp tục dậy cho thế giới bài học cũ trong điều kiện mới, tiếp tục một thế giới đơn cực công cụ tài liệu. Từ cách nhìn nhận này việc bỏ phiếu Không là đương nhiên.

Trong điều kiện không đồng thuận xét từ nhiều thành phần và tổ chức xã hội, theo nhiều cách đánh giá, phiếu Trắng của Việt Nam là hợp lý, từ dự đoán cho tới thực tế.

Chỉ có điều đúng vào ngày mà trước đó 62 năm nước Việt Nam tuyên bố với thế giới rằng đã 80 năm gan góc chống ách thực dân, mấy năm đứng về phía đồng minh để giải phóng loài người khỏi ách phát xít, thì lá phiếu Trắng cho thấy ngày này chúng ta vẫn chưa xác định được đâu là đồng minh định dạng tài liệu để mà “đứng về phía” đó.

Phương Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập96
  • Hôm nay10,849
  • Tháng hiện tại583,711
  • Tổng lượt truy cập37,385,285
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây