Chia sẻ cùng bạn đọc về sử dụng OpenOffice.org trong các doanh nghiệp

Thứ bảy - 16/02/2008 08:39
Hôm qua, ngày 15/02/2008, tôi có nhận được email của bạn Hường (huonglt@vasc.com.vn) ở tạp chí e-CHIPS đề nghị chia sẻ với bạn đọc về bài viết trên http://www.vnexpress.net/Vietnam/Ban-doc-viet/2008/01/3B9FE3D3/ của bạn Trần Minh Tùng. Tôi nghĩ có thể chia sẻ về bài viết đó trên blog này như sau:

Chào bạn Hường,

Theo chỉ dẫn tham chiếu của bạn, tôi đã đọc bài bạn Trần Minh Tùng viết trên Vnexpress. Tất nhiên tôi không đồng ý với những ý kiến mà bạn đó đưa ra. Tôi không có ý định trả lời với từng chức năng mà bạn đó đưa ra, vì dù cho 2 bộ phần mềm Microsoft Office (MSO) và OpenOffice.org (OOo) có những tính năng như nhau nhưng chúng cũng có những tính năng không thật tương đương nhau, thậm chí có những tính năng chỉ có trong bộ phần mềm này mà không có trong bộ phần mềm kia và ngược lại. Bản thân Microsoft cũng thừa nhận bộ tính năng của OOo là tương đương với MSO (http://blog.360.yahoo.com/blog-LU.CUQA9b6gRyol5jVT.?p=663)

Điều quan trọng đối với một công ty là sử dụng bộ phần mềm nào có hiệu quả hơn mà thôi. Nếu một công ty (ví dụ như công ty chúng tôi), thấy sử dụng MSO mà phải bỏ tiền ra mua bản quyền thì không đáng, vì những gì chúng tôi sử dụng trên OOo là quá đủ, kể cả để làm việc trong một môi trường với đầy dẫy các tệp văn bản của các bộ phần mềm phiên bản khác nhau của MSO (tất nhiên là với các tệp .doc, .xls và .ppt trong các bộ MSO phiên bản từ 2003 trở về trước, chứ không phải các tệp .docx, .xlsx và .pptx trong bọ phần mềm MSO 2007) mà chúng tôi nhận được từ những người khác trong công việc hàng ngày.

Còn nói về việc OOo khó sử dụng thì tôi muốn đưa ra ở đây một so sánh nhỏ: Tôi không rõ có nhân viên văn phòng công ty nào ở Việt Nam mà trình độ sử dụng bộ phần mềm văn phòng để soạn thảo văn bản lại có thể kém hơn so với 577 nghị sĩ quốc hội của nước Pháp hay không? (http://blog.360.yahoo.com/blog-LU.CUQA9b6gRyol5jVT.?p=198, hoặc http://blog.360.yahoo.com/blog-LU.CUQA9b6gRyol5jVT.?p=17, hoặc http://blog.360.yahoo.com/blog-LU.CUQA9b6gRyol5jVT.?p=898). Tôi không dám khẳng định, nhưng chủ quan mà cho rằng các nghị sĩ đó chắc 2/3 là ở tuổi 45 trở lên và nghề nghiệp của họ chắc chắn tới 98% là không phải chuyên ngành công nghệ thông tin, thế mà họ không chỉ sử dụng OOo mà còn sử dụng hệ điều hành GNU/Linux Ubuntu nữa đó, một hệ điều hành có thể thay thế một cách ngon lành cho Windows.

Tôi tin cả bạn và tôi đều biết rằng chúng ta – những người Việt Nam vẫn thường được khen ngợi và tự khen mình là thông minh, và rằng lĩnh vực công nghệ thông tin là một lĩnh vực rất phù hợp với tư chất của người Việt Nam. Liệu chúng ta có thấy ngượng khi đem mình ra so sánh với các nghị sĩ Pháp trong việc sử dụng OOo hay không? Còn với các công ty, nếu không đem ra so sánh được với các công ty về công nghệ thông tin đang sử dụng GNU/Linux để thay thế cho hệ điều hành Windows và OOo (hoặc các bộ phần mềm văn phòng tự do nguồn mở tương tự khác) thay thế cho MSO ở Mỹ như Sun, IBM, HP, Google, Yahoo..., mà hãy so sánh với các công ty không thuộc lĩnh vực CNTT như Peogeot (Pháp), một số công ty ở Ấn Độ và Philippine (http://blog.360.yahoo.com/blog-LU.CUQA9b6gRyol5jVT.?p=826), trong đó có cả các ngân hàng (http://blog.360.yahoo.com/blog-LU.CUQA9b6gRyol5jVT.?p=203) ... chẳng hạn thì vì cái gì mà họ thì sử dụng được OOo còn các công ty của Việt Nam lại không sử dụng được?

Trong tài liệu: “Ai đang sử dụng OpenOffice.org” (Who is using OpenOffice.org) của Erwin Tenhumberg được trình bày tại Hội nghị Nguồn mở Thế giới cuối năm 2007 tại Tây Ban Nha thì trong cuộc khảo sát được tiến hành với 200,000 người trong vòng 2 tháng từ 13/07/2007 tới 13/09/2007 thì có tới hơn 20% sử dụng OOo ở cơ quan, trong số đó thì có hơn 65% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (với số nhân viên công ty <100 người), trong đó hơn 34% chỉ sử dụng OOo.

Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam là số 1 thế giới nhiều năm qua trong khi GDP trên đầu người của ta còn đâu đó ở con số 600-700USD/người. Điều này bạn biết, tôi biết, mọi người Việt Nam đều biết. Liệu có phải vì “ăn cắp” quá dễ nên thà “ăn cắp” còn hơn, chứ nếu công ty nào cũng mua bản quyền phần mềm MSO như bạn Tùng khuyến cáo thì liệu có bao nhiêu công ty Việt Nam có thể thực hiện được, nếu biết rằng có tới hơn 90% các công ty Việt Nam là vừa và nhỏ? Cũng còn một vấn đề nữa là bạn không thể cứ dùng mãi cái bộ MSO hôm nay bạn mua cho 10 năm sau vì trong thời gian này MSO có thể đã nâng cấp lên bộ phần mềm MSO khác rồi, điều chúng ta đều đã thấy với MSO 97, 2000, XP, 2003, nay là 2007 và mỗi lần nâng cấp đó là một lần bạn sẽ phải trả thêm tiền bản quyền nữa đấy. Và bạn cũng cần lưu ý thêm điều nữa là MSO chỉ có thể chạy được trên hệ điều hành Windows thôi (vì ở ta hầu như không có ai chạy máy Mac), trong khi OOo có thể chạy được cả trên Windows lẫn các hệ điều hành GNU/Linux, trong khi các hệ điều hành GNU/Linux là miễn phí bản quyền, còn Windows thì không.

Một khía cạnh khác quan trọng khác là định dạng tài liệu mà MSO 2007 đang sử dụng! Thế giới chỉ ra rằng trong thời đại ngày nay, chúng ta cần tới tính tương hợp trong các tài liệu văn phòng, để sao cho mọi công ty phát triển phần mềm có thể tạo ra các bộ phần mềm văn phòng sản sinh ra các tài liệu có thể đọc, ghi và trao đổi dễ dàng với nhau được mà không cần biết tới phần mềm ứng dụng văn phòng nào tạo ra các tệp tài liệu văn phòng đó. Điều này là có lợi vô cùng cho người sử dụng và cho sự đổi mới cũng như sự cạnh tranh trên thị trường. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phát triển Chính phủ điện tử mà mỗi người dân Việt Nam có máy tính lại phải mua bộ phần mềm MSO chứ không được lựa chọn bất kỳ bộ phần mềm văn phòng nào khác của một công ty phần mềm nào đó khác để có thể truy cập được tới các tệp tài liệu văn phòng mà chính phủ và các công ty sử dụng? Liệu có bao nhiêu người dân Việt Nam có khả năng như vậy? Hay chúng ta lại tiếp tục “ăn cắp”? trong một thế giới văn minh khi mà Việt Nam đã là một thành viên đầy đủ của WTO? Và giới công nghệ thông tin của Việt Nam làm gì để cải thiện việc này? Hay cũng đồng ý để cả cái nền công nghệ thông tin của quốc gia mình phụ thuộc vào chỉ duy nhất một nhà cung cấp phần mềm văn phòng?

Tôi không thấy bất kỳ lợi ích nào, cả cho doanh nghiệp của tôi, các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng như cộng đồng Việt Nam khi phải bị trói chặt vào chỉ một nhà cung cấp các bộ phần mềm văn phòng, trong khi có những lựa chọn khác tương tự về tính năng kỹ thuật và tốt hơn nhiều về các phương diện khác.

Triết lý ở đây không phải chỉ dừng lại ở việc sử dụng OOo hay MSO, mà là sử dụng các phần mềm tự do nguồn mở, vì chúng cho chúng ta trước hết là sự tự do, trong đó bao gồm ít nhất 4 quyền tự do sau:

1 Tự do sử dụng phần mềm với bất kỳ mục đích gì

2. Tự do phân phối lại phần mềm cho bất kỳ ai, bất cứ ở đâu

3. Tự do sửa đổi mã nguồn của phần mềm để phục vụ cho lợi ích của mình và của cộng đồng.

4. Tự do phân phối lại các bản đã được sửa đổi mã nguồn cho bất kỳ ai, bất cứ ở đâu, kể cả là có phí hoặc biếu không.

Vấn đề ở đây là sự tự do, trong đó có cả sự tự do bán phần mềm tự do nguồn mở và cung cấp các dịch vụ có phí liên quan tới phần mềm tự do nguồn mở đó.

Với những người sử dụng Việt Nam, những quyền tự do cơ bản trên sẽ mở cho ta con đường hội nhập mà không phải chịu điều tiếng là những kẻ “ăn cắp”, ít nhất là đối với những phần mềm thông dụng nhưng phổ biến như bộ phần mềm văn phòng và hệ điều hành trên các máy tính cá nhân để bàn mà từ trước tới nay, hầu hết mọi người chỉ biết tới MSO và Windows.

Nhân dịp năm mới 2008, chúc bạn một năm mới mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc và mọi sự như ý!

Trần Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Về Blog này

Blog này được chuyển đổi từ http://blog.yahoo.com/letrungnghia trên Yahoo Blog sang sử dụng NukeViet sau khi Yahoo Blog đóng cửa tại Việt Nam ngày 17/01/2013.Kể từ ngày 07/02/2013, thông tin trên Blog được cập nhật tiếp tục trở lại với sự hỗ trợ kỹ thuật và đặt chỗ hosting của nhóm phát triển...

Bài đọc nhiều nhất trong năm
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập229
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm220
  • Hôm nay3,668
  • Tháng hiện tại452,447
  • Tổng lượt truy cập36,511,040
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây